Ngoại tộc dày xéo, cai trị Trung Quốc: Mãn Thanh
Hồ Bạch Thảo Thời kỳ Hậu Kim. Đầu triều Minh, Nữ Chân chia thành 3 bộ tộc lớn: Kiến Châu Nữ Chân, Hải Tây Nữ Chân, và Đông Hải Nữ Chân; riêng từng lớp thống trị triều Thanh xuất thân từ họ Ái Tân Giác La, Kiến Châu Nữ Chân. Nhà Minh tại miền đông bắc thiết lập Đô ty ...
Hồ Bạch Thảo
- Thời kỳ Hậu Kim.
Đầu triều Minh, Nữ Chân chia thành 3 bộ tộc lớn: Kiến Châu Nữ Chân, Hải Tây Nữ Chân, và Đông Hải Nữ Chân; riêng từng lớp thống trị triều Thanh xuất thân từ họ Ái Tân Giác La, Kiến Châu Nữ Chân. Nhà Minh tại miền đông bắc thiết lập Đô ty Liêu Đông, các bộ tộc Nữ Chân đều thần phục Đô ty. Mãnh Kha Thiếp Mộc Nhi Thủ lãnh Kiến Châu Nữ Chân lúc bấy giờ làm Tả đô đốc vệ Kiến Châu, năm 1433 nhân xung đột trong bộ tộc bị giết. Năm 1440 bộ lạc Kiến Châu di chuyển xuống phương nam, cuối cùng định cư tại Hách Đồ Ha Lạp [thuộc Liêu Ninh].
Năm 1583 Nổ Nhĩ Cáp Xích được nhà Minh phong làm Tả vệ chỉ huy sứ Kiến Châu, dùng 13 bộ y giáp của tổ phụ để lại làm biểu tượng, tiếp tục kiêm tính toàn bộ Nữ Chân. Rồi xây thành trì, định pháp luật, xử tố tụng, thành lập chế độ Bát Kỳ.Bát Kỳ thể theo hình thức quân sự áp dụng cho toàn dân Nữ Chân; dưới sự lãnh đạo của từng lớp quí tộc, binh dân hợp nhất, đều nằm trong tổ chức; lúc chiến tranh là quân, hoà bình là dân. Chế độ Bát kỳ giúp xã hội Nữ Chân phát triển, củng cố địa vị thống trị của Nổ Nhĩ Cáp Xích.
Năm 1616 Nổ Nhĩ Cáp Xích tự xưng là Hãn, đặt tên nước là Kim, tự cho là hậu duệ của nước Kim thời thế kỷ thứ 12, sử gọi là Hậu Kim, khởi binh chống lại nhà Minh; năm 1618, công bố “7 đại hận” với triều Minh, làm lễ thệ sư (1) đánh Minh. Năm 1619 quân Minh giao chiến tại Tát Nhĩ Hử [Phủ Thuận thị, Liêu Ninh] bị thảm bại; trong vòng mấy năm mất hơn 70 thành.
Năm 1621 Nổ Nhĩ Cáp Xích đánh chiếm Thẩm Dương [Liêu Ninh], Liêu Dương [Liêu Ninh]. Ngày 3 tháng 3 năm Ất Sửu [1625] tại Liêu Dương cúng tế lăng tổ tiên xong, bèn cùng thân tộc và các quan khởi hành, tối ngủ tại quán dịch Hổ Bì, ngày hôm sau đến Thẩm Dương, chọn nơi này làm kinh đô của Hậu Kim. Năm 1626, trong chiến dịch tại Ninh Viễn [Hưng Thành thị, Liêu Ninh], Nổ Nhĩ Cáp Xích bị trọng thương vì pháo, sau đó mất; con thứ 8 là Hoàng Thái Cực kế vị, liên hợp với Mông cổ, liên tục đánh nhà Minh, thực lực không ngừng khuếch trương.
B.Mãn Thanh đánh chiếm toàn bộ Trung Quốc.
Năm 1635 Hoàng Thái Cực phế bỏ danh hiệu dân tộc Nữ Chân, đặt tên là Mãn Châu. Năm 1636, hàng phục Mông Cổ tại phía nam sa mạc; rồi xưng Đế, cùng cải quốc hiệu từ Kim sang Đại Thanh, chính thức lập Thanh triều, niên hiệu Sùng Đức. Năm 1637, hàng phục chính quyền họ Lý tại Triều Tiên.
Năm 1640 cuộc chiến tranh tại Tùng Cẩm [Tùng Sơn và Cẩm Châu, Liêu Ninh] bạo phát; phía quân Minh Hồng Thừa Trù bị bắt tại Hồng Sơn, Tổ Đại Thọ đầu hàng tại Cẩm Châu. Sau thất bại tại TùngCẩm, hệ thống phòng ngự của quân Minh hoàn toàn sụp đổ, phía ngoài quan ải chỉ còn có cô thành Ninh Viễn. Năm 1643, Hoàng Thái Cực chết, Phúc Lâm kế vị mới 6 tuổi, tức vua Thuận Trị, nên chú là Đa Nhĩ Cổn làm nhiếp chính.
Năm 1643, Lý Tự Thành nỗi dậy tại Tương Dương [Hồ Bắc] xưng là Thuận vương; năm sau công hãm kinh thành Bắc Kinh, vua Sùng Trinh tại Cảnh Sơn tự sát. Tướng Minh là Ngô Tam Quế, trấn thủ tại Sơn Hải Quan [Hà Bắc] đầu hàng Thanh. Đa Nhĩ Cổn chỉ huy quân Bát Kỳ, dùng Ngô Tam Quế làm tiên phong, cấp tốc vào quan ải, đánh bại quân Lý Tự Thành, tiến chiếm Bắc Kinh. Cùng năm, vua Thuận Trị dời đô về Bắc Kinh, làm lễ tế cáo trời đất tổ tiên, coi như làm vua cả nước.
Sau khi quân Thanh làm chủ Bắc Kinh, Lý Tự Thành thua rút về Thiểm Tây. Đám di thần nhà Minh như Mã Sĩ Anh ủng lập Phúc vương lên ngôi vua tại Nam Kinh, tức vua Hoằng Quang, sử gọi là Nam Minh. Nam Minh mới lập nhưng nội bộ đảng tranh chấp, hoạn quan gây loạn, nên thế lực chia rẽ xâu xé.
Trước tiên Đa Nhĩ Cổn phái các tướng Ha Tế Cách, Ngô Tam Quế, Đa Đạc, Khổng Hữu Đức chia làm 2 đạo quân Thiểm Tây, Hà Nam, đánh Lý Tự Thành tại Thiểm Tây, sau đuổi đến Hồ Bắc rồi tiêu diệt. Phái Hào Cách đánh dẹp Trương Hiển Trung tại Tứ Xuyên; những lực lượng chống đối khác đều đầu hàng nhà Nam Minh, để chống Thanh. Nhắm tiêu diệt triều đình Nam Minh nhiều chia rẽ, năm 1645 Đa Nhĩ Cổn điều động quân Thanh đánh Sử KhảPháp trấn thủ tại Dương Châu [Giang Tô]; vua Hoằng Quang chạy đến Vu Hồ [An Huy] thì bị bắt, đem về giết tại Bắc Kinh.
Lỗ vương nhà Minh Chu Dĩ Hải khởi binh tại Chiết Giang, Đường Vương Long Vũ đế tại Phúc Kiến, hai bên bất hoà; đều bị quân Thanh đánh phá, Trịnh Chi Long từng phò Long Vũ Đế xin đầu hàng. Sau đó Quế vương tại phủ Triệu Khánh, Quảng Đông tự lập là Vĩnh Lịch đế; trong thời gian này có các tướng như Cù Thức Tỷ,Lý Định Quốc, Trịnh Thành Công trước sau khôi phục vùng Hoa Nam, nhưng vì vị trí xa cách không yểm hộ nhau được, hoặc nội bộ phát sinh phản biến nên đều thất bại. Năm 1661, quân Thanh vào Vân Nam, Vĩnh Lịch đế chạy sang Miến Điện, cuối cùng bị Ngô Tam Quế bắt giết. Lúc bấy giờ chỉ còn lại lực lượng của Trịnh Thành Công đóng tại Đài Loan và một ít quân Minh tại Miến Điện; cơ bản quân Thanh đã chiếm được toàn bộ Trung Quốc. Do thế lực phản Thanh tại vùng Hoa Nam còn lớn, vua nhà Thanh phong cho Ngô Tam Quế, Cảnh Trọng Minh, Thượng Khả Hỷ làm Vương để trấn giữ Vân Nam, Quảng Đông, cùng Phúc Kiến, sử gọi là Tam Phiên.
Sau khi quân Thanh đánh vào Sơn Hải Quan [Bắc Kinh] Đa Nhĩ Cổn thi hành chính sách khắt khe, bắt người Hán cạo tóc và thay y phục; khiến một bộ phận người Hán phản kháng, có quan nhà Minh là Tả Mậu Đệ nói rằng “Đầu ta có thể cắt được, nhưng tóc thì không thể cắt, ta phải sớm tìm cách chết thôi!” Quân Thanh đối với những người phản đối, đàn áp một cách tàn bạo, sử gọi là “Giáp Thân[1644] quốc nạn”. Lúc mới vào kinh đô Bắc Kinh, Đa Nhĩ Cổn ban hành chính sách khắc nghiệt, khiến dân phải bỏ ruộng đất, lưu lạc tha phương. Sau này triều Thanh hạ lệnh đình chỉ những chính sách này; cho thực thi tưởng lệ khẩn hoang, giảm thuế; lại còn chính thức mở khoa cử chọn kẻ sĩ làm quan, truy tôn vua Sùng Trinh và các trung thần.
Năm 1661 vua Thuận Trị mất lúc còn nhỏ tuổi, người con 8 tuổi lên ngôi, tức vua Khang Hy. Triều đình cử 4 viên Phụ chính, trong đó có viên quan lộng quyền Ngạo Bái; Khang Hy lúc mới kế vị đã dùng mưu kế diệt được Ngạo Bái, củng cố quyền vua. Thế lực của Tam Phiên, Ngô Tam Quế, Cảnh Tinh Trung, và Thượng Chi Tín bao gồm một nữa nước; những viên này trước sau xin triệt Phiên để thử bụng triều đình. Lúc bấy giờ có một số Đại thần lo rằng Tam Phiên sẽ nhân đó làm loạn nên phản đối; nhưng vua Khang Hy và Hoàng Thái hậu Hiếu Trang không sợ, nên chấp nhận cho triệt Phiên. Điều này khiến cho Tam Phiên cùng Vương Phụ Thần tại Thiểm Tây, Tôn Đình Linh tại Quảng Tây, và Trịnh Kinh tại Đài Loan liên hiệp cùng nỗi dậy. Trong thời gian 9 năm, thế lực phản Thanh khắp vùng Hoa Trung, Hoa Nam; cuối cùng Ngô Tam Quế xưng Đế, đặt quốc hiệu Chu. Quân Thanh chủ trương phòng ngự cẩn mật, rồi đánh thọc xuống Thiểm Tây, Giang Tây để chia cắt lực lượng chống đối. Ngoài ra quân Ngô Tam Quế không tích cực bắc phạt; nội bộ quân phản Thanh bị chính quyền Ngô Tam Quế can thiệp nên chia rẽ, sau cùng Vương Phụ Thần, Cảnh Tỉnh Trung, Thượng Chi Tín đầu hàng Thanh, quân Trịnh Kinh chiếm lãnh duyên hải Phúc Kiến bị đánh bại. Năm 1683 quân Thanh vào Vân Nam; Ngô Thế Phiên kế vị Ngô Tam Quế tự tử; loạn Tam Phiên bị tiêu diệt hoàn toàn, quốc gia bị tổn thất rất lớn, những vùng như Tứ Xuyên, Vân Nam, Giang Tây phần lớn dân bị sát hại. Vào năm 1681 Trịnh Kinh mất, con là Khắc Sảng kế vị, nội bộ có loạn nên không ít tướng lãnh hàng Thanh. Triều Thanh bèn sai hàng tướng Thi Lang mang thuỷ sư đánh Đài Loan. Thi Lang chiếm Bành Hồ, mang quân áp sát Đài Nam, Trịnh Khắc Sảng mang bộ hạ hàng Thanh, họ Trịnh tại Đài Loan bị diệt.
C.Quá trình mở mang rồi suy thoái.
Sau khi bình định xong Tam Phiên, nhà Thanh bước vào thời thịnh, sử gọi là “Khang, Ung, Càn thịnh thế”. Khang Hy là vị vua khoan nhân, lưu tâm đến vấn đề nhân sinh, tuyên bố đình chỉ khuyên địa (2), khuyến khích khẩn hoang bằng cách qui định một số năm miễn thuế; lại chỉnh đốn quan lại cai trị, cùng cải cách việc khảo hạch. Với lời hứa “khuyến khích sinh sản, vĩnh viễn không tăng thuế” cùng với phát triển nông nghiệp, khiến nhân khẩu dưới thời Khang Hy tăng cao.
Năm 1685 và 1686, quân Thanh hai lần tấn công quân Nga Sa Hoàng bàn cứ tại vùng Nhã Khắc Tát, dập tan dã tâm xâm lược của Nga; năm 1689 ký hoà ước Ni Bố Sở (3), hoạch định biên giới Trung Nga.
Vua Ung Chính lên ngôi năm 1723, đối với việc triều chính có những cải cách nổi bật như thiết lập Quân cơ xứ; đây là cơ quan phụ giúp nhà vua về quyết sách cũng như cơ cấu hành chánh, cơ quan này đóng ngay trong Tử Cấm Thành để vua tiện bề tham khảo. Một cải cách quan trọng khác là chính sách cai trị trực tiếp các dân tộc thiểu số.Trước đó các dân tộc thiểu số tại Trung Quốc do Tù trường địa phương trực tiếp cai trị, theo thể thức cha truyền con nối, có nhiệm vụ nạp cống cho triều đình. Vua Ung Chính ban hành “cải thổ qui lưu”, tức chia đất thành phủ, huyện; rồi cử quan lại đến trực tiếp cai trị.
Năm 1735 vua Càn Long lên ngôi, trong thời gian trị vì nhà vua có lập nên một ít thành tích văn trị vũ công, nhưng so với thế giới Tây Phương lúc bấy giờ tiến nhanh như mang hia vạn dặm, thì Trung Quốc đang đi vào thoái trào lạc hậu. Vào cuối đời Càn Long lộ ra những hiện tượng suy vi, phát sinh nhiều cuộc dân biến. Bạch Liên Giáo cử binh vào năm 1770, đến năm 1796 bạo phát tại Tứ Xuyên, Lưỡng Hồ. Tại Đài Loan, Thiên Địa Hội do Lâm Sảng Văn lãnh đạo, chiếm cứ Đài Loan; năm 1788 vua Càn Long phải sai Phúc Khang An mang quân ra đánh mới dẹp xong; tiếp đến thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lăng Việt Nam. Năm 1795 Càn Long nhường ngôi cho con tức vua Gia Khánh,năm 1799 mất, nên đến lúc này Gia Khánh mới thực sự đảm trách việc chính trị. Tuy nhiên Gia Khánh cũng chưa giải quyết được mọi tệ đoan, đất nước tiếp tục đi vào con đường suy thoái. Đến thời Đạo Quang thì nhiều tệ trạng xãy ra: chốn quan trường kết đảng mưu tư lợi, mua quan bán tước, hối lộ thành tập quán; quân đội trang bị cũ kỹ, thao luyện lười biếng, kỹ luật bại hoại; tài chánh thì nhập không bù nỗi xuất.
D.Thời cận đại.
Do quan lại tham ô, hải quan nhập lậu nhiều nha phiến; nên năm 1839 vua Đạo Quang bèn cử Lâm Tắc Từ đến Quảng Châu cấm chỉ. Nước Anh cậy mạnh, muốn mở mang thị trường tại Trung Quốc, bèn lấy cớ nha phiến bị tịch thu, phát động chiến tranh; Thanh triều chiến bại, bị ép phải ký “Nam Kinh điều ước” vào năm 1842. Một mặt triều Thanh phải mở cảng cho ngoại quốc thông thương, một mặt vơ vét mọi cách để có tiền bồi thường chiến tranh; khiến dân chúng cùng khổ phẫn uất, rầm rộ khởi sự: tại lưu vực sông Hoàng Hà, sông Hoài có quân Niệm; từ sông Dương Tử xuống phía nam Thái Bình Thiên Quốc hoành hành; miền Vân Nam có lực lượng Hồi của Đỗ Văn Tú, Mã Như Long. Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn là thế lực mạnh nhất, dấy lên từ Kim Điền, Quảng Tây; ngược phía bắc chiếm các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc; rồi xuôi dòng Dương Tử chiếm Nam Kinh. Từng nỗ lực bắc chinh lên đến tận Hà Bắc bị thất bại, rồi hai lần tây chinh nhắm quay trở lại Hồ Bắc, cuối cùng không thu được kết quả. Tuy trấn áp được quân Bát Kỳ, nhưng cuối cùng bị Tương Quân dưới quyền Tăng Quốc Phiên, Tả Tông Đường; Hoài quân dưới quyền Lý Hồng Chương, và Thường Thắng quân, Thường Tiệp quân do ngoại quốc bảo trợ, nên vào năm 1864 bị thua bại.
Lúc mối loạn Thái Bình Thiên Quốc còn trong giai đoạn trầm trọng, thì liên quân Anh Pháp tiếp tục gây hấn, áp bức Thanh triều ký “Thiên Tân điều ước”, “Bắc Kinh điều ước”; Nga cũng thừa dịp dành thêm quyền lợi tại vùng đông bắc. Năm 1860 Trung Quốc bắt đầu cuộc vận động tự cường gọi là “Dương vụ vận động”; chủ trương học kỹ thuật Tây Dương để mong trong tương lai có thể chế ngự được Tây dương. Đến lúc Từ Hy Thái hậu cùng Cung Thân vương Dịch Hân liên hiệp chấp chính dưới thời Đồng Trị, thi hành tương đối tích cực “Dương Vụ vận động” , nên cục diện xã hội thêm vững, như việc năm 1864 tiêu diệt Thái Bình Thiên Quốc, năm 1868 Tả Tông Đường, Lý Hồng Chương dẹp xong quân Niệm; từ năm 1862-1878 Tả Tông Đường trước sau bình định quân Hồi tại Thiểm Tây, Cam Túc, Tân Cương. Rồi cuộc chiến tranh Trung Pháp năm 1884, hai bên đều bị tổn thất nặng; cuối cùng đi đến giảng hoà. Đến cuộc chiến tranh Trung Nhật năm 1894, quân Thanh bị đại bại, bộ binh thua bại, hạm đội hải quân Bắc Dương bị tiêu diệt.
E.Thời kỳ suy vi.
Sau khi thua bại Nhật, vào năm 1895 Thanh triều phải ký điều ước Mã Quan cắt nhượng cho Nhật các đảo Đài Loan, Bành Hồ, cùng lợi quyền tại Triều Tiên; cuộc vận động tự cường tuyên bố thất bại. Rồi vua Quang Tự cùng các nhà Nho cấp tiến như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi phát động cải cách biến pháp; bị Từ Hy Thái hậu cùng phái bảo thủ chống lại; vua Quang Tự phảichịu giam lỏng, những kẻ đồng mưu bị khủng bố; cuộc biến pháp chỉ vẻn vẹn 103 ngày. Tiếp đến Nghĩa Hoà đoàn dấy lên, Từ Hy cũng muốn mượn lực lượng này để bài ngoại. Năm 1900 liên quân 8 nước mượn cớ xua quân vào Bắc Kinh; Từ Hy Thái hậu bèn đưa vua Quang Tự trốn xuống Tây An [Thiểm Tây], chờ khi liên quân 8 nước và quân Thanh đánh dẹp xong Nghĩa Hoà Đoàn, mới trở lại kinh đô.
Năm 1901 triều Thanh và 11 nước ký “Tân Sửu điều ước”, phải bồi thường nhiều, tăng thêm phạm vi tô giới. Dân Trung Quốc cảm nhận sâu sắc mối quốc nhục, phía chính quyền đề xướng tân chính, chủ trương quân chủ lập hiến, xây dựng tân quân, phế trừ khoa cử, chỉnh đốn tài chính. Phía cách mệnh thất vọng với sự cải cách này, chủ trương lật đổ Thanh triều, xây dựng nền cộng hoà. Năm 1894, Tôn Văn tại Hạ Uy Di lập Hưng Trung Hội; năm 1904 Hoàng Hưng tại Trường Sa [Hồ Nam] lập Hoa Hưng Hội; năm 1904 Thái Nguyên Bồi tại Thượng Hải lập Quang Phục Hội; ngoài ra còn có các đoàn thể cách mệnh khác. Năm 1905 Tôn Trung Sơn tại Nhật Bản liên hợp Hưng Trung Hội, Hoa Hưng Hội,Quang Phục Hội thành Trung Quốc Đồng Minh Hội, chủ trương bài trừ chính quyền Mãn Thanh, khôi phục Trung Hoa, sáng lập dân quốc. Hai phe lập hiến và cách mệnh cố gắng gây ảnh hưởng; năm 1908 triều Thanh ban hành “Tuyển pháp đại cương” để thành lập chính phủ quân chủ lập hiến. Cùng năm 1908 vua Quang Tự và Từ Hy Thái hậu mất, Phổ Nghi kế vị. Tháng 5/1911 nhà Thanh lấy danh nghĩa quân chủ lập hiến, lập nội các đầu tiên, trong đó phần lớn thành viên xuất thân từ Hoàng tộc; điều này khiến cho số đông trước đây theo phe lập hiến, tỏ thái độ thất vọng, bỏ sang theo cách mệnh.
Tháng 10 cùng năm, phái cách mệnh tại Hồ Bắc phát động cuộc khởi nghĩa Vũ Xương, các tỉnh tại phía nam rầm rộ hưởng ứng. Triều Thanh cử Viên Thế Khải làm Thống soái tân quân, thành lập nội các mới, giữ chức Tổng lý. Viên Thế Khải một mặt gây chiến để tạo sức ép phe cách mệnh, một mặt thì ngầm đàm phán, hình thành hoà đàm Nam Bắc. Ngày 1/1/1912 Trung Hoa Dân Quốc thành lập tại Nam Kinh, Tôn Trung Sơn giữ chức Đại Tổng thống lâm thời; ngày 2/12, tại Bắc Kinh, Viên Thế Khải ép vua Tuyên Thống ban bố chiếu thoái vị, nhà Thanh diệt vong.
Chú thích:
1.Thệ sư: lời thề công bố cho toàn quân, trước khi ra trận.
2.Khuyên địa: đất tịch thu cho quân Bát Kỳ.
3.Ni Bố Sở: nơi triều Thanh và Sa Hoàng ký điều ước, vị trí tại nam nước Nga, giáp với nước Mông Cổ ngày nay.