Phân tích bài thơ “Năm mới chúc nhau” của Tú Xương
Như đã trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Họ chúc nhau sông lâu, khỏe mạnh, chúc phát tài, phát lộc, chúc sự no đủ, sang giàu... Lời chúc, vì thế, vừa là một mong ước, một nguyện cầu, vừa là một cách thức ứng xử mang tính văn hóa. Ấy thế mà có ...
Như đã trở thành thông lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Họ chúc nhau sông lâu, khỏe mạnh, chúc phát tài, phát lộc, chúc sự no đủ, sang giàu... Lời chúc, vì thế, vừa là một mong ước, một nguyện cầu, vừa là một cách thức ứng xử mang tính văn hóa. Ấy thế mà có một người, dường như có ý tách ra, đứng ngoài những lời chúc kia, lẳng lặng nghe rồi bình phẩm, đánh giá và giễu cợt. Người ấy là ông Tú đất Vị Hoàng. Câu chuyện Năm mới chúc nhau qua đôi mắt ...
Chí cha chí chát khua giày dép,
Đen thủi đen chui cũng lượt là.
Rồi cũng trong một dịp năm mới khác, ông lại chứng kiến cảnh: “Khăn là bác nọ to tày rế - Váy lĩnh cô kia quét sạch hè”. Những bức vẽ trên đây, dù sao cũng mới là chuyện hình thức, là y phục bề ngoài còn trong bài thơ, Tú Xương vạch trần bản chất, “lí tưởng”, nội dung bên trong của những kẻ thị dân, quan lại ích kỉ, giả dối. Đầu tiên là cảnh chúc thọ:
Lặng lặng mà nghe nó chúc nhau
Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
Có lẽ những lời chúc tụng kia phải ồn ào, pha tạp lắm nên ông Tú mới “lặng lặng mà nghe” để xem họ chúc nhau những gì. Thực ra, với mọi người, mong ước được “bách niên giai lão” là một mong ước chính đáng. Song nói sống lâu đến “bạc dầu râu” theo kiểu nói Tú Xương thì câu thơ không còn giữ nguyên vẻ kính trọng mà đã ngả sang chiều mai mỉa. Trong khi cuộc sống mọi người đang lầm than, cực khổ thế mà thật quá quắt, chúng lại mong muốn sống lâu để kéo dài kiếp sống ích kỉ của chúng. Từ mong ước kia của bọn người nhố nhăng, ông Tú nảy ra một sáng kiến:
Phen này ông quyết đi buôn cối
Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
Xưng ông một cách trịch thượng, hạ những kẻ nhố nhăng xuống hàng đứa, nó, Tú Xương trực tiếp bộc lộ một cái nhìn khinh thị. Ngầm ẩn sau câu thơ là một cái nhếch mép sâu cay: những kẻ vô tích sự kia, hà cớ gì mà sống dai quá vậy? Sau chúc thọ lại đến màn chúc sang, chúc giàu:
Lặng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thời mua tước, đứa mua quan.
…
Nó lại mừng nhau cái sự giàu
Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu?
Ơ hay, quan tước phải do sự tu dưỡng gắng gỏi mới thành được, đằng này lại là một thứ hàng hóa được bày ra để mua bán ư? Đồng tiền trong thời đại Tú Xương quả đã ngự trên ngôi vị chúa tể, làm khuynh đảo xã hội. Cùng thời với Tú Xương, Nguyễn Khuyến cũng từng ngạc nhiên:
Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
Đời trước làm quan cũng thế à?
Trước những kẻ lắm tiền, lắm mưu nhiều kế, không từ một thủ đoạn nào thì những người thực tài như ông Tú hỏng thi không được trọng dụng âu cũng là điều dễ hiểu. Cũng như lần trước, Tú Xương hình thành ngay một giải pháp:
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
Trên là giễu, bây giờ là chửi: “Vừa bán vừa la” mà kết quả vẫn “đắt hàng”! Thế mới biết, Tú Xương hiểu tường tận loại người này. Đã bỏ tiền mua quan mua tước, lẽ nào chúng không mua nốt cái lọng để đủ bộ vênh vang. Dẫu có bị mắng, bị chửi thì chúng cũng có để ý gì. Bao nhiêu sự trơ tráo, vô liêm sỉ của chúng đã bị lột trần. Nhưng chưa đủ:
Nó lại mừng nhau cái sự giàu
Trăm, nghìn vạn mớ để vào đâu?
Thật trớ trêu, trong khi ông Tú cũng như bao người khác “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” lại phải chứng kiến cảnh “gà ăn bạc”, “đồng rụng đồng rơi” vương vãi khắp nơi. “Trăm nghìn vạn mớ” của chúng dứt khoát không phải do mồ hồi nước mắt lao động mà là do sự vơ vét, bóc lột của dân nghèo. Biện pháp nghệ thuật cường điệu, lối nói ngoa dụ đã vẽ ra được lòng tham vô đáy của lũ trọc phú trong thời đại bấy giờ. Tú Xương dành trọn khổ thơ thứ tư để nói cảnh chúc phúc:
Nó lại mừng nhau sự lắm con
Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
“Nó lại chúc nhau” rồi “Nó lại mừng nhau” cứ như chúng muốn vơ tất cả cho đầy túi tham. Ao ước “sinh năm đẻ bảy” của chúng có gì khác hơn là sự “nhân giống” những cái xấu, cái ti tiện, tham lam, thật tai họa cho đời khi sự có mặt của chúng được hình thành theo cấp số nhân. Hai câu thơ cuối bài “Phố phường chật hẹp người đông đúc - Bồng bê nhau lên nó ở non” có thể hiểu: ông Tú muốn chúng xéo đi cho rảnh mắt (vì chật hẹp quá rồi); cũng có thể hiểu, chúng lên ở non cho tiện kiếp sông bầy đàn... với lòng tham ấy, cách sống nhố nhăng ấy, bọn người này dường như đã đánh mất phần người, chỉ còn lại phần con nữa thôi. Mới hay tiếng cười của Tú Xương không chỉ “độc” mà còn “thâm” nữa.
Xuyên suốt bài thơ là cái nhìn mỉa mai của “ông” dành cho chúng “nó”. Không một chút e dè, kiêng nể, Tú Xương quất thẳng vào chúng những tiếng chửi “ác khẩu” và mạnh mẽ. Thực ra, về bài thơ này, có bản còn chép thêm một khổ như sau:
Bắt chước ai ta chúc mấy lời
Chúc cho khắp hết cả trên đời.
Vua, quan, sĩ, thứ người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.
Cho dù đến nay nhiều học giả nhận xét rằng khổ thơ này là do người sau thêm vào thì vẫn phải thừa nhận ai đó đã rất tinh khi nhận ra ngầm ý của Tú Xương: “Sao được cho ra cái giống người”. Phải thôi, chủ nhân của những kiểu chúc tụng trên kia đâu có còn là người nữa. Không biết chừng, chúng sẽ lên non cùng khỉ lúc nào không hay.
Nói vậy thôi, ông Tú “miệng xà” nhưng “tâm phật”. Cũng giống như nhiều bài thơ khác “những lời kiêu bạc kia, những cái cười phá phách kia, những câu gây sự to tiếng chửi mắng kia cũng là sự chẳng đừng được của Tú Xương. Tình hình và thực chất thơ Tú Xương là bay nhẹ ở trên tất cả những cái đó kia” (Nguyễn Tuân). Châm biếm, giễu cợt, khinh ghét lối sống lố lăng kệch cỡm của những kẻ giàu sang, hãnh tiến đang nhắm mắt làm ngơ trước cảnh đời nô lệ, dân chúng lầm than, Tú Xương gióng một tiếng chuông cảnh tỉnh, phê phán. Tiếng chuông ấy, thái độ thẳng thắn ấy, xét đến cùng, bắt nguồn từ một khao khát nhân bản: làm sao để cho cuộc đời được tốt đẹp hơn, làm sao phải xóa sạch kiểu chúc Tết khác “giống người” mà chắc chắn, hơn một lần Tú Xương đã phải đau lòng chứng kiến.