18/06/2018, 15:34

Chủ nghĩa Hậu hiện đại phương Tây và phương Đông

S. Kornev Ngân Xuyên dịch Hậu hiện đại phương Tây Về “hậu hiện đại” đã có hàng núi tài liệu được viết ra, thậm chí định nghĩa về hiện tượng này cũng gây ra những cuộc tranh cãi liên tu bất tận [1] . Trong khi đó bản chất của nó hết sức đơn giản và rõ rệt, nó đã ...

S. Kornev

Ngân Xuyên dịch

Hậu hiện đại phương Tây 

Về “hậu hiện đại” đã có hàng núi tài liệu được viết ra, thậm chí định nghĩa về hiện tượng này cũng gây ra những cuộc tranh cãi liên tu bất tận[1]. Trong khi đó bản chất của nó hết sức đơn giản và rõ rệt, nó đã được các nhà văn hóa học (nhất là Spengler và Toynbee) tiên báo và lý giải từ khi nó còn chưa xuất hiện. Hậu hiện đại – đó là giai đoạn già và chết của văn hóa, đó là bước chuyển từ “văn hóa” sống sang “văn minh” chết. Về tinh thần, như một cơ thể sống, văn hóa đã chết, nhưng về mặt thể xác, như một cơ chế, theo quán tính nó vẫn tiếp tục tồn tại, thậm chí còn có vẻ phồn thịnh bề ngoài, bởi vì các thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội của nó vẫn đang còn hoạt động, và chính ở giai đoạn này những nỗ lực trước đây từng đầu tư vào việc tạo ra chúng được bù đắp lại. 

Thí dụ về hiện tượng như thế là Đế chế La Mã vào hai thế kỷ đầu của kỷ nguyên chúng ta; cái gọi là “thời hoàng kim” của nền văn minh cổ đại, thời đại của “thế giới toàn thể” và của sự “cáo chung lịch sử” – chưa bao giờ con người cổ xưa được sống an hòa, no nê và thoải mái như ở thời đó. Nhưng “cuộc sống sau khi chết” như vậy không thể kéo dài vĩnh viễn: vào một ngày tất cả đảo lộn, và trong vòng năm mươi năm tiếp theo thế giới cổ đại bị lâm hỗn loạn và suy tàn. Bây giờ chúng ta đang nhìn thấy ở phương Tây chính cái “thời hoàng kim”, thời “cáo chung lịch sử” đó.

Để hiểu bản chất của hậu hiện đại thì phải ý thức rõ rằng hậu hiện đại là một hiện tượng hoàn toàn của phương Tây, rằng đó là giai đoạn phát triển của chính văn hóa Tây phương, là sự mở đầu quá trình tự hủy của nó. Nó có quan hệ đối với tất cả các nền văn hóa còn lại, đối với văn hóa loài người nói chung, trong chừng mực là ở những thời đại trước chúng bị giả đồng hình (pseudomorphism) và mang trên mình dấu vết của phương Tây. Xét về thực chất của mình thì đó không phải là giai đoạn phát triển của tổng thể văn hóa loài người, mà là logic văn hóa của phương Tây hậu kỳ[2].

kien truc hay hien dai

kiến trúc hậu hiện đại 

Mất ý nghĩa – có thể xác định triết học của thời “hậu hiện đại” một cách hết sức đơn giản và cô đúc như vậy – sự mất mát không phải một ý nghĩa cụ thể nào, mà bản thân sự nắm được ý nghĩa. Ở chỗ con người của các thời trước nhìn thấy sự thống nhất của ý nghĩa, tính toàn vẹn có nghĩa, thì con người thời hậu hiện đại chỉ thấy bạo lực trần trụi, sự gắn buộc nhân tạo để làm nên chỉnh thể. Ý nghĩa của chỉnh thể dựa trên thứ bậc của các bộ phận, trên trật tự hài hòa của các phân mảnh có nghĩa riêng lẻ. Con người những thời xưa biết nhìn ra ý nghĩa này, tức là biết cảm thấy được tính xác đáng của hệ thống thứ bậc của các phân mảnh ý nghĩa, tin vào sự hài hòa định trước của chỉnh thể và bộ phận. Con người thời hậu hiện đại đã mất thói quen thấy được ý nghĩa – hệ thống thứ bậc đó đối với hắn là giả tạo và cưỡng bức. Chuẩn mực đối với hắn là “không chọn lọc” và “không thứ bậc”, tức là nền dân chủ của những mảnh vỡ, sự từ chối về nguyên tắc việc sắp xếp chúng thành chỉnh thể. Đằng sau mọi sáng tạo và sự kiện toàn vẹn con người hậu hiện đại chỉ thấy lộ ra trần trụi ý chí quyền lực, thủ đoạn và sự kiến tạo giả tạo. Ý nghĩa của chỉnh thể đối với hắn bị tan ra thành tổng số các phân mảnh ý nghĩa riêng rẽ, các nguyên tử tự chủ mà bản thân chúng không hề muốn tự sắp xếp lại thành chỉnh thể, ngược lại, mâu thuẫn nhau, phủ nhận nhau – mà thế nghĩa là phủ nhận ngay cái chỉnh thể mà chúng là những bộ phận.

 

Điều này xảy ra trong tất cả không trừ một lĩnh vực nào của văn hóa phương Tây mà hậu hiện đại đụng tới – dù đó là chính trị, đời sống xã hội, nghệ thuật, văn học, triết học, khoa học. Thứ bậc ý nghĩa đâu đâu cũng bị bung ra thành một món tạp pí lù, giờ là lúc của trạng thái tâm thần phân lập, của chủ nghĩa vô chính phủ bản thể luận. Các thiết chế kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kế thừa từ thời hiện đại sống chủ yếu theo quán tính, và dần mất đi xung lực đã được đặt vào chúng lúc tạo lập. 

Các nhà triết học hậu hiện đại (Baudrillar, Deleuze, Derrida, Lyotard, Foucault, Heidegger) đã “giải kiến tạo” di sản triết học hai ngàn năm, khi họ chứng minh tính quy ước và tính nhân tạo, “cưỡng bức” của những phạm trù cơ bản của tính duy lý Tây phương. Biến mất niềm tin vào sự tồn tại của những nguyên lý và quy luật chung điều khiển thế giới này, biến mất lòng tin vào chính lý trí của con người. Những khuôn khổ khái niệm do quá trình phát triển hàng thế kỷ trước đây của tư duy nêu ra chỉ mới hôm qua còn rành mạch và rõ ràng đối với tất cả mọi người thì nay biến thành những màn sương mù che lấp hơn là soi tỏ. Các phạm trù logic mất đi tính nghiêm nhặt của mình và bắt đầu dồn đống lên nhau. Giờ thì không chỉ khó biết đâu là chân, đâu là giả, mà ngay cả các phạm trù giả và chân mà lý trí lành mạnh của con người từng có lúc tự hào cũng bị mất ý nghĩa của mình. 

Nổi lên là những biến đổi trong nghệ thuật – từ kiến trúc và văn học đến âm nhạc và điện ảnh, nơi đang diễn ra sự thống trị của hình thức “pastiche” – từ này dịch ra tiếng Nga đúng nhất là “hổ lốn”. Nghệ thuật thời hậu hiện đại vẻ như là sự chồng chất hỗn độn các phân mảnh thuộc đủ loại phong cách bị tách ra khỏi khung cảnh. Đôi khi trong đó người ta cũng thấy có một ý nghĩa nào đó – thí dụ một biến thể của “parody”. Nhưng ở nơi pastiche lớn lên thành parody – đó còn là tàn tích của quá khứ, là những gì còn lại cuối cùng của thời hiện đại. Đừng nên nhầm pastiche với parody – parody có bề sâu, có mặt trái, có sự ám chỉ – nó có ý nghĩa, nó biết cười cái gì, nó hoàn toàn có ý thức đặt vào trong tiếng cười một ý nghĩa nào đấy[3]. Ý nghĩa này gắn nối parody, đem lại cho nó sự toàn vẹn. Pastiche, ngược lại, đó thuần túy là bề mặt, đằng sau nó không có sự ám chỉ nào: nó không hề mang trong mình mong muốn phát giác ý nghĩa ẩn kín – nó chỉ đơn giản là trò chơi của những liên tưởng tự do. Đó là phát ngôn không muốn biểu đạt cái gì, không muốn nói lên cái gì có nghĩa, đó là sự dứt khoát từ chối khẳng định hay phủ định. Đó là cử chỉ của một thứ văn hóa đang chết mà sự thông thái cổ xưa của nó bắt nó phải im lặng. Thứ văn hóa đó lâm vào tình trạng suy vong, tòa nhà chọc trời nhiều tầng đầy kiêu hãnh bị sụp đổ, chỉ còn lại cánh đồng tung tóe những mảnh vỡ, trên đó đám con cháu thoái hóa bước đi và lấy những hòn đá nhặt được sắp thành những họa tiết rắc rối trên mặt phẳng. Những họa tiết không có ý nghĩa nào – và chính vì thế nên có thể thấy ra nghĩa nào cũng được.

Để nhập thấu “tâm thức hậu hiện đại” này cần phải hiểu rằng bề sâu đã biến mất khỏi thế giới này, chỉ còn lại bề mặt. Chủ nghĩa hậu hiện đại không thừa nhận bề sâu. Bản thân phép nhị nguyên của bản chất và hiện tượng, ký hiệu và nghĩa, cái biểu đạt và cái được biểu đạt trước đây từng có ý nghĩa sâu sắc thì nay đã bị triết học hậu hiện đại phủ định. Trước đây – cả trong lĩnh vực lý thuyết, cả trong lĩnh vực ý nghĩa lành mạnh – đằng sau tập hợp các hiện tượng luôn được ngầm hiểu là có sự hiện diện của một bản chất thống nhất, hay một ý chí thống nhất, xuyên qua chúng hiện ra thế giới, sắp xếp chúng lại và giải thích chúng. Giải thích một cái gì đó nghĩa là quy hiện tượng về bản chất của nó, quy ký hiệu về nghĩa của nó. Bây giờ trong thế giới của các tư tưởng và các kiến tạo thẩm mỹ đang diễn ra một bước ngoặt có tính dân chủ: sự tìm kiếm bản chất đã bị mất ý nghĩa, những “sự kiện”, hiện tượng có tính độc lập và tự do, và người ta học được cách bỏ qua ý nghĩa mà bản chất mang lại cho chúng. Hiện nay “giải thích” biến thành sự thao tác bất tận với các ký hiệu, các câu cú và tư tưởng đứt gãy, thành cái vòng khép kín của những sự diễn dịch không giải thích gì cả, mà chỉ dẫn ra nhau liên hồi kỳ trận.

 

Chủ nghĩa hậu hiện đại – đó là sự sụp đổ hoàn toàn của logic văn hóa phương Tây và của lý tính Tây phương, ở dạng như nó đã hình thành từ thời Descartes. Và chuyện này không có gì bất ngờ hết. Bất kỳ logic nào, dù nhìn ngoài nó có duy lý đến đâu, cũng dựa trên một niềm tin phi lý, và ngọn nguồn của nó là một xung động hoàn toàn phi lý. Mọi logic xét đến tận cùng cơ sở của mình – đó là Ý Chí, Ý Chí quyền lực, Ý Chí sắp xếp lại thế giới. Nếu Ý Chí bị bẻ gãy, nếu Ý Chí ra đi, thì tất cả những cái nó gắn kết và gom lại cùng nhau sẽ bung ra hỗn độn như thuở hoang sơ. Còn tất cả những gì chưa bị bung ra, tất cả những điểm mà Ý Chí chỉ thuần do quán tính còn trụ lại được thì dưới mắt con người đã mất đi Ý Chí này trong mình sẽ thành ra là bạo lực vô nghĩa, là chuyên quyền trắng trợn. Trước đây, khi văn hóa còn sống, con người đã có Ý Chí ấy, cái mà văn hóa của hắn đã đặt vào thế giới cần phải cải tạo, đặt vào những cấu trúc logic và những thiết chế xã hội. Con người không nhận thấy sự bạo lực và chuyên quyền đó bởi vì đó là bạo lực của hắn, chuyên quyền của hắn – cả trong hắn, cả trong logic này, cả trong những thiết chế này, chỉ có một Ý Chí hành động. Ý Chí của phương Tây.

Trường hợp Đế chế thứ Ba sẽ soi sáng tình trạng này. Khi Đế chế thứ Ba đang sống, phần đông người Đức thấy nó là Vương quốc của cái Thiện với những bến bờ trĩu quả, thành tựu sáng tạo tự nhiên của tinh thần dân tộc Đức. Họ không thấy Đế chế là bạo lực – họ chỉ thấy nó là chính mình, là sự phản ánh các ý chí và ước vọng của mình. Về sau, khi ý chí này bị bẻ gãy, khi nó đã bị bứt ra khỏi đầu óc người Đức, thì đối với họ nó trở thành là ý chí của kẻ khác, họ bắt đầu nhớ lại Đế chế với nỗi sợ hãi và hoài nghi, nhìn thấy ở đấy chỉ bạo lực và chuyên quyền. Toàn bộ nền văn minh Tây phương chính là “đế chế thứ ba” như thế đang trên đường đi đến điểm sụp đổ của mình, đến điểm mà cái Ý Chí Thống Nhất từng tạo nên sinh khí cho nó bắt đầu tan rã. 

Nếu hiểu được tư tưởng đơn giản này thì mọi sự hoàn toàn sáng rõ. Chẳng hạn, vì sao khái niệm bản chất lại rời bỏ tâm thức hậu hiện đại? Khái niệm bản chất ở phương Tây không còn thể được duy trì ở cấp độ logic chính bởi vì Bản Chất đã chuyển sang cấp độ bản thể luận. Logic học của phương Tây – đó là sự phản ánh bản thể luận của nó. Nền văn hóa đã được thực hiện hoàn toàn về sau này thực sự đã mất đi Bản Chất của mình, Ý Chí của mình, bởi vì Bản Chất đó, Ý Chí đó đã hoàn toàn thành hiện thực – tất cả, không chừa lại chút nào, đã biến thành hiện thực, thành kết quả. Văn minh châu Âu hiện nay giống như một bà mẹ anh hùng kiệt sức vì nhiều lần sinh nở. 

Bản Chất, Ý Chí của nền văn hóa non trẻ, chưa biết thể hiện mình, là một khối năng lượng hỗn độn giống như một ngọn lửa sạch đang âm ỉ trong tâm hồn mỗi con người của nền văn hóa này mà chưa tìm thấy lối ra. Bản Chất đó, Ý Chí đó còn bị che kín với cái nhìn bên ngoài, chính vì thế nó có ý nghĩa đối lập bản chất -hiện tượng, ký hiệu – nghĩa. Bởi vì hiện tượng còn chưa chứa đựng trong mình bản chất hoàn toàn, còn ký hiệu chỉ mới là dấu chỉ cái có, nhưng chưa hiển lộ. Ngược lại, nền văn hóa cũ đã vắt kiệt hoàn toàn Bản Chất của mình thì không còn cần đến khái niệm “bản chất” (như một cái đối lập với hiện tượng), khái niệm “nghĩa” (như một cái đối lập với ký hiệu). Bản Chất của nó, tức Ý Chí của nó, đã được hiện thực hóa hết trong kỹ thuật, khoa học, nghệ thuật của nó, trong các thiết chế xã hội của nó, trong các hệ thống ký hiệu mà chúng dựa vào. Bản Chất, Ý Chí của văn hóa, vốn trước đó là sống động và chưa hiển lộ, đã đông cứng lại trong một cỗ máy đã tồn tại thực, nhưng chết lặng, vô hồn. “Hiện tượng” bây giờ không phải dẫn đến “bản chất”, mà đến một hiện tượng khác nó có quan hệ trong phạm vi hoạt động của bộ máy này, còn “ký hiệu” không phải dẫn đến “nghĩa”, mà đến một ký hiệu khác nó có quan hệ trong phạm vi của hệ thống giao tiếp điều phối hoạt động của cái tổ kiến này. Ý nghĩa rời khỏi hệ thống – còn lại chỉ là những quan hệ cơ học thuần túy “kích thích – phản ứng”, “cà rốt – dùi cui”. Do đó, không có gì lạ là hiện nay nền văn minh Tây phương hiện ra như một “Hệ Thống” chết, vô sinh khí, một kẻ thù cần chống lại, không chỉ trong mắt những dân tộc bị nó áp bức, mà ngay cả những người tây phương. “Chủ nghĩa hậu hiện đại” – đó là phản ứng chiếm lấy những giá trị nền tảng của phương Tây từ phía chính người tây phương, vì hiện thời họ không còn nhận ra mình trong nền văn minh của mình, trong sáng tạo của riêng mình. 

Hậu hiện đại phương Đông[4] 

Hậu hiện đại, nếu nhìn từ góc nhìn phương Tây, thì hiện ra như là sự tự hủy của nền văn hóa châu Âu cũ, như là sự từ bỏ quá khứ vĩ đại của mình và sự chế nhạo quá khứ đó. Dễ hiểu là từ góc nhìn của người thuộc văn hóa phi phương Tây, từ góc nhìn của người phương Đông, người Nga, vốn coi quá khứ của phương Tây là quá khứ độc ác, còn Ý Chí của phương Tây là ý Chí độc ác, thì thời hậu hiện đại lại mang ý nghĩa hoàn toàn ngược lại. Đó là thời giải phóng lớn lao, thời hắn có cơ hội vứt bỏ được khỏi mình cái ách giả đồng hình, hủy bỏ được phương Tây trong chính bản thân mình, trong tâm hồn của mình. “Chủ nghĩa hậu hiện đại đem lại cho con người phương Đông cơ hội chiến thắng văn hóa Tây phương trong chính mình, chiến thắng tính duy lý Tây phương đã bóp méo ý thức hắn, nhờ chính thuốc trị Tây phương. Không tốn quá nhiều thời gian, dưới mặt nạ “cuộc trình diễn hậu hiện đại”, logic học tự nhiên của phương Đông đã được phát sáng[5]”.

Như vậy, hậu hiện đại có hai bộ mặt – đông và tây. Cái ở phương Tây là sự tự hủy, thì ở phương Đông lại là sự giải phóng và sự trở về mình. Ngay thái độ khinh miệt và hoài nghitheo lối hậu hiện đại đối với lý tính đã chứa đựng trong mình một cái gì đó phương Đông. Nhưng ở phương Đông còn diễn ra một cái lớn hơn là sự phá hủy tâm thức phương Tây bị từ ngoài buộc vào: vẫn dưới những hình thức hậu hiện đại, ở đây còn diễn ra song song quá trình thức tỉnh logic văn hóa riêng của phương Đông. Sự phá hủy cái của kẻ khác và sự thức tỉnh cái của mình – đó là hai mặt của cùng một quá trình. Hậu hiện đại, khi đập vỡ logic bên trong của văn hóa Tây phương, lẽ dĩ nhiên trở thành hình thức tạm thời cho lôgic tự nhiên của phương Đông, logic của nền văn hóa Nga non trẻ nhận lấy. Chúng ta thấy rằng chính ngay các nền văn hóa Đông phương không sợ hãi sự “giải kiến tạo hậu hiện đại”, bởi vì khác với văn hóa Tây phương, chúng vẫn đang là những nền văn hóa sống, vẫn còn giữ được sự Thống Nhất bề sâu của Ý Chí. Ở đây xảy ra một thứ nghịch lý hình thức: vào thời hậu hiện đại, sự phá hủy tính toàn vẹn, sự giải kiến tạo và sự phân mảnh của một nền văn hóa (Tây phương) lại cho phép tất cả các nền văn hóa còn lại trước đây từng bị nó chế áp cuối cùng có được tính toàn vẹn của mình, thoát được sự phân chia giả tạo ra thành các khu vực và mảng miếng, và chấp nhận hình thức cổ xưa của mình. Có thể nói về một chủ nghĩa hậu hiện đại đặc biệt của phương Đông mà nếu chưa phải đã được sinh ra thì là cũng đang sinh ra ngay trước mắt chúng ta. Cái khác biệt cơ bản của nó với dạng thức Tây phương là ở chỗ “nếu chủ nghĩa hậu hiện đại Tây phương chỉ đơn giản là trò chơi và sự vô nghĩa, thì chủ nghĩa hậu hiện đại Đông phương là logic ẩn giấu dưới mặt nạ trò chơi và sự vô nghĩa”. 

Để hiểu làm cách nào logic (một thứ logic đôi khi rất chặt chẽ và nghiêm ngặt) có thể ẩn giấu dưới mặt nạ của sự vô nghĩa, của trò chơi phi lý, cần lấy hiện tượng công án thiền làm thí dụ[6]. Công án – đó là cách dùng hình thức lời dạy để đưa ra phép tu tập trực tiếp của các thiền sư vĩ đại đời Đường, họ giúp cho các đệ tử của mình đốn ngộ trực tiếp, bỏ qua nhiều khâu trung gian[7]. Trong thiền – một sự tổng hợp của phật giáo và lão giáo, phép tu tập này chính là đóng vai trò của “chủ nghĩa hậu hiện đại đông phương”, trở thành vũ khí của giới tu hành tự nhiên phía nam Trung Hoa dùng để bẻ gãy học thuyết tín điều truyền từ Ấn Độ sang. Công án thiền rèn luyện phép tu tập này dưới dạng lời nói nhìn ngoài thì hoàn toàn giống như một trò chơi, một sự khờ khạo – toàn những lời đối đáp phi lý, những hành động bột phát vô nghĩa, những tiếng la hét, những cú đánh bằng gậy, v.v. – nhưng hóa ra đó lại là cách duy nhất chỉ ra được cái thực sự nghiêm túc. Logic của công án – đó là logic của cái phi lý, bẻ gãy những chuẩn mực quen thuộc của lẽ phải thông thường, phá tan tảng băng thâm căn cố đế của “lý tính phổ thông” để rồi sau đó, khi đã cân bằng được trên các mảnh vỡ này, nó sẽ khiến con người đốn ngộ.

Có thể so sánh logic của Dostoevsky, đúng hơn là logic của các tiểu thuyết của Dostoevsky, với logic của công án. Cả ở đây và ở kia đều là sự chất chồng những hành động, những đối đáp, những độc thoại nhìn ngoài là hợp lý, mỗi thứ đó lấy tách riêng ra thì dường như là logic và hợp lý, nhưng gom lại với nhau chúng tạo thành một hỗn hợp nổ hủy diệt toàn bộ. Chức năng của vụ nổ tinh thần này là vứt con người ra ngoài giới hạn của “lẽ phải thông thường” và “tư duy phổ thông”, “giật đổ ngọn tháp”, bẻ gãy chủ nghĩa thực chứng và chủ nghĩa duy vật mà Dostoevsky coi là những kẻ thù chí mạng của mình. Cả ở Dostoevsky, các thiền sư và vị linh mục Hồi giáo Nasreddin[8] đều diễn ra “tư duy giữa những dòng chữ”, bài tập logic phi lý, thứ logic vỡ ra chỉ ở những chỗ đứt gãy và hư hỏng của logic Tây phương. Ở đâu tính duy lý Tây phương bị gãy đổ và vỡ vụn, ở đâu nó tỏ ra hao hụt và bất lực, ở đâu nó phải đánh nhau chí chết với chính mình, ở đó tư duy Đông phương có được những hình thức phù hợp nhất với nó. Đây là đang nói về một thứ “logic siêu lý” – logic dùng các diễn tiến có vẻ “hợp lý” bề ngoài chỉ như công cụ phụ trợ. Logic này là khó hiểu đối với con người Tây phương ‘quy phạm”, không biết “suy nghĩ giữa các tư tưởng”, hắn chỉ thấy là hoàn toàn phi lý và vô nghĩa – con người Đông phương thì thấy và cảm được logic đó. Khúc quanh khó lường của tư duy Đông phương giống như đường bay của trái banh quần do các cây vợt đánh lên (đóng vai trò các cây vợt ở đây là những luận chứng “duy lý” và các phương tiện của ngôn ngữ đời thường). Tư duy Tây phương bị giới hạn bởi cấp độ lý tính thực dụng không nhìn thấy gì ngoài những cây vợt vung lên trong không trung đó, còn tư duy Đông phương thì có khả năng nhìn thấy cả bản thân trái banh, cả những họa tiết nó vẽ lên trong không trung. 

Điều quan trọng phải hiểu là đây đang nói vềlogic. Ở đây chúng ta liên quan không phải với tính phi lý, không phải với sự vô lý, không phải với sự hỗn loạn và vô nghĩa (những cái mà nghệ thuật mang tính hậu hiện đại bề ngoài thường lấy làm tiêu khiển cho mình), mà là với logic nghiêm ngặt không kém logic Tây phương nhưng được xây dựng theo cách khác. Đơn giản đó là một thứ logic khác, vượt ra ngoài thứ lý tính tầm thường của phương Tây do Descartes vạch ra. Giống như trong khoa học logic ngoài logic học cổ điển của Aristotle còn có những hệ thống với bộ tiên đề khác (nơi nguyên lý loại trừ cái thứ ba, quy luật phủ định kép bị phá vỡ, nơi quy luật mâu thuẫn hiện ra hoàn toàn khác), thì trong lĩnh vực tinh thần, xét tổng thể, cũng có những tâm thức khác nhau với logic khác nhau vốn có của chúng. Lĩnh vực trong suốt, tự sáng rõ ở mỗi nền văn hóa được xây dựng theo cách của mình, với những quan hệ và quy luật bên trong của mình. Tính duy lý Descartes làm cơ sở cho cách nhìn thế giới của phương Tây chỉ là một trong những phương án có thể có. 

Để thực hành logic Đông phương vào thời Dostoevsky, khi phương Tây đang ở đỉnh cao, còn tâm thức Tây phương đang vững như bàn thạch, cần phải có những thiên tài sinh ra, giống như chính Dostoevsky, hoặc Rozanov (người cũng am hiểu “tư duy giữa các tư tưởng” và logic của cái phi lý). Hiện nay nhiệm vụ này đã thành đơn giản hết mức. Tâm thức Tây phương đã tự bẻ gãy mình và tan ra thành những mảng rời, biến thành patiche, thành hổ lốn. Và bây giờ logic tự nhiên của phương Đông, cái logic sống tự nhiên trong tâm hồn mỗi con người Đông phương, có thể kết hợp những mảng này lại theo cách của mình, dùng chúng như một mã số mà chỉ những người có cùng một kiểu tâm hồn mới hiểu được. 

Ý Chí Thống Nhất từng đứng đằng sau văn hóa Âu châu, điều khiển sự phát triển của nó, gắn nó thành chỉnh thể thống nhất, áp đặt logic của nó, hiện nay đã ra đi, và văn hóa Tây phương dường như bị bỏ hoang. Những phân mảnh của nó hiện nay bất lực trước phương Đông, bởi vì khác với phương Tây, phương Đông vẫn chưa tiêu hết Ý Chí của mình, vẫn chưa hoàn toàn truyền hết nó vào thế giới xung quanh. Các cặp đôi bản chất /hiện tượng, ký hiệu /nghĩa chưa rời bỏ các nền văn hóa của phương Đông, và hiện giờ chúng ta có thể đặt Ý Nghĩa của mình, Bản Chất của mình, Ý Chí của mình lên trên những phân mảnh đã bị mất đi tải trọng ý nghĩa của nền văn hóa khác. 

Đó không đơn giản là cách vô hiệu hóa và thực lợi hóa tâm thức Tây phương đang rệu rã, mà đó còn là con đường bành trướng. Vấn đề là nhìn từ góc độ của chính hậu hiện đại, thứ logic Đông phương vô ngôn, khó diễn đạt bằng các thuật ngữ lý tính Tây phương, là ẩn khuất, khó thấy. Thao tác “giải kiến tạo ý nghĩa” mà nghệ thuật hậu hiện đại đang làm, có khả năng làm nổi chỉ với lý tính Tây phương. Logic Đông phương dễ dàng đi qua cái rây này. Về nguyên tắc, có thể đem logic Đông phương ẩn kín này đổ đầy vào các sản phẩm hậu hiện đại của văn hóa đại chúng bề ngoài không khác gì phương Tây rồi xuất chúng sang thị trường Tây phương. Con người Tây phương gần như đã mất đi tâm thức tự nhiên của mình, khi tiêu thụ các sản phẩm của hậu hiện đại Đông phương, sẽ hấp thụ vào mình logic Đông phương có sẵn trong đó, sẽ dần dần tự cải tạo từ bên trong theo nếp Đông phương. Thế nghĩa là, chủ nghĩa hậu hiện đại Đông phương – đó còn là một hình thức cứu thế đặc biệt, đó là khả năng đặt vào tâm hồn con người Tây phương ý chí Đông phương, hướng hắn về phía người Nga, và do đó cứu vớt phần còn lại của nhân loại phía Tây thoát khỏi sự suy thoái tinh thần hoàn toàn. “Có thể hình dung một bệnh nhân tâm thần phân liệt thực sự, để tránh bị bắt nên phải khoác mặt nạ nhà hậu hiện đại. Sự giảo quyệt Đông phương có thể ngụy trang mình dưới chính mặt nạ “chủ nghĩa hậu hiện đại” như thế”. 

S. Kornev

Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga

Chú thích:

[1] Tiếp đây trong bài tôi đưa ra sự trình bày hậu hiện đại dưới góc nhìn logic học của chính phương Tây, tức là từ góc nhìn của siêu hình học Tây phương. Trong hoàn cảnh khác bài giảng này có thể là thừa, nhưng tôi thường gặp phải trường hợp là mặc dù từ ‘hậu hiện đại” đã đi vào tiếng Nga từ lâu, nhưng nhiều người có học hẳn hoi (đặc biệt những người thuộc phe truyền thống) lại có hình dung rất lạ lùng về hiện tượng này (thường là họ dựa trên kinh nghiệm làm quen với những biểu hiện của “chủ nghĩa hậu hiện đại” trong văn hóa đại chúng). Vì thế tôi xin phép giới thiệu một số nguồn tư liệu khái quát. Sự phân tích hậu hiện đại như một thời đại, trong tất cả các biểu hiện của nó, có thể xem: F. Jameson. Postmodernism or The Cultural Logics of Later Capitalism. Durham, 1991. Lý thuyết và phương pháp luận của chủ nghĩa hậu hiện đại: R. Harland. Superstructuralism. The Philosophy of Structuralism and Poststructuralism. N.Y., 1987. Tài liệu tốt nhất trong tiếng Nga là: И. Ильин.Постструктурализм. Деконструктивизм. Постмодернизм. М., 1996; он же.Постмодернизм. М., 1998.

[2] F. Jameson đã tóm tắt định nghĩa trong công trình nêu trên của ông

[3] Về sự khác nhau giữa pastiche và parody, xem công trình đã nêu của F. Jameson.

[4] Nội dung phần này gắn chặt với nội dung bài viết của tôi Восточный постмодернизм //“Русский журнал”. Tất cả những đoạn như trích dẫn trong phần này đều lấy từ đó.

[5] Xin nhắc lại một lần nữa rằng trong bài này “Phương Đông” là dùng để gọi tích hợp Phi-phương Tây, còn “con người Đông phương” là tên gọi tổng hợp để chỉ những đại diện của các nền văn hóa phi Tây phương. Và dù cố nhiên là mỗi nền văn hóa này có “logic Đông phương” riêng của mình, nhưng vẫn có một cái chung thống nhất chúng lại – cái đối lập chúng với phương Tây và tính duy lý Tây phương. Ngoài ra, cần lưu ý rằng trong bài này từ “phương Đông” và “Đông phương” thường được dùng như đồng nghĩa với các từ “Nga” và “tính nga”.

[6] Đề tài thiền và logic của cái phi lý đã được khảo sát kỹ trong bài của tôi Восточный постмодернизм: логика абсурда и “мышление между строк”, từ đó lấy ra đoạn này với một vài sửa chữa. Ngoài ra, sự đối chiếu mở rộng về chủ nghĩa hậu hiện đại và thiền tông có thể đọc trong một bài khác: С. Корнев. Столкновение пустот // “Новое Литературное Обозрение”. No. 28 (1997). (См. раздел “Пустота Пелевина и Пустота Фуко”)

[7] Генрих Дюмулен. История Дзэн-буддизма. Индия и Китай. СПб., 1994. С. 270.

[8] Có thể tìm thấy truyện ngụ ngôn về linh mục Hồi giáo Hodge Nasreddin trong sách Идрис Шах. Суфизм. М., 1994. С. 81-124.

0