18/06/2018, 16:23

GS Nguyễn Ngọc Lanh nhận giải Nghiên cứu của Quỹ Văn hoá Phan Châu Trinh

Các tân chủ nhân Giải Phan Châu Trinh (từ phải qua): Nguyễn Ngọc Lanh, Đào Hữu Dũng, Pierre Darriulat, Jason Picard (đại diện GS Peter Zinoman), và nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: L.Điền /tuoitre.vn) Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần IX – 2016 vừa trao bốn hạng mục giải năm nay tại lễ ...

2-tap-the-1458826604

Các tân chủ nhân Giải Phan Châu Trinh (từ phải qua): Nguyễn Ngọc Lanh, Đào Hữu Dũng, Pierre Darriulat, Jason Picard (đại diện GS Peter Zinoman), và nhà văn Nguyên Ngọc. Ảnh: L.Điền /tuoitre.vn)

Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh lần IX – 2016 vừa trao bốn hạng mục giải năm nay tại lễ trao giải được tổ chức trang trọng vào đêm 24-3 tại TPHCM.

Giải Nghiên cứu năm nay thuộc về nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Lanh vì những công trình nghiên cứu độc đáo trong một số lĩnh vực Lịch sử và Văn hóa Việt Nam.

Các bài nghiên cứu về lịch sử của GS được tăng tải bởi nghiencuulichsu.com

Đánh giá của Nhà văn, Nhà văn hóa Nguyên Ngọc (Chủ tịch Hội Đồng Khoa Học
Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh):

“Người nhận giải Nghiên cứu năm nay là một nhân vật ‘’lạ’’. Ông là giáo sư tiến sĩ y học Nguyễn Ngọc Lanh, nguyên giảng viên trường đại học Y Hà Nội, năm nay đã ngoài 80. Ông quan tâm đến lịch sử, đọc rất nhiều, rất kỹ, Đông Tây kim cổ, chăm chú tìm hiểu, tìm hiểu lại, nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, những nhân vật lịch sử, xa có, đến Đinh Tiên Hoàng với 12 sứ quân; gần có, như trong loạt bài mà ông đặt tên là ‘’Từ Nguyễn Trường Tộ … (qua Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh …) đến bộ ngũ’’ – ta thường nghe nói tới bộ tứ nổi tiếng khoảng đầu thế kỷ XX ‘’Quỳnh – Vĩnh – Tốn – Tố’’, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố, bốn trí thức lớn từ Nho học chuyển sang Tây học lừng danh môt thời; nay ông thêm Phan Khôi, thành ‘’bộ ngũ’, Quỳnh-Vĩnh-Tốn-Tố-Khôi. Nghĩ lại cái thêm của ông quả là xác đáng, bởi chủ tâm của ông không phải là chăm vào các diện mạo chính trị, mà muốn theo rõi các chân dung văn hóa nổi bật để từ đó lần ra theo cách riêng của ông sợi dây chuyển động xã hội đang trên đường hiện đại hóa …  Đối với mỗi khuôn mặt như vậy, ông cố gắng xác định vị trí của họ trên con đường dài kia, đặc biệt cố gắng trả lại cho họ diện mạo thật, một cách công bằng nhất có thể (nên có lúc ông có những so sánh mạnh dạn đến bất ngờ, chẳng hạn so sánh hành trình của hai nhân vật Phạm Quỳnh và … Nguyễn Ái Quốc …). Ông tập trung nhiều một cách đúng đắn vào Phan Châu Trinh, và không ít lần có một số nhận định có tính phát hiện, chẳng hạn ông cho rằng Phan Châu Trinh là người, duy nhất thời bấy giờ, phân biệt được ‘’giặc Pháp cướp nước’’ với ‘’thực dân Pháp’’, từ đó mới có thể có chủ trương ‘’Ỷ Pháp cầu tiến bộ’’ trong đường lối duy tân của Phan Châu Trinh …

Nguyễn Ngọc Lanh còn có một loạt bài độc đáo, có tên ‘’Việt gian bán nước trong lịch sử’’, trong đó, bằng những tư liệu và phân tích công phu, chặt chẽ, ông bác bỏ một cách thuyết phục một số đánh giá không công bằng đối với nhiều nhân vật lịch sử …

Bác sĩ y khoa Nguyễn Ngọc Lanh, ở tuổi ngoại 80, tự coi mình là một người nghiên cứu nghiệp dư, nhưng có thể nhận ra ở ông hai điều thoạt như trái ngược mà lại thống nhất và hợp lý: một tầm trí thức uyên bác được tích lũy lâu dài, và một đầu óc tò mò khoa học và một phong cách tư duy rất trẻ trung. Xin chúc ông thật nhiều sức khỏe, và có nhiều công trình mới đặc sắc.”

(Trích diễn văn bế mạc)

Bên cạnh nội dung trao Giải thưởng ở các hạng mục, Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh năm nay cũng chính thức tôn vinh vị danh nhân văn hóa là nhân vật tiếp theo được rước vào Dự án Tinh hoa Văn hóa Việt Nam thời hiện đại, chính là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà chính trị Việt Nam đầu thế kỷ 20: Danh nhân văn hóa Nguyễn Văn Vĩnh.

(ncls Tổng hợp)

0