22/06/2018, 09:22

Tầm quan trọng của Hiệp ước Rome là gì?

Nguồn: “The significance of the Treaty of Rome”, The Economist , 24/03/2017 Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp Được ký 60 năm trước đây, hiệp ước này đã khai sinh ra Liên minh châu Âu hiện đại. Vào ngày 25/03/2017, người đứng đầu chính phủ các nước thuộc ...

Nguồn: “The significance of the Treaty of Rome”, The Economist, 24/03/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Được ký 60 năm trước đây, hiệp ước này đã khai sinh ra Liên minh châu Âu hiện đại.

Vào ngày 25/03/2017, người đứng đầu chính phủ các nước thuộc Liên minh Châu Âu đã tập hợp tại sảnh Sala Degli Orazi e Curiazi tráng lệ của tòa nhà Palazzo dei Conservatori tại Rome để đưa ra một tuyên bố trang nghiêm về sự thống nhất. Thời điểm đó mang đầy tầm quan trọng: đúng 60 năm trước, khi đám đông trông ngóng tụ tập dưới những chiếc ô bên ngoài Piazza del Campidoglio, các đại sứ đặc mệnh toàn quyền từ sáu nước Tây Âu – Pháp, Tây Đức, Italia, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg – đã tụ họp trong cùng một căn phòng để ký Hiệp ước Rome.

Hiệp ước năm 1957 này đã thành lập các thể chế tạo thành Cộng đồng Kinh tế châu Âu – bao gồm Uỷ ban châu Âu, Hội đồng Bộ trưở ng, Nghị viện Châu Âu và Tòa án Công lý Châu Âu (ECJ) – mà về sau trở thành Liên minh châu Âu (EU). (Một hiệp ước thứ hai được ký ngày hôm đó đã tạo ra Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu, sau đó được sáp nhập vào EU). Vậy tầm quan trọng của Hiệp ước Rome là gì?

Hiệp ước này nổi lên từ Cộng đồng Than – Thép châu Âu (ECSC) do sáu nước ký kết tại Paris năm 1951 khi tro tàn từ cuộc Thế chiến II vẫn còn âm ỉ. Theo lời của Robert Schuman, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, bằng cách hợp nhất sản xuất công nghiệp dưới một cơ quan quyền lực tập trung, ECSC đã được thiết kế để khiến chiến tranh là điều “không chỉ không thể nghĩ đến mà còn là bất khả thi”.

Hiệp ước này cũng dự định mở đường cho những hình thức hội nhập sâu hơn giữa sáu quốc gia. Có những trở ngại trên con đường đó: sự phản đối của các nghị sĩ Pháp vào năm 1954 đã giết chết Cộng đồng Quốc phòng châu Âu được đề xuất vào thời điểm đó, sau đó các chính phủ tập trung nỗ lực vào kinh tế và thương mại. Tại một hội nghị ở Messina, Sicily, vào năm 1955, sáu chính phủ đã thống nhất thiết lập một liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu. Một báo cáo tiếp theo của Paul-Henri Spaak, một nhà chính trị Bỉ, đã đưa ra lộ trình. Điều này tạo ra nền tảng cho Hiệp ước Rome.

Hiệp ước này đã thiết lập các hình thức hợp tác quốc tế vượt ra xa các cơ chế liên chính phủ quen thuộc với hầu hết các nhà ngoại giao. Hội đồng Bộ trưởng và Nghị viện Châu Âu (EP) nhường các vai trò ra quyết định cho chính phủ và quốc hội các nước thành viên (các cuộc bầu cử trực tiếp để bầu nghị sĩ cho EP được bắt đầu vào năm 1979). Nhưng Ủy ban châu Âu được trao quyền lực độc lập, bao gồm quyền đề xuất các dự luật của châu Âu và nghĩa vụ giám sát việc thực hiện các luật này. ECJ, với sự đồng thuận tuyệt đối của các nước thành viên, đã trở thành cơ quan tư pháp tối cao của châu Âu, và các đạo luật của các quốc gia thành viên phải kịp thời được chuyển đổi bởi theo các cam kết tại Rome. Các hiệp ước về sau đã mở rộng quyền hạn của các thể chế này, hướng tới cam kết được đưa ra tại Rome là tạo nên “một liên minh ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia châu Âu”.

Đối với những người ủng hộ Liên minh châu Âu, Hiệp ước Rome đánh dấu thời điểm người châu Âu hiểu rằng việc gìn giữ hoà bình và thịnh vượng trên lục địa này đòi hỏi phải có sự hy sinh chủ quyền quốc gia và sự cam kết tham gia các thể chế chung, và rằng hội nhập kinh tế sẽ đi trước hội nhập chính trị. Một số người hi vọng rằng, theo thời gian, nó sẽ được xem như “thời điểm Philadelphia” của EU (Philadelphia là nơi tổ chức hội nghị lập hiến của Hoa Kỳ – NBT), mặc dù ước mơ của những người theo chủ nghĩa liên bang thực sự đã bị cản trở nhiều lần.

Nhưng đối với những người hoài nghi châu Âu, hiệp ước này là thời điểm chứng kiến “tội lỗi gốc” của EU. Nhiều người chỉ trích như vậy đã được tìm thấy ở Anh, một đất nước đã mất nhiều năm để gia nhập câu lạc bộ này nhưng gần đây đã lựa chọn rời bỏ nó. (Theresa May, Thủ tướng Anh, đã không tham gia các sự kiện cuối tuần qua). Sau khi hiệp định được ký, tờ Manchester Guardian lúc đó đã có một cái nhìn rộng lượng: “Nếu Thị trường chung, cũng giống như Cộng đồng Than – Thép, phải bắt đầu hành trình của mình bằng cách trừng phạt nước Anh, chúng ta nên coi cử chỉ đó như là một phong tục của Cựu Lục địa”.

0