25/04/2018, 17:41

Soạn bài Đại cáo bình Ngô – SBT Văn 10 tập 2: Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 7 SBT...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 7 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Trình bày những nét chính trong cuộc đời, con người Nguyễn Trãi có ảnh hưởng tới sự nghiệp văn học của ông. Soạn bài Đại cáo bình Ngô Phần một: TÁC GIẢ BÀI TẬP 1. Trình bày những nét chính trong cuộc đời, con người Nguyễn Trãi có ảnh ...

Giải câu 1, 2, 3, 4 trang 7 SBT Ngữ văn 10 tập 2. Trình bày những nét chính trong cuộc đời, con người Nguyễn Trãi có ảnh hưởng tới sự nghiệp văn học của ông. Soạn bài Đại cáo bình Ngô

Phần một: TÁC GIẢ

BÀI TẬP

1. Trình bày những nét chính trong cuộc đời, con người Nguyễn Trãi có ảnh hưởng tới sự nghiệp văn học của ông.

Trả lời:

Trên cơ sở kiến thức trong SGK kết hợp với một số tài liệu đọc thêm về Nguyễn Trãi, HS nêu lên những ảnh hưởng qua lại giữa cuộc đời, con người tác giả với sáng tác thơ văn :

– Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước và truyền thống văn hoá, văn học. Truyền thống yêu nước góp phần làm nên một Nguyễn Trãi – nhà ái quốc, người anh hùng vĩ đại – còn truyền thống văn hoá, văn học đã góp phần làm nên một Ức Trai nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.

– Nguyễn Trãi có cuộc đời anh hùng và bi kịch. Ông tham gia tích cực và góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn : dâng Bình Ngô sách với đường lối chiến lược là “tâm công” (đánh bằng lòng người, tức đánh bằng nhân nghĩa) ; giúp Lê Lợi bàn bạc việc quân, viết thư luận chiến với giặc, vào thành giặc làm con tin hoặc thuyết phục giặc ra hàng… Nguyễn Trãi còn tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, đặc biệt là sự nghiệp chấn hưng nền văn hoá dân tộc. Nguyễn Trãi là người chịu nhiều oan khiên thảm khốc : những mâu thuẫn trong nội bộ triều đình khiến ông bị nghi kị, rồi bắt giam và cuối cùng bị hãm hại, và “tru di tam tộc”.

Hai phương diện anh hùng và bi kịch đều được phản ánh trong thơ văn Nguyễn Trãi. Bên cạnh những vần thơ chứa chan tinh thần yêu nước và nhân nghĩa còn có cả những tác phẩm trữ tình thể hiện khía cạnh “con người” trong người anh hùng dân tộc. Bên cạnh những áng văn bừng bừng khí thế hào hùng với “sức mạnh của mười vạn quân” là những vần thơ chất chứa nỗi đau nhân tình. Bên cạnh “tiếng gươm khua” có cả “tiếng thơ kêu xé lòng”.

– Nguyễn Trãi là nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử. Ông là nhà tư tưởng, nhà chính trị lỗi lạc, nhà ngoại giao kiệt xuất, nhà quân sự tài năng. Nguyễn Trãi thông hiểu lịch sử, địa lí, văn học nghệ thuật… Sự uyên bác của Nguyễn Trãi trên nhiều lĩnh vực đã giúp cho sự nghiệp sáng tác văn chương của ông trở nên phong phú, đa dạng. Nguyễn Trãi sáng tác cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, cả thơ và văn xuôi, cả chính luận và trữ tình… Tác phẩm của Nguyễn Trãi không chỉ có giá trị văn học mà còn có giá trị văn hoá.

2. Ở Nguyễn Trãi có sự kết hợp hài hoà giữa người anh hùng vĩ đại và con người đời thường. Anh (chị) hãy phân tích một số nội dung thơ văn của Nguyễn Trãi để làm sáng tỏ nhận định trên.

Trả lời:

Bài làm cần nêu được hai ý sau :

a) Nguyễn Trãi là “người anh hùng vĩ đại”

Phẩm chất anh hùng ở Nguyễn Trãi được biểu hiện như sau :

– Hoà quyện giữa yêu nước, nhân nghĩa và anh hùng :

                                                   Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược

                                                   Có nhân, có trí, có anh hùng.

(Bảo kính cảnh giới – bài 5)

– Khi có ngoại xâm thì chống xâm lược, trong hoà bình thì xây dựng đất nước và chống gian thần vì công lí, vì nhân dân :

                                                   Chớ cậy sang mà ép nề

                                                   Lời chẳng phải, vẫn không nghe.

(Trần tình – bài 8)

– Tình cảm yêu nước thiết tha, mãnh liệt:

                                                  Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

                                                  Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Thuật hứng – bài 2)

– Tinh thần sống hết mình cho lí tưởng :

                                                   Những vì chúa thánh âu đời trị

                                                   Há kể thân nhàn tiếc tuổi tàn.

(Tự thán – bài 2)

b) Nguyễn Trãi là “con người đời thường”

Bên cạnh lí tưởng lớn lao của người anh hùng, ở Nguyễn Trãi lại có những tình cảm rất đời thường, rất con người.

– Thơ Nguyễn Trãi có những câu nói về tình cha con xiết bao cảm động:

                                                 Quân thân chưa báo lòng canh cánh,

                                                 Tình phụ cơm trời áo cha.

(Ngôn chí – bài 7)

Tình cha con ấy một mặt là đạo lí nho gia theo quan niệm “quân thần phụ tử”, mặt khác là đạo lí dân tộc, là tình cảm tự nhiên vốn có của con người:

                                                  Nuôi con mới biết lòng cha mẹ.

(Bảo kính cảnh giới – bài 8)

– Tình bạn ở Nguyễn Trãi là tình cảm cao đẹp. Thơ Ức Trai thường hay nói tới lòng bạn:

                                                 Lòng bạn trăng vằng vặc cao.

(Bảo kính cảnh giới – bài 40)

– Nguyễn Trãi mượn hình tượng cây chuối để thể hiện một cảm xúc sâu sắc, kín đáo nhưng không kém phần sôi nổi, rạo rực – cảm hứng về tuổi trẻ, tình yêu:

                                                 Tự bén hơi xuân tốt lại thêm

                                                 Đầy buồng lạ màu thâu đêm

                                                Tình thư một bức phong còn kín

                                                Gió nơi đâu gượng mở xem.

(Cây chuối)

Khía cạnh “con người” trong người anh hùng Nguyễn Trãi chính là vẻ đẹp nhân văn đã nâng người anh hùng dân tộc lên tầm cao nhân loại.

3. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi qua thơ viết về thiên nhiên.

Trả lời:

Bài tập yêu cầu từ thơ thiên nhiên mà thấy được vẻ đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi. Hay nói cách khác là phân tích thơ thiên nhiên của Ức Trai để thấy được vẻ đẹp tâm hồn tác giả. HS có thể cảm nhận từ những phương diện sau :

a) Tâm hồn yêu thiên nhiên qua sự cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên :

– Thiên nhiên với vẻ đẹp hoành tráng, kì vĩ trong ức Trai thi tập :

                                                           Kình ngạc băm vằm non mấy khúc

                                                           Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.

(Cửa biển Bạch Đằng– bản dịch)

– Thiên nhiên với vẻ đẹp tao nhã, bình dị trong Quốc âm thi tập :

                                                          Nước biếc non xanh thuyền gối bãi

                                                          Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu

(Bảo kính cảnh giới – bài 26)

                                                          Cây rợp chồi cành, chim kết

                                                          Ao quang mấu ấu cá nên bày

(Ngôn chí – bài 10)

b) Tâm hồn yêu quê hương, đất nước :

– Thiên nhiên gắn liền với địa danh đất nước trong Ức Trai thi tập : Côn Sơn (Côn Sơn ca), Bạch Đằng (Bạch Đằng hải khẩu), Dục Thuý (Dục Thuý sơn)…

– Thiên nhiên tao nhã hoặc bình dị, gần gũi, quen thuộc với đời sống nhân dân, dân tộc trong Quốc âm thi tập :

                                                         Tả lòng thanh mùi núc nác

                                                         Vun đất ải lảnh mùng tơi

(Ngôn chí – bài 9)

                                                         Một ao niềng niễng, mấy đòng đong

(Thuật hứng – bài 11)

c) Tâm hồn nhân hậu qua sự nâng niu, trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên, không làm tổn thương đến cảnh vật:

                                                         Nước còn nguyệt hiện xá thôi chèo

(Mạn thuật– bài 10)

                                                          Rừng tiếc chim về ngại phát cây

(Mạn thuật– bài 6)

                                                          Cò nằm hạc lặn nên bầu bạn

                                                          Ủ ấp cùng ta làm cái con

(Ngôn chí – bài 20)

4. Nêu vị trí của Nguyễn Trãi trong văn học trung đại Việt Nam.

Trả lời:

Nguyễn Trãi là một nhà văn, nhà thơ lớn kết tinh, mở đường cho sự phát triển của văn học.

– Sáng tác của Nguyễn Trãi là sự kết tinh thành tựu của văn học Lí – Trần : kết tinh nội dung yêu nước và nhân đạo, kết tinh thành tựu về thể loại và ngôn ngữ.

Nguyễn Trãi là người mở đường cho cả một giai đoạn phát triển mới của văn học. Ông là nhà văn chính luận kiệt xuất. Với Quân trung từ mệnh tập, Đại cáo bình Ngô, Nguyễn Trãi đưa văn chương chính luận lên đỉnh cao rực rỡ “vô tiền khoáng hậu” trong thời trung đại. Nguyễn Trãi là người khai sáng văn học tiếng Việt. Bắt đầu từ Nguyễn Trãi, với Quốc âm thi tập, văn học Việt Nam chính thức xuất hiện dòng văn học chữ Nôm song song tồn tại và phát triển cùng dòng văn học chữ Hán. Nguyễn Trãi là người “xây dựng một lối thơ Việt Nam”, đem đến cho văn học dân tộc một thể loại mới là thơ Nôm Đường luật.

Sachbaitap.com

0