18/06/2018, 12:13

Nam Định - Chợ Viềng

Chợ Viềng Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân người dân tộc các tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ đều nô nức tưng bừng vào lễ hội như lễ hội chùa Hương, hội Ðống Ða, hội Cổ Loa, hội Gióng, hội Lim, hội Phủ Giầy...mỗi lễ hội thường gắn với một địa danh, với một di ...

Chợ Viềng
Chợ Viềng

 

        Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân người dân tộc các tỉnh thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ đều nô nức tưng bừng vào lễ hội như lễ hội chùa Hương, hội Ðống Ða, hội Cổ Loa, hội Gióng, hội Lim, hội Phủ Giầy...mỗi lễ hội thường gắn với một địa danh, với một di tích lịch sử, với danh nhân văn hoá hoặc gắn với tín ngưỡng và tâm linh con người. Đặc biệt tỉnh Nam Ðịnh có một lễ hội rất độc đáo và giàu bản sắc văn hoá. Ðó là hội chợ Viềng ở xã Kim Thái, huyện Vụ Bản - nơi người xưa đã gọi là "địa linh, nhân kiệt". Thường thì tỉnh nào, vùng nào cũng có chợ và hội chợ; Có chợ cứ vài tháng, một tháng hoặc vào tuần rằm, mồng 1 lại họp một lần. Song sự độc đáo của chợ Viềng là mỗi năm họp chỉ có một phiên.

        Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không bán mua những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ tỉnh, thành phố lớn. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi: từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông. Người ta có thể tìm mua ở đây từ cái cày cái cuốc đến các vận dụng nhỏ như đôi quang thúng, cái đòn gánh cùng trăm ngàn thứ vật dụng linh tinh khác. Ngoài ra, còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất tưng bừng náo nhiệt. Ðó là thịt bò non. Nói đúng ra là thịt bê được thui vàng ươm nguyên cả con, bán rất nhiều dọc các ngả đường đi vào chợ. Có thể nói không ngoa rằng "Trên là trời, dưới là thịt bò bê". khách mua ai thích phần nào có thể tuỳ chọn, mà giá lại rất phải chăng, hợp với túi tiền của "người nhà quê". Ở chợ phiên này có tục người bán không hề nói thách và người mua cũng không hề mặc cả - Một nét đẹp đáng yêu chỉ phiên chợ này mới có. Hình như "sự bán, sự mua" ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó - rằng người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ thì người bán kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hỉ hả ra về đi lễ chùa cầu may cầu lộc. Chính vì vậy, hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ Cầu May.

        Hội chợ Viềng, khu hội chợ chính nằm trong thôn Trung Thành nhưng bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích, như đình chùa, đền phủ, lăng tẩm, rất đẹp như lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, chùa Cao, Phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, đình ông Khổng... được xây dựng từ thứ kỷ 19 cách đây hàng trăm năm. Các di tích này được Bộ Văn hóa xếp hạng là "di tích lịch sử văn hoá". Cụm di tích này chủ yếu thờ bà chúa Liễu Hạnh - một nhân vật văn hoá dân gian vừa giống như có thật, vừa như truyền thuyết, Bà được dân gian phong Thánh, vừa được sắc phong như Thần, vừa được coi như bà Chúa, cô Tiên... Ðiều quan trọng hơn cả là sự tích và hình tượng bà Chúa Liễu đã đi vào tâm thức và trở nên bất tử trong lòng mọi người dân trong vùng. Cho nên dù là người bản địa hay khách thập phương về đây không chỉ đi dự hội chợ Viềng mà còn để đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân. Người ta có thể dến dự hội trước sau đi lễ Ðền hoặc đi đền cầu may rồi mới đi hội chợ.
        Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau. Khách đến từ khắp nơi, trong
Nam ngoài Bắc đông nhất vẫn là người nội tỉnh sau đến khách các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá đổ ra. Khác các tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình đổ về đông nườm nượp. Khách thập phương về hội chợ phần lớn là do nghe danh tiếng của chợ Viềng mà về, nhưng phần đông vẫn là những người có gốc gác hoặc quê quán ở tỉnh Nam đi làm ăn xa nay nhớ đất Tổ, đất quê tìm về. Nên dù có xa mấy, tận bên kia Ðại Dương, tận Sài Gòn lục tỉnh... cũng nhớ ngày về để dự hội.

0