11/05/2018, 14:42

Các công cụ điều tiết vĩ mô của nhà nước xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật là một công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước , nó tạo ra khuôn khổ pháp luật cho các chủ thể kinh tế hoạt động, phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống ...

Hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật là một công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước, nó tạo ra khuôn khổ pháp luật cho các chủ thể kinh tế hoạt động,
phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật bao trùm mọi hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm những điều luật cơ bản về hoạt động của các doanh nghiệp (Luật Doanh nghiệp), về hợp đồng kinh tế, về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo vệ môi trường, v.v.. Các luật đó điều chỉnh hành vi của các chủ thể kinh tế, buộc các doanh nghiệp phải chấp nhận sự điều tiết của Nhà nước.

– Kế hoạch hoá. Cơ chế vận hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là  kế hoạch kết hợp với thị trường. Kế hoạch và thị trường là hai công cụ quản lý của Nhà nước, chúng được kết hợp chặt chẽ với nhau. Sự điều tiết của thị trường là cơ sở phân phối các nguồn lực, còn kế hoạch khắc phục tính tự phát của thị trường, làm cho nền kinh tế phát triển theo định hướng của kế hoạch. Kế hoạch nói ở đây được hoạch định trên cơ sở thị trường, bao quát tất cả các thành phần kinh tế, tất cả các quan hệ kinh tế, kể cả quan hệ thị trường.

– Lực lượng kinh tế của Nhà nước. Nhà nước quản lý nền kinh tế không chỉ bằng các công cụ pháp luật, kế hoạch hoá, mà còn bằng lực lượng kinh tế của Nhà nước và tập thể để chúng dần dần trở thành nền tảng của nền kinh tế, hỗ trợ các thành phần kinh tế khác phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nhờ đó Nhà nước có sức mạnh vật chất để điều tiết, hướng dẫn nền kinh tế theo mục tiêu kinh tế – xã hội do kế hoạch đặt ra.

– Chính sách tài chính và tiền tệ. Đối với nền kinh tế thị trường, Nhà nước quản lý bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu. Những biện pháp kinh tế điều tiết vĩ mô của Nhà nước chủ yếu là chính sách tài chính và chính sách tiền tệ.

Chính sách tài chính, đặc biệt là ngân sách nhà nước có ảnh hưởng quyết định đến sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế và xã hội. Thông qua việc hình thành và sử dụng ngân sách nhà nước, Nhà nước điều chỉnh phân bố các nguồn lực kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm công bằng trong phân phối và thực hiện các chức năng của mình. Nội dung của ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu và các khoản chi. Bộ phận chủ yếu của các khoản thu là thuế. Chính sách thuế đúng đắn không chỉ tạo nguồn thu cho ngân sách, mà còn khuyến khích sản xuất, điều tiết tiêu dùng.

Chính sách tiền tệ. Là một công cụ quản lý vĩ mô trọng yếu, vai trò của nó trong điều tiết kinh tế vĩ mô ngày càng tăng cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính sách tiền tệ phải khống chế được lượng tiền phát hành và tổng quy mô cho tín dụng. Trong chính sách tiền tệ, lãi suất là công cụ quan trọng, là phương tiện điều tiết cung, cầu tiền tệ. Việc thắt chặt hay nới lỏng cung ứng tiền tệ, kìm chế lạm phát thông qua hoạt động của hệ thống ngân hàng sẽ tác động trực tiếp đến nền kinh tế.

– Các công cụ điều tiết kinh tế đối ngoại.

Để mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, Nhà nước sử dụng nhiều công cụ, trong đó chủ yếu là thuế xuất – nhập khẩu, bảo đảm tín dụng xuất khẩu, trợ cấp xuất khẩu. Thông qua các công cụ đó, Nhà nước có thể khuyến khích xuất khẩu, bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hoá của nước ta; giữ vững được độc lập, chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia trong quan hệ kinh tế quốc tế.

Trên đây là các công cụ mà Nhà nước Việt Nam sử dụng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Chúng ta sẽ đi sâu nghiên cứu một số công cụ chủ yếu ở các chương tiếp sau.

0