Nguyễn Văn Hiệu
Dẫn nhập
Đến nay, hầu hết các phương diện quan trọng của mối quan hệ văn hóa, văn minh Đông – Tây trên hệ quy chiếu Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm.
Ở tầm vĩ mô, có thể thấy từ đầu TK XX, các nhà duy tân trong phong trào Đông Kinh nghĩa thục (1907) đã bước đầu khái quát về đặc điểm văn minh phương Đông trong so sánh với văn minh phương Tây và xác định xu hướng phát triển tất yếu của phương Đông là tranh thủ học theo văn minh phương Tây, vì qua mô hình này họ thấy được mối quan hệ giữa văn minh và dân trí, thấy được “phương pháp Âu Tây là đáng theo”, “học thuật Âu Tây là đáng chuộng” (Văn minh tân học sách) (1). Muộn hơn, từ đầu những năm 1920, Phạm Quỳnh đã bàn khá nhiều về đặc điểm văn hóa Đông – Tây, về đường hướng dung hợp, điều hòa hai nền văn hóa trước nhu cầu phát triển của văn hóa dân tộc. Trên cơ sở nhận diện nguyên lý tĩnh – động, âm – dương của hai nền văn minh Đông – Tây, Phạm Quỳnh còn nêu rõ trong cặp đối ngẫu Đông – Tây có sự vượt trội của phương Tây về phương diện trí tuệ vì khoa học phương Tây “đã sản sinh ra những kỳ tích” và phương Đông cần học theo, coi đó “như một phương tiện mạnh mẽ để có được tiến bộ và văn minh”(2).
Ở tầm vi mô, khó thể kể hết những nghiên cứu về ảnh hưởng của phương Tây đến Việt Nam trên các bình diện cụ thể, từ các lĩnh vực như văn học nghệ thuật, kiến trúc, triết học, ngôn ngữ và ngôn ngữ học đến lối sống, tính cách…
Tuy vậy, nghiên cứu ảnh hưởng của phương Tây đối với Việt Nam từ những so sánh trong nội bộ của nền văn hóa Việt Nam để góp phần nhận diện những đặc điểm có tính quy luật của mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh cũng như sự tác động của phương Tây đối với văn hóa Việt Nam trong lịch sử cũng như trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay vẫn chưa được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm.
Nhằm hướng vào yêu cầu khá cơ bản đó, chúng tôi chọn hướng tiếp cận từ so sánh nội văn hóa, trường hợp Nguyễn Khuyến (1835-1909) và Trương Vĩnh Ký (1937-1898).
Cơ sở tiếp cận
So sánh nội văn hóa là cách tiếp cận so sánh các hiện tượng trong nội bộ một nền văn hóa, hoặc rộng hơn, có thể so sánh các hiện tượng trong các nền văn hóa khác nhau nhưng nằm trong “một vùng văn hóa gần giống nhau về hình thái xã hội và ý thức hệ cùng con đường phát triển của chúng”(3), qua đó có thể nhận diện những tương đồng và khác biệt, chủ yếu là nhận diện ra những khác biệt, xuất phát từ tính thống nhất trong đa dạng của một nền văn hóa hoặc một vùng văn hóa trong quá trình phát triển của nó. Điều này cũng rất có ý nghĩa khi kết hợp với hướng tiếp cận văn minh nhằm nhận diện, phát hiện ra những đặc điểm có tính quy luật trong tiếp xúc và tiếp biến giữa các nền văn hóa, văn minh cũng như những dấu ấn của các phong cách mang tính thời đại trong một nền văn hóa.
Trong so sánh nội văn hóa, có thể xem xét các hiện tượng từ phương diện diện lịch đại hoặc đồng đại, hoặc kết hợp cả hai. Mỗi cách tiếp cận hướng đến những mục đích cơ bản khác nhau. Với Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký, chúng tôi chủ yếu so sánh từ phương diện đồng đại, trong đó đặc biệt chú ý đến sự tác động của giao lưu và tiếp biến văn hóa, đến mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh trong quá trình vận động, phát triển của một nền văn hóa.
Hai phong cách, hai thời đại
Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký là hai người cùng thời, chỉ chênh nhau hai tuổi, cùng sống chung trong một nền văn hóa, có chung cội nguồn. Trương Vĩnh Ký còn mất trước Nguyễn Khuyến hơn mười năm. Nhưng chỉ bằng cảm nhận bình thường, có thể thấy đây là hai người như sống trong hai thời đại khác nhau.
Không phải ngẫu nhiên khi nghiên cứu Nguyễn Khuyến, từ góc độ văn chương hay văn hóa, các nhà nghiên cứu đều xếp ông vào thời trung đại, vào phạm trù văn hóa truyền thống, dù luôn có những cố gắng để nhận diện những nét riêng, những đóng góp mới của Nguyễn Khuyến so với nhiều người đương thời. Nguyễn Khuyến về cơ bản vẫn là “một thi tài nhiều vẻ và dấu hiệu chuyển mình sang hiện đại của thơ ca dân tộc”(4) chứ chưa phải là con người của một thời đại khác – một thời đại mới.
Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký luôn được các thế hệ về sau xem ông là người cùng thời, là người của thời hiện đại với nhiều nét gần gũi về tư duy, cảm xúc và nói chung là về phong cách. Đào Duy Anh xem Trương Vĩnh Ký là “người đầu tiên có công khiến văn học ta thành sinh diện mới”(5). Dấu hiệu để Đào Duy Anh đánh giá Trương Vĩnh Ký như trên là Trương Vĩnh Ký từ rất sớm ở Nam Bộ “đã dùng chữ quốc ngữ để chuyển tả những văn nôm hay, rồi lại dùng Việt ngữ để phiên dịch sách Tàu, sách Tây, và trứ thuật các sách đời xưa, phép lịch sự Annam, cờ bạc nha phiến, bằng một lối văn rất giản dị”(6). Vũ Ngọc Phan xếp Trương Vĩnh Ký vào nhóm “các nhà văn đi tiên phong” và là người đầu tiên, cũng là người duy nhất được viết với tư cách là một tác gia của nhóm “những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ”(7).
Sự khác biệt giữa Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký không chỉ ở một người thì trước tác bằng chữ hán, chữ nôm, người kia chủ yếu bằng chữ quốc ngữ, dù việc sử dụng chữ quốc ngữ, như nhiều nhà nghiên cứu xác định, là một trong những dấu hiệu của văn chương hiện đại. So sánh sự khác biệt của hai ông cũng không phải chỉ dừng lại ở các bình diện cụ thể mà cần nhìn sâu hơn vào tổng thể có tính hệ thống, xuất phát từ nền tảng cơ bản nhất. Đó là sự khác nhau giữa hai loại hình trí thức thuộc hai thời đại khác nhau.
Nguyễn Khuyến sống trong giai đoạn giao thời, nhưng cơ bản ông vẫn là con người của thời đại cũ, một nhà nho, một nhà cựu học. Nguyễn Khuyến có quan tâm, thậm chí là day dứt với những biểu hiện suy thoái của nhân tình thế thái trong buổi nhiễu nhương, nhưng đó là mối quan tâm, day dứt của con người có đạo đức quan truyền thống trước những giá trị truyền thống có nguy cơ bị xói mòn. Về phương diện nhận thức, đúng như Trần Đình Sử nhận định, “Nguyễn Khuyến chưa thể có quan niệm rành rọt về con người xã hội. Ông chỉ có thể hình dung một con người đứng trong trời đất như các nhà nho, phân biệt người làm theo chuẩn mực và người bất cập chuẩn mực”(8). Nguyễn Khuyến cũng không cảm nhận được một sự tồn tại của một nền văn minh mới cũng như sức tác động của nó đối với đường hướng phát triển của xã hội trong buổi giao thời – điều mà các nhà nho duy tân cổ súy khi Nguyễn Khuyến vẫn còn tại thế. Về mặt sáng tác, quả là Nguyễn Khuyến có đem lại những những điều mới mẻ so với sáng tác truyền thống về thể tài, về bút pháp, nhưng thi pháp của Nguyễn Khuyến vẫn nằm trong hệ thống thi pháp trung đại.
Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký thuộc lớp người mới, có nền tảng cựu học nhưng nổi bật vẫn là “nhà tân học” theo cách gọi của Đào Duy Anh (9), hay là “nhà học giả đã thâu thái được học thuật Âu Tây trong hồi người Pháp mới đến nước Nam” theo đánh giá của Vũ Ngọc Phan (10). Đúng là điểm nổi bật ở Trương Vĩnh Ký là tư cách học giả của ông. Ngoài tri thức uyên bác về cựu học lẫn tân học, Trương Vĩnh Ký còn nổi bật ở phong cách làm việc khoa học, dấu hiệu đặc trưng của trí thức hiện đại, sản phẩm của nền văn minh mới. Viết về Trương Vĩnh Ký, Vũ Ngọc Phan đặc biệt ca ngợi cách làm việc của “một nhà bác học có óc tổ chức và có phương pháp”(11), còn Lê Thanh, ngay từ khá sớm, đã nhấn mạnh đến ý thức “học lấy cái văn minh của người Pháp” và “truyền bá cái học Âu Tây” của Trương Vĩnh Ký (12). Quả vậy, chỉ riêng việc chú trọng đến việc truyền bá chữ quốc ngữ và lấy chữ quốc ngữ để làm lợi khí văn hóa hướng đến lớp người đọc bình dân cùng nỗ lực muốn biến “chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì sự lợi ích và tiến hóa” như ông viết trong lời mở đầu bộ Syllabaire quốc ngữ (1876) (13) cũng cho thấy ý thức của Trương Vĩnh Ký về tiến hóa, về sự phát triển của văn hóa dân tộc trong bối cảnh tiếp xúc văn hóa Việt – Pháp, văn hóa Đông – Tây. Trương Vĩnh Ký một mặt muốn bắc nhịp cầu giữa truyền thống và hiện đại khi ra sức dịch sách kinh điển Trung Hoa (Tứ thư), phiên âm truyện nôm ra chữ quốc ngữ và viết văn quốc ngữ phản ánh nhiều mặt sinh hoạt của đời sống xã hội hiện đại; mặt khác, ông muốn bắc nhịp cầu, theo quan điểm của ông, giữa văn hóa Pháp và văn hóa Việt để hai nền văn hóa hiểu nhau hơn bằng cách dịch nhiều tác phẩm Việt Nam ra tiếng Pháp (trong đó có Truyện Kiều) và biên soạn sách học tiếng Pháp cho người Nam. Về phương diện này, Đỗ Lai Thúy có lý khi xem Trương Vĩnh Ký là “người mở đầu cho cuộc trò chuyện Đông Tây”, “là người đầu tiên tiếp xúc có tiếp biến” vớivăn hóa phương Tây (14). Cho dù cuộc đời của Trương Vĩnh Ký đến nay còn nhiều điều chưa thật được sáng tỏ, nhất là về phương diện tư tưởng chính trị, nhưng về loại hình trí thức, về phong cách, quan niệm, rõ ràng Trương Vĩnh Ký là con người của thời hiện đại, khác về chất so với loại hình trí thức thời trung đại mà Nguyễn Khuyến là một trong những người đại diện tiêu biểu.
Cơ sở của sự khác biệt
Nguồn gốc của sự khác biệt giữa Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký, cũng như giữa một số trí thức như Huỳnh Tịnh Của, Trương Minh Ký với nhiều nhà nho đương thời trước hết ở bình diện tiếp xúc và tiếp biến văn hóa.
Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký là hai người cùng thời nhưng sống trong hai bối cảnh văn hóa – lịch sử khác nhau. Nguyễn Khuyến xuất thân từ một gia đình khoa bảng nho học truyền thống. Bản thân Nguyễn Khuyến là một nhà đại khoa bảng (Tam nguyên) nhưng cơ bản hơn cả là ông không có điều kiện để tiếp xúc những luồng gió mới, học thuật mới. Cuộc đời ông gắn chặt với chốn quan trường và sau đó là với vùng quê Bắc Bộ trong bối cảnh của một xã hội bán thuộc địa. Trong khi đó, Trương Vĩnh Ký vừa không có gốc rễ sâu xa của một gia đình có truyền thống nho học, lại trưởng thành trong bối cảnh Nam Kỳ thuộc địa, nơi ông có điều kiện tiếp xúc và chứng kiến nhiều biểu hiện của văn minh, văn hóa phương Tây. Ông còn là người được đào luyện trong môi trường Thiên Chúa giáo, được nhiều lần đi nước ngoài và nhận ra sức mạnh của tri thức khoa học, của văn minh tiến hóa. Căn bản tri thức của Trương Vĩnh Ký vẫn là Tây học, là phương pháp khoa học hơn là gắn với đạo học minh triết Á Đông, dù sở học văn hóa truyền thống của ông cũng rất căn cơ. Ông cũng là người có nhiều nỗ lực trong việc bước đầu vạch ra đường hướng của sự dung hòa văn hóa Đông Tây với phương pháp làm việc nghiêm túc của một học giả thực thụ. Tất cả những điều trên đã đưa đến một hình ảnh, một phong cách của một trí thức mới có tính mở đầu cho loại hình trí thức hiện đại ở Việt Nam.
Một vài nhận định
So sánh văn hóa, dù là so sánh nội văn hóa, không nhằm hướng đến sự phân định hơn thua mà là hướng đến việc nhận diện những đặc điểm có tính quy luật trong quá trình phát triển của một nền văn hóa.
Chúng tôi cũng không nhằm so sánh Nguyễn Khuyến và Trương Vĩnh Ký trên các bình diện cụ thể, vì cả Nguyễn Khuyến lẫn Trương Vĩnh Ký đều đã được nghiên cứu khá nhiều. Đặt hai ông cạnh nhau với một vài điểm nổi bật về phong cách, về loại hình trí thức, chúng tôi muốn nhằm khẳng định một số điểm cơ bản sau.
Thứ nhất, trong quá trình phát triển lịch sử của nhân loại, rõ ràng đã có những đặc điểm gần như mang tính loại hình của hai nền văn hóa Đông – Tây, trong đó nổi bật lên hai phong cách văn hóa có nhiều điểm khác biệt: văn hóa thiên về đạo học của phương Đông và văn hóa thiên về khoa học của phương Tây, ít ra là xét đến ngày nay. Sự tiếp xúc của hai loại hình văn hóa này đánh dấu sự chuyển biến mới của lịch sử văn hóa nhân loại, tác động mạnh mẽ đến mỗi nền văn hóa, trước hết là các nền văn hóa phương Đông mà Việt Nam là một trong những trường hợp tiêu biểu.
Thứ hai, trong nghiên cứu văn hóa, cần chú ý đến mối quan hệ giữa văn hóa và văn minh, đến cách tiếp cận văn hóa từ văn minh, từ sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của văn minh, của khoa học kỹ thuật, mà biểu hiện ở chiều sâu của nó là những hoạt động sáng tạo, là cách thức tư duy, phương pháp, tác động sâu sắc đến việc hình thành nên nhiều đặc điểm, diện mạo mới của một nền văn hóa.
Thứ ba, nghiên cứu văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Nam Bộ Việt Nam nói riêng, cần đặc biệt chú ý đến bước chuyển biến về chất trong quá trình tiếp xúc với văn minh, văn hóa phương Tây, trong đó văn hóa Nam Bộ có những đóng góp có tính mở đầu cho quá trình hiện đại hóa văn hóa dân tộc trên nhiều bình diện.
Thứ tư, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khoa học kỹ thuật công nghệ của phương Tây vẫn có sức mạnh to lớn. Việc học tập có định hướng trên nền tảng văn hóa dân tộc sẽ có ý nghĩa không nhỏ đối với sự phát triển của văn hóa dân tộc theo hương truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế.
_______________
1. Chương Thâu, Đông Kinh nghĩa thục và phong trào cải cách văn hóa đầu thế kỷ XX, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1997, tr.132, 133.
2. Phạm Quỳnh, Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp trong thời gian 1922-1932, Nxb Tri thức và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2007, tr.244.
3. Phương Lựu, Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, Nxb Văn học và Trung tâm văn hóa Đông Tây, Hà Nội, 2002, tr.55.
4, 8. Nguyễn Huệ Chi (cb), Thi hào Nguyễn Khuyến đời và thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1994, tr.25, 144.
5, 6, 9. Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2000, tr.333, 334, 327.
7, 10, 11. Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại, Nxb Khai trí, Hà Nội, 1960, tr.35, 37, 45.
12. Lê Thanh, Nghiên cứu và phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2002, tr.241.
13. Bằng Giang, Văn học quốc ngữ ở Nam Kỳ (1865-1930), Nxb Trẻ, TP.HCM, 1992, tr.130.
14. Đỗ Lai Thúy, Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 329, tháng 11-2011