Quy hoạch phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới
– Để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần có quy hoạch đồng bộ, hình thành các khu dân cư đô thị hóa, xây dựng các xã, làng, thôn, ấp, bản, gắn chặt phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. – Xây dựng kết cấu hạ tầng ...
– Để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần có quy hoạch đồng bộ, hình thành các khu dân cư đô thị hóa, xây dựng các xã, làng, thôn, ấp,
bản, gắn chặt phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường.
– Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ở nông thôn bao gồm: hệ thống đường sá, hệ thống thông tin, hệ thống thủy lợi, trạm biến thế, đường dây, các trạm giống; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, câu lạc bộ v.v.. Đó là những điều kiện cần thiết để xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng cuộc sống ấm no, văn minh, môi trường lành mạnh ở nông thôn.
-Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là cơ sở hình thành quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn phải phù hợp với tính chất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất cũng như đặc điểm riêng của nông nghiệp, nông thôn ở từng vùng khác nhau. Vì vậy, xây dựng quan hệ sản xuất mới trong nông nghiệp, nông thôn không thể nóng vội, duy ý chí, cũng không thể rập khuôn máy móc.
Do đặc điểm của nông nghiệp, nông thôn nước ta hiện nay trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần của khu vực này có mặt chủ yếu của các thành phần sau:
– Kinh tế tư nhân mà chủ yếu là kinh tế cá thể, tiểu chủ và hoạt động phổ biến dưới hình thức kinh tế hộ gia đình.
Đó là hình thức kinh tế phổ biến ở nông thôn trong các làng nghề, trong các hoạt động dịch vụ và trong sản xuất nông nghiệp. Trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, do lực lượng sản xuất còn thấp kém, kinh tế hộ nông dân có vai trò to lớn trong việc khai thác các tiềm năng đất đai, vốn, sức lao động, kinh nghiệm sản xuất của dân cư… Do đó, kinh tế hộ nông dân có vai trò to lớn trong việc phát triển lực lượng sản xuất và tồn tại lâu dài trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế hộ, kinh tế trang trại phát triển sản xuất hàng hoá với quy mô ngày càng lớn.
– Kinh tế nhà nước.
Kinh tế nhà nước trong khu vực nông nghiệp, nông thôn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dưới các hình thức: công ty bảo vệ thực vật; công ty giống cây trồng, vật nuôi; công ty thủy lợi, các trạm cấp điện, công ty thương mại… là rất cần thiết đối với nông nghiệp, nông thôn. Hơn nữa, đây là những vị trí then chốt trong kinh tế nông nghiệp, nông thôn, do đó, nếu kinh tế nhà nước nắm giữ những vị trí này sẽ giữ vai trò chủ đạo, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn lên chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, phát triển kinh tế nhà nước ở nông nghiệp, nông thôn là hết sức cần thiết nhưng cũng cần cân nhắc trong từng khâu, từng lĩnh vực cụ thể.
-Kinh tế tập thể với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là hợp tác xã, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các thành phần kinh tế.
Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể, đồng thời coi trọng lợi ích xã hội của các thành viên, góp phần xoá đói, giảm nghèo, tiến lên làm giàu cho các thành viên, phát triển cộng đồng.
Hoạt động của kinh tế tập thể theo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn phải trên cơ sở bảo đảm quyền tự chủ của kinh tế hộ, trang trại, hỗ trợ đắc lực cho kinh tế hộ, trang trại phát triển, gắn với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.