05/06/2017, 00:00

Phân tích truyện ngắn “Bức tranh” của Nguyễn Minh Châu

Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kì chống Mĩ. “Dấu chân” của nhà văn - người lính Nguyễn Minh Châu đã đặt trên nhiều nẻo đường khác nhau của cuộc chiến tranh ác liệt để ghi lại vẻ đẹp của một dân tộc kiên cường, bất khuất trong chiến đấu. ...

Nguyễn Minh Châu (1930-1989) là một trong những cây bút tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kì chống Mĩ. “Dấu chân” của nhà văn - người lính Nguyễn Minh Châu đã đặt trên nhiều nẻo đường khác nhau của cuộc chiến tranh ác liệt để ghi lại vẻ đẹp của một dân tộc kiên cường, bất khuất trong chiến đấu. Sau 1975, Nguyễn Minh Châu lại trở thành một trong những người mở đường “tinh anh” của công cuộc đổi mới văn học.

Truyện ngắn Bức tranh được rút trong tập Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành (1983), là một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn trong thời kì này. Qua lời “tự thú” của một họa sĩ về bản thân mình, nhà văn đặt vấn đề : hãy biết vượt lên trên cái thấp hèn và ích kỉ, con người sẽ tìm được vẻ đẹp của cái thiện.
 
Đâu phải khi khói lửa chiến tranh đã nguội tắt thì mọi thứ đều yên bề. Chiến tranh với “nỗi buồn” của nó vẫn hiện diện ngay trong cuộc sống thời bình. Cứ ngỡ như cuộc sống bận bịu hôm nay sẽ giúp ta nguôi quên đi quá khứ, nhưng rồi có lúc, thật bất ngờ, ta lại chạm phải nó - cái quá khứ mà không phải lúc nào cũng đẹp như ta mong muốn. Người họa sĩ trong truyện cũng lâm vào tình trạng bất ngờ ấy: Do đến hiệu cắt tóc, ông “vô tình” gặp lại người lính năm xưa đã từng thồ tranh giúp ông ở chiến trường. Sự tình cờ này khiến họa sĩ rơi vào tình thế khó xử. Trước mắt ông, có thể có hai khả năng xẩy ra: người lính sẽ lên án ông hoặc sẽ bỏ qua, tha thứ cho ông. Biết làm sao hơn được, lỗi là tự ở ông. Mà cũng nhờ một phần vào cái “lỗi ấy” nên ông càng thêm nổi tiếng. Như vậy, cuộc gặp gỡ vô tình này hoá ra lại là điểm khởi đầu cho một cuộc tự vấn nghiêm khắc ở người họa sĩ. Từ một tình huống có tính bề ngoài, tác giả đã khéo chuyển thành một tình huống bên trong nhằm miêu tả một cách “tận đáy” cái nội tâm day dứt trăn trở kia! Trong cuộc đấu tranh nội tâm ấy đang diễn ra sự giằng co giữa hai giá trị hoặc là cái thiện, cái cao đẹp sẽ chiến thắng, hoặc là cái ác, cái thấp hèn sẽ ngạo nghễ cất tiếng cười. Để thể hiện cuộc đấu tranh nội tâm căng thẳng, xuyên qua truyện là sự sóng đôi của các cặp: hai nhân vật, hai bức tranh, hai con người ngay trong một con người. Tuy nhiên, sự sóng đôi của hai bức tranh trong truyện có ý nghĩa đặc biệt. Nó như là cái nền để cho luận đề tác phẩm được nổi bật.
 
Bức tranh thứ nhất là kết quả của sự hối lỗi vì trước đó, họa sĩ “lạnh lùng” từ chối đề nghị “tha thiết” của người lính. Theo như lời của họa sĩ thì đây là một bức tranh ngoài ý định nghệ thuật. Song chính cái giây phút “cầu ơ” ấy lại là giây phút tạo nên một bức tranh nổi tiếng. Thậm chí, nó là cối “đinh” trong sự nghiệp của người nghệ sĩ, nó tồn tại một cách bền vững trong khi những bức tranh từng được ông dồn biết bao tâm huyết lại nhanh chóng bị lãng quên. Bức tranh thứ hai là một bức chân dung tự họa. Nhưng khác vói bức tranh trước đây được vẽ vội vàng trong khoảng nửa tiếng đồng hồ, bức tranh này được họa sĩ vẽ trong khoảng thời gian “không biết bao tháng nay”. Mới hay, để tự họa chân dung mình, tự nhìn thẳng, nhìn đúng vào cái phần khuất tối, hèn kém của mình đâu phải là chuyện một sớm một chiều.
 
Trong giờ phút tỉnh táo, họa sĩ biết mình là kẻ giả dối, ông tự trách : “Tại sao tôi không giữ lời hứa”? Chính ông là người đã nhẫn tâm “lờ quên đi cái người mẹ đang ôm ấp nỗi đau khổ” vì nhầm tưởng con trai mình đã hi sinh để gởi bức tranh đi dự triển lãm. Vậy ra, nguyên nhân của sự giả dối kia là lòng ích kỉ. Giờ đây, đối mặt với người lính năm xưa, ông lại phải đứng trước sự lựa chọn: nhận lỗi hay lảng tránh? Trước câu hỏi này, có một con người khác xuất hiện trong ông, tìm cách biện bạch cho ông. Rằng, là một nghệ sĩ, ông có quyền quên đi cái riêng để phục vụ cái chung. Thì đây, bằng chứng là bức chân dung người lính đã trở thành đại diện cho số đông đấy thôi! Thậm chí, con người thứ hai này còn xui ông chuộc lại lỗi lầm bằng tiền bạc. Cứ thế, bằng đủ các lí lẽ, các mánh lới. Hắn rủ rê con người hướng thiện quy hàng bóng tối. Nhưng, bằng một thái độ nghiêm khắc, người họa sĩ đã vượt qua sự rủ rê, biện bạch, giả dối kia.
 
Cuộc đấu tranh căng thẳng trong nội tâm họa sĩ còn được thể hiện qua những cuộc đối thoại giả tưởng giữa ông và người lính. Nếu như trong lần đối thoại đầu tiên, con người hèn nhát, ích kỉ vẫn còn ngoan cố thì đến lần gặp thứ hai, phần thắng đã nghiêng về cái thiện. Nhìn rõ “khuôn mật bên trong” của mình, họa sĩ đã dũng cảm thừa nhận tất cả mọi lỗi lầm của mình cho dù ông đã từng trải. Qua một cuộc “lột xác”: da mặt tôi tự nhiên dầy cộm lên, tôi cố trấn tĩnh giải phẫu não... vậy là để thắng được ác quỷ, rắn rết, con người phải bước qua một đoạn đường vất vả, chông gai. Nhưng một khi đủ dũng cảm, con người sẽ chiến thắng.
 
Rõ ràng, mặc dù là một truyện ngắn có tính luận đề, nhưng sự phân tích tâm lí sắc sảo của tác giả đã khiến cho Bức tranh không rơi vào tình trạng khô cứng. Nhân vật được đặt trong tương quan với nhiều quan hệ khác nhau, trong đó có quan hệ với bản thân mình. Lối kết cấu đầu cuối tương ứng có thể coi là một yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm. Nếu như ở phần đầu, họa sĩ thông báo về một bức tự họa đã hoàn thành thì phần sau được coi là một ghi chú về tác phẩm. Điều đáng nói hơn cả trong lời ghi chú là “luồng ánh sáng hàng nghìn nến từ phía trước và phía trên đầu chiếu thẳng xuống” được nhắc lại một lần nữa. Đây có thể coi là ánh sáng của sự khai sáng, ánh sáng của sự thật, của cái thiện. Và nữa, “một đôi mắt mở to, khắc khoải, bồn chồn đầy nghiêm khắc đang nhìn vào nội tâm” xét cho cùng cũng là một thứ ánh sáng. Đó là ánh sáng của sự tự tri. Ánh sáng ấy được bao bọc trong một thứ ánh sáng khác, ánh sáng của sự độ lượng tỏa ra từ tâm hồn người lính vô danh. Ai hay chính người lính, bằng sự lặng lẽ của mình, bằng sự cố tình “không quen” họa sĩ để ông khỏi phải xấu hổ lại chính là người “khai tâm” cho họa sĩ về lẽ phải, về cái cao đẹp đang tồn tại một cách đích thực trong cuộc đời này.
 
Tôi muốn tự nguyện đến nạp mình cho lương tâm, ý hướng được vươn đến cái đẹp, cái cao cả này đã cấp thêm cho họa sĩ sự dũng cảm để vượt sự can ngăn của cái xấu, của thói ích kỉ, cuả sự giả dối. Hành trình vất vả ấy của họa sĩ thêm một lần nữa giúp ta hiểu cái đề nghị “rụt rè” nhưng nhân bản của người lính: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về mình”. Có thể nói đây cũng là đề nghị của chính Nguyễn Minh Châu muốn gửi đến độc giả qua truyện ngắn đặc sắc này.

0