18/06/2018, 15:35

Sử thi “Phuỳ ca Na ca” của người Hà Nhì

Tiểu Phong Sử thi “ Phuỳ Ca Na Ca ”, không dài, chỉ gồm 932 câu với 28.903 từ (tính theo bản phiên âm gốc) nhưng hoàn toàn phù hợp với lời nhận xét của GS. Phan Đăng Nhật rằng: “ Các sử thi tiêu biểu của các quốc gia thường có khối lượng đồ sộ, trong lúc đó sử thi ...

Tiểu Phong

Hà-Nh

Sử thi “Phuỳ Ca Na Ca”, không dài, chỉ gồm 932 câu với 28.903 từ (tính theo bản phiên âm gốc) nhưng hoàn toàn phù hợp với lời nhận xét của GS. Phan Đăng Nhật rằng: “Các sử thi tiêu biểu của các quốc gia thường có khối lượng đồ sộ, trong lúc đó sử thi các dân tộc nước ta nói chung không lớn mấy[1].

Sử thi “Phuỳ Ca Na Ca” có cấu trúc gồm có ba phần:

Phần thứ nhất kể về cuộc sống của người Hà Nhì ở miền cổ Na Chô Chô Ứ, bên dòng sông Ha Sa, được bố phòng cẩn mật, lại có núi cao, sông sâu án ngữ. Đang yên bình thì dịch bệnh hủi tràn đến khiến cho người con gái Hà Nhì xinh đẹp bị mắc bệnh, bị thả bè trôi sông. Vì cớ ấy, người Hán bằng mưu ma chước quỉ của mình đã bày kế cho cô gái khỏi bệnh trở về nhưng cô không về một mình mà về theo chàng rể người Hán. Đó chính là nội gián người Hán cài vào để tính kế lâu dài – thôn tính đất Hà Nhì.

Phần thứ hai kể về cuộc tranh chấp âm thầm nhưng quyết liệt giữa một bên là lực lượng bảo vệ lý lẽ và những tập tục truyền thống của Hà Nhì mà đại diện là anh con trai trưởng trong nhà và một bên là lực lượng người Hán với đại diện là tên con rể và cô vợ người Hà Nhì nhẹ dạ. Chúng dần chiếm hết nhà cửa, đất đai, của cải, hãm hại con voi chúa canh giữ ranh giới Hà Nhì – Hán, đánh tráo cái ống thần một lần thổi chết trăm tên địch của người Hà Nhì. Sau đó, kiếm cớ để tiến đánh, thôn tính đất đai của người Hà Nhì.

Phần thứ ba kể về cuộc di cư bi thảm, thê lương của người Hà Nhì. Trong quá trình di cư, người Hà Nhì dần bị ly tán, phần thì do bị cộng đồng người khác bắt làm nô lệ, phần thì rơi rớt trên những địa điểm dọc theo tuyến đường di cư. Số còn lại đến sinh sống ở một địa điểm khác và không còn liên hệ gì với các nhóm đã bị ly tán dọc đường.

Như vậy, nội dung của sử thi “P’huỳ ca Na ca kể về sự đối đầu và xung đột một thời giữa người Hà Nhì với người Hán. Sử thi “P’huỳ ca Na ca” có rất nhiều câu nói về điều này, nhiều chỗ lặp đi lặp lại như muốn nhấn mạnh đến một vấn đề cốt tử của người Hà Nhì khi ấy – giữ đất. Đó là hình ảnh của một làng chiến đấu với hệ thống phòng thủ khá nghiêm ngặt:

Có hàng rào đan bằng dây thép
Bao bọc bảo vệ khắp xung quanh
Bản ở giữa cũng bao hàng rào thép
Bảy mươi đôi cọc cắm đều nhau

Đó là những con mãnh thú được thuần phục để bảo vệ ranh giới:

Chúa tể rừng xanh con voi to đuôi ngắn
Tổ tiên ta thuần phục được nó về
Để giữ ranh giới Hà Nhì – Hán
Trấn thủ dòng Ha Sa nước lớn
Là con rồng lặn dưới đáy sông sâu

Đó là thái độ kiên quyết thẳng tay chống trả trước âm mưu âm lược:

Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất

Kết quả của cuộc tranh dành ấy là một cuộc chiến tranh đẫm máu:

Đạn người Hán rơi dầy tựa sao sa
Máu người chết chảy thành dòng đỏ thẫm

Do chủ quan, quân Hà Nhì không chống đỡ nổi, thua và mất đất, khiến họ phải di cư về phương Nam. Một trong những điểm đến đó là Việt Nam.

Trong cuộc di cư này, sử thi “P’huỳ ca Na ca” nói về nơi đến cuối cùng của người Hà Nhì là đầu nguồn Khó Ma, vùng đất hiện nay thuộc địa phận xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Địa danh Khó Ma được miêu tả trong sử thi “P’huỳ ca Na ca” là “nơi có nhiều sản vật”, và rằng “uống rượu ngọt không cần phải trộn men[2], hạt cơm ăn cũng chẳng dùng chày giã”. Đó chính là các loại cây lõi có bột (báng, móc, cọ). Hiện nay, cộng đồng người La Hủ ở các xã Pa Ủ và Pa Vệ Sủ vẫn khai thác các loại cây này để ăn và nấu rượu. Người La Hủ ở đây còn nói rằng khi người La Hủ đến đây thì đã thấy có những đám ruộng bậc thang của người Hà Nhì. Chắc hẳn là sau khi tạm thời ăn bột lõi cây rừng sống qua ngày, người Hà Nhì đã tích cực khai khẩn ruộng bậc thang. Sau đó, một phần do số lượng dân cư tăng lên, mặt khác do tìm được những vùng đất mới tốt hơn nên người Hà Nhì đã rời đi.

Sử thi “P’hùy ca Na ca” mang giá trị cái đẹp, nhưng là cái đẹp trên mọi cái đẹp gây nên những cảm xúc thẩm mĩ đặc biệt đi đôi với sự kính trọng, niềm tự hào và lòng hân hoan. Ngay từ những câu đầu của sử thi, người nghe đã phải thổn thức, hồi hộp trước sự xa xăm, đầy kỳ bí của miền đất tổ:

Ở đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta từng sống
Tận đầu nguồn Nà Ma
Tổ tiên Hà Nhì ta ở đó

Nhưng qua lời hát, người nghe được dẫn dắt vào xứ xở ấy, được thấy như hiện lên trước mắt mình một miền đất giàu sang, trù phú, thật cụ thể nhưng cũng đầy sinh động:

Ở giữa đông vui bảy nghìn hộ
Được bao bọc bởi hàng rào thép đan
Hàng rào thép bao kín xung quanh bản
Mười hai con mương dẫn nước vào đồng
Chỗ cuối bản có một bụi tre
Dành làm nơi hành quyết người phạm tội
Gốc cây bưởi là chỗ để thịt dê
Gốc cây sổ để thịt trâu bò đấy
Thịt trộm mèo ở góc khuất trong nhà
Phiến đá ngoài hiên dành làm nơi thịt lợn
Dù một ngày chẳng thịt được mười con
Nhưng mười ngày cũng được một con đấy

Cái đẹp không chỉ có ở bản Hà Nhì, nó còn hiện lên ở những bản của các tộc người láng giềng xung quanh. Chẳng hạn như đoạn tả về người Thái:

Người Thái xuống nơi bến bờ sông nước
Giỏi bơi thuyền vượt thác dữ giữa dòng
Khai phá ruộng bên bờ sông, bờ suối
Nuôi vịt đàn để làm kế sinh nhai
Nhà sàn Thái bao giờ cũng làm to
Phụ nữ Thái dệt vải may váy ống
Cơm nếp đồ dùng tay nắm để ăn

Hay như đoạn tả về người Cống:

Người Cống xuống ở nơi nuôi dê được
Dê của họ có đến hàng trăm con
Thường lập bản ven con sông, dòng suối
Dùng rìu to để đốn ngã cây rừng

Cái hùng vĩ, cao cả còn hiện lên qua ý thức bảo vệ quê hương, sẵn sàng thẳng tay trừng trị những kẻ xâm phạm. Những câu tả về điều này thật hùng tráng:

Nếu một ngày trâu ngựa bước chân sang
Sẽ đánh cho chết ngay lập tức
Cho phân mốc xương mục ngay tức khắc
Đánh cho chân ngựa chổng lên trời
Đánh cho ruột ngựa phơi ra đất

Phuỳ ca Na ca được diễn xướng trước cộng đồng theo lối tự sự nên ngôn từ là yếu tố then chốt làm nên sức hấp dẫn, vừa cuốn hút người nghe bởi làn điệu, nhịp điệu, vần vè và sự đăng đối của câu. Nhưng cái hay của sử thi “P’huỳ ca Na ca” còn toát lên ở những tu từ, mĩ từ để tạo nên những phép tỉ dụ làm tăng thêm hiệu quả thẩm mĩ cho lời hát. Ví dụ như khi tả về người con gái xinh đẹp, câu hát được thể hiện là:

Chân thon dài, đùi trắng như nõn chuối
Nổi đường cong, eo thắt đáy lưng ong
Cổ ba ngấn như nhộng tằm trong kén
Khuôn mặt tròn như giữa tháng trăng lên
Cánh tay trắng thon như dóng mía

Nhiều câu hát còn được nói phóng lên (ngoa dụ) nhằm để nhấn mạnh đến vấn đề cần quan tâm, tạo hiệu quả thẩm mĩ cao. Chẳng hạn như khi tả về nỗi khổ cực của người con gái bị cha mẹ, gia đình, cộng đồng bỏ rơi:

Đã từng chịu khổ không ai biết
Mười lần chịu rét chẳng ai hay
Chịu mười trận nóng như thiêu đốt
Đã từng nhịn đói suốt mười ngày

Hoặc như những câu:

Ống xương con suýt làm cầu qua suối
Thịt của con suýt làm phân bón rồi
Xương sườn con suýt bị phơi ngoài bãi
Bồng bềnh trôi theo nước dòng sông

Ở những đoạn gay cấn, kịch tính, nghệ nhân lại dùng từ theo lối tả thực, mô tả tỷ mỉ, chi tiết tạo cho người nghe có cảm giác như sự việc đang diễn ra ngay trước mắt mình. Chẳng hạn như đoạn bà cô đem cháu gái đi dấu, lòng nơm nớp lo sợ cha mẹ cô gái biết được:

Bà cô chạy tìm khắp bãi sông
Mới thấy một hang đá để giấu
Cứ ban ngày thì nguỵ trang che kín
Chẳng bén mảng đến lấy một lần
Nhưng đêm đến khi mọi người đã ngủ
Lại xách cơm mang đến để cho ăn
Chỉ sợ cha mẹ phát hiện ra
Thì mọi chuyện sẽ không yên ổn được

Hoặc như đoạn kể về cảnh bà cô giết con trăn lớn (con rồng dưới đáy sông) để cứu cháu gái:

Muốn thịt trăn làm lành bệnh cháu gái
Bà tìm cách hạ thủ nó cho mau
Nhưng ban ngày nó không tìm đến đó
Nên ban ngày bà chẳng đặt lưỡi dao
Rồi đêm đến bà lần theo vết nó
Đặt ngửa dao dọc theo lối nó đi
Nó không biết nên cứ trườn qua đó
Rồng phanh bụng bởi dao cứa vào thân

Phong cách nghệ thuật của “P’huỳ ca Na ca” nổi bật ở tính hình tượng, cụ thể, hình ảnh hoá cả những ý niệm trừu tượng. Chẳng hạn như khi muốn nói về sự thâm hiểm của người Hán, ngôn ngữ trong sử thi được diễn đạt như sau:

Rõ người Hán lắm mưu sâu kế hiểm
Như rái cá lặn dưới đáy vũng sâu
Đấu trí thì Hà Nhì thua Hán
Cật nứa sắc nhưng vẫn cùn hơn dao
Sức Hà Nhì hơn nhưng mưu Hà Nhì kém
Chân vịt to cũng chẳng bằng diều hâu

Hay như khi tả về cảnh thê lương của đoàn người Hà Nhì di cư:

Cánh tay thì dắt theo con lớn
Còn con nhỏ lót lá địu sau lưng
Như con ruồi bậu vào đít con trâu
Như loài muỗi, dĩn đuổi sau con cừu mẹ

Có thể khẳng định rằng sử thi “Phuỳ ca Na ca” của người Hà Nhì là sử thi cổ sơ giai đoạn muộn nói về xã hội Hà Nhì ở trình độ phát triển tiền nhà nước với ba vấn đề lớn là: thiết chế và tổ chức xã hội cổ truyền; tranh chấp và xung đột; thiên di và ly tán nhưng được miêu thuật dưới dạng văn học dân gian, được kể theo lối tự sự bằng những lời ca, lời nói vần đầy tính hào dùng nhưng cũng đầy bi tráng. Sử thi “Phuỳ ca Na ca” là một sử thi đích thực trong kho tàng sử thi các dân tộc Việt Nam và là một sử thi tiêu biểu của người Hà Nhì.

 

[1]. Phan Đăng Nhật. Sử thi Tây Nguyên lý luận và thực tiễn; in trong sách Văn hoá các dân tộc thiểu số những giá trị đặc sắc; Nxb Khoa học Xã hội; H.2009; tr.273

[2]. Đây là loại rượu ủ từ bột trong lõi cây móc, tiếng Hà Nhì gọi thứ rượu ấy là “Chí gò”, còn rượu làm từ ngũ cốc, trộn men gọi là “Chí pà

© TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012

0