06/02/2018, 15:06

Văn học là nhân học

1. Văn chương và tình yêu muôn thuở trong văn chương Văn chương là kết tinh tâm hồn con người. Tình yêu là một thứ cảm xúc đặc biệt của con người. Văn chương cũng như tình yêu là hai thứ không dễ hiểu, khó hiểu đúng và khó có thể hiểu hết. Xưa nay, “cõi người ta” ...

1. Văn chương và tình yêu muôn thuở trong văn chương

Văn chương là kết tinh tâm hồn con người. Tình yêu là một thứ cảm xúc đặc biệt của con người.

Văn chương cũng như tình yêu là hai thứ không dễ hiểu, khó hiểu đúng và khó có thể hiểu hết. Xưa nay, “cõi người ta” đã từng khẳng định: tình yêu là chủ đề muôn thuở của văn chương.

Mác-xim Goóc-ki, Đại văn hào của nước Nga, cho rằng: “” là bộ môn  khoa học về con người, góp phần xây dựng tâm hồn, tính cách, nhân cách của con người.

Văn học phản ánh đời sống muôn màu. Văn học thể hiện sự rung cảm, đồng cảm sâu sắc trong tâm hồn của con người với con người bởi giá trị của Chân – Thiện- Mỹ. Vì vậy, văn học không chỉ dừng lại ở giá trị văn chương mà còn góp phần xây đắp tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội.

Văn chương có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với đời sống tâm hồn của con người:  “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm ta sẵn có” (Hoài Thanh, Ý nghĩa văn chương).

Văn học mang hơi thở của thời đại. Nhà văn luôn luôn hướng tới con người. Văn học rất gần gũi với con người, xây dựng tâm hồn, phát triển nhân cách con người, giúp người hiểu người hơn.

Nguyễn Du có hai câu thơ nổi tiếng về tình cảm quyến luyến, khó dứt bỏ trong tình yêu:

“Dẫu rằng sông cạn đá mòn,
Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ”.        
 Xuân Diệu đã viết trong “Bài thơ tuổi nhỏ”:
“Làm sao sống được mà không yêu 
Không nhớ không thương một kẻ nào…
Hãy đốt đời ta trăm thứ lửa 
Cho bừng tia mắt đọ tia sao”.

2. Số phận “long đong” của môn Văn trong nhà trường phổ thông

Đã từ lâu, nhất là từ đầu thế kỷ XX, người Việt Nam ta, trong đó có cả Cụ Phan Bội Châu, hình như vẫn mang tư tưởng  của Viên Mai,  nhà thơ Trung Quốc, thế kỷ XVIII:

“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch 
Lập thân tối hạ thị văn chương”
(Mỗi bữa không quên ghi thẻ trúc, 
Lập thân thấp nhất ấy văn chương)

Cái số phận của bộ môn Văn (theo cách gọi tắt) cũng “long đong” như tên gọi của nó. Các nhà soạn sách giáo khoa thì nói: “Điều quan trọng là cấu trúc bên trong, nội hàm của thuật ngữ chứ không phải là tên gọi”. Dù tên gọi thế nào thì cấu trúc nội dung của môn học này vẫn là 3 phần: tiếng Việt, văn học và làm văn. Vậy mà cứ đổi tên để phải gọi bằng nhiều cách như Văn học, Ngữ văn hay Văn – Tiếng Việt… ?

Từ trước đến nay, có hay không có hiện tượng học sinh không thích học Văn? Tất nhiên là có!

Tại sao học sinh lại không thích học Văn?

Phải chăng học sinh “không thích”,“không thiết tha” với việc học Văn, có lẽ là vì trước hết và trên hết họ chưa nhận thức được giá trị đích thực của văn chương?

Phải chăng văn chương là một thứ viển vông, là thứ không thể mài ra “cơm áo, gạo tiền” trong thời buổi kinh tế thị trường?

Phải chăng đã có lúc, những người yêu thích văn chương đã bị coi là những người “không bình thường”?

Phải chăng cũng đã có một thực tế: có người do không đủ năng lực học các khối học khác nên đã chọn khối C (thi Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý) như một cứu cánh để vào Đại học mà Văn thì đã có “văn mẫu”  còn Lịch sử và Địa lý thì chủ yếu là học thuộc?

Phải chăng học Văn khó quá, mà học Văn để làm gì? Học xong có mấy ai xin được việc đâu!!!

Một thầy giáo già, dạy Văn ở nhà trường THPT đến gần hết cuộc đời đã kể lại: Trong một giờ học, khi thầy xin phép được tạm dừng trong giây lát, có một ai đó đã nói vọng lên:  Nghỉ luôn cũng được thầy ạ!

Vì sao nghỉ luôn cũng được? Thầy  hỏi lại và một em học sinh đã đứng lên thưa thẳng với thầy "Thưa thật với thầy, hầu như lớp em không ai thích học môn Văn".

Thầy lặng người, lảo đảo, run rẩy bước những bước đi nặng nhọc ra khỏi lớp trước khi giờ học kết thúc!

Nghe kể mà xót cả lòng!

3. Văn học nhà trường đã trở về với đúng chức năng của văn chương

Lĩnh vực nào của đời sống xã hội  cũng cần đến “ngôn ngữ”. Là những người dạy Văn, chúng tôi không quan trọng hóa môn Văn nhưng tự bản thân môn học này đã đặt ra yêu cầu: ngành giáo dục phải làm gì để học sinh quan tâm đến việc học Văn?

Cũng thật mừng, đã đến lúc, văn học đã và đang trở về  với đúng chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mỹ và cả chức năng giải trí của văn chương. Môn Văn trong nhà trường đã và đang trở thành môn học “quan trọng”, trở thành một môn thi “bắt buộc” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển sinh vào các trường Đại học.

Con người bản năng, con người văn hóa, con người nhân cách, con người nhân bản… là những phạm trù lớn của triết học. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này “bản năng” không phải là cái bất biến. Giáo dục là con đường quan trọng để hình thành nhân cách, thực tiễn là môi trường để kiểm nghiệm nhân cách cá nhân:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện,
Tỉnh dậy phân ra kẻ dữ, hiền;
Hiền, dữ phải đâu là tính sẵn,
Phần nhiều do giáo dục mà nên”.
(Hồ Chí Minh, Nửa đêm)

Giáo dục nói chung, chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ của văn chương  nói riêng đã và đang góp phần xây dựng tâm hồn, tính cách, nhân cách của con người; xây dựng con người văn hóa, con người nhân cách, con người nhân bản vì “VĂN HỌC LÀ NHÂN HỌC”!

Nghĩa Lợi, 20/01/2016

Nguyễn Văn Thụy

0