Phương ngôn với truyền thống cử nghiệp Kinh Bắc
Khổng Đức Thiêm Trong chặng đường 825 năm (1075-1901) tham gia vào những cuộc thi thố nơi cửa Khổng sân Trình, người Kinh Bắc đã giành được vị trí hàng đầu, nhận được sự cảm phục đối với giới trí thức của cả nước. Đến nỗi, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí , Phan Huy Chú ...
Khổng Đức Thiêm
Trong chặng đường 825 năm (1075-1901) tham gia vào những cuộc thi thố nơi cửa Khổng sân Trình, người Kinh Bắc đã giành được vị trí hàng đầu, nhận được sự cảm phục đối với giới trí thức của cả nước. Đến nỗi, trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú phải suy ra rằng: (Kinh Bắc) có mạch núi cao vót, nhiều sông quanh vòng, là mạn trên của nước ta. Phong cảnh thì phủ Bắc Hà, phủ Lạng Giang đẹp hơn. Văn học thì phủ Từ Sơn, phủ Thuận An nhiều hơn. Mạch đất tốt tụ vào đấy, nên cũng nhiều chỗ có dấu tích đẹp, tinh hoa họp vào đấy, nên sinh ra nhiều danh thần. Vì là khí hồn trọng của phương Bắc phát ra nên khác với mọi nơi”. Sách Bắc Ninh tỉnh chí cũng có nhận định tương tự: “Hai phủ Từ Sơn và Thuận Thành có nhiều người văn học”.
Văn học dân gian, đặc biệt là kho tàng phương ngôn Kinh Bắc đã phản ánh được thực tại này. Bằng những phương thức biểu đạt riêng, phương ngôn Kinh Bắc đã chỉ ra sự rực rỡ của truyền thống cử nghiệp của quê hương. Nó đã góp phần tạo ra niềm tự hào rất chính đáng về một cái nôi đào tạo ra nhiều trí thức, cung cấp cho đất nước những nhân tài trác việt. Khái quát nhất và cũng là cụ thể nhất – qua một kiểu đong đếm thường tình của dân gian, phương ngôn đã trình bày rõ về sự nhiều, sự thành đạt của người Kinh Bắc trong câu: Một giỏ Sinh đồ, một bồ ông Cống, một đống ông Nghè, một bè Tiến sĩ, một bị Trạng nguyên, một thuyền Bảng nhỡn. Có lẽ câu phương ngôn này là một minh chứng cho những số liệu mà Phan Huy Ôn dẫn ra trong Liệt huyện đăng khoa bị khảo: từ thời Lý đến hết Lê – Mạc, Kinh Bắc có 593 vị đỗ đại khoa, trong đó có 29 Hoàng giáp (một đống ông Nghè), 418 Đồng Tiến sĩ (một bè Tiến sĩ), 15 Trạng nguyên (một bị Trạng nguyên), 8 Bảng nhỡn (một thuyền Bảng nhỡn). Chắc chắn số Sinh đồ không phải chỉ một giỏ, cũng như ông Cống, Cử nhân cũng sẽ nhiều vô kể vì chỉ riêng thời Nguyễn, các vị đỗ Hương khoa đã lên tới con số 310 người.
Trong hơn hai mươi huyện của Kinh Bắc thời cổ, Đông Ngàn chiếm số lượng cao nhất. Theo thống kê sơ bộ của các sử sách cổ, huyện này có từ 130-138 vị đỗ đại khoa (chưa kể thời Nguyễn), gần ngang với số người đỗ đạt của Nghệ An và Thanh Hóa. Vì vậy, sách Bắc Ninh tỉnh chí đã phải viết: “Nền văn hiến ở phủ Từ Sơn, từ xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả”. Phương ngôn Kinh Bắc đã từng khẳng định qua tổng kết của mình: Dốt Đông Ngàn hơn người ngoan thiên hạ; Tương Vân Cầu, bầu Đông Lữ, chữ Đông Ngàn. Để minh chứng cho các nhận định trên đây, chúng tôi xin đưa ra một vài số liệu:
Cả huyện Đông Ngàn xưa có chừng 90 làng thì có tới 34 làng có người đỗ đạt. Làng Tam Sơn đứng đầu với 17 vị đỗ đại khoa rồi tiếp đến Hương Mạc (11 vị), Vĩnh Kiêu (10 vị), Trang Liệt (9 vị), Phù Khê (9 vị), Phù Chẩn (9 vị), Hoa Thiều (7 vị), Vân Điềm (7 vị), Hà Lỗ (7 vị), Phù Lưu (6 vị), Cẩm Giang (6 vị), Cối Giang (5 vị), Phù Ninh (5 vị), Hoa Lâm (4 vị), Du Lâm (3 vị), Đông Xuất (3 vị), Hà Vĩ (3 vị), Hội Phụ (2 vị), Thiết Úng (2 vị), Nghĩa Lập (2 vị), Lễ Xuyên (2 vị) và 11 làng có 1 vị đỗ đạt (Châu Tháp, Cổ Loa, Danh Lâm, Dục Tú, Dương Sơn, Đại Đình, Mẫn Xá, Ninh Giang, Ngô Khê, Quan Đình, Xuân Canh). Như vậy là cứ 3 làng có một làng đại khoa.
Trong danh sách mà tác giả liệt kê ở trên, làng Tam Sơn đứng đầu cả huyện Đông Ngàn. Sách Đại Nam nhất thống chí đã viết: “Nơi đây nối đời có người đỗ đạt cao. Xét trong khoa bảng huyện Đông Ngàn chỉ có xã này đủ tam khôi”. Đây là một nhận định xác đáng vì làng có tới 2 Trạng nguyên: Nguyễn Quán Quang (1246), Ngô Miễn Thiệu (1518); Bảng nhãn Ngô Thầm (1413) và Thám hoa Ngô Sách Tố. Ngoài 4 tam khôi, Tam Sơn còn có 12 Tiến sĩ và 1 Phó bảng, đó là Ngô Luân (1475), Nguyễn Húc (14870, Nguyễn Khiết Tú (1496), Nguyễn Hy Tái (1511), Nguyễn Tự Cường (1514), Nguyễn Hòa Chung (1517), Nguyễn Tảo (1517), Ngô Diễn (1550), Ngô Dịch (1556), Ngô Sách Thí (1659), Ngô Sách Dụ (1664), Ngô Sách Tuân (1676) và Phó bảng Nguyễn Thiện Kế (1898). Có lẽ vì vậy mà phương ngôn Kinh Bắc đã đúc kết lại trong các câu:
Tam Sơn là đất ba gò
Của trời vô tận, một kho nhân tài
Cái kho nhân tài của Tam Sơn hầu hết đều đảm nhiệm nhiều trọng trách của nhà nước. Ngô Luân, Ngô Thầm hoạt động trong lĩnh vực văn học có chân trong hội Tao đàn, tạo ra niềm thán phục “về mặt văn chương danh giá, người ta thường suy tôn họ Ngô xã Tam Sơn” (Đại Nam nhất thống chí). Nguyễn Quán Quang được dân gian suy tôn làm Thành hoàng làng, có đền thờ trên núi Vường. Ngô Sách Tuân, văn võ toàn tài đã có nhiều công lao trong việc giữ gìn biên cương. Ông được dân làng Quỳnh Lôi (Hà Nội) tôn làm hậu thần, thờ ở đình và được ghi tạc công lao: “Văn thần Ngô Sách Tuân từ khi đến ấp Quỳnh Lôi được dân tin yêu, không vì quyền cao chức trọng mà tự buông thả, không vì quyền thế mà kiêu căng. Ông răn dạy hàng ngũ quan lại không được làm điều sai trái, tham nhũng xâm chiếm của dân. Ông đem bổng lộc cấp phát cho những người túng thiếu. Người nghèo cho ăn, người ốm cho thuốc. Từ cụ già đến trẻ em đều đội ơn sâu, đàn ông đàn bà đều mang nghĩa lớn”.
Nguyễn Tự Cường đã từng hy sinh trong cuộc chiến đấu với nhà Mạc bảo vệ nhà Lê. Phó bảng Nguyễn Thiện Kế mở trường dạy học, xóa bỏ lệ tục ở địa phương. Ngày nay, làng Tam Sơn vẫn phát huy được truyền thống tốt đẹp ấy, trong đó có 170 người tốt nghiệp đại học và hàng chục Giáo sư, Tiến sĩ, Phó tiến sĩ (số liệu tính đến năm 1993 – khi T.G công bố bài viết này). Có lẽ nhiều điều trên đây đã dẫn tới một nhận định của phương ngôn Kinh Bắc, về một thực tế khác:
Tam Sơn là đất ba gò
Cầm cân nẩy mực chẳng cho ai nhờ
Và đôi câu đối:
Trai Tam Sơn đứng núi Tam Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt
Gái Vọng Nguyệt chơi trăng Vọng Nguyệt, nguyệt nguyệt hằng
sánh với trượng phu
Ở Kinh Bắc, đứng đầu về số lượng người đỗ đạt, trên cả Tam Sơn phải kể đến Kim Đôi. Theo thống kê sơ bộ của tác giả, hai họ Nguyễn và họ Phạm ở đây có tới 24 người đỗ đại khoa, trong đó một gia đình có tới 5 anh em cùng thi đỗ, làm quan cùng triều. Vì vậy, dân gian có câu Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều (Gia thế làng Kim Đôi, áo đỏ áo xanh đầy triều).
Có hai làng nữa – tuy số người đỗ đạt không nhiều nhưng cũng nổi tiếng ở xứ Bắc đó là Lạc Thổ và Đông Hồ. Lạc Thổ nổi tiếng với thần đồng Dương Như Châu và nhiều con gái đẹp trở thành vợ các ông Nghè tân khoa. Dương Đình Tước ở Đông Hồ cũng nổi tiếng thời Trần – được xếp sau Trạng nguyên Nguyễn Hiền, ông Trạng nhỏ tuổi nhất nước ta. Phương ngôn Kinh Bắc đã ghi nhận những sự kiện này trong các câu:
– Dốt Lạc Thố cưỡi cổ thiên hạ
– Con gái họ Dương nằm giường Tiến sĩ
– Thứ nhất quan trạng Cổ Đô
Thứ nhì Đình Tước, Đông Hồ có danh.
Làng Dương Sơn – Yên Thế, quê hương của Tiến sĩ Phùng Trạm, có mấy thôn, trong đó có thôn Giữa có nhiều người học giỏi, cũng được phương ngôn ghi nhận:
Làng Trung thì giỏi đan dành
Làng Giữa thì giỏi học hành văn hoa
Đình Bảng – quê hương của nhà Lý, tuy chỉ có 2 người đỗ Đại khoa nhưng lại là một cái lò cung cấp nhiều người tài cho nhà nước, vì vậy cũng được thừa nhận:
– Bao giờ rừng Báng hết cây
Tào Khê hết nước đất này hết quan
– Bao giờ rừng Báng hết cây
Phù Lưu hết chợ, đất này hết quan
Làng Bảo Triện, quê hương của Trần Phụ Dục, Trần Danh Ninh, Trần Danh Lâm, Trần Danh Ẩn và Phạm Khiêm Ích cũng có một câu phương ngôn tương tự:
Bao giờ chùa Địch hết cây
Sông Lai hết nước, đất này hết quan
Tác giả còn bắt gặp trong phương ngôn nhiều câu ca ngợi về truyền thống hiếu học, đỗ đạt nữa (Khoai Đông Lữ, chữ Tiên Sơn/ Quang Lãm Thám hoa, Hán Đà Tiến sĩ). Ngoài việc phản ánh diện mạo cử nghiệp của một huyện (Đông Ngàn) hoặc của một số làng, phương ngôn Kinh Bắc còn đi sâu vào một số nhân vật.
Trong trường hợp của Lê Văn Thịnh – ông Trạng khai khoa thời Lý truyền thuyết và phương ngôn vùng Mộ Đạo (Quế Võ) nói về ông khá đậm đặc, chủ yếu tập trung ở Trác Nhiệt.
Trác Nhiệt vốn có tên là Yên Giả, còn gọi là Kẻ Rét hoặc Cựu Trang, Tráng Nhiệt hoặc Trại Nhiệt. Ở đây có miếu thờ Lê Văn Thịnh và mộ của phụ thân ông (mới bị phá năm 1949). Truyền thuyết kể rằng, đây chính là quê của Lê Văn Thịnh. Hàng ngày Lê Văn Thịnh sang Đông Cứu (Kẻ Gủ) học, tối lại trở về Trác Nhiệt. Sau sự kiện Hồ Tây, Trác Nhiệt bị triệt hạ bởi lệnh chỉ Quốc gia vô hữu Yên Giả. Để ghi lại hành trạng của Lê Văn Thịnh, nhân dân địa phương vẫn lưu truyền câu: Ăn Kẻ Gủ, ngủ Kẻ Rét.
Nguyễn Thuyên – quê ở Lai Hạ – Thanh Lâm, nay thuộc Lang Tài, đỗ Thái học sinh năm 1246, đồng khoa với Nguyễn Quán Quang ở Tam Sơn. Tương truyền ông đã làm thơ Nôm đuổi cá sấu trên sông Thái Bình. Vì thế mà ông được hưởng ngự lộc trên cả một vùng sông nước như phương ngôn đã phản ánh: Đại giang Đông Giàng, Tiểu giang Lai Hạ. Trong trường hợp này có lẽ phương ngôn xác nhận truyền thuyết về ông là có thật trong lịch sử.
Một nhân vật khác ở thời Trần cũng còn nhiều bí ẩn đó là Lý Đạo Tái. Hầu hết sử sách đều không ghi nhận ông thi đậu Trạng nguyên năm 2174 – đồng khoa với Nguyễn Phi Khanh. Tuy nhiên, phương ngôn lại ghi nhận điều này và còn cho biết ông ở trong một gia cảnh nghèo hèn mà đỗ Trạng:
Lúc khó chẳng có ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng, chín nghìn nhân duyên
Điều mà phương ngôn phản ánh lại hoàn toàn phù hợp với lời văn trong tấm bia Đệ tam tổ Lý trạng nguyên hành trạng. Văn bia cho biết năm ông đỗ trạng mới 21 tuổi, được Trần Thánh Tông kén làm Phò mã nhưng ông từ chối, chỉ nhận chức Thị nội văn ban, từng đi sứ Trung Quốc. Sau thôi việc từ quan, đi tu ở chùa Đức La (Vĩnh Nghiêm). Ông mất năm 1334 thọ 81 tuổi. Rõ ràng ở đây, phương ngôn đã minh chứng được cho nhiều điều còn tồn nghi trong sử sách.
Dưới thời Lê, phương ngôn Kinh Bắc cũng ghi nhận cho ta nhiều tấm gương khác nhau về cử nghiệp.
Dương Tử Do, sinh năm 1410 tại Trang Liệt, trong một gia đình nông dân nghèo ở Trang Liệt. Có một lần, khi ông 43 tuổi vì bị làm nhục ở chốn đình chung do mù chữ, ông đã bỏ làng ra đi, quyết chí học thành tài. Khoa thi năm Mậu Dần (1458) dưới triều Lê Nhân Tông, ông đã thi đậu Tiến sĩ, làm đến Công bộ tả thị lang. Tấm gương hiếu học của ông đã được người đời sau truyền tụng:
Bốn ba mới học vỡ lòng
Đến năm bốn chín đã ông Nghè rồi
Dụng công có mấy năm trời
Hơn đời cốt ở tính người thông minh
Nguyễn Thực – người làng Vân Điềm, lúc 18 tuổi đi làm thuê ở nhà Thượng thư Đàm Cử ở Hương Mạc. Thấy chàng trai đang vác đất, Đàm Cử ra vế đối để thử tài:
– Thập bát lực năng tài thổ (18 tuổi có sức khuân được đất)
Nguyễn Thực bèn đối lại ngay:
– Cửu ngũ long phi tại thiên (Tượng cửu ngũ rồng bay lên trời)
Đàm Cử đã gả cháu gái cho Nguyễn Thực. Năm 1595, chàng trai đội đất đi thi đậu Hoàng giáp Đình nguyên, lúc đó đã 41 tuổi và sau làm đến Thái tể.
Cũng theo nguồn này, tấm bia Cổ lai uy linh đại vương thanh miếu thực lục bi ký dựng năm 1655 tại Xuân Hy – Kim Hoa đã ghi lại chuyện tiến sĩ Nguyễn Kính Thần, thời Hồng Đức đi sứ Trung Hoa. Người phương Bắc ra vế đối: Nhất tỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố (Mặt trời là lửa, buổi sớm đốt cháy mặt trăng), Kính Thần đã đối lại: Nguyệt cung tinh đạn hoàng hôn xạ lạc kim ô (Mặt trăng là cung, sao là đạn, hoàng hôn bắn rụng mặt trời). Họ cho là có ý chống lại nên bắt giam ông. Ông đã tìm cách trốn được về nước. Khi mất, vua lê phong cho là Hộ quốc phúc thần.
Lại có nhiều phương ngôn ghi lại một sự trắc trở nào đó của vài cặp đôi đồng khoa. Chẳng hạn như Bạch Hồng Nho quê ở Nội Duệ Đông (Tiên Du) lẽ ra cùng thi một khoa với Giáp Hải nhưng vì mẹ mất nên không được phép đi thi. Phương ngôn như ghi lại sự oán trách của Bạch Hồng Nho đối với vận đen của mình và cũng là sự coi thường tài năng của Giáp Hải (trú tại Dĩnh Kế):
Mẹ ơi! Mẹ đi đằng nào
Để cho thắng Kế nó vào nó cướp Trạng nguyên
Còn ở khoa thi năm Mậu Thìn đời Lê Uy Mục (1508), Nguyễn Giản Thanh – người Hương Mạc, tục gọi là làng Me cùng đi thi với Hứa Tam Tỉnh người Như Nguyệt, tục gọi là làng Ngọt. Hai ông đều đã qua kỳ thi Hội. Đến kỳ thi Đình, các quan biết là Hứa Tam Tỉnh giỏi hơn nên chọn ông đậu trạng nguyên, còn Nguyễn Giản Thanh chỉ được lấy đậu Bảng nhỡn. Nhưng khi đưa hai người vào yết kiến vua thì Kinh Phi – mẹ nuôi nhà vua lại chấm cho Giản Thanh đậu Trạng. Vì vậy mà học vị của hai ông bị đổi ngôi và chuyện đó cũng được phương ngôn ghi lại một cách ngắn gọn: Trạng Me đè Trạng Ngọt.
Chúng ta cũng có thể kể ra đây hàng loạt những phương ngôn ca ngợi Hoàng giáp Nguyễn Đăng, người Đại Toán, tục gọi là làng Tỏi, Quế Dương (nay thuộc xã Chi Lăng – Quế Võ), như các câu:
– Văn trạng Tỏi hỏi gì nữa (hoặc hỏi làm chi)
– Phú ông Tỏi hỏi làm chi
– Bừa mượt như phú ông Tỏi
Theo truyền thuyết, làng Đại Toán giống hình củ tỏi. Củ bên kia còn lá bên này sông. Làng chia ra làm 4 thôn: Tỏi Đông, Tỏi Mão, Tỏi Thủy, Tỏi Mai. Nguyễn Đăng sinh ở thôn Tỏi Mai, nay ở cánh đồng vẫn còn lăng mộ của ông. Truyền thuyết kể dù 40 tuổi rồi ông vẫn quyết tâm đi học. Khi còn hàn vi, ông mang bị cói – một sản phẩm của làng ra Thăng Long bán, vì không có tiền mua sách học ông đã phải vờ vẩy ướt sách của một cửa hiệu rồi xin phơi đền. Ông vừa phơi vừa tranh thủ học và cứ giở đến đâu học thuộc đến đấy.
Năm 1602, Nguyễn Đăng thi đậu Hoàng giáp, là hiện thân của một người có học vấn sâu rộng, có sở trường về lối thơ Đường luật và Phú bát vận.
Năm 1673 ông cùng Lưu Đình Chất, Nguyễn Đình Chính đi sứ nhà Minh, dọc đường cùng ngâm vịnh và họa đáp các bài thơ của người Trung Quốc và Triều Tiên. Khi qua chùa Phi Lai, ông làm bài Phú bát vận hay đến mức mọi người tranh nhau truyền tụng. Tương truyền, khi đến Kinh đô nhà Minh, nhà vua ra lệnh ông phải làm xong bài phú khi ngựa chạy được một vòng. Ông trèo lên ngựa rồi lại xuống ngay vì đã làm xong khiến vua và quan lại nhà Minh phải hoảng sợ. Lại tương truyền rằng, mấy bác nông dân cày bừa khi trâu mệt định phá mà nghe câu dọa bừa mượt như phú ông Đăng là sợ hãi, hiền lành đi tiếp.
Trong kho tàng phương ngôn Kinh Bắc còn một số câu ca ngợi tài thơ văn, võ công của một số nhân vật khác như Văn như Khôi, võ như Quán; Văn như Siêu Quát vô Tiền Hán. Đặc biệt là tài năng của Nguyễn Công Hãng quê ở Phù Chẩn – tục gọi là làng Cháy, được dân đúc kết trong câu Văn ông Cháy, gậy ông Nền.
Truyền thống hiếu học và cử nghiệp của Kinh Bắc xưa đã tạo nên cho đất nước một đội ngũ những hiền nhân quân tử làm chói lọi cả một trời sao văn hóa Việt Nam. Phương ngôn đã tham gia vào quá trình thừa nhận và đúc kết chung ấy để gửi lại cho chúng ta nhiều khuôn diện vừa tổng thể vừa cá biệt. Đúng là:
Nhân tài như thể bách hoa
Hoa sen thơm ngát, hoa trà đẹp tươi./.
Hà Nội, xuân 1994
K.Đ.T