Vó ngựa và Cánh cung
Nguyễn Duy Chính LỜI MỞ ĐẦU Thân tặng những người bạn “Qua e-mail tình thân như ruột thịt, Gặp trên đường ngơ ngẩn tưởng chưa quen.”- N.D.C. Ngựa nghe nói tím gan tím phổi, Bèn chạy ra gầm hí vang tai. Bớ này này ta bảo chúng bay, Đố mặt ...
Nguyễn Duy Chính
LỜI MỞ ĐẦU
Thân tặng những người bạn “Qua e-mail tình thân như ruột thịt, Gặp trên đường ngơ ngẩn tưởng chưa quen.”- N.D.C.
Ngựa nghe nói tím gan tím phổi,
Bèn chạy ra gầm hí vang tai.
Bớ này này ta bảo chúng bay,
Đố mặt ai dài bằng mặt ngựa…
(Lục súc tranh công)
Mấy câu thơ dẫn thượng là phần mở đầu của Con Ngựa trong tác phẩm Lục Súc Tranh Công học hồi đệ Thất (lớp 6) mà nay người viết còn nhớ được. Con ngựa là một sinh vật quan trọng có ảnh hưởng lớn đến lịch sử phát triển của loài người, chắc chắn phải có nhiều điều đáng nói hơn cái tự hào hết sức lạc quan kia.
Ở nước ta, con ngựa không quan trọng bằng con trâu, con lợn (heo) – và cũng hiếm có – nhưng ở Trung Hoa cũng như trong lịch sử nhân loại, vai trò của nó to lớn hơn nhiều. Có lẽ vì ngựa không phải là một con vật bản địa nên chúng ta ít thấy ngoài những con ngựa ở trường đua và mấy con ngựa còm, đầu có một túm lông gà uể oải kéo xe thổ mộ khá thông dụng ở miền Nam vài chục năm trước.
Trong ngôn ngữ thường ngày người Tàu chúc tụng nhau bằng câu Mã Đáo Thành Công và khi nói tới một nghệ thuật phi phàm ngưòi ta mô tả bằng bốn chữ Thiên Mã Hành Không. Người Trung Hoa cũng thường treo những bức tranh tám con ngựa dưới nhan đề “Bát Tuấn Đồ”.
Ngựa là một con vật ảnh hưởng nhiều đến văn hóa Trung Hoa. Trong mười hai con giáp, con Ngựa tượng trưng cho năm Ngọ, nằm giữa năm Tị (con Rắn) và năm Mùi (con Cừu theo người Trung Hoa và con Dê theo Việt Nam). Trong văn chương và hội họa, ngựa lại càng quan trọng, nhiều thời kỳ con vật này được coi như một đề tài phổ thông và nhiều danh sĩ nổi danh gắn liền với tài vẽ ngựa như Hàn Cán (Han Gan), Vương Duy (Wang Wei), Lý Công Lân (Li Gonglin) đời Đường, Triệu Mạnh Phủ (Zhao Mengfu), Nhiệm Nhân Phát (Ren Renfa) đời Nguyên. Tuy nhiên nổi tiếng hơn cả có lẽ là họa sĩ Giuseppe Castiglione, một nhà truyền giáo người Ý được giữ lại trong cung nhà Thanh dưới Hán danh Lang Thế Ninh (Lang Shining). Ông vẽ nhiều bức tranh truyền thần màu rất đẹp, trong đó có những bức tranh vẽ người Tây Vực tiến cống ngựa. Ngoài ra chúng ta còn thấy rất nhiều điêu khắc, tượng, hình ảnh lịch sử có liên quan đến con vật, đóng góp một phần không nhỏ vào việc tìm hiểu văn hóa cổ thời.
Ngựa trở thành một biểu tượng cho quyền quí và thanh cao từ đời Đông Chu khi người ta đề cập đến “thiên lý mã”, là những con bảo câu có thể chạy nghìn dặm một ngày (khoảng 300 dặm ngày nay). Người nổi tiếng nhất trong những tướng sư chuyên coi tướng ngựa là Tôn Dương (Sun Yang), sống vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước TL. Vì tài của ông, người ta gọi ông là Bá Nhạc (hay Lạc – Bole) là tên chòm sao Scorpio được coi là cai quản các giống thiên mã trên trời. Bá Nhạc xem xét xương và cấu trúc của con ngựa có thể nói đúng các đặc tính của nó, và ông chỉ cần liếc qua con ngựa nào trong chợ là con đó tăng giá ngay.
Người ta còn huyền thoại hóa rằng Bá Nhạc có thần giao với giống ngựa nên một con bảo mã bị bắt phải kéo xe, trông thấy ông liền hí lên khiến ông phải xuống vừa vỗ về con vật vừa khóc. Hàn Dũ đời Hán cũng đã từng viết rằng nếu không có Bá Nhạc thì không có tuấn mã cũng như không có vua hiền thì không có tôi trung để khuyến khích các bậc quân vương trọng dụng người hiền tài.
Ngày nay còn truyền lại một cuốn Mã Kinh (Classic of Judging Horses) tương truyền là do Bá Nhạc viết, trong đó nói rằng thiên lý mã có mười lăm xương sườn thay vì mười như ngựa thường[1]. Chính vì thế nhiều họa sĩ đã vẽ những bức tranh ngựa còm (emaciated horse) với dụng ý nhắc nhở con người là gian khổ giúp chúng ta mạnh mẽ hơn.
Lịch sử nước Tàu, trong chính sử cũng như trong tiểu thuyết đã nhắc nhở đến tên nhiều con ngựa nổi tiếng chẳng hạn con Xích Thố của Quan Vũ trong Tam Quốc Chí, con Ô Truy của Hạng Vũ trong Tây Hán Chí, hay con Hoàng Phiêu của Tần Quỳnh (Thúc Bảo) trong Thuyết Đường. Trên thực tế những con bảo mã đó không phải là yếu tố quyết định thành bại của chủ tướng như những tiểu thuyết gia thêm mắm dặm muối, mà vai trò của loài ngựa như một phương tiện di chuyển hay dụng cụ chiến tranh mới thực sự quan trọng. Cũng tương tự, cây cung là dụng cụ săn bắn gắn liền với sinh hoạt của loài người không biết từ bao giờ nhưng xuất hiện khắp mọi nơi, từ rừng sâu núi thẳm đến những quốc gia đã văn minh nhưng cũng chỉ là một trong nhiều loại vũ khí khác nhau của con người nguyên thủy.
Tuy nhiên, chỉ khi người du mục ở Trung Á biết kết hợp sức mạnh và lợi điểm của cây cung liên hợp (composite bow) với sức di động (mobility) của giống ngựa vùng mạc bắc, họ mới tạo thành được sức mạnh khủng khiếp để trở thành một đế quốc hùng mạnh vào thế kỷ 13, 14. Đế quốc đó như một vết dầu loang, lan rộng sang khắp vùng Tây Á, tiêu diệt những quốc gia hết sức bạo tợn và dũng mãnh trong thế giới Hồi giáo và Thiên Chúa giáo rồi theo đà tràn xuống miền nam chiếm lĩnh cả một khu vực văn minh bậc nhất thế giới là nước Trung Hoa.
Một điều lạ là sức mạnh tưởng như vô địch đó lại bị chặn đứng bởi những quốc gia nhỏ bé vùng Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Những quốc gia đó có chung một mẫu số là biết khai thác cái sở trường của mình, dựa lưng vào thành lũy thiên nhiên, dùng chiến tranh du kích để tiêu hao, lấy trường kỳ nhàn nhã để chống với nhọc mệt. Phương pháp đó đến gần đây mới được các chiến lược gia quốc tế quan tâm đến khi Mao Trạch Đông đưa ra chiến tranh nhân dân để chống với quân Nhật Bản và chính quyền Tưởng Giới Thạch tại Hoa lục. Sau đó lý thuyết này được nhiều lãnh tụ áp dụng tại các nước thuộc địa để đấu tranh giành độc lập dưới cái tên chiến tranh dấy loạn. Thế nhưng phải đến cuộc chiến Việt Nam thì những ưu điểm của nó mới được vận dụng đến cùng cực, và nhìn lại người ta mới thấy rằng Cộng Sản Việt Nam đã theo sát những nguyên tắc mà nhà Trần hằng sử dụng 800 năm trước để chống lại quân Mông Cổ.
Đặt ra ngoài những quan điểm chính trị và những ẩn số đằng sau cuộc chiến, trên mặt thực tế, người Mỹ thất bại vì đã sai lầm trên chiến lược, tin rằng sức mạnh của tiền bạc và ưu thắng của vũ khí là yếu tố quyết định mà quên rằng phương tiện không chưa đủ nếu chưa nắm vững sở trường, sở năng và văn hóa của chính dân tộc đang sinh sống nơi bản địa.
Riêng trong bài này, chúng tôi muốn xuyên qua vai trò giống ngựa và cây cung của những bộ tộc du mục để đưa ra cái tương phản của khung cảnh thế giới vào thời đại Nguyên – Mông, cái ưu thắng của người biết vận dụng phương tiện chiến tranh vào việc chinh phục những khu vực khác, đồng thời cũng nhắc đến sự diệu dụng của một dân tộc còn rất sơ khai đã đem cái “đoản” của mình để chống với cái “trường” của địch.
I/ VÓ NGỰA
A/ Nguyên Thủy Của Loài Ngựa
Theo những nhà khảo cổ và sinh vật học, ngựa là dòng dõi của giống Eohippus thời thái cổ cách đây hơn 60 triệu năm. Khoảng một triệu năm trước trở thành giống Equus caballus chính là thủy tổ của ngựa ngày nay. Giống Eohippus chỉ nhỏ bằng con chồn, có bốn móng ở đằng trước, ba móng ở chân sau, nguyên thủy có ở Bắc Mỹ nhưng sau đó lan ra khắp nơi trên thế giới.
Khoảng 10,000 năm trước, giống ngựa Bắc Mỹ tuyệt chủng nhưng hậu duệ của nó còn lại ở châu Á và châu Âu. Ở châu Á, giống ngựa hoang với cái tên khoa học dài ngoẵng là Equus przewalski przewalski poliakov (gọi tắt là Prewalski, tên một đại tá người Ba Lan, tìm ra giống ngựa hoang này ở Mông Cổ năm 1881) thủy tổ của giống ngựa Mông Cổ đã đóng một vai trò quan trọng và là con vật thân cận nhất của những bộ tộc vùng sa mạc.
Một trong những câu hỏi lớn đến nay vẫn chưa có câu trả lời dứt khoát là con ngựa được thuần hóa (domestication) từ bao giờ. Tại nhiều nơi người ta đã tìm thấy những chứng tích, tranh vẽ chứng tỏ con người đã biết tới con ngựa từ lâu (khoảng 6000 năm trước TL) nhưng lại không chắc chắn rằng con ngựa đã được nuôi như một loài gia súc hay cũng chỉ là một thú vật mà người ta trông thấy trong thiên nhiên. Những khai quật mới đây cho thấy chỉ khoảng 4000 năm trước TL người ta mới biết dùng ngựa để kéo xe, trước đó có lẽ chỉ được dùng làm thực phẩm. Trong những di chỉ mà người ta tìm thấy, người Ai Cập đã biết cưỡi ngựa khoảng 2000 năm trước TL, tuy nhiên thời kỳ đó họ chỉ cưỡi trơn không yên cương và chưa biết cách điều khiển con vật.[2] Họ ngồi chàng hảng trên mông vì thời kỳ đó giống ngựa chưa đủ mạnh để ngồi trên lưng. Phải đến khoảng thế kỷ thứ 8 trước TL, sau khi pha nhiều giống ngựa khác nhau, người ta mới có được giống đủ tốt để có thể cưỡi và đủ linh động để sử dụng cung tên khi di chuyển.
Cho đến bây giờ các nhà khảo cổ vẫn chưa hoàn toàn đồng ý con ngựa được nuôi từ thời nào tại Trung Hoa. Nhiều sử gia cho rằng loài ngựa chỉ được nuôi làm gia súc chừng 5000 năm trước, sau các con vật như chó, dê, cừu, lừa, bò … và những dân tộc ở Trung Á, Ba Tư, Afghanistan … là những người du mục đầu tiên biết cách nuôi và huấn luyện chúng. Một trong những ưu điểm của việc cưỡi ngựa là khi di chuyển trên những cánh đồng cỏ rộng lớn, kỵ sĩ có vị thế ngồi cao hơn, có thể nhìn được xa hơn và cũng chạy nhanh hơn. Người ta cho rằng cưỡi ngựa còn làm cho con người cảm thấy uy nghi và tưởng như đã chinh phục được thiên nhiên. Trong nhiều thời kỳ những dân tộc không biết cưỡi ngựa đã bị đè bẹp, và chính từ hình ảnh một chiến sĩ trên lưng ngựa mà người Hi Lạp thời cổ đã tưởng tượng ra con quái vật thân hình là ngựa, đầu người (centaur).[3]
Theo Franz Hancar, những con ngựa tốt được lai giống đầu tiên là ở Tây Á, tại những quốc gia ngày nay dưới tên Kazakhstan, Turmenistan, Uzbekistan, Tadzhikistan, Kirghizistan mà Hancar gọi chung là Turan.[4]
Trên vùng núi Altai người ta đã tìm thấy sáu mươi chín bộ xương ngựa còn nguyên vẹn và mười tám bộ xương khác không đầy đủ được xác định vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước TL bị đông cứng trong nước đá, gồm hai loại chính: loại nhỏ cao chừng 122 cm, hơi nhỏ hơn loại ngựa hoang, loại lớn cao chừng 143 cm, cao hơn một con ngựa Ả Rập hiện thời. Hancar cho rằng những con ngựa này đã được tuyển chọn và lai giống kỹ càng.[5]
B/ Con Ngựa và Văn Minh Trung Hoa
1/ Sự đóng góp của Trung Hoa vào việc thuần hóa và sử dụng ngựa
a/ Thắng cương
Người Trung Hoa đã được coi như đã đóng góp nhiều phát minh quan trọng của kỵ thuật: cách thắng ngựa hữu hiệu bằng ức (breast-strap harnessing system), bàn đạp chân (stirrup) và vòng cổ (collar). Với chúng ta xem ra những sáng kiến này không có gì đặc biệt nhưng trên thực tế những thay đổi đó đã làm cho kỹ thuật chiến tranh đi vào một giai đoạn mới, có ảnh hưởng rất lớn đến vận mệnh lịch sử của thế giới. Cách thắng ngựa của người Trung Hoa đã giúp cho con ngựa không bị nghẹt thở, làm giảm năng lực của con vật và những xe kéo đã vượt xa những xe ngựa của phương Tây. Phải mất hơn một nghìn năm người Âu Châu mới học được cách đóng cương một con ngựa của người Tàu.
Một trong những phát minh đáng kể nhất của người Trung Hoa là cách thắng ngựa bằng ức (breast-strap harnessing system), khởi nguyên vào khoảng thế kỷ thứ tư trước TL.
Trên khắp thế giới, người ta biết thắng bò trước khi thắng ngựa. Tuy nhiên vì ngựa chạy nhanh hơn nên người ta lập tức tìm cách thắng ngựa sau khi đã thuần hóa và ngay từ đầu, con người thắng ngựa cùng một phương pháp thắng bò. Hai con bò được buộc song song với một trục gỗ bằng một cái ách để giữa cổ và xương gồ ở trên lưng.
Tuy nhiên hai giống vật có hình thể khác nhau, việc áp dụng máy móc đó đã đem lại những bất lợi và chính vì ngựa không có cục bướu ở trên lưng như bò, người ta phải buộc đai xuống bụng thêm một đai vòng qua cổ để giữ cho cái ách khỏi thụt lùi về sau. Kiểu buộc đó đã khiến cho con ngựa bị nghẹt thở.
Vào đầu thế kỷ 20, Lefebvre des Noettes, một sĩ quan kỵ binh người Pháp đã nghiên cứu về cách thắng cương của các dân tộc trên thế giới trong nhiều thời đại và tái tạo những phương thức mà người xưa đã dùng để buộc ngựa, ông đã viết về cách giàng cương bằng ức tạm dịch đại lược như sau:
… Lối thắng cương cổ điển (mà chúng ta tạm gọi là thắng bằng cổ và bụng) chỉ dùng được một phần nhỏ động lực của con vật, không tạo được năng suất tổng hợp và vì thế hiệu năng rất kém … Cách thắng cương này được dùng mãi cho tới thời Trung Cổ ở châu Âu, và dường như được dùng khắp mọi nơi, khắp mọi nền văn hóa và đều thiếu hiệu quả như nhau cả. Chỉ có một nền văn minh cổ đã thoát ra khỏi được phương pháp này và tìm ra một cách thắng cương hữu hiệu, đó là Trung Hoa.[6]
Thí nghiệm của Lefebvre des Noettes cho thấy hai con ngựa nếu thắng bằng lối quàng qua cổ (throat-and-girth) chỉ kéo được khoảng nửa tấn trong khi một con ngựa thắng theo lối mới có thể kéo được 1 tấn rưỡi nghĩa là hiêu năng tăng gấp sáu lần.
Người Tàu thay đổi lối thắng ngựa từ bao giờ cho đến nay chưa ai dám xác quyết nhưng ngay từ thế kỷ thứ tư trước TL có thể cũng đã có và người ta cho rằng lối này phải xuất hiện từ thời Chiến Quốc. Một trong những giả thuyết là người Trung Hoa vẫn thường dùng sức phu phen để kéo thuyền đi ngược dòng xông và có thể chính từ đó họ cảm nhận được rằng nếu choàng sợi đai qua cổ con vật thì nó sẽ bị ngộp thở và sức kéo giảm đi nhiều và từ đó đưa đến việc cải thiện phương pháp thắng ngựa.[7]
Từ phương pháp thắng ngựa bằng ức, người Tàu cũng chuyển qua một vòng đai vòng qua cổ và sử dụng thay thế cho một cái xương gồ trên lưng như trâu bò để máng chiếc ách. Đây là cách tương tự như phương thức hiện nay người ta dùng và được coi là phương pháp hiệu quả hơn cả.
b/ Kỵ thuật
Người ta phỏng chừng người Trung Hoa biết cưỡi ngựa vào khoảng thế kỷ thứ bảy trước TL và tới đời Hán kỵ binh đã trở thành một trong những sức mạnh chính của quân đội. Sự tương đồng về hình dáng của yên cương tìm thấy tại Siberia ở thế kỷ thứ 5 trước TL với những hình ngựa đào được trong mộ của Tần Thủy Hoàng cho ta biết rằng người Trung Hoa đã vay mượn từ miền bắc.
Tuy nhiên người Trung Hoa cũng như người Việt chúng ta là giống dân nông nghiệp sống định cư, không chuyên về cưỡi ngựa. Ngựa cũng không phải là gia súc thường thấy tại nông thôn mà người dân thường nuôi trâu bò để canh tác chứ không dùng ngựa. Một điểm quan trọng nữa là ngựa không dễ nuôi như trâu bò và tốn phí hơn. Chính vì thế nhiều thời đại triều đình Trung Hoa không đủ ngựa cho kỵ binh. Trong khi đó những dân tộc du mục ở vùng thảo nguyên biết cưỡi ngựa từ khi còn tấm bé. Nhìn vào lối phục sức diêm dúa, quần chùng áo dài của người Tàu ở thời Đường, thời Tống chúng ta thấy ngay đó không phải là những y phục thuận tiện cho việc cưỡi ngựa.
Khi nghiên cứu về binh pháp, cách dùng binh bao giờ cũng phản ảnh sự tiến triển của võ khí, điều kiện kinh tế và quyền lực chính trị của thời đại. Thời xưa, khi thần quyền còn mạnh, binh bị tập trung vào khả năng của giới vương hầu còn thường dân chỉ là những nô lệ hay nói đúng ra, là một trong những sở hữu của giai cấp thống trị. Ngay từ thời Chiến Quốc, người Trung Hoa đã dùng đến kỵ binh và nhiều chư hầu đã học hỏi phương pháp chiến đấu của người Hung Nô. Một trong những điểm nổi bật của thời kỳ này là khi nhà Chu lật đổ nhà Thương, họ đã dùng chiến xa như một vũ khí chiến lược và nhờ đó họ có ưu thắng về quân sự. Chiến xa không những nhanh hơn mà còn có thể sử dụng trong việc chuyển quân, chuyển lương thực vũ khí. Chính vì thế họ đã sử dụng nhiều chiến lược chiến thuật mới và đã đánh bại được đối phương mặc dầu lực lượng ít hơn. Nhiều học giả cũng đưa ra giả thuyết rằng chính vì sử dụng chiến xa mà thanh kiếm đã được cải thiện và loại hai lưỡi (double-edged) đã được thay thế bằng những loại chủy thủ ngắn hơn, tương tự như dao găm, và dùng dáo dài là vũ khí chính yếu.[8] Mặc dù ngay trong Tôn Tử binh pháp đã có nhắc đến việc sử dụng chiến xa nhưng phải đến Tôn Tẫn binh pháp đã nhắc đến một cách khá chi tiết (chương 7, 18) và nhấn mạnh vào sự quan trọng của nó đối với vấn đề quân sự.[9]
Một cách tổng quát, ngay từ thời Chiến Quốc, kỵ binh đã được sử dụng như một vũ khí chiến lược vì có nhiều ưu điểm “ … kỵ binh có thể tản ra rồi hợp lại, phân tán rồi tập trung. Kỵ binh cũng có thể gom lại một điểm hẹn trước cách xa hàng trăm, có khi hàng nghìn dặm …”[10]
c/ Bàn đạp
Cái bàn đạp (stirrup) cũng quan trọng không kém, nếu không có bàn đạp này, kỵ sĩ chỉ dùng ngựa để di chuyển chứ không đủ ổn định để chiến đấu.[11] Ở vào thời nay chúng ta không thể nào hình dung được một phát minh nhỏ bé như thế có ảnh hưởng thế nào với lịch sử nhưng từ khi người ta chỉ biết dùng ngựa để kéo xe, đến khi có thể cưỡi trên lưng con vật, rồi đến khi huấn luyện, trang bị và tập cho nó quen được với chiến đấu là một tiến trình dài của nhân loại. Có tác giả đã cho rằng phát minh ra cách thắng ngựa bằng vòng ức (breast-strap harnessing system), hay bàn đạp chân cũng quan trọng không kém gì việc làm được giấy và tìm ra thuốc súng. Đó là bốn phát minh quan trọng nhất của người Trung Hoa có ảnh hưởng đến lịch sử thế giới.[12]
Dùng ngựa để cưỡi tuy có thể giúp người ta di chuyển nhanh hơn nhưng vẫn không thể chiến đấu được nếu không ổn định. Chính vì thế việc phát minh ra cái bàn đạp được coi là một khám phá quan trọng vào bậc nhất cho thuật kỵ mã. Có điều sao lại mất một thời gian lâu đến thế trước khi nghĩ ra phụ tùng giản dị này thì vẫn còn là một điều khó hiểu đối với các nhà nghiên cứu.
Trước khi có cái bàn đạp, cách duy nhất của người kị sĩ có thể làm là kẹp chặt hai chân và giơ tay giữ ghịt bờm con vật khi chạy nhanh. Người Roma (La Mã) thì nghĩ ra cái chỗ vịn để cầm ở yên ngựa.
Cái bàn đạp nguyên thủy có lẽ chỉ vì người ta muốn lên xuống ngựa cho an toàn, nhất là khi có mang theo binh khí. Năm 552 trước TL, vua xứ Persia (Ba Tư) là Cambyses khi lên ngựa đã rủi ro bị ngã và chết vì chính binh khí của mình. Những kỵ sĩ tài ba thì có thể nắm bờm rồi nhảy lên, hoặc có khi người ta dùng ngay ngọn giáo của mình để làm sào chống. Cũng có khi bên hông ngọn giáo có một cái cán đâm ngang (như trong hình mũi giáo của Phù Sai) dùng để làm điểm tựa nhảy lên ngựa.
Cho đến nay khi nghiên cứu về sự phát triển của chiếc bàn đạp, các học giả đồng ý rằng lúc đầu phụ tùng này chỉ dùng để giúp người ta lên yên, do đó chỉ gắn vào một bên của yên ngựa. Bàn đạp hai bên xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ tư sau TL và từ đó lan rộng ra nhiều nơi khác kể cả các nước ngoài như Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam ta.
d/ Giáp trụ
Sau khi đã biết dùng ngựa để cưỡi, người ta nghĩ ngay đến việc bảo vệ con vật cho khỏi bị sát hại khi giao chiến. Đó là lý do tại sao những bộ giáp trụ dùng cho ngựa được chế tạo. Trong những hình vẽ trong hang đá tìm thấy ở Đôn Hoàng (Dunhuang), giáp trụ của ngựa bao trùm toàn thể con vật, trừ tai, mõm, chân và đuôi. Người cưỡi ngựa cũng mặc áo giáp. Giáp của ngựa gồm sáu bộ phận rời, làm bằng da hay sắt, lại được tô màu rằn ri. Mã giáp được tìm thấy từ thời Tam Quốc rồi tiếp tục phát triển đến đời Tùy, Đường.
2/ Con Ngựa trong Lịch Sử Trung Hoa
a/ Thời Thượng Cổ
Ở Trung Hoa lúc đầu người ta chỉ dùng ngựa để kéo xe và có lẽ những chiếc xe ngựa đầu tiên cũng từ những người du mục ở quan ngoại đem vào mà những dân tộc này rất có thể cũng bắt chước những giống dân từ Trung Á hay Bắc Phi. Cỗ xe ngựa đầu tiên người ta đào thấy thuộc về đời Thương (khoảng 1600 – 1100 trước TL). Tuy nhiên nhiều học giả lại cho rằng có thể xe ngựa có từ vài trăm năm trước đó mặc dù không còn di tích gì. Cỗ xe này tương tự như những cỗ xe tìm thấy ở Hắc Hải (Black Sea) và biển Caspian, và ngoài ra cũng tìm thấy nhiều khí giới ở chung quanh khiến người ta cho rằng xe này là một loại chiến xa chứ không phải dùng để chuyên chở không mà thôi.
Những con ngựa thời đó cao chừng 133 đến 143 cm [13], đầu to, xương thô giống như giống ngựa hoang ở Trung Á ngày nay. Thời đó người ta thắng ngựa dọc theo một cái càng ở giữa và dùng một loại ách (yoke) để kềm ngựa lại vì họ chưa biết cách buộc ngựa bằng cổ và đai (throat-and-girth type harness)[14]. Cũng có người cho rằng chiến xa được du nhập khi người Trung Hoa giao chiến với các bộ lạc ở miền Bắc nhưng các học giả không cho rằng việc đó giản dị như thế. Muốn sử dụng ngựa trong trận mạc, nhất là kéo các chiến xa thì trước hết người ta phải thủ đắc được thuật huấn luyện ngựa, biết cách nuôi và trị bệnh cho những con vật, biết cách điều khiển và thắng cương, chế tạo bánh xe … Những kỹ thuật đó không phải một ngày một buổi mà xong và đòi hỏi một thời gian dài trước khi có thể sử dụng chiến xa.
Cũng có thể có những trao đổi kỹ thuật vì ngay từ thời cổ, giới quí tộc các nước vẫn thường kết hôn như một hình thức hòa hiếu và việc trao đổi dụng cụ, tặng phẩm hay kỹ thuật có thể kèm theo. Dầu sao chăng nữa, nghe thì có vẻ ghê gớm nhưng chúng ta cũng đừng quên rằng chiến xa thường thường dùng hai hay bốn ngựa, điều khiển đã cồng kềnh lại bất tiện vì chỉ có thể sử dụng tại những vùng bình nguyên rộng rãi, khô ráo và bằng phẳng chứ không thể dùng tại những vùng núi đồi hay ẩm thấp. Chiến xa lại dễ bị lộ, dễ bị tấn công và phá hủy, chưa kể người ngồi trên xe có khi mất mạng vì chính phương tiện của mình một khi bị địch quân phát hiện. Do đó về phương diện chiến đấu thực sự, chiến xa không phải là một phát minh vĩ đại như chúng ta thấy trong các phim ảnh mà có thể nói chỉ là đồ trang sức để tăng thêm uy nghi cho tướng lãnh mà thôi.
b/ Đời Hán
Thời nhà Hán (206 trước TL – 220 TL) danh tướng Trung Hoa dưới cái tên Phục Ba tướng quân là Mã Viện, (14 trước TL – 49 TL), người đã đánh bại hai bà Trưng, cũng là một người rất sành sỏi về ngựa đã đưa ra một nhận định rất sâu sắc: “Ngựa là căn bản của binh bị, là nguồn lợi lớn của quốc gia”. Ông ta đã từng làm thái thú Lũng Tây, cầm binh đánh nhau với rợ Khương nên hiểu được vai trò của con ngựa trong chiến đấu và mối đe dọa to lớn của những bộ tộc du mục bên ngoài dãy Thiên Sơn. Cũng vì thế, những triều đại Trung Hoa bỏ rất nhiều tài nguyên và nhân lực xây Vạn Lý Trường Thành chỉ để ngăn ngừa vó ngựa Hung Nô.
Những tàu ngựa đầu tiên mà người Trung Hoa gây giống và nuôi được chính là từ giống ngựa hoang Mông Cổ, pha với những con ngựa mua từ Trung Đông. Ngay từ đời thượng cổ khi bị cái họa xâm lăng của người rợ Khuyển Nhung, người Tàu không những họ phải nghiên cứu và tập luyện cách cưỡi ngựa (trước kia họ chỉ biết dùng ngựa để kéo xe) trong chiến đấu mà còn phải tìm và học cách nuôi ngựa để có đủ sức chống lại quân địch.
Cho nên trong nhiều triều đại bị cái nạn bắc xâm đe dọa nhưng lại chính từ ngoài quan ải và kẻ thù, người Trung Hoa học được của những bộ tộc du mục kỹ thuật chiến tranh, từ việc dùng ngựa để kéo xe, đến các vũ khí bằng kim loại, và rồi thuật kỵ mã. Nhu cầu dùng kỵ binh đã khiến triều đình Trung Hoa phải mua rất nhiều ngựa từ nước ngoài vì luôn luôn phải đối phó với những giống rợ miền bắc mà ngựa bản địa của người Tàu thì kém xa ngựa của kẻ thù.[15]
Khi Võ Đế lên ngôi, nhà vua đã đem đại quân ra đánh Hung Nô, đuổi được chúng về sa mạc Gobi nhưng cũng tổn thất nặng nể, có trận chết sạch cả chục vạn quân. Vua Võ Đế lại sai người đi tìm mua các giống thiên mã (heavenly horses) và năm 138 trước TL đã sai Trương Kiềm (Zhang Qian) đi sứ mưu tính liên minh với nước Yuezhi để chống lại Hung Nô. Trương Kiềm đã vượt hơn 3000 km, mất khoảng 12 năm và có lúc đã bị Hung Nô cầm tù nhưng sau cùng cũng tới đích, nay là khoảng Afghanistan nhưng vua nước này không còn tha thiết với chuyện này nữa. Dẫu sao Trương Kiềm đã đem về nhiều tin tức thu thập được trong chuyến viễn hành đặc biệt là về giống “hãn huyết mã” (blood-sweating horses) của vùng Ferghana ở Trung Á (nay thuộc về Uzbekistan, Tajikistan, và Kyrgyzstan). Giống ngựa này bị một loại ký sinh có tên là Parofiliaria multipupillosa khiến cho khi chạy nhanh mồ hôi toát ra có trộn lẫn máu. Theo mô tả, giống ngựa này chính là tổ tiên của giống Turanian và Akhal-Teke ngày nay.[16]
So sánh với những giống ngựa mà Trung Hoa có thời kỳ đó, giống ngựa Ferghana cao to hơn nhiều. Chính vì thế, một mặt Võ Đế muốn có những ngựa tốt dùng trong quân đội, mặt khác lại đi tìm thiên mã, thần mã mong được cưỡi lên núi Côn Lôn là nơi thần tiên cư ngụ ngõ hầu trường sinh bất tử. Ông sai đại tướng Lý Quảng Lợi (Li Guangli) đem 6000 kỵ binh, 20,000 lính sang cướp ngựa. Tuy nhiên chiến dịch này không thành công và tướng sĩ nhà Hán chết gần hết. Ba năm sau, ông lại sai Lý Quảng Lợi đem 60,000 quân với 30,000 con ngựa, dẫn theo một đoàn gia súc 100,000 con để làm thực phẩm. Lần này họ Lý đem về được 50 con hãn huyết mã và khoảng 1000 con ngựa giống.[17]
Cũng trong chiến dịch đánh Ferghana, Trương Kiềm đã đi qua nước Ô Tôn (Wusun) là nơi cũng có nhiều ngựa tốt, lai giữa giống ngựa Ferghana với ngựa Mông Cổ. Nhà Hán sụp đổ đưa đến việc người Tiên Ti (Xianbei) xâm lăng, chiếm lấy miền bắc Trung Hoa. Người Tiên Ti cũng là một giống Hung Nô thuộc sắc tộc Đột Quyết (Turk), rất thiện thuật kỵ mã, đã xây dựng được một quốc gia hùng mạnh trên lưng ngựa. Khi nhà Đường (618 – 907) làm chủ nước Tàu, họ vốn là gốc dân Tây Vực có truyền thống cưỡi ngựa nên càng gia tăng việc chăn nuôi giống vật hùng tráng này. Nhiều luật lệ và qui tắc được đặt ra cho những mã phu trông coi các tàu[18] ngựa của triều đình. Chính vì việc tìm kiếm ngựa giống tốt đã nảy sinh ra một trục lộ giao thương mà người ta thường gọi là Con Đường Lụa (Silk Road).
c/ Đời Đường
Đến đời Đường (618-907), một triều đại được coi như huy hoàng và thành tựu vào bậc nhất của Trung Hoa, việc giao thương với bên ngoài thịnh đạt. Trường An, thủ đô của nhà Đường là một khu vực thị tứ đứng vào bậc nhất của thế giới, dân số lên đến trên một triệu người trong nội thành và khoảng một triệu khác ở ngoại ô có diện tích lên đến gần 30 dặm vuông (80 km2).[19]
Họ Lý sáng lập nhà Đường vốn là một thế gia ở miền tây bắc có nhiều liên hệ hôn nhân và huyết thống với người Hồ nên quen thuộc với ngựa. Chính sách đời Đường tương đối cởi mở và phóng khoáng, nhiều tư tưởng và tôn giáo từ ngoài du nhập vào Trung Hoa. Trường An có rất nhiều đền đài của đạo Hồi, đạo Do Thái, đạo Thiên Chúa (Nestorian Christian). Phật giáo thời kỳ này thịnh trị, chùa chiền mọc lên như nấm. Trong kinh đô có nhiều khu vực cộng đồng thiểu số và ngoại nhân của người Hồi Hột (Uighurs), Đột Quyết (Turks), Tạng (Tibetans), Sogdians … và có đến 300 sứ bộ của các nước khác đem đến buôn bán không những sản phẩm từ bên ngoài mà còn cả những kỹ thuật mới về nhiều mặt như âm nhạc, luyện kim, thuốc men, nhảy múa …
Con đường Lụa (Silk Road) kéo dài từ Trường An đến tận Kashgar được binh đội bảo vệ và dọc theo thông lộ này nhiều thành phố mọc lên, nhiều thương đội (caravan) qua lại rất sầm uất. Nhà Đường đã bành trướng và chinh phục nhiều quốc gia Tây Vực đồng thời mở những con đường giao thông, buôn bán ra Trung Á, xây dựng những trung tâm thương mại lớn ở Kucha, Khotan, Yarkand, Kashgar, Kushar, Tukmak và Karashahr. Một công chúa (Văn Thành) được gả cho vua Tây Tạng để gây tình hòa hiếu.[20]
Khi nhà Đường mới thành lập, họ chỉ có độ 5000 con ngựa. Thế nhưng chỉ 50 năm sau, triều đình đã có tới 706,000 con trong đó có khoảng 50,000 con do các nước Tây Vực tiến cống. Ngựa được chia thành đội, với tên khác nhau theo phẩm chất (phi mã, long mã, phong mã) và theo từng loại (chiến mã, ngự mã, dịch mã). Nếu mã phu làm mất hay làm chết ngựa sẽ bị tội nặng. Cưỡi ngựa được coi là một thú tao nhã chỉ dành riêng cho giới quí tộc trong triều, các giới công thương bị cấm. Vào thời đó đàn bà tương đối tự do và bình đẳng với nam giới, cũng được cưỡi ngựa và tham dự những trò chơi. Trong triều còn có những đội huấn luyện ngựa làm trò cho vua quan coi (dancing horses), nhảy múa theo điệu nhạc.
Hiện nay người ta còn giữ được nhiều hình tượng ngựa đời Đường, và tranh vẽ ngựa, mã phu là một đề tài thông dụng. Giới quí tộc, nhất là đàn bà, thường hay chơi polo –một trò chơi nhập cảng từ Ba Tư — trên lưng ngựa và nhiều di tích còn lại tới ngày nay.
Những tác phẩm nghệ thuật đời Đường hiện nay còn có được cho ta thấy con ngựa là một trong những đề tài quan trong, là nguồn cảm hứng cho thi nhân và họa sĩ, đồng thời cũng miêu tả khá nhiều những sinh hoạt của người Trung Hoa cách đây hơn một nghìn năm.
Một trong những vua quan trọng nhất của nhà Đường là Đường Huyền Tông thường được quen thuộc hơn với cái tên Đường Minh Hoàng. Vua Huyền Tông sinh năm 685, khi lên ngôi năm 27 tuổi (712) và đã đưa nước Tàu vào một thời kỳ thịnh trị văn minh cao độ. Khi ông còn nhỏ, triều đình nằm trong tay vị nữ vương nổi tiếng, Võ Tắc Thiên. Mẹ ông bị giết, các thân tộc bị tù đày nên khi lên ngôi, Đường Huyền Tông đã làm một cuộc cách mạng triều chính và cải tổ hành chánh quan trọng. Ông cũng là người tài hoa, thơ hay, vẽ giỏi, có thể nói là cầm kỳ thi họa đều gồm đủ.
Tuy nhiên khi về già ông lại vùi mình vào những hoạt động mang màu sắc tôn giáo thần bí, pha trộn giữa đạo Lão và Mật tông đạo Phật đầy bùa ngải, phù phép. Vì họ Lý là họ nhà vua nên Lão Tử (Lý Nhĩ) được đề cao như tổ tiên của hoàng tộc, đạo Phật bị đưa xuống hàng ngoại giáo từ bên ngoài truyền vào.
Khoảng đầu thập niên 740 khi ông đã gần 60, Đường Huyền Tông say mê một người con dâu (vốn là vợ của một hoàng tử, con trai ông) họ Dương nên tuyển nàng vào cung với danh hiệu Thái Chân đạo sĩ. Càng ngày gia đình họ Dương càng được sủng ái, giữ nhiều trọng trách trong triều đình. Dương phi cũng đặc biệt thân cận với một viên tướng to béo, thô lỗ gốc Tây Vực là An Lộc Sơn nên nàng nhận y làm con nuôi để dễ dàng ra vào cung cấm.
Thời kỳ đó cũng chính là lúc nhà Đường bắt đầu suy vi trong khi các nước chung quanh lại lớn mạnh. Đạo Hồi (Islam) ở phương Tây cũng phát triển thành một thế lực và năm 751 người Ả Rập đánh bại quân Tàu ở Trung Á, kiểm soát Con Đường Lụa khiến cho đường giao thông từ Trung Hoa sang Ấn Độ và phương Tây bị gián đoạn. Chính vì thế những tướng lãnh vùng biên ải được nhiều quyền hành hơn và cũng độc lập hơn. An Lộc Sơn nhân cơ hội đó nổi dậy tự lập làm vua rồi tiến quân về kinh đô, tàn sát thành Khai Phong, lấy được Lạc Dương. Vua Huyền Tông và văn võ bách quan phải chạy về Ba Thục (Tứ Xuyên).
Quân sĩ nổi loạn và yêu cầu nhà vua phải giết Dương Quí Phi khiến ông đành phải ra lệnh thắt cổ người thiếp yêu dấu. Cuộc đời Dương phi và mối tình với Đường Minh Hoàng đã được Bạch Cư Dị viết thành một bài thơ dài nhan đề “Trường Hận Ca”. Vua Huyền Tông đành phải nhường ngôi cho con để làm Thái Thượng Hoàng cho tới khi chết.
Ngựa đời Đường được trang sức bằng nhiều món khác nhau, đuôi ngựa được tết thành một cục nhỏ, bờm cũng được cắt xén thành nhiều kiểu. Cũng như nhiều bộ môn khác, kỵ thuật và phụ tùng đời Đường đã trở nên rất chi li phức tạp, viết thành sách vở. Ngoài ra trong triều đời Huyền Tông còn huấn luyện riêng 100 con ngựa tốt để làm trò. Năm 729, triều đình định ngày sinh nhật của Đường Minh Hoàng là ngày khánh nhật quốc gia gọi là Thiên Thu Tiết (Thousand-Autumn Holiday). Ngày đó ngoài duyệt binh còn cả múa hát vui chơi mà đặc biệt nhất là các xảo thuật của đoàn ngựa tạo thi hứng cho nhiều danh sĩ còn truyền đến nay. Đoàn ngựa này nhiều người vẫn coi là cao điểm của văn minh đời Đường.
d/ Đời Tống
Sau đời Đường, nước Tàu rơi vào cảnh loạn lạc 53 năm mà sử gia gọi là đời Ngũ Đại ở miền Bắc và Thập Triều ở miền Nam. Đến năm 960, một tướng lãnh của nhà Hậu Chu là Triệu Khuông Dẫn bình định được đất nước lên ngôi là Tống Thái Tổ. Sang đời Tống (960-1279), một triều đại lên cao về văn hóa nhưng lại xuống thấp về binh bị và quân sự, ngựa không còn được coi trọng như đời Đường.
Một số chính sách của nhà Tống khiến cho triều đình ngày càng suy yếu. Binh lính nay trở thành một nghề, nghề thấp kém nhất trong xã hội. Nhà Tống lại chủ trương giao hiếu với các rợ phương bắc bằng đường lối mua chuộc, mỗi năm triều cống cho họ vàng bạc và tơ lụa để họ khỏi xâm chiếm. Đời nhà Tống nước Tàu đạt đến cực thịnh về văn hóa, nghệ thuật, triết học. Nhiều ngành nghề và kỹ thuật mới được phát minh trong đó có ngành in mộc bản (wood block printing), kinh tế cũng phát triển và nhiều công trình kiến trúc và nghệ thuật còn được đến ngày nay.
Riêng về binh bị, một trong những nguyên nhân suy yếu chính là vì họ không còn những đoàn ngựa chiến như đời Đường và cũng không còn tuyển được những đoàn quân chịu đánh thuê cho họ. Thành thử trong những trận giao tranh quân Tống đều thua, mỗi lần thua lại phải nhượng bộ về đất đai hay gia tăng cống phẩm. Vào thời kỳ này, người Trung Hoa thường dùng lụa và trà để đổi ngựa nhưng cũng không mấy khi được những giống tốt.
Tuy hết sức mềm dẻo, kể cả việc vua Tống nhận làm anh em, thân tộc kết nghĩa (về sau thì phải triều cống xưng thần) với vua Liêu, vua Kim, nhà Tống vẫn bị người Nữ Chân xâm lăng năm 1127 và phải thiên đô về Hàng Châu cho tới khi bị người Mông Cổ xâm chiếm.
e/ Đời Nguyên
Cho tới thế kỷ thứ 12, những bộ tộc du mục ở vùng Trung Á vẫn sống rời rạc. Chỉ đến khi Thiết Mộc Chân (Temujin) tức Thành Cát Tư Hãn (Ghenghis Khan) kết tập họ lại dưới quyền chỉ huy duy nhất của ông vào đầu thế kỷ 13 thì người Mông Cổ mới trở thành một lực lượng quân sự khủng khiếp mà cái ưu điểm chính của họ là con ngựa và thuật kỵ mã. Ngựa là phương tiện di chuyển, bạn đồng hành, và cũng là thực phẩm của chiến sĩ Mông Cổ và có thể nói họ là những kỵ sĩ số một của thế giới thời đó, “… có thể sống mười ngày liên tiếp trên yên ngựa, chỉ uống máu ngựa hút từ một động mạch con vật”.[21]
Ngựa Mông Cổ là giống rất chịu đựng và dai sức, tuy chỉ cao từ 130 đến 140 cm nhưng lại rất nhiều. Giống ngựa này lại dễ nuôi, chỉ thuần cỏ không cũng đủ và vì thế rất ít tốn kém. Chỉ đến khi họ chiếm được Bắc Kinh năm 1251 thì mới có thêm những bảo mã vùng Ferghana và sau này triều đình nhà Nguyên giữ độc quyền nuôi ngựa.
Người Mông Cổ biết rằng sức mạnh của họ chủ yếu là kỵ binh nên luôn luôn chú trọng đến việc duy trì một lượng lớn số ngựa nuôi. Mỗi người lính Mông Cổ phải tự chăm lo cho bầy ngựa của mình từ nhỏ cho tới khi đủ năm tuổi mới cưỡi được và tuyệt đối tuân lệnh người cưỡi nó. Đó chính là yếu tố quan trọng để dùng ngựa trong chiến đấu, kỵ sĩ và tọa kỵ là một. Ngựa đực đều bị thiến (gelding) để khi hành quân không nổi cơn bất tử khi thấy ngựa cái và chỉ những con đực khỏe mạnh nhất mới được giữ lại làm giống.
Ngựa Mông Cổ được huấn luyện sao cho kỵ sĩ có thể bắn cung đủ mọi hướng trong khi chạy nhanh và sao cho thật ổn định khiến cho xạ thủ không bị trở ngại. Một ưu điểm của tư thế đó là khi chạy nhanh con ngựa bao giờ cũng nhoài đầu về trước khiến cho cung thủ không bị vướng víu, có thể quay ngang quay dọc, trái phải một cách tự do.
Quân đội Mông Cổ được chia thành từng đơn vị theo lối thập phân, mười người thành một đội, có các thập phu trưởng, bách phu trưởng, thiên phu trưởng trông coi. Mỗi người mang theo nhiều con ngựa để thay đổi và họ có thế tiến binh với tốc độ 100 dặm một ngày. Khi chiến đấu cũng như khi đi săn họ sắp thành đội hình để bao vây quân địch. Di động nhanh, biến trá và với chiếc cung mạnh, kỵ binh Mông Cổ có thể sát hại một địch thủ cách họ 100 đến 200 mét và vào thế kỷ thứ 13 trở thành một binh đội có ưu thắng tuyệt đối không nơi nào đương cự nổi. Họ lại học hỏi nhanh chóng kỹ thuật dụng gián (espionage) và chiến tranh tâm lý (psychological warfare) nên thủ đắc rất sớm những ưu điểm của những vùng bị chinh phục nên càng lúc càng qui mô. Họ cũng rất biến trá, biết dùng nghi binh, dụ địch và thường tấn công bất ngờ.
Đối với chiến mã, Ghenghis Khan có những qui luật nghiêm nhặt để dưỡng sức cho tọa kỵ. Ngựa phải được hoàn toàn tự do, không yên cương, không ràng mõm, không chở đồ nặng và chỉ được thắng giàm vào giờ phút cuối cùng trước khi xung trận. Những ai vi phạm bị chém đầu ngay tức khắc.
Ngoài việc dùng trong chiến đấu, ngựa còn đóng một vai trò quan trọng trong việc truyền tin. Theo Marco Polo, một người Ý làm việc trong triều đình nhà Nguyên 17 năm thì tin tức, lệnh lạc có thể truyền đi khắp nơi trong lãnh thổ chỉ mất vài ngày. Nhà Nguyên cho dựng hơn một vạn dịch trạm, cách nhau từ 40 đến 48 km dọc theo những trục lộ giao thông chính. Mỗi dịch trạm đều có nuôi ngựa tốt và mỗi nơi do dân chúng sở tại phải cung đốn khoảng 400 ngựa khác, trong đó 200 con thả rong và 200 con hiện dịch sẵn sàng nhận lệnh để truyền tin. Ngoài ra còn một số trâu bò để chuyên chở những vật nặng và thuyền bè để di chuyển trên các thủy đạo. Trước khi đến trạm kế tiếp, người đưa tin phải rung chuông để bên kia sẵn sàng nhận tin và lên đường ngay lập tức, không chần chờ. Phương pháp này khiến cho lệnh lạc có thể được truyền đi trên 250 dặm (khoảng 400 km) trong một ngày.
Triều đình nhà Nguyên kiểm soát việc nuôi ngựa rất chặt chẽ, những ngựa trong dân chúng thường chỉ là ngựa thiến hay ngựa cái được pha giống với lừa để sinh ra con la, một loài vật vô tính, không sinh sản chỉ dùng trong chuyên chở và kéo xe. Ngựa tốt hầu hết là trong cung vua hay dùng vào dịch trạm.
g/ Đời Minh
Đến đời Minh, vai trò của con ngựa trong việc chuyên chở đã giảm vì thời đó thủy đạo tại Trung Hoa đã mở mang. Tuy vậy, triều đình mỗi năm phải nhập cảng khoảng 10,000 con ngựa giống từ bên ngoài và thường dùng trà để đổi lấy ngựa với các dân tộc miền Tây Vực. Trong khoảng 20 năm sau khi nhà Minh thành lập, họ đã có khoảng 1,600,000 con nhưng cũng chưa đủ dùng. Hỏa khí và thuốc nổ tuy cuối đời Minh đã được sử dụng trong quân đội như không hiệu quả lắm và không tiện dụng bằng cung nỏ khi ngồi trên lưng ngựa.
h/ Đời Thanh
Sang đời Thanh, người Trung Hoa lại bị cai trị bằng một dân tộc miền Bắc vốn dĩ quen thuộc với cưỡi ngựa bắn cung không khác gì người Mông Cổ. Người Mãn Châu (tức Nữ Chân) vốn không phải là dân du mục mà vốn sống bằng săn bắn, nông nghiệp, đánh cá nhưng sau đó bị người Khất Đan cai trị và đã học được thuật kỵ mã và thuật bắn cung.
Khi họ chiếm được Trung Hoa, những vua đầu tiên đã nổi tiếng là minh quân và thành lập được một đế quốc hùng cường. Họ cũng duy trì được một lực lượng kỵ binh thiện chiến. Những vua nhà Thanh cũng nhiều người có tài dùng binh, giỏi cưỡi ngựa, điển hình là vua Khang Hi (1661-1722) là một hoàng đế có tài, từng nhiều lần thân chinh đánh giặc. Vua Càn Long (1736-1795) là người rất thích tuấn mã nên các quốc gia Tây Vực thường chọn ngựa tốt đem tiến cống. Ngoài Giuseppe Castiglione (Lang Thế Ninh), một họa gia cũng thuộc dòng Jesuit là Jean-Denis Attiret đã để lại mười bức tranh vẽ mười con tuấn mã của vua Càn Long.
Các vua nhà Thanh cũng hay tổ chức những buổi săn bắn để tập luyện cho binh sĩ, vừa cưỡi ngựa, vừa bắn cung. Chỉ đến thế kỷ thứ 19, khi các nước Âu Tây đã phát triển nhiều về các loại vũ khí mới, kỵ binh Trung Hoa mới không còn hữu hiệu.
II/ CÁNH CUNG
Cây cung có lẽ là một trong những khí giới phổ thông nhất của loài người. Dường như bất cứ dân tộc nào, bộ lạc nào khắp năm châu đều có cây cung. Thành thử chúng ta không thể biết được nguyên thủy nó từ đâu. Ở Trung Hoa cũng như ở Việt Nam, cung nỏ đã xuất hiện trong những truyện thần thoại như truyện Hậu Nghệ bắn rơi chín mặt trời hay truyện chiếc nỏ thần của An Dương Vương.
Khổ nỗi cung nỏ cũng như tên đều dễ bị hủy hoại theo thời gian nên ít khi người ta tìm được một cây cung còn nguyên vẹn của thời xưa. Cây cung cũ nhất mà người Trung Hoa tìm thấy vào khoảng thời Chiến Quốc mặc dầu chữ viết đã đề cập đến loại binh khí này từ thế kỷ thứ 15 trước TL trên những xương thú hay mai rùa.
A/ Cung Liên Hợp
Cây cung dùng trong chiến trận không phải chỉ làm bằng gỗ mà ghép thêm sừng và gân (sinew), dán bằng a dao (keo nấu bằng xương). Vì a dao có thể bị chảy khi dính mồ hôi nên người ta cố gắng tránh tiếp xúc với lòng bàn tay, chỉ khi nào dương cung mới phải chạm vào và có thể có một mảnh đúc bằng đồng để bảo vệ.
Theo John Keegan, chiếc cung đó được chế tạo như sau:
… Cung liên hợp (composite bow) bao gồm một thanh gỗ mỏng (slender strip of wood) – có khi là nhiều thanh được ép lại với nhau – mà phần lưng (phía ngoài) được dán sát vào một sợi gân động vật dẻo suốt chiều dài, còn phần bụng (phía trong) thì dát bằng những thanh sừng, thường là sừng bò rừng (bison). Keo được nấu bằng gân trộn với da (a dao), thêm một phần xương và da cá và phải mất hơn một năm mới khô hẳn và được trét trong những nhiệt độ và ẩm độ thật chính xác … rất nghệ thuật cả về việc chế tạo lẫn thực hiện, phần lớn trong một phương thức thần bí, bán tôn giáo.”[22]
Cung liên hợp khởi thủy gồm năm mảnh gỗ mộc hay gỗ ép – phần tay cầm ở trung tâm, hai cánh cung, và hai ngọn cung. Những mảnh này sau khi đã được ráp lại với nhau sẽ được chưng trong hơi nước để uốn thành một vòng cung, ngược chiều với khi căng giây, và những lớp sừng mỏng sẽ được dán vào bụng. Cây cung lại được bẻ tiếp tục cho thành một vòng tròn và dây gân sẽ được dán vào lưng. Cây cung cứ được giữ như thế cho đến khi nào tất cả mọi bộ phận dính chặt với nhau thì mới tháo ra và căng giây thử lần đầu.
Căng một cây cung liên hợp đòi hỏi cả sức mạnh lẫn khéo léo. Sức kéo, thường thường tính bằng pounds[23], khoảng chừng 150, trong khi cung làm bằng gỗ non chỉ cần độ vài pounds thôi.[24]
Cho đến nay, các học giả vẫn tranh luận về loại cung liên hợp này có từ bao giờ và người ta đoán rằng có lẽ đã xuất hiện từ thiên niên kỷ thứ ba trước TL. Tuy nhiên việc chế tạo nên một kiểu cung như thế hẳn là không phải ngày một ngày hai và cũng như chiếc xe ngựa, một dụng cụ phức tạp hẳn đã qua nhiều thời kỳ thử nghiệm kéo dài hàng chục năm, có khi hàng mấy trăm năm không chừng.
Cung liên hợp đó còn được dùng cho mãi đến tận thế kỷ thứ 19 trong Bát Kỳ Quân của nhà Thanh và chỉ được thay thế khi thấy cung tên không thể nào chống được với súng đạn của người Âu Tây.
Trong khi đó, tới thời Trung Cổ, người Âu Châu tuy cũng áp dụng cách uốn cung ngược nhưng lại dùng cung dài và chỉ sử dụng được khi xạ thủ đi bộ. Trái lại, cung liên hợp ngắn, khi giương lên chỉ dài khoảng từ đầu đến ngang lưng người bắn rất thích hợp cho chiến xa hay cưỡi ngựa. Nói tóm lại cung liên hợp là phương pháp để tăng cường tụ lực và sức đàn hồi mà một loại vật liệu riêng rẽ không thể có được. Đó là một phát kiến kỹ thuật của dân sa mạc rồi được người Trung Hoa bổ túc thành một kỹ thuật phức tạp và thành một võ khí lợi hại trong nhiều thế kỷ và được chép thành kinh điển.
Cung liên hợp bắn một mũi tên ngắn và nhẹ – tốt nhất là khoảng một ounce (chừng 30 gram) – nhưng nhắm ở khoảng 300 m vẫn chính xác, có thể xuyên qua áo giáp trong khoảng 100 m. Vì nhẹ nên xạ thủ Mông Cổ mang được đến 50 mũi tên và có thể bắn như mưa vào phía địch mỗi khi tấn công.[25]
Theo sách vở muốn làm được một cây cung phải mất bốn năm, từ việc tìm kiếm vật liệu đến tạo hình, dán gân dán sừng và những thứ linh tinh khác, mỗi việc đều mất hàng năm mới qua giai đoạn kế tiếp.
Cổ thư cũng phân biệt rõ ràng bảy loại gỗ dùng để làm cánh cung theo thứ tự: tốt nhất là gỗ chá (cudrania tricuspidata) tương tự như cây dâu, thứ đến là gỗ ý, rồi đến gỗ yểm (dâu núi), gỗ cam, mộc qua[26] (chaenomeles lagenar), gỗ kinh (mận gai) và sau cùng là tre. Nói chung phải là những vât liệu dẻo và có sức đàn hồi cao. Gỗ cũng phải kiếm loại gỗ già, gõ nghe kêu, màu sậm và không gần gốc, không có mấu, thớ phải thẳng. Gỗ phải cắt vào mùa đông khi cây đang thu liễm khí lực, chắc hơn vào mùa xuân, mùa hạ khi cây đang tăng trưởng. Trên lý thuyết thì như vậy nhưng thực tế cung chỉ chế tạo bằng tre già, thường được cắt vào mùa đông mà người ta cho rằng sẽ đỡ bị mối mọt.
Sừng thú phải được cưa vào mùa thu, lúc đó sau mùa hè, thú vật no đủ, sừng chắc và phải thẳng, tránh loại sừng xoắn hay cong quẹo. Những con vật ốm yếu không thể lấy sừng vì hay bị rỗng và thớ không săn.
Người ta cũng phân biệt sừng gần xương đầu thì dẻo và mỗi đoạn sừng lại dùng vào một mục đích, tùy theo màu sắc mà có cá tính khác biệt. Vấn đề là sừng phải đủ mềm để khỏi bị xước (splintering) nhưng lại cũng cần đủ cứng để khi giương cung có thêm lực.
Keo (a dao) gắn cung phải đỏ và để lâu năm cho thấm vào các thớ gỗ. Mỗi loại da thú cho một loại keo khác màu và chỉ dùng da một số loài vật để gắn cung mà thôi.
Gân cần những sợi dài, tước ra thành sợi rồi gắn vào cánh cung bằng keo. Gân thường lấy dọc theo xương sống con bò, mỗi con bò có thể có được đến ba mươi lượng gân, phơi khô rồi mới tước nhỏ thành sợi, người du mục dùng làm dây cung nhưng người Hán chỉ dùng để tăng cường đạn lực của cánh cung.
Cánh cung phải được cưa dọc theo thớ gỗ, những đoạn vướng mắt phải bào nhẵn, uốn bằng cách hơ trên lửa nhưng không để lửa quá già. Cung uốn và tẩm luyện đúng các sẽ rất dẻo dai, giương lên thì cong vòng nhưng khi tháo dây ra thì sẽ ngược trở lại như cũ. Cũng như thanh kiếm, chế tạo một cây cung tốt đòi hỏi sự khéo léo và kỹ lưỡng mà người chuyên môn bảo là đạt được tam quân (three balances) và cửu hòa (nine harmonies). Cung tốt cần sáu tiêu chuẩn: nhỏ nhưng mạnh, chắc chắn do thợ lành nghề chế tạo, không yếu đi khi dùng lâu, trời nóng trời lạnh cũng không thay đổi, dây cung bật lên tiếng thanh, cung căng cứng và thẳng thắn. Nghệ thuật chế tạo cung tuy có những tiêu chuẩn từ lâu nhưng mãi đến đời Nguyên mới được Đào Tông Nghi (Tao Zongyi) viết xuống thành kinh điển.
Sau khi hoàn thành người ta treo cung lên cao, thường là trong bếp để cho những chất keo thấm vào thớ gỗ từ nửa tháng cho tới hai tháng. Hong khô xong mới đem xuống đánh bóng, trét thêm keo hay sơn.
Theo Trịnh Chú, nghệ nhân phải biết tính toán, cánh cung để riêng sức kéo cần một thạch (khoảng 27.8 kg) thì khi thêm gân vào sẽ tăng lên hai thạch, thêm một lớp sừng lên thành ba thạch. Chế tạo một chiếc cung ba thạch, phải có chiều