04/06/2017, 23:58

Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả cũng như thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta

Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả cũng như thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta. Với những tác phẩm của Nguyễn Trãi mà em đã học, đã đọc, hãy làm rõ nhận định trên. Nguyễn Trãi là nhà thơ cổ điển nổi tiếng trong dòng văn học cổ Việt Nam. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm ...

Thơ văn Nguyễn Trãi phản ánh tâm hồn trong sáng của tác giả cũng như thiên nhiên tươi đẹp của đất nước ta. Với những tác phẩm của Nguyễn Trãi mà em đã học, đã đọc, hãy làm rõ nhận định trên.

Nguyễn Trãi là nhà thơ cổ điển nổi tiếng trong dòng văn học cổ Việt Nam. Ông để lại cho đời nhiều tác phẩm thơ văn có giá trị. Sự nghiệp văn chương cao quý của Ức Trai là con người ông và những gì đẹp nhất của non sông đất nước. Quả thật không sai khi có người nhận định: “”.
 
Trước hết, thơ văn Nguyễn Trãi là tấm gương phản chiếu tâm hồn trong sáng của tác giả.
 
Hàn Mặc Tử có câu “Người thơ phong vận như thơ ấy”. Với Nguyễn Trãi câu nói đó rất hợp.
 
Đời Nguyễn Trãi không lấy gì làm suôn sẻ. Mẹ mất. Cha mất ỏ nước ngoài. Anh em li tán. Gia đình bên ngoại hầu như không còn ai. Bản thân ông là người có chí lớn. Ông luôn ôm ấp mộng lớn, mong cho dân “khắp thôn cùng xóm vắng không có tiếng hờn giận, oán sầu”, đất nước được thái bình vững chắc muôn thuở. Lí tương ấy mạnh mẽ, thường trực “Đêm ngày cuồn cuộn nước triều Đông” và son sắc, thủy chung, trọn vẹn đến mức “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen”.
 
Nhưng đáng tiếc thay lòng ưu dân, ái quốc cao cả đó lại không được thực hiện vì bọn người lộng hành luôn ghen ghét, đố kị người tài giỏi. Nhiều người là bạn tâm phúc với Nguyễn Trãi bị giết hại (Phạm Văn Xáo, Trần Nguyên Hàn). Có lúc, chính Nguyễn Trãi cũng đã bị nghi kị và bị tống ngục. Một tâm hồn yếu đuối có thể bị gục ngã ngay. Không! Nguyễn Trãi vẫn đứng vững như trúc chắn gió giữa triều đình, như cây tùng chọc trời chắn bão. Mặc dù cuộc đời nghiệt ngã:
 
Miệng thế nhọn hơn chông mác nhọn
Lòng người quanh tựa nước non quanh.
 
Song Nguyễn Trãi lúc nào cùng tự bảo với mình cuộc sống thật thanh bạch, trong sáng. “Lưng khôn uốn, lộc nên từ”. Tin ở mình, tin vào cuộc đời. Nguyễn Trãi khẳng định:
 
Nguyệt xuyên há dễ thấu lòng trúc.
Nước chảy âu khôn xiết bóng non

Dù trong hoàn cảnh nào, tâm hồn Nguyễn Trãi vẫn trong sáng vằng vặc tựa ánh sao Khuê, thủy chung sắc son với dân, với nước, một tâm hồn yêu đời mãnh liệt, một lòng nhân hậu bao dung với cỏ cây, hoa lá, với tạo vật, thiên nhiên. Nguyễn Trãi không lúc nào nguôi trong mình nỗi “tiên ưu” canh cánh.
 
Ngay từ thời đi thi, ông đã không mong như các nho sĩ là đỗ đạt để làm quan, để lưu danh muôn thuở, để “Võng anh đi trước, võng nàng theo sau”, mà ý nguyện của ông là vì việc nước:
 
Quân thân chưa báo lòng canh cánh
(...) Một thân lẫn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.

 
Đến khi theo Lê Lợi cầm gươm đi kháng chiến ông vẫn mang theo nỗi niềm ấy. Nỗi niềm thương dân, lo nước. Ngay cả những khi bi đát nhất, Nguyễn Trãi vẫn không hề than thở, yếu đuối, tâm hồn luôn trong sáng và giàu tình thân ái.
 
Ông nhân hậu, nhân tình với mồ mả tổ tiên:
 
Mả mồ nghìn dặm khôn thăm viếng
Thân cựu mười năm thảy rụng rơi.
 
Thì ra, một Nguyễn Trãi anh hùng khí phách cũng là một Nguyễn Trãi rất nhân hậu rất thiết tha tình cảm với quê hương, với tổ tiên. Mười năm trời còn lưu lạc, không về thăm quê hương mà ông cảm thấy day dứt, trăn trở và hối hận. Ông dằn vặt mình trong câu thơ nghẹn ngào nước mắt. Yêu thì yêu thật, song không bao giờ Nguyễn Trãi bị xúc động làm mềm yếu con tim.
 
Với con người thì đằm thắm thiết tha, với cảnh vật càng thêm gần gũi, chan hòa:
 
Núi láng giềng, chim bầu bạn
Mây khách khứa, nguyệt anh tam.
 
Ông coi thiên nhiên như là bạn, ông trân trọng, nâng niu nó như là một cái gì đó có ý thức và biết suy nghĩ.
 
Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén
Ngày vắng xem hoa bợ cây.


Cả cuộc đời ông chưa hề bợ đỡ ai, bợ đỡ người nào, nhưng giờ ta thấy ông bợ hoa. Cao Bá Quát cũng đã có lần như vậy, cúi đầu trước một đoá hoa mai “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”. Không yêu thương cảnh vật, không thương mến cảnh vật thì làm sao có được cái sợ rất thi sĩ:
 
Nước còn nguyệt hiện sá thôi chèo
 
Ông không dám động mái chèo, sợ làm sao vỡ ánh trăng trên nước. “Rừng tiếc chim về ngại phát cây”, ông cũng chẳng dám chặt cây sợ chim không về hót nữa. Để vầng trăng được nguyên khôi hơn. Nguyễn Trãi phải nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng với chúng. Hình như tình yêu thiên nhiên đã trở thành như là máu thịt trong ông.
 
Có những tình cảm tha thiết với thiên nhiên bởi Nguyễn Trãi có một hồn thơ thanh tao, cao khiết. Nhiều khi ta thấy ông rất buồn. Cô độc, lẻ loi, thơ ông cũng đã nhiều lần nhắc đên ý đó. Một con đò gối đầu giữa mênh mông sóng nước “Có chu trấn nhật các sa miên”.
 
Nhiều lần ta gặp con đò trong thơ Nguyễn Trãi khi thì:
 
Nước biếc non xanh thuyền gối bãi
 
lúc lại: “Làm ôm lúc nhúc thuyền đậu bãi”. Nhưng chưa khi nào gặp con đò cô độc như con đò này. Phải chăng Nguyễn Trãi muốn tìm một điểm tĩnh lặng giữa cõi vô biên để tĩnh dưỡng tâm hồn? Hay ông muốn tìm sự vắng lặng của bến đò để nói sự cô độc của mình? Hay chăng con đò kia là mảnh hồn ông đang chan hòa với canh sắc thiên nhiên.
 
Tất nhiên ngoài con đò đậu nơi bến vắng, con đò con kí thác nhiều tâm sự của tác giả. Nếu như ở Bến đò xuân đầu trại tâm hồn Ức Trai tan vào trong sắc cỏ, thấm vào trong mưa xuân, thì ở Cuối xuân tức sự lòng ức Trai cũng bàng bạc thấm vào cảnh vật.
 
Ông xa chốn triều đình, xa chốn tường đào ngõ mặn để về sống với thiên nhiên tươi đẹp. Khép cửa ngồi trong phòng sách nhưng Nguyễn Trãi nào đâu có hờ hững với cuộc đời. Một chút xao động của tiếng cuốc, một tiếng rơi nhẹ của hoa xoan cũng đã làm cho Ức Trai rung động:
 
Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn
Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan

Tiếng xuân muộn mà Nguyễn Trài nghe được là tiêng cuốc gọi hè. Tiếng cuốc hay là tâm trạng u buồn, luyến nhớ của Ức Trai về một thời đã qua. Dẫu sao thì sắc cuối xuân vẫn trong sáng và đẹp đẽ như tâm hồn nhà thơ. Những bông xoan nở sáng bừng vườn nhà thi sĩ, sắc xoan tím, cánh xoan mềm. Và hương của nó... Tất cả tụ lại, một điểm sáng long lanh của bài thơ. Một sự so sánh từ khập khiễng và có vần bất hợp lí, song đọc câu thơ: “Đầy sân mưa bụi nơ hoa xoan” không hiểu sao ta bỗng nghi tới Nguyễn Trãi. Hay chăng chính ông là bông xoan quê mộc mạc do đang toả hương lặng lẽ, đang dâng đầy vị ngọt cho đời mà mọi người quên lãng. Nếu thế thì lòng Ức Trai trong trẻo biết nhường nào, cao khiết biết nhường nào. Có lẽ vì vậy mà Xuân Diệu đánh giá “Ức Trai có cái đẹp thường trực trong tâm hồn nên khi gặp cái đẹp trong vũ trụ thì tương ứng ngay, thốt ra thơ đẹp” chăng?
 
Chẳng những thế, qua thơ văn Nguyễn Trãi ta còn thấy được vẻ đẹp tươi tắn của thiên nhiên đất nước ta.
 
Nếu sau này Nguyễn Khuyến nôi tiếng với ba bài thơ thu: Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh và được ca ngợi là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam” thì trước và sau Nguyễn Trãi rất lâu ít ai có được những vần thơ thiên nhiên hay như Nguyễn Trãi, có được tình yêu quê hương đằm thắm như ông.
 
Lúc bấy giờ văn chương trung đại thường có tính chất sùng cổ. Các nhà thơ thường coi văn chương Trung Quốc là khuôn vàng thước ngọc, bởi thế hình ảnh thơ thường là đẹp, cao, sang. Đến như kiệt tác Truyện Kiều cũng còn mượn “rừng phong thu”, Chinh phụ ngâm mượn hàng dương liễu, bên Tiêu Tương của Trung Quốc. Riêng Nguyễn Trãi, ông tìm cho mình một phong cách ngôn ngữ diễn đạt riêng, khá độc đáo.
 
Đọc thơ Nguyễn Trãi ra thấy hiện lên rất quen thuộc hình ảnh làng quê dân dã của Việt Nam.
 
Có lẽ trong các nhà thơ Việt Nam xưa chưa có ai nói về rau cỏ, sản vật quê hương một cách thắm thiết như Nguyễn Trãi:
 
Tả lòng vị núc nác
Vun đất ải luống mùng tơi
 
Hay là:
 
Ao quan thả gửi hai bè muống
Đất bụt ương nhờ một luống mùng
 
Bè rau muống. Luống mùng tơi. Cây núc nác. Mấy dọc mùng. Toàn là hương vị quen thuộc của quê nhà. Không hiểu là Nguyễn Trãi có lấy ý câu ca dao: “Anh đi anh nhó quê nhà, Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” hay không mà nghe gần gũi quá, dân dã quá. Đọc những câu thơ mộc mạc của ông không hiểu sao ta lại thêm một bát canh rau ngày thường ngọt sắc với quả cà giòn tan. Không chỉ dân dã, bình dị, thơ Nguyễn Trãi còn là vẻ đẹp hoành tráng, hùng vĩ của non sông gấm vóc Việt Nam.
 
Là một nhà thơ đồng thời là nhà quân sự nên Nguyễn Trãi có nhiều bài thơ gắn liền với lịch sử, với tên núi, tên sông Tổ quốc. Dòng sông Bạch Đằng là dòng sông đã ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt. Nếu Trương Hán Siêu nổi tiếng với Phú sông Bạch Đằng thì Nguyễn Trãi cùng gắn bó với Cửa biển Bạch Đằng.
 
Tuy vậy, là một nghệ sĩ đích thực, Nguyễn Trãi không bao giờ dẫm lại dấu chân của người xưa. Ông tìm cho mình một phong cách riêng. Đến biển Bạch Đằng vào một buổi trời gió bấc, con thuyền thơ của tác giả lướt nhanh:
 
Biển lùa gió bấc thổi băng băng
Nhẹ kéo buồm thơ vượt Bạch Đằng
Ngạc chặt kình băm non lởm chởm
Giáo chìm gương gãy bãi dăng dăng.
 
Cánh núi ở Bạch Đằng không giống với núi ở Vân Đồn:
 
Muôn hộc xanh om tóc mượt màu
 
Cùng giống với núi ở cửa biển Thần Phù:
 
Giáp bờ ngàn ngọn bày ra như mảng ngọc trổ
 
Nhà thơ không viết là núi bị chặt như cá ngạc bị chặt, cá kình bị băm, bãi dăng như giáo chìm gươm gãy mà lại viết đảo lại. Đây không phải đơn thuần là chuyện câu chữ, là có chủ đích sáng tạo của tác giả. Nguyễn Trãi muốn dựng lại được bài chiến trường năm xưa, dựng lại hào khí sôi nổi của một thời chiến chinh oanh liệt. Hoành tráng, hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng. Núi Dục Thúy là bức tranh thiên nhiên như thế:
 
Như toà sen nổi lên mặt nước
Như cánh tiên rớt nước trần gian.
 
Cả một vùng trời đất bỗng sáng ra nhờ câu thơ của Nguyễn Trãi. Nó soi rọi vào ta một cảm giác mới mẻ, như vừa bắt gặp lần đầu. Vừa tươi tắn nhưng cùng đượm hơi ấm tình đời, mảng thơ viết về thiên nhiên của Ức Trai thể hiện sinh động điều đó. Có một con đò gối đầu ngủ giữa khoáng đạt trời xuân. Có một vòm xoan sáng bừng sắc tím và có một cây chuối đầy sức xuân thì đủ biết thiên nhiên tươi đẹp đến chừng nào.
 
Nhắc đến bông xoan ta nhớ đến cành mai của Mãn Giác như là thoáng bất chợt:
 
Đêm qua sân trước nở nhành mai
 
Hay là sắc trắng hoa lên giữa xanh tươi thảm cỏ:
 
Cỏ non xanh dợn chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa
 
Cũng như bông hoa rụng đêm qua của thơ Mạnh Hạo Nhiên:
 
Đêm qua trời mưa gió
Làm rơi mấy đoá hoa
 
Song ta vẫn thèm một mùi hương đồng nội của bông hoa xoan dân quê bình dị:
 
“Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan”
 
Đứng cạnh các loài hoa bác học cô điển, hoa mai, hoa lê, bóng hoa xoan chân quê của Nguyễn Trãi vẫn sáng đẹp, vẫn tươi trẻ tình quê. Cám ơn nhà thơ đã trân trọng, nâng niu cho ta hái một bông xoan trong vườn thơ cổ điển Việt Nam.
 
Tại sao Nguyễn Trãi thể hiện được tâm hồn và thiên nhiên đất nước một cách đa dạng, phong phú như vậy? Có lẽ một phần là tác động của gia đình, của quê hương đất nước và cao hơn nữa là cái tình và cái tài của nhà thơ. Tình của tác giả đã biết. Còn cái tài đó là một bàn tay của người nghệ sĩ tài hoa. Một sự khổ luyện của tâm hồn cao đẹp.
 
Nguyễn Trãi là kết tinh của tinh hoa và khí phách dân tộc. Nguyễn Trãi không sợ thời gian và thơ ông là “cây đời mãi xanh tươi”.

0