18/06/2018, 15:35

Sự hình thành nhà nước người Germania

trích “ Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước ” của F. Engels Hemann khải hoàn sau chiến thắng Varus Theo Tacitus, người Germania có rất đông dân. Caesar cho ta ý niệm gần đúng về số dân của vài bộ tộc Germania cá biệt: về tổng số dân của người ...

trích Nguồn gốc gia đình, chế độ tư hữu và nhà nước

 của F. Engels

german babararians

Hemann khải hoàn sau chiến thắng Varus

Theo Tacitus, người Germania có rất đông dân. Caesar cho ta ý niệm gần đúng về số dân của vài bộ tộc Germania cá biệt: về tổng số dân của người Usipetes và người Tencteri sống ở tả ngạn sông Rhein, ông đưa ra con số 180.000, kể cả đàn bà và trẻ em. Vậy là một bộ tộc có khoảng 100.000 dân1*, con số đó là rất lớn, so với tổng số dân của người Iroquois ở thời toàn thịnh chẳng hạn: lúc đông nhất, người Iroquois mới có gần 20.000, vậy mà họ đã là mối đe dọa với cả nước, từ vùng Ngũ Hồ tới các vùng Ohio và Potomac. Theo các tài liệu còn lại tới nay, nếu ta thử ghi lại trên bản đồ các bộ tộc sống ven sông Rhein, vốn được người ta biết rõ hơn, thì trung bình, một bộ tộc chiếm một vùng rộng bằng một quận hành chính của nước Phổ, tức là chừng 10.000 Km2, hay 182 dặm1 vuông. Nhưng miền Germania Magna của người La Mã rộng đến tận sông Vistula, lấy tròn số thì có diện tích là 500.000 Km2. Trung bình mỗi bộ tộc có 100.000 dân, vậy tổng số dân ở miền Germania Magna lên tới năm triệu, đó là con số rất lớn với một tập đoàn bộ tộc dã man, nhưng nếu so với các điều kiện ngày nay, thì 10 người/1 Km2, hay 550 người/1 dặm vuông vẫn còn là rất nhỏ. Nhưng con số đó chưa phải là toàn bộ những người Germania sống vào thời đó. Ta biết rằng dọc theo dãy Carpathia, đến tận cửa sông Danube, có các bộ tộc Germania – vốn có gốc gác từ các bộ lạc Goth – như người Bastarnae, người Peucini và nhiều dân khác; họ rất đông, nên Gaius Plinius Secundus đã gộp lại thành tập đoàn chủ yếu thứ năm của người Germania. Từ năm 180 trước Công nguyên, họ đã gia nhập đội quân đánh thuê của Perseus, vua xứ Macedonia; trong những năm đầu của thời Augustus, họ còn tới tận Adrianople. Nếu ta ước lượng rằng họ chỉ có một triệu người, thì tới đầu Công nguyên, số người Germania ít ra cũng phải tới sáu triệu. 

Khi đã định cư ở Germania rồi, thì số dân hẳn đã tăng lên nhanh chóng; những tiến bộ trong sản xuất – đã nhắc tới ở chương trước – cũng đủ chứng tỏ điều này. Những cổ vật được tìm thấy ở các đầm lầy miền Schleswig có từ thế kỉ III trước Công nguyên, căn cứ vào các đồng tiền La Mã được phát hiện cùng với chúng. Vậy, vào thời này, ở ven biển Baltic đã có hai ngành luyện kim và dệt phát triển, có một nền thương mại phát đạt với đế chế La Mã, và những người giàu nhất đã có một cuộc sống xa hoa ở mức độ nhất định; đó đều là dấu hiệu của một dân số đông đúc hơn. Cũng vào thời này, cuộc tấn công toàn diện của người Germania đã bắt đầu, dọc theo cả phòng tuyến sông Rhein, tuyến biên giới có công sự phòng thủ của La Mã, cho tới sông Danube, từ biển Bắc tới tận biển Đen; đó là bằng chứng trực tiếp về việc dân số tăng lên không ngừng và họ đang cố mở rộng lãnh thổ. Cuộc chiến kéo dài ba trăm năm, trong thời gian đó, bộ phận chủ yếu của các bộ tộc Goth (trừ người Goth Scandinavia và người Burgundy) lập thành cánh trái của tuyến tấn công dài; ở giữa là người thượng Đức (người Herminones), họ tiến dọc thượng lưu sông Danube; cánh phải là người Istaevones, nay gọi là người Frank, họ tiến dọc sông Rhein; còn xứ Britannia là do người Ingaevones chinh phục. Cuối thế kỉ V, đế chế La Mã kiệt quệ và yếu ớt đã trở thành miếng đất bỏ ngỏ đối với người Germania xâm lăng. 

Ở các chương trước, ta đã đứng bên nôi của nền văn minh Hi Lạp và La Mã cổ đại. Bây giờ, ta đang đứng trước mộ của nó. Suốt nhiều thế kỉ, nền thống trị thế giới của La Mã, như một cái bào, đi đến đâu là gọt bằng đến đấy, đã tiến qua khắp các nước ven Địa Trung Hải. Trừ những chỗ mà tiếng Hi Lạp có phản kháng lại, còn thì mọi ngôn ngữ dân tộc đều phải nhường chỗ cho một thứ tiếng Latin đã bị biến chất đi; không có sự phân biệt dân tộc nào nữa, không còn người Gaul, người Iberia, người Liguria, người Noricum nữa, tất cả đều thành người La Mã. Nền cai trị và luật pháp của La Mã, ở mọi nơi, đều phá vỡ các quan hệ huyết tộc cổ, cùng với đó là các vết tích cuối cùng của nền độc lập có tính dân tộc và địa phương. Nền văn minh La Mã mới xuất hiện không thể bù đắp được tổn thất ấy; nó biểu hiện sự không có tính dân tộc, chứ không phải là tính dân tộc. Các yếu tố của những dân tộc mới thì ở đâu cũng có; những thổ ngữ Latin ở các tỉnh ngày càng trở nên khác nhau, những biên giới tự nhiên, xưa kia đã biến Ý, Gaul, Tây Ban Nha, và châu Phi thành những miền độc lập, thì nay vẫn còn và có ảnh hưởng rõ rệt. Nhưng không nơi nào có được sức mạnh để kết hợp các yếu tố đó thành những dân tộc mới; không nơi nào có dấu vết của một sức mạnh để phát triển, hay phản kháng, chứ đừng nói tới việc sáng tạo. Cái khối người rất đông đảo, sống trên một lãnh thổ rất rộng lớn đó, chỉ được gắn bó với nhau bằng một sợi dây duy nhất: Nhà nước La Mã; mà Nhà nước La Mã, qua thời gian, đã trở thành kẻ thù và kẻ áp bức lớn nhất của họ. Các tỉnh đã thủ tiêu La Mã, chính ngay Rome cũng trở thành một thành phố của một tỉnh, như các thành phố khác; một thành phố có đặc quyền, nhưng không còn địa vị thống trị, không còn là trung tâm của đế chế toàn thế giới, thậm chí không còn là nơi đóng đô của các hoàng đế và thống đốc nữa: bây giờ họ sống ở Constantinople, Trier, Milan. Nhà nước La Mã đã trở thành một bộ máy khổng lồ phức tạp, chuyên dùng để bóc lột nhân dân. Thuế má, khổ dịch, và đủ thứ đóng góp đã ngày càng dìm nhân dân vào cảnh bần cùng; ách áp bức đó lại càng tăng thêm, do sự nhũng nhiễu của các thống đốc, bọn thu thuế và lính tráng, đã trở nên không thể chịu nổi. Đó là tình trạng mà Nhà nước La Mã, với quyền bá chủ thế giới của nó, đã đạt tới. Nó xây dựng quyền tồn tại của mình trên cơ sở duy trì trật tự bên trong, và chống những người dã man ở bên ngoài; nhưng cái trật tự của nó còn tệ hại hơn cái vô trật tự tệ hại nhất, còn các công dân – mà nó tự cho là phải bảo vệ khỏi những người dã man – thì lại đang chờ những người dã man đó đến giải thoát cho mình. 

Các điều kiện xã hội cũng chẳng kém phần bi đát. Ngay từ cuối thời Cộng hòa, nền thống trị của La Mã đã dựa trên sự bóc lột tàn nhẫn đối với các tỉnh; đế chế chẳng những không thủ tiêu sự bóc lột ấy, mà còn biến nó thành thể chế. Đế chế càng suy tàn, thì các thuế má và đảm phụ càng tăng lên, bọn quan chức càng bóp nặn và cướp bóc một cách vô sỉ. Người La Mã quá chú tâm vào việc thống trị các dân tộc, công thương nghiệp không phải là việc của họ; chỉ ở lĩnh vực cho vay nặng lãi, là họ đã vượt tất cả những kẻ đi trước và đi sau mình. Những gì mà thương nghiệp từng có được và vẫn đang duy trì được, thì đều bị hủy hoại vì sự nhũng lạm của bọn quan chức; nó chỉ còn lại ở Hi Lạp, phần phía Đông của đế chế, nhưng cái đó nằm ngoài phạm vi nghiên cứu. Bần cùng hóa phổ biến; thương nghiệp, thủ công nghiệp và nghệ thuật suy tàn; dân số sụt giảm, thành thị suy vi; nông nghiệp lùi lại mức thấp trước kia – đó là kết quả cuối cùng của sự thống trị thế giới của La Mã. 

Nông nghiệp, vốn là một ngành sản xuất chủ yếu trong toàn bộ thế giới cổ đại, nay lại có tính quyết định hơn bao giờ hết. Tại Ý, từ khi chế độ cộng hòa sụp đổ, những trang trại rộng lớn (latifundia) đã bao trùm hầu hết lãnh thổ, và được khai thác theo hai cách: hoặc dùng làm bãi chăn thả, khi đó dân cư bị thay bằng cừu và bò, và chỉ cần vài nô lệ trông coi chúng; hoặc trở thành các dã thự (villa), ở đó có rất đông nô lệ làm vườn theo qui mô lớn, một phần để phục vụ cuộc sống xa hoa của chủ, phần khác là để đem bán ở các thành thị. Các bãi chăn thả không những được duy trì mà thậm chí còn được mở rộng; những dã thự và trang viên lại ngày càng tàn tạ, vì những người chủ đã bị phá sản, và vì các thành thị đã suy vi. Việc kinh doanh các latifundia, dựa vào sức lao động của nô lệ, không đem lại lợi nhuận nữa; nhưng ở thời đó, không có hình thức sản xuất đại nông nghiệp nào khác cả. Sản xuất nhỏ lại trở thành hình thức duy nhất có lãi. Các dã thự bị cắt vụn thành những mảnh nhỏ, giao cho các tá điền lĩnh canh cha truyền con nối, để thu về một khoản tiền; hoặc giao cho các partiarii, là những người quản lí thì đúng hơn là các tá điền, rồi trả cho họ 1/6, thậm chí 1/9 số sản phẩm hàng năm. Nhưng trong đa số trường hợp, thì các mảnh đất nhỏ đó được giao cho các lệ nông (colon); những người này phải nộp mỗi năm một khoản tiền nhất định, bị ràng buộc vào mảnh đất, và có thể bị bán đi cùng với mảnh đất đó. Thực ra, họ không phải là nô lệ, nhưng cũng không phải người tự do; họ không có quyền kết hôn với những người tự do, và những cuộc hôn nhân giữa họ với nhau cũng không được coi là hôn nhân chính thức, mà chỉ là ăn ở chung với nhau (contubernium) mà thôi, cũng như hôn nhân giữa các nô lệ vậy. Họ là tiền thân của nông nô thời Trung cổ. 

Chế độ nô lệ cổ đại đã hết thời rồi. Trong nền đại nông nghiệp ở nông thôn, hay công trường thủ công ở thành thị, nó không đem lại đủ lợi nhuận để bù vào lượng lao động đã hao phí: thị trường để tiêu thụ các sản phẩm của nó đã biến mất rồi. Nhưng nền tiểu nông và tiểu thủ công – nền sản xuất khổng lồ ở thời kì thịnh vượng của đế chế đã thu hẹp lại đến thế đấy – lại không sử dụng nhiều nô lệ. Chỉ có các nô lệ phục vụ cho kinh tế gia đình, và cho cuộc sống xa xỉ của người giàu, là vẫn còn trong xã hội. Nhưng dù đang hấp hối, chế độ nô lệ vẫn có thể khiến người ta coi tất cả công việc sản xuất là của nô lệ, không xứng với người La Mã tự do; mà giờ thì ai cũng là người La Mã tự do. Vậy, một mặt, ngày càng nhiều nô lệ được giải phóng, vì họ đã trở thành thừa và là một gánh nặng; mặt khác, ngày càng nhiều lệ nông và người tự do bị bần cùng hóa (giống như “poor whites”2 ở các bang có chế độ nô lệ trước đây của Mĩ). Đạo Cơ Đốc hoàn toàn không phải chịu trách nhiệm về sự diệt vong từ từ của chế độ nô lệ. Ở Đế chế La Mã, trong nhiều thế kỉ, nó đã sống chung với chế độ ấy; về sau, nó cũng không cấm các tín đồ mua bán nô lệ: đối với người Đức ở miền Bắc, đối với người Veneti ở Địa Trung Hải, cả với việc mua bán nô lệ da đen sau này2*. Chế độ nô lệ không còn có ích nữa, thế nên nó diệt vong. Nhưng trong lúc đang diệt vong, nó vẫn để lại nọc độc của mình; đó là sự miệt thị của người dân tự do đối với lao động sản xuất. Thế giới La Mã đã đi tới bước đường cùng: về mặt kinh tế, chế độ nô lệ không thể tồn tại được; về mặt đạo đức, thì lao động của dân tự do bị khinh bỉ. Cái này thì không thể là hình thái cơ bản của nền sản xuất xã hội được nữa, nhưng cái kia lại chưa phải là hình thái cơ bản đó. Chỉ có một cuộc cách mạng triệt để mới giải quyết được vấn đề. 

Tại các tỉnh, tình hình cũng không khá hơn. Những tài liệu phong phú nhất mà ta có được là về xứ Gaul. Ở đây, bên cạnh lệ nông, còn có những người tiểu nông tự do nữa. Để được bảo vệ khỏi sự áp bức của bọn quan lại, thẩm phán và cho vay nặng lãi, họ thường tự đặt mình dưới sự bảo vệ, đỡ đầu của một người có quyền thế; không chỉ những cá nhân, mà các công xã cũng làm vậy, đến nỗi hồi thế kỉ IV, các hoàng đế đã nhiều lần cấm việc này. Nhưng làm thế thì có ích gì với những người đang tìm kiếm sự bảo hộ? Người bảo hộ bắt họ phải chuyển quyền sở hữu ruộng đất của mình cho y, đổi lại, y đảm bảo cho họ được sử dụng đất đai đó suốt đời. Giáo hội thần thánh đã học được mánh khóe này và triệt để áp dụng nó, vào các thế kỉ IX-X; để mở rộng giang sơn của Chúa, cũng như ruộng đất của chính mình. Thực ra hồi đó, khoảng năm 475, giám mục Marseilles là Salvianus vẫn còn lấy làm phẫn nộ mà phản đối kiểu ăn cướp ấy. Ông kể rằng: sự áp bức của bọn quan lại và địa chủ La Mã đã khiến rất nhiều “người La Mã” chạy trốn sang các vùng đã bị người dã man chiếm đóng; với họ, không gì đáng sợ hơn là lại rơi vào ách thống trị của La Mã. Cha mẹ vì quá nghèo mà thường phải đem bán con cái mình làm nô lệ; điều này được chứng minh bằng một đạo luật cấm chỉ việc làm đó. 

Vì đã giải thoát người La Mã khỏi Nhà nước của chính họ, người Germania dã man liền lấy của họ 2/3 tổng số đất đai, rồi đem chia nhau. Việc phân chia được tiến hành theo thể thức của thị tộc. Vì số người đi chinh phục tương đối ít, nên có những vùng đất rộng lớn vẫn chưa được chia; một phần trong số đó thuộc về toàn thể nhân dân, phần khác là của các bộ lạc và thị tộc riêng rẽ. Trong mỗi thị tộc, đồng ruộng và bãi chăn nuôi được chia đều, rồi các hộ bốc thăm lấy phần của mình. Ta không biết là ruộng đất đó về sau có được chia lại định kì hay không, nhưng dù sao thì chẳng bao lâu sau, cái tập quán đó cũng mất đi ở các tỉnh thuộc La Mã; và các phần đất đều trở thành tài sản tư có thể chuyển nhượng được, gọi là allodium. Rừng rú và bãi chăn thả thì không đem chia mà vẫn dùng chung, việc sử dụng đất đai đó, cũng như phương thức canh tác những đất đã được chia, thì đều theo tập quán cổ và những quyết định của toàn thể công xã. Thị tộc sống trong làng của mình càng lâu, người Germania và người La Mã dần dà càng hòa lẫn vào nhau; thì sợi dây liên kết mọi người càng mất đi tính chất huyết tộc, và càng mang nhiều tính chất địa phương: thị tộc hòa tan vào trong công xã mark, trong đó, những vết tích về nguồn gốc của công xã – tức là quan hệ huyết tộc giữa các thành viên – vẫn thường lộ ra rõ rệt. Như vậy, ít ra là ở những nước mà công xã mark còn được duy trì – miền Bắc nước Pháp, nước Anh, nước Đức, và Scandinavia – thì tổ chức thị tộc đã chuyển dần dần thành một tổ chức có tính địa phương, do đó mà nó thích ứng được với Nhà nước. Tuy thế, nó vẫn giữ được tính chất dân chủ nguyên thủy, một đặc trưng của mọi chế độ thị tộc; vì thế, cả về sau này, khi đã bị buộc phải thoái hóa đi, nó vẫn bảo tồn được những yếu tố đầy sức sống của chế độ ấy, do đó mà nó vẫn là một vũ khí của những người bị áp bức. 

Sự yếu đi của mối liên hệ huyết thống trong thị tộc là từ sự thoái hóa của các cơ quan thị tộc – trong bộ lạc cũng như trong toàn thể bộ tộc – mà ra; mà cái đó lại là kết quả của chính công cuộc chinh phục của họ. Ta biết rằng: sự thống trị đối với những kẻ bị chinh phục không thể tương thích với chế độ thị tộc. Ở đây, ta thấy được điều đó trên qui mô lớn. Các bộ tộc Germania, giờ đã là chủ của các tỉnh thuộc La Mã, phải tổ chức việc quản lí những vùng mà mình đã chiếm được. Nhưng không thể đưa một số lớn người La Mã vào các tập đoàn thị tộc, cũng không thể dùng các cơ quan thị tộc để thống trị họ. Để lãnh đạo các cơ quan quản lí địa phương của La Mã, ban đầu thì phần nhiều trong số chúng vẫn tiếp tục tồn tại, cần có một quyền lực thay thế cho Nhà nước La Mã; đó chỉ có thể là một Nhà nước khác mà thôi. Các cơ quan của chế độ thị tộc phải mau chóng chuyển hóa thành các cơ quan Nhà nước, vì tình thế đòi hỏi. Nhưng đại biểu trực tiếp của bộ tộc đi chinh phục lại là thủ lĩnh quân sự. Để đảm bảo an ninh cho vùng mới chiếm được, và chống lại các cuộc tấn công từ bên trong lẫn bên ngoài, thì phải tăng cường quyền lực cho ông ta. Đã đến lúc biến quyền lực của thủ lĩnh quân sự thành quyền lực của nhà vua: việc đó đã được thực hiện. 

Ta lấy vương quốc của người Frank làm ví dụ. Ở đây, bộ tộc Salian đã chiến thắng, và chiếm hữu hoàn toàn: không chỉ các điền trang rộng lớn của Nhà nước La Mã, mà cả những vùng đất rộng, vẫn chưa được chia cho các công xã khu vực và công xã mark lớn nhỏ, và nhất là tất cả những vùng rừng núi lớn. Từ một thủ lĩnh quân sự bình thường nhảy lên hạng vương công thực sự, việc làm đầu tiên của nhà vua người Frank là biến tài sản ấy của nhân dân thành lãnh địa của mình, ăn cướp nó từ tay nhân dân, và đem cấp cho các thân binh của mình, dưới hình thức tặng phẩm hoặc đất phong. Đội thân binh này, lúc đầu chỉ gồm các cận vệ riêng và các thủ lĩnh quân sự dưới quyền, đã tăng lên nhanh chóng; không chỉ do việc lấy thêm người La Mã, tức là người Gaul đã La Mã hóa: vua Frank không thể thiếu họ, vì họ có tài viết lách, có học thức, họ biết về tiếng nói của người La Mã, về văn học Latin, và cả về pháp luật của địa phương; mà còn do việc lấy thêm các nô lệ, nông nô, và những người đã được giải phóng; họ họp thành đám cận thần của nhà vua, trong số đó ông ta chọn ra những người tin cẩn. Họ đều nhận được các khoảnh ruộng đất của nhân dân, lúc đầu dưới hình thức tặng phẩm, sau này dưới hình thức benefice3, mà lúc đầu thường chỉ được hưởng tới khi nhà vua băng hà thôi. Vậy là nhờ việc xâm phạm lợi ích của nhân dân, mà nền tảng của một tầng lớp quí tộc mới đã được tạo ra. 

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Không thể dùng các phương tiện của chế độ thị tộc cũ để quản lí lãnh thổ mênh mông của vương quốc được. Hội đồng các thủ lĩnh, nếu không phải là đã biến mất từ lâu, thì cũng không thể triệu tập lại được, và cũng mau chóng bị thay thế bởi đám triều thần của nhà vua; đại hội nhân dân cũ tiếp tục tồn tại trên danh nghĩa, nhưng nó cũng dần biến thành đại hội của riêng bọn thủ lĩnh quân sự dưới quyền nhà vua, và của đám quí tộc mới ra đời. Những cuộc chiến tranh xâm lược liên miên, nhất là dưới thời Charlemagne, và những cuộc nội chiến dai dẳng, đã đẩy các nông dân tự do và có ruộng đất – chiếm đại đa số ở người Frank – vào cảnh kiệt quệ và phá sản, hệt như các nông dân La Mã ở cuối thời Cộng hòa. Dù ban đầu, các nông dân ấy họp thành toàn thể quân đội, và sau khi chinh phục nước Pháp, họ vẫn là xương sống của quân đội; thì tới đầu thế kỉ IX, họ đã bị bần cùng hóa đến nỗi, cứ năm người thì may lắm mới được một người có đủ quân trang để ra trận. Thay cho đội quân gồm các nông dân tự do được nhà vua chiêu mộ trực tiếp, là một đội quân gồm các lính tráng của bọn quí tộc mới ra đời; trong đó có cả các nông nô, con cháu của những người xưa kia không biết đến ông chủ nào khác ngoài nhà vua, và trước nữa thì thậm chí không biết tới một ông chủ nào, kể cả nhà vua. Dưới thời các vua kế vị Charlemagne, giai cấp nông dân Frank bị phá sản hoàn toàn; vì các cuộc nội chiến, vì vương quyền suy yếu, vì bọn quí tộc lớn thừa cơ cát cứ (trong đó có cả những bá tước do chính Charlemagne đặt ra, giờ đây chúng đang cố gắng thế tập hóa chức vụ của mình), và sau rốt là vì các cuộc xâm lăng của người Norse. Năm mươi năm sau khi Charlemagne băng hà, đế chế Frank đã không còn sức đề kháng, đành phải nằm bẹp dưới chân người Norse; cũng như bốn trăm năm trước, đế chế La Mã đã phải nằm bẹp dưới chân người Frank. 

Không chỉ giống nhau trong việc bất lực trước kẻ thù bên ngoài, mà cả cái trật tự – đúng hơn là vô trật tự – của xã hội bên trong cũng gần giống nhau nốt. Người nông dân Frank tự do cũng ở trong cảnh vô vọng, hệt như người lệ nông La Mã trước kia. Bị cướp bóc và phá sản vì những cuộc chiến, họ buộc phải tự đặt mình dưới sự bảo hộ của bọn quí tộc mới hoặc của giáo hội, vì vương quyền đã quá suy yếu đến nỗi không che chở họ được nữa. Nhưng để được bảo hộ, họ phải trả một giá rất đắt. Cũng như nông dân xứ Gaul xưa kia, họ phải chuyển quyền sở hữu đất đai của mình cho tên lãnh chúa bảo hộ họ, tên này lại giao chính đất đó cho họ lĩnh canh, với các điều kiện khác nhau và thay đổi, nhưng đổi lại, họ luôn phải thực hiện lao dịch và nộp tô bằng hiện vật. Một khi đã rơi vào địa vị lệ thuộc đó, họ mất dần quyền tự do cá nhân của mình; sau vài thế hệ, họ hầu hết đều trở thành nông nô. Giai cấp nông dân tự do đã mất đi mau chóng đến thế nào, điều này được chứng minh qua những ghi chép của Irminon trong sổ địa bạ của tu viện Saint-Germain-des-Prés, hồi đó ở gần Paris, giờ thì ở ngay nội thành Paris. Trên những đất đai rộng lớn của tu viện đó, nằm rải rác ở các vùng xung quanh, thì ở thời Charlemagne có 2788 hộ, hầu hết là người Frank có họ Germania. Trong đó có 2080 lệ nông, 35 nông dân nửa tự do, 220 nô lệ, và chỉ 8 tá điền tự do! Cái tập quán từng bị Salvianus gọi là phản Chúa, tức là việc lãnh chúa bảo hộ bắt nông dân phải chuyển ruộng đất của họ thành sở hữu của mình, và chỉ cho phép họ sử dụng nó tới hết đời; giờ đây đã được Giáo hội thực hành phổ biến đối với nông dân. Các khổ dịch được áp dụng ngày càng phổ biến, thì cũng theo đúng cái kiểu của các angaria ở thời La Mã, tức là những công việc buộc phải làm cho Nhà nước; hay như các nghĩa vụ mà các thành viên của công xã mark ở Đức buộc phải làm, để xây cầu đường, hay các việc công ích khác. Tóm lại, sau bốn trăm năm, đại đa số quần chúng nhân dân hình như trở về điểm xuất phát. 

Nhưng tình hình đó chỉ chứng tỏ hai điều: một là, sự phân hóa trong xã hội và sự phân phối tài sản ở đế chế La Mã thời kì suy tàn là hoàn toàn phù hợp với trình độ sản xuất nông nghiệp và công nghiệp thời đó, thế nên sự phân hóa và phân phối ấy là tất yếu; hai là, trình độ sản xuất đó không nâng lên hay hạ xuống đáng kể trong bốn thế kỉ sau, nên tất yếu là nó lại đẻ ra sự phân phối tài sản và các giai cấp trong xã hội giống như xưa. Vào những thế kỉ cuối cùng của đế chế La Mã, thành thị đã mất địa vị thống trị – mà trước kia nó có được – đối với nông thôn; và ở những thế kỉ đầu tiên của thời Germania, nó vẫn chưa lấy lại được địa vị đó. Điều đó ám chỉ sự phát triển thấp của cả nông nghiệp và công nghiệp. Tình hình đó nhất định sẽ sản sinh ra các tên địa chủ lớn thống trị và những tiểu nông bị lệ thuộc. Không thể ghép vào một xã hội như thế, cái chế độ latifundia của La Mã, sử dụng lao động của nô lệ; hay là nền đại nông nghiệp mới, sử dụng khổ dịch. Điều này được chứng minh qua những thí nghiệm đại qui mô của Charlemagne, với những dã thự hoàng gia nổi tiếng của mình: những thí nghiệm đó gần như không để lại dấu tích gì cả. Chỉ có các tu viện là tiếp tục thực hành và thu được kết quả với những thí nghiệm đó, nhưng các tu viện là những cơ cấu xã hội khác thường, có nền tảng là chế độ sống độc thân; chúng có thể đem lại những kết quả ngoại lệ, nhưng cũng chính vì thế mà chúng vẫn chỉ là ngoại lệ thôi. 

Tuy thế, trong bốn thế kỉ đó, người ta cũng tiến được một bước. Dù rằng ở cuối thời kì đó, ta lại thấy hầu hết các giai cấp giống như hồi đầu, thì những người hợp thành các giai cấp đó cũng đã khác đi rồi. Chế độ nô lệ cổ đại đã mất đi; do đó, những người tự do bị bần cùng hóa, khinh miệt lao động, coi đó là việc của nô lệ, cũng không còn nữa. Giữa lệ nông La Mã và nông nô mới, có người nông dân Frank tự do. “Những kí ức vô dụng và những cuộc đấu tranh vô nghĩa” của thế giới La Mã đang suy tàn, giờ đây đã vĩnh viễn qua đi rồi. Các giai cấp xã hội của thế kỉ IX đã được hình thành, không phải trong sự rữa nát của một nền văn minh đang suy tàn, mà là trong những cơn đau đẻ của một nền văn minh mới sắp ra đời. So với những người La Mã đi trước họ, thì thế hệ mới, cả chủ lẫn tớ, đều là một thế hệ cường tráng. Quan hệ giữa địa chủ đầy quyền lực và nông dân bị lệ thuộc, khi xưa là một hình thái của sự suy vong không lối thoát của thế giới cổ đại, thì ngày nay lại là điểm xuất phát của sự phát triển mới. Hơn nữa, dù bốn trăm năm đó có vẻ vô ích đến thế nào đi nữa, thì chúng vẫn để lại một kết quả lớn lao: đó là các dân tộc hiện đại, là sự tổ chức và sắp xếp lại một bộ phận người sống ở Tây Âu, chuẩn bị cho lịch sử sắp tới. Người Germania đã thực sự hồi sinh châu Âu, vì thế, sự tan rã của các quốc gia ở thời Germania đã kết thúc; nhưng không phải với việc bị người Norse và người Saracen nô dịch, mà với việc phát triển hơn nữa chế độ benefice và chế độ bảo hộ4 thành chế độ phong kiến, [và việc dân số tăng lên rất nhiều; đến nỗi chưa đầy hai thế kỉ sau, châu Âu đã chịu đựng được những cuộc chiến đẫm máu trong thời kì Thập tự chinh, mà không bị thiệt hại]. 

Nhưng người Germania đã dùng phép thần bí nào để thổi vào châu Âu đang hấp hối một luồng sinh khí mới như vậy? Đó có phải là một năng lực màu nhiệm bẩm sinh của người Germania, như các sử gia Chauvin chủ nghĩa của chúng ta vẫn thêu dệt, hay không? Hoàn toàn không. Người Germania, đặc biệt ở thời kì này, là một nhánh rất ưu tú của người Arya; hơn nữa, họ đang ở vào giai đoạn phát triển sung sức nhất. Nhưng châu Âu trẻ lại được thì không phải nhờ các đặc tính dân tộc của họ, mà chỉ là nhờ tính chất dã man, và tổ chức thị tộc của họ đấy thôi. 

Tài năng và lòng dũng cảm của cá nhân họ, tinh thần tự do và bản năng dân chủ của họ, cái bản năng coi mọi công việc chung cũng là công việc của mình; tóm lại là những đức tính mà người La Mã đã mất đi, những đức tính duy nhất có khả năng tạo ra các quốc gia mới, và làm cho nhiều dân tộc mới trưởng thành lên, từ đất phù sa của thế giới La Mã; nếu đó không phải là các đặc tính của người dã man ở giai đoạn cao, các thành quả của chế độ thị tộc của họ, thì còn là gì nữa? 

Nếu người Germania đã cải biến hình thức cổ đại của chế độ một vợ một chồng, làm dịu bớt sự thống trị của người đàn ông trong gia đình, và đem lại cho người đàn bà một vị thế cao hơn, mà họ chưa từng có được trong thế giới cổ điển; thì cái gì đã khiến họ làm được điều đó, nếu không phải là tính chất dã man của họ, các tập quán thị tộc của họ, là những tàn tích còn đầy sức sống của thời đại mẫu quyền? 

Nếu, ít ra là ở ba nước chủ yếu – Đức, miền Bắc nước Pháp và Anh – họ đã chuyển được vào trong Nhà nước phong kiến một mẩu nhỏ của tổ chức thị tộc, dưới hình thức công xã mark, do đó mà đem lại cho giai cấp bị áp bức, tức là nông dân – kể cả trong điều kiện chế độ nông nô tàn khốc nhất ở thời Trung cổ – một sự đoàn kết có tính chất địa phương, và một phương tiện đề kháng, mà nô lệ cổ đại cũng như người vô sản hiện đại không thể tìm thấy dưới một hình thức đã có sẵn; thì cái đó vì đâu mà có, nếu không phải là tính chất dã man của họ, phương thức định cư theo tập đoàn thân tộc của họ, một phương thức hoàn toàn của thời dã man? 

Và cuối cùng, nếu họ có thể phát triển và phổ biến một hình thức lệ thuộc bớt nặng nề hơn, vốn đã được họ áp dụng ở quê hương mình, và cũng là hình thức đang dần thay thế chế độ nô lệ ở đế chế La Mã; một hình thức, mà Fourier đã lần đầu tiên vạch ra rằng, nó đem lại cho những người bị nô dịch những phương tiện để dần giải phóng họ với tư cách một giai cấp (fournit aux cultivateurs des moyens d’affranchissement collectif et progressif)5, một hình thức lệ thuộc nhờ thế mà cao hơn nhiều so với chế độ nô lệ; vì trong chế độ nô lệ, chỉ có sự giải phóng tức thì từng cá nhân, không trải qua một giai đoạn quá độ nào (thời cổ đại chưa từng biết tới việc thủ tiêu chế độ nô lệ nhờ một cuộc khởi nghĩa thành công), trong khi người nông nô thời Trung cổ đã dần dần giải phóng mình về mặt giai cấp; việc đó, nếu không phải là do tính chất dã man của người Germania – nhờ đó mà họ chưa tiến được lên một chế độ nô lệ đã phát triển hoàn chỉnh, chưa tiến tới hình thức cổ đại của lao động nô lệ, cũng như chưa tới được chế độ nô lệ gia đình ở phương Đông – thì vì đâu mà có? 

Tất cả những sinh khí và sức sống, mà người Germania đưa vào thế giới La Mã, thì đều là của thời dã man cả. Chỉ có những người dã man mới có thể làm trẻ lại một thế giới đang quằn quại của một nền văn minh sắp sụp đổ. Và giai đoạn cao của thời dã man – giai đoạn mà người Germania đã đạt tới được, trước thời kì Đại di cư – là thuận lợi nhất cho quá trình đó. Điều này cắt nghĩa tất cả.

Chú thích của Engels

1* Con số này được chứng thực trong đoạn văn của Diodorus về người Celt xứ Gaul: “Ở xứ Gaul có nhiều bộ tộc với dân số chênh lệch nhau; lớn nhất là chừng 200.000 người, nhỏ nhất thì tầm 50.000 người” (Diodorus Siculus, V, 25). Vậy thì trung bình là 125.000; vì các bộ tộc Gaul ở trình độ phát triển cao hơn, nên hoàn toàn có thể cho là họ đông dân hơn một chút, so với các bộ tộc Germania.

2* Theo giám mục Liutprand xứ Cremona, ở Verdun, tức là thuộc Đế chế La Mã Thần thánh, thì ở thế kỉ X, ngành kinh doanh chủ yếu là chế tạo các hoạn quan, rồi bán sang Tây Ban Nha – với giá rất hời – để dùng trong cung cấm của người Moors.

Chú thích của người dịch

1 “Dặm” của người Đức dài 7420 m.

2 “Những người nghèo da trắng”.

3 Tiếng Latin là beneficium, là hình thức phong ruộng đất rất phổ biến ở Pháp, hồi giữa thế kỉ VIII. Người nhận được cấp một khoảnh đất, cùng với các nông dân bị ràng buộc, sống trên đất đó; y có quyền sử dụng đất đó tới khi chết, với điều kiện phải phục vụ một số công việc, chủ yếu là về quân sự. Chế độ benefice đã thúc đẩy sự hình thành của giai cấp lãnh chúa phong kiến – nhất là tầng lớp quí tộc vừa và nhỏ – cũng như sự phát triển của các quan hệ chư hầu, và tôn ti trật tự phong kiến; về sau, nó biến thành chế độ phong ruộng đất có tính thế tập.

4 Tiếng Pháp là recommandation, là một chế độ rất phổ biến ở châu Âu từ thế kỉ VIII-IX trở đi; theo đó nông dân chịu sự “bảo hộ” của chúa phong kiến nhỏ, chúa phong kiến nhỏ lại chịu sự “bảo hộ” của chúa phong kiến lớn hơn, kèm theo một số điều kiện (như phục vụ quân sự, hoặc là giao ruộng đất cho chúa phong kiến, rồi nhận lại chính ruộng đất đó để lĩnh canh). Người ta thường dùng vũ lực để bắt nông dân nhận sự “bảo hộ”, điều đó có nghĩa là tước bỏ quyền con người của nông dân, còn các chúa phong kiến nhỏ thì phải chịu làm chư hầu cho chúa phong kiến lớn. Chế độ này đã góp phần củng cố các quan hệ phong kiến.

5 Tiếng Pháp theo đúng nguyên bản, nghĩa là “đem lại cho người làm ruộng những phương tiện giải phóng tập thể và từng bước”.

0