18/06/2018, 12:13

Quảng Ninh - Chợ cửa khẩu Móng Cái

Chợ cửa khẩu Móng Cái Thị xã Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 178 km, cách Hà Nội 350 km, ở vị trí địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, nơi có chợ cửa khẩu Móng Cái. Chợ có ba khu gọi là chợ Móng Cái 1, chợ Móng Cái 2 và chợ Móng Cái 3, đều nằm ở ...

Chợ cửa khẩu Móng Cái
Chợ cửa khẩu Móng Cái

Thị xã Móng Cái thuộc tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 178 km, cách Hà Nội 350 km, ở vị trí địa đầu phía Đông Bắc Việt Nam, nơi có chợ cửa khẩu Móng Cái. Chợ có ba khu gọi là chợ Móng Cái 1, chợ Móng Cái 2 và chợ Móng Cái 3, đều nằm ở phường Hoà Lạc, cách cửa khẩu Bắc Luân 1 km. Ở đây có hàng nghìn hộ kinh doanh tư nhân và Nhà nước. Chủ hộ kinh doanh ở chợ phần lớn là người Việt và người Hoa, hầu hết đều nói được cả hai thứ tiếng.

Hàng hoá bày bán ở trong chợ và trao đổi qua biên giới khá phong phú. Hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam chủ yếu là vải, quần áo may sẵn, chăn màn, giầy dép, các đồ điện tử cao cấp, đồ chơi trẻ em, bánh kẹo, hoa quả như táo, cam, lê, nho khô... Hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là cao su sơ chế, hải sản tươi sống, tôm cá đông lạnh, nông sản thực phẩm như chè, cà phê, lạc vừng, đậu... Ở trong chợ nổi lên là các sạp hàng vải, bánh kẹo Trung Quốc. Đặc biệt là các quầy thuốc Bắc, các thầy lang người Trung Quốc vừa bắt mạch vừa kê đơn bốc thuốc tạo nên nét riêng độc đáo ở chợ cửa khẩu Móng Cái.

 
Chợ cửa khẩu Móng Cái không chỉ là trung tâm thương mại, là nơi mua bán trao đổi hàng hoá mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hoá, gắn bó tình cảm giữa nhân dân địa phương hai nước.

Thị xã Móng Cái nằm bên bờ sông Ka Long xinh đẹp, có cửa khẩu quốc tế Bắc Luân, giáp với tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Nhân dân vùng biên giới vốn có mối quan hệ hữu nghị láng giềng gắn bó thân thiết từ lâu đời. Thị xã Móng Cái là nơi trực tiếp diễn ra các hoạt động trao đổi thương mại kinh tế, giao lưu văn hoá giữa hai tỉnh Quảng Ninh - Quảng Tây và hai nước Việt Nam - Trung Quốc.

Trước đây thị xã Móng Cái đã từng là tỉnh lỵ của Hải Ninh cũ. Sau chiến sự biên giới tháng 2/ 1979, thị xã Móng Cái bị tàn phá nặng nề, nhiều cơ sở kinh tế, văn hoá bị phá huỷ, đặc biệt là khu phố cổ dọc theo bờ sông Ka Long không còn nữa. Từ năm 1991, sau khi quan hệ hai nước Việt - Trung trở lại bình thường thì sự trao đổi buôn bán qua cửa khẩu Bắc Luân ngày càng tăng lên. Hiện nay, thị xã Móng Cái được xây dựng lại khang trang hiện đại, trở thành một trung tâm thương mại lớn ở phía Bắc Việt Nam. Mật độ dân số tăng nhanh, buôn bán nhộn nhịp. Xe cộ người qua lại tấp nập, thuyền bè san sát.

Sau khi vào chợ mua sắm hàng hoá, du khách có thể quay ra thưởng thức các món ăn Việt Nam, Trung Quốc tuỳ theo ý thích. Ngoài ra, ở đây còn có đủ loại rượu Trung Quốc, từ rượu Mao Đài nổi tiếng cho đến các loại rượu thông thường như Thần Phụ tửu, Khổng Phụ tửu, Ngũ lương dịch. Các món ăn đặc sản Trung Quốc như vịt quay Bắc Kinh, đậu phụ cay tê...và đặc biệt không thể thiếu món ăn quen thuộc là khâu nhục.

0