Suy nghĩ về phẩm chất và thân phận người phụ nữ trong văn học trung đại Việt Nam
Trong chương trình Ngữ văn THCS, học sinh được học khá nhiều các tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam viết về phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong xưa. Tôi đã học, đã đọc và cũng đã nhiều lần dạy các tác phẩm này nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm, chưa bằng lòng với cách ...
Trong chương trình Ngữ văn THCS, học sinh được học khá nhiều các tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam viết về phẩm chất và thân phận của người phụ nữ trong xã hội phong xưa. Tôi đã học, đã đọc và cũng đã nhiều lần dạy các tác phẩm này nhưng vẫn cảm thấy chưa yên tâm, chưa bằng lòng với cách hiểu của mình. Vì vậy, tôi muốn trao đổi với đồng nghiệp về thuyết “tài mệnh tương đố” và “hồng nhan bạc mệnh” để hiểu hơn về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa khi dạy một số tác phẩm văn học Trung đại Việt Nam.
“Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong những thiên truyện tiêu biểu trong tác phẩm Truyền kỳ mạn lục, một “thiên cổ kỳ bút” của Nguyễn Dữ ra đời vào nửa sau thế kỷ XVI.
Truyện được tái tạo trên cơ sở truyện cổ tích: “Vợ chàng Trương”, viết về phẩm chất và số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa, đồng thời lên án, tố cáo lễ giáo phong kiến hà khắc đã không cho người phụ nữ được bảo vệ mình.
Tác phẩm bày tỏ sự thương cảm sâu sắc với số phận của Vũ Nương, một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết nhưng không được hưởng hạnh phúc.
Số phận ấy, trước đó, đã làm động lòng Hoàng đế Lê Thánh Tông, một đấng minh quân, một nhà thơ, một nhà văn thể hiện khuynh hướng cung đình rất rõ nét:
“Chứng quả đã đôi vầng nhật nguyệt,
Gỉải oan chẳng lọ mấy đàn tràng.
Qua đây bàn bạc mà chơi vậy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng”.
Từ thế kỷ XVIII đến nửa đầu thế kỷ XIX, các tác phẩm tiêu biểu mà học sinh được học một đoạn trích trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương và ba đoạn trích trong “tập đại thành của văn học Trung đại Việt Nam”- Truyện Kiều của Nguyễn Du.
“Tài mệnh tương đố” (tài mệnh ghét nhau, xung khắc nhau). “Hồng nhan bạc mệnh”, ý nói người phụ nữ có nhan sắc (trong xã hội phong kiến), chịu nhiều nỗi đau khổ.“Hồng nhan bạc mệnh” nhiều khi được diễn đạt bằng những cách nói khác:“hồng nhan đa truân”, “ má hồng mệnh mỏng”,…
Những khách “má hồng” gặp nỗi “truân chuyên” đã trở thành một hiện tượng phổ biến trong xã hội phong kiến và đi vào văn học như một đề tài quen thuộc:
Với “Bánh trôi nước”, Hồ Xuân Hương viết về thân phận của người phụ nữ:
"Thân em vừa trắng lại vừa tròn"
Bảy nổi ba chìm với nước non”
“Bà chúa thơ Nôm” đã Tự tình chua xót với “cái hồng nhan”:
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non”.
Cụ Nguyễn Du đem thuyết “tài mệnh tương đố” làm luận đề của Truyện Kiều. Hãy nghe Cụ lập ngôn:
“Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Trong Truyện Kiều, nét mới trong cảm hứng nhân đạo của Nguyễn Du là đề cập đến thân phận cá nhân, đề cao cái tôi, đề cao ý thức cá nhân con người. Truyện Kiều viết về cuộc đời dâu bể, về “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” với một “giọng điệu” rất lạ: “ lạ gì” (biết rồi) và “quen thói” (thói xấu).
Từ đó, Nguyễn Du đã gửi gắm triết lý sâu xa qua thân phận của những kiếp“hồng nhan”. Nhưng cũng từ vấn đề muôn thuở ấy, Đại thi hào Nguyễn Du lại có những cách tiếp cận mới.
Với Đạm Tiên là “kiếp hồng nhan”:
“Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”.
Hoạn Thư thì lại là“ thói hồng nhan”:
“Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!”
Với Thúy Kiều, “nhân vật trung tâm”, không biết có bao nhiêu lần Nguyễn Du nhắc đến “hồng nhan bạc mệnh”, “tài mệnh tương đố”.
Mở đầu là:
“Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân”.
Tiếp theo:
“Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.
…“Rằng hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu”.
…“Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa”.
…“Phận sao bạc chẳng vừa thôi,
Khăng khăng buộc mãi lấy người hồng nhan”.
…“ Nghĩ đời mà chán cho đời,
Tài tình chi lắm, cho trời đất ghen!”
Đến khi Kim – Kiều đoàn tụ, “cái hồng nhan” vẫn như một nỗi ám ảnh:
“Còn chi là cái hồng nhan,
Đã xong thân thế còn toan nỗi nào?
Triết lý Phật giáo, qua lời“Tam Hợp đạo cô”:
“Sư rằng: Phúc họa đạo trời.
Cỗi nguồn, cũng ở lòng người mà ra.
Có trời mà cũng tại ta,
Tu là cõi phúc, tình là dây oan.
Thúy Kiều sắc sảo khôn ngoan,
Vô duyên là phận hồng nhan đã đành”.
Thân phận Kiều là thân phận“bọt bèo”, “mặt nước cánh bèo” nhưng nàng đã không để cái “nghiệp” chi phối hoàn toàn. Đã bao lần nàng nhìn lại mình bằng một sự thức tỉnh tột cùng dù đang trôi nổi trên “dòng sông định mệnh”. Đó là sự thức tỉnh của con người trong “bể trầm luân”:
“Tẻ vui cũng một kiếp người,
Hồng nhan phải giống ở đời mãi ru”.
Nguyễn Du viết về Thuý Kiều tài sắc bằng con mắt thoát ly với định kiến thông thường của xã hội phong kiến và mang tầm tư tưởng nhân đạo cao cả. Chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy sự đồng cảm và bênh vực của thi nhân đối với Thuý Kiều.
“Đoạn trường tân thanh” có nghĩa là tiếng nói mới, đứt ruột. Nỗi đau của Kiều là nỗi đau nhân tình, nỗi đau nhân thế. Vì vậy, tiếng khóc cho số phận con người của Đại thi hào Nguyễn Du được cả nhân loại nghe thấy.
Kiều là hiện thân cho sự trinh tiết, cho cái đẹp trong sự ngưỡng vọng, trân trọng của Nguyễn Du.
Viết về Kiều, dù cuộc đời lưu lạc của nàng cay đắng, tủi nhục ê chề nhưng Nguyễn Du không gợi cho người đọc nàng là một kỹ nữ đáng khinh miệt mà ông luôn đứng ra để bảo vệ nhân phẩm cho nàng với niềm cảm thông sâu sắc.
Thúy Kiều vẫn lấp lánh vẻ đẹp, tài sắc vẹn toàn:
“Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai”.
Trong con mắt chàng Kim, nàng Kiều lấp lánh vẻ đẹp của một tâm hồn trong sáng:
“Chàng rằng: Khéo nói nên lời,
Mà trong lẽ phải có người có ta!
Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường,
Có khi biến có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay?
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
Hoa tàn mà lại thêm tươi,
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”.
Và đây là lời của Thuý Kiều:
… “Thân tàn gạn đục khơi trong,
Là nhờ quân tử khác lòng người ta”.
Tôi rất thích cách nói: “thay cách nhìn, đổi cuộc đời” và tôi đặc biệt thích những câu thơ này trong Truyện Kiều:
“Có trời mà cũng tại ta,
… Mà trong lẽ phải có người có ta!
… Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Văn học do con người sáng tạo ra và tất yếu nó phải trở lại phục vụ cho con người. Truyện Kiều kết tinh tinh hoa của văn hóa dân tộc phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử trong đó chứa đựng những vấn đề xã hội mang tầm nhân loại: khát vọng nhân bản, tinh thần nhân văn, giá trị nhân đạo.
Năm 2013, Hội đồng chấp hành UNESCO đã ra Nghị quyết về việc kỷ niệm 93 nhân vật có những đóng góp lớn trong lĩnh vực văn hóa của nhân loại, trong đó có Nguyễn Du vào dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào (1765-2015).
Nguyễn Du, Đại thi hào nhân đạo chủ nghĩa của nhân loại đã trở thành bất tử.