05/06/2017, 00:00

Phân tích bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải

Thanh Hải là nhà thơ miền Nam nổi lên từ những ngày đồng khởi những năm 60. Các bài thơ “Mồ anh hoa nở”, “Châu nhớ Bác Hồ” đã được bạn đọc yêu mến. “Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ xinh xắn về tình cảm yêu đời, khát vọng hiến dâng sức mình làm giàu cho Tổ quốc. Bài thơ được viết vào tháng 11-1980 trên ...

Thanh Hải là nhà thơ miền Nam nổi lên từ những ngày đồng khởi những năm 60. Các bài thơ “Mồ anh hoa nở”, “Châu nhớ Bác Hồ” đã được bạn đọc yêu mến. “Mùa xuân nho nhỏ” là bài thơ xinh xắn về tình cảm yêu đời, khát vọng hiến dâng sức mình làm giàu cho Tổ quốc. Bài thơ được viết vào tháng 11-1980 trên giường bệnh, chỉ mấy tuần sau đó, ngày 15-12-1980 nhà thơ qua đời.

Bài thơ đã để lại cho đời một tình cảm nhân hậu, thiết tha, mà thanh thản, không gợi một nét buồn u ám của cuộc đời sắp tắt.
 
Bài thơ mở đầu bằng cảm nhận về mùa xuân đất nước vài bông hoa tím Huế mọc giữa dòng sông xanh và tiếng chim chiền chiện. Đặc biệt tiếng chim vang khác thường, tuôn ra từng tiếng long lanh rơi tưởng như đưa tay hứng được. Một chuỗi âm thanh thật trong, thật tròn, thật vang, như bản nhạc mùa xuân. Nhà thơ như lắng nghe từng tiếng, như hứng lấy từng giọt. Hình ảnh đưa tay hứng xiết bao yêu quý, nâng niu.
 
Từ tiếng chim, bức tranh mùa xuân được mở ra với cánh đồng đầy lộc nõn của nương mạ, lộc trên cành ngụy trang của người lính, nhà thơ cảm nhận được sự giục giã, xôn xao trong tất cả đất trời.
 
Từ cái hối hả, xôn xao của đất trời, tác giả tự hào liên tưởng tới “Đất nước bốn nghìn năm”, dù “Vất vả và gian lao” “Cứ đi lên phía trước”. Đó là lúc đất nước đang gặp nhiều khó khăn, nhưng có một sức vươn tới không gì ngăn cản được! Đó là nhịp mùa xuân của đất trời, mà cũng là niềm tin tưởng của tác giả.
 
Cả đoạn thơ dào dạt một niềm tươi vui, một nhịp điệu hối hả, giục giã người cất bước.
 
Cuộc sống chung kêu gọi đóng góp của mỗi cá nhân. Đoạn hai bài thơ là khát vọng đóng góp của nhà thơ:
 
Ta làm con chim hót
Ta làm một cành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
 
Hai câu đầu lấy lại hình ảnh hoa và chim ở khổ đầu đổ nhập vào hòa ca, tạo thành hình ảnh bản hòa ca.
 
Nhà thơ cảm nhận đời mình như một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời, như một nốt trầm xao xuyến. Nhà thơ như có vẻ tông kết cuộc đời khi nhắc đến “Dù là tuổi hai mươi. Dù là khi tóc bạc”. Lúc này nhà thơ đã 50 tuổi, trọn đời dâng cho đời.
 
Khổ cuối cùng nhà thơ xin hát khúc nam ai, nam bình ca ngợi nước non nghìn dặm mình, nghìn dặm tình theo nhịp phách tiền đất Huế.
 
Cả đoạn thơ tràn trề một tình cảm hiến dâng và hòa nhập, khát vọng làm con chim hót, làm một cành hoa và bài hát cuối cùng phù hợp với thiên chức nhà thơ của tác giả. Câu thơ “một nốt trầm xao xuyến” cũng hàm chứa một đánh giá khiêm tốn về tiếng thơ mình trong bản hòa ca chung.
 
Bài thơ còn đặc sắc bởi nhạc điệu phong phú và đặc biệt. Cả bài thơ làm theo thể năm chữ, nhưng ngắt nhịp đa dạng, không phải đều đều 3/2 như hát dặm Nghệ Tĩnh, cũng không đều đặn 2/3 như thơ ngũ ngôn xưa. Ở đây các cách ngắt nhịp xen nhau tạo điệu thơ nhí nhảnh, vui tươi, rộn rã. Một đặc điểm nữa là vần cuối gieo vần trắc. Bài thơ 6 khổ thì 5 khổ gieo vần trắc ở câu cuối. Các từ “hứng”, “trước”, “xuyến”, “bạc”, “Huế”, vừa ngắt nhịp cho khổ thơ, vừa tạo nhạc điệu giòn giã, giống như nhịp phách tiền đất Huế.
 
Hình tượng xuyên suốt bài thơ là hình tượng bài ca. Từ tiếng hát con chim, tượng trưng cho khúc ca của đất trời đến tiếng hát tự nguyện của tác giả tạo ấn tượng một bài ca không đứt, vang mãi. Nếu biết đây là bài thơ khi tác giả sắp từ biệt cõi đời hẳn ai cũng phải khâm phục tấm lòng rộng mở, thanh thản, cao đẹp của tác giả. Bài thơ là bài ca xinh xắn tác giả để lại cho đời.
 
Đúng như ước mong của tác giả, bài thơ đã sống, đã được phổ nhạc, đã góp vào bản hòa ca một nốt trầm xao xuyến.
0