Phân tích tác phẩm “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ
Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử truyện) là một trong số hai mươi truyện li kì trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Câu chuyện bi thương về một người phụ nữ có thật ngoài đòi là Vũ Thị Thiết đã từng khiến một vị vua anh minh như Lê Thánh Tông, một nhà thơ lớn như Nguyễn Khuyến phải ...
Chuyện người con gái Nam Xương (Nam Xương nữ tử truyện) là một trong số hai mươi truyện li kì trong Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ. Câu chuyện bi thương về một người phụ nữ có thật ngoài đòi là Vũ Thị Thiết đã từng khiến một vị vua anh minh như Lê Thánh Tông, một nhà thơ lớn như Nguyễn Khuyến phải xót thương nhỏ lệ mà đề thơ. Còn Nguyễn Dữ, tiếng là ghi chép lại câu chuyện li kì trong dân gian song kì thực ông đã sáng tạo nên một câu chuyện độc đáo theo lối mượn chuyện xưa để nói ...
Trong khi chồng vắng nhà, Vũ Thị đã thay chồng cáng đáng mọi việc trong gia đình, hiếu thảo với mẹ già, giữ tiết hạnh với Trương Sinh. Cái công ấy, cái phẩm hạnh ấy của nàng đã khiến mẹ chồng, trước khi chết khẳng định: “xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ”.
Ấy thế mà có người đã phụ nàng. Người ấy chẳng phải ai xa lạ mà chính là Trương Sinh. Nguyên nhân của cơn ghen này thật đơn giản: Trương Sinh tin vào con mình. Ngày Trương Sinh đi lính. Vũ Thị đã đùa con rằng, cái bóng mình trên vách chính là cha nó. Vì thế, khi được Trương Sinh hỏi, bé Đản ngạc nhiên vì mình có những hai người cha: “Ô hay! Thế ra ông cũng là cha tôi ư? Ông lại biết nói, chứ không như cha tôi trước kia chỉ nín thin thít”. Không điều tra hư thực, lại vốn tính cả ghen do “trời định”, Trương “đinh ninh là vợ hư. mối nghi ngờ nàng ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được”. Những lời phân trần của nàng Thiết, rốt cuộc cũng trở thành vô nghĩa trước sự tàn nhẫn của Trương Sinh. Sau bao ngày đợi chồng, mong ngóng ngày đoàn tụ, thật không ngờ, ngày gặp mặt cũng là ngày nàng bắt đầu rơi vào bi kịch. Và thật oái oăm, bị kịch ấy lại do chính người thân của nàng đưa lại. Lời bênh vực và biện bạch của hàng xóm, những người từng chứng kiến đức hạnh của nàng cũng không lay chuyển được cái định kiến đã bám rất chắc vào Trương Sinh. Làm sao Trương có thể bỏ qua được một khi cứ văng vẳng bên tai lời con trẻ: “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”. Trong lời cậu bé, ít nhất có ba điểm “đáng ngờ”: hành tung của người đàn ông hết sức bí hiểm, (đêm nào cũng đi, ngồi cũng ngồi), là người lạ hoàn toàn (không bế con người khác). Đang lúc mù quáng vì ghen tuông, Trương “mắng nhiếc, đánh đuổi nàng đi”. Trong xã hội phong kiến, thất tiết là điều ô nhục. Thử hỏi một người nết na, đức hạnh như Vũ Thị làm sao có thể chịu được nỗi ô nhục, oan ức đó. Cái “nương tựa” cuối cùng là gia đình đã hết, nỗi oan lại không biết tỏ cùng ai, Vũ Thị chỉ còn sự lựa chọn duy nhất để chứng minh tiết hạnh của mình: tìm đến cái chết.
Nhưng là một nhà văn nhân đạo, tác giả không muốn Vũ Thị chết. Dòng sông giải oan đã được lập nên “xanh” kia đã thấu, không phù hộ nàng ở cõi trần thì phù hộ nàng ở cõi âm (cũng là kiếp sau). Vũ Thị ở lại trong cung của Linh Phi vì nàng “vô tội”. Nhưng ở trong hoàn cảnh sung sướng nàng vẫn không quên được nỗi đau oan ức, không quen được gia đình. Cho hay, đến tận cùng, Vũ Thị vẫn là người hiếu nghĩa thuỷ chung.
Vậy thì nguyên nhân gây ra bi kịch của Vũ Nương là từ dâu? Do sự vô tình của con trẻ? Do sự cả ghen của Trương Sinh? cả hai lí do ấy đều đúng và là nguyên nhân trực tiếp đẩy Vũ Thị vào cái chết. Nhưng nếu Trương Sinh không đi lính, nếu đứa trẻ lúc sinh đã có cha nó bên cạnh thì sao? Chắc chắn Vũ Thị sẽ có một gia đình yên ấm, “cuộc sum vầy” vẫn tiếp tục. Không còn nghi ngờ gì nữa, chính những cuộc chiến tranh phi nghĩa đã làm cho gia dinh Trương Sinh tan nát; mẹ già vì nhớ con mà mang bệnh đến chết, vợ phải lo toan thay chồng nuôi mẹ, nuôi con. Chiến tranh cũng làm cho bao người khác chạy loạn, trốn ra bể đến nỗi đắm thuyền “chết đuối cả”. Vũ Thị không chỉ chịu khổ sở trong thời gian chiến tranh mà còn cả khi chiến tranh đã kết thúc, khi Trương Sinh đã trở về. Vậy ra, chính cuộc chiến tranh ấy, chính xã hội phong kiến tàn bạo ấy mới đích thực là nguyên nhân dẫn đến cái chết của nàng. Định kiến lễ giáo phong kiến ăn sâu vào Trương Sinh, khiến chàng không “điều tra”, “xét hỏi” mà ngay lập tức “làm ầm lên cho hả giận”, cho “vừa lòng” các định kiến phi nhân kia. Đúng là dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ bao giờ cũng là nạn nhân, là người chịu nhiều bất công oan trái nhất. Chuyện người con gái Nam Xương vì thế, là một bản cáo trạng chế độ phong kiến suy vi, vô nhân đạo.
Tuy nhiên, sự hấp dẫn lớn lao của thiên truyện này còn nằm ở tính nghệ thuật của tác phẩm. Tác giả đã xây dựng câu chuyện với một bố cục hết sức chặt chẽ, trong đó mỗi nhân vật có một tính cách riêng. Trương Sinh đa nghi, cả ghen, vô học nên cố chấp và mù quáng. Vũ Nương trong trắng, thủy chung, thảo hiền nhưng không chấp nhận sự buộc tội vô lí và oan ức. Các nhân vật bộc lộ một cách trọn vẹn mình qua sự dẫn dắt tình tiết, biến cố rất khéo của người dẫn chuyện. Chính câu nói của đứa trẻ ngây thơ đã khởi đầu cho bi kịch nổi sóng và cũng đứa trẻ ấy, trong một đêm khuya, giải oan cho mẹ nó. Đây có thể coi là một sáng tạo độc đáo của Nguyễn Dữ vì các truyện truyền kì của Nhật Bản, Trung Hoa, Triều Tiên dường như chưa một ai lấy hình tượng bóng người và lời nói ngây thơ của trẻ để đẩy chuyện đến đỉnh điểm và mở nút câu chuyện đau lòng này. Mặc dù rất ít nhân vật nhưng Chuyện người con gái Nam Xương khá đa nghĩa. Có người cho rằng thiếu phụ Nam Xương có lỗi một phần vì lẽ ra nàng phải đùa khác đi. Có người lại cho rằng lời nói của đứa trẻ có khi do vô tình người ta có thể phá tan một lâu đài hạnh phúc. Tạo ra nhiều cách hiểu, cách tiếp cận, đó là một phương diện tài năng của Nguyễn Dữ. Trong tác phẩm này, ngôn ngữ nhân vật cũng rất đặc sắc. Trong khi ngôn ngữ Trương Sinh là ngôn ngữ gần gũi lời ăn tiếng nói bình thường thì ngôn ngữ Vũ Thị là ngôn ngữ cách điệu, thậm chí cách điệu hơn cả Linh Phi. Điều này cho thấy hình tượng Vũ Nương là hình tượng có tính lí tưởng. Cái chết của nàng là cái chết của một kiệt nữ, trong trắng và thủy chung. Có thể vì điều này mà mặc dù nàng đã có chồng, có con nhưng vẫn được gọi là người con gái Nam Xương đấy chăng?
Pha trộn giữa thực và ảo, giữa sự thật cay đắng và sương khói giải oan, tác giả đã đem lại cho tác phẩm một màu sắc biến hóa. Dẫu cho Vũ Thị có trở về, nỗi oan đã được giải nhưng dòng sông ngăn cách vẫn còn đó. Từ mờ ảo, nàng dần biến mất. Nỗi đau, qua cái ảo của tác phẩm có phần nào được bù đắp, song cái bi kịch kia thì mãi còn đó. Nó như là một lời nhắc nhở, một hi vọng mọi người hãy nhớ hạnh phúc bao giờ cũng rất dễ bị phá hoại. Hãy nâng niu lấy hạnh phúc như nâng niu một cái đẹp để cái đẹp ấy được trường cửu.
Vượt qua tư cách là một “bản kể” dân gian, Chuyện người con gái Nam Xương là một tác phẩm đặc sắc viết về người phụ nữ với bao nỗi khổ đau của họ. Nhưng trong cái xã hội phong kiến mục ruỗng ấy, họ vẫn hiện lên với vẻ đẹp cả về tư dung và phẩm hạnh. Càng thương cho Vũ Thị bao nhiêu người đọc càng căm giận xã hội phong kiến đã là nguyên nhân gây ra biết bao bi kịch đau lòng. Qua bi kịch Vũ Nương, Nguyễn Dữ cũng chuyển đến cho chúng ta một điều mà ông từng chiêm nghiệm: Hạnh phúc chỉ có được khi hai người biết thông hiểu và tin cậy lẫn nhau.