18/06/2018, 12:13

Lào Cai - Chợ phiên Cán Cấu

Chợ phiên Cán Cấu Nếu đã đến thăm Sapa, chợ Bắc Hà, bạn nên dành thêm một ngày để khám phá một khu chợ vùng quê, thôn dã nhưng thu hút biết bao khách đến từ phương xa - chợ Cán Cấu. Chợ phiên Cán Cấu là một buổi chợ kỳ lạ nhất Tây Bắc. Người ta bán hàng, đi lại, mặc cả cứ như chỉ sợ ...

Chợ phiên Cán Cấu

Nếu đã đến thăm Sapa, chợ Bắc Hà, bạn nên dành thêm một ngày để khám phá một khu chợ vùng quê, thôn dã nhưng thu hút biết bao khách đến từ phương xa - chợ Cán Cấu.

Chợ phiên Cán Cấu là một buổi chợ kỳ lạ nhất Tây Bắc. Người ta bán hàng, đi lại, mặc cả cứ như chỉ sợ người khác giật mình. Mỗi khi tiếng khèn cất lên, cả thung lũng như ngây ngất trong sương mù.

Khu chợ như năm thửa ruộng bậc thang men theo sườn núi trơ trọi với một con đường độc đạo nối thị trấn Bắc Hà với thị trấn biên ải Simacai của tỉnh Lào Cai. Ba thửa để bán các sản vật địa phương gồm thổ cẩm, chỉ thêu, dược thảo, gia vị, rau củ… Hai thửa còn lại là hàng ăn, miền miến và thắng cố và các vật dụng gia đình như đèn pin, lưỡi cuốc, dao rựa, bàn chải răng…

Gần xuống đáy thung lũng, cách khu chợ khoảng năm mươi mét còn một thửa ruộng khác được phủ một lớp đất dày màu hoàng thổ. Đó là chợ trâu.

Họp chợ phiên Cán Cấu phần lớn là người Mông và người Giáy, nhưng lại theo lối buôn bán của người Dao, tức là họp vào sáng thứ bảy hàng tuần. Khu chợ chỉ rộng khoảng một héc ta, chen chúc cả ngàn con người đủ các dân tộc, rất lạ lùng, êm đềm tĩnh lặng như đang ở giữa một cánh rừng thông samu mùa đông.

Người Âu da trắng cười mỉm, người Kinh quanh quất tìm quà lưu niệm. Chỉ có những âm thanh rì rầm bằng một thứ tiếng Hán cổ của những phụ nữ đeo túi thêu đang ngã giá những bó cải Mèo. Thinh lặng tràn ngập tới mức có thể nghe được tiếng rễ cây đang cháy trên sườn núi đối diện.

Một điệu khèn bất ngờ trỗi lên, chậm và đều đặn như thể một dòng suối ấm áp tuôn xuống từ vách núi, hay đang chảy xuôi theo con đường độc đạo dẫn lên biên giới, về phía thị trấn Simacai.

Tiếng khèn như lời cầu nguyện trong lễ hội Gầu Tào, rồi đột ngột dâng cao, trở nên vui vẻ như đang đệm cho một điệu hát lượn. Nơi phát ra tiếng hát, hoá ra là một cái cassette đã cũ tới mức không còn nhãn hiệu, mặt nạ, hộc chứa băng phải được cố định bằng một sợi dây ni lông.

Cái máy hát phong trần được để chung với một đống lá cây thuốc, nấm khô, thuốc sợi, chỉ thêu, lưỡi cuốc... trên một tấm vải nhựa trải ra đất. Chủ hàng, một trung niên người Dao, đúng là rất biết cách kinh doanh. Mỗi khi thưa khách, ông này lại cho chiếc cassette chạy.

Điệu khèn chất chứa nỗi lòng lại cất lên. Khi khách tụ tập đủ đông, máy hát im tiếng để chủ của nó tập trung bán hàng. Rất biết cách kinh doanh bởi vì người Dao, với tấm vải thêu hình chữ nhật đặc trưng trên lưng áo, chỉ biết hát đối, không biết múa và đương nhiên là không sử dụng nhạc cụ. Khèn là nhạc cụ của người Mông, cũng như Cán Cấu là phiên chợ do người Mông và người Giáy lập ra.

Đi xuôi theo con dốc để trở về Bắc Hà, chợ trâu đang lúc mua bán tấp nập. Những con trâu tơ trên cổ đeo một cái chuông nhỏ bằng đồng hình lá thông, ngoan ngoãn theo chủ mới về bản. Mỗi bước đi của chú nghé lại vang lên tiếng kính koong, kính koong ngộ nghĩnh.

Trên đỉnh dốc nhìn xuống thung lũng, tiếng khèn lai láng trộn với tiếng chuông làm cả khu chợ bậc thang như ấm hẳn trong sương mù tháng hai. Khuất sau vách núi, tiếng khèn dường như vẫn còn vang trong tâm tưởng, nhắc người ta nhớ tới những bộ váy với đường viền kỷ hà, những làn khói mỏng trên nồi thắng cố, nhớ đôi mắt đăm đắm của người phụ nữ Mông xanh và hình ảnh những con ngựa thồ bị cột bên vách đá trơ trụi.

Và người ta biết rằng Cán Cấu xa thăm thẳm có khi chỉ tới một lần trong đời, nhưng đó sẽ là phiên chợ theo suốt một đời người, cùng với tiếng khèn vô tình của một thương nhân.

0