18/06/2018, 17:01

Hòa Hảo

Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) Vũ Ngự Chiêu Dưới thời Nhật chiếm đóng (1940-1945), tại các tỉnh miền Tây, một giáo phái đang thành hình và lực lượng ngày một mạnh. Từ sau năm 1947, giáo phái này thường được biết như Phật Giáo Hòa Hảo, hay ngắn gọn hơn, Hòa Hảo. Hòa Hảo thực ra chỉ ...

duc-huynh-phu-so

Huỳnh Phú Sổ (1919-1947)

Vũ Ngự Chiêu

Dưới thời Nhật chiếm đóng (1940-1945), tại các tỉnh miền Tây, một giáo phái đang thành hình và lực lượng ngày một mạnh. Từ sau năm 1947, giáo phái này thường được biết như Phật Giáo Hòa Hảo, hay ngắn gọn hơn, Hòa Hảo.

Hòa Hảo thực ra chỉ là tên ngôi làng mà người khai đạo,  Huỳnh Phú Sổ (1919-1947) đã mở mắt chào đời. Đại cương, Hòa Hảo dựa trên một số nguyên tắc và phương pháp tu luyện đại chúng của Phật giáo tại gia. Tín đồ được dạy bảo chẳng nên theo đuổi những tài lợi thế tục, sống đạm bạc, đức hạnh. Giáo phái này liên hệ đến môn phái Đức Công Vương Phật, một trong năm chi nhánh của Bửu Sơn Kỳ Hương, dịch nghĩa tiếng Việt là “Hương lạ từ núi quí”—một thứ hội kín của người Hoa. Ngoài ra, còn chịu ảnh hưởng của Sấm Trạng Trình. Kinh điển và đường lối của Hòa Hảo cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhóm trí thức tân học nuôi lý tưởng giải phóng dân tộc khỏi sự chiếm đóng của Pháp, và thực hiện cách mạng xã hội. Nói cách khác, Hòa Hảo là một giáo phái không thuần túy tôn giáo mà bị chính trị hóa. Giáo phái này nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh giới nông dân, không có điều kiện lễ bái ở các chùa, và đặt nặng vào đức tính cổ truyền hiếu (đối với cha mẹ, tổ tiên) và nghĩa (với thân hữu và đồng bào).

I. SƠ LƯỢC VỀ HUỲNH PHÚ SỔ (1919-1947):

Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sinh tại làng Hòa Hảo, tỉnh Long Xuyên, Nam Việt. Thân phụ là Hương cả Huỳnh Công Bộ, còn gọi là Cả Từ; mẹ là Lê Thị Nhâm.(1)

Thuở nhỏ, Huỳnh Phú Sổ theo học chương trình giáo dục bình thường của thanh thiếu niên Việt đương thời, một nền giáo dục tổng quát, cực kỳ hạn chế về kiến thức, nhưng đặt nặng vào bổn phận trung thành với nhà nước Bảo hộ Pháp (luân lý). Sau khi tốt nghiệp bằng Tiểu học, Huỳnh Phú Sổ bỗng bị bệnh nặng. Năm 1936, thân phụ ông phải gửi con lên Núi Sam (Thất Sơn, Châu Đốc), tu luyện theo phái Đạo Tưởng để chữa bệnh.

Thất Sơn (“Bẩy núi”) thuộc địa phận Tri Tôn, tỉnh Châu Đốc. Núi này nổi danh vì có nhiều hang động và chùa chiền, miếu am, nơi qui tụ những người chán cảnh thế tục hay trốn tránh pháp luật bảo hộ Pháp. Nổi danh nhất vùng Thất Sơn có chùa Bửu Sơn Kỳ Hương. Chùa này được bí mật xây lên trong khoảng 1900-1910, trên một đỉnh núi Cấm mà ít người đặt chân tới. Hòa thượng Cao Văn Long, còn được biết như Bẩy Đỏ, Mã Vang, chưởng môn phái Đạo Minh Sư, lập nên chùa này. Năm 1917, quân Pháp thiêu hủy chùa Bửu Sơn Kỳ Hương, sau cuộc nổi dạy năm 1916 ở Sài Gòn, nhưng danh tiếng chùa vẫn còn lưu truyền cho tới giữa thế kỷ XX.

Môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương chia làm năm nhánh chính:

Nhánh Dương Công Vương Phật, tức giáo phái Bửu ngươn Phật pháp.

Nhánh Lão Công Vương Phật, tức Tịnh Độ Cư Sĩ

Nhánh Minh Công Vương Phật, tức Bửu Sơn Kỳ Hương (Quách Tấn Hưng)

Nhánh Bửu Công Vương Phật, tức Phật Thiền Môn

Nhánh Đức Công Vương Phật, sau này trở thành Phật Giáo Hòa Hảo

Sư phụ của Huỳnh Phú Sổ là That Xom, trụ trì chùa Trà Sơn. Sau ba năm tu luyện ở đây, Huỳnh Phú Sổ không những khỏi bệnh mà còn học được nhiều bùa phép, có thể chữa bệnh bằng nhân điện, thôi miên, bùa chú, v.. v… Năm 1939, Huỳnh Phú Sổ trở về làng Hòa Hảo, sức khỏe hoàn toàn bình phục. Ông tiếp tục tu luyện và chữa bệnh để cứu nhân độ thế. Nổi danh mát tay, trị được bá chứng, được gọi là Đạo Xển hay tôn xưng làm Phật sống, hóa thân của “Phật Thầy Tây An.” Huỳnh Phú Sổ cũng tiên đoán được rằng Pháp sẽ bại trận ở Âu Châu năm 1940, Nhật sẽ chiếm Đông Dương, và Việt Nam sẽ được độc lập dưới quyền một Minh Vương. Tín đồ tại Châu Đốc và Long Xuyên ngày càng đông.

Về vấn đề tu thân, Huỳnh Phú Sổ nhấn mạnh trên nguyên tắc hiếu nghĩa. Tín đồ phải ghi nhớ bốn bổn phận hiếu nghĩa sau: Nhớ ơn tổ tiên và cha mẹ; Nhớ ơn Tổ quốc, Nhớ ơn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, kinh Phật, và tăng lữ; và, Nhớ ơn đồng bào và nhân loại. Ngoài ra tín đồ phải ghi nhớ Luật nhân quả của nhà Phật, và gìn giữ bốn đức tính bác ái, từ tâm, kiên nhẫn và lòng độ lượng.

Các tín đồ chỉ cần lập ngay tại nơi cư trú một bàn thờ phủ vải đỏ (trần đỏ hay trần điều), không hình tượng Phật. Cúng Phật, tín đồ chỉ cần hai ly nước mưa, hoa tươi hái được ở bất cứ nơi nào như bông trang (camomille), bông sen (lotus). Khi hành lễ sẽ vái tứ phương, với lời nguyện:

Nhứt nguyện cầu Thiên hoàng, liên hoa hội hội,

Nhị nguyện cầu Minh Vương trị chung, thế giới bình an,

Tam nguyện cầu phụ mẫu tại đường tăng long phúc thọ, phụ mẫu quá khứ trúc vãng Tây phương

Tứ nguyện cầu bá tánh vạn dân, tu tâm bác ái, giải thoát mê ly

Tín đồ không cúng các món ăn, không đốt vàng mã trong các dịp ma chay, v.. v… Họ được khuyên ngăn không uống rượu, không chơi cờ bạc, không hút thuốc phiện, không xa xỉ.

Mục đích của Huỳnh Phú Sổ là hiện đại hóa trường phái A Di Đà [ Amidisme hay Amitabha, theo tiếng Nhật]. Đây là trường phái Phật đại chúng của Trung Hoa; các đệ tử thành tâm khấn Phật, không cần giới tăng già, không cần phẩm vật tế lễ. [Xem chương về Phật Giáo] Phái này có khoảng 700,000 tín đồ tại miền Tây Nam Việt, nhất là Châu Đốc, Long Xuyên, và rải rác trong các tỉnh Sa Đec, Cần Thơ, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Huỳnh Phú Sổ chỉ muốn làm nhà Tiên tri, hậu thân của Trạng Trình, rao giảng về nỗi khổ đau của cuộc sống cùng tình cảnh loạn ly, chiến tranh, đói khổ và tận thế sắp tới. Để thoát khỏi những tai ương, đau khổ ấy, phải sớm giác ngộ tu đạo.

Những lời tiên tri của Huỳnh Phú Sổ được xuất bản thành nhiều tài liệu, như Sấm giảng khuyên người đời tu niệm [Prophéties expliqués pour exhorter les profanes à embrasser la réligion], gồm 910 câu lục bát, xuất hiện năm 1939; Kệ dẫn của người khùng [Prières du Fou], gồm 846 câu lục bát (1939); Sấm Giảng [Prophéties expliqués], gồm 612 câu lục bát (1939); hay, Giác mê tâm kệ [Prières pour réveiller ceux qui sont dans l’erreur]; gồm 846 câu lục bát (1939). Trong các bài kệ của Đạo Xển, thường lồng vào những lời kêu gọi đoàn kết toàn dân và hy sinh quyền lợi bản thân cho đất nước, dân tộc. Có người cho rằng tác giả những tác phẩm trên là Phan Văn Huê, từng bị người Pháp kết tội là Trốt-kít (Đệ tứ Cộng Sản), và sau này bị Việt Minh xử bắn.

Người Pháp chỉ chú ý đến Huỳnh Phú Sổ sau khi xảy ra một vụ giết người tại vùng Long Xuyên của tín đồ phái Đạo Tưởng. Những lời giảng dạy tín đồ đừng nên chú trọng đến tài sản, của cải trong cuộc sống giả tá của Huỳnh Phú Sổ được nhân viên an ninh Pháp giải thích như mang tinh thần chủ bại, khuyến khích nông dân đừng nên cày cấy ruộng đồng, và như thế đi ngược lại chính sách biến các thuộc địa thành kho dự trữ nguyên liệu để phục vụ nỗ lực chiến tranh của mẫu quốc Pháp lúc đó. Nhà chức trách Pháp cho lệnh tịch thu tất cả tài liệu của Huỳnh Phú Sổ.

Ngày 9/5/1940, Thống đốc René Véber (5/1939-11/1940) trục xuất “Đạo Xển” khỏi hai tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên, chỉ định cư trú tại Cần Thơ. Huỳnh Phú Sổ tạm trú trong nhà Xã Thanh, làng Nhơn Nghĩa (tây nam Cần Thơ khoảng 15 cây số). Tại đây, Huỳnh Phú Sổ lại qui phục được một số tín đồ khá đông, lên tới 10,000 người. Trong số những tín đồ nổi danh có Nguyễn Văn Ngượt, tức Nguyễn Giác Ngộ (1897-1967), “Hai Ngoán” Lâm Thành Nguyên, người Việt gốc Hoa (cha Hoa, mẹ Việt).

Quan chức Pháp tìm cách cô lập Huỳnh Phú Sổ, đưa ông tới làng Hòa Khánh (Mỹ Tho, khoảng 12 cây số bắc tỉnh Vĩnh Long), và rồi nhốt vào bệnh viện thần kinh Chợ Quán, Chợ Lớn. Tại đây, Huỳnh Phú Sổ cũng khai sáng huệ tâm nhiều y công và y sĩ Việt. Vì vậy, khoảng một năm sau, ngày 31/5/1941 Thống đốc Henri Rivoal (11/1940-1/1943) lại đầy Huỳnh Phú Sổ xuống Bạc Liêu. Một số phụ tá và tín đồ của Đạo Xển cũng bị tập trung vào trại Bà Rá (kể cả Nguyễn Giác Ngộ).

Điều vượt ngoài ý muốn của Pháp là thời gian ở Bạc Liêu, Huỳnh Phú Sổ tiếp tục thu được nhiều tín đồ. Rivoal bèn quyết định đầy ông qua Lào.

Tuy nhiên, thời gian này chính quyền Bảo hộ Pháp tại Đông Dương đã mất đi uy quyền tuyệt đối. Phía sau, và bên trên các viên chức Pháp, là Tướng lãnh và viên chức ngoại giao Nhật. Ngày 27/7/1941, quân Nhật bắt đầu đổ bộ xuống Cam Ranh. Hai ngày sau, 29/7/1941, chính phủ Vichy phải ký Hiệp ước Phòng thủ chung với Nhật, cho phép Nhật trú quân tại phía Nam Đông Dương. Để dự phòng các biến loạn, Toàn quyền Jean Decoux (20/7/1940-9/3/1945) cho lệnh bắt giữ tất cả những phần tử tình nghi. Trường hợp Đạo Xển, Decoux xuống lệnh đầy qua Lào.

Do đề nghị của Lương Văn [Trọng] Tường, ngày 11/10/1942, Kempeitai [Hiến binh] Nhật giải cứu Huỳnh Phú Sổ khỏi Bạc Liêu, mang về Sài Gòn bảo vệ, với lý do “gián điệp cho Trùng Khánh.” Mật thám Pháp và Cảnh sát Mỹ Tho tổ chức chặn bắt Huỳnh Phú Sổ ở Ngã ba Trung Lương, nhưng thất bại.(2)

Từ đó, Huỳnh Phú Sổ được Kempeitai Nhật bảo vệ tại một trụ sở trên đường Lefèbvre, Sài Gòn, và ngả theo tổ chức Việt Nam Phục Quốc Đồng Minh Hội (Phục Quốc) của Hoàng thân Cường Để (1882-1951, dòng giõi Thái tử Cảnh (1780-1801), lúc ấy đang lưu vong trên đất Nhật).

Tín đồ ngày càng đông, nhất là các tỉnh Long Xuyên (Chợ Mới), Châu Đốc (Tân Châu, Tri Tôn, Rạch Giá), Mỹ Tho (Cai Lậy, Cái Bè), Bạc Liêu, Cần Thơ và Tân An. Họ tung  tin Huỳnh Phú Sổ đã trở thành Cố vấn tối cao cho quân đội Thiên Hoàng; và nhờ sự cố vấn của Đức Thầy mà quân Nhật thắng lợi khắp nơi, đặc biệt là trận đánh ở Sư Tử Thành [Chiêu Nam Đảo, tức Singapore]. Pháp xuống tay bắt giữ nhiều tín đồ Hòa Hảo, nêu lý do họ công khai chống lại các giới chức Cảnh Sát và hành chính địa phương. Cao điểm của những vụ rắc rối này là việc Trần Văn Soái (Năm Lửa, 1894-1961) mang thủ hạ đi lùng bắt Lê Tấn Nẫm, quận trưởng Trà Ôn (Cần Thơ) vào tháng 2/1944. Pháp cũng ra lệnh cấm tín đồ Hòa Hảo xây cất hai ngôi chùa; và Huỳnh Phú Sổ phản ứng bằng cách cho lệnh tín đồ không cần xây chùa, và đơn giản hóa việc tụng niệm trước một bàn thờ phủ khăn đỏ.

Trong hai năm 1943-1944, Pháp nhiều lần yêu cầu Nhật giải giao Huỳnh Phú Sổ và Lương Trọng Tường, nhưng Nhật tảng lờ.(3) Nhờ sự giúp đỡ của Nhật, dưới trướng Huỳnh Phú Sổ bắt đầu có nhiều đơn vị võ trang.   Đáng kể nhất là   Năm Lửa Trần Văn Soái, Hai Ngoán Lâm Thành Nguyên, Nguyễn Giác Ngộ cùng những nhân vật anh chị khác như Ba Gà Mổ (Võ Văn Điều), Ba Cụt (Lê Quang Vinh, 1923-1956), v.. v…

Việc thành lập các đơn vị Bảo An này có lẽ nằm trong nỗ lực thống nhất các phe nhóm chống Pháp thành một lực lượng ủng hộ Cường Để của các viên chức Nhật. Ngô Đình Diệm (1897-1963), từ sau ngày Đại Việt Phục Hưng bị bại lộ ở miền Trung, được đưa vào Sài Gòn tị nạn. Các lãnh tụ Đại Việt miền Bắc như Nguyễn Xuân Chữ và Lê Toàn cũng “vào bí mật.” Trong khi đó, Matsushita [Tùng Hạ] Mitsuhiro, trưởng lưới tình báo dân sự Nhật ở Đông Dương, còn móc nối Trần Quang Vinh và Cao Triều Phát để lập một liên minh với Huỳnh Phú Sổ. Trưởng phòng chính trị của Thống chế Machijiri Kasumoto, Tư lệnh Nhật tại Đông Dương, còn chuẩn bị danh sách chính phủ lâm thời, theo đó Ngô Đình Diệm được cử làm Thủ tướng (Ủy Ban Kiến Quốc của Cường Để, với 5 nhân vật nòng cốt là Diệm, Chữ, Toàn, Vũ Đình Dy và Vũ Văn An).

Cuối năm 1944, Huỳnh Phú Sổ bắt đầu rao giảng về Minh Vương. Có người giải thích Minh Vương là Hoàng thân Cường Để, lãnh tụ phong trào Phục Quốc. Nhưng Minh Vương cũng có thể là chính Huỳnh Phú Sổ. (4)

Theo tài liệu Pháp, phong trào Hòa Hảo đầu tiên gồm một thiểu số tham vọng muốn thay thế viên chức Pháp trong chính quyền, và 9 phần 10 là nông dân ít học, bị lôi cuốn bởi ý muốn được hưởng lợi và một phần vì lòng ngưỡng mộ tài phép của Đạo Xển. Một thiểu số điền chủ cũng ngả theo Huỳnh Phú Sổ, kể cả gia đình Lâm Thọ Cửu, có liên hệ huyết thống với Đạo Xển.

Sau chiến dịch Meigo (9-10/3/1945), Hòa Hảo trở thành một lực lượng chính trị/quân sự quan trọng ở miền Nam. Một số chính khách nổi danh gia nhập hoặc có liên hệ với Hòa Hảo như Phan Văn Hùm, Bùi Văn Dũ tức Hiệp Sĩ (người Long Xuyên, cầm đầu tổ chức Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội [Association d’union de la religion bouddhique au Viet Nam]). Một số đảng viên Cộng Sản cũng chui sâu vào tổ chức Hòa Hảo (như trường hợp địa phận Cao Lãnh).

Hiển nhiên là không hài lòng với việc quan Tướng Nhật quyết định giữ Nguyễn Phước Điện ở Huế sau chiến dịch Mei-go, Huỳnh Phú Sổ bắt đầu rao giảng về tận thế, và khuyên mọi người đừng nên cày cấy. Nhật bèn bắt Huỳnh Phú Sổ đi khắp nơi diễn thuyết, kêu gọi dân chúng tiếp tục công việc đồng áng. Huỳnh Phú Sổ phải nhận lời, du thuyết một vòng các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Cần Thơ, Rạch Giá, Sa Đéc và Trà Vinh. Nhưng cho các tín đồ thân cận đi dặn trước mọi người rằng “Thày biểu trắng, phải làm đen, và biểu đen phải làm trắng.”

Nhật cũng khuyến khích tín đồ của Huỳnh Phú Sổ thành lập những đơn vị Bảo An tại miền Tây để tự vệ. Cũng trong giai đoạn này, Huỳnh Phú Sổ thành lập Việt Nam Độc Lập Vận Động Hội,  và Việt Nam Phật Giáo Liên Hiệp Hội, tích cực chuẩn bị đón Cường Để về làm Cơ Mật Viện trưởng. Nhân vật được Huỳnh Phú Sổ tin cậy nhất là Lương Trọng Tường. Tường—còn có tên Lê Văn Tường hay Lê Văn Kính—làm việc cho tình báo [Kempeitai] Nhật. Chính Tường đã đề nghị Kempeitai cứu Huỳnh Phú Sổ khỏi Bạc Liêu; và sau này giúp Huỳnh Phú Sổ mở rộng liên hệ với các tổ chức khác như Cao Đài hay các nhóm chính khách Trần Văn Ân, Hồ Văn Ngà, v.. v… Tường và Kempeitai còn giúp Huỳnh Phú Sổ tuyển mộ những “cận vệ” như Năm Lửa Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên,  v.. v…

Trần Văn Soái sinh tại Mỹ Thuận, Cần Thơ năm 1894 (10H xxx [4166]), hoặc năm 1898 (10H xxx [643]). Có tin cho rằng Soái sinh năm 1898 tại Kiến An, Chợ Mới, Long Xuyên.(10H xxx [4138]) Nguyên là tài xế xe ca, và đứng trùm bến xe Cần Thơ. Vợ là Lê Thị Gấm, cũng thuộc loại anh chị. Từ 1914 tới 1940, Soái 4 lần bị kết án trộm, hành hung và đả thương người.(10H xxx [643]) Năm 1940, Soái ngả theo Huỳnh Phú Sổ, trở thành cận vệ của Đạo Xển. Năm 1942, Soái làm việc cho Kempeitai. Tháng 3/1944, cùng Đại úy Hara, Lương Trọng Tường và Lương Vũ qua Lào dò thám việc thả dù bí mật của phe de Gaulle. (5)

Ngày 14/8/1945—khi việc đầu hàng không điều kiện của Nhật  được loan truyền—Huỳnh Phú Sổ ra tuyên cáo liên kết với Trần Quang Vinh của Cao Đài. Cũng ngày này, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt ra đời, gồm Hòa Hảo, Cao Đài, Tịnh Độ Cư Sĩ, Liên Đoàn Công Chức, Thanh Niên Tiền Phong, v…v… Hạt nhân của Mặt Trận là Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng của Hồ Văn Ngà, Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân v.. v… Khẩu hiệu là chống đế quốc Pháp, chống nạn ngoại xâm, bảo vệ trị an; bài trừ phản động. Tổ chức dự định thành lập một chính phủ lâm thời, nhưng Việt Minh nhanh tay hơn, chiếm được chính quyền. Ngày 27/8, Trần Văn Giàu [Nguyễn Ngọc Minh] giải tán những đoàn thể bán quân sự, thâu nhập họ vào Quân dân Cách mạng.(6)

Mặc dù kêu gọi đoàn kết chống ngoại xâm, Trần Văn Giàu và Hà Bá Cang (dưới bí danh mới Hoàng Quốc Việt, đại diện Trung Ương) quyết định tiêu diệt mọi đối thủ, đặc biệt là nhóm Trotskyite—kẻ thù bất đội trời chung của Josef Stalin.

Ngày 6/9/1945, Việt Minh lùng bắt các lãnh tụ giáo phái và nhóm Trốt-kít  vì “âm mưu làm đảo chính.” Thực ra, phe Trốt-kít từng tố cáo Trần Văn Giàu là tay sai của Mật Thám Pháp.

Ngày 8/9/1945—đúng ngày Huỳnh Phú Sổ được bầu làm Cố Vấn đặc biệt cho Lâm Ủy Hành Chánh cải tổ miền Nam, với chủ tịch mới là Phạm Văn Bạch, người từng viết tiểu luận tốt nghiệp về Marxism—em ruột Đạo Xển là  Huỳnh Thạnh Mậu  cùng Trần Ngọc Hoành, con trai Năm Lửa, và hàng trăm tín đồ tổ chức biểu tình lớn ở Cần Thơ với ý định lật đổ chính quyền Việt Minh địa phương. Việt Minh đưa quân các nơi về dẹp biểu tình. Mậu cùng khoảng 300 người bị Nguyễn Văn Tây và Phan Đình Đổng—em Phan Đình Khải, tức Lê Dức Thọ, mới từ Côn Đảo về—bắt.(7) Gần một tháng sau, ngày 7/10, Mậu, Hoành và hàng chục người khác bị VM đưa ra trước toà án nhân dân tại sân vận động Cần Thơ, rồi xử bắn tại chỗ. Nhiều tín đồ Hoà Hảo bị săn đuổi, giết hại khắp nơi. Năm Lửa cũng bị treo giá đầu 15,000 đồng.

Giữa thời gian này, Pháp tái chiếm Cần Thơ ngày 26/10/1945. Tín đồ Hoà Hảo tìm cách phục thù, lùng bắt Việt Minh khắp nơi, kể cả ông già, bà cả, thân nhân của cán bộ Việt Minh. Việt Minh tố cáo với Pháp lý lịch những sát nhân và nơi cất dấu vũ khí. Pháp bắt giữ những người này. Tín đồ Hoà Hảo bèn hướng mũi thù hận về Pháp, đặc biệt là Vệ binh Cộng Hoà Nam Kỳ, mới thành lập năm 1946.

Hận thù giữa Hoà Hảo và Việt Minh chỉ tạm thời lắng xuống sau ngày Trần Văn Giàu bị gọi ra Bắc, và Nguyễn Bình (Nguyễn Phương Thảo, 1910-1951) vào thay. Huỳnh Phú Sổ được mời làm Cố Vấn đặc biệt cho Ủy Ban Hành Chánh và Kháng Chiến Nam Bộ. Thêm vào đó, thế lực quân Pháp ngày một mạnh. Lực lượng võ trang của Hòa Hảo tạm thời quên thù cũ, cùng Việt Minh chống Pháp.

Sau khi Hồ Chí Minh ký Hiệp ước Sơ bộ 6/3/1946 với Jean Sainteny, ngày 2/4, Huỳnh Phú Sổ thành lập Việt Nam Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp [VNMTQGLH, hay Front Union Nationale hay Front National Unifié]. Nguyễn Văn Sâm (1898-10/10/1947) tham gia với tư cách lãnh tụ Mặt Trận Quốc Gia Trung Lập Đảng.(8) Tháng 7/1946, Nguyễn Bình ra lệnh giải tán tổ chức này. Hai đại diện Việt Minh rút khỏi Ban Chấp hành.

Từ tháng 6/1946, Huỳnh Phú Sổ cho lệnh cải tổ quân đội, thành lập Đệ tứ Sư Đoàn (sau đổi làm Liên Đội 30 Nguyễn Trung Trực), tức Nghĩa Quân Cách Mạng Vệ Quốc Liên Đội Nguyễn Trung Trực. Trần Văn Soái được phong làm Tổng thủ lãnh khoảng 2,000 dân quân, chia làm 4 Chi Đội 1, 2, 3 và 4. Sau ngày 9/3/1945, Soái trở thành lãnh chúa khu vực Cái Vồn và Cần Thơ.

Sau cuộc thảm sát tín đồ Hòa Hảo ở Cần Thơ (9/1945), lực lượng Hoà Hảo chống cả Việt Minh lẫn Pháp. Nguyễn Chấn (Trần Văn Trà), Tư lệnh Khu 8 (căn cứ trong Đồng Tháp Mười), nhiều lần xin hòa mà không thành.(9) Cuối cùng, Huỳnh Phú Sổ đồng ý nhận làm Cố vấn Tối cao cho Ủy Ban Hành chính Kháng chiến Nam bộ.

Ngày 21/9/1946, một tuần sau khi Hồ và Moutet ký Tạm Ước [Modus vivendi] 14/9/1946 tại Paris, Huỳnh Phú Sổ lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng tức Dân Xã. Đảng này qui tụ những thành viên còn lại của VNMTQGLH. Ban Chấp hành Trung ương đặt tại toà soạn báo Quần Chúng ở Sài Gòn. Lúc đầu Dân Xã có khuynh hướng “hòa giải” với Việt Minh để lôi kéo những phần tử quốc gia trong hàng ngũ Việt Minh. Bùi Văn Dũ, và Lâm Thành Nguyên, đối thủ chính của Soái, hoạt động hăng hái nhất. Một tài liệu học tập của Việt Minh về Hòa Hảo mà quân đội Pháp bắt được cho rằng Đảng Dân Xã đã được thành lập trong một buổi họp vào tháng 11/1946 tại Củ Chi (tỉnh Chợ Lớn), giữa Huỳnh Phú Sổ với Nguyễn Văn Sâm, Trần Văn Ân và Nguyễn Bảo Toàn. Sau đó, Huỳnh Phú Sổ tăng cường lực lượng Chi Đội 30 Nguyễn Trung Trực và kết hợp dân chúng trong hai tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc, khiến 90% dân chúng đều chống Việt Minh. Ngoài ra, Huỳnh Phú Sổ còn chuẩn bị nổi dậy chống Việt Minh, với sự tiếp tay của Pháp, vào tháng 4/1947.

Sau ngày Việt Minh tổng tấn công Pháp (19/12/1946), lực lượng quân sự Hòa Hảo lại tái tổ chức thành Chi Đội 30 Nguyễn Trung Trực, do Nguyễn Giác Ngộ và Lâm Thành Nguyên chỉ huy. Soái chỉ huy lực lượng lưu động ở miền Đông. Những cuộc đụng độ giữa Việt Minh và Hoà Hảo ngày một gia tăng.

Tháng 2/1947, Huỳnh Phú Sổ lại lập Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhứt Toàn Quốc, với Nguyễn Văn Sâm làm phụ tá. Một số thành viên của tổ chức vào sống trong vùng “Tề” (tức do Pháp kiểm soát). Vì việc trên, cán bộ Xứ ủy miền Nam quyết định ra tay với Hòa Hảo. Trong khi đó, Pháp tìm cách chiêu mộ các sứ quân Hoà Hảo. Ngày 6/4/1947, Trần Văn Soái—qua sự móc nối của Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng Quốc Phòng chính phủ Nam Kỳ tự trị Lê Văn Hoạch—bí mật xin Pháp ở Cần Thơ tiếp tay đánh Việt Minh. Chẳng hiểu việc Soái bí mật thương thuyết với Pháp có bị tiết lộ cho Việt Minh hay chăng. Chỉ biết ngày 16/4/1947, sau khi tham dự Hội nghị ở Ba Răng (làng An Phong, khoảng 26 cây số Tây Bắc Long Xuyên), Huỳnh Phú Sổ bị bắt giữ.(10) Bốn ngày sau, 20/4, người sáng lập đạo Hoà Hảo bị Việt Minh sát hại. (Có tác giả cho là 25/4/1947). Có tin Việt Minh đã cắt thi hài Huỳnh Phú Sổ thành ba mảnh, chôn tại ba nơi khác nhau để Đức Thầy không thể tái sinh.

II. HÒA HẢO, 1947-1954:

tin do hoa hao

Một tín đồ Phật giáo Hòa Hảo với tóc để dài búi trên đầu, khoảng 1970, ảnh Manh hai

Ngày 28/4, tin Huỳnh Phú  Sổ bị giết loan truyền khắp miền Nam. Giáo chúng Hoà Hảo vô cùng phẫn nộ thề quyết sống mái với Việt Minh từ đó. Ngày 18/5, Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Nguyễn Giác Ngộ thương thảo với Đại tá Roger Cluset, Tư lệnh miền Tây, về việc qui thuận. Soái mang về 250 tay súng và 2,000 Tự vệ. Bản doanh đặt tại Cái Vồn, làng Mỹ Thuận, khoảng 5 cây số đông bắc Cần Thơ (phía bắc bến phà Mỹ Thuận). Người có công trong việc này phải kể Nguyễn Văn Tâm, Bộ trưởng Quốc Phòng của Lê Văn Hoạch; Võ Thành Tánh, đại diện Cao Đài tại Cần Thơ; và Marcel Bazin, Chánh sở Mật Thám, người tiếp xúc với Lương Trọng Tường, Bí thư của Huỳnh Phú Sổ. (11)

Khoảng một tháng sau, ngày 15/6/1947, lực lượng Hoà Hảo chính thức qui phục, mang về 2,500 vũ khí đủ loại. Soái tự phong mình làm Tướng, cho đúc đeo trên mỗi ve áo một ngôi sao vàng y. Mãi tới đầu năm 1948, sau khi qua Hong Kong gặp Bảo Đại cùng nhân sĩ ba miền, kể cả Ngô Đình Diệm mà Soái đặc biệt quí mến, Soái được phong cấp Thiếu tướng giả định.(12) Tuy nhiên, một số tiểu lãnh chúa chưa chịu qui phục, tổng số vào khoảng 1,200 tay súng.(13) Tại miền Tây có Hai Ngoán Lâm Thành Nguyên, Ba Cụt Lê Quang Vinh, Ba Gà Mổ Võ Văn Điều, v.. v… Ngày 3/9/1947, do sự dàn xếp của Pháp, Nguyên nhìn nhận quyền “Tổng thống lĩnh” lực lượng Hoà Hảo của Soái. Ba Cụt vẫn chưa chịu về hàng.

Sau khi Huỳnh Phú Sổ và Nguyễn Văn Sâm bị Việt Minh sát hại năm 1947, nhóm Trần Văn Ân, Phan Khắc Sửu và Lương Trọng Tường nắm quyền điều khiển chính trị Hòa Hảo. Từ Sài Gòn, Ân, và Sửu khích động sự hiềm khích giữa các giới chức chỉ huy Hòa Hảo, đặc biệt là giữa Trần Văn Soái và Huỳnh Công Bộ, thân phụ Giáo chủ Sổ. Phần Tường được cử làm Chủ tịch Ủy ban Dân Xã đảng Liên tỉnh Miền Tây. Cơ quan ngôn luận là tờ Chiến Đấu, xuất bản tại Cần Thơ, do Ân làm chủ biên. (14) Tường  thành công trong việc thuyết phục Soái chống lại Hương cả Huỳnh Công Bộ. Vào năm 1947-1948, Dân Xã Đảng phát động phong trào quốc gia chống Cộng tại Nam bộ. Các lãnh tụ không ngần ngại lên án Pháp là ưu đãi Cộng Sản, và liên minh với Đại Việt Quốc Dân Đảng. (15)

Từ cuối năm 1947, các lãnh tụ chính trị Hòa Hảo ủng hộ và vận động cho giải pháp Bảo Đại. Ngày 19/3/1948, phái đoàn đại diện Hoà Hảo-Dân Xã—gồm có Trần Văn Soái, Lê Văn Kính (tức Lương Văn Tường, Lương Trọng Tường hay Kinh Lý Tường), Phan Khắc Sửu và Nguyễn Hữu Đạt (?)—qua Hong Kong gặp Bảo Đại.(16) Sau một tuần “hội nghị,” ngày 26/3, Bảo Đại viết thơ cho những đoàn thể chính trị và tôn giáo yêu cầu ủng hộ một chính phủ thống nhất ba miền, do Trung tướng Nguyễn Văn Xuân cầm đầu.

Tổ chức MTQGLH do Huỳnh Phú Sổ thành lập cũng được tái khai sinh tại vùng Tề. Trần Văn Quế, giáo viên trường Petrus Ký, bạn thân của Phạm Công Tắc, cầm đầu tổ chức này, với mưu định đưa Bảo Đại về nước.

Trong số những lãnh tụ mới có Nguyễn Ngọc Nhẫn, tức Vũ Tam Anh. Nhẫn sinh năm 1907 tại Mỹ Tho. Dạy học tư, sau trở thành chủ hãng xà-phòng ở Mỹ Tho. Là cựu quân nhân Trung đoàn 5 RAC, nhưng khi bị gọi tái ngũ năm 1942, Nhẫn không tuân lệnh. Ngày 25/2/1943, Nhẫn bị kết án 10 năm tù vì tội đào ngũ. Từ cuối năm 1942, gia nhập Liên Đoàn Ái Quốc Việt Nam. Qua năm 1943, gia nhập Thanh Niên Ái Quốc Đoàn. Ngày 15/7/1943, bị Pháp bắt khi đi trên một xe hơi mang số giả, nhưng phải thả vì có giấy chứng minh của Kempeitai Nhật. Tháng 2/1944, Nhẫn gia nhập Phục Quốc. Sau đó, ra Huế làm việc với Trung úy Kempetai Kuga—người từng đưa Ngô Đình Diệm trốn từ Huế vào Đà Nẵng rồi Sài Gòn năm 1944, và qua Krung thêp đón Trần Trọng Kim năm 1945.(17) Từ tháng 8/1945 tới 2/9/1945, Nhẫn làm trưởng phòng hành quân Sư đoàn 2 của Lương Trọng Tường. Tháng 11/1945, bị lên án tử hình vì thâm lạm 20,000$ của Sư đoàn 2. Trốn qua Sư đoàn 3 của Lý Hoa Vinh [Nguyễn Hòa Hiệp], rồi theo Cao Đài. Sau đó thành Phó Chủ tịch Việt Nam Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp. Tháng 11/1946, Nhẫn là Tham mưu trưởng Chi Đội 8 của Huỳnh Văn “Mười” Trí. Sau khi bị Nguyễn Bình treo giá đầu, Nhẫn bỏ về thành. Năm 1947, sau cái chết của Huỳnh Phú Sổ và Nguyễn Văn Sâm, Nhẫn cùng Lê Trung Nghĩa, con một chức sắc Cao Đài, tái lập VNMTQGLH. Chủ trương của VNMTQGLH là tạo một vùng trung lập cho các chiến sĩ Quốc Gia, để chống cả Việt Minh lẫn Pháp. Nhưng Nhẫn bị các binh sĩ bỏ rơi, ngả theo Cao Đài. Nhẫn cũng có hiềm khích với Bảy Viễn, nên Bình Xuyên không gia nhập VNMTQGLH.  Trong khi đó, Nghĩa không ưa Lê Văn Hoạch. Để lôi kéo người ủng hộ, Nhẫn và Nghĩa tung tin họ được Mỹ bí mật yểm trợ, thả dù vũ khí, và tiếp tay tổ chức một Quốc Hội. Tuy nhiên, họ không có thực lực nào. (18)

Ngày 15/6/1949, Lực lượng Hoà Hảo chính thức qui phục Bảo Đại, mang theo khoảng 2,500 vũ khí đủ loại; số chống Pháp còn khoảng 1,200 vũ khí.(19) Hòa Hảo được tự trị trong vùng Long Xuyên-Châu Đốc, và có ảnh hưởng tại các tỉnh Sa Đéc, Cần Thơ, Sóc Trăng, v.. v…  Năm Lửa và vợ là Lê Thị Gấm trực tiếp thu thuế trong vùng kiểm soát như một sứ quân. Tháng 1/1953, Năm Lửa được thăng cấp Trung Tướng. Tuy nhiên, quyền Tổng Thống lĩnh Quân đội Hòa Hảo của Trần Văn Soái không được tất cả các tiểu bá Hòa Hảo nhìn nhận. Người công khai chống đối Soái là Huỳnh Công Bộ, phụ thân Huỳnh Phú Sổ. Bộ tự xưng làm Cố vấn tối cao, và được Lâm Thành Nguyên ủng hộ. Nguyễn Giác Ngộ cũng không chịu thống thuộc vào hệ thống chỉ huy của Soái. Từ năm 1950, Ngộ ngả hẳn theo chính quyền Bảo Đại, nhiệt liệt tán thành việc thống hợp quân lực Hòa Hảo vào Quân đội Quốc Gia Việt Nam.

Các viên chức Pháp cũng không muốn Soái thành lập một quốc gia trong một quốc gia. Họ tìm cách kiểm soát quân đội Hòa Hảo qua việc phát lương, và Nha Thanh Tra Phụ lực quân thuộc Bộ Tư lệnh Quân đội Viễn chinh miền Nam. Trong khi đó, các đơn vị biệt kích (commando) Hòa Hảo đều do sĩ quan và hạ sĩ quan hay binh sĩ Pháp làm cán bộ. Nổi danh thiện chiến nhất có Chi đội commando số 1, với quân số khoảng 500 người. Ngày 24/3/1948, một hạ sĩ quan Hòa Hảo là Nguyễn Thành Tâm của chi đội 1 Hắc Long này nổi loạn giết chết 14 cán bộ gốc Nhảy Dù Pháp sau khi tham dự một cuộc hành quân trong vùng Vĩnh Thanh (Chương Thiện sau này). Sau đó, Tâm mang một số lính Hòa Hảo, rút ra bưng lập chiến khu, vừa chống Pháp lẫn Việt Minh, và không chịu thống thuộc dưới quyền vợ chồng Soái.(20) Nhưng Tâm không là lực lượng duy nhất độc lập với Soái. Ba Gà Mổ (Võ Văn Điểu) ở Bến Tre, Đại tá Ba Cụt (Lê Quang Vinh), Trần Thành Liêm, chỉ huy Chi đội 16, v.. v… người nào cũng một trời một cõi, lúc về hàng, khi rút ra bưng.

Để truy lùng Việt Minh, và đồng thời ngăn cản ảnh hưởng của Hòa Hảo, quan chức Pháp còn dùng các lực lượng phụ lực gốc Khmer ở vùng Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, cùng các lực lượng Ki-tô Giáo, v.. v… Các nhóm võ trang thiểu số này gây cho chính phủ Quốc Gia Miền Nam những chứng nhức đầu chẳng thua kém Việt Minh bao lăm.

III. DIỆM DIỆT HÒA HẢO, 1955-1956:

dan quan hoa hao

Nữ binh Phật giáo Hòa Hảo -948 – Photo by Jack Birns

Trước ngày Hiệp định Geneva 20-21/7/1954 được ký kết, với sự phê chuẩn của chính phủ Joseph Daniel và sự biểu đồng tình của Liên bang Mỹ, Bảo Đại cử Ngô Đình Diệm (1897-1963) làm Thủ tướng toàn quyền. Thoạt tiên, tòa Đại sứ Mỹ tìm cách mua chuộc Trần Văn Soái ủng hộ Diệm. Ngày 27/9/1954, giữa lúc Tướng Nguyển Văn Hinh công khai kình chống Diệm, Năm Lửa nhận lời tham gia chính phủ cải tổ liên hiệp, với chức Quốc Vụ Khanh, Ủy viên Quốc Phòng.

Tuy nhiên, từ đầu năm 1955, liên hệ giữa Diệm và Hòa Hảo ngày một căng thẳng. Một trong những lý do chính là vấn đề trả lương cho quân đội Hòa Hảo. Theo tinh thần Hiệp ước Geneva, cả hai miền Bắc và Nam chỉ được duy trì các lực lượng quân sự chính qui và cảnh sát sắc phục. Tất cả các lực lượng vũ trang phụ thuộc—như Hòa Hảo, Cao Đài và Bình Xuyên, Ki-tô giáo—phải giải thể và sát nhập vào Quân đội Quốc Gia Việt Nam. Bởi thế, chính phủ Pháp chỉ đồng ý trả tiền cho quân đội Hòa Hảo tới cuối tháng 12/1954, sau đó kéo dài thêm một tháng. (21)

Hai yếu tố khác khiến tình hình thêm căng thẳng. Thứ nhất, vào hạ tuần tháng 1/1955, Ba Cụt đã phục kích một đơn vị QĐVN tại vùng Long Mỹ, giết chết 3 sĩ quan, và gây thương tích cho 30 quân nhân. Diệm nghi Năm Lửa đã đứng sau lưng Ba Cụt, nên không có ý trả lương tháng 2/1955 cho Soái. (22)

Yếu tố thứ hai là chính sách chia để diệt của chính phủ Ngô Đình Diệm. Với quyết tâm nhất thống các sứ quân miền Nam, Diệm dùng tiền mua chuộc các sứ quân nho nhỏ, dùng giáo phái này chống giáo phái khác, và gây phân hóa trong nội bộ mỗi giáo phái. Nhờ sự giúp đỡ của tình báo Mỹ, Diệm mua chuộc được hai lãnh tụ Cao Đài Nguyễn Thành Phương và Trình Minh Thế, mượn họ chống lại Bình Xuyên và Hòa Hảo. Đầu tháng 2/1955, có tin đồn Diệm sẽ dùng Trình Minh Thế để tấn công Ba Cụt và Bình Xuyên. Mặc khác, Diệm mua chuộc  các lãnh chúa Hòa Hảo như Nguyễn Giác Ngộ, Đại tá Huê, v.. v…

Bởi thế, mặc dù ngoài mặt Ngô Đình Diệm vuốt ve Trần Văn Soái, hứa khi đi thăm một nước ngoài, sẽ mời vợ chồng Soái tháp tùng (và Soái rất hãnh diện, nhận lời ngay), phía sau hậu trường Diệm tìm cách loại ông sứ quân mà dưới mắt Diệm “đã già, lại có tài sản, chắc không dám chống lại chế độ.”

Thái độ của Ngô Đình Diệm khiến ngày 22/2/1955, Trần Văn Soái, Lâm Thành Nguyên và Lê Quang Vinh chính thức liên kết với Cao Đài (Phạm Công Tắc, Nguyễn Thành Phương, Trình Minh Thế) và Bình Xuyên (Lê Văn Viễn), lập nên Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia để bảo vệ quyền lợi chung. (Nguyễn Giác Ngộ chống lại). Ngày 1/3/1955, Phạm Công Tắc triệu tập một buổi họp gồm các lãnh tụ Cao Đài, Hoà Hảo và Bình Xuyên, rồi hôm sau Mặt Trận Thống Nhất Toàn Lực Quốc Gia [các lực lượng giáo phái] ra tuyên cáo đã quyết định “hành động.” (Trần Văn Hữu cũng tham gia Mặt Trận này).

Ngày 4/3/1955, Trần Văn Soái và Lương Trọng Tường yêu cầu được gặp nhân viên Toà Đại sứ Mỹ, than phiền về việc Diệm không trả lương, và đưa ra ba điều kiện: (1) Diệm thay đổi lề lối làm việc; (2) cách chức vài Tổng trưởng; và (3), loại bỏ vài người thân cận của Diệm.

Nhưng đặc sứ Mỹ Lawton Collins ra sức bênh vực Diệm. Ngày 10/3/1955, Collins bảo thẳng Ưng Ân, đặc sứ của Bảo Đại, rằng Mỹ sẽ tái xét vấn đề viện trợ nếu Diệm bị các giáo phái lật đổ bằng vũ lực. Bốn ngày sau, Collins còn đề nghị với Diệm là sẽ cho Tướng John O’Daniel, Tư lệnh phái bộ Cố vấn Quân Viện Mỹ [MAAG], giúp Tổng trưởng Quốc Phòng Hồ Thông Minh điều động các đơn vị quân đội, đề phòng bất trắc. Oat-shinh-tân còn nghiên cứu cả việc mua chuộc các giáo phái và Bình Xuyên với giá 50 triệu đồng, và gọi Đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ từ Nhật về Sài Gòn giải quyết. Nhưng Diệm không muốn mua chuộc Hòa Hảo, vì theo Diệm, thế lực Hoà Hảo đã xuống, và Diệm đã thông báo cho Soái biết Soái có thể rời chức vụ [Quốc Vụ Khanh] bất cứ lúc nào. Hai thành viên Hoà Hảo khác trong chính phủ cũng bỏ rơi Soái. (23) Ngày Thứ Hai, 21/3, các giáo phái ra tối hậu thư bắt Diệm phải cải tổ chính phủ trước ngày 26/3/1955. Chỉ có Tướng Nguyễn Giác Ngộ và Đại tá Huê không ký.

Ngày 26/3/1955, Lâm Thành Nguyên cầm đầu một phái đoàn đại diện các giáo phái vào gặp Diệm. Diệm không chịu nhượng bộ. Hai ngày sau, 28/3, các đại diện Cao Đài và Hoà Hảo từ chức.

Khi Bình Xuyên công khai tấn công chính phủ Diệm ngày 29/3/1955, các lãnh tụ Hòa Hảo đều án binh bất động. Nhưng sau khi đánh đuổi Bình Xuyên khỏi Sài Gòn/Chợ Lớn và rồi chiếm được mật khu Bình Xuyên, chính phủ Ngô Đình Diệm bắt đầu xuống tay với Hòa Hảo. Ngày 25/4/1955, Bộ trưởng Quốc Phòng Trần Trung Dung cho lệnh triệt hạ Hòa Hảo. Tư lệnh Quân Khu I Trần Văn Minh “nhỏ” bắt đầu chuẩn bị đánh Hòa Hảo tại Cái Vốn và Cần Thơ. Nhân dịp xung đột giữa quân Hòa Hảo và QĐVN tại đảo Cái Khế ngày 4/6/1955, khiến 2 binh sĩ chính phủ chết, hai người khác bị thương, ngày 5/6, Trần Trung Dung cho lệnh Tổng Tham Mưu trưởng tấn công Hòa Hảo. (24)

Đúng 06G30 sáng ngày 5/6/1955, QĐVN dưới quyền Đại tá Dương Văn Đức và Thiếu tá Nguyễn Hữu Có tấn công Cái Vồn, mở đầu chiến dịch Đinh Tiên Hoàng. Tư lệnh chiến dịch là Tướng Trần Văn Minh. Năm Lửa chạy thoát khỏi Cái Vồn. Ba Cụt chạy khỏi Thốt Nốt (Long Xuyên). Hai Ngoán Lâm Thành Nguyên đầu hàng ở Chợ Mới (Long Xuyên). Ngày 10/6/1955, hai đại đội 530 và 531 qui thuận ở Trà Ôn (Cần Thơ). (25)

Từ ngày 8 tới 12/6/1955, QĐVN chết 15  binh sĩ, 2 Sĩ Quan bị thương. Phía Hòa Hảo, 5 chết, 3 bị bắt, 689 về hàng (62SQ). Quân chính phủ tịch thu 342 vũ khí cá nhân, 63 cộng đồng. (26)

Ngày 10/6/1955, chính phủ Ngô Đình Diệm đặt Trần Văn Soái và Lê Quang Vinh ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 14/6/1955, QĐVN kiểm soát Quốc lộ 4 và đường Long Xuyên-Châu Đốc. Bị dồn vào đường cùng, Soái rút vào Đồng Tháp Mười. Cán bộ Cộng Sản tại đây ra công chiêu mộ Soái. Trong tháng 9/1955, tình báo chính phủ ghi nhận Soái liên lạc với Việt Minh, và binh sĩ Hòa Hảo được cán bộ Trung đoàn 304 của Huỳnh Văn “Mười” Trí huấn luyện ở Bắc Châu Đốc. (27)

Quân Hòa Hảo tung tin VC sẽ giúp 2 sư đoàn, do Mười Trí chỉ huy, để tổng phản công. (28)

Ngày 20/9/1955, có tin Phạm Công Tắc họp mật với một số chính khách tại Tây Ninh. Nguyễn Đại Thắng (Khối Quốc Gia Liên Minh); Nguyễn Thế Truyền; Phan Huy Quát (Đại Việt); Đinh Khắc Quyết (Thanh Niên Ái Quốc Đoàn); Lê Trung Nghĩa (Mặt trận Quốc Gia Liên Hiệp); Hải Hà (đại diện Khối QGKC Hải ngoại); cùng đại diện Ba Cụt, Năm Lửa, Lâm Thành Nguyên. (TTLTQG (TPHCM), PTT, D1CH, HS 4324)

Ngày 26/9/1955, HH chạm súng với QĐQG tại Phong Hòa, 19 cây số tây nam Sa Đéc). Hai ngày sau, 28/9, HH lại chạm súng QĐQG tại ấp Tân Thành (18 cây số nam Sa Đéc.

Ngày 14/10/1955, Mai Hữu Xuân báo cáo Phạm Công Tắc tiếp xúc với 2 SQ Việt Minh [ThTá Đỗ Sỹ Hùng và Nguyễn Hoan] thuộc phái đoàn KSĐC bên cạnh UHQT. (PTT/1CH, HS 4324) Có tin Trần Quang Vinh từ Pháp trở lại Việt Nam. (PTT/1CH, HS 4324)

Thời gian này, tưởng cần ghi nhận, một số đơn vị bị cán bộ CS xâm nhập và chi phối. (29)

Đầu tháng 10/1955, Trần Văn Soái mang 4 tiểu đoàn về chợ Mỹ An, tổng Phong Phú, quận Cái Bè (Mỹ Tho), hô hào dân chúng tẩy chay cuộc Trưng cầu dân ý truất phế Bảo Đại. Một trực thăng hạ cánh xuống Phước An với 4 Pháp kiều. Dọc theo kinh Tổng đốc Lộc (Grand Canal), có khoảng 10 tiểu đoàn “loạn quân”: 3 tiểu đoàn Cao Đài Thống Nhất và Liên Minh; một số cán bộ Cộng Sản; một lực lượng Hòa Hảo. Pháp tiếp tế lương thực và đạn dược. (30)

Tuy nhiên, vì đang lo tiễu trừ dư đảng Bình Xuyên—và dồn nỗ lực vào cuộc “Trưng cầu Dân Ý” truất phế Bảo Đại ngày 23/10/1955; với kết quả Diệm được 5,721,735 phiếu (98.2%), so với 63,107 phiếu cho Bảo Đại (1.1%)—Diệm tạm quay mặt làm ngơ. (31)

Ngày 15/11/1955, Nguyễn Tấn Hướng, Tỉnh trưởng Mỹ Tho, báo cáo lên Đốc Phủ Sứ Nguyễn Công Thiện, Nha Chính trị, ĐBCP tại Nam Việt là “Pháp, VC, Hòa Hảo, Cao Đài Thống Nhất và Cao Đài Liên Minh Ly Khai phối hợp hành động.” (32)

Ngày 28/11/1955, Quân đội VN tiến chiếm thánh địa Hòa Hảo (Long-Xuyên). Ngày 22/12, Huỳnh Công Bộ tuyên bố ủng hộ NĐD. Bài xích tội phiến loạn của Năm Lửa và Ba Cụt. (33)

Cuối năm 1955, Diệm quyết định mở chiến dịch Nguyễn Huệ tại vùng Đồng Tháp Mười để tảo thanh tàn dư Bình Xuyên, Hòa Hảo, và “Việt cộng nằm vùng.” Thiếu tướng Dương Văn Minh được cử làm Tư lệnh với chỉ thị ngăn ngừa Năm Lửa ngả theo Việt Cộng, cho Năm Lửa về hàng với điều kiện giữ được những tài sản còn lại. Ngày 11/1/1956, Trần Văn Soái và Lê Thị Gấm cử đại diện gặp Tướng Minh. Ngày 11/2/1956, vợ chồng Soái-Gấm chính thức xin hàng.(34) Trong hai ngày 16-17/2/1956, các lãnh tụ Hoà Hảo khác cũng lục tục xin hàng.

Ngày 29/2/1956, Huỳnh Công Bộ tới Sài Gòn gặp Soái và Tướng Minh. Ngày 8/3, chính phủ tổ chức lễ về hàng của binh sĩ Hòa Hảo. Bảy Đởm mang tàn quân qua Căm Bốt.

Riêng tại Châu Đốc, Ba Cụt và Nguyễn Ngọc Thơ bí mật gặp nhau tại Cồn Đảo, trên sông Cửu Long gần Tân Châu, để bàn việc về hàng.

Ba Cụt Lê Quang Vinh (1923-1956) là một trong những nhân vật huyền thoại của Hòa Hảo. Sinh tại Tân Lộc Tây, Long Xuyên (10H xxx [4166]). Xuất thân chăn trâu (10H xxx [643]). Có nguồn tin cho rằng Vinh sinh năm 1922 tại Ô Môn, Cần Thơ (10H xxx [4138]). Trong giai đoạn 1945-1946, hợp tác với VM. Tháng 6/1947, hàng Pháp. Nhiều lần bỏ vào bưng. Năm 1949, chỉ huy “Nghĩa quân Cách Mạng” ở Thốt Nốt (10H xxx [4166]). Ngày 20/8/1950, hàng Pháp lần thứ 4 tại Thốt Nốt, Long Xuyên. Được cấp Thiếu tá (10H xxx [643]). Ngày 25-26/6/1953, lại bất hợp tác với Pháp. Tháng 11/1953, hợp tác lần thứ 5 với Tướng Nguyễn Văn Hinh. Ngày 1/12/1953, được phong cấp Đại tá (10H xxx [4166]). Ngày 5/12/1953, thành lập Đảng Dân Xã Mới (10H xxx [643]). Tháng 2/1954, đặt bản doanh ở Cần Thơ. Từ tháng 11/1954, chống lại chính phủ Ngô Đình Diệm.

Nhưng ngày 13/4/1956, đột ngột có tin Ba Cụt bị bắt sống tại Chắc Cà Đao, cách Long Xuyên khoảng 7 cây số. Việc bắt giữ này bấy lâu vẫn là một nghi án lịch sử. Một thời, có tin Ba Cụt nhận lời về hàng với cấp bậc Trung Tướng trong Quân Đội Quốc Gia. Khi bị bắt, Ba Cụt tự xưng là Trung tướng Lê Quang Vinh, trên đường về Long Xuyên để thương thuyết. Bộ Tư lệnh chiến dịch thì tuyên bố Ba Cụt bị bắt sống.

Trước đây, có tin người bắt Ba Cụt là Nguyễn Thanh Hoàng, sau này lên tới Chuẩn tướng, Tư lệnh SĐ 7 BB.(35) Tài liệu văn khố Phủ Tổng thống Đệ Nhất Cộng Hòa mới giải mật tiết lộ Ba Cụt cùng 6 cận vệ bị một toán Bảo An, do Trung sĩ Bùi Văn Giàu chỉ huy, phối hợp với Công An lưu động, dưới quyền Phó thẩm sát viên tập sự Trần Tấn Tập, bắt giữ tại Chắc Cà Đao. (36)

Người có liên quan là một chủ hãng xe đò, đã bí mật tố cáo sự xuất hiện của các binh sĩ dưới quyền Ba Cụt và nỗ lực đòi mãi lộ của họ. Vì vậy lực lượng an ninh chính phủ đã bám sát theo dõi, và chặn bắt được Ba Cụt. Vì bị kết tội “phiến loạn,” Ba Cụt bị truy tố ra tòa vì nhiều tội danh, trong đó có tội tòng phạm cố sát, gian nhơn hiệp đảng, cố ý gây thương tích, cố ý đốt nhà, tòng phạm cưỡng đoạt, cướp của và cố sát. Dĩ nhiên, Cảnh sát tư pháp của chính phủ Diệm—dưới quyền chỉ huy của Nguyễn Hữu Châu và Lâm Lễ Trinh—tìm được một số chứng từ khả tín cho những tội danh trên. Dù bản chất đây là một vụ án chính trị.

Lúc 12G30 ngày 11/6/1956, Tòa Sơ thẩm đại hình Cần Thơ kết án tử hình Ba Cụt. Hôm sau, 12/6/1956, Ba Cụt kháng án. Hôm sau nữa, 13/6, trong nỗi xúc động của dân chúng miền Tây và tín đồ Hòa Hảo, Trung sĩ Bùi Văn Giàu bị giết tại làng Bình Hòa, cách trung tâm châu thành Long Xuyên 15 cây số. Một tự vệ bị bắt giữ vì tình nghi có dính líu.

Ngày 26/6/1956, Ba Cụt ra tòa đại hình Tòa thượng thẩm Sài Gòn họp ở Cần Thơ. Có 4 luật sư Đinh Văn Các, Phạm Ngọc Thu, Lê Ngọc Chấn, Vương Quang Nhường bào chữa. Chánh án là Lê Văn Thu; Phụ thẩm gồm Nguyễn Hữu Đẩu, Trần Văn Thuận; và, hai Phụ thẩm nhân dân là Nguyễn Công Linh, Nguyễn Văn Đắc. Công tố viên là Lê Văn Tuấn. 19G30 ngày 27/6/1956, tòa kết án tử hình Ba Cụt, vì tòng phạm cố sát đả thương. Tha bổng các tội gian nhân hiệp đảng, tòng phạm giết chết Huỳnh Văn Y, tống tiền 12,000 đồng, cố sát Cao Văn Cung và Cao Văn Phát.

Ngày 4/7/1956, Tòa Quân sự đặc biệt Cần Thơ cũng kết án tử hình Ba Cụt, tước đoạt binh quyền, tịch thu tài sản.

Hai ngày sau, 6/7, Hội đồng ân xá bác đơn của Ba Cụt. (Chủ tịch: Vũ Tiến Tuân; Ủy viên chính phủ: Mai Hữu Xuân; Bồi thẩm [assesseur]: Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Đại tá Linh Quang Viên, Trung tá Nguyễn Văn Ra và Bùi Văn Tư). (VP, 27/6/1956)

Ngày 8/7/1956, Tổng thống Diệm bác đơn xin ân xá của Ba Cụt. Hôm sau, 9/7, Tòa Phá án Sài Gòn cũng bác đơn xin ân xá của Ba Cụt.

5G40 sáng ngày 13/7/1956, Ba Cụt bị xử chém ở Cần Thơ. Theo một công điện mật, linh mục Hoàn đã thuyết phục được Ba Cụt chịu rửa tội. (37)

Việc sử dụng hình pháp để tiêu diệt đối thủ chính trị là điều chẳng có gì đáng ngạc nhiên ở những nước mà Ngô Đình Nhu thường nhấn mạnh là “nhược tiểu.” Có tin Lâm Lễ Trinh, Thứ trưởng Nội Vụ, đứng sau hai vụ án tử hình Ba Cụt, nhờ vậy được cử làm Bộ trưởng Nội Vụ năm 1958 sau khi Luật sư Nguyễn Hữu Châu bị ép buộc từ chức, rồi bỏ trốn qua Pháp. Ba tháng sau, Lâm Lễ Trinh gia nhập Đảng Cần Lao. Cuối năm đó, Nguyễn Hữu Châu than thở với viên chức Mỹ ở Paris rằng họ Ngô là những kẻ “được chim bẻ ná.” (38)

Bảy Đởm và Huỳnh Văn “Mười” Trí thề sẽ trả thù họ Ngô. Khoảng 4 tiểu đoàn Hòa Hảo tiếp tục chống chính phủ Diệm cho tới năm 1962. “Sư thúc” Mười Trí sau này công khai ngả theo VC, giữ vai cố vấn cho Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam. (39) 

IV. Hòa Hảo, 1964-1975:

Sau cuộc đảo chính 1/11/1963, Hòa Hảo có cơ hội hồi phục. Có Nghị sĩ, Dân biểu, quân đội riêng. Ngoài ra, chính phủ còn thành lập Đại học Hòa Hảo Cần Thơ.

Những tay chọc trời khuấy nước cũ mai một dần. Ngày 2/2/1967, cựu Thiếu tướng Nguyễn Giác Ngộ (1897-1967) chết ở Chợ Mới, Long Xuyên, An Giang. [Tên thật là Nguyễn Văn Ngượt. Nguyên Tư lệnh Lực lượng Nguyễn Trung Trực (Hòa Hảo)]. Ngày 5/9/1967, chính phủ quân phiệt Nguyễn Cao Kỳ-Nguyễn Văn Thiệu hoàn trả tài sản của Năm Lửa.

Ngày 30/12/1967, đại diện Khối Ki-tô Giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, Hội Khổng học và TGHPGVN kêu gọi ngưng chiến và hoà đàm.

Giống như bất cứ tổ chức tôn giáo và chính trị nào, Hòa Hảo trong giai đoạn này cũng bị chia rẽ trầm trọng trong nội bộ. Ngày 4/1/1968, Ban Đại diện Hoà Hảo 11 tỉnh bác bỏ kết quả bầu ban Trị sự Trung Ương tổ chức ngày 10/11/1967.

_____

Chú thích:

1. Những chi tiết căn bản trong bài này phần lớn rút ra từ  SHAT (Vincennes), 10H xxx [642 & 3969].

2. Note số 2294, ngày 19/3/1943; CAOM (Aix), 7F 63.

3. CAOM (Aix), 14PA, Carton 2.

4. CAOM (Aix), CP 161.

5. SHAT (Vincennes), 10H xxx [3969]. Tài liệu khác cho rằng Soái và Tường dính líu đến việc buôn lậu thuốc phiện; CAOM (Aix), CP, 161.

6. Dân Chủ, 3/9/1945. Báo Cứu Quốc, số 36, ngày 5/9/1945, cho rằng buổi họp báo của Trần Văn Giàu xảy ra ngày 29/8.

7. Lacroix 1949:17; 10H xxx [4166]; CMTT, II:380-81.

8. Chủ tịch: Huỳnh Phú Sổ. Có 2 đại diện Cộng Sản, 2 đại diện Bình Xuyên (Mười Trí và ?), 1 Việt Nam Quốc Gia Đảng, Nguyễn Văn Sâm và Trần Văn Ân; Hồ Tâm Huệ Tài, 141; CAOM (Aix), 7F 29.  Sâm từng là Hội trưởng Hội Báo Giới Nam Kỳ [AJAC], với Trần Văn Thạch (1905-1945), thuộc nhóm La Lutte/Tranh Đấu làm Phó.

9. Lacroix, 1949:19n3.

10. CAOM (Aix), 7F 29. Tài liệu học tập của Việt Minh cho rằng Huỳnh Phú Sổ đã rời Ủy Ban Nhân Dân tới An Phong (Long Xuyên) để chỉ huy cuộc nổi dậy chống Việt Minh

11. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4166].

12. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4166].

13. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4138].

14. CAOM (Aix), 7F 29. Sau này, Chiến Đấu ra hàng tuần, trụ sở ở Cái Vồn. Thành Nam Nguyễn Long làm Chủ bút (Rédacteur en-chef); Văn Phú, Giám đốc Chính trị; Nguyễn Văn Phụng, Quản lý (Gérant).

15. CAOM (Aix), 7F 29.

16. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4138].

17. CAOM (Aix), CP 161.

18. CAOM (Aix), 7F 29.

19. SHAT (Vincennes), 10H xxx [4138].

20. Hồ sơ văn khố Pháp về việc này vẫn chưa mở ra cho người nghiên cứu.

21. Chính phủ phải trả cho Cao Đài và Hòa Hảo mỗi tháng 5 triệu đồng; và Bảo Đại 4 triệu đồng; FRUS, 1955-1957, I:86-87.

22. FRUS, 1955-1957, I:75.

23. FRUS,

0