Tả cây hoa lan
– Bài số 1 Ba em là một người say mê cây cảnh. Trước sân nhà, ba dành hẳn một góc sân để bày biện chậu cảnh, có chậu toàn lá có sắc đỏ, có chậu xanh mướt, lá xếp từng tầng xòe như cánh sao biển. Phía trên cao, áp sát tường là mấy giò ...
– Bài số 1
Ba em là một người say mê cây cảnh. Trước sân nhà, ba dành hẳn một góc sân để bày biện chậu cảnh, có chậu toàn lá có sắc đỏ, có chậu xanh mướt, lá xếp từng tầng xòe như cánh sao biển. Phía trên cao, áp sát tường là mấy giò phong lan. Trong số đó, em thích nhất là giò phong lan màu trạng.
Cây hoa được trồng trong chậu đất có những lỗ tròn và treo lên giàn nhờ quai thao làm bằng dây thép. Thân cây to bằng hai ngón tay em, cao độ hơn một gang tay, màu xanh thẫm. Lá hoa phong lan thuôn dài, mọc đối xứng nhau trên thân cây. Chậu phong lan cỏ ba thân cây như thế nhưng chỉ có hai nhánh ra hoa. Từ chính giữa thân, một nhánh hoa to bằng đầu đũa, đâm thẳng lên cao. Mỗi nhánh này có năm sáu cái hoa lớn bé đang xòe cánh trắng muốt,phô nhụy hoa màu xanh cốm. Cánh hoa phong lan tròn, thon ở phần đài hoa, các cánh hoa chụm lại, ôm lấy phần nhụy hoa vươn thẳng ra ngoài. Nhụy hoa phong lan khá đặc biệt, nhụy có hình dạng hơi giống mầm giá đỗ, được đỡ bởi một cánh hoa bé xíu, tròn bằng móng tay màu tím than, nằm bên trong cánh hoa trắng. Trông nụ hoa thật kiều diễm, nổi bật giữa khu vườn. Hoa phong lan lâu tàn, hoa nở đã hai tuần mà còn tươi hơn hớn. Đó là nhờ ba em chăm tưới nước, bón phân cho hoa. Hoa phong lan có mùi thơm nhẹ, thoang thoảng hương mật ong và hương quả dứa. Hương hoa quyến rũ lũ ong bướm đến. Cánh bướm dập dềnh bên cánh hoa đẹp như tranh vẽ. Phong lan trông trong chậu lót xơ dừa và than củi, chỉ một ít xơ dừa và vụn than củi là đủ cho cây tươi tốt. Ngoài giờ đi làm, ba em lúi húi chăm sóc mấy cây hoa. Em cũng lăng xăng giúp ba tưới nước hoặc lây dụng cụ cho ba. Có mấy giỏ phong lan, góc cây cảnh của ba tươi hẳn lên. Ngắm hoa em thấy sảng khoái và thư thái vô cùng.
Giỏ phong lan làm tươi thêm cảnh sắc sân nhà. Không gian thoang thoảng hương thơm của hoa làm dịu bớt không khí bụi bặm, tù túng của phố thị. Hoa phong lan tươi rất lâu, em rất thích hoa phong lan là vậy.
– Bài số 2
Không hừng hực ngút ngát như hoa sữa, cũng không nồng nàn quyến rũ như hoa ly. Đó là cái mùi pha trộn một cách ý nhị giữa mùi hoa cau trong đêm trăng sáng với mùi hoa bưởi trong vườn khuya. Mùi hoa cau dưới trăng có vị ngòn ngọt, dịu dàng, mùi hoa bưởi trong vườn khuya thì đằm thắm ung dung mà kiêu sa xao xuyến, mùi hoa ngọc lan.
Trời đã vào thu, một chút nhớ thương theo gió heo may về đã mở những cánh hoa ngọc lan đầu mùa trước sân nhà, hương hoa theo gió vào tận mọi ngóc ngách tâm hồn, vào tận miền bâng khuâng đã từ lâu khép lại hẹn hò. Những chiếc lá mượt mà lay lay trong nắng, màu xanh non tơ mềm mại, không là màu biêng biếc của lá non cũng không xanh thắm của lá già, lá ngọc lan xanh trong thanh xuân,không bắt đầu cũng không kết thúc, cứ man man hờ hững mà đem sức sống phong phú cho vô vàn những bông hoa, bằng sự cần mẫn tha thiết của mình.
Lạ thật, giữa những khẳng khiu rạn nứt xù xì của thân, của cành, của nhánh bỗng bất ngờ trổ ra những búp non trằng trẻo, hồn nhiên, xinh đẹp, duyên dáng như có phép lạ. Những búp hoa thon thả trắng mượt đang ngóng nắng trong màu ngọc bích của lá non. Gió sẽ mang hương, nắng sẽ mang vị ngọt ướp vào nhụy hoa, khi những cánh xòe ra cũng là lúc hương thanh xuân phả vào trong gió một thứ mùi vị quyến rũ của đất trời. Búp hoa thuôn dài, cánh dày thơ dại ôm khít vào nhau tưởng như liền một khối, nhưng khi nắng trải vàng, những cánh hoa nhẹ nhàng hé mở, mùi hương bẽn lẽn lan ra đằm thắm dịu dàng như được tỏa ra từ cái màu trắng tinh khôi ấy. Hoa hàm tiếu mang vẻ e ấp quyến rũ, nhưng hoa mãn khai cũng không phô trương tự phụ. Hoa mang lại sự bình yên thanh thản, sự thong dong an nhàn…
Trở lại miền ấu thơ dịu ngọt, cây ngọc lan đứng ở góc sân vẫn vươn cành xanh lá, cái gốc nhỏ tưởng như không mang nổi thân cành sum sê mát rượi cả một khoảng sân là nơi chúng tôi ngồi “tắm hương”. Cái trò này do mấy chị tôi nghĩ ra, rồi sau đó trở thành nếp. Sau khi tắm gội, chúng tôi ra ngồi dưới gốc cây, trong cái miền thơm tho của vô số hoa ngọc lan mà tận hưởng sự tinh khiết thanh cao thấm đẫm vào tận phần sâu xa nhất của trái tim. Sau này, khi chìm nổi giữa cuộc đời, cái miền nhớ mênh mông đó đã làm dịu đi những nghiệt ngã,những thương đau, những ưu phiền trong cuộc sống. Mùi ngọc lan tha thiết không thể lãng quên.
Dù đứng khiêm tốn ở góc sân, an lạc trước cổng chùa hay thanh thản trong vườn, hoa ngọc lan vẫn giữ nguyên màu trắng tinh khiết và hương thơm bình yên ấy. Hoa vẫn thanh xuân, hương vẫn ngọt ngào và lá vẫn non tơ. Bãi cát, con đường, hàng dương hãy còn xa lạ nhưng hương ngọc lan thì gần gũi tha thiết biết bao. Tôi thấy lòng ấm lại. Mùi hương tri kỷ, mộc mạc đã mang lại cho tôi sự bình yên trong những ngày tháng xa nhà…
Hương ngọc lan xao xuyến trong những sớm mai đầy sương, trong buổi chiều tà có tiếng chim ríu ran gọi bạn, trong đêm trăng lặng lẽ và trong lòng tôi mộng mơ một thuở…Chắc bây giờ chút xương hoa trong trang thư ngày cũ cũng chỉ còn là hoài niệm…
– Bài số 3
Trắng muốt, nhỏ nhoi, e ấp, hoa ngọc lan tự nép mình trong vòm là xanh nhưng vẫn không giấu nổi mùi hương thơm ngát lan tỏa. Không phải ngẫu nhiên mà người ta thường ví hoa với người đẹp và thường đoán tính cách của con người từ sở thích các loài hoa. Người yêu hoa ngọc lan phải là người có tâm hồn thanh cao, lối sống giản dị và biết cảm nhận cái đẹp tinh tế lắm.
Trời sinh ra loài hoa này và đặt cho nó một cái tên rất đẹp. Ngọc Lan hẳn đã gửi gắm một niềm yêu qúy. Cha mẹ sinh ra con cái chọn tên các loài hoa đặt: những hồng, những cúc, những lan, những mai, những huệ trần gian nao lòng. Mỗi đứa con là một bông hoa mang vẻ riêng, hoa ngọc lan là nét dịu dàng kín đáo, duyên dáng của các cô gái phương Đông. Cái hạnh phúc nhất thượng đế ban cho con người là được sống và thưởng thức những mùi hương hoa thiên nhiên. Đi vào các làng hoa ta như lạc vào mê cung của các mùi hương: quyến rũ của hoa hồng, ngan ngát của hoa huệ, nồng nàn của hoa cúc, kiêu hãnh của đóa trà mi. Hương Ngọc Lan vẫn không lẫn vào rừng hương ấy. Ngọc Lan có một mùi hương riêng biệt, là thứ hoa để cảm nhận chứ không phải đưa lên mũi ngửi. Mùi hương ấy thoang thỏang mà rất sâu cho ta cảm giác mát lạnh và dễ chịu, khoan khoái, mùi hương không dễ lãng quên và nhầm lẫn. Những người khó tính nhất trong nghệ thuật thường yêu thích hương ngọc lan, nó làm hài lòng người vì nó đạt được cả ba tiêu chuẩn cho một mùi hương, đó là vừa lạnh, vừa sâu, vừa bền. Mùi hương lạnh khiến ta quên những bức bối mùa hè. Mùi hương sâu làm ta khó quên. Hương bền thì thoang thỏang nhưng thơm lâu dài quanh ta mãi mãi. Để trong phòng vài bông hoa ngọc lan, hương thơm lan tỏa khắp, cả đến khi hoa úa ra rồi ta vẫn cảm thấy như hương thơm vẫn còn đâu đây…
Trên những nẻo đường Hà Nội ngày nay có biết bao người bán hoa ngọc lan, bán rong hoặc đứng ở lề đường. Những bông hoa ngọc lan trắng muốt nổi lên trên màu xanh của lá, cành cắt khéo léo bằng đôi tay người bán hoa. Trông bông hoa đã rời khỏi cây, được ghép vào cành giả mà vẫn đầy sức sống. Đi qua đường Kim Liên, Chùa Bộc, nhất là đường Thanh niên vào những buổi chiều muộn, mùi ngọc lan theo gió như níu chân người qua đường. Ta không thể hững hờ đi qua cho đành để dừng lại mua một cành hoa cho vào giỏ xe hoặc túi xách, mang trên mình một mùi hương thiên nhiên nhẹ nhàng, thoang thoảng suốt cả chặng đường về nhà. Mùi hương vẫn quấn quít trong nhà và cho ta một giấc ngủ ngon với giấc mơ đẹp. Thời trước Hà Nội đã từng nổi tiếng bởi những gánh hoa của các cô gái làng hoa Ngọc Hà. Thời nay, nét đẹp ấy vẫn còn tuy có phần khác xưa. Những người bán hoa ngọc lan rong ruổi trên đường phố thường là những người nghèo ở ngoại thành một ngày kiếm dăm ba chục nghìn để nuôi con ăn học. Hà Nội mùa hè, tất cả các loại hoa ưa khí hậu nhiệt đới nắng nóng đồng loạt thức dậy: Hoa bằng lăng tím biếc, hoa phượng đỏ rực trời. Bước vào shop hoa ta bắt gặp cả thế giới các loại hoa khoe màu rực rỡ, hoa nội, hoa ngoại từ khắp mọi nơi về tự hội. Có hoa hồng Pháp, hồng Hà Lan, cúc Nhật, hoa Mimoa của Đà lạt…Ôi! Có thế giới nào phong phú, đẹp đẽ hơn thế giới ấy. Ngọc Lan khiêm nhường nhỏ nhoi giữa muôn vàn màu sắc trong thế giới ấy nhưng nó không hề bị quên lãng.
Những người chơi hoa sành điệu thường sưu tầm các loại hoa, trong đó không thể thiếu một cây ngọc lan trước cổng hoặc sau nhà vừa tỏa bóng, lại vừa có hương thơm, hoa đẹp. Tôi xin tâm sự cùng bạn câu chuyện có liên quan đến hoa ngọc lan mà nó đã trở thành kỉ niệm của tôi và mỗi lần nhìn hoa ngọc lan nở hay cảm thấy có mùi hương ngọc lan là tôi lại nhớ đến bùi ngùi. Ông nội tôi trồng trước cổng một cây ngọc lan như muốn răn dạy con cháu rằng hãy sống giản dị, khiêm tốn và thanh cao như hoa ngọc lan. Tuổi thơ của tôi là những khi vui đùa cùng chị em xung quanh bóng mát của ngọc lan. Ngọc lan ra hoa quanh năm và khách vào nhà tôi bao giờ cũng ấn tượng nhất là hương thơm của hoa. Cây ngọc lan trước cổng đã trở thành một đặc biệt riêng của nhà tôi để phân biệt với các nhà khác trong khu phố. Ai ở xa đến hỏi thăm nhà tôi sẽ được mọi người chỉ nhà có cây ngọc lan trước cổng kia kìa. Ông nội tôi mất đi, cây ngọc lan trút hoa trắng xuống đất nhiều và chỉ một lần duy nhất tôi thấy như vậy. Từ đó hoa ít hẳn, cây già cỗi đi nhiều mặc dù cha tôi vẫn cố gắng thay ông chăm sóc. Cho đến một đêm, cơn bão giật cấp 12 ập về thành phố. Gió rít mạnh, những cành lá tơi tả. Nằm trong nhà, đóng kín cửa lại tôi vẫn nghe tiếng mưa hòa với tiếng gió và tiếng cành cây gãy răng rắc. Sáng hôm sau, cơn bão tan, tôi tỉnh, mở toang cửa và đau đớn kêu lên: Trời ơi, Cây ngọc lan đã bị bật gốc rồi. Nó bị quật đổ xuống như một cái xác chắn ngang con đường. Tôi khóc và lượm những bông hoa cuối cùng cho vào khăn tay để mùi thơm cứ vương vấn, ám ảnh mãi trong cuộc đời.
Lại nhớ tuổi học trò, tôi yêu hoa ngoc lan vô cùng. Thứ hoa đó cũng không kiêu sa đắt đỏ như nhiều loài hoa khác cho nên mặc dù túi tiền ít ỏi, tôi cũng có thể đáp ứng sở thích của mình. Ở cổng trường tôi hồi đó có một bà cụ lưng còng ngày ngày bưng rổ hoa đi dọc hành lang cả bốn tầng để bán cho học trò. Một bông hoa chỉ có 200 đồng, có khi bà cho không. Số tiền thu được cũng chẳng bõ công hái hoa và mệt nhọc leo lẹn cả bốn tầng. Nhưng cụ yêu hoa ngọc lan và lũ học trò nghèo cũng có sở thích giản dị ấy. Cụ không muốn để những bông hoa rơi xuống sân rồi quét đi, lãng phí một cái đẹp trong thiên nhiên. Bà cụ cô đơn ấy cuộc đời cũng trầm tư như ngọc lan. Ngày nào đi học không thấy cụ đến chúng tôi lại áy náy hay là cụ ốm rồi?. Khi cảm nhận được mùi hương quen thuộc thỏang đến thì đúng là cụ rồi, hương thơm đến trước cả con người.
Nhiều năm không trở lại trường, bỗng một hôm tôi gặp lại bạn cũ, nhắc đến chuyện xưa, bạn tôi rưng rưng nước mắt: bà cụ bán hoa ngọc lan ở trường mình ngày xưa mất rồi!. Tôi chợt se lòng. Một cuộc đời đi qua để lại một mùi hương thơm nơi lớp học, trong tâm trí của tuổi học trò. Một cuộc đời giản dị, nghèo túng mà thanh bạch đáng trân trọng biết bao! Chúng tôi tự nhủ rằng: mình đã làm được gì để gửi chút hương cho cuộc đời, cho thế hệ mai sau?.. Và tôi lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ đến hương hoa ngọc lan.
– Bài số 4
Hoa phong lan là món quà mà thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta. Hoa lan xuất hiện từ lâu đời và mang rất nhiều ý nghĩa khác nhau. Từ những đóa hoa mang ý nghĩa vể tình yêu cao cả, vẻ đẹp cao quý đến niềm tin về một tương lai tươi sáng.
Khi hoa phong lan xuất hiện, nơi đó trở thành tâm điểm chú ý của mọi người vì chúng quá phong phú và đa dạng về màu sắc lẫn hình dáng. Hoa phong lan với màu xanh mướt Có những cánh hoa phong lan với sức hấp dẫn kì lạ đến từ những khu rừng núi xa xăm, vừa mộc mạc, đơn sơ và lại hoang dã. Đến những cành cây phong lan được trồng trong nhà kính, vườn cây hay mái hiên nhà. Có cả những cành phong lan mọc hoang trên những cánh đồng xanh hay những hàng cây trong thành phố. Tất cả các loài phong lan thường gợi lên một cảm giác tinh tế và trong sáng.
Nhiều người thấy lan thường bám vào các cành cây, hốc đá nên nghĩ rằng phong lan là một loại tầm gửi (Parasite) nhưng thực ra lan không sống vào nhựa của cây. Lan chỉ bám vào đó mà sống, hấp thụ những tinh chất thiên nhiên do hoa, lá cây đã mục, phân chim và các tinh thể khác do nước mưa và gió vận chuyển tới. Chính điều đó đã khiến cho loài phong lan có ý nghĩa cao quý và đẹp đẽ hơn. Nét đặc trưng riêng của hoa phong lan chính là có những đốm nhiều màu sắc. Truyền thuyết dân gian kể rằng đã có những đóa phong lan mọc lên dưới chân Thánh Giá khi Chúa Giêsu bị đóng đinh trên cây thập tự. Máu của Người nhỏ xuống những cánh hoa và chúng mãi mãi mang trên mình những dấu vết từ đó. Người Pháp gọi Phong lan là biểu tượng cho những cảm xúc thầm lặng, những dấu hiệu đầu tiên về một tình yêu nồng cháy. Những cánh hoa phong lan thể hiện tình yêu nồng cháy Ngoài các vết đốm, phong lan còn được đặc tả với những cụm phấn hoa giống như sáp, những hạt nhỏ và từng cặp hoa mọc đối xứng. Mỗi đóa hoa thường có ba cánh, trong đó có một cánh hình lưỡi với rất nhiều dáng vẻ khác biệt. Loài hoa này luôn luôn làm người ta ngạc nhiên trước sự phong phú về các hình dáng khác lạ và màu sắc rực rỡ của chúng. Đây là loài hoa độc đáo, rất được ngưỡng mộ, và đôi khi có giá rất cao.
Hoa phong lan biểu tượng cho sự cao sang, quý phái Đối với người Hy Lạp cổ đại, hoa lan vinh danh những anh hùng, và sau khi sự gia tăng phổ biến của những bộ sưu tập phong lan ở Anh thời Victoria, ý nghĩa của hoa phong lan chuyển dần dần trở thành biểu tượng của sự sang trọng. Hoa lan cũng đã được cho rằng là một vị thuốc chữa các bệnh khác nhau và phòng bệnh, cho phép con người tránh khỏi bệnh tật. Người Aztec uống một hỗn hợp của hoa phong lan vani và sô-cô-la để cung cấp cho họ quyền lực và sức mạnh, và người Trung Quốc tin rằng hoa lan có thể giúp chữa trị bệnh phổi và ho. Ngày nay, ý nghĩa của hoa phong lan được coi là một biểu tượng của vẻ đẹp hiếm thấy và tinh tế.
Hoa lan là loại hoa được trồng để làm đẹp cho ngôi nhà phổ biến nhất, cùng với hoa lily. Đối với mỗi người, mỗi quốc gia, mỗi vùng miền, hoa lan đều mang những ý nghĩa khác nhưng trên hết chúng là những đóa hoa tượng trưng cho vẻ đẹp cao sang, quý phái và là “Nữ hoàng của các loài hoa”.
Vũ Hường tổng hợp