18/06/2018, 16:47

Lịch sử hình thành các cửa ô ở kinh thành Thăng Long

Bản đồ phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội và thành Hà Nội năm 1883. PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí Viện Nghiên cứu Hán Nôm Cửa ô là một từ trong tiếng Việt, các sách Từ điển tiếng Việt hiện đại đều có lập mục từ này và giải thích là nơi tiếp giáp giữa vùng nội thành và ngoại thành. Sách Từ ...

hanoi1883

Bản đồ phủ Hoài Đức tỉnh Hà Nội và thành Hà Nội năm 1883.

PGS.TS. Nguyễn Tá Nhí

 Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Cửa ô là một từ trong tiếng Việt, các sách Từ điển tiếng Việt hiện đại đều có lập mục từ này và giải thích là nơi tiếp giáp giữa vùng nội thành và ngoại thành. Sách Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản lần đầu năm 1988 có ghi:

“Cửa ô: Lối ra vào một khu vực kinh đô cổ (thường nói về thủ đô Thăng Long) thời xưa có cổng ngăn.”

Cách định nghĩa của các soạn giả khi biên soạn Từ điển tiếng Việt cho thấy từ Cửa ô đã xuất hiện từ rất sớm, rất có thể đã có từ khi vua Lý Thái Tổ xây dựng kinh đô ở thành Thăng Long. Nói cách khác là tìm hiểu nghiên cứu kho thư tịch Hán Nôm của người Việt Nam xưa, chúng ta có thể phát hiện thấy lịch sử hình thành các cửa ô ở kinh thành Thăng Long.

Các thư liệu lịch sử hiện còn như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt sử ký tục biên, Bắc Thành địa dư chí lục, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Hoàn Long huyện chí… đều có ghi chép về các cửa ô ở khu vực ngoại thành Thăng Long xưa.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, tháng 4 năm 1581 triều đình nhà Mạc sai viên phụ chính Ứng Vương Mạc Đôn Nhượng huy động đại đội binh mã tiến vào Thanh Hóa đánh nhau với quân đội của triều đình Lê – Trịnh. Quân nhà Mạc tiến vào bằng đường biển, lập thành đồn lũy suốt ven biển huyện Quảng Xương, uy hiếp triều đình nhà Lê ở Vạn Lại. Tiết chế Trịnh Tùng liền dâng tấu xin triều đình cử Vinh Quận công Hoàng Đình Ái đốc suất các tướng Diễn Quận công Trịnh Văn Hải, Dương Quận cộng Nguyễn Hữu Liêu, Ngạn Quận công Hà Thọ Lộc đem quân ra chống đỡ. Quân Mạc thua to, vội vã bỏ chạy, hàng ngàn người bị giết chết. Từ đó họ Mạc bỏ ý định đánh chiếm Thanh Hóa.

Cũng từ đó nhà Lê tích trữ lương thảo, chuẩn bị binh khí chuẩn bị đánh Mạc. Liên tiếp các năm 1584, 1585, 1587 quân đội nhà Lê do Tiết chế Trịnh Tùng kéo ra Bắc, đến đóng ở các huyện Mỹ Lương, Thạch Thất, Ninh Sơn phủ Quốc Oai, có ý nhòm ngó Thăng Long.Đến tháng 10 năm 1587 Tiết chế Trịnh Tùng đem đại binh ra trấn giữ ở các huyện Gia Viễn, Phụng Hóa phủ Thiên Quan. Quân Mạc lo sợ, cử các tướng Mạc Ngọc Liễn, Nguyễn Quyện đến đánh, song bị bất lợi, phải bỏ chạy về Thăng Long. Bấy giờ tình hình ở kinh kỳ cực kỳ rối ren, lòng dân hoang mang lo sợ.

Tháng giêng năm Mậu Tý (1588) niên hiệu Diên Thành thứ 11 đời Mạc Mậu Hợp, triều đình nhà Mạc thấy quân đội nhà Lê – Trịnh nhiều năm liền đến uy hiếp Thăng Long, liền ra lệnh cho các quan ở tứ trấn quanh Thăng Long là Sơn Tây, Sơn Nam, Hải Dương và Kinh Bắc điều động quân dân địa phương về đắp lũy đào hào. Hàng vạn nhân công ở các nơi được đưa về làm việc suốt ngày đêm, đắp ba lần lũy đất (Tam trùng thổ lũy) vây quanh thành Thăng Long.

Lũy đất này dựa theo vòng thành Đại La cũ, bắt đầu từ xã Nhật Chiêu chạy men theo bờ hồ Tây đến chợ Bưởi vòng qua trại Thủ Lệ chạy đến xã Thịnh Quang rồi quanh ra phía nam vượt qua xã Kim Hoa đến tận bờ sông Nhị ở phía đông nam. Thành lũy đất đắp cao hơn cả mặt thành Thăng Long đến vài trượng. Mặt lũy rộng khoảng 25 trượng, người ngựa đi trên mặt lũy rất tiện lợi. Quanh thân lũy đều cho trồng tre và cây cối đan xen dày đặc. Tất cả gồm ba lũy đất, giữa các lũy đất là ba hào chứa đầy nước. Người ở bên ngoài muốn vào trong thành vượt qua cầu gỗ bắc qua ba hào nước này. Chu vi của lớp lũy đất quanh thành Thăng Long này kéo dài đến mấy chục dặm.

Nhờ có hệ thống hào lũy phòng thủ chắc chắn này mà triều đình nhà Mạc còn trụ được ở thành Thăng Long thêm một số năm. Hơn thế nữa, vua Mạc Mậu Hợp còn ra sức huy động sức người sức của ở các địa phương để củng cố cho nhà Mạc. Cuối năm 1591, Tiết chế Trịnh Tùng đem quân ra Bắc đến đóng ở Bún Thượng, Ngọc Tảo huyện Phúc Lộc, trực tiếp uy hiếp kinh thành Thăng Long. Triều đình nhà Mạc cũng điều động hơn 10 vạn binh mã tiến đến tận Hiệp Thượng, Hiệp Hạ huyện Ninh Sơn để nghênh chiến. Quân Mạc thua to, phải rút về Thăng Long. Quân đội Lê – Trịnh thừa thắng đuổi theo đến tận Thăng Long.

Ngày mồng 5 tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1592) niên hiệu Quang Hưng thứ 15 triều Lê Kính Tông, Tiết chế Trịnh Tùng phát động cuộc công kích đánh phá thành Thăng Long. Quân bản bộ do ông chỉ huy vượt qua sông Nhuệ tiến đến đóng ở chùa Thiên Xuân, áp sát làng Nhân Mục. Mạc Mậu Hợp hoảng hốt bỏ thành Thăng Long chạy sang Gia Lâm. Tiết chế Trịnh Tùng liền dẫn quân vượt sông Tô Lịch đến đóng ở cánh đồng Xạ Đôi làng Giảng Võ, rồi chia quân tiến đánh Thăng Long.

Vinh Quận công Hoàng Đình Ái dẫn quân đánh phá Cầu Dền tiến thẳng đến cửa Nam Giao.

Dương Quận công Nguyễn Hữu Liêu dẫn quân đánh chiếm Cầu Dừa, tiến thẳng đến cửa Tây.

Ngạn Quận công Trịnh Đỗ dẫn 12000 quân tinh nhuệ đánh phá cầu Muống, tiến thẳng đến cửa Cầu Gỗ.

Bên phía nhà Mạc cũng có bố phòng nghiêm ngặt, cố thủ trong thành Đại La để chống giữ. Tướng Tây đạo Mạc Ngọc Liễn đem quân bản bộ cố thủ từ cửa Bảo Khánh trở về phía Tây cho đến tận Nhật Chiêu. Các tướng Bùi Văn Khuê, Trần Bách Liên nhận lệnh giữ cửa Cầu Dừa qua Cầu Muống đến tận Cầu Dền. Tướng Nam đạo Nguyễn Quyện đem quân từ Mỗ Xá trở về ứng cứu. Nguyễn Quyện đặt quân mai phục ở Cầu Dền để nghênh chiến.

Tiết chế Trịnh Tùng bèn chọn hướng Cầu Dền để phát động cuộc chiến. Ngày mồng 6 tháng Giêng, Tiết chế Trịnh Tùng cầm cờ chỉ huy đánh vào cửa Cầu Dền, đôi bên đánh nhau suốt mấy canh giờ từ giờ Tị đến tận giờ Mùi. Quân Mạc yếu thế bỏ chạy, quân Lê – Trịnh ùa vào như nước vỡ bờ. Các tướng nhà Mạc như Mạc Ngọc Liễn, Bùi Văn Khuê, Trần Bách Niên đều bỏ chạy sang Gia Lâm. Ba cha con Nguyễn Quyện ở lại tử thủ, hai người con trai là Bảo Trung hầu và Nghĩa Trạch hầu đều tử trận. Nguyễn Quyện trí cùng lực kiệt định tìm cách trốn chạy, nhưng tiến lui đều không còn đường nào, nên bị quân Lê – Trịnh bắt sống giải đến quân doanh.

Tiết chế Trịnh Tùng liền đóng đại bản doanh tại Thăng Long, cho đưa viên bại tướng nhà Mạc là Nguyễn Quyện đến trước trướng để vỗ về và thăm dò ý tứ. Nhân đó ông liền hỏi Nguyễn Quyện về kế sách giữ thành Thăng Long. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết, để níu giữ quân nhà Lê ở Thăng Long, tạo điều kiện cho quân Mạc rút lui sang Kinh Bắc được an toàn, Nguyễn Quyện dâng kế sách nói rằng:

“Nên san phẳng lũy đất thành Đại La khiến cho quân Mạc dù có quay về cũng không còn gì để làm căn cứ được nữa”.

Trịnh Tùng cho là phải liền theo kế ấy điều động toàn bộ binh mã san lấp hào lũy suốt từ Nhật Chiêu đến tận Lương Yên. Toàn bộ hào lũy với chiều dài đến vài ngàn trượng được san lấp trở thành đất bằng. Vậy là việc giao thông từ kinh thành Thăng Long đi ra các trấn bên ngoài đều đã không còn các lớp hào lũy ngăn trở nữa. Tình trạng như thế kéo dài mãi tới giữa thế kỷ XVIII mới bắt đầu có thay đổi.

Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết, vào khoảng những năm 30 của thế kỷ này phong trào nổi dậy của nhân dân ở tứ trấn quanh kinh thành liên tiếp xảy ra. Ở Hải Dương có Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ dấy quân ở Chí Linh đến đốt phá trấn thành Hải Dương, sau đó có Nguyễn Hữu Cầu kế tục lui về hùng cứ ở Đồ Sơn, có lần còn uy hiếp cả kinh thành Thăng Long. Ở Sơn Tây có Nguyễn Danh Phương dấy quân ở vùng Tam Đảo, triều đình nhà Lê nhiều lần cử quân đi đánh dẹp không nổi. Năm Cảnh Hưng thứ 2 (1749) đích thân cầm quân đi đánh dẹp, song lại e kinh thành Thăng Long bị uy hiếp, chúa Trịnh Doanh liền nghe theo kế sách của quần thần, học theo cách làm của họ Mạc thời trước cho đắp lại thành Đại La. Nhân dân ở tứ trấn lại được điều động về đắp lũy đất vây quanh thành Thăng Long, dựa theo quy mô lũy đất thời Mạc. Sau khi đắp xong chúa liền cho mở tám cửa để giao tiếp với các trấn bên ngoài. Đồng thời triều đình cho mở cửa phụ ở hai bên tả hữu gọi là Ô. Đáng tiếc là sách Đại Việt sử ký tục biên không cho biết tên gọi cụ thể của các cửa và các ô này.

Đến đầu thế kỷ XIX, quan Tổng trấn Bắc Thành cho biên soạn sách Bắc Thành địa dư chí lục mới cho biết tên gọi của năm cửa ô gồm: Trúc Bạch, Yên Hoa, Hòe Nhai, Trấn Quốc, Tây Long.

Các sách Khâm Định Việt sử thông giám cương mục, Hà Nội địa dư, Hoàn Long huyện chí cũng có đề cập đến tên các cửa ô ở từng góc độ. Song nhìn chung tất cả các thư tịch Hán Nôm hiện lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm và các nơi khác, đều không thấy có tư liệu nào nêu đầy đủ tên gọi các cửa ô ở kinh thành Thăng Long. Chỉ có tư liệu Hoài Đức phủ toàn đồ, lưu giữ ở Thư viện Viện Thông tin Khoa học Xã hội mới ghi rõ đủ 16 cửa ô. Đây là tấm bản đồ có kích cỡ khá lớn 175 x 190 cm, tên đầy đủ là Hoài Đức phủ toàn đồ (Bản đồ toàn cảnh phủ Hoài Đức) ký hiệu A2.3.32, vẽ theo tỷ lệ 1/500 trượng.

Các cửa ô có mặt trong tấm bản đồ trên gồm Kim Hoa, Yên Thọ, Thanh Lãng, Nhân Hòa, Tây Long, Đông Yên, Mỹ Lộc, Trừng Thanh, Đông Hà, Phúc Lâm, Thạch Khối, Yên Tĩnh, Yên Hoa, Tây Hồ, Vạn Bảo, Thịnh Quang.

Để hiểu rõ thêm về quá trình hình thành và phát triển của các cửa ô ở kinh thành Thăng Long thời xưa, chúng tôi cần thiết phải đi sâu nghiên cứu ý nghĩa của từ Cửa ô và tên gọi cụ thể của từng Cửa ô.

  1. Về ý nghĩa của từ Cửa ô

Từ Cửa ô trong tiếng Việt vốn được dịch từ Ô môn trong tiếng Hán. Từ song âm tiết Ô môn (塢門)do hai từ đơn âm ômôn ghép lại. Từ môn có nghĩa là cửa là từ rất thông dụng, thiết nghĩ không cần nói thêm cho dài. Riêng về từ ô trong tiếng Hán được viết bằng chữ 塢. Đây là loại chữ hài thanh, được cấu tạo bởi hai bộ phận là: bộ thổ ghi ý nghĩa, bộ ô ghi âm đọc. Các bộ Từ thư trong tiếng Hán như Khang Hi tự điển, Từ nguyên, Từ hải, Hán ngữ từ điển, Tân Hoa từ điển, đều có giải thích ý nghĩa của từ ô, còn âm đọc là , tựu trung có 3 nghĩa chính là:

– Khu đất trũng, bốn chung quanh đắp cao tạo thành vật che chắn.

– Nơi cư trú của các loài vật, như ổ gà, ổ chó.

– Lũy đất đắp bên ngoài bao vây lấy làng xóm để ngăn chặn sự xâm phạm từ bên ngoài vào, như thôn ổ, trúc ổ.

Trong tiếng Việt cũng thấy từ được sử dụng khá phổ biến, đặc biệt là trong thơ ca của tiền nhân, chẳng hạn như:

Xem hoa xuân đến cũng đầm hâm,

Thu muộn ai hay trúc có nơm.

Thèm nỡ phụ canh cua ốc,

Lạnh đà quen nệm ổ rơm.

Của nhà còn để hai pho sách,

Ơn chúa chẳng quên một bữa cơm.

Có thuở lên lầu ngồi đợi nguyệt,

Một mình uống lại một mình thơm.

(Bạch Vân Quốc ngữ thi)

Hoặc như:

Nước ta có Dương Tự Quang,

Vốn xưa quê nghỉ ở làng Lĩnh Nam.

Giận thằng Thừa Hựu gian tham,

Ra binh giữ lấy nước Nam vẹn tuyền.

Lăm le bảo vị rắp lên,

Thằng Chính Bình lại làm phiền nước ta.

Khét lẽ bà cắt uy ra,

Cáo bắt ổ gà, hùm đuổi đàn dê.

(Thiên Nam ngữ lục)

Từ Ô còn có ý nghĩa là cửa giao tiếp từ bên trong với bên ngoài. Sách Đại Việt sử ký tục biên nói rõ thời chúa Trịnh Doanh, triều đình cho đắp lại thành Lại La, cho đặt cửa và 16 ô. Tám cửa ở tám hướng đi từ nội thành ra bên ngoài, chỉ khi nào có việc lớn mới mở, còn ở mỗi cửa chính lại đặt thêm hai cửa phụ gọi là ô. Ở mỗi ô đều có cửa đóng then cài và đặt lính canh gác giữ gìn. Ngày nay chúng ta còn nhìn thấy một cửa thành cũ duy nhất đó là cửa Đông Hà, mà dân gian vẫn quen gọi là ô Quan Chưởng. Đứng ở ngoài đê nhìn vào chúng ta vẫn nhìn thấy có chữ Hán lớn viết ở chính giữa cửa là Đông Hà môn 東河門

  1. Về tên gọi cụ thể của từng cửa ô

Như tên đã nói đến, sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết thành Đại La được đắp lại vào cuối đời Mạc, nhưng không nói đến việc đặt các cửa thành. Quan sát đoạn miêu tả cuộc chiến giữa quân đội nhà Mạc và quân đội Lê – Trịnh, chúng ta thấy xuất hiện các địa danh quan trọng như Cầu Dừa, Cầu Muống, Cầu Dền. Đây là những cây cầu bắc qua ba lớp hào ở lũy đất, do vậy có quân lính canh phòng rất nghiêm ngặt. Quân đội Lê – Trịnh, tiến đánh Thăng Long cũng nhằm vào các cây cầu này, do vậy chúng ta có thể hiểu đây chính là các cửa ô đi từ nội thành ra ngoại thành.

Đến sách Bắc Thành địa dư chí lục thì gọi gộp lại là cửa ô (ô môn). Sách cũng cho biết tổng cộng có 21 ô môn, song chỉ nêu lên ví dụ có năm cửa ô là Trúc Bạch, Yên Hoa, Hòe Nhai, Trấn Quốc, Thăng Long. Tuy chỉ nêu ra 5 cửa ô làm ví dụ, song lại có thể xem là tư liệu đáng quý, bởi vì có đến 3 cửa ô không thấy nhắc đến trong bản Hoài Đức phủ toàn đồ ở dưới.

Đến Hoài Đức phủ toàn đồ, chúng ta được hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến giới thiệu những 16 ô môn. Tên các cửa ô này đều gọi theo tên thôn xã mà cửa ô đó đặt vào. Tấm bản đồ toàn cảnh phủ Hoài Đức được hoàn thành vào tháng 5 năm 1831, lúc này phủ Hoài Đức gồm 2 huyện là Thọ Xương và Vĩnh Thuận.

Các cửa ô thời đó được phân bố như sau:

2.1. Huyện Thọ Xương có 10 cửa ô phân bố ở các thôn xã trong 4 tổng.

2.1.1 Tổng Tả Túc có 5 nơi:

Cửa ô Phúc Lâm

Cửa ô Đông Hà

Cửa ô Trừng Thanh

Cửa ô Mỹ Lộc

Cửa ô Tây Long

2.1.2 Tổng Hữu Túc có 1 nơi:

Cửa ô Đông Yên

2.1.3 Tổng Hữu Nghiêm có 2 nơi:

Cửa ô Nhân Hòa

Cửa ô Thanh Lãng

2.1.4 Tổng Tả Nghiêm có 2 nơi:

Cửa ô Yên Thọ

Cửa ô Kim Hoa

2.2 Huyện Vĩnh Thuận có 6 cửa ô, phân bố ở các thôn xã trong 3 tổng

2.2.1 Tổng Thượng có 4 nơi:

Cửa ô Thạch Khối

Cửa ô Yên Tĩnh

Cửa ô Yên Hoa

Cửa ô Tây Hồ

2.2.2 Tổng Nội có 1 nơi:

Cửa ô Vạn Bảo

2.2.3 Tổng Hạ có 1 nơi:

Cửa ô Thịnh Quang

Kết luận

  1. Các cửa ô ở kinh thành Thăng Long được đặt ra từ năm 1588, khi vua Mạc cho đắp lũy đất vây quanh thành. Tuy không nói rõ lũy đất có bao nhiêu cửa ô, song qua đoạn miêu tả chiến sự thời bấy giờ thì có thể thấy có các cửa ô: Cầu Dừa, Cầu Dền, Cầu Muống.

Đến năm 1592 lũy đất bị phá bỏ, dĩ nhiên là các cửa ô cũng bị lãng quên.

  1. Năm 1749 chúa Trịnh Doanh cho xây dựng lại thành Đại La, cho đặt 8 cửa chính thông ra 8 hướng làm lối liên lạc giữa nội thành và ngoại thành. Đồng thời triều đình Lê – Trịnh lại cho đặt thêm ở mỗi cửa chính có hai cửa phụ, gọi là ô. Từ đó danh từ ô môn xuất hiện.
  2. Lúc đầu có phân biệt giữa môn (cửa) và ô (cửa phụ), sau do thay đổi đặc biệt đó là khi nhà Nguyễn xây thành Hà Nội kiên cố thì giá trị của lũy đất thời xưa đó không còn phát huy tác dụng nữa. Do đó người dân quen gọi gộp ô và môn lại là ô môn tức cửa ô.
  3. Lũy đất lúc đầu rất cao, lại có ba lớp, đồng thời lại có ba dãy hào sâu ngăn cách. Do vậy người ở ngoại thành muốn vào nội thành bắt buộc phải đi qua các cửa ô. Đặc biệt khi có chiến sự xảy ra, thì cửa ô là nơi xung yếu có quan hệ mật thiết với sự mất còn của thành Thăng Long.
  4. Tên gọi các cửa ô là căn cứ vào tên các thôn xã có cửa ô đặt vào. Mặt khác ở mỗi cửa ô lại có đặc trưng riêng, nên có các tên gọi dân gian khác cùng gọi, chẳng hạn như cửa ô Thịnh Quang còn là ô Cầu Dừa.
  5. Tất cả có 8 cửa và 16 ô, do vậy nếu tính thật đầy đủ thì phải là 24 cửa ô. Sách Bắc Thành địa dư chí lục ghi có 21 cửa ô là chưa thực đầy đủ, nhưng dù sao cũng công nhận đây là tư liệu nói đến nhiều cửa ô nhất. Đặc biệt có ba cửa ô Trúc Bạch, Trấn Quốc, Hòe Nhai là tư liệu khác không ghi.
  6. Tập bản đồ Toàn cảnh phủ Hoài Đức (Hoài Đức phủ toàn đồ) do hai tác giả Lê Đức Lộc và Nguyễn Công Tiến vẽ năm 1831 là tư liệu ghi được nhiều tên cửa ô nhất, tất cả gồm 16 cửa ô. Đồng thời tư liệu này còn cho biết chính xác độ dài từ cửa ô nọ đến cửa ô kia.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bắc Thành địa dư chí lục, A.1565

2.Hà Nội địa dư, A.1154

3.Các trấn tổng xã danh bị lãm, A.570

4.Đồng Khánh địa dư chí lược, A.537

5.Hoàn Long huyện chí, A.99.

6.Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. KHXH, H. 1993.

7.Việt Nam những sự kiện, Nxb. Giáo dục 2001.

8.Di sản Hán Nôm Việt Nam – Thư mục đề yếu, Nxb. KHXH, H. 1993.

9.Hoàn Long huyện chí, A.99.

  1. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb. Giáo dục, 1999./.

                                                                                   (Tạp chí Hán Nôm, Số 4(101) 2010; Tr. 40-45)

Nguồn bài đăng

0