21/02/2018, 09:17

Viết thư cho chính mình năm 45 tuổi

– Bài số 1 Thân gửi bạn năm 2045! Hôm nay mình viết lá thư này gửi bạn, chắc hẳn bạn đang thắc mắc không biết mình là ai có đúng không? Đôi lời giới thiệu về bản thân, mình là một cô bé 15 tuổi đến từ quá khứ, nói cụ thể một chút thì ...

– Bài số 1

Thân gửi bạn năm 2045!

Hôm nay mình viết lá thư này gửi bạn, chắc hẳn bạn đang thắc mắc không biết mình là ai có đúng không? Đôi lời giới thiệu về bản thân, mình là một cô bé 15 tuổi đến từ quá khứ, nói cụ thể một chút thì mình hiện đang sống ở năm 2015. Các bạn có muốn biết mình đang sống ở một đất nước như thế nào không? Nó như các cuộn phim tư liệu cũ kĩ mà các bạn xem, con người không thể bay, cũng như không có các khả năng phi thường khác.

Ngày nay, con người ở thời đại của bạn cùng với công nghệ, kinh tế cũng như xã hội đã phát triển hơn trước nhiều. Dần xuất hiện nhiều thêm các loại phương tiện, các loại máy móc tiên tiến. Và hơn thế nữa, ước mơ trở thành 1 cường quốc công nghiệp lúc bấy giờ cũng đã trở thành hiện thực. Để phục vụ cho nhu cầu cuộc sống xã hội ngày càng phát triển, các nhà nghiên cứu đã áp dụng và biến đổi các dạng năng lượng như gió, ánh sáng mặt trời, nhiệt,… trở thành các năng lượng có ích, thật thú vị phải không bạn, một giải pháp khá là khả thi! Nói thì nói vậy thôi, một đất nước văn minh, tiến bộ chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài.." Năng lượng kia phải chăng tự dưng mà có.. Không! nó sẽ mất đi nếu như ta không biết cách giữ gìn!" Tận dụng nguồn năng lượng ấy là rất tốt nhưng hiện tại bây giờ nó đang dần mất đi và hơn thế nữa, nó sẽ mất mãi mãi nếu chúng ta cứ mãi khai thác mà không có các biện pháp tái tạo lại nó. Ở độ tuổi của mình chắc các bạn từng học và biết thế nào là năng lượng tái sinh năng lượng không tái sinh, năng lượng vĩnh cửu. Nói vòng quanh từ nãy đến giờ thì mục đích mà mình hôm nay mình viết lá thư này chỉ vì muốn gửi tới các bạn 1 thông điệp: ` Những điều hôm nay, ngay lúc này các bạn đang làm hãy dùng 5 giây mà suy nghĩ về sau này,để rồi hình dung xem hậu quả trong tương lai, bạn nhá! `Đất nước bạn giàu hơn ta, tại sao thế? Đơn giản chỉ là họ biết họ đang làm gì..mình chỉ nói đến đây thôi, mình chỉ muốn nói với bạn rằng đất nước ta phát triển thì nước bạn còn hơn ta nhiều, vậy thì tại sao ta lại không cố gắng hơn nữa để đưa đất nước ta ngày một đi lên, các bạn trẻ, chúng ta làm được mà. Ngoài phố thì nhìn đâu cũng toàn là những tòa nhà cao tầng, những tòa nhà chọc trời cao vun vút, ngoài phố thì dày đặc cả ô tô,.. mọi người giờ đây cũng dường như ý thức hơn được việc phải tự họ bảo vệ chính họ và họ đang rất cố gắng phục hồi lại những gì trong quá khứ mà các bạn đã gây ra, từ việc không ngừng khai thác mong được vụ lợi từ cả đóng kho khoáng sản, kim loại quý giá trước kia; chặt cây xanh phá rừng, làm ảnh hưởng đến bầu khí quyển. Nghe này các bạn trẻ, chúng ta hãy chung tay vì 1 đất nước trong sạch nhé! Một lá thư từ quá khứ gửi đến tương lai, mình mong rằng các bạn hãy cố gắng bảo vệ nguồn năng lượng mà các bạn đang có vì chúng hữu ích chứ hoàn toàn vô hại. Nào, bắt tay ngay từ bây giờ từ việc làm nhỏ thôi, là việc tiết kiệm điện. Sử dụng điện theo nguyên tắc bốn đúng: đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu.

Đã có không ít những biện pháp được đưa ra để tiết kiệm nguồn điện, từ việc sử dụng các dạng đèn led, thậm chí, hiện tại nơi mình ở, còn hạn chế sử dụng nguồn điện bằng cách tránh việc sử dụng đèn đường thay vào đó là sử dụng các loại vạch kẽ đường biết tự phát sáng vào ban đêm. Việc xanh hóa môi trường cũng là một trong những nhu cầu mà các bạn phải làm. Song, tất cả chúng ta, không kể cả hiện tại lẫn quá khứ và cả tương lai, đơn giản thôi, cùng nhau tạo dựng, xây dựng nguồn năng lượng mới cho đất nước. Mọi việc các bạn làm hôm nay, sẽ có ảnh hưởng này, Bạn đừng quên điều đó!

Tôi của 45 năm về trước.
Chào!.

– Bài số 2

Xà Nu tôi ơi!

Trải qua hai cuộc thế chiến trường kỳ, các thế hệ cha anh đi trước đã không tiết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của mình, để có được một rừng Xà Nu xanh mướt, bạt ngàn như ngày hôm nay.
Chào thủ lĩnh Xà Nu!

Mới đây thôi thủ lĩnh còn là một cây Xà Nu con cháu chít.Vậy mà giờ đây sau 45 năm thủ lĩnh đã là một cây Xà Nu cao to, thân hình thẳng tắp, những cánh tay vạm vỡ vươn lên cao che chở cho dân làng.

Thủ lĩnh còn nhớ lời dạy của ông nội không? Ông nội đã nhắn nhủ rằng: Ngày xưa bom đạn ác liệt lắm, nhờ có các ông, các bác chở che mà dân làng Xô Man được an toàn chống lại những làn đại bác dã man của địch. Thế hệ cha anh đi trước đã chịu quá nhiều mất mát vì chiến tranh, những hậu quả do chiến tranh để lại thật bi thảm và dai dẳng. Do đó ông dạy chúng ta ở đời phải sống nhân hậu, có đạo đức, giúp người, giúp đời, đừng hung hăng, cậy quyền, cậy thế, cậy mạnh mà bắt nạt, ức hiếp người ta. Đừng bao giờ đem vũ khí đi gieo rắc nỗi ám ảnh đau thương cho nhân loại dù là cùng nòi hay khác giống. Dân rừng nào cũng là cây, cũng dòng máu như chúng ta, hãy sống đoàn kết và giúp đỡ nhau Xà Nu cháu nhé!

Vâng! Ông ơi, lời dạy của ông con không bao giờ dám quên và tự hứa với mình: Con – Một cây Xà Nu trí, dũng song toàn sẽ làm hết sức mình để bảo vệ cho giống nòi được bình yên, hạnh phúc, sống một cuộc sống đầy niềm vui và tiếng cười. Và giờ đây sau 45 năm miệt mài phấn đấu, những thành quả cho chí hướng con đã chọn thật ngọt ngào biết bao:

– Rừng Xà Nu đã trở thành một khu rừng kiểu mới: Không có phá rừng, không có ô nhiễm, không có khói bụi, … hậu quả do thiên tai đã giảm nhẹ đi rất nhiều và còn có thể tích trữ nguồn nước ngọt quý giá cho muôn loài.

– Rừng Xà Nu là một khu rừng không có chiến tranh, không có phạm pháp, không có bệnh dịch, truyền nhiễm và nan y. Xã hội của rừng là một xã hội thượng tôn pháp luật, pháp luật là chuẩn mực cho nếp sống của rừng.

– Nền giáo dục của rừng Xà Nu là một nền giáo dục nhân văn sâu sắc, đề cao tình thương, nhân ái và trong sạch. Những cảnh như trẻ cầm sách ngược, ngồi nhầm lớp, bạo hành trẻ mầm non, đến trường bằng đu dây hay bao ni lông… đã là dĩ vãng.

– Cuộc sống của dân làng Xô Man là cuộc sống no cơm ấm áo. Đầy đủ tiện nghi với nguồn năng lượng mặt trời vô tận rất sạch sẽ và dồi dào. 45 năm qua con phải cố gắng học, làm việc thật tốt và không ngừng quảng bá đến mọi loài cây trên thế giới hiểu về xây dựng cuộc sống bền vững cho tương lai tươi đẹp của giống nòi.

Xà Nu bé nhỏ ơi! Hãy cố gắng thực hiện ước mơ nhé! Hành trình đến tương lai còn xa và nhiều chông gai thử thách lắm. Nếu sau 45 năm mà Xà Nu chưa hoàn thành mục tiêu đã chọn thì cũng đừng buồn nhé! Sẽ có một Xà Nu khác tiếp bước trên con đường mà bạn đã đi.

Chúc Xà Nu vững tin và thành công!

Thân ái!
Tôi của 45 năm trước!

– Bài số 3

Hà Giang, ngày 11 tháng 12 năm 2015

Thư gửi tôi!

Năm nay tôi đã ở tuổi trăng rằm, độ tuổi mà đối với tôi mọi thứ đều hấp dẫn, yêu đời, cuộc sống đầy thú vị và hoài bão.

Ở nơi xa xôi hẻo lánh này, sáng sớm sương mờ giăng đầy núi, đã 8h mà sương vẫn còn dày đặc. Tôi đến trường sương ướt đầy vai áo, sương bám trên mi mắt buốt lạnh, nặng trĩu.

Cách đây 35 năm khi tôi còn chưa ra đời, đất nước tôi khi đó còn khó khăn nhiều lắm. Người dân cơ cực trăm bề, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, khoai sắn còn thiếu thốn,… đời sống vất vả vô cùng. Ông và cha tôi phải lên rừng đào củ mài, củ nâu, cỏ tranh… để nuôi sống qua ngày.

Và giờ đây, sau bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, đất nước tôi đã trở mình vươn lên dần thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu và mù chữ. Ở cái bản nhỏ của tôi, trẻ em được vận động đến trường học cái chữ và mỗi học sinh đều được hưởng trợ cấp hằng tháng. Mỗi năm đều có các nhà hảo tâm đến tận nơi tặng quà, sách vở, quần áo và cả lương thực, thực phẩm… Cuộc sống của dân làng tôi nay đã khấm khá hơn trước rất nhiều.

Ông tôi thường nói với tôi rằng: cuộc sống bây giờ của con sướng hơn ông ngày xưa gấp nhiều lần, sau 35 năm nữa chắc hẳn cuộc sống của con sẽ tốt hơn bây giờ gấp bội. Con hãy cố gắng làm một người công dân tốt, đem hiểu biết của mình về truyền đạt lại cho thế hệ mai sau nghe con. Đừng bao giờ như những người thi Olympia gì gì đó, đi ra nước ngoài học tập rồi quên luôn cả nguồn cội, tổ tiên – Những người đã bỏ biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của mình để cho họ có được ngày hôm nay, ấy vậy mà họ phủi ơn, lại còn buông lời cay đắng. Cháu của ta phải nhớ lời ta dặn: "Uống nước, nhớ nguồn" nghe không.

Ông ơi! Lời ông dạy con luôn luôn ghi khắc trong lòng, hôm nay đây con biên đôi dòng này gửi lại đến 35 năm sau. Dù thế giới có đổi thay, lòng người có thay đổi thì với những lời này con sẽ truyền đạt lại cho thế hệ mai sau lời dạy của ông: "Chim có tổ, người có tông", sống làm dân nước Nam, thác làm ma đất Việt.

Con sẽ cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt, phấn đấu hết sức mình cho quê hương Hà Giang ngày một phồn vinh, giàu đẹp. Trẻ em được đến trường, chữa bệnh miễn phí, người dân được ấm no, hạnh phúc, nhà cửa khang trang, giao thông thuận lợi,… Con xin tự hứa với mình rằng: 35 năm sau con sẽ đạt được những mục đích đó. Để không phụ lòng của ông dạy dỗ.

Mong rằng các anh chị bưu điện đừng để lạc mất thư này của em, xin hãy bảo lưu thật kỹ, để sau này em được nhìn lại quá khứ và lời hứa của mình 35 năm về trước. Em xin chân thành cảm ơn!

Tôi của ngày xửa, ngày xưa!

VN, ngày rộng tháng dài năm bao la!

– Bài số 4

Chào thầy Hiệu Trưởng,

Có lẽ thầy ngạc nhiên lắm nhỉ? Thầy có biết tôi là ai không? Tôi là quá khứ của thầy đó – quá khứ 30 năm về trước.

Để tôi nhắc cho thầy nhớ nhé! Cũng vào ngày này, tại ngôi trường này – có một cậu học trò ngồi bàn đầu nhưng hay ngủ gật. Cậu ngủ gật đến nỗi viết chữ vào vở mà y như vẽ hàng rào vậy, với những đường dài ngoằn ngoèo thật khó tả. Nhà cậu cách trường 15 cây số, sáng nào đến lớp áo cậu cũng ướt đẫm mồ hôi như vừa mới tắm (vì đạp xe tốc hành). Dù thời tiết có là mùa đông hay mùa hạ thì việc đó cũng không thay đổi.

Cậu rất ghét cái xấu, cái ác, yêu hoà bình, sống chân thật. Cậu mong muốn trở thành một chiến sĩ công an nhân dân để bảo vệ cuộc sống bình yên cho mọi người. Nhưng cậu không thể vì cậu lùn quá, thiếu thước tấc: chiều cao 1,6m không đủ tiêu chuẩn đầu tiên để thi vào trường công an. Thế là cậu ước mơ trở thành một thầy giáo – một thầy giáo dạy văn, mặc dù cậu chuyên ban A (toán – lý – hoá), thế có nghịch lý không? Cậu chỉ chú tâm vào hai ngành nghề trên, không phải là cậu không mến mộ các ngành nghề khác như kĩ sư, bác sĩ, kinh doanh, khoa học… mà tại vì gia cảnh nhà cậu nghèo quá. Mỗi sáng nhịn đói đến trường thì lấy đâu ra tiền mà học những ngành cao siêu ấy. Xác định như vậy là phù hợp với bản thân và gia đình của cậu nhất.

Trải qua muôn vàn khó khăn và cực nhọc thức khuya, dậy sớm. Cuối cùng cậu cũng đã đạt được một chút thành công nho nhỏ: Cậu đã thi đỗ vào Đại học sư phạm với số điểm vừa đủ vì thi vào ban C (văn – sử – địa). Trải qua một thời sinh viên nhịn đói cầm hơi, ăn mì tôm Colusa, rau muống luộc người cậu trở nên thanh mảnh và rất thời trang. Đổi lại 5 năm sư phạm thật nhiều niềm vui, học được nhiều ý nghĩa trên con đường mình đã chọn. Cậu học trò nghèo rớt mùng tơi và có phần nhút nhát ngày nào giờ đã là một thầy giáo trẻ trung, năng động đầy nhiệt huyết. Ra trường với tấm bằng loại khá, thầy được điều động về xã miền núi xa xôi, hẻo lánh giáp giới với nước bạn. Điều kiện trường lớp khó khăn, người dân bản xứ còn nghèo đói nên cũng chưa quan tâm đến việc học hành. Thầy đã đến nhà vận động ba mẹ từng học sinh, giúp bản làng trồng lúa nước, trồng rau quả, chăn nuôi lợn gà, bò heo tập trung,… Thời gian đầu người dân còn ngờ vực chưa tin thầy lắm, nhưng với tấm lòng tận tuỵ hết lòng với bà con nên dần dà thầy đã chiếm được tình cảm của dân làng nơi đây. Cùng với đội ngũ giáo viên của trường, thầy đã ghi công mình vào việc xoá mù chữ cho dân bản và giúp bản thoát nghèo đói, không còn phá rừng làm rẫy mà trồng rừng để thu lợi nhuận. Với thành tích 10 năm giảng dạy ở non cao nên thầy được đặc cách lựa chọn một trường dưới xuôi mà mình muốn về. Thế là thầy chọn ngay ngôi trường THCS ngày xưa thầy đã học.

Đến đây hẳn là thầy đã nhớ ra tôi là ai rồi chứ? Vâng tôi chính là thầy – thầy là tôi 30 năm sau. Bây giờ cuộc sống chắc hẳn đã khác xưa nhiều lắm rồi thầy nhỉ! Việc dạy và học cũng có nhiều thay đổi phải không thầy? Ngày trước chỉ có phấn trắng, bảng đen, bút mực, vở con Nai chưa bao giờ tưởng tượng ra được con chuột, bàn phím như thế nào, mà giờ thì máy tính, máy chiếu, điện thoại, internet,… hiện đại quá thầy nhỉ! Đất nước từng ngày thay da đổi thịt, cuộc sống của thầy và gia đình đã tốt hơn trước gấp nhiều lần. Đường sá, trường học, bệnh viện được mở rộng, xây dựng khang trang, sạch đẹp, trẻ em dưới 6 tuổi được chữa bệnh miễn phí, người lao động được đóng BHXH,… Người dân không còn cảnh thiếu ăn, thiếu mặc như trước nữa. Ngôi trường cũ kĩ trước đây giờ đã được thay bằng một toà nhà mới toanh với 5 tầng đồ sộ và đầy đủ trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc dạy học.

Không biết vợ và các con của thầy như thế nào nhỉ? Vợ thầy có xinh đẹp và đảm đang không? Các con của thầy có ngoan và học giỏi không? Tôi thật sự tò mò và muốn được biết quá. Nếu có thể xin thầy gửi lại cho tôi một bức thư kể về gia đình của thầy hiện tại cho tôi xem với nhé!

Kính chúc thầy và gia đình năm mới được dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành đạt. Chúc thầy ngày càng có nhiều trò giỏi, tài đức vẹn toàn góp phần dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp, bền vững.

Quá khứ của thầy!

Thư gửi tôi 30 năm sau!

Vũ Hường tổng hợp

0