21/02/2018, 09:51

Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” – văn lớp 6

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” – văn lớp 6. Bài làm Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện ngụ ngôn hài hước mang theo tầng ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Mượn hình ảnh con ếch sống trong đáy giếng, truyện bóng gió nói về chuyện con người, châm ...

Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn “Ếch ngồi đáy giếng” – văn lớp 6.

Bài làm

Ếch ngồi đáy giếng là câu chuyện ngụ ngôn hài hước mang theo tầng ý nghĩa ẩn dụ sâu sắc. Mượn hình ảnh con ếch sống trong đáy giếng, truyện bóng gió nói về chuyện con người, châm biếm, phê phán lối sống nông cạn của một bộ phận không nhỏ trong xã hội.

Bố cục rõ ràng, cốt truyện xây dựng mạch lạc theo hai phần chính: hai cuộc sống đối lập nhau trước và sau khi ếch ra khỏi cái giếng tối tăm. Hai môi trường sống hoàn toàn tương phản nhau đã để lại cái nhìn, sự đánh giá tổng quan để từ đó rút ra bài học cá nhân. Mọi chuyện bắt đầu từ trong cái giếng sâu tăm tối. Đó là cái giếng cạn bị bỏ hoang lâu này, bên trong nó là sự sống của những loài động vật nhỏ bé như cua, ốc, nhái… Ếch nghiễm nhiên trở thành chúa tể – kẻ có sức mạnh nhất cái “xã hội” nhỏ bé ấy. Từ dưới đáy giếng nhìn lên, bầu trời trong mắt nó chỉ bé tẹo teo như cái vung. Cũng vì thế, nó liền “coi trời bằng vung”, cho rằng nó đang thống trị cái thế giới nhỏ bé này. Mọi con vật khác đều phải khiếp sợ khi nó cất tiếng uôm oạp. Khéo léo lồng ghép hình ảnh loài vật, xây dựng một không gian đặc biệt, truyện đã dựng nên hình ảnh của một kẻ có suy nghĩ phiến diện, đầu óc nhỏ hẹp. Điều kiện sống trong cái giếng tối tăm đã hình thành nên một con ếch thiển cận, không biết chút gì nhưng lại ảo tưởng, cho rằng mình đang có tất cả. Đối với con người cũng tương tự, nếu chỉ mãi quẩn quanh trong một môi trường sống hạn hẹp, con người sẽ dễ bị những ý nghĩ tiêu cực, thiển cận tác động, trở thành kẻ có kiến thức ít ỏi, trình độ thấp kém. Có lẽ mọi việc sẽ chẳng có gì đặc biệt, ếch sẽ vẫn làm chức chúa tể của nó cho đến khi nó chết nếu không có trận mưa kéo dài chợt kéo đến.

Phát biểu cảm nghĩ về truyện “Ếch ngồi đáy giếng”

Năm ấy trời mưa kéo dài liên miên, nước trong giếng cứ thế đầy dần đầy dần cuốn theo ếch ta ra ngoài. Không gian sống chuyển từ nhỏ bé sang to lớn quá đỗi, từ cuộc sống tăm tối đến cuộc sống muôn màu sắc. Bầu trời giờ đây rộng lớn đến vô tận, mặt đát thì mênh mông, bát ngát không thấy bờ. Tất nhiên các loài động vât khác cũng nhiều hơn, đa dạng hơn. Vậy nhưng ếch không nhận ra điều này. Dù môi trường sống đã thay đổi nhưng nó vẫn giữ nguyên thái độ huênh hoang, tự mãn như thời còn sống trong giếng. Nó cho rằng nó là chúa tể trong cái giếng nhỏ thì tức, nó cũng là chúa tể của cả thế giới này. Ếch đi lại nghênh ngang trên đường, kêu ồm ộp như muốn đe dọa những kẻ gần nó, tự nhủ chắc hẳn muôn loài sẽ phải né tránh khỏi đường nó đi. Một con trâu đi qua đã dẫm bẹp nó – vị chúa tể to lớn của cái giếng cạn. Và chẳng ai, chẳng con vật nào thèm nhòm ngó hay để ý đến nó, bởi nó quá nhỏ bé trong thế giới này. Cuộc sống của con ếch nhỏ bé đã kết thúc thảm hại như vậy.

Một câu truyện không nhiều tình tiết gay cấn, không dài dòng, văn vẻ nhưng bài học chứa đựng trong nó thì không phải chỉ một hai câu là có thể nói hết. Với lối kể tự nhiên cùng hình ảnh sinh động, bài học của chú ếch đã thức tỉnh nhiều người đang sống trong sự lầm lạc, cho bản thân là nhất. Nếu một người chỉ ngày ngày sống trong một môi trường hạn hẹp, ít giao tiếp, không nhìn rộng ra thế giới bên ngoài sẽ chỉ thấy mỗi chính mình ngự trị trong thế giới nhỏ bé. Dần dần, trong tâm tưởng sẽ hình thành sự tự phụ, ngạo mạn, cho mình là số một, không coi trọng ai, cũng như khinh thường, coi khinh những người yếu thế hơn mình. Thế nhưng cuộc sống luôn luôn đầy biến động và đổi thay hàng ngày, hàng giờ. Ta cần phải hòa nhập vào cuộc sống chung của cả cộng đồng, lối sống nhỏ nhen, vị kỷ cá nhân không thể nào tồn tại trong một xã hội yêu cầu tính hội nhập cao. Muốn tồn tại và sống hòa đồng trong xã hội mới, môi trường mới, một yêu cầu tất yêu là phải thay đổi bản thân, thay đổi cách nhìn nhận mọi việc. Phải có cái nhìn tổng quan, sự xem xét, đánh giá mọi việc theo nhiều chiều. Trải qua quá trình lao động, sống và học tập, ta sẽ tích lũy được cho mình nhiều kinh nghiệm sống, lĩnh hội tri thức để có cái nhìn đa chiều, thoát khỏi hàng rào cản cá nhân nhỏ bém cùng hòa mình vào sự phát triển của thời đại, không để bản thân bị tụt hậu.

Học hỏi không ngừng để biết giá trị, vị thế xã hội của mình là điều vô cùng quan trọng. Đây cũng là điều mà truyện ngụ ngôn muốn người đọc ngộ ra được sau những tràng cười thoải mái. Đồng thời câu truyện Ếch ngồi đáy giếng cũng lên án những kẻ vẫn giữ khư khư lối sống hạn hẹp, không chịu mở mang đầu óc dù môi trường xung quanh đã thay đổi và mở rộng ra rất nhiều.

0