phát triển kinh tế là gì | phat trien kinh te la gi ?
Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự hoàn thiện cơ cấu, thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm công bằng xã hội. Muốn phát triển kinh tế trước hết phải có sự tăng trưởng kinh tế . Nhưng không phải sự tăng trưởng kinh tế nào cũng dẫn tới phát ...
Phát triển kinh tế là sự tăng trưởng kinh tế gắn liền với sự hoàn thiện cơ cấu, thể chế kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo đảm công bằng xã hội.
Muốn phát triển kinh tế trước hết phải có sự tăng trưởng kinh tế. Nhưng không phải sự tăng trưởng kinh tế nào cũng dẫn tới phát triển kinh tế. Phát triển kinh tế đòi hỏi phải thực hiện được ba nội dung cơ bản sau:
– Sự tăng lên của tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tổng sản phẩm quốc dân (GNP) và tổng sản phẩm quốc dân tính theo đầu người. Nội dung này phản ánh mức độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia trong một thời kỳ nhất định.
– Sự biến đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, thể hiện ở tỷ trọng của các ngành dịch vụ và công nghiệp trong tổng sản phẩm quốc dân tăng lên, còn tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm xuống. Nội dung này phản ánh chất lượng tăng trưởng, trình độ kỹ thuật của nền sản xuất để có thể bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế bền vững.
– Mức độ thoả mãn các nhu cầu cơ bản của xã hội thể hiện bằng sự tăng lên của thu nhập thực tế, chất lượng giáo dục, y tế… mà mỗi người dân được hưởng. Nội dung này phản ánh mặt công bằng xã hội của sự tăng trưởng kinh tế.
Với những nội dung trên, phát triển kinh tế bao hàm các yêu cầu cụ thể là:
+ Mức tăng trưởng kinh tế phải lớn hơn mức tăng dân số.
+ Sự tăng trưởng kinh tế phải dựa trên cơ cấu kinh tế hợp lý, tiến bộ để bảo đảm tăng trưởng bền vững.
+ Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội ngang nhau trong đóng góp và hưởng thụ kết quả của tăng trưởng kinh tế.
+ Chất lượng sản phẩm ngày càng cao, phù hợp với sự biến đổi nhu cầu của con người và xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái.
Như vậy, phát triển kinh tế có nội dung và ý nghĩa khá toàn diện, là mục tiêu và ước vọng của các dân tộc trong mọi thời đại. Phát triển kinh tế bao hàm trong nó mối quan hệ biện chứng giữa tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Tăng trưởng và phát triển kinh tế là điều kiện tiên quyết và cơ bản để giải quyết công bằng xã hội. Công bằng xã hội vừa là mục tiêu phấn đấu của nhân loại, vừa là động lực quan trọng của sự phát triển. Mức độ công bằng xã hội càng cao thì trình độ phát triển, trình độ văn minh của xã hội càng có cơ sở bền vững.