04/06/2017, 23:58

Phân tích bài thơ “Thương vợ” của Tú Xương

Cứ như lời tự nhận của Tú Xương thì ông thuộc loại “vô tích sự” và kém cỏi trong tư cách là người chủ gia đình. Gia cảnh Tú Xương cho thấy lời tự nhận của ông trên đây hoàn toàn chính xác. Không hiểu cái gia đình ấy sẽ ra sao nếu thiếu đi một bà Tú thảo hiền, thương chồng thương con hết mực? Và ...

Cứ như lời tự nhận của Tú Xương thì ông thuộc loại “vô tích sự” và kém cỏi trong tư cách là người chủ gia đình. Gia cảnh Tú Xương cho thấy lời tự nhận của ông trên đây hoàn toàn chính xác. Không hiểu cái gia đình ấy sẽ ra sao nếu thiếu đi một bà Tú thảo hiền, thương chồng thương con hết mực? Và nữa, lịch sử văn học nước nhà sẽ nghèo đi biết mấy nếu không có một Tú Xương? Thế mới biết, cái công của bà Tú đối với ông Tú, xét đến cùng cũng là cái công mà bà đã góp phần vào văn học dân tộc. ...

Thực ra, các nhà thơ xưa rất ít khi viết về vợ mình. Mà nếu có viết thì cũng chủ yếu viết khi vợ đã qua đời, nhằm kể lại đạo “tòng phu” của các bà theo quan điểm phong kiến. Họa hoằn lắm mới có vài ba người viết về vợ mình khi còn sống. Trong số các nhà thơ “hiếm hoi” này, ta bắt gặp Tú Xương.
 
Hai câu thơ đầu, ngay lập tức đã nêu bật được vai trò trụ cột của bà Tú:
 
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
 
Những lo toan của bà Tú là “quanh năm”, không hề ngơi nghỉ. Nghĩ mà thương cho bà, lúc thời tiết mưa thuận gió hòa thì đã đành một nhẽ. Còn những khi trái gió trở trời thì sao? Chắc là bà cũng phải gượng dậy vì có ai lo cho bà nữa đâu. Điều đáng nói nhất là nơi bà Tú buôn bán: “mom sông”. Nơi ấy ba bề là nước. Nói dại, bà Tú có nhỡ trượt chân mà té xuống thì không chừng nguy cho cả nhà chứ chẳng phải riêng gì cho bà. Chính cái địa thế có phần cheo leo này kết hợp với trạng từ thời gian “quanh năm” ở đầu câu khiến cho người đọc nhận ra những vất vả, gian nan mà bà Tú phải chịu. Lắm khi, cái vất vả, gian nan ấy tưởng như vượt quá sức vóc của một người đàn bà. Mà bà Tú vất vả vì ai? Vì “năm con với một chồng”. Lưu ý là bà không nuôi bình thường mà là nuôi đủ, trọn về lượng nhưng phải đủ về chất. Cái hay của câu thơ: bên này là “năm con” bên kia là “một chồng”, ơ hay, cái ông chồng này thật bé bỏng, đến mức được xếp ngang hàng với lũ con của bà Tú. Thực ra, nuôi ông - bà vất vả hơn nhiều. Ngoài cơm ăn, thi thoảng bà lại phải có tí rượu, tí thức nhắm cho ông ngâm ngợi. Rồi lúc ông ra phố gặp bạn bè, bà phải lo cho ông dăm ba đồng để ông “vênh vang” một chút. Thật là phiên toái! Vậy mà bà chấp nhận. Bởi chấp nhận nên bà đâu dám quản ngại khó khăn:
 
Lặn lội thân cờ khỉ quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
 
Đây có thể coi là hai câu thơ đặc tả chân dung của bà Tú, một người vợ tảo tần, lầm lụi, hi sinh. Viết về bà với những dòng thơ này, ông Tú phải rất hiểu bà, thương và ái ngại cho bà. Câu thơ khiến ta liên tưởng đến câu ca dao xưa. “Con cò lặn lội bờ sông - Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non”. Giữa “con cò” ca dao và “thân cò” bà Tú có sự tương đồng: cả hai vì thương chồng mà vất vả, cả hai đều “lặn lội”, một bên thì “gánh gạo”, một bên thì “buôn gạo”. Chỉ có điều, bà Tú thường xuyên phải đi về trong “quãng vắng”. “Quãng vắng” nói về thời gian đã muộn, đêm đã khuya, bà lặn lội trong sự lẻ loi, cô đơn, thiếu kẻ đỡ đần. Trong hoàn cảnh ấy, rất có thể có những hiểm nguy đang rình rập bà. Công việc của bà Tú là buôn bán nên sự eo sèo cũng là điều dễ hiểu. Bà phải chen lấn, phải đôi co trong buổi “đò đông” quả nguy hiểm không kém gì “quãng vắng” ở trên. “Sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”, nhưng nghĩ đến chồng con, bà lại phải chịu đựng, phải gắng sức.
 
Hai câu luận như là sự tỏ bày trực diện những ý nghĩ của bà:
 
Một duyên hai nợ âu đành phận,
Năm nắng mười mưa dám quản công.
 
Chuyện ông bà thành vợ thành chồng, lại có tới năm mặt con, ấy là chuyện lương duyên. Với ông Tú, có được bà là “phúc” lớn trong đời. Với bà Tú, ông Tú nào kém cạnh gì ai, cũng “lăm le bảng vàng cho sang mặt vợ”, văn thơ ông viết ra “rằng hay thì thật là hay” đấy chứ. Song duyên ở đấy mà nợ cũng thì ở đây. Không những thế, với bà, duyên chỉ “một” mà nợ những “hai”. Thôi thì, đó cũng là phận số, nào ai dám nề hà, kể công gì với ông. Hai câu thơ cho thấy bà không chỉ là người tảo tần mà còn là người vị tha, giàu đức hi sinh, không một lời đòi hỏi cho riêng mình. Nhưng bà không đòi hỏi, không kêu ca thì ông cũng hiểu. Ở trên, ông nói về cái thân bà, ở những câu thơ dưới, ông nói về phận bà (“âu đành phận”), hình ảnh bà Tú, đến hai câu thơ 5 - 6 đã trở thành một thân phận. Trong hai câu thơ này, tác giả vẫn duy trì các số đếm “một”, “hai”, “năm, “mười”. Ừ, bà không dám kể công, không dám tính đếm thì ông thay mặt bà để mà đếm kể những vất vả, những gian nan, những buồn tủi mà bà phải chịu. Xét ra, đó cũng là việc xuất phát từ tình yêu thương mà ông dành cho bà. Càng thương cho bà bao nhiêu, ông lại càng giận mình, trách mình bấy nhiêu. Hai câu cuối thể hiện rất rõ lô gích tình cảm ấy qua lời kết thúc bất ngờ rất Tú Xương.
 
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc,
Có chồng hờ hững cũng như không.
 
Câu thơ đích thị là một tiếng chửi. Nhưng chẳng nhẽ đó là tiếng chửi của bà Tú. Bà đã thương chồng, thương con hết mực như thế, đã “âu đành nhận” như thế, chắc bà không dám, không nỡ chửi. Nhưng ông Tú thì không thể tha thứ được cho cái tội “ăn ở bạc” của mình. Nhìn bề ngoài, đây là lời chửi đổng: “thói đời”, nhưng “thói đời” thì rộng, còn ở đây chỉ có mỗi một ông Tú. Vậy thì tiếng chửi “vu vơ ấy” thực ra là nhằm thẳng vào ông Tú. Kể đích danh tội trạng của ông đã “ăn ở bạc”, lại “hờ hừng” vô tích sự “như không”. Kể ra, người có tư cách chửi mắng ông phải là bà. Nhưng bà không thể... Vậy là ông đành mượn lời bà, nhân danh bà để tự chửi mình. Đây là một tiếng chửi có giá trị nhân cách.
 
Chính trong hai câu thơ cuối cùng này, tình thương vợ của nhà thơ được bộc lộ một cách đầy đủ nhất.
 
Đặc sắc của Thương vợ còn thể hiện ở chỗ, đây là bài thơ hai giọng. Nếu như ở hai câu luận là lời của ông Tú, còn ý là của bà Tú thì ở hai câu kết, lời của bà còn ý thì lại của ông. Sự hoán chuyển này cho thấy ông bà rất hiểu nhau, và tất nhiên, rất thương yêu nhau.
 
Đúng như có người nhận xét, Tú Xương là cây bút trào phúng bậc thầy song cái gốc của hồn thơ ấy, cái “chân phải” trong thơ ông lại là chiều sâu trữ tình thắm thiết. Thương vợ thuộc số những bài thơ sâu sắc nhất trong cái gia tài thơ vô giá của Tú Xương. Với tình cảm chân thành sâu sắc, nhà thơ đã thấu hiểu được nỗi vất vả gian nan, tấm lòng vị tha và đức hi sinh của vợ, ngợi ca nết ăn nết ở của bà. Hình ảnh của bà Tú, qua cái tài và cái tình của Tú Xương đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam một thời. Để rồi, khi gấp lại trang sách, ta như vẫn nhìn thấy một bà Tú vẻ người “ung dung”, tính hạnh “khoan hòa” nặng trĩu nỗi lo “lặn lội” bên cạnh một ông Tú ngất ngưởng đang tự trách mắng cái “hờ hững” đến “bạc bẽo” của mình. 

0