06/02/2018, 15:06

Phân tích thân phận người phụ nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

“Trải qua một cuộc bể dâu, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng. Lạ gì bỉ sắc tư phong, Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.” “Bể dâu” trong thành ngữ “bãi bể nương dâu”, bãi biển biến thành ruộng dâu nói lên sự thay đổi ...


“Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.

Lạ gì bỉ sắc tư phong,

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.”

“Bể dâu” trong thành ngữ “bãi bể nương dâu”, bãi biển biến thành ruộng dâu nói lên sự thay đổi lớn của trời đất, những thăng trầm của cuộc đời. Thành ngữ “bãi bể nương dâu” bắt nguồn từ một thành ngữ gốc Hán “thương hải tang điền”, liên quan tới câu chuyện Tiên Phật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian. 

Tương truyền rằng, ở thời Đông Hán có ông Phương Bình, học giỏi tài cao, thi đỗ đạt và được bổ nhiệm làm quan. Sau một thời gian thi thố với đời, Phương Bình đã bỏ quan đi tu. Ông đắc đạo và trở thành Phật. Một lần Phật Phương Bình giáng xuống nhà Thái Kinh (người đời Hậu Hán) cho mời tiên nữ Ma Cô đến. Ma Cô bảo với Phương Bình rằng: “Tiếp thị dĩ lai dĩ kiến,  Đông hải tam vi tang điền”, nghĩa là từ khi hầu chuyện với ông, tôi đã thấy bể Đông ba lần biến thành ruộng dâu.

Câu chuyện này được lưu truyền trong dân gian và được người đời chắt lọc lấy cái cốt lõi tinh thần để phản ánh sự đổi thay của trời đất, của cuộc đời. Trong thơ văn Trung Quốc, hình ảnh “bãi bể nương dâu” đã trở thành tứ cho nhiều bài thơ nổi tiếng.

Thơ Tô Thức đời Tống có câu “Bất kính bột hải tang điền biến”, có nghĩa là: “Không sợ bể Đông biến thành ruộng dâu”. Cũng nhờ câu chuyện trên mà dần dà trong tiếng Hán xuất hiện thành ngữ “thương hải tang điền”. 

Về ý nghĩa “bãi bể nương dâu”, thường nói đến sự đổi thay thế sự với bao nỗi nuối tiếc, ngậm ngùi:

                        “Khóc vì nỗi thiết tha sự thế
                        Ai bày trò bãi bể nương dâu.”
                                 (Nguyễn Gia Thiều, “Cung oán ngâm khúc”) 
                        “Cơ trời dâu bể đa đoan,
                 Một nhà để chị riêng oan một mình”.
                                    (Nguyễn Du, Truyện Kiều)
Trở lại với chủ đề chính:

                        “Lạ gì bỉ sắc tư phong,
                 Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.”

Cái cách “lập ngôn” của Cụ Nguyễn thật lạ: Lạ gì  (không còn lạ gì) cái chuyện người đàn bà đẹp, phong cách, phong thái khiến cho trời xanh quen thói (quen cái thói xấu) ghen ghét, đố kỵ mà ra tay đày đọa, làm cho phải chịu nhiều nỗi truân chuyên.

Nguyễn Du, hơn một lần đề cập đến thân phận của khách “má hồng”. Đến với Tiểu Thanh, ba trăm năm sau ngày nàng mất, trong lòng nhà thơ dậy lên cảm xúc xót xa trước cảnh đời “tang thương dâu bể”:

            “Tây Hồ cảnh đẹp hóa gò hoang,
          Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.
          Son phấn có thần chôn vẫn hận,
          Văn chương không mệnh đốt còn vương.
          Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi,
          Cái án phong lưu khách tự mang.
          Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
          Người đời ai khóc Tố Như chăng ?”
                          (Nguyễn Du, Độc Tiểu Thanh ký)

Tương truyền Phùng Tiểu Thanh là một người con gái Trung Quốc sống khoảng đầu thời Minh. Năm mười sáu tuổi, nàng được gả làm vợ lẽ cho Phùng Sinh, một thương gia giàu có ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang. Vợ cả ghen, bắt nàng ở trong ngôi nhà xây biệt lập trên núi Cô Sơn. Nàng có làm một tập thơ ghi lại tâm trạng đau khổ của mình. Ít lâu sau, Tiểu Thanh buồn mà chết, khi mới tròn mười tám xuân xanh. Nàng chết rồi, vợ cả vẫn ghen, đem đốt tập thơ của nàng, may còn sót một số bài được người đời chép lại đặt tên là “Phần dư” (đốt còn sót lại) và thuật luôn câu chuyện bạc phận của nàng.

Nguyễn Du đọc những bài thơ ấy, lòng dạt dào thương cảm cô gái “tài hoa, bạc mệnh”. Đồng thời ông cũng bày tỏ nỗi băn khoăn, day dứt trước số phận bất hạnh của bao con người tài hoa khác trong xã hội cũ, trong đó có bản thân ông.

Son phấn là vật để trang điểm, tượng trưng cho sắc đẹp phụ nữ. Sắc đẹp thì có thần, có “hồn”. Cái ĐẸP có thể bị hãm hại, dập vùi nhưng nó vẫn sống mãi đến muôn đời.

Văn chương là cái TÀI của Tiểu Thanh nói riêng và cũng là vẻ đẹp tinh thần của cuộc đời nói chung. Văn chương “vô mệnh” bởi nó đâu có sống chết như người? Ấy vậy mà ở đây, nó  vẫn có cái phần “hồn” bất tử, cũng biết giận, biết thương, biết cố gắng chống chọi lại bạo lực, sự hủy diệt để tổn tại, sống mãi với đời sau, nói với người đời sau những điều tâm huyết.

Ta thấy trái tim yêu thương mênh mông của thiên tài Nguyễn Du, ta cảm nhận sâu sắc giá trị nhân văn, nhân bản tuyệt vời của “Truyện Kiều”. "Truyện Kiều" là tiếng kêu thương thống thiết, ai oán, não nùng. Tiếng kêu thương ấy, nhà thơ đã gửi vào thân phận một người đàn bà.

Ngay ở phần đầu truyện, Kiều nghĩ về Đạm Tiên:

                          “Đau đớn thay phận đàn bà!
                 Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
                          Phũ phàng chi bấy Hóa công,
                 Ngày xanh mòn mỏi, má hồng phôi pha.
                          Sống làm vợ khắp người ta,
                 Hại thay thác xuống làm ma không chồng.”

Sau khi Từ Hải mắc mưu Hồ Tôn Hiến và chết đứng, Kiều phải hầu rượu, đánh đàn trong cảnh “ Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan”, bị “ Ép tình mới gán cho người thổ quan”, quá uất ức Kiều gieo mình xuống sông Tiền Đường, Nguyễn Du ngậm ngùi cho thân phận nàng:

                          "Thương thay cũng một kiếp người
                 Hại thay mang lấy sắc tài làm chi!
                          Những  là oan khổ lưu ly,
                 Chờ cho hết kiếp còn gì là thân!"

Hai câu thơ:

                        “ Đau đớn thay phận đàn bà,
                 Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.”
        Một lần nữa  lại thống thiết trong “Văn Chiêu hồn” của Nguyễn Du:
                          “Đau đớn thay phận đàn bà,
                 Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu.”
          ***

Thưa Cụ Tiên Điền! Lúc sinh thời, Cụ đã từng khóc nàng Tiểu Thanh, khóc nàng Kiều, khóc cho những thân phận bất hạnh của kiếp người và  Cụ đã băn khoăn tự hỏi:

          “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa,
          Người đời ai khóc Tố Như chăng ?”

Thì chẳng cần đợi đến “ba trăm năm”, hậu thế đã “khóc Cụ”, người đời đã “khóc Cụ”, nhân loại đã “khóc Cụ”!

Năm 1924, theo đề nghị của Phạm Quỳnh, chủ nhiệm kiêm chủ bút Tạp chí Nam Phong, tối  mồng 8 tháng 9 năm 1924 ( ngày mồng 10 tháng 8 năm Giáp Tý), tại Hội quán của Hội Khai trí tiến đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) Lễ kỷ niệm Nguyễn Du lần đầu tiên được tổ chức ở nước ta vào dịp giỗ của Người. Tại đây, nhà văn hóa Phạm Quỳnh, người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ, có bài diễn thuyết bằng quốc văn.

Ông cho rằng “Truyện Kiều là cái “văn tự” của giống Việt Nam ta đã “trước bạ” với non sông đất nước này”. Đây là đoạn kết bài diễn thuyết:

“ Cuộc kỷ niệm hôm nay là chủ ý tỏ lòng quốc dân sùng bái cảnh mộ Cụ Tiên Điền ta; lại có các quý hội viên Tây và các quý quan đến dự cuộc là để chứng kiến cho tấm lòng thành thực đó. Nhưng còn có một cái ý nghĩa nữa, là nhân ngày giỗ này, đốt lò hương, so phím đàn, chiêu hồn quốc sỹ.

          Thác là thể phách, còn là tinh anh

Áng tinh trung thấp thoáng dưới bóng đèn, chập chừng trên ngọn khói, xin chứng nhận cho lời thề của đồng nhân đây.

Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.

Còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin rầu lòng giốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh tao, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!”. (Theo Tạp chí Nam Phong số 86, 1924)

Ngày nay, trên bia mộ của học giả Phạm Quỳnh (nằm ở phía trước chùa Vạn Phước, phường Trường An, thành phố Huế) có khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông:     “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn”.

Năm 1965, nhà thơ Tố Hữu đã nghĩ về Cụ, về nỗi niềm xưa, về nỗi đau nhân tình:

                        “Nỗi niềm xưa nghĩ mà thương:

Dẫu lìa ngó ý, còn vương tơ lòng…

                             Nhân tình, nhắm mắt chưa xong
                   Biết ai hậu thế, khóc cùng Tố Như?” 

Năm 1965, kỷ niệm 200 năm ngày sinh Đại thi hào, nhà thơ Huy Cận đã tâm tình với hồn thơ Nguyễn Du qua “ Nhớ Tố Như”:
                             “Ba trăm năm…tính chưa đầy nửa,
                             Cả cuộc đời nay hiểu Tố Như”.

Ngày mồng 5 tháng 12 năm 2015, trên quê hương Hà Tĩnh, Đảng ta, Nhà nước ta đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm cấp Quốc gia 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du.

Một lần nữa  những cống hiến to lớn của Nguyễn Du cho nền văn học Việt Nam cũng như sự phát triển văn hóa của nhân loại được khẳng định:

“Đại thi hào Nguyễn Du là một nghệ sỹ thiên tài, một nhân cách lớn, một tài năng trác việt. Tên tuổi và di sản của ông để lại với giá trị xuyên thời đại mãi là niềm tự hào lớn lao của các thế hệ người Việt Nam hôm qua, hôm nay và mai sau”.

“Kỷ niệm 250 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du, chúng ta bày tỏ lòng tự hào, tôn vinh những cống hiến to lớn của Nguyễn Du đối với văn hóa Việt Nam và văn hóa nhân loại. Đây cũng là dịp để chúng ta làm sáng tỏ hơn tầm cao tư tưởng và các giá trị nghệ thuật của di sản Nguyễn Du; tuyên truyền, giáo dục truyền thống văn hiến của dân tộc, đề cao vai trò của văn học nghệ thuật đối với việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm con người, quảng bá bản sắc văn hóa Việt Nam”. 

Một lần nữa, tiếng thơ, tiếng lòng tri âm tri kỷ của nhà thơ Tố Hữu, của năm mươi năm trước lại trang trọng đồng vọng với “Tiếng thơ ai động đất trời ”, động lòng người trong Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Người:

                             “Tiếng thơ ai động đất trời
                   Nghe như non nước vọng lời ngàn thu
                             Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du
                   Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày
                             Hỡi Người xưa của ta nay
                   Khúc vui xin lại so dây cùng Người!”
                                      (Tố Hữu, Kính gửi cụ Nguyễn Du)

0