18/06/2018, 12:13

Hà Nội - "Hồn" chợ phiên phố thị

“Hồn” chợ phiên đô thị Bây giờ, khi những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng mọc nhan nhản khắp nơi thì vẫn có nhiều người nhớ và muốn tìm lại cảm giác thú vị khi đi chợ phiên. Những phiên chợ chỉ họp vào một vài ngày cố định trong tháng với những ...

“Hồn” chợ phiên đô thị
“Hồn” chợ phiên đô thị

Bây giờ, khi những trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng mọc nhan nhản khắp nơi thì vẫn có nhiều người nhớ và muốn tìm lại cảm giác thú vị khi đi chợ phiên. Những phiên chợ chỉ họp vào một vài ngày cố định trong tháng với những sản phẩm đặc trưng. Chợ phiên chứa đựng một nét văn hoá xưa không dễ gì quên được.

Chợ phiên - không chỉ là kỷ niệm của quá khứ

Hôm nay, ông Hùng ở ngõ Thịnh Quang, Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội dậy sớm hơn thường lệ, khi chuông đồng hồ mới điểm 4 tiếng ông đã dắt xe đạp rời nhà đi chợ Bưởi, hôm nay là ngày mồng 4 âm, ngày có phiên chợ chính. Ông vẫn có thói quen đi chợ phiên Bưởi để mua cây cảnh. Chẳng phải vì những cây cảnh đó chỉ bán ở chợ phiên mà ông thích thế, ông thích được mua cây của chính những người đã trực tiếp nuôi dưỡng và dày công làm nên những thế cây đó. Với ông, được đi, được hoà mình vào không khí mua bán rất đặc trưng của chợ phiên là đã rất tuyệt rồi, cảm giác đó những chợ thường không thể có được.

Ông kể: “Tôi có thói quen đi chợ phiên Bưởi từ vài chục năm rồi. Chợ phiên Bưởi họp vào ngày 4 và 9 theo lịch âm hàng tháng. Cái đặc trưng nhất của chợ phiên là không có kiểu “mua của người chán, bán cho người thích”, mà sản phẩm thường do mọi người trực tiếp làm ra rồi đem ra chợ bán. Hàng hóa lại rất phong phú. Bây giờ, phiên chợ không còn rõ nét như trước nữa nhưng dù sao nó vẫn còn giữ được nét độc đáo riêng”.

Chợ phiên thường họp rất sớm, từ lúc trời còn tờ mờ sáng cho đến quá trưa mới kết thúc. Lần nào đi chợ phiên, ông Hùng cũng có được “sản phẩm” mang về, lần này sau xe đạp là hai chậu cây hoa Sứ nhỏ nhưng thế rất đẹp, ông khoe rất ưng ý với hai chậu cây này, lại được cái giá rẻ bất ngờ. Cả vườn cây cảnh hàng trăm cây của nhà ông đều được mua từ những phiên chợ Bưởi này. Ông Hùng cho biết, chợ Bưởi xưa rất nhiều hàng hoá mà chỉ đến phiên mới có như cây cảnh, lợn, gà... chính những điều đó làm nên sự khác biệt của phiên chợ. Giờ, có tới non nửa phố Hoàng Hoa Thám đã có nghề bán cây cảnh.

Chợ Văn Giang nằm ven quốc lộ 179, đoạn chạy qua thị trấn Văn Giang (thuộc tỉnh Hưng Yên). Ông Nguyễn Văn Côn ở Kim Lan, Gia Lâm nhớ lại: “Trước kia mỗi phiên chợ là một ngày hội mua và bán. Cứ đến phiên họp là hàng hoá chẳng thiếu thứ gì, người mua, kẻ bán tấp nập. Bây giờ dù có đúng phiên chợ hay không thì mức độ hàng hoá không quá khác biệt, nhưng vẫn có nhiều mặt hàng “độc” mà chỉ đến phiên người ta mới mang đến bán”. Chợ họp phiên chính vào các ngày 7, 9 còn các phiên ngày 2 và 4 chỉ là phiên “xép” (phụ).

Dạo qua một vòng chợ, phải công nhận phiên chợ này lớn hơn nhiều so với “chợ làng”  thường gặp, cũng ở ngay trên khoảng đất này. Trời còn tờ mờ, chưa rõ mặt người kẻ mua người bán đã tấp nập. Chị chủ hàng bán chuối nhanh nhảu: “Bác mua mở hàng giúp em đi, bây giờ mua còn rẻ chứ chỉ một lát nữa là bác phải mua của những người mua lại của bọn em, sẽ đắt hơn nhiều đấy”. Chị cho biết, để có chỗ “đẹp” như thế này, chị đã phải đi từ tối khuya hôm trước.

Mỗi chợ phiên đều có những sản phẩm đặc trưng. Như chợ phiên Văn Giang có con giống. Người từ khắp nơi đổ về đây và chở theo cơ man nào là con giống, từ lợn, gà, vịt, chó, mèo... Tiếng gọi nhau í ới, tiếng mặc cả, tiếng cãi cọ... tất cả những âm thanh đặc trưng đó làm nên một phong cách rất riêng của chợ quê Việt Nam.

Chợ phiên mặc dù bây giờ không còn giữ được nhiều nét đặc trưng như trước nhưng vẫn có sự khác biệt để tạo nên sức hấp dẫn riêng của nó. Ngay cả phiên chính hay phiên xép cũng khác nhau, như ở chợ phiên Văn Giang này chẳng hạn, chỉ phiên chính mới bán lợn giống còn phiên “xép” thì không.
Nơi chất chứa chút hồn dân tộc

Khi tìm hiểu thêm về phiên chợ Bưởi nổi tiếng đất Hà Thành, “Chủ quán” là “bà lão” nghệ sĩ điện ảnh quen thuộc Thu An, người nổi tiếng với những vai diễn mộc mạc, chân chất. Có lẽ phải gọi lão nghệ sĩ bằng cụ mới phải bởi năm nay cụ đã ngoài tám mươi, so với ngày đóng vai bà mẹ chồng tốt bụng cùng nữ diễn viên Chiều Xuân trong một bộ phim truyền hình nổi tiếng thì nay trông cụ đã già và yếu đi nhiều. Cụ bảo, những phiên chợ Bưởi trước kia đông lắm, kẻ mua người bán tấp nập. Nhưng giờ chợ đã khác trước nhiều, chợ vẫn họp theo phiên nhưng chẳng còn được sầm uất như xưa. Cụ “bức xúc” trước sự mai một của nhiều nét văn hoá cổ, cũng như chợ phiên bởi sự lấn át của cuộc sống hiện đại.

Tuy nhiên, vẫn còn những phiên chợ giữ được đặc trưng truyền thống của mình như chợ Cán Cấu (Lào Cai), chợ cách huyện Bắc Hà chừng 18km, họp trên một ngọn đồi thoai thoải. Chợ Cán Cấu trước kia gần trong thị trấn Bắc Hà, nhưng cứ mỗi lần Nhà nước xây cất chợ thành khang trang thì bà con lại chuyển đi nơi khác. Đó là do tập tục từ bao đời nay, bởi với họ, chợ phiên là nơi có thể mang bán hay mua đủ các thứ mà không cần phải xếp loại hay theo khuôn mẫu nào, người đi chợ muốn tùy nghi bày biện hàng hoá của mình.

Chợ Cán Cấu mỗi tuần họp một lần vào ngày thứ bảy. Một bãi chợ hoàn toàn của người dân tộc, Mông Đen, Mông Đỏ, Mông Hoa, Giao, Tày... Từ trên cao nhìn xuống bãi chợ, khói bếp tỏa lên giữa những lều tranh lụp xụp, với cơ man nào là người với các sắc áo xanh đỏ, xa xa là núi đồi phủ sương lam, lác đác vài ba nhà sàn. Phong cảnh thanh bình và hoang sơ.

Ai đã từng đến Sapa chắc không thể quên hình ảnh sáng thứ Bảy người đàn ông H’mông dắt vợ cưỡi ngựa mang cái gì đó đến chợ để bán. Chiều chủ nhật thì ngược lại, người vợ dắt con ngựa trở về trên lưng ngựa ông chồng say rượu nằm vắt ngang. Với người Mông đi chợ là phải say rượu, nếu chưa say thì chưa vui...

Hầu như ở mỗi địa phương trên mảnh đất Việt Nam đều có những phiên chợ họp vào một thời điểm nhất định nào đó trong tháng. Bắc Ninh nổi tiếng với phiên chợ Nón, Vĩnh Phúc có phiên chợ Lồ, rồi chợ Săn ở Hà Tây, chợ Non ở Hà Nam hoặc như phiên chợ nổi tiếng cả nước mà mỗi năm chỉ họp có một lần như chợ Viềng ở Nam Định... mỗi phiên chợ đều chứa đựng một đặc trưng riêng, thể hiện văn hoá của từng địa phương.

Nhiều người coi đi chợ phiên là đi chơi, đi thưởng thức chợ chứ không nhất thiết phải mua sắm gì. Đi chợ như một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của mỗi người. Không hẹn mà nên, hàng năm, vào những ngày giáp Tết các chợ phiên thường tổ chức buổi chợ cuối cùng để mọi người có thể đi sắm hàng Tết, từ mớ lạt, ống giang, bó lá dong cho đến quần áo, tranh dân gian... Tất cả đều mang đậm mùi vị của hương đồng gió nội được kết tinh từ hồn quê, hồn đất.

Với mỗi người dân Việt Nam, chợ phiên mãi là nét văn hoá của một thời để nhớ.


0