Tả mẹ đang nấu ăn
– Bài số 1 Mỗi con người đều muốn có một bữa cơm gia đình đầm ấm sau một ngày làm việc vất vả, chứa đựng biết bao niềm vui, và tâm huyết của người nấu, và mẹ là người luôn chuẩn bị chu đáo tất cả để gia đình tôi luôn có 1 bữa ăn ngon. ...
– Bài số 1
Mỗi con người đều muốn có một bữa cơm gia đình đầm ấm sau một ngày làm việc vất vả, chứa đựng biết bao niềm vui, và tâm huyết của người nấu, và mẹ là người luôn chuẩn bị chu đáo tất cả để gia đình tôi luôn có 1 bữa ăn ngon.
Mẹ rất đảm đang,chu đáo lo mọi việc trong gia đình từ việc nấu nướng đến quần áo,…tất tần tật mọi thứ trong nhà đối với người nội trợ mẹ đều hoàn thành tốt. Mọi món ăn mẹ nấu đều mang sự ngọt ngào cho tôi, thực đơn hằng ngày dựa theo sở thích của mỗi người nên ngày nào cũng được ăn rất đa dạng.
Đi làm về, thay bộ đồ xong là mẹ lao vào bếp. Mẹ đã dạy cho em rất nhiều món ăn từ những món đơn giản nhất rồi đến phúc tạp, và em đã học nấu cơm bằng nồi cơm điện đầu tiên, đó là việc tưởng chừng như đơn giản, nhưng làm sao để vo gạo sạch rồi lượng nước thế nào cho đủ, đó là cái rất khó, và cuối cùng chỉ cần đổ vào nồi cơm điện và nhấn nút. Trong khi chờ cơm chín, mẹ lấy thức ăn để trong tủ lạnh đã được mẹ chuẩn bị từ sáng ra và đặt lên bàn bếp. Cách mẹ nấu nướng thật khéo léo, nhìn từ việc mẹ chọn thực phẩm hàng ngày cũng để hiểu mẹ luôn chon một chế độ dinh dưỡng thích hợp cung cấp cho gia đình. Nấu cơm xong mẹ nhặt rau, mẹ nhặt nhanh nhẹn, rau bỏ đi được mẹ cho vào túi rác gọn gàng. Thích nhất là lúc mẹ kho cá, một mùi thơm thật tuyệt. Đĩa thịt kho đậu hủ cùng đĩa cá chiên vàng ươm thơm phức đặt cạnh tô canh canh rau ngót, một mùi thơm lan tỏa xung quanh khiến ai cũng cảm giác muốn ăn liền. Em nhanh nhảu dọn ra để ăn, sắp chén bát ra mời mọi người ra ăn, ai cũng vui vẻ ngồi ăn và khen nức nở món ăn mẹ nấu. Em nhận thấy niềm vui nở trên khuôn mặt mẹ.
Bữa cơm gia đình rất quan trọng đối với mọi người, dù có bận gì đến mấy nhưng khi nào cũng phải có mặt để thưởng thức những mọi ăn mẹ nấu, vì trong đó chứa đựng tất cả những tình thương mà mẹ dành cho cả gia đình, và chăm sóc sức khỏe của từng thành viên,không có mẹ ở nhà bố con tôi cũng chẳng biết nấu gì để ăn, có mẹ nấu cho ăn là tuyệt nhất,tôi luôn mong rằng bố mẹ sống thật tốt, luôn bên cạnh tôi để tôi có thêm động lực hướng tới tương lai tươi sáng.
– Bài số 2
Hàng năm mỗi độ xuân về, tôi lại hồi hộp chờ bữa cơm mẹ nấu vào sáng ngày mùng Một tết. Ngày đầu tiên của năm mới, cả nhà được thưởng thức bữa cơm do chính tay mẹ nấu.
Có thể các bạn sẽ ngạc nhiên vì muốn ăn cơm mẹ nấu lúc nào mà chẳng được, chỉ cần mè nheo một chút mẹ sẽ chiều mình thôi. Nhưng với gia đình tôi thì khác, gần như cả năm nhà chúng tôi mới được ăn cơm mẹ nấu một lần vào ngày mùng một. Và cha tôi thể nào cũng sẽ nói điều gì đó về bữa cơm khiến mẹ tôi phải hét lên, như: “món canh mặn quá!”, “món thịt kho tàu trắng quá, thịt chưa mềm”, “cơm hơi khô!”… Các bạn đừng vội lấy điều đó để đánh giá về mẹ, coi chừng lầm to, bởi mẹ tôi không vì thế mà thiếu đảm đang trong nhà. Mẹ là người phụ nữ “vừa xây nhà, vừa xây tổ ấm”!
Mẹ tôi hiếm khi nấu cơm do quá bận rộn với việc bán tạp hóa tại nhà. Hoặc nếu có nấu, mẹ chỉ phụ “vòng ngoài”, nhặt rau, vo gạo hay đặt cơm. Hầu như cả năm, mẹ chưa bao giờ có thời gian để chăm chút cho một bữa ăn trọn vẹn. Nhìn mẹ tất bật, chúng tôi vừa thương vừa giận. Thương bởi mẹ suốt năm suốt tháng gắn chặt với cái quán, giận bởi vì mẹ không biết thương… mẹ. Chúng tôi chưa bao giờ phát hiện ra mẹ ghiền cái gì ngoài quán tạp hóa đó. Đi đâu mẹ cũng vội về ngay với nó, kể cả những ngày tết, chỉ ngoại trừ buổi sáng mùng 1 hiếm hoi. Thời điểm chị em tôi tốt nghiệp đại học, đứa nào cũng muốn mẹ chia vui, gọi về nói mẹ tranh thủ đi thành phố một ngày, nhưng mẹ nói ngay, không hề suy nghĩ: “đi thì ai coi quán”! Nhiều khi chúng tôi… ganh tỵ cả với cái quán tạp hóa. Vậy mới thấy giá trị bữa cơm mẹ nấu mùng Một tết, chỉ buổi sáng hôm ấy, mẹ tôi thật sự được thảnh thơi để nấu ăn cho cả nhà.
Những ngày thường nhật, mẹ dậy từ 4g30 sáng để chuẩn bị 5 giờ đi chợ đầu mối cùng với cha tôi, 7 giờ mẹ về, ăn qua quýt một chút rồi lao vào bán lai rai cho đến 22 giờ đêm. Lúc không có khách thì mẹ phân hàng, xếp rau quả và đồ bán lại cho ngay ngắn, không lúc nào ngơi tay. Buổi trưa vắng khách, mẹ vừa nằm võng ngủ… vừa bán hàng. Khách đến gọi là mẹ dậy một cách ngon ơ, đang ăn có khách mẹ tôi cũng đứng lên, đang ngủ có khách gọi cửa mẹ cũng phải dậy bán… “Người ta đến mua hàng lắt nhắt: điếu thuốc lẻ 500 đồng, cục nước đá 1000 đồng, bịch đậu phộng 2000 đồng, không đáng công mình đứng lên ngồi xuống. Nhưng những thứ đó người ta đang cần, không lẽ người ta đã đến quán mà mình không bán?”. Những năm tháng trẻ trâu, tôi không hiểu chuyện bởi đi học đi làm cả tháng trời ở xa về, muốn ăn với mẹ một bữa cơm cho tử tế, cũng không xong vì đang ăn mẹ lại đứng dậy bán hàng. Tôi làm mình làm mẩy: “mẹ thương cái quán hơn con!”, rồi chạy ra đằng sau mà khóc.
Ừ thì khóc, mẹ chẳng bao giờ dỗ. Không chỉ mình tôi mà ba chị em tôi đều như vậy, tủi thân tự khóc rồi tự nín, nhiều lúc yếu lòng lại đi giận cái quán của mẹ. Nhưng hơi sức đâu mà mẹ để tâm dỗ dành chúng tôi. Mẹ đã lo hết cho cái “nồi cơm – manh áo” của gia đình thông qua cái quán tạp hóa này rồi. Thời buổi khó khăn, những năm 90 của thế kỷ trước mà con đứa nào cũng đòi học… đại học. Chúng tôi hạnh phúc nhất là cha mẹ cho chúng tôi toàn quyền lựa chọn ngành nghề mình thích, cha mẹ cứ vờ như vô tâm, tụi bây muốn làm gì thì làm, muốn học ngành nào thì học, cha mẹ lo điều kiện cho tụi bây học được là mừng lắm rồi. Nên chị em tôi tự tìm tòi, tự bảo ban nhau học hành, học những ngành mình yêu thích để khỏi chán mà “bỏ ngang hông!”
Còn chuyện nấu ăn thì khỏi phải bàn, tôi là chị lớn trong nhà nên phải chu toàn tất cả, tôi không nhớ mình biết nấu ăn từ khi nào, nhưng toàn một mình tôi đảm nhiệm. Đi học về, dù trưa trật hay tối mịt, chui vào bếp nấu ăn là nhiệm vụ hàng đầu, nếu trễ quá thì có mẹ tôi phụ lặt rau (vừa lặt rau vừa trông quán), khi tôi đi học xa, thì đến em gái út, em gái út đi học xa luôn thì nhiệm vụ này giao cho cha tôi. Ông vừa là tài xế của bà chủ hàng tạp hóa, vừa làm ở Ủy ban nhân dân phường và kiêm luôn việc nấu ăn. Nhiệm vụ hàng đầu của mẹ tôi vẫn là cái quán! Cái quán ồn ào, cái quán thị phi, cái quán là nguồn nuôi sống của cả gia đình tôi. Tôi ghét nó hay yêu nó cũng không quan trọng! Quan trọng là nó đã khiến mẹ tôi bận suốt cả năm trừ sáng ngày mùng Một tết.
Ngay cả thời khắc gần giao thừa, khi tôi đã sắp bánh trái, hoa rượu lên bàn để hối mẹ vào cúng Tất niên, tôi vẫn còn phát bực… với khách của cái quán ấy. Họ cứ lắt nhắt đến mua hàng: lúc ít rượu, lúc ít giấy tiền vàng bạc, lúc vài lon gạo, lúc ít dầu hôi… vân vân và vân vân… nhà họ hết cái gì họ liền chạy đến cái quán của… mẹ! Nó chỉ thiếu mỗi quần áo và thịt bò là thành cái chợ! Nhưng cũng chính cái quán ấy và sự bận rộn của mẹ, làm cho tôi phải tự biết mọi điều trong cuộc sống. Hình ảnh bươn chải của mẹ đã làm cho tôi trở nên mạnh mẽ khi thất bại, biết mím môi lại lúc khóc, biết tự lau nước mắt mà đứng lên. Tôi học được từ mẹ, ai cũng từ tay trắng mà làm nên, cần kiệm và bền chí thì có cơ nghiệp, dù nhỏ hay lớn thì nó cũng là do chính mình tạo dựng.
Tất cả những điều đó từ mẹ làm cho bữa cơm vào buổi sáng mùng 1 thật ý nghĩa! Dù cho mẹ có nấu mặn món canh, thịt kho tàu không nhừ hoặc quên bỏ tiêu, hay cơm có hơi khô do cả năm không nấu ăn, thì đó cũng là bữa cơm ngon nhất trong năm của gia đình tôi, và là kí ức đẹp của tuổi thơ tôi cho đến bây giờ. Sáng sớm ngày mùng một, tôi nằm ngủ nướng trên chiếc giường nhỏ cùng cái gối mềm, không phải nghe tiếng mẹ lách cách bận rộn chuẩn bị đi chợ sớm. Cha mẹ cũng ngủ nướng một chút, vì hôm qua thức cúng giao thừa và những ngày bận rộn buôn bán trước đó. Cả 4 cha con chúng tôi, có thể đã thức nhưng cứ đua nhau nằm. Mẹ sẽ dậy trước nhất và nấu cơm cúng. Sau đó mẹ lấy đồ tôi đã để sẵn trong tủ lạnh từ tối hôm qua ra… chế biến và nấu. Cả năm không nấu ăn, buổi sáng mùng một mẹ nấu… một mình (vì rất có thể 1 trong 4 cha con tôi mà dậy, vai trò bếp trưởng của mẹ sẽ yếu đi). Và chỉ có hôm đó mẹ tôi không “la”, mẹ dịu dàng, mẹ từ tốn. Trước khi ăn cơm, mẹ ấm áp phát tiền lì xì cho chúng tôi, chúng tôi chúc tết, nếu đã đi làm có tiền rồi thì chúng tôi mừng tuổi lại cho cha mẹ. Mẹ cả năm không nghe lời ngọt ngào, ngày tết nếu nghe sẽ đỏ mặt vì… mắc cỡ. Cha tôi có cái tật hay đùa, biết mẹ tôi thế nào cũng mắc cỡ nên khoái trêu chọc. Thế là cả lũ ba đứa chúng tôi được thể cười vang.
Ngày trước, khi chúng tôi chưa đi học xa thì không sao, cũng ít khi để ý đến việc biểu lộ tình cảm của mẹ dành cho mình. Nhưng khi ở xa… nhớ lắm. 1 tuần tôi gọi về, 2 tuần tôi gọi về, rồi 1 tháng tôi gọi về… mẹ nhận điện thoại cũng không bao giờ thắc mắc tại sao ít gọi. Tôi đâm nổi quạu, “mẹ không nhớ con?! Con không gọi, mẹ cũng không sốt ruột mà gọi cho còn à?” – “nhớ nhung cái gì, lo mà học đi!”… tôi tủi thân mắc khóc. Nghe lũ bạn kể chuyện nó được mẹ âu yếm, vuốt ve, nói ngon nói ngọt mà thèm, nhưng mẹ mình là mẹ mình. Mình yêu mẹ bởi mẹ là chính mẹ. Tôi cũng không biết từ đâu, mẹ có thể cứng cỏi được như vậy, nên là con gái mẹ, cũng sớm biết chân cứng đá mềm!
Thằng em tôi thì không chịu vậy. Có lần nó về nhà, đi học xa về nên sà xuống ôm ngang hông mẹ. Mẹ tôi la lối đẩy nó ra, “ôm iếc gì, cái thằng này! Đi ra cho tao bán quán” – “Này thì bán quán!” – Em trai tôi lúc đó học năm nhất đại học, cao lớn nên không chịu thua như tôi, nó canh giữa lúc quán đông người, nó ẵm mẹ tôi lên! Chao ôi, mẹ tôi mắc cỡ đỏ cả mặt, sau “la” thằng nhỏ cả tuần trời. Nhưng tôi lén nhìn, khi ở một mình, mẹ lại tủm tỉm vì hành động đó của thằng con trai tinh nghịch.
Việc biểu lộ tình thương của mẹ với lũ chúng tôi cũng vô cùng đặc biệt, không lời ngọt ngào, không cử chỉ âu yếm, không nấu ăn ngon hay chăm sóc nọ kia. Nhưng cả ba chúng tôi đều biết, mẹ đã quên mình chỉ để sống cho chúng tôi và cha. Bằng cách này hay cách khác, chúng tôi biết, mẹ không can thiệp ý muốn của mình vào nghề nghiệp, bạn bè hay việc chọn người yêu, chồng/ vợ của chúng tôi. Mẹ gốc là nông dân phương Đông, cả đời không đi khỏi nơi mình sống, nhưng lại biết ứng xử như những người trí thức phương tây – để các con tự lựa chọn những gì có thể chọn. Mẹ không bao giờ nói ra những điều đó, nhưng mà mẹ đã làm được chúng một cách rất tự nhiên.
Ngày tôi dẫn người yêu đầu đời về nhà ra mắt, cha mẹ tôi vui vẻ đón chào, tôn trọng mọi quyết định của tôi. Sau khoảng thời gian tôi và người đó không hợp nên chia tay, tôi nói với mẹ quyết định này, mẹ mới nói: “mẹ không thích cậu ta”. “Trời, sao mẹ không nói từ đầu để con đỡ mất thời gian”. Mẹ tôi chỉ im lặng… lo bán hàng. Nhưng tôi biết, mẹ tôn trọng mọi quyết định của tôi, dù mẹ có không thích người tôi chọn. Mẹ đã lẳng lặng nhìn tôi lớn lên, đi bằng chính đôi chân và vấp vã bằng chính quyết định của mình, để tôi trưởng thành, và cả hai em tôi cũng vậy. Mẹ tôi quả là người phụ nữ can đảm thì mới làm được như vậy, phải không?
Với mẹ, không có việc lớn hay việc nhỏ, việc nào đến tay thì mẹ làm, rất cần mẫn và tròn vai. Có thể việc lớn là cái quán, việc nhỏ là những bữa cơm thường nhật, nhưng với tôi, tình yêu lớn lao của mẹ đã được thể hiện qua hành động trong suốt cuộc hành trình sống với gia đình, nơi ấy, có bữa cơm ngày mùng một tết mà dù cho tôi có ở đâu, làm công to việc lớn gì cũng mong trở về để được ăn với gia đình.
– Bài số 3
Nếu hỏi rằng em yêu ai nhất thì em sẽ trả lời là "mẹ". Mẹ là người nuôi nấng em đến bây giờ, mẹ dạy cho em cách ăn, cách mặc, cách chào hỏi lễ phép. Hôm nay là ngày chủ nhật, gia đình em lại được thưởng thức tài nấu bếp của mẹ. Một bữa ăn thật ngon sắp bắt đầu đây. Để chuẩn bị bữa tối nhanh hơn, em cũng giúp mẹ vài việc lặt vặt.
Mẹ em năm nay đã bốn mươi tuổi, nhưng trông mẹ còn trẻ lắm. Mẹ không cao lắm nhưng hợp với dáng người cân đối của mẹ. Mẹ thường vận những bộ quần áo hợp thời trang và lịch sự khi đi làm. Ở nhà, mẹ mặc những bộ đồ thun thoải mái để dễ làm việc nhà. Tuy vậy, khi đi làm và ở nhà mẹ đều chọn những chiếc áo màu nóng tôn lên làn da trắng hồng, nõn nà. Hôm nay, sau khi đi chợ về. Khuôn mặt trái xoan của mẹ lấm tấm những giọt mồ hôi trông thật đẹp. Nó càng rực rỡ hơn nhờ đôi mắt đen hai mí chớp chớp của mẹ. Đôi mắt ấy không còn đẹp như trước nữa, nó đã xuất hiện những vết chân chim và vết quầng thâm đen. Nhưng đôi mắt ấy vẫn biết khóc, biết cười, biết yêu thương và dạy bảo con cái, đôi mắt ấy vẫn toát lên nghị lực, mạnh mẽ vì chồng vì con, vì gia đình của mẹ. Tuy khá mệt nhưng mẹ vẫn tươi cười với chúng em bằng đôi môi đỏ hồng ấm áp. Đôi môi ấy dạy em cái tốt, cái xấu, đôi môi ấy đã đưa em vào giấc ngủ bằng những câu chuyện cổ tích thần kỳ hay bài hát ru ấm áp, hiền dịu. Mẹ xách giỏ vào nhà, chia thức ăn vào từng rổ rồi rửa sạch sẽ. Mẹ nhờ em vo gạo thật kỹ rồi đặt vào nồi cắm điện. Trong khi đó, mẹ cẩn thận cắt từng lát thịt. Rồi mẹ rửa rau, em phụ mẹ lặt rau, lặt lá úa, cọng sâu. Từng cọng râu được bàn tay gầy gầy, xương xương của mẹ lặt một cách nhanh, khéo. Bàn tay ấy đã làm biết bao công việc khó khăn cực nhọc. Bây giờ, cơm cũng đã chín, mẹ dùng đũa khuấy lên cho tơi, dễ ăn. Khuôn mặt của mẹ lúc này đỏ bừng vì nóng. Tuy vậy, nó vẫn xuất hiện nụ cười thật tươi. Mẹ bắc bếp lên chiên thịt, xào rau, nấu canh. Mẹ nấu thế nào mà mùi thơm lan khắp mọi nơi. Bữa tối cũng đã xong. Em phụ mẹ lấy bát, đũa ra bàn. Một bữa ăn tối ngon miệng bắt đầu. Cả nhà quây quần bên nhau thật ấm cúng. Ai cũng khen thức ăn ngon không chê vào đâu được. Lúc này, em chợt nhìn thấy một nụ cười hạnh phúc trên khuôn mặt lấm tấm mồ hôi của mẹ, một nụ cười mới đẹp làm sao.
Tấm lòng yêu thương chồng con của mẹ thật bao la, bây giờ em mới hiểu phần nào tấm lòng bao la ấy. Em sẽ cố gắng học giỏi, vâng lời thầy cô, ba mẹ để đền đáp công ơn nuôi dưỡng của mẹ. Ôi! Người mẹ hiền yêu dấu của em.
– Bài số 4
“Két! Két!”.
A! Má đi chợ đã về!.
Em nhanh tay chạy xuống đỡ làn. Má bảo: “Hôm nay là sinh nhật ba, hai má con mình phải làm một bữa cơm ra trò để thết ba mới được. Thôi má con mình bắt tay vào việc thôi!”.
Má em nhanh nhẹn cho các thứ vào rồ rồi đem ra giếng. Em được má giao nhiệm vụ rửa rau còn má thì đi làm cá. Mái tóc dài đen, óng ả được má búi gọn sau lưng. Má mặc chiếc áo sơ mi ngắn tay, ôm gọn lấy thân hình nhỏ nhắn. Đôi bàn tay má gầy gầy, xương xương với những ngón tay thon dài, làm việc nhanh thoăn thoắt. Chính đôi bàn tay ấy đã ủ ấp cho em vào những đêm dông giá rét, quạt mát cho em vào những ngày hè nóng nực. Dưới tay má, những chú cá tươi roi rói vừa còn giãy dành đạch như muốn chống cự mà bây giờ đã sạch sẽ nằm gọn trong chảo. Lúc này, em cũng vừa nhặt rau xong. Em nói với má: “Má ơi! Má để con rửa rau nhé!” Má nhìn em với ánh mắt tràn đầy yêu thương như muốn với em “Con gái má lớn thật rồi!”. Sau đó, má làm món thịt. Má bảo má sẽ làm món thịt kho tàu vì đó là món bố thích nhất.
Em chạy lên nhà, giúp má cắm nồi cơm điện, còn má thì đưa các thứ vào bếp để nấu. Đầu tiên, má rán cá. Vì lửa nóng nên đôi má của má ửng đỏ như trái đào chín. Em thấy má rất đẹp. Tiếng mỡ rán bắt lửa kêu “xèo… xèo…” thật vui. Má khéo léo lật cá mặt này đến mặt khác cho cá chín dều. Những con cá vàng ươm thơm phưng phức đã được bày sẵn lên chiếc đĩa sứ xinh xắn. Tiếp theo, má xào rau. Những ngọn rau non, nõn nà gặp mỡ nóng cứ oàn lên tỏ vẻ bướng bỉnh. Nhưng chỉ sau một lát, chúng đã nằm yên theo sự diều khiển của má. Món thịt kho tàu được má làm thật khéo. Những miếng thịt sánh vàng, béo ngậy nhìn mà muốn chảy nước miếng. Em chạy lên nhà, rót cho má một cốc nước mát, rồi xuống dđưa cho má. Má nói với em đầy âu yếm: “Má cám ơn con!”, rồi má cười để lộ hàm răng trắng bóng và đều tăm tắp như những hạt bắp non.
Chỉ trong một lát, mọi thứ đã xong xuôi.
Tiếng chuông đồng hồ điểm 12 giờ trưa. Má bảo em: “Má con mình lên sắp cơm thôi, chắc bố và chị cũng sắp về rồi đấy!”. Mâm cơm dọn ra trông như vườn hoa đủ màu sắc: vàng, đỏ, xanh… Má đặt chiếc bánh ga tô – bánh sinh nhật vào giữa mâm cơm làm cho vườn hoa đủ màu sắc ấy lại càng thêm rực rỡ. Chú Mi Mi ngửi thấy mùi cá rán cũng “meo meo” đòi ăn. Chị em về trước rồi tới ba. Ba vừa bước vào cửa mọi người đã hô to “Chúc mừng sinh nhật ba!” và hát vang bài hát “Chức mừng sinh nhật”. Ba rất ngạc nhiên rồi bồng mới nhớ ra hôm nay là sinh nhật mình, ba nói: “Cám ơn mọi người! Thật là tuyệt”. Cả nhà em quây quần bên mâm cơm để thưởng thức hương vị từ món ăn chính tay má nấu. Và tất nhiên chú Mi Mi cũng có phần.
Em bỗng thấy má là người quan trọng nhất đối với ba con em. Em sẽ học thật chăm chỉ để không phụ lòng ba mẹ.
Vũ Hường tổng hợp