18/06/2018, 17:01

Quan hệ triều cống Trung-Xiêm 1282-1853

Phái bộ Siam dâng cống phẩm lên triều đình nhà Minh (ảnh: Hutchinsons History of Nations) Tác giả: Suebsaeng Promboon Luận văn tiến sĩ lịch sử tại đại học Wisconsin (University of Wisconsin), 1971 Nguyễn Quốc Vương dịch Lời nói đầu Tất cả các sinh viên ...

h-sepping-wright-siamese-envoys-paying-tribute-to-emperor-of-china-illustration-hutchinsons-history-of-nations_a-G-6247752-8880731

Phái bộ Siam dâng cống phẩm lên triều đình nhà Minh (ảnh: Hutchinsons History of Nations)

Tác giả: Suebsaeng Promboon

Luận văn tiến sĩ lịch sử tại đại học Wisconsin (University of Wisconsin), 1971

Nguyễn Quốc Vương dịch

Lời nói đầu 

Tất cả các sinh viên ngành lịch sử ngoại giao Trung Hoa hầu như chắc chắn đã quen với khái niệm “hệ thống triều cống”- thứ chứa đựng tất cả các khía cạnh trong các mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc. Sự hiểu biết về tư tưởng chủ yếu, sự phát triển và chức năng của nó là điều kiện tiên quyết để tìm hiểu và giải thích sâu hơn tư cách của Trung Quốc trong các vấn đề ngoại giao.

Điều quan trọng tương tự là cách nhìn nhận các nhà nước triều cống  với mối quan hệ triều cống Trung Quốc. Gần đây, một số học giả có danh tiếng đã tiến hành nhiều nghiên cứu ấn tượng về hệ thống triều cống nhưng hầu như tất cả các nghiên cứu đó quá nhấn mạnh tới tư tưởng của Trung Quốc và không mấy cố gắng thẩm tra động cơ thực sự của các nước tiến hành triều cống. Kết quả là, hệ thống triều cống của Trung Quốc đã bị đối xử bất công. Các ghi chép chi tiết về các hoạt động triều cống  hầu như đã không được đụng tới. Thông tin chi tiết về mục đích ẩn sâu của các nước chư hầu cần phải được hiểu rõ hơn qua hệ thống phức tạp này.

Xiêm, nước đã bị Trung Quốc coi là nước triều cống cung cấp cho chúng ta một trường hợp tiêu biểu để nghiên cứu bởi vì mối quan hệ của nó với Trung Quốc không phải chỉ là mối quan hệ kéo dài mà nó còn được dựa trên bầu không khí thân thiện. Hơn nữa,  các hoạt động của các phái đoàn sứ giả Xiêm, được ghi lại một cách thường xuyên và cung cấp cho chúng ta đủ chi tiết để làm rõ bản chất thực sự của sự tương tác này. Thêm vào đó, việc chưa có một nghiên cứu toàn diện nào về đề tài này đã khiến tôi thực sự muốn thử sức.

Tác phẩm này sẽ giới hạn trong việc thảo luận về mối quan hệ Trung-Xiêm trong các thời kì Sukhothai, Authaya và Bangkok. Thời đại Thonburi (1767-1782) ngắn ngủi được xếp trong thời kì Bangkok. Công việc chính của tôi là là xác định xem rốt cuộc mối quan hệ đó là gì,  Trung Quốc tự bản thân nó đã hình thành mức độ kiểm soát như thế nào để thực thi  và đâu là lợi ích  mà cả hai quốc gia đã đạt được từ mối quan hệ thân thiện này.

Trước hết, tôi sẽ thảo luận về thực tiễn nói chung của các sự kiện ngoại giao giữa hai quốc gia và sự trình diễn của Xiêm trong các mối quan hệ với Trung Quốc. Tiếp theo,  tôi sẽ thảo luận về  mô hình khác nhau của các mối quan hệ được quan sát trong việc điều hành các sứ đoàn của Xiêm tới Trung Quốc và các sứ đoàn Trung Quốc tới Xiêm.  Sau đó, tôi cũng sẽ giới thiệu khía cạnh chính trị và kinh tế của sự tương tác này trong từng vương quốc Xiêm.

Tôi hi vọng rằng nghiên cứu này sẽ cung cấp cho người đọc thông tin và sự hiểu biết rõ ràng hơn, thứ có thể sẽ có giá trị cho tìm hiểu sâu hơn về hệ thống triều cống Trung Quốc và mối quan hệ Trung-Xiêm.

Chương I.  Bối cảnh lịch sử

Vai trò truyền thống và sự phát triển của hệ thống triều cống

Khi thảo luận về mối quan hệ Trung-Xiêm, cần phải hiểu được những khái niệm chung và sự phát triển của hệ thống triều cống Trung Hoa thứ đã đóng vai trò như là phương tiện trung gian đối với sự tương tác với nước ngoài[1].  Ngay từ đầu cần phải chỉ ra rằng hệ thống này không phải được dựa trên những nguyên tắc bình đẳng như ở các quốc gia phương tây mà là dựa trên sự công nhận cương vị chúa tể của Trung Quốc[2]. Do sự khác biệt cơ bản này, nó trở nên cần thiết để xác định  giá trị kinh tế, chính trị, tư tưởng thực sự của hệ thống để có thể xác định mức độ bá chủ của Trung Quốc đối với những người dã man.

Trước hết, từ “triều cống” là từ tương đương nhất của phương Tây ứng với chữ Hán “kung” (Cống), chữ có xu hướng gây ra sự hiểu lầm. Tình hình ở phương Tây trong thời phong kiến, khi từ “triều cống” được tạo ra để miêu tả mô hình chính trị giữa  tôn chủ và các nước chư hầu về cơ bản là khác với những gì thực sự diễn ra ở Đông Á. Do đó, nghĩa của từ “triều cống” trong lịch sử phương Tây không thích hợp để diễn tả sự liên lạc Trung Quốc-nước ngoài. Tuy nhiên để cho thuận tiện, khái niệm “triều cống” vốn đã được dùng rộng rãi sẽ được giữ lại để thay thế cho từ tiếng Trung “kung” nhưng nghĩa thực sự phải được hiểu trong giới hạn truyền thống Nho giáo Trung Hoa[3].

Trong lịch sử Trung Quốc, từ “kung” có nhiều cách dùng và nhiều nghĩa. Nếu nó được dùng trong  việc miêu tả phái đoàn triều cống, khái niệm “ching-kung fang-wu” (Tiến cống phương vật), thứ có nghĩa là sự giới thiệu các sản phẩm của địa phương thường bao gồm ba loại khác nhau – sự triều cống đích thực (Cheng-kung, Chính-cống) do vua chư hầu dâng lên hoàng đế; sự triều cống của các sứ giả tới triều đình Trung Quốc, hàng hóa đơn thuần để buôn bán[4]. Từ tương tự  cũng được áp dụng cho các sự kiện nội địa. J.K. Fairbank giải thích rằng:

       Từ “kung” được dùng để chỉ sự  triều cống những thứ được dâng lên từ các ông vua nước ngoài không phải là người Trung Quốc và nó cũng có mối liên hệ với các mô hình nội địa như “cống mễ” (Ts’ao-mi hay kung-mi) thứ được chuyên chở bằng thuyền hàng năm từ vùng hạ lưu sông Dương Tử tới Bắc Kinh; hoặc là “cống sinh” (Kung-sheng), một loại người có bằng cấp mua bằng tiền trong hệ thống thi cử của nhà Thanh[5].

Hơn nữa từ “hsien”, “feng piao” hoặc “piao chou” và ch’ao (triều), bên cạnh từ “kung” (cống),  cũng được sử dụng để miêu tả đoàn sứ giả từ nước ngoài trong cố gắng bày tỏ sự quy phục và và địa vị thấp kém hơn của họ bởi vì những từ này có nghĩa là “dâng quà”, “đưa biểu cầu” lên hoàng đế hoặc “diện kiến hay vấn an thiên tử, người cai trị thế giới” một cách tôn kính[6].

Khi hệ thống triều cống được chú ý, nó được bắt nguồn từ những mối liên hệ lâu dài giữa Trung Hoa và người dã man[7]. Nó được sử dụng như là công cụ để thể hiện sự ưu việt của văn hóa Trung Hoa.

Những quan niệm tư tưởng phía sau hệ thống này tất cả đều được dựa trên vũ trụ quan Khổng giáo cho rằng tất cả mọi người đều có danh phận ở trong xã hội và phải tiết chế bản thân sao cho thích hợp. Nếu như mọi người biết được danh phận và nghĩa vụ của mình và luôn luôn làm đúng thế giới sẽ hòa bình và thống nhất.

Đạo đức phù hợp là nguyên tắc không thể thiếu để ràng buộc đời sống xã hội và nó không phải là thứ bị ép buộc bởi khế ước hay sức mạnh mà bằng cảm giác về “liêm sỉ” và “thanh danh”[8]. Trung Quốc với tư cách là trung tâm của văn minh thế giới sẽ phải là hình mẫu cho các quốc gia khác noi theo. Hoàng đế Trung Hoa, người nhận “mệnh trời” cai trị sẽ phải có đạo đức tốt và phải là hình mẫu cho tất cả loài người cả người Trung Quốc và người dã man. Niềm tin đi cùng với phương châm này được minh họa rõ ràng trong bản thân lời nói của hoàng đế Ung Chính (Yung-cheng):

        Trong số những thứ cho phép một ông vua cai trị thành công là khả năng bảo vệ tất cả thần dân và mong muốn trải rộng lòng nhân từ tới tất cả loài người. Ông ta sẽ thừa mệnh trời để yêu mến thần dân và tạo ra lý do khiến cho thần dân hân hoan với sự cai trị. Chỉ bằng cách này, ông ta mới có thể thống nhất quốc gia và tên tuổi ông ta sẽ được ghi nhớ với lòng biết ơn vĩnh viễn… Bởi vì triều đình của chúng ta tiếp nhận ý trời để cai trị và bởi nó đã chứng minh giá trị của mình bằng việc trải rộng lòng nhân từ và bảo vệ tất cả mọi người một cách công bằng, tại sao lại có sự phân biệt đối xử chỉ vì đó không phải là người Trung Quốc?[9]

Người Trung Quốc rất tự tin về nền văn hóa ưu việt của họ đến nỗi họ tin rằng những người dã man chưa được khai hóa sẽ đến Trung Quốc để tìm kiếm sự đổi thay và sự khai sáng. Để làm điều đó, những người dã man bị yêu cầu phải công nhận quyền bá chủ của Trung Quốc và thực thi tất cả các nghi thức xã giao, thứ làm cho họ trở thành thành viên của xã hội Nho giáo. Rõ ràng những tư tưởng này biểu đạt đặc điểm thứ bậc tôn ti bắt nguồn từ tín điều Nho giáo trong xã hội có phân chia thứ hạng. Trung Quốc luôn là cha, thủ lĩnh, anh hoặc bề trên trong khi các nước khác là con trai, môn đệ, em hoặc kẻ dưới. Như một nguyên tắc chung, mức độ của mối quan hệ giữa Trung Quốc và một quốc gia được xác định bằng khoảng cách. Quốc gia ở gần Trung Quốc sẽ có mối quan hệ gần hơn. Tất cả những điều này chính là các nguyên tắc tư tưởng chủ yếu của mối quan hệ qua lại của Trung Quốc với nước ngoài trong hệ thống triều cống.

Theo Yu Ying-shih[10], hệ thống triều cống đã phát triển dần dần từ hệ thống “ho-ch’in” (hòa thân) được hoàng đế  Cao Tổ (Kao-tsu)của triều Hán đưa ra  xuất phát từ kinh nghiệm quá khứ đối phó với các nước láng giềng. Trong hệ thống “hòa thân”, các món quà của triều đình và các công chúa Trung Quốc được tặng cho người dã man Hung Nô đổi lại họ sẽ phải thề không tấn công các vùng ở biên giới Trung Quốc[11].  Một nguyên tắc cũng được lập ra trong thời kì này: “Không nên đặt chân tới Trung Hoa nếu không mang theo triều cống”[12].  Có thể thấy rằng khía cạnh chính trị của hệ thống này trong thời Hán không nổi trội và kém xa lợi ích kinh tế  nếu có[13].

Về bản chất, tín hiệu chính trị đằng sau hệ thống này ngụ ý thừa nhận sự bá chủ của Trung Quốc.  Sự phục tùng của người dã man là khía cạnh cần thiết của trật tự chính trị Nho giáo. Mục đích cuối cùng là giành được sự ổn định chính trị dưới sự cai trị nhân từ của Thiên tử. Mặt khác, nguyên tắc chính trị này cũng liên quan tới việc phòng thủ của Trung Quốc. Quả thật, việc tặng các món quà của triều đình và những thứ khác thường nhằm trung lập hóa người dã man, những người đôi khi ở vị trí mạnh đe dọa an ninh của Trung Quốc. Mưu kế này ít nhất nhằm thực hiện ba mục đích quan trọng của Trung Quốc. Thứ nhất, thứ có thể gọi là  chính sách “nhân nhượng” được tạo ra để mua lấy hòa bình tạm thời. Thứ hai,  là âm mưu “chia để trị” (dĩ Di chế Di) để làm suy yếu người dã man bằng việc xúi giục họ chống lại lẫn nhau. Thứ ba, là liên minh với các nước hay bộ tộc mạnh để có được tình bạn hay lợi nhuận như mong muốn[14]. Sự áp dụng hệ thống này với mục đích chủ yếu là để phòng thủ đã đạt đến đỉnh cao trong suốt thế kỉ 11 và thế kỉ 12 dướng triều Tống. Đây là thời kì bất ổn cả ở bên trong và ngoài nước – thứ đã tác động tới chiến thắng của Nho giáo mới ở Trung Quốc. Trong số những thứ khác, học thuyết thịnh hành về quan hệ quốc tế  này đòi hỏi một sự phục tùng tuyệt đối từ tất cả các quốc gia mong muốn quan hệ với Trung Quốc[15]. Trong tầm nhìn thực tế rằng nhà Tống-Trung Quốc rất yếu về quân sự, yêu cầu về sự thần phục của người dã man không thể dựa trên sức mạnh mà dựa trên lời hứa hẹn ban tặng các đặc quyền kinh tế của Trung Quốc, một hành động phải được xem như là biện pháp phòng thủ[16]

Mối quan hệ triều cống Trung Quốc-nước ngoài, như tôi đã đề cập, là dựa trên nguyên tắc qua lại được thể hiện dưới hình thức nghi lễ. Trong con mắt Trung Quốc, việc thực thi triều cống là một hành động của lễ hoặc là hành động thích hợp cần được tiến hành long trọng. Nó liên quan đến những dịp tiến hành triều cống và nghi lễ vào những ngày quan trọng như sinh nhật của hoàng đế, ngày tết .. với những nghi lễ phức tạp. Quan trọng nhất là việc các sứ giả nước ngoài phải tiến hành “quỳ lạy”  “kowtow” (Khấu đầu)*biểu hiện sự phục tùng. Đổi lại, hoàng đế  ân cần ban cho các vua nước ngoài những món quà có giá trị, các buổi triều kiến, tước vị quý tộc, con dấu của triều đình, lịch Trung Hoa và các thứ quý giá khác[17]. Thêm nữa, thành viên của sứ đoàn nước ngoài được tiếp đón trọng thể bằng nhiều buổi yến tiệc của triều đình. Tầm quan trọng của các nghi lễ đi kèm với hệ thống triều cống được chỉ rõ bởi thực tế rằng công việc đón tiếp sứ giả nước ngoài là độc quyền đặt dưới sự giám sát của Bộ Lễ.  Thêm vào đó, chi tiết duy trì trong buổi lễ như “khấu đầu” cho chúng ta chút nghi ngờ rằng Trung Quốc luôn luôn là bề trên.

Khỏi cần phải nói cũng biết người Trung Quốc đã gắn tầm quan trọng vào những chuyến viếng thăm của các đoàn sứ giả như thế nào. Từ thời xa xưa nhất trở đi họ đã chăm sóc chu đáo các sứ giả nước ngoài. Wang Gung-wu đã miêu tả mối quan tâm của người Trung Quốc như sau:

…. Triều cống từ người nước ngoài đã có một vị trí quan trọng trong  âm mưu  của triều đình và sự chăm sóc đáng kể  đã được tiến hành để giúp đỡ sứ giả, đưa họ gặp hoàng đế và bày tỏ sự trân trọng đối với sự viếng thăm của họ. Các cơ quan đặc biệt đều tham dự và các viên quan, thượng thư lớn tuổi đều tham dự các nghi lễ phức tạp đi kèm với triều cống cũng như sự viếng thăm của các ông vua nước ngoài[18].

Các sứ giả nước ngoài quả thật đã nhận được sự đón tiếp nồng nhiệt và được ban cho nhiều đặc ân. Họ được ở trong các nhà trọ công và được đưa đón miễn phí, được nhận thức ăn cùng “tất cả những thứ cần thiết khi họ ở trong nước”[19]. Đồng thời người Trung Quốc giữ tất cả các sứ giả dưới sự giám sát bởi các quy định nghiêm ngặt. Độ lớn, hành trình và số lượng các thuyền và thành viên, tính chất của các món quà và lịch trình triều cống được áp đặt chi tiết  cho từng đoàn sứ giả thường xuyên của các nước.

Như chúng ta đã thấy, Trung Quốc không có mối quan hệ quốc tế với quốc gia khác ngoài các mối quan hệ triều cống. Do đó, quan hệ thương mại nên được gọi là “thương mại triều cống” thay vì gọi là thương mại quốc tế[20]. Sự trao đổi các món triều cống của các nước chư hầu để lấy các món quà của triều đình có lẽ là một dạng phôi thai của ngoại thương Trung Quốc. Người ta thường biết đến một thực tế là các sứ đoàn người dã man tới Trung Quốc thường sử dụng hệ thống triều cống như là một sự ngụy trang cho thương mại, thói quen này được bắt nguồn từ thời Hán[21].  Không thể phủ nhận rằng sự cho phép buôn bán trực tiếp với Trung Quốc sau khi triều cống xong là sự hấp dẫn lớn lao đối với người dã man. Chúng ta có thể kết luận chắc chắn rằng hầu hết nếu như không muốn nói là tất cả các sứ đoàn triều cống đều có các thương nhân,  những người có mục đích chủ yếu là giành lấy đặc quyền thương mại đi theo. Mặt khác, trong con mắt hoàng đế Trung Quốc, giá trị đạo đức của triều cống quan trọng hơn khía cạnh kinh tế của nó. Khía cạnh kinh tế luôn bị phụ thuộc vào triều cống. Nếu xét ở góc độ kinh tế thì hoàng đế Trung Hoa không thu được gì mà chỉ có mất bởi vì các món quà của triều đình ban cho sứ giả  luôn luôn có giá trị lớn hơn nhiều các món đồ triều cống nhận được. Sự nhân nhượng thương mại được người Trung Quốc coi như là một phương tiện để có được thêm sự khao khát và tán tụng cụ thể hơn là sự phục tùng nhún nhường của những người dã man[22].

Tuy nhiên, rất khó để tách rời kinh tế khỏi các động cơ chính trị. John K. Fairbank khéo léo mô tả rằng hai thứ này không thể  tách rời nhau và rất rắc rối trong hệ thống triểu cống:

    …Thương mại và triều cống là những khía cạnh cùng nguồn gốc của một hệ thống riêng trong những mối quan hệ với nước ngoài, giá trị đạo đức của triều cống là quan trọng hơn trong suy nghĩ của các vua Trung Quốc và giá trị vật chất của thương mại trong suy nghĩ của những người dã manmối cân bằng lợi ích này sẽ cho phép sự bằng lòng lẫn nhau và hệ thống tiếp tục hoạt động. … Dường như là không thể ở thời điểm đó để tạo ra một thứ tổng quát hơn: hệ thống triều cống là cái khung nơi tất cả các lợi ích, cả cá nhân và triều đình, kinh tế và xã hội đều tìm được sự biểu đạt của mình[23].

Sự giảm sút thương mại rõ ràng là bị theo sau bởi các nguyên tắc Nho giáo. Tuy nhiên trên thực tế, các viên chức Trung Quốc không can dự vào công việc thương mại dù là trực tiếp hay gián tiếp. Các sứ đoàn triều cống đạt đến mức độ cao nhất về số lượng và độ thường xuyên dưới triều nhà Minh[24]. Từ năm 1371 đến năm 1566, thương mại dưới hình thức triều cống dễ nhận thấy nhất. Tuy nhiên, sự chuyển đổi thú vị bắt đầu hình thành đặc biệt sau khi cuộc viễn chinh trên biển nổi tiếng của hoàng đế Vĩnh Lạc. Mặc dù thương mại triều cống vẫn là đặc trưng của thời kì này, nó đã bắt đầu bị suy yếu dần bởi sự tăng tiến về số lượng các thương nhân Trung Quốc buôn bán ở nước ngoài. Nhu cầu đối với hàng hóa Trung Quốc, thứ vốn hấp  dẫn người dã man tới Trung Quốc giờ đây suy giảm bởi vì chúng được cung cấp bởi các thương nhân Trung Quốc. Theo Fairbank xu hướng đảo ngược này là sự ứng phó chủ yếu đối với sự suy sụp dần dần của hệ thống triều cống chứ không phải là do ảnh hưởng của người châu Âu như người ta thường quan niệm[25].

Bất chấp lệnh cấm thương mại do các vua cuối triều Minh ban hành, thương mại vẫn hưng thịnh thông qua các con đường như buôn lậu, các viên chức Trung Quốc mang theo người hàng hóa và thương mại triều cống thứ duy nhất ít bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm. Các hoàng đế triều Thanh một lần nữa lại giống như các vua đầu triều Minh tích cực quan tâm tới “sự phát triển dưới hình thức nhất định của ngoại thương và ở một mức độ nào đó đã hiểu được những dính líu kinh tế của thương mại”[26]. Tuy nhiên, sau triều vua Khang Hi,  các vua tiếp theo đã phục hồi lệnh cấm buôn bán cho tới tận năm 1842 khi cánh cửa Trung Quốc buộc phải mở bởi người Anh.


[1]  Để biết thêm chi tiết những thảo luận về hệ thống triều cống, mời xem J.K. Fairbank và Teng Ssu-yu, “On the Ch’ing Tributary System”, in the  Ch’ing Admistration: Three Studies(Cambridge: Havard U. Press, 1961), 107-218; Leson de Rosny, Les Peuples Orientaux Connus des Anciens Chinois (2nd ed.; Pris: Lerouy, 1886). Để tìm hiểu chung về hệ thống này mời xem O. Latti-more, Innner Asian Frontiers of China (Boston: Beacon Press, 1962).

[2]  Trung Quốc tự coi mình là “Thượng Quốc” hoặc là tôn chủ và tất cả các nước khác đều bị coi là chư hầu.  A.B Woodside, “Early Ming Expansionism (1406-1427): China’s Abortive Conquest of Vietnam, “Paper on China, XVII (December 1963) (East Asian Research Center, Havard University), 1-37; M.F Nelson, Korea and the Old Orders in Eastern Asia (Baton Rouge: Lousiana State U. Press, 1946).

[3] M. Mancall, “The Ch’ing Tribute System: An Interpretive Essay, “ trong J.K. Fairbank, ed,  The Chinese World Order: Traditional China’s Foreign Relations (Cambridge: Havard U. Press, 1968), 63.

[4] A.B. Woodside, Op. cit.,5.

[5] J.K. Fairbank, “A Preliminary Framework,” trong J.K. Fairbank, ed., The Chinese World Order, op. cit., 10.

[6]  Wang Gung-Wu, “The Nanhai Trade: A Study of the Early History of Chinese Trade in the South China Sea,” JRASMB, XXXI, pt. 2 (June 1958), 1.

[7] J.K. Fairbank, Trade and Diplomacy on the China Coast: The Opening of the Treaty Ports 1842-1854 (Cambridge: Havard U. Press, 1964), 23-28.

[8] M.F Nelson, op. cit.,98.

[9] Yung-cheng, hoàng đế Trung Quốc, “Chinese and Foreigners Are Members of One Family” trong “…Đại Thông Sử” ( Ahistory of the Ch’ing Dynasty) cảu Hsiao Yi-shan ( xuất bản năm 1962-1963 gồm 5 quyển), I, 928-930, được dịch bởi Dun J. Li, The Essence of Chinese Civillization (Princeton: D. Van Nostrand Co., 1967), 129.

[10] Yu  Ying-shih, Trade and Exoansion in Han China: A Study in the Structure of Sino-Barbarian Economic Relations (Berkeley: U. of California Press, 1967.

[11] Ibid., 40

[12]  E.H. Parker, China. Her History. Diplomacy, and Commerce, from the Earliest Times to the Present Day (London: J.murray, 1901), 1.

[13] Yu Ying-shih, op. cit., 189

[14] Chao Chin-yung, A Brief History of Chinese Foreign Relations (Taipei: China Cultural Service, n.d, ), 25.

[15] Tsiang T’ing-fu, “China and European Expansion, “ Plitica, II, no.5 (March 1936), 3-4.

[16] Ibid.

* Ba quỳ chín vái

[17] J.K. Fairbank và Teng Ssu-yu, op. cit., 135-145

[18] Wang Gung-wu, “The First Three Rulers of Mallacca, “ JRASMB, XLI, pt. 1 ( tháng 7 năm 1968), 15.

[19] Để biết thêm chi tiết mời xem Chang T’ien-tse, Sino-Portuguese Trade from 1514 to 1644(Leiden: E.J. Brill, 1934); J.K. Fairbank and Teng Ssu-yu, op. cit, 107-218; Chang Te-ch’ang, “Maritime  Trade at Canton during the Ming Dynasty, “ Chinese Social and Political Science Review, XVII, no. 2 (tháng 7 năm 1933), 264-282; The Chinese Repository, XIV, no. 4 ( tháng 4 năm 1845), 153-156.

[20] O. Lattimore, op. cit., 482-283; và Tsiang T’ing-fu, op. cit., 4.

[21] J.K. Fairbank and Teng Ssu-yu, op. cit., 139-142. Tham khảo các thảo luận sâu hơn về hệ thống triều cống trong M. Mancall, op.cit., 75-84

[22] J.K. Fairbank, Trade and Diplomacy…, op. cit., 33

[23] J.K. Fairbank và Teng Ssu-yu, op.cit., 112-113

[24] Chang Te-ch’ang, op. cit., 265

[25] J.K Fairbank, Trade and Diplomacy…, op. cit., 33-36

[26] M. Mancall, op. cit., 85.

Các cơ quan của Xiêm đối phó với các sự kiện ngoại giao.

Trái ngược với mối quan hệ với nước ngoài của Trung Quốc được ẩn giấu trong cái khung của hệ thống triều cống, các mối quan hệ này của Xiêm được tiến hành dưới hình thức ngoại thương. Trong khi ở Trung Quốc tất cả những người có trách nhiệm liên quan tới việc đón tiếp sứ giả nước ngoài đều thuộc thẩm quyền của Bộ Lễ thì ở Xiêm chúng được điều hành độc quyền bởi người đứng đầu Bộ Ngân khố (Minister of Treasury), người kiểm soát tất cả các chi nhánh ngoại thương. Tên gọi của người đứng đầu Bộ Ngân Khố thường được biết đến như Phra Khlang đã có sự phát triển lâu đời trong lịch sử Thái. Tên của nó trong tiếng Xiêm đã thay đổi từ chỗ là Khun Khlang ở thời kì đầu thành Qg.ja Phra Khlang, Phraja Phra Khlang, và Cawpharaja Phra Khlang ở các thời kì sau đó[1]. Tuy nhiên tất cả các tên này vẫn duy  trì ý nghĩa chung như người đứng đầu Bộ Ngân khố hoặc kho hàng. Sự khác nhau duy nhất là nằm trong danh hiệu đứng trước từ Khlang*. Khi các thương nhân châu Âu tới Xiêm, họ viết từ Phra Khlang thành ký tự La-tinh trong thứ tiếng của chính họ như những gì họ nghe thấy và kết quả là nó biến thành Barcalon trong tiếng Bồ Đào Nha, Pra-clang trong tiếng Pháp và Berkelangh trong tiếng Hà Lan[2].

Xét về lịch sử, Khun Khlang được lập ra bởi vua U-thqng, người sáng lập Ayutthaya, như một cơ quan quan trọng đảm nhận ngân khố hoàng gia[3]. Dưới triều vua Bqrommatraj-logkanad (1448-1488), tên gọi của nó được đổi thành Phra Kosathibqdi hay Phra Khlang[4]. Cho tới thời kì này, các sứ đoàn tới Trung Quốc vốn được bắt đầu từ thời kì Sukhothai là dấu hiệu ngoại thương duy nhất của Xiêm. Các vua Xiêm coi các sứ đoàn được gửi đi này như là phương tiện nhằm tiến hành thương mại. Thương mại với Trung Quốc trong thời kì đầu này được điều hành tương đối tự do không có sự can thiệp nào từ phía chính phủ. Sự thay đổi bắt đầu diễn ra sau khi những người Bồ Đào Nha đầu tiên tiếp xúc với Xiêm vào năm 1512  dưới thời vua Ramathibqdi II (1491-1529). Thương mại của Xiêm với Bồ Đào Nha đi cùng với buôn bán với Trung quốc đã mở rộng đều đặn tới độ phần thu nhập từ thuế tốt nhất của hoàng gia có nguồn gốc từ ngoại thương. Bản thân các vua Xiêm cũng dần dần can dự sâu hơn vào công việc buôn bán. Vào đầu thế kỉ 17, vua Shongtham (1620-1628), người “là một thương nhân có thế lực” hơn là một “võ sĩ”, đã mang tới một sự thay đổi ấn tượng trong sự phát triển thương mại bằng việc đặt tất cả ngoại thương dưới sự điều hành của Phra Khlang[5]. Vua Prasadthqng người thừa kế vương miện vào năm 1630 đã tạo ra tín hiệu thay đổi khác bằng việc tuyên bố sự độc quyền nhà nước về thương mại[6]. Có lẽ ông ta đã vay mượn phong tục độc quyền này từ các thương nhân Ấn Độ, những người thường tới các cảng của Xiêm hoặc là được họ khuyên như vậy[7]. Sự độc quyền này đòi hỏi việc xây dựng các kho hàng của hoàng gia dưới tay các ông vua để trữ các hàng hóa độc quyền bán cho thương nhân nước ngoài và các món hàng nước ngoài bán cho người Xiêm. Những kho hàng này, tất cả có 12 kho* rõ ràng đã bị ảnh hưởng bởi các thương nhân châu Âu, những người đã xây dựng các kho hàng ở bất cứ nơi nào họ có mối quan hệ thương mại[8]. Việc quản lý và kiểm soát các kho hàng này  giống như trước đó nằm dưới tay Phra Khlang và kéo dài tới thời kì Bangkok hoặc Cagkri[9]. Nó đã trở thành phong tục rằng tại lễ lên ngôi của vua mới, Phra Khlang phải thu thập tất cả sự giàu sang của hoàng gia trong 12 nhà kho cho vua mới tùy nghi sử dụng. Ví dụ như trong lễ lên ngôi của vua Mongkut năm 1851, Phraja Phiphadakosa, viên phó của Phra Khlang, người đóng vai trò thay mặt cấp trên của ông ta, đã nói: “ Thần xin trân trọng trình lên bệ hạ tất cả của cải trong 12 kho báu, thứ thuộc về sự tùy nghi của bệ hạ…”[10].

Thầm quyền của Phra Khlang đối với ngoại thương bao gồm từ việc mua và bán hàng hóa cho chính phủ tới việc thu thuế hải quan. Ông ta cũng giám sát công việc nói chung của các tỉnh duyên hải miền đông nam[11]. Bởi vì phần lớn người nước ngoài đến Xiêm là để buôn bán, họ chắc chắn đã phải giải quyết công việc với Phra Khlang. Họ phải đăng kí để xin giấy phép thương mại hoặc Tra (con dấu) từ ông ta[12]. Kết quả là, ông ta đã có can dự tới tất cả các vấn đề liên quan tới người nước ngoài và được họ biết tới như là Bộ trưởng bộ ngoại giao[13]. . . Tất cả việc cư trú của người nước ngoài cũng nằm trong sự phán xử của ông ta. Ông ta có quyền lực trong việc tiến hành các quan hệ ngoại giao bao gồm cả việc thay mặt vua kí các hiệp ước. Ví dụ như,  viên  Phra Khlang  đã kí hiệp ước bất bình đẳng với Hà Lan ngày 22 tháng 8 năm 1644[14]. Thêm vào đó, ông ta cũng đảm nhiệm việc đón tiếp các sứ giả nước ngoài. Theo truyền thống của người Xiêm, chỉ những lá thư của vua hay người đứng đầu nhà nước hoặc cấp bậc tương đương mới được chuyển trực tiếp tới vua Xiêm: trái lại chúng bắt buộc phải chuyển tới Phra Khlang và từ đó các sứ giả nước ngoài mới có được giấy phép để yết kiến hoàng gia. Thực tế này thường được người nước ngoài biết tới thể hiện rõ ràng trong những bức thư của ông Richard Burnaby và ông Geogre White, hai thương nhân người Anh gửi tới ông Steynsham Master thống đốc tại Fort St. George. Lá thư đã khuyên ông ta:

… Nếu từ giờ trở đi có việc gì cần phải gửi tới nhà vua, không được gửi trực tiếp tới nhà vua mà chỉ có thể gứi tới bộ trưởng Barcalong…[15] 

Thật là thú vị là vào năm 1679, hai thương nhân người Anh là ông Ralph Lambton và ông Richard Burnaby, cả hai đều thỉnh cầu Phra Khlang xin ông ta giải quyết sự tranh cãi giữa hai người. Điều này nói lên rằng ông ta có quyền lực đáng kể đối với người nước ngoài. Tuy nhiên, do không muốn can dự vào các việc có tính cá nhân ông ta đã chỉ định một thương nhân người Ba tư giải quyết sự tranh cãi này. Sự việc cuối cùng đã được giải quyết với vai trò trung gian của thương nhân Ba tư vào tháng 4 năm 1679[16].

Từ sự trình bày nói trên rõ ràng rằng tất cả các sự kiện đối ngoại của người Xiêm đều được điều hành trong cái khung thương mại và dưới độc quyền của bộ trưởng bộ Ngân khố-Phra Khlang. J. Crawfurd, đại sứ Anh tới hoàng gia Xiêm vào đầu thế kỉ 19 đã miêu tả thẩm quyền của Phra Khlang như sau:

Prah-Khlang đảm nhiệm tất cả các vấn đề liên quan tới thương mại và độc quyền của hoàng gia  và bởi vì chính phủ Xiêm không công nhận bất cứ mối quan hệ với nước ngoài nào ngoài những gì liên quan tới thương mại cho nên ông ta cũng được hiểu ngầm là bộ trưởng bộ ngoại giao… Ông ta cũng giám sát các công việc chung của các tỉnh phía đông hoặc các tỉnh được chỉ định bắtbuộc trồng và cung cấp hạt tiêu, bạch đậu khấu, và các sản phẩm nông nghiệp khác[17].

Không lâu sau sứ đoàn của Crawfurd, Charles Gutzlaff đã viết về Phra Khlang như sau:

Danh hiệu này đã được người châu Âu ở Xiêm biết tới trong nhiều thế kỉ có lẽ bởi vì họ phải tiến hành buôn bán với viên chức này, Okya Phra Khlang phụ trách các công việc thương mại của nhà vua, những chiếc thuyền của ông ta và một số loại thuế nhất định như thuế hải quan được thu tại các cảng của vương quốc… Thêm nữa, …tất cả các vấn đề có liên quan đến chính sách ngoại giao và các quan hệ ngoại giao phát sinh từ đó và khi nhiều năm qua đi thì cơ quan này được người nước ngoài biết đến như là cơ quan ngoại giao[18].

 

Nhiều cơ quan cấp dưới thuộc  sự chỉ đạo của Phra Khlang cũng tham dự vào các vấn đề ngoại giao. Các quý tộc hàng thứ hai với danh hiệu Phraja Srihohiphad và Phraja Phiphadkosa là hai trợ thủ cao cấp nhất. Thêm nữa, cũng có 4 quý tộc hàng thứ hai khác (Phraja), hai quý tộc hàng thứ ba (Phra) và 11 quý tộc hàng thứ tư (Luang) trong cơ quan giúp Phra Khalang điều hành các hoạt động đối ngoại[19].

Trong thời kì Ayutthaya, có vẻ như các mối liên hệ với người Trung Quốc và các thương nhân Hồi giáo quan trọng hơn nhiều so với các người châu Âu[20]. Một bằng chứng là thủ lĩnh của những cư dân người Trung Quốc và thủ lĩnh của cư dân Hồi giáo ở Xiêm thường được chỉ định nắm hai vị trí quan trọng trong cơ quan của Phra Khlang. Phraja Cularadchamontri hay người đứng đầu cơ quan phụ trách cảng phía phải (Krom Tha Khwa) và Phraja Chodygrachasedthi, người đứng đầu cơ quan phụ trách cảng phía trái luôn luôn được dành cho thủ lĩnh người Trung Quốc và thủ lĩnh người Hồi giáo. Thủ lĩnh người Hồi giáo giúp Phra Khlang kiểm tra, giám sát các hoạt động thương mại và ngoại giao với các quốc gia ở phía tây của Xiêm nơi thủ lĩnh người Trung Quốc tiến hành tương tự nhưng với các quốc gia ở phía đông.

Bên cạnh Phra Khlang và thuộc cấp của ông ta, nhà vua đôi khi cũng chỉ định các viên chức tin cẩn khác để giải quyết một số trường hợp đặc biệt liên quan đến các vấn đề đối ngoại. Ví dụ một đô đốc của đội quân đánh thuê người Nhật* đã được vua Ekathodsarod (1605-1620) ủy quyền để kí hiệp ước với Houtman, một đại diện của chính phủ Hà Lan vào ngày 12 tháng 6 năm 1617 liên quan tới các quy định đối với việc buôn bán da hươu nai và các động vật khác[21]. Trong một vài trường hợp, các thành viên của gia đình hoàng gia cũng tham dự vào các sự kiện đối ngoại. Dưới triều vua Rama II thời kì Bangkok, hoàng tử Krom Chiat (Cedsadabqdin), người sau này trở thành vua Rama III đã được J. Crawfurd đề cập đến như là trợ thủ của Phra Khlang, tự mình giám sát cơ quan phụ trách ngoại giao và ngoại thương cùng Phra Khlang[22].  Sự can dự của hoàng tử Cedsadabqdin vào các sự kiện đối ngoại nảy sinh từ sự can dự của ông trong lĩnh vực buôn bán. Vua Chulalongkorn hay Rama V viết về mối quan tâm của  hoàng tử Cedsadabqdin đối với thương mại như sau:

Có lẽ hơn ai hết, ông hiểu được sự cần thiết của ngoại thương đối với nguồn thu từ thuế của quốc gia. Bản thân ông sở hữu nhiều thuyền buôn và rất thành công khiến cho cha ông (Rama II) thường gọi đùa ông là “nhà buôn”[23].

Từ sự bàn thảo trên chúng ta có thể kết luận rằng Bộ trưởng bộ Ngân Khố là cơ quan quan trọng nhất của người Xiêm giải quyết các công việc liên quan đến quan hệ với người nước ngoài. Nhưng để có bức tranh rõ ràng hơn về sự quản lý của người Xiêm trong các mối quan hệ đối ngoại cần phải điều tra thêm các khía cạnh khác trong các quy định, phong tục đối ngoại của người Xiêm.

Tư tưởng  của Xiêm về  sứ giả và sứ đoàn

John Crawfurd, người đã gặp khó khăn trong việc đàm phán với người Xiêm tin rằng tư tưởng ngoại giao của Xiêm, thứ vốn rất khác tư tưởng ngoại giao của người châu Âu là những trở ngại chính đối với việc hoàn thành sứ mệnh của ông. Ông đã khéo léo miêu tả những tư tưởng này như sau:

Xiêm và các quốc gia châu Âu xét ở phương diện các sứ đoàn ngoại giao rất khác nhau về bản chất. Đối với người Xiêm thì sự trọng vọng chủ yếu được dành cho lá thư được mang tới chứ không dành cho sứ giả người mang lá thư và họ được coi không khác gì người đưa tin danh dự[24].

Sự quan sát của Crawfurd là chính xác. Trong khi phong tục của châu Âu trọng vọng sứ giả như là một cá nhân,  người thay mặt thật sự của nhà vua hay người đứng đầu nhà nước và đối xử với ông ta như thế thì trái lại Xiêm chỉ coi ông ta như một người đưa tin. Các quốc gia phương Tây coi thư của hoàng gia như là lá thư giới thiệu sứ giả trong khi Xiêm  coi nó như là đại diện thực sự của vua và dành cho nó những nghi lễ long trọng, cầu kì[25]. Bất cứ khi nào Xiêm gửi đi một thông điệp hoàng gia, nó luôn được đi kèm theo các sứ giả với thuyền của hoàng gia đi hộ tống cho đến tận nơi, ít nhất là đến tận biên giới của quốc gia cần đến[26]. Không có sứ giả nào được phái đi mà không có thư của hoàng gia hay thứ gì đó thay thế đi kèm. Trong khoảng thời gian giữa hai đoàn sứ giả, Phra Khlang là người liên lạc giao thiệp với nước ngoài ở cấp độ bộ trưởng. Thư của hoàng gia, trong phong tục phương Tây, có thể được gửi tới mà không có sứ giả đi kèm, một phong tục được coi như là một sự không thích hợp hay sự lăng mạ đối với người Xiêm. Giống như một quy tắc, lá thư của hoàng gia Xiêm được khắc trên một chiếc đĩa vàng với một bản sao trên giấy đi kèm. La Loubere, sứ giả người Pháp tới Xiêm vào thế kỉ 17 đã viết trong cuốn sách của ông chuyện sứ giả đã nhận được rất ít sự trọng vọng từ triều đình Xiêm trong sự tương phản với sự trọng vọng mà họ giành cho lá thư của hoàng gia. Ông viết:

Một sứ giả ở phương Đông chẳng qua cũng chỉ là người đưa tin của nhà vua: ông ta không thay mặt cho ông chủ của mình. Họ ít trọng vọng ông ta so với sự kính trọng được dành cho quốc thư mà họ mang theo. Mr. de Chaumont (sứ giả Pháp tới Xiêm trước La Loubere), mặc dù là một sứ giả xuất sắc, chưa bao giờ có được một chiếc Balon (thuyền rồng hoàng gia) trong đoàn của mình mà chiếc thuyền rồng được dành cho lá thư của nhà vua, thứ ông phải chuyển tới vua Xiêm. Chiếc thuyền rồng này có tới 4 chiếc lọng, mỗi chiếc được bố trí ở từng góc ngồi, và có tới bốn chiếc thuyền rồng khác nhập vào đoàn được trang hoàng với những chiếc lọng…[27]

Thêm nữa, trong khi các sứ giả châu Âu là các đại diện toàn quyền, các sứ giả Xiêm không có thẩm quyền gì trong việc đưa bất cứ thỏa thuận nào. Thứ duy nhất mà họ được phép làm là làm rõ hay giải thích những gì còn tối nghĩa trong lá thư của hoàng gia và tất cả chỉ có thế[28].

Liên quan đến thứ hạng của sứ giả, phong tục của Xiêm cũng khác với phong tục ở các nước châu Âu. Các quốc gia châu Âu chỉ coi người đứng đầu sứ đoàn là sứ giả còn các bộ trưởng và nhân viên đi cùng là thuộc cấp của người thay mặt vua. Trái lại, Xiêm coi cả ba quan chức đứng đầu trong sứ đoàn của Xiêm là các sứ giả. Ba quan chức đứng đầu này có danh hiệu chính thức là Radchatud (sứ giả hoàng gia), Uboratud (sứ giả hoàng gia hàng thứ hai) và Tritud (sứ giả hoàng gia hàng thứ ba)[29]. Tuy nhiên hai sứ giả đứng sau phải tuân theo lời sứ giả thứ nhất. Tầm quan trọng của mỗi quốc gia nước ngoài đối với Xiêm được xác định bằng thứ hạng chính thức của sứ giả Xiêm. Các sứ giả của Xiêm tới các quốc gia nhỏ thường thuộc hai hệ thống cấp bậc thấp nhất: Luang và Khun. Những sứ giả tới các quốc gia lớn hơn thuộc hàng thứ ba: Phra[30]. Trên thực tế, các sứ giả của Xiêm hiếm khi có thứ bậc lớn hơn Phra. Thực tế này diễn tả rằng ông ta “không được coi như nhân vật rất quan trọng”[31].


[1] Khun là một danh hiệu kính trọng dành cho quý tộc Xiêm có địa vị cao hơn danh hiệu có tên tương tự ở thời kì sau. Qgja là thứ bậc cao nhất tại thời điểm nó được sử dụng. Phraja là chính xác cũng giống như Qgja nhưng ở vào thời  gian đó nó được dùng như thứ bậc thứ hai sau Cawphraja vốn được thêm vào các thứ bậc quý tộc trong thời kì Ayuthaya sau đó.

Trong thời Ayutthaya, thứ bậc quý tộc Xiêm gồm 5 danh hiệu. Thứ nhất: Qgja, thứ hai: Qgphra, thứ ba: Qgluang, thứ tư: Qgkhun, thứ năm: Qgmyn. Khi danh hiệu Cawphraja được thêm vào như thứ bậc thứ nhất các thứ bậc khác hạ thấp hơn một bậc và tên của chúng đổi thành Phraja, Phra, Luang, Khun và Myn.

* Từ Khlang trong tiếng Xiêm có nghĩa “ngân khố” hoặc “kho hàng”

[2] Các phiên bản khác của Phra Khlang là: Berkelang, Barckelangh, Berklam, Berquelang, Concusa, Brah Glan, Phismachan, Schimacha, Barbalong.

[3]  Có 4 cơ quan cao cấp được thành lập cùng nhau trong thời gian này: Khun Wiang ( Wiang =thành phố) đảm nhận các sự kiện nội địa ở thành phố, thị tứ, Khun Wang (Wang= lâu đài) đảm nhận các sự kiện trong cung, Khun Khlang đảm nhận ngân khố hoàng gia và Khun Na (Na=ruộng lúa) đảm nhận nông nghiệp.

[4] Damrong Rajanubhab, Prince, The Royal Chronicle (Phrarad-chaphongsawadan Chabab Phraradachahadleka) ( tiếng Xiêm), I (Bangkok: Cdiansato, 1962), 413-414.

[5] Sarasas, Phra. My Country Thailand:  Its History, Geography, and Civillization ( Tokyo: Maruzenko., 1942), 56: đồng thời xem V. Thompson, Thailand: The New Siam (New York: The MacMillan Co., 1941), 418.

[6]  Damrong Rajanubhab, Prince, The Chronicle of the Second Reign of the Bangkok Dynasty(Phraradchaphongsawadan Krung Radtannakosin Radachankan Thi 2) ( tiếng Xiêm), II (Bangkok: Sygsaphan, 1962), 135.

[7] Ibid.

* Sibsqngthqngphrakhlang.

[8] Damrong Rajanubhab and Narit, Princes, Letters Communicated between the Two Princes ( Sansomded) ( tiếng Xiêm), XIII (Bangkok: Khurusapha, 1961), 181-183.

[9] Ibid., 142-144

[10] Thipakqrawong, Cawpharaja, The Dynastic Chronicles, Bangkok Era, The Fourth Reign, B.E. 2394-2411 (A.D. 1851-1868) ( Chadin (Kanjanavanit) Flood dịch với sự giúp đỡ của E.T. Flood), (Tokyo: Centre for East Asian Cultural Sdudies, (1965)), I, 21.

[11] E. Roberts, Embassy to the Eastern Court of Cochin-China, Siam, and Muscat (New York: Harper &Borthers, 1837), 302

[12] Records of the Relations between Siam and Foreigns Countries in the Seventeenth Century ( Copied from papers presented at the India Office) (Bangkok, 1915-1921), II, 119-120.

[13] J. Crawfurd, The Crawfurd Papers: A Collection of Official Records Relating to the Mission of Dr. John Crawfurd…. ( Bangkok: Vajiranana National Library, 1915), 123.

[14] Records of the Relations…., op. cit., 66-71.

[15] Ibid., 242.

[16] Ibid., 234-235.

[17] J. Crawfurd, The Crawfurd Papers, op. cit., 123-124

[18]  C. Gutzlaff, A Sketch of Chinese History, Ancient and Modern (London: Smith, Elder & Co., 1834), II, 367

[19] E. Roberts. Op. cit., 302; đồng thời xem J. Crawfurd, The Crawfurd Papers, op. cit., 168.

[20] Theo Prince Damrong Rajanubhab, người Xiêm thích buôn bán với người Hồi giáo và người Trung Quốc hơn người châu Âu bởi vì người Hồi giáo và người Trung Quốc tuân thủ luật lệ và phong tục của đất nước trong khi người châu Âu thì không và thường tranh chấp lẫn nhau. Xem Damrong Raja-nubhab, Prince, The Chronicle of the Second Reign…, op.cit., I, 138-139

* Tên của ông ta được biết tới là Olong Luupatou Opra, một người bí ẩn. Xem Records of the Relations, loc. Cit.

[21]  Records of the Relations…., op.cit., I, 77.

[22] J. Crawfurd, The Crawfurd Papers…, op. cit., 124.

[23] Chulalongkorn, King of Thailand, Text for a Sermon in Honor of King Rama III (tiếng Xiêm) (Bangkok, 1939), 38, được dịch và trích dẫn bởi  hoàng tử Chula Chakrabongse, Lords of Life (London: Alvin Redman, 1960), 1945.

[24]  J. Crawfurd, Journal of an Embassy to the Court of Siam and Cochin-China (London: Oxford U. Press, 1967), 80.

[25] H.G.Q. Wales, Siamese State Ceremonies: Their History and Function (London: B. Quaritch, 1931), 180.

[26] Saengsom Kasemsri, M.R., A Series of Lectures Concerning Thai History (given at Chulalongkorn University, Bangkok, Thailand, in 1963).

[27] La Loubere, Simon de, A New Historical Relation of the Kingdom of Siam (S.P. Gen dịch từ tiếng Pháp) (London: Theodore Horne, 1693), I, 108.

[28]  Saengsom Kasemsri, M.R., op.cit.

[29] La Loubere, Simon de, loc . cit: H.G.Q. Wales, Siamese State…, op. cit., 185.

[30] Saengsom Kasemsri, M.R., op.cit

[31] H.G.Q. Wales, Siamese State…, op.cit., 185.

Các quy định và phong tục tiếp đón sứ giả tại triều đình Xiêm.

Cả phong tục của Ấn Độ và Trung Hoa đều có ảnh hưởng tới sự ra đời và phát triển của các lễ nghi của triều đình Xiêm trong đón tiếp sứ giả nước ngoài. Ban đầu, các nghi lễ triều đình bị ảnh hưởng nặng bởi văn minh Ấn Độ. Về sau, sự trao đổi sứ giả giữa Xiêm và Trung Quốc sau thời kì Sukhothai dần dần đã ảnh hưởng đến lề lối và phong cách đón tiếp sứ giả, một thực tế thú vị sẽ được đề cập đến ở phần sau[1].

Ngay khi sứ giả nước ngoài tới cửa sông Cawphraja (Menam), ông ta phải neo thuyền ở đó[2]. Sau đó ông ta phải thông báo cho các quan chức Xiêm về mục đích của mình và chờ đợi câu trả lời từ kinh đô, thứ thường mất nhiều ngày. Nếu đi cùng ông ta có sứ giả của Xiêm trở về từ nước ngoài thì sứ giả Xiêm này sẽ phải thông báo tới vua sự trở về của họ trước sau đó mới tâu lên chuyện sứ giả  nước ngoài[3]. Thêm nữa, họ buộc phải giải giáp tất cả các khẩu đại bác trên tàu và trong vài trường hợp họ còn phải rời bỏ các khẩu súng nhỏ và đạn dược nữa[4].  Biện pháp này nhằm mục đích đảm bảo an ninh của quốc gia.

Sau  khi nhận được sự cho phép từ nhà vua, sứ giả nước ngoài có thể ngược sông lên kinh đô. Tuy nhiên, trên đường tới kinh đô, ông ta phải dừng lại lần nữa tại nhà hải quan đầu tiên (khanqn), được đặt tại nơi mà ngày nay là Bangkok[5]. Ông ta cũng bị yêu cầu phải khai toàn bộ hàng hóa nếu có và danh sách các món quà dành cho vua để kiểm tra. Lá thư của hoàng gia cũng sẽ được dịch. Đồng thời, tại kinh đô Ayuthaya của Xiêm, sự chuẩn bị tiếp đón sứ giả được chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ. Khi mọi thứ sẵn sàng, sứ giả sẽ được phép tiếp tục tiến lên. H.G.Q. Wales miêu tả cách thức đón tiếp của người Xiêm như sau:

Một đoàn thuyền rồng của quốc gia được gửi tới để đón nhận lá thư* và sứ giả. Lá thư của hoàng gia được đặt trong một chiếc đế vàng** và được đặt trên đầu của một người Xiêm như là dấu hiệu của sự kính trọng; sau đó nó được chuyển đi dưới tán lọng hoàng gia tới thuyền rồng có ngai vàng và được lắp vào vật hình tháp chóp. Các sứ giả đi theo sau trên những chiếc thuyền rồng kém lộng lẫy hơn…[6]. 

Thông thường, trong thời kì Ayutthaya sứ giả nước ngoài lên bờ tại cảng sông có tên Pratu Chaj (Khải hoàn môn) nằm đối diện ngay tu viện có tên Phudthajsawan. Chiếc đế đựng lá thư hoàng gia được chuyển tới chiếc xe ngựa hoàng gia; sứ giả ngồi trên kiệu hoặc trên ngựa tùy theo thứ bậc của ông ta[7].

Trong thời gian ông ta ở Xiêm, sứ giả sẽ nhận được những gì tốt nhất mà Xiêm có thể đáp ứng như nhà trọ,  thức ăn, phương tiện đi lại…Chỉ sau khi trình quốc thư lên vua và truyền đạt thông điệp của nhà vua, sứ giả mới được tham gia vào các hoạt động thương mại[8].  Trước khi tiếp kiến hoàng gia, sứ giả bị yêu cầu trình lên quốc thư và trình bày về mục đích của chuyến đi tới Phra Khlang tại dinh thự của ông ta. Cuộc gặp với Phra Khlang diễn ra nhiều lần trước khi sứ giả được phép yết kiến vua. Các cuộc gặp này thường được tổ chức tại dinh thự của Phra Khlang bởi vì  nghi thức không cho phép Phra Khlang gặp sứ giả nước ngoài trước khi có phép của hoàng gia. Tuy nhiên, sứ giả bị nghiêm cấm đi tới bất cứ nơi nào ở kinh đô cho tới  khi tiếp kiến hoàng gia.

Theo N. Gervaise, sự đón tiếp của người Xiêm dành cho lá thư của hoàng gia nước ngoài có hai kiểu khác nhau tùy thuộc vào việc nó được gửi tới bởi chính thể có thứ bậc tương đương hay được gửi tới bởi nước chư hầu.  Các lá thư hoàng gia từ Trung Quốc, Ấn Độ và Ba-tư được tiếp đón với “nghi lễ long trọng hơn nhiều” so với những lá thư đến từ các nước chư hầu. Trong trường hợp thư đến từ các nước chư hầu, Gervaise nói với chúng ta rằng:

… Ông ta (vua Xiêm) đối xử với họ kém trang trọng hơn và mặc dù ông ta không tạo ra lý do gì khiến cho sứ giả phàn nàn, ông ta vẫn làm cho họ cảm thấy sự khác biệt tồn tại giữa vua của Xiêm và những ông vua cử họ tới. Trước khi được ban đặc ân tiếp kiến nhà vua,  họ buộc phải  đặt lá thư lên tay của Barcalon và trình bày với ông ta những vấn đề mà sứ đoàn đã được trao, chúng được kiểm tra và nhà vua đưa ra tuyên bố về các vấn đề đó đồng thời đồng ý tiếp họ hay không. Vào ngày tiếp kiến lá thư, một bản đã được dịch ra tiếng Xiêm, được đưa tới một ngôi nhà nhỏ  xây bên ngoài kinh thành có dạng kim tự tháp. Nó được giữ ở đó cho tới khi nhà vua ủy nhiệm cho vài viên quan lớn chấp thuận nó với sự trang trọng giống như dành cho bản thân nhà vua người đã viết ra nó. Họ cầm lá thư một cách trang trọng dưới chiếc lọng lộng lẫy cắm trên một trong số những chiếc thuyền rồng quốc gia và khi đến cung điện họ trình lá thư lên nhà vua, người sẽ đọc nó và sau đó trả lại cho họ để

0