Truyền thống khoa bảng Bắc Giang trong tiến trình lịch sử
chùa Vĩnh Nghiêm, Yên Dũng, Bắc Giang Khổng Đức Thiêm VỀ TIẾN TRÌNH KHOA BẢNG BẮC GIANG Trong chặng đường dài tới 825 năm (1075 – 1919) tham gia vào những cuộc thi thố nơi cửa cửa Khổng sân Trình, mặc dù ở vào vị trí trung du và miền núi, đất rộng người thưa, kinh tế kém ...
Khổng Đức Thiêm
- VỀ TIẾN TRÌNH KHOA BẢNG BẮC GIANG
Trong chặng đường dài tới 825 năm (1075 – 1919) tham gia vào những cuộc thi thố nơi cửa cửa Khổng sân Trình, mặc dù ở vào vị trí trung du và miền núi, đất rộng người thưa, kinh tế kém phát triển nhưng người Bắc Giang vẫn tạo lập được truyền thống khoa bảng đáng khâm phục. Với số lượng 60 vị chiếm lĩnh bảng vàng, bằng 1/10 số đại khoa vùng Kinh Bắc, 1/50 số đại khoa của cả nước, các bậc trí giả Bắc Giang đã có những đóng góp không hề nhỏ cho tiến trình lịch sử của dân tộc.
Được hình thành chủ yếu từ đất đai, rừng núi hai phủ Bắc Hà, Lạng Giang nhiều núi đồi, ít đồng ruộng của trấn Kinh Bắc – tỉnh Bắc Ninh cũ, điều gì đã khiến Bắc Giang đeo đuổi sự nghiệp khoa bảng suốt 8 thế kỷ từ nhà Lý tới nhà Nguyễn một cách liên tục. Phải chăng, nhờ vào yếu tố tâm linh do trời đất ban tặng, như Phan Huy Chú đã viết trong Lịch triều hiến chương – Dư địa chí rằng, những mạch núi cao vót cùng nhiều sông quanh vòng, phong cảnh đẹp của một khu vực thượng du Bắc Giang đã khiến cho mạch đất tốt tụ vào đấy để có nhiều dấu tích linh thiêng; tinh hoa họp vào đấy mà có nhiều danh thần; khí hồn trọng của cả một phương phát ra nên chốn này khác với mọi nơi.
Những nhận định trên đây của Phan Huy Chú không khó khi phải xác quyết qua thực tiễn và tiến trình lịch sử. Các nguồn tư liệu thời kỳ cổ đại đã minh chứng rằng, khu vực Giáp Động, tức vùng núi sông bao quanh dòng sông Lục Nam từ hồi thế kỷ X đã là một trung tâm thể hiện sức sống mãnh liệt của Đại Việt trước mưu đồ thống trị trở lại của nhà Đại Tống. Các Phò mã lang họ Giáp, họ Thân thông qua sự ràng buộc ky mi – đồng minh hôn nhân là những vật cản kiên cường trước các đạo quân xâm lược cũng như trở thành những nhân tố thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế, văn hóa và giáo dục ở địa phương.
Vào thời Lý, bao quanh sông Lục Nam – dòng trường giang đẹp nhất vùng đông bắc Việt Nam là những cánh cung đồ sộ, những thung lũng bạt ngàn tạo ra thành cửa ngõ thông thoáng nối liền kinh thành Thăng Long với Quảng Tây – Trung Quốc. Sông này tuy có lòng sâu, nước thủy triều thường xuyên dâng cao tới tận chân núi Bảo Đài nhưng dòng chảy vẫn êm ái, thuyền trước xuôi ngược quanh năm, mang lại nhiều tiện ích cho việc giao lưu giữa thượng du với hạ du và miền duyên hải. Xa xưa, vùng thị trấn Đầm giữ vị trí trọng yếu, được coi là kho vựa lương thực của cả một khu vực; thị trấn Chũ là trung tâm trao đổi buôn bán rất sầm uất còn Nghĩa Phương – Cương Sơn xuôi trở xuống Đức La – Phương Nhãn, ngoài phát đạt về thương mại còn là địa bàn Phật – Đạo – Nho sớm du nhập và hòa trộn với tín ngưỡng dân gian. Từ những dữ liệu của tiến trình lịch sử, ta có thể suy ra, ngay cả ngày nay Bắc Giang muốn cho nền kinh tế, văn hóa phát triển một cách bền vững và lâu dài, vùng đông bắc vẫn là hướng tiềm tàng để tạo ra tính năng động và hiệu quả nhất trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương.
Có lẽ nhiều người sẽ bất ngờ khi tác giả cho rằng trong quá khứ, khu vực núi sông bao quanh dòng Lục Nam mới là vùng khai khoa và bang giao sớm nhất của quốc gia Đại Việt. Các dấu tích về các công trình kiến trúc thời các Phò mã họ Thân đã được giới khảo cổ học tìm thấy ở Tòng Lệnh, Bồng Lai và Trại Quan – Đông Hưng (gạch ngói, tảng hoa sen, bát đĩa men ngọc mang dòng chữ dập nổi Lý da đệ tam Long Thụy Thái Bình tứ niên tạo – 1075) kết hợp với phế tích các ngôi chùa Chúc Thánh, Hưng Long (còn gọi là chùa Cao – Khám Lạng), Nhạn Tháp (Tiên Nha), Long Vũ (Định Chế)… đều cho biết những công trình này được khởi dựng từ thời Lý. Chẳng những thế, vào cuối thời Lý, đây còn là nơi Đại sư Ân Không (còn gọi là Đại sư Na Ngạn) từng tu luyện và hoàn tất việc biên soạn Thiền Uyển tập anh.
Bên cạnh những dấu vết vật chất kể trên, Việt sử lược – tác phẩm sử học viết từ thời Trần còn ghi lại rằng: “Tháng Chạp năm đầu hiệu Thiên Phù Khánh Thọ (1127) vua (Lý Thần Tông) lên ngôi trước linh cữu, mai táng vua Nhân Tông ở điện Hồ Thiên. Ngày Quý Mùi làm lễ thành phục (chịu tang); ngày Ất Dậu, vua ngự coi triều ở điện Thiên An. Ngày đó, làm lễ trừ phục (bỏ tang), nhân đó vua ra Na Ngạn xem các cung nữ lên hỏa đàn chết theo vua Nhân Tông”[1].
Như vậy, vào thời Lý, khu vực bao quanh sông Lục Nam, còn gọi là Giáp Động, đã trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị quan trọng của Đại Việt. Đặc biệt, Nho giáo cùng Phật giáo đã có một vị trí đáng kể trong đời sống xã hội ở địa phương.
Sự phát đạt về kinh tế, văn hóa đã giúp cho vùng đông bắc của tỉnh Bắc Giang mà sau này bao gồm Lục Ngạn, Lục Nam và Phượng Nhãn (đất đai của Phượng Nhãn đến đầu thế kỷ XX được chia sang Bảo Lộc, Lục Ngạn, nay nằm ở phía bắc huyện Yên Dũng, phía nam Lục Ngạn và một phần Lạng Giang)[2] trở thành khu vực có người đỗ đạt khoa cử Hán học sớm nhất tỉnh:
– Theo thần tích được ghi lại và đôi câu đối ở Nghè Hàn Lâm (Nghĩa Phương – Lục Nam) Học sĩ thanh danh dương Bắc địa/ Bồng lai cung khuyết đối Nam thiên (Học sĩ tiếng thơm lừng đất Bắc/ Cung tiên cao rộng sánh trời Nam) và Nghè Giếng cùng nằm trên địa bàn, thì vào thời Lý Anh Tông (1136 – 1175), Hà Chiếu và Dương An Quý tham dự kỳ thi Thái học sinh tổ chức tại Thăng Long – trong đó Hà Chiếu đậu Tam giáp Thái học sinh (Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ) còn Dương An Quý thi đậu Hương cống (Cử nhân), cả hai đều giữ chức vụ cao và từng đi sứ sang nhà Tống[3].
Do tài liệu ghi chép các kỳ thi vào thời Lý cũng như thời Trần không đủ, cho nên danh sách những người đỗ đạt của gần 400 năm cử nghiệp của các triều đại này bị bỏ trống. Với di tích Nghè Hàn Lâm, Nghè Giếng và thần tích, câu đối được lưu lại, ta có thể khẳng định và tin được rằng Hà Chiếu – người Nghĩa Phương, Lục Nam là vị đại khoa đầu tiên; Dương An Quý là vị trung khoa đầu tiên và nghè Hàn Lâm, Nghè Giếng là những di tích tiêu biểu đầu tiên của nền thi cử Hán học trên đất Bắc Giang.
– Các sách Đỉnh Khế Đại Việt lịch đại đăng khoa lục (1779), Tam khôi lục (viết tay, không rõ thời điểm), Văn chỉ bi (Dĩnh Kế – thành phố Bắc Giang, lập khoảng năm 1859) cho biết trong khoa thi Thái học sinh năm Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh triều Lý Huệ Hoàng (1208), Nguyễn Viết Chất, người xã Ông La – Phượng Nhãn (nay là thôn Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng) đỗ Đệ nhất giáp, Đệ nhị danh; sách Bắc Giang địa chí của Trịnh Như Tấu, xuất bản năm 1937, ghi lại trong khoa thi này còn có Lý Trịnh Kiền, người phủ Lạng Giang cũng thi đậu Thái học sinh.
– Từ lưu vực sông Lục Nam, đến thời Trần, truyền thống khoa bảng tràn xuống lưu vực sông Thương, sông Cầu, tiếp tục khai hoa kết trái tại làng Song Khê (thành phố Bắc Giang) với Quách Nhẫn đỗ Thám hoa khoa thi Ất Hợi, niên hiệu Bảo Phù (1275); Đào Toàn Mân, đỗ Đệ nhị giáp khoa thi Thái học sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Thiệu Phong (1352); Đào Sư Tích – con trai Đào Toàn Mân, đỗ Trạng nguyên khoa thi Giáp Dần niên hiệu Long Khánh (1374) và làng Trâu Lỗ (Hiệp Hòa) với Đoàn Xuân Lôi, đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Tý, niên hiệu Xương Phù (1384).
– Đến thời Lê sơ, truyền thống khoa bảng của Bắc Giang bắt đầu nở rộ nhưng phân bố đều khắp lưu vực sông Thương, sông Cầu – trong đó huyện Yên Dũng vẫn dẫn đầu với 12/17 đại khoa, làng Yên Ninh của huyện này góp 7/12 gương mặt. Ngoài Việt Yên có 2 vị đại khoa, các huyện Phượng Nhãn, Hiệp Hòa, Bảo Lộc mỗi huyện chỉ có 1 vị đại khoa.
– Trong thời kỳ nhà Mạc nắm quyền, người Bắc Giang chỉ đỗ đạt ở 14 khoa thi, kể từ năm Kỷ Sửu niên hiệu Minh Đức (1529) đến năm Nhâm Thìn niên hiệu Hong Ninh (1592) nhưng số đại khoa lên tới 26 người – trong đó Hiệp Hòa đứng đầu bảng vàng (9 vị), Yên Dũng lùi xuống vị trí thứ 2 (5 vị – riêng Yên Ninh vẫn có 2 vị), Phượng Nhãn và Yên Thế thứ ba (mỗi huyện 4 vị), Việt Yên thứ tư (3 vị) và cuối cùng là Bảo Lộc (1 vị). Như vậy, chỉ riêng Hữu Lũng không có người trúng tuyển.
– Từ đỉnh cao về khoa cử, đến thời Lê Trung Hưng, người Bắc Giang chắc vẫn đi thi đều đều nhưng chỉ có 8 khoa thi từ năm Kỷ Mùi niên hiệu Hoằng Định (1619) đến năm Tân Sửu niên hiệu Bảo Thái 91721) là có người đỗ đạt với nhịp điệu mỗi khoa thi/1 người đỗ – trong đó Yên Dũng lại đứng đầu (6 vị, gồm 3 vị họ Thân ở làng Phương Độ, 2 vị ở Yên Ninh, vị còn lại ở Mật Ninh); tiếp theo là Hiệp Hòa, Việt Yên mỗi huyện/một vị. Cuối cùng, đến thời Nguyễn, cả tỉnh chỉ còn 2 đại khoa, chia đều cho Yên Dũng và Hiệp Hòa.
– Số liệu về đội ngũ các nhà khoa bảng được Phan Huy Chú công bố trong Lịch triều hiến chương – Dư địa chí được coi là trùng khớp với số liệu và danh sách được nêu trong Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo (chỉ trừ số liệu của huyện Bảo Lộc, sách của Phan Huy Chú nhiều hơn 1 vị), theo đó Yên Dũng đứng đầu với 23 vị (thiếu Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích, Thân Hành, Nguyễn Danh Vọng); Hiệp Hòa đứng thứ nhì với 10 vị (thiếu Đoàn Xuân Lôi, Lê Nhữ Thông và Nguyễn Đình Tuân); Việt Yên đứng thứ ba với 6 vị; Phượng Nhãn đứng thứ tư với 5 vị (thiếu Nguyễn Viết Chất); Yên Thế đứng thứ năm với 4 vị và cuối cùng là Bảo Lộc với 2 vị (thiếu Lý Trịnh Kiền).
– Sau những biến cải về diên cách, phân chia lại địa giới các đơn vị hành chính cấp huyện, số liệu về đội ngũ các nhà khoa bảng có một sự đột biến lớn. Theo đơn vị huyện, Việt Yên từ vị trí thứ ba, tuy có 2 vị đại khoa chuyển sang Hiệp Hòa do thay đổi về diên cách nhưng nhờ nhận được gần như trọn vẹn những làng có truyền thống khoa bảng như Yên Ninh, Hoàng Mai của huyện Yên Dũng nên đã vươn lên vị trí đầu bảng một cách ngoạn mục (20 vị). Hiệp Hòa vẫn đứng thứ nhì, sau khi được Việt Yên bổ sung thêm (15 vị). Thành phố Bắc Giang vốn chưa xuất hiện trong bảng liệt kê về truyền thống khoa bảng, nhưng nhờ thâu tóm được ba làng có tiếng về cử nghiệp là Song Khê và Phương Độ của Yên Dũng, Dĩnh Kế của Phượng Nhãn nên vươn lên chiếm vị trí thứ ba (11 vị); Yên Dũng lui xuống hàng thứ tư, sau khi chuyển gần hết số lượng các vị đại khoa về Việt Yên và thành phố Bắc Giang, chi được bổ sung mấy làng hiếu học của Phượng Nhãn như Đức La, Xuân Đám (6 vị). Các vị trí còn lại lần lượt là Tân Yên (4 vị), Lạng Giang (3 vị) và Lục Nam (1 vị)[4].
Qua gần 7 thế kỷ chú trọng tuyển chọn nhân tài thông qua con đường cử nghiệp của Nho học, mãi tới năm 1721 nhà Lê Trung Hưng mới thiết lập Võ học sở ở Kinh thành Thăng Long, chấm dứt một tiến trình cử tuyển, khảo hạch kéo dài trong lịch sử võ học của dân tộc. Với 26 khoa thi, 319 Tiến sĩ võ được tuyển chọn, Bắc Giang đóng góp được 5 Tiến sĩ và là Hoàng Đình Tá người Quế Trạo – Hiệp Hòa, thi đậu Đồng Tạo sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Vĩnh Hựu (1736); Hoàng Đình Bảo, người Phụng Công – Yên Dũng, thi đậu Đồng Tạo sĩ khoa Bính Tuất niên hiệu Cảnh Hưng (1766); Nguyễn Đình Thiên, người Thiết Thượng – Yên Dũng, thi đậu Đồng Tạo sĩ khoa Giáp Tuất niên hiệu Cảnh Hưng (1754); Lê Đình Hài, người Phụng Công – Yên Dũng, thi đậu Đồng Tạo sĩ khoa Kỷ Sửu niên hiệu Cảnh Hưng (1769); Nguyễn Trọng Nhẫn, người My Điền – Yên Dũng, thi đậu Đồng Tạo sĩ khoa Ất Tỵ niên hiệu Cảnh Hưng (1785). Qua danh sách trên, một lần nữa cho thấy, Yên Dũng luôn xứng đáng là mảnh đất có truyền thống khoa bảng, dù ngạch văn hay võ; Hiệp Hòa cũng là vùng đất hứa hẹn về lĩnh vực này.
- CÁC BẬC TRUNG KHOA, TIỂU KHOA VÀ TÁC NHÂN TẠO NÊN TRUYỀN THỐNG KHOA BẢNG BẮC GIANG
Nói tới truyền thống khoa bảng Nho học trên đất Bắc Giang xưa nay chúng ta thường chỉ để tâm đến đội ngũ những vị đỗ đại khoa và các kỳ thi Hội, thi Đình nhưng bỏ qua những vị Trung khoa và Tiểu khoa tại các kỳ thi Hương. Đối với loại hình thi cử này, sử sách cho rằng, dưới thời Trần Thuận Tông (1388 – 1398), nhà nước chính thức đưa vào quy chế, tức là từ năm 1396 trở đi, thi Hương cứ 3 năm tổ chức một lần, năm trước thi Hương thì năm sau thi Hội thay vì trước đây thi Hương tổ chức tùy tiện, có khi cùng chung với các kỳ thi Thái học sinh, những người không đậu Tam trường thì nhận học vị Hương cống.
Tuy nhiên, suốt 3 triều Lý – Trần – Lê những người thi đậu các kỳ thi Hương không được ghi chép thành Hương khoa lục vì vậy đến nay chúng ta không có cách nào để thống kê số lượng qua từng triều đại, từng kỳ thi hoặc từng địa phương. Theo tạp chí Bắc Ninh, số 2 (Sài Gòn, 1973) của Hội Tương tế Bắc Ninh, tác giả Nguyễn Nho Liên trong bài viết Nho học Việt Nam và 540 vị Tiến sĩ Bắc Ninh đưa ra số lượng Cử nhân, Tú tài của địa phương đỗ đạt chừng 2.000 Cử nhân, trên 10.000 Tú tài mà không chỉ ra căn cứ hình thành số liệu trên. Dựa vào tài liệu có trong tay, chúng tôi cũng chỉ đưa ra được các chứng lý sau:
– Theo Trịnh Như Tấu trong Bắc Giang địa chí, thần tích lưu tại Nghè Giếng (Nghĩa Phương – Lục Nam) cho biết người địa phương tên là Dương An Quý, thi đậu Hương cống thời Lý Anh Tông (1136 – 1175).
– Theo Lục Nam địa chí, biên soạn khoảng năm 1889, hiện lưu tại Viện Nghiên cứu Hán – Nôm (ký hiệu A.2037) thì vào thời Lê Chính Hòa (1680 – 1705) địa phương có 2 vị là Nguyễn Thọ Vinh, Nguyễn Đăng Điều – người Bắc Lũng, dỗ Hương cống, đều làm đến Tri huyện; Nguyễn Liên – người Khám Lạng, học sinh Quốc tử giám, đỗ Tam trường thời Lê Cảnh Hưng (1740 – 1786) làm đến Huấn đạo phủ Trường An[5].
– Tấm biển gỗ đặt tại đình thôn Đình Cả (Mật Ninh – Việt Yên) tạo năm Quý Hợi, niên hiệu Khải Định (1923) đã thống kê toàn bộ số lượng các vị đại khoa, trung khoa của thôn vào thời Lê Trung Hưng, ngoài Tiến sĩ Chu Danh Tể (thi đậu năm 1676) còn có 10 vị Hương cống họ Chu đảm nhận các chức vụ Tri huyện (Yên Thế, Bảo Lộc, Vĩnh Khang, Hiệp Hòa, Vũ Thư), Binh bộ Viên ngoại lang, Lại bộ Viên ngoại lang, Khảo tướng sĩ lang Giảng dụ.
– Văn thuộc giáp tự miếu bi, dựng năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680) tại Văn chỉ làng Thổ Hà (Việt Yên) kể tên các Sinh đồ Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Công Danh, Nguyễn Như Trang… tất cả gồm khoảng 200 người công đức vào việc xây dựng lại Văn chỉ của làng để thờ các bậc Tiên hiền. Cũng tại Văn chỉ này, tấm bia Tư Văn giáp được dựng từ năm Vĩnh Hựu 2 (1736) và khắc bổ sung vào các năm Vĩnh Hưu 3 (1737), Cảnh Hưng 13 (1752), Cảnh Hưng 15 (1754) đã ghi tên Trịnh Hữu Hạnh đỗ Sinh đồ năm Giáp Ngọ (1714), Cái Đắc Tôn, Trịnh Tài Hùng, Trịnh Đăng Quỹ đỗ Sinh đồ năm Đinh Dậu (1717), Nguyễn Quý Mão và 8 người cùng làng đỗ Sinh đồ năm Quý Mão (1723), Nguyễn Đức Trọng và 15 người cùng làng đỗ Sinh đồ năm Kỷ Hợi (1719), Trịnh Đăng Ngôn và 8 người cùng làng đỗ Sinh đồ năm Mậu Ngọ (1738). Trong tấm bia Thủy tạo từ vũ thạch bi, dựng năm Cảnh Hưng 37 (1776) kê danh sách các Sinh đồ Nguyễn Khánh Chi, Nguyễn Công Danh, Nguyễn Như Trang và gần 50 người cùng làng đóng góp tiền của tu sửa Văn chỉ Thổ Hà.
– Tấm bia Từ vũ bi (Khoa mục danh truyền), dựng năm Cảnh Hưng 6 (1745) tại Văn chỉ làng Yên Viên (Việt Yên) ghi danh những người thi đỗ Sinh đồ các đời trước không kịp đóng góp vào việc xây dựng Từ vũ được gia đình đóng thay như Nguyễn Sĩ, Nguyễn Tuấn Tài, Diêm Đăng Cao, Nguyễn Đức Nghiệp, Nguyễn Phi Cơ, Nguyễn Đắc Trạch cùng các Sinh đồ đỗ từ khoa thi Ất Mão (1735) trở lại như Nguyễn Khiêm Cẩn, Nguyễn Đăng Đào, Diêm Đăng Thắng, Dương Quốc Bật, Diêm Đắc Vĩ, Nguyễn Bá Cần, Nguyễn Công Sự, Diêm Đăng Hiên, Nguyễn Bá Du, Đỗ Đăng Hoán, Dương Danh Khuê, Nguyễn Duy Viên, Dương Danh Khôi, Nguyễn Viết Bình… góp nhiều tiền của để xây dựng Từ vũ Yên Viên từ năm Canh Tuất (1740) đến năm Ất Sửu (1745) thì hoàn thành.
– Tấm bia Từ vũ bi ký lập năm Cảnh Hưng 31 (1770) tại Cảnh Thụy – Yên Dũng ghi danh 2 Sinh đồ Phan Đắc Nhuận, Nguyễn Hoàng Quyền được bầu làm Trùm trưởng, khắc tên vào bia thờ cúng tại miếu.
– Thu thập rải rác trong các bia ký khác trong tỉnh, ta cũng có trong tay một danh sách Sinh đồ xuất hiện vào hồi thế kỷ XVII như Nguyễn Công Tường (Thái Đào), Nguyễn Công Đệ (Yên Sơn) thuộc Phượng Nhãn; Ngô Đắc Lộc (Mỹ Cầu) thuộc Yên Dũng. Đông đảo nhất là danh sách các vị Sinh đồ thi đỗ trong thế kỷ XVIII như Lương Thế Nho, Giáp Huy, Nguyễn Quốc Cơ (Dương Quang) thuộc Bảo Lộc; Hà Viết Phú (Châu Lỗ), Ngô Nguyễn Hoằng (Hương Thịnh), Nguyễn Thế Long (Lương Phong), Nguyễn Hữu Trí (Đức Thắng) thuộc Hiệp Hòa; Nguyễn Duy Chí, Nguyễn Bật Lương (Sen Hồ), Phan Đắc Nhuận, Nguyễn Hoàng Quyền (Cảnh Mỹ), Đỗ Công Luận, Phí Đăng Tiên, Phí Đăng Tài, Trần Đức Nghiệp (Liễu Đê), Trịnh Duy Viên (Phấn Trì), Đào Sĩ Thắng, Hoàng Công Trấn, Hoàng Danh Ích, Hoàng Đình Bảo, Hoàng Văn Trung, Hoàng Danh Bích, Hoàng Tiến Dưỡng (Phụng Pháp) thuộc Yên Dũng; Diêm Đăng Cao (Yên Viên) thuộc Việt Yên; Giáp Quảng Thanh (Vu Gián) thuộc Phượng Nhãn. Sang thế kỷ XIX, ta chỉ còn thấy có Nguyễn Đình Cao (Yên Viên – Việt Yên), Ngô Nguyễn Hoằng Hương Thịnh – Hiệp Hòa) và Lê Phúc Thục (Bắc Lũng – Phượng Nhãn).
– Theo Hương khoa lục của Cao Xuân Dục, vào thời Nguyễn cả tỉnh Bắc Giang chỉ có 5 người thi đậu Cử nhân là Hoàng Đăng Hiến, người Cẩm Bào – Hiệp Hòa, thi đậu năm Kỷ Mão (1819); Đỗ Thanh, người Vân Ninh – Yên Dũng, thi đậu năm Ất Dậu (1825); Nguyễn Huy Bính, người Thọ Xương – Bảo Lộc, thi đậu năm Tân Sửu (1841); Nguyễn Đạo Mạch, người Thọ Xương – Bảo Lộc, thi đậu năm Canh Tuất (1850); Nguyễn Đỉnh Tân, người An Tràng – Phượng Nhãn, thi đậu năm Bính Ngọ (1906). Rêng trường hợp Nguyễn Đình Tuân, người Châu Lỗ – Hiệp Hòa, thi đậu Cử nhân năm Đinh Dậu (1897), sau thi đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân Đình nguyên khoa Tân sửu niên hiệu Thành Thái (1901).
– Căn cứ vào Bách niên phần mộ khắc năm Tân Dậu, niên hiệu Khải Định (1921) đặt tại thôn Vân Xuyên (Hiệp Hòa) thì tại thôn này còn có một Cử nhân họ Trịnh, đỗ năm Mậu Ngọ niên hiệu Tự Đức (1858) là hậu duệ cụ Tiến sĩ Thượng thư Trụ quốc công triều Lê là Trịnh Ngô Dụng (đỗ Đệ tam Tiến sĩ xuất thân năm 1721). Ông Cử nhân họ Trịnh là người đức hạnh, học hành hơn người, sau khi thi đỗ học trò theo học kể tới hàng trăm. Khi ông qua đời (1921) như nguyên Tri huyện Đồng Hỷ Trịnh Quang Dụ và các học trò Nguyễn Văn Ý, Lê Văn Tâm, Chu Văn Dụ, Nguyễn Đình Xuân, Nguyễn Văn Tuyên cùng trên 100 người khác đã cung tiến tiền bạc, làm ma cúng giỗ cho thầy.
Chúng tôi đã ta tìm trong Hương khoa lục nhưng chưa thấy tên của vị Cử nhân họ Trịnh này, vậy xin tồn nghi một vị Cử nhân thời Nguyễn.
Bằng những số liệu có thực, những con người có thực được bia đá, sử xanh ghi lại, chúng tôi cho rằng số liệu mà Nguyễn Nho Liên đưa ra có thể tin được, có điều thật khó minh họa, dù cố gắng đến đâu. Trong Luận văn Truyền thống hiếu học và hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ ở Vĩnh Phúc Nguyễn Hữu Mùi mới chỉ căn cứ vào Tam xã Đăng khoa lục, Nhật Chiêu hương hiền tính tự phả, Bản xã Tư văn phả lược biên, Trùng tu Văn miếu tịnh nghi môn ký, Vĩnh Tường phủ địa dư chí và cuối cùng là Quốc triều Hương khoa lục thì cũng đã đưa ra được số liệu trên 100 các vị đỗ đạt trong các kỳ thi Trung khoa nay thuộc Vĩnh Phúc. Nếu sau này, Bảo tàng Bắc Giang tuân thủ theo cách làm trên đây, cho dịch và công bố toàn bộ bi ký, tài liệu liên quan tới các vị đỗ trung khoa, tiểu khoa, chắc chắn bước đầu chúng ta sẽ có trong tay những cứ liệu thuyết phục.
Từ tiến trình của truyền thống khoa bảng trên đất Bắc Giang, chúng tôi tạm rút ra một số vấn đề sau:
– Cùng được tách ra từ một tỉnh truyền thống – tỉnh gốc nhưng Thái Bình và Hải Phòng không những có lợi thế của vùng duyên hải mà còn bao gồm nhiều huyện đồng bằng nên số lượng đại khoa cao gấp khoảng 2 lần so với Bắc Giang, còn Hưng Yên được hợp nên từ 3 khu vực hiếu học của Kinh Bắc, Hải Đông và Sơn Nam nên số lượng gấp tới gần 3 lần. Đối với Vĩnh Phúc, một tỉnh mới hình thành chủ yếu từ đất đai của tỉnh Sơn Tây và huyện Bình Xuyên của Thái Nguyên, cùng một số làng xã của huyện Kim Hoa của Bắc Ninh cũ, số đậu đại khoa cũng gần gấp rưỡi tỉnh nhà.
Tuy thua kém các tỉnh trên, cùng hoàn cảnh nhưng số lượng đại khoa của Bắc Giang vẫn nói được nhiều điều.
– Trước hết, nếu so với Phú Thọ (tỉnh được lập nên chủ yếu là đất tỉnh Sơn Tây và một số huyện của tỉnh Hưng Hóa) – một tỉnh có hoàn cảnh tương đồng về vị thế địa chính trị – địa kinh tế thì truyền thống khoa bảng của Bắc Giang nổi trội hơn ở nhiều mặt, từ số lượng người đỗ đạt đến sự liên tục có người thi đậu qua các thời. Còn đối với Thái Nguyên – tức phần còn lại ở vùng thấp sau khi tách vùng cao thành tỉnh Bắc Cạn thì số lượng cũng như những giá trị mà đội ngũ các nhà đại khoa đóng góp cho dân tộc, Bắc Giang tỏ ra nổi trội hơn. Đó là chưa kể – nhiều làng ở Bắc Giang có số lượng người đỗ đạt vào hàng thượng đẳng như Yên Ninh (10 vị), Song Khê (5 vị), Hoàng Mai (3 vị), Phương Độ (3 vị), Đức La (2 vị), Cổ Dũng (2 vị), Dĩnh Kế (2 vị), Châu Lỗ (2 vị), Hoàng Vân (2 vị), Xa Liễn (2 vị), Phúc Linh (2 vị) – được cả nước biết đến.
– Một hiện tượng cũng dễ nhận thấy là, ngoài việc hình thành những làng khoa bảng thì cũng đã hình thành những dòng họ khoa bảng như họ Thân ở làng Yên Ninh (4 vị), họ Thân ở làng Phương Độ (3 vị), họ Đào ở làng Song Khê (3 vị), họ Nguyễn ở Yên Ninh (2 vị), họ Giáp ở Dĩnh Kế (2 vị).
– Truyền thống khoa bảng ở Bắc Giang hình thành khá sớm, từ thời Lý tại vùng núi Lục Ngạn, Phượng Nhãn rồi mới chuyển dần về vùng trung du bán sơn địa, khai hoa kết quả rực rỡ nhất tại Yên Dũng, nơi mà lời Cẩn án trong Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn đã từng ghi nhận: “Sách Tứ trấn ký nói: – Phủ thì nhất Tam Đái nhì Khoái Châu; huyện thì [Sơn] Nam có Chân [Định], [Kinh] Bắc có [Yên] Dũng, [Sơn] Tây có [Yên] Lạc, [Hải] Đông có [Tứ] Kỳ. Đấy là những chỗ phì nhiêu nhất”[6]. Đến thời Mạc, huyện vùng núi Yên Thế cũng đậu liền 4 vị Tiến sĩ, đó cũng là điều lạ.
– Từ rất sớm, nhiều làng xã ở Bắc Giang đã trở thành hạt nhân nuôi dưỡng và chăm lo gìn giữ truyền thống hiếu học và khoa bảng ở địa phương. Điều này có thể tìm thấy trong các bản tục lệ – hương ước những quy định hết sức cụ thể như cho phép những người đỗ đạt từ Sinh đồ trở lên, không kể tuổi tác đều được dự bàn công việc ở làng xã tại chốn đình chung (Hà Vị – Bảo Lộc, 1754); miễn toàn bộ sưu sai cho toàn bộ nho sinh của làng (Cổ Trang – Bảo Lộc, 1850); những người trong làng xã thi đỗ, văn từ Cử nhân trở lên, võ từ Phó cơ trở lên thì con trai và cháu đích tôn được hưởng vọng hương ẩm một đời (Đông Lỗ – Hiệp Hòa, 1854); người đỗ Tú tài xã mừng đôi câu đối, 30 quan, 1 buồng cau (Dương Quan – Bảo Lộc, 1857); miễn toàn bộ sưu dịch, binh dao cho nho sinh của làng (Thanh Vân – Hiệp Hòa, 1859); chỉ có những người thi đậu nhất trường, nhị trường mới được viết văn tế ở đình làng (Thanh Mai – Yên Dũng, 1887). Ngoài ra, tại thôn Đông (Cảnh Thụy – Yên Dũng) còn dành một số ruộng dùng làm Học điền để cấp cho những người thi đỗ Sảo thông, trúng đệ nhất trường được nhận 8 sào ruộng, đỗ đệ nhị trường nhận 7 sào, đỗ đệ tam trường nhận 6 sào. Việc xây dựng Văn chỉ hàng huyện, hàng tổng cũng được nhiều địa phương ở Bắc Giang chú trọng như Văn chỉ Dĩnh Kế – Phượng Nhãn là nơi thờ phụng các vị tiên hiền và các vị đại khoa của hai huyện Phượng Nhãn và Bảo Lộc; Văn chỉ Dĩnh Uyên – Phượng Nhãn ghi danh và tôn thờ các vị đại khoa trong huyện; Văn chỉ Thịnh Liệt – Bảo Lộc thờ Khổng Tử và các vị tiên hiền hàng tổng. Ngoài ra, còn khá nhiều Văn chỉ được dựng đặt tại Thổ Hà, Yên Viên (Việt Yên), Mật Ninh, Chu Xá, Tự Lạn, Vân Cốc, Song Khê, Cảnh Thụy (Yên Dũng), Dương Đức, Tiên Lục, Phi Mô, Chuyên Mỹ (Bảo Lộc), Mai Đình, Quế Trạo (Hiệp Hòa), Nghĩa Phương (Lục Ngạn). Lại có nhiều nơi, khi các thày dạy qua đời, học trò đóng góp tiền của lập bia tưởng nhớ (thày đồ họ Chu, húy Mai, tự Xuân Cứu – người thôn Khê Khẩu, xã Yên Sơn, huyện Phượng Nhãn; thày đồ họ Nguyễn, tự Quang Trọng – người thôn Phú Khê, xã Quế Nham, huyện Yên Thế; thày đồ Trịnh Hữu Bách – người Thọ Xương, huyện Bảo Lộc, dạy học tại Mai Sưu – Lục Ngạn, khi mất được môn sinh dựng đền thờ phụng).
- ĐÓNG GÓP CỦA CÁC NHÀ KHOA BẢNG BẮC GIANG CHO ĐẤT NƯỚC VÀ DÂN TỘC
Thông thường ở trên đời, ta thường cho rằng càng đỗ đạt với học vị cao thì càng dễ nắm giữ quyền cao chức trọng và đóng góp được nhiều cho đất nước, dân tộc. Tuy nhiên, từ thực tiễn đội ngũ các bậc đại khoa Bắc Giang, ta thấy điều này không hẳn là như vậy.
Trước hết, trong danh sách 60 vị đại khoa của tỉnh nhà, có tới 15 vị được cử làm Thượng thư các Bộ (Thân Nhân Trung, Lê Đức Trung, Nguyễn Doãn Địch, Giáp Hải, Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Nguyễn Nhân Kiền, Nguyễn Nghĩa Lập, Vũ Cẩn, Nguyễn Kính, Hoàng Công Phụ, Trần Đăng Tuyển, Thân Toàn, Thân Hành, Trịnh Ngô Dụng – theo đó Giáp Hải trải Thượng thư lục Bộ, Nguyễn Nghĩa Lập trải Thượng thư tứ Bộ), tức là cứ 4 vị đại khoa của Bắc Giang có 1 vị là Thượng thư. Đối với 5 vị Cử nhân của Bắc Giang có Nguyễn Huy Bính cũng vươn tới vị trí Thượng thư bộ Binh dưới triều Tự Đức, tỷ lệ không thua kém là bao. Trừ Nguyễn Viết Chất, Lý Trịnh Kiền, Thân Tông Vũ, Phạm Túc Minh, Thân Nhân Tín, Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Thì Lượng không thấy Đăng khoa lục ghi chép giữ chức vụ gì trong triều đình, còn lại từ các Trạng nguyên Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi đến các vị Tiến sĩ khác đều là quan chức của triều đình như Nhập nội hành khiển (Quách Nhẫn, Đào Sư Tích, Đoàn Xuân Lôi); Lễ quan tri Thẩm hình viện (Đào Toàn Bân); Hiến sát sứ (Ngô Văn Cảnh, Nguyễn Văn Hiến, Ngô Trừng), Thừa chánh sứ (Đỗ Văn Quýnh, Dương Thận Huy, Ninh Triết, Nguyễn Duy Năng, Lê Trừng), Tự khanh (Lê Nhữ Thông, Khổng Tư Trực, Phùng Trạm), Thị lang (Thân Cảnh Vân, Đỗ Hoảng, Nguyễn Hoảng, Hoàng Sầm, Nguyễn Nhữ Tiếp, Nguyễn Tảo), Đô cấp sự trung (Nguyễn Thuấn, Nguyễn Nhân Trừng), Giám sát ngự sử (Tạ Thuần, Chu Danh Tể), Hàn lâm (Đào Thúc Viện, Nguyễn Hữu Đức), Tổng binh (Doãn Đại Hiệu), Đoán sự (Đỗ Đồng Dần), Binh khoa chấp sự (Ngô Uông), Phủ doãn (Nguyễn Phượng Sồ), Tham chính (Thân Khuê), Viên ngoại lang (Nguyễn Danh Vọng) Tuần phủ (Nguyễn Đình Tuân). Đối với các vị Cử nhân thời Nguyễn, tất cả đều ra làm quan như Chủ sự (Hoàng Đăng Hiến), Tri huyện (Đỗ Thanh), Tri phủ (Nguyễn Đạo Mạch), Huấn đạo (Nguyễn Đỉnh Tân).
Thi đỗ, làm quan – đó là con đường tất yếu mà các nho sinh nho học ngày xưa vươn tới. Kể từ khi nhà Lý được thành lập, nho giáo ở Dại Việt có sự phát triển vượt bậc, tạo ra sợ lớn mạnh của tầng lớp nho sinh ở tất cả các địa phương, nhất là đối với hàng ngũ tù trưởng, châu mục ở các địa bàn quan trọng, có nền kinh tế phát triển. Trong bối cảnh đó, các nhà khoa bảng Hà Chiếu, Dương An Quý – người vùng Nghĩa Phương (Lục Ngạn) sớm khẳng định được những đóng góp của mình thông qua con đường ngoại giao với nhà Tống, giữ yên biên thùy, đập tan sự quấy rối của toán giặc Đàm Hữu Lượng.
Dưới triều Trần, Trạng nguyên Đào Sư Tích cũng được biết đến như một nhà ngoại giao tài giỏi của Đại Việt khi đi sứ nhà Nguyên. Phải chăng những di sản mà Hà Chiếu, Dương An Quý, Đào Sư Tích ở hai thời Lý – Trần để lại đã hun đúc cho Bắc Giang thêm nhiều nhà ngoại giao tài ba lỗi lạc về sau này? Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương – Bang giao chí đã từng viết rằng:
“Trong việc trị nước, hòa hiếu với nước láng giềng là việc lớn, mà những khi ứng thù lại rất quan hệ, không thể xem thường, cho nên nghĩa sửa việc giao hiếu chép ở kinh Xuân Thu, đạt giao lân chép ở Hiền truyện, chính là đem lòng tin thực mà kết giao, người có quyền trị nước phải nên cẩn thận.
Nước Việt ta có cả cõi đất phía nam mà thông hiếu với Trung Hoa, tuy muôn dân dựng nước có quy mô riêng, nhưng ở trong thì xưng đế mà đối ngoại thì xưng vương, vẫn chịu phong hiệu, xét lý thế thực phải như thế. Cho nên lễ sách phong, lễ cống sinh, việc bang giao các đời đều xem là quan trọng. Kỳ gian thể lệ có khinh có trọng, có giản có phiền, trước sau hoặc có khác nhau, không thể không biết rõ”[7].
Thấm đượm những nguyên lý bang giao do cha ông để lại và vận dụng uyển chuyển khôn khéo, không khoan nhượng trong hoàn cảnh gặp nhiều bất lợi của những năm đầu triều Mạc trước một lân bang cường mạnh và nhiều tham vọng để giành thắng lợi trong bang giao mang tính quyết định hồi thế kỷ XVI, không ai khác ngoài Trạng nguyên Giáp Hải.
Nói tới Giáp Hải, không chỉ là sự kỳ tài của một con người mà còn phải đề cập tới nhiều điều dị thường bao phủ quanh ông mà không ít sách vở xa xưa đã chép lại. Giờ đây, nhờ những phát hiện mới nên chúng ta mới được biết phụ thân ông là Giáp Hà – quê ở Dĩnh Kế – Phượng Nhãn, sinh được 3 trai: Giáp Hãng với cụ bà họ Nguyễn, Giáp Hải và Giáp Thanh với cụ bà họ Đỗ. Vậy mà sử sách xưa đều cho rằng, quê nội của Giáp Hải ở Bát Tràng, quê ngoại ở Công Luận, làm con nuôi người họ Giáp ở Dĩnh Kế. Năm 1538, vào lúc vừa tròn 23 tuổi và nhà Mạc tiếm quyền nhà Lê được hơn 10 năm Giáp Hải thi đỗ Trạng nguyên. Đây cũng là thời điểm nhà Minh sai Hàm ninh hầu Cừu Loan và Thượng thư bộ Binh Mao Bá Ôn dẫn quân đến biên giới Đại Việt, ngoài thì tuyên bố đánh nhà Mạc khôi phục nhà Lê nhưng trong thì muốn nhân chuyện này mà quay trở lại áp đặt nền thống trị như trước. Sự kiện trên khiến cho Mạc Đăng Doanh hết sức lo ngại, dốc sức vào việc tu sửa lại trại sách, luyện tập thủy quân, trưng cầu hết thảy cựu thần, lão tướng cùng bàn việc nước, phục chức cho Thái bảo Vũ Hộ làm Tây quân Tả đô đốc Chưởng phụ sự và vời tới triều đình luận bàn chính sự.
Trước đại nạn của đất nước, Giáp Hải “thường qua lại Nam Quan bàn việc, ứng đáp tinh nhanh, người Minh gọi là Giáp Tuyên phủ mà không gọi tên”[8]. Một trong những cuộc thù ứng quan hệ nhiều đến vận mệnh đất nước mà dã sử cũng như huyền thoại đều ghi nhận là cuộc xướng họa giữa ông với Mao Bá Ôn xoay quanh chủ đề PHÙ BÌNH (cây bèo).
Chính nhờ khí chất của Giáp Hải tại cuộc xướng họa trên cùng những cuộc ứng đối tinh nhanh của ông ở Nam Quan mà Cừu Loan – Mao Bá Ôn phải chùn bước, tâu bày với vua Minh để xin rút quân về. Tiếc thay, cuộc bang giao đầy cam go để giành thắng lợi đó lại không được chính sử ghi lại một cách trung thực, công bằng. Thay vào đó là một thái độ hằn học, xuyên tạc.
Trước hết, việc Cừu Loan – Mao Bá Ôn liên quan đến việc mang quân đến biên giới Đại Việt xảy ra từ giữa năm Gia Tĩnh nhà Minh thứ 16 (1537) điều mà Minh thực lục – Thế Tông (Q.199 trở đi) và Minh sử (Q.321) chép rất rõ, nhưng các nhà ghi chép Đại Việt sử ký toàn thư lại đẩy xuống năm Gia Tĩnh thứ 13 (1534) – để chứng tỏ thời điểm diễn ra cuộc xướng họa PHÙ BÌNH không liên quan gì đến Giáp Hải vì khi đó ông chưa đi thi, chưa có vị trí gì trong xã hội – điều đó cũng có nghĩa là không có chuyện Giap Hải có mặt ở Nam Quan trong cuộc đối đáp với Mao Bá Ôn.
Tiếp theo là sự kiện tháng 10 năm Gia Khánh thứ 20 (1541) – diễn ra sau các cuộc thương thuyết và xướng họa PHÙ BÌNH, điều mà Mao Bá Ôn ngụy biện tây bày với vua nhà Minh rằng, Mạc Đăng Dung tự trói mình đầu hàng ở cửa ải, xin chính sóc, xóa bỏ tiếm hiệu, trả lại bốn động đã chiếm, xin nội thuộc xưng thần lại được Đại Việt sử ký toàn thư khai thác và sử dụng như một chứng lý về tội bán nước cầu vinh của vua tôi nhà Mạc, phủ nhận thành tựu lớn lao về bang giao do chính Giáp Hải giành được. Thật tiếc cho một bậc kỳ tài, có nhiều công lao với đất nước và dân tộc, ít nhiều đã bị các sử gia phong kiến xuyên tạc và vùi dập. May sao, dã sử cũng như Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú vẫn khách quan ghi nhận những công lao to lớn ấy và cải chính cho ông.
Dưới thời Mạc, Bắc Giang còn đóng góp một gương mặt ngoại giao khác là Vũ Cẩn – người Tiên Lát (Việt Yên), sinh năm 1522, thi đậu Đệ tam giáp Tiến sĩ năm 1556, làm đến Thượng thư, đi sứ sang nhà Minh vào năm 1580.
Thời Lê Trung Hưng, Bắc Giang xuất hiện nhiều nhà ngoại giao nổi tiếng xuất thân từ các nhà khoa bảng.
– Hoàng Công Phụ (1567 – 1644), người Yên Ninh – Yên Dũng, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1619, hai lần đi sứ nhà Minh.
– Thân Khuê (1593 – 1637), người Phương Độ – Yên Dũng, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân năm 1628, mất trên đường đi sứ.
– Thân Toàn, con trai Thân Khuê, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ năm 1652, một lần đi sứ.
– Thân Hành, con trai Thân Toàn, Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ năm 1689, một lần đi sứ.
Ngoài lĩnh vực ngoại giao, sử sách và dân gian còn ghi nhận những đóng góp cho lĩnh vực đào tạo nhân tài cho đất nước như Đào Toàn Bân – người Song Khê – Yên Dũng, đã từng có những học trò như Đào Sư Tích – giành học vị Trạng nguyên; Lê Hiến Phủ – giành học vị Bảng nhãn; Trần Đình Thám – giành học vị Thám hoa; Lê Hiến Từ – giành học vị Tiến sĩ. Hoặc như Thân Nhân Trung – Tiến sĩ năm 1469, người từng tham gia biên soạn bộ sách Thiên Nam dư hạ tập, Thân chinh ký sự và các văn bia Quang Thục trinh huệ khiêm tiết họa xung nhân thánh hoàng thái hậu, Đại bảo tam niên Tiến sĩ đề danh ký; Hồng Đức thập bát niên Tiến sĩ đề danh ký; Thánh Tông Chiêu lăng bi minh tịnh trị; Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi… và nổi tiếng trong mọi thời đại với câu nói “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Sách Lịch triều hiến chương – Nhân vật chí của Phan Huy Chú ghi nhận: “Về văn thơ, ông ưa điển nhã, hồn hậu, không cần đẽo gọt mà thể cách và bố trí tự nhiên hay. Những bài thơ thù phụng của ông phần nhiều được vua phê khen”.
Về Trần Đăng Tuyển, cũng trong Lịch triều hiến chương – Nhân vật chí, Phan Huy Chú đánh giá: “Năm Thịnh Đức Đinh Dậu (1657) chúa sai tướng đi đánh Đường Trong, đặc cách cho ông làm Đốc thị coi quân của Phú quận công Trịnh Căn và sai ông hiệp đồng mà tham tán việc quân. Năm Vĩnh Thọ Tân Sửu (1661) bàn công bình định, ông đương Hữu thị lang bộ Binh, được thăng Đô ngự sử, tước Tử Hoằng tổ (Trịnh Tạc) cho là ông tham mưu quân sự đã lâu, đặc cách ban tước xuyên quận công, cho làm Bồi tụng phủ chúa. Năm Cảnh Trị Giáp Thìn (1664) đặt chính quan cho sáu bộ, ông được thăng Thượng thư bộ Lễ”.
Thời Nguyễn, sử sách cũng ghi nhận nhiều về những đóng góp của hai vị Tiến sĩ và một vị cử nhân của tỉnh Bắc Giang. Đó là:
– Nguyễn Danh Vọng, Tiến sĩ cập đệ, đã từng được bổ Hàn lâm viện Biên tu, sau là Tri phủ Trùng Khánh (Cao Bằng), Đốc học Hải Dương. Năm Tự Đức nguyên niên (1848) thự Quốc tử giám Tư nghiệp thăng Tế tửu. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện cho biết, gia thế của ông đều nghề nghiệp nho thư, Cao tằng tổ đều đỗ Hương cống thời Lê. Lúc nhỏ, ông nổi tiếng là người chăm học.
– Nguyễn Huy Bính, còn gọi là Nguyễn Bỉnh, sau khi thi đậu Cử nhân lãnh chức Tri huyện Thượng Lang (Cao Bằng) rồi đổi Tri phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa) Án sát sứ Ninh Bình, Bố chánh sứ Bắc Ninh. Năm Tự Đức thứ 18 (1865) ông được triệu về Kinh, bổ Biện lý bộ Công rồi Tả Tham tri bộ Hình. Từ năm Tự Đức 21 (1868) đến Tự Đức 24 (1871), ông được cử làm Thự Tuần phủ Hà Nội rồi Tuần phủ Lạng Bình. Năm Tự Đức 25 (1872) ông lại được triệu về Kinh lần lượt làm Thự Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình.
– Nguyễn Đình Tuân, Đình nguyên Tiến sỹ, từng đảm đương các chức vụ Tri huyện Việt Yên (Bắc Giang), Giáo thụ Yên Bái, Đốc học Ninh Bình, Đốc học trường Quy thức Hà Nội, Đốc học Hà Đông. Sau khi được cử giữ chức Bồi thẩm Tòa án Hà Nam, năm 1919 ông được cử làm Án sát Bắc Ninh rồi sau đó là Án sát kiêm Tuần phủ Thái Nguyên. Ông là người có công trong việc lập xã và đưa giống chè Phú Thọ về thuần hóa tại Tân Cương (Thái Nguyên).
Trong số các đại khoa Bắc Giang đỗ đạt dưới thời phong kiến, có một trường hợp khá đặc biệt, đó là Tiến sĩ Nguyễn Duy Năng. Theo những ghi chép và truyền thuyết của dòng họ Nguyễn Khoa ở Thừa Thiên – Huế thì, vào khoảng cuối thế kỷ XVI, thời Lê Uy Mục và Lê Chiêu Tông, ông nội của ông là Nguyễn Lộng và phụ thân của ông là Nguyễn Dương đã rời làng Dĩnh Uyên, tổng Dĩnh Kế, huyện Phượng Nhãn vào khai hoang lập nghiệp tại xã Ưu Điềm, huyện Kim Trà, phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa. Mặc dù được sinh ra ở vùng đất mới, nhưng vào những năm 70 của thế kỷ XVI, Nguyễn Duy Năng lặn lội trở lại quê cũ tìm thày học và thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân tại khoa thi Giáp Tuất niên hiệu Sùng Khang nhà Mạc(1574) rồi lại tìm cách trở về Thuận Hóa, được Nguyễn Hoàng bổ làm quan Khuyến nông, vua Lê Thế Tông “Sắc cho hạ chế Nguyễn Duy Năng ở xã Ưu Điềm, huyện Hương Trà, đã vì mệnh lệnh của Đô tướng Thái úy Trường Quốc Công Trịnh Tùng mà tòng quân giết giặc lập được chiến công. Nhờ có triều thần kiến nghị, đáng được thăng tước Nam và cất nhắc. Nay vua xét cho giữ chức Tiên tiến Trấn quốc Đại tướng quân và phong cho tước hiệu là Văn Hiến Nam để giúp việc quân theo chức trách”.
Về sau, dòng Nguyễn Duy của ông cải thành dòng Nguyễn Khoa hiển hách trong sự nghiệp mở nước của các chúa Nguyễn về phương Nam và dựng nước của các vua nhà Nguyễn.
Điểm lại các khuôn diện những vị đại khoa Bắc Giang đã từng có chức vụ cao trong triều đình, ta thấy rằng, thi cử là cơ sở quan trọng nhất đối với việc tuyển dụng quan chức cho bộ máy quản lý nhà nước. Muốn tiếp cận được với con đường này họ ít nhất phải lọt qua được ba trường (tức là phải có học vị Sinh đồ, Tú tài), bốn trường (tức là phải có học vị Hương cống, Cử nhân) của kỳ thi Hương và lọt qua tất cả 4 trường của kỳ thi Hội thì mới được vào dự nốt vòng thi cuối, gọi là thi Đình để xếp loại Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa và Tiến sĩ. Tất cả những người đỗ đạt qua các kỳ từ thi Hương trở lên đều có thể trở thành quan chức. Hương cống, Cử nhân – thấp hơn có thể là Sinh đồ, Tú tài đều được tuyển dụng làm Huấn đạo rồi dần dần trở thành Tri huyện, Tri phủ. Những người có học vị Tiến sĩ trở lên, thường được đảm nhiệm các chức vụ cao hơn ở hàng tỉnh hoặc triều đình.
Nhìn vào danh sách khoa bảng Bắc Giang ta thấy phần đông làm tròn bổn phận của mình trong những chức vụ được nhà nước giao phó. Sự vươn lên bằng chính tài năng của mình để có điều kiện cống hiến được nhiều hơn cho đất nước và dân tộc không nhiều. Những tên tuổi luôn phấn đấu để trở thành nhân vật lỗi lạc, là niềm tự hào cho quê hương, xứ sở cũng ở tình trạng như vậy. Đó là một thực tế. Hình như, trong số các vị đại khoa xuất hiện qua nhiều thế kỷ đó, Bắc Giang mới chỉ có được một chính trị gia toàn tài Giáp Hải, một nhà văn hóa tầm cỡ Thân Nhân Trung, một con người kinh bang tế thế Nguyễn Đình Tuân. Nếu so với sự thành đạt bằng con đường võ học, hình như những tên tuổi Thân Công Tài, Lương Đăng Minh, Ngọ Công Mỹ, La Công Trực, Dương Quốc Cơ, Hoàng Ngũ Phúc, Hoàng Công Phụ… có phần nổi trội nhiều hơn.
Một chặng đường, một tiến trình khoa bảng của Bắc Giang đã đi qua, để lại cho đời sau nhiều tự hào nhưng cũng không ít những điều trăn trở. Hy vọng, các thế hệ tiếp nối sẽ kế tục được những truyền thống tốt đẹp để đưa quê hương tiến nhanh đến bến bờ hạnh phúc bởi những người học thật, có tài năng thật chứ không phải là những Sinh đồ ba quan như dân gian thường mai mỉa.
Hà Nội, mùa thu 2017
Chú thích:
[1] Viết sử lược (Trần Quốc Vượng dịch). Nxb. Thuận Hóa, Trung tâm VHNNĐT, 2001, tr.139.
[2] Huyện Phượng Nhãn nay chia thành các xã Dĩnh Kế, Dĩnh Trì, Tân Tiến (thành phố Bắc Giang), Thái Đào, Đại Lâm (Lạng Giang), Hương Gián, Xuân Phú, Tân An, Quỳnh Sơn, Lão Hộ, Trí Yên, Lãng Sơn (Yên Dũng), Đan Hội, Vũ Xá, Thanh Lâm, Bắc Lũng, Khám Lạng, Tiên Nha, Tiên Hưng, Yên Sơn, Bảo Đài, Chu Điện, Lan Mẫu, thị trấn Đồi Ngô và một phần các xã Phương Sơn, Cẩm Lý (Lục Nam). Ngoài ra còn 2 tổng của Phượng Nhãn là Chi Ngãi gồm 11 xã (Chi Ngãi, Đại Bái, Yên Mô, Dược Sơn, Phục Thiện, Đại Tân, Hoàng Giản, Bích Động, Đỗ Xá, Lôi Động, Thanh Tảo, Trúc Cương) cùng với Trạm Điền gồm 6 xã (Đá Bạc, Đại Bộ, Thanh Mai, Trạm Điền, Trung Khuê, Vạn Yên – nơi có đền Kiếp Bạc) chuyển sang huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
[3] Theo sử sách, thời Lý Anh Tông, triều đình tổ chức 2 kỳ thi vào các năm 1152 và 1165 nhưng không ghi lại danh sách những người đỗ đại khoa.
[4] Các vị đại khoa nay thuộc Việt Yên (Thân Nhân Trung, Nguyễn Lễ Kính, Ngô Văn Cảnh, Thân Tông Vũ, Thân Cảnh Vân, Thân Nhân Tín, Đỗ Hoảng, Đỗ Văn Quýnh, Doãn Đại Hiệu, Đỗ Đồng Dần, Lê Trừng, Nguyễn Nghĩa Lập, Ngô Uông, Vũ Cẩn, Nguyễn Phương Sồ, Hoàng Công Phụ, Nguyễn Nhân Trừng, Trần Đăng Tuyển, Chu Danh Tể, Nguyễn Danh Vọng), Hiệp Hòa (Đoàn Xuân Lôi, Lê Nhữ Thông, Ngọ Doãn Trù, Khổng Tư Trực, Nguyễn Doãn Địch, Nguyễn Hoảng, Hoàng Sầm, Ngô Trang, Nguyễn Thì Lượng, Nguyễn Kính, Nguyễn Nhữ Tiếp, Tạ Thuần, Nguyễn Hữu Đức, Trịnh Ngô Dụng, Nguyễn Đình Tuân), thành phố Bắc Giang (Quách Nhẫn, Đào Toàn Bân, Đào Sư Tích, Đào Thúc Viện, Giáp Hải, Giáp Lễ, Ninh Triết, Nguyễn Duy Năng, Thân Khuê, Thân Toàn, Thân Hành), Yên Dũng (Nguyễn Viết Chất, Lê Đức Trung, Phạm Túc Minh, Nguyễn Thuấn, Nguyễn Văn Hiến, Nguyễn Nhân Kiền); Tân Yên (Nguyễn Đình Tấn, Nguyễn Vĩnh Trinh, Dương Thận Huy, Phùng Trạm); Lạng Giang (Lý Trịnh Kiền, Nguyễn Xuân Lan, Nguyễn Tảo); Lục Nam (Hà Chiến).
[5] Theo quy chế thi cử thời Lê thì ở kỳ thi Hương, thí sinh phải qua 4 lần thi, đỗ lần nào gọi theo lần ấy (nhất trường, nhị trường, tam trường). Nếu đỗ cả 4 trường thì gọi là Sinh đồ (điểm thấp), Hương cống (điểm cao). Khi Minh Mệnh lên ngôi mới đổi Sinh đồ là Tú tài, Hương cống là Cử nhân.
[6] Nguyễn Trãi toàn tập (Tân biên) tập 2, Nxb. VH và TTNC Quốc học, 2001, tr.464. Nguyên văn các câu ngạn ngữ được Tứ trấn ký trích dẫn là Nhất Tam Đái, nhì Khoái Châu; Nam: Chân, Bắc: Dũng, Tây: Lạc, Đông: Kỳ.
[7] Phan Huy Chú, Lịch triều hiến chương lại chí, tập Năm, Nxb. Trẻ, 2014, tr.320.
[8] Phan Huy Chú. Lịch triều hiến chương loại chí, Sđd, tập 20, tr.137.