Phần địa lí
Đặc điểm của đối tượng địa lí và lưu ý về phương pháp dạy học Do các đối tượng học tập của phần Địa lí là những sự vật, hiện tượng thường tồn tại trong không gian rộng lớn và luôn gắn với một địa điểm cụ thể. Cho nên việc ...
Đặc điểm của đối tượng địa lí và lưu ý về phương pháp dạy học
Do các đối tượng học tập của phần Địa lí là những sự vật, hiện tượng thường tồn tại trong không gian rộng lớn và luôn gắn với một địa điểm cụ thể. Cho nên việc dạy học địa lí khó có thể sử dụng vật thật làm phương tiện dạy học mà cần phải sử dụng các phương tiện thay thế như bản đồ, tranh ảnh, sa bàn... Vì vậy các phương tiện trực quan để sử dụng trong dạy học địa lí phải rõ ràng,chân thực có thể làm phương tiện để học sinh tự khám phá ra kiến thức. Khi sử dụng các phương tiện dạy học này cần lưu ý:
- Cần luôn đề cao vai trò nguồn tri thức và hạn chế vai trò minh họa của kênh hình. Kênh hình trong sách giáo khoa hay các phương tiện dạy học được coi là có vai trò minh họa khi giáo viên vừa truyền đạt thông tin về kênh hình vừa chỉ vào chúng, hoặc giáo viên yêu cầu học sinh quan sát kênh hình sau khi đã truyền đạt thông tin về chúng. Tức là giáo viên vừa giảng (cung cấp thông tin) vừa chỉ, hoặc giảng xong rồi mới chỉ trên kênh hình. Để sử dụng các phương tiện dạy học với vai trò là nguồn tri thức, giáo viên không cung cấp (áp đặt) kiến thức mà dùng hệ thống câu hỏi, hay yêu cầu để kích thích học sinh động não và quan sát kĩ lưỡng đối tượng quan sát. Khi đó, do được định hướng rõ ràng bằng câu hỏi hay yêu cầu của giáo viên làm cho việc quan sát của học sinh có mục đích rõ ràng. Ngoài ra các câu hỏi hay bài tập này còn gây hứng thú và buộc học sinh phải “nghe kĩ, nhìn tinh và đăm chiêu suy nghĩ” để tìm ra câu trả lời. Như vậy học sinh sẽ tự phát hiện ra kiến thức của bài học qua quá trình học tập một cách tích cực.
Ví dụ: Cũng với lược đồ sông ngòi ở trên, nếu giáo viên vừa nói: “Sông ngòi phân bố trên khắp cả nước. Ở miền Bắc có các con sông lớn như: sông Hồng, sồng Đà, sông Cầu, sông Thái Bình... Ở miền Nam có sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai,... Miền Trung thì chủ yếu là sông nhỏ, ngắn, dốc..” vừa chỉ trên lược đồ khi nhắc đến từng con sông. Khi đó việc quan sát của học sinh chỉ trở nên thứ yếu so với những thông tin giáo viên vừa trình bày nên các em không cần nhìn kĩ vào lược đồ. Nhưng cũng với lược đồ đó, nếu giáo viên hỏi: “Các con thấy sông ngòi nước ta nhiều hay ít?” “Chúng phân bố ở vùng nào của đất nước”, “Hãy quan sát kĩ và đọc cho cô tên những con sông lớn”, “So với sông ngòi ở miền Bắc và miền Nam, sông ngòi miền Trung có gì khác biệt? Tại sao?....” . Những câu hỏi như vậy kích thích hứng thú học tập, giúp học sinh phải động não và quan sát rất tỉ mỉ lược đồ. Kết quả là sau khi quan sát, trả lời được những câu hỏi trên, học sinh đã tự rút ra, hay nói cách khác tự phát hiện ra kiến thức của bài học.
- Trong khi dạy cần cung cấp cho học sinh có đủ thời gian để quan sát và phát biểu ra kết quả quan sát hoặc suy nghĩ của chính các em. Giáo viên càng không nên nôn nóng, “gợi ý” quá mức để học sinh mau chóng phát biểu ra kết luận của bài. Phần kiến thức trọng tâm của từng bài học được đóng khung chỉ nên cho học sinh đọc hay nghe sau khi các em đã làm việc một cách tích cực để phát hiện ra chúng.
- Ngoài chức năng nguồn tri thức cần đẩy mạnh chức năng củng cố kiến thức, rèn luyện kĩ thực hành của kênh hình cho học sinh. Tức là cho các em được thực hành tìm trên bản đồ hay tranh ảnh các đối tượng địa lí cần học, nhận xét tranh ảnh hay so sánh đối chiếu các số liệu trong bảng tổng kết hay các biểu đồ. Để làm việc đó giáo viên có thể yêu cầu học sinh vừa chỉ trên kênh hình vừa giảng cho bạn (theo cặp), hoặc cho học sinh viết, vẽ lại những kênh hình đơn giản. Khi học lược đồ hay bản đồ giáo viên có thể dùng phiếu học tập có vẽ lược đồ khung để yêu cầu học sinh tự điền các đối tượng địa lí đã học. Làm như vậy sẽ giúp cho học sinh không chỉ hiểu một cách vững chắc và có thể nhớ lâu nội dung bài học. Vì đây cũng chính là cách “học thông qua làm” (learning by doing) – lí luận giáo dục nổi tiếng do John Dewey đề xuất. Ngoài ra, nó còn hình thành những kĩ năng học tập quan trọng như trình bày, nhận xét ... và kĩ năng tự học ở học sinh.
Nội dung địa lí lớp 4
- Thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miền núi và trung du
- Bài 1. Dãy núi Hoàng Liên Sơn
- Bài 2. Một số dân tộc ở Hoàng Liên Sơn
- Bài 3. Hoạt động sản xuất của người dân ở Hoàng Liên Sơn
- Bài 4. Trung du Bắc Bộ
- Bài 5. Tây Nguyên
- Bài 6. Một số dân tộc ở Tây Nguyên
- Bài 7, 8. Hoạt động sản xuất của người dân ở Tây Nguyên
- Bài 9. Thành phố Đà Lạt
- Bài 10. Ôn tập
- Thiên nhiên và hoạt động sản xuất của con người ở miên đồng bằng
- Bài 11. Đồng bằng Bắc Bộ
- Bài 12. Người dân ở đồng bằng Bắc Bộ
- Bài 13,14. Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Bắc Bộ
- Bài 15. Thủ đô Hà Nội
- Bài 16. Thành phố Hải Phòng
- Bài 17. Đồng bằng Nam Bộ
- Bài 18. Người dân ở đồng bằng Nam Bộ
- Bài 19,20. Hoạt động sản xuất của người dân ở đồng bằng Nam Bộ
- Bài 21. Thành phố Hồ Chí Minh
- Bài 22. Thành phố Cần Thơ
- Bài 23. Ôn tập
- Bài 24. Dải đồng bằng duyên hải miền Trung
- Bài 25, 26. Người dân ở dải đồng bằng duyên hải miền Trung
- Bài 27. Thành phố Huế
- Bài 28. Thành phố Đà Nẵng
- Vùng biển Việt Nam
- Bài 29. Biển, đảo và quần đảo
- Bài 30. Khai thác khoáng sản và hải sản ở vùng biển Việt Nam
- Bài 31, 32. Ôn tập
Nội dung địa lí lớp 5
- Địa lí Việt Nam
- Bài 1. Việt Nam - đất nước chúng ta
- Bài 2. Địa hình và khoáng sản
- Bài 3. Khí hậu
- Bài 4. Sông ngòi
- Bài 5. Vùng biển nước ta
- Bài 6. Đất và rừng
- Bài 7. Ôn tập
- Bài 8. Dân số nuớc ta
- Bài 9. Các dân tộc, sự phân bố dân cư
- Bài 10. Nông nghiệp
- Bài 11. Lâm nghiệp và thủy sản
- Bài 12. Công nghiệp
- Bài 13. Công nghiệp (tiếp theo)
- Bài 14. Giao thông vận tải
- Bài 15. Thương mại và du lịch
- Bài 16. Ôn tập
- Địa lí thế giới
- Bài 17. Châu Á
- Bài 18. Châu Á (tiếp theo)
- Bài 19. Các nuớc láng giềng của Việt Nam
- Bài 20. Châu Âu
- Bài 21. Một số nước của châu Âu
- Bài 22. Ôn tập
- Bài 23. Châu Phi
- Bài 24. Châu Phi (tiếp theo)
- Bài 25. Châu Mĩ
- Bài 26. Châu Mĩ (tiếp theo)
- Bài 27. Châu Đại Dương và châu Nam Cực
- Bài 28. Các đại dương trên thế giới
- Bài 29. Ôn tập cuối năm
Ví dụ thiết kế bài học
Bài 4. Sông ngòi ( Phần Địa lí lớp 5)
I. Mục tiêu
Về kiến thức:
- Nêu được một số đặc điểm chính của sông ngòi Việt Nam
- Biết được vai trò của sông ngòi đối với đời sống sản xuất
- Hiểu được sự thay đổi của mực nước trong sông ngòi theo mùa
Về kĩ năng:
- Biết chỉ trên bản đồ những con sông lớn ở nước ta.
Về thái độ:
- Ý thức được sông ngòi ở địa phương sạch hay bẩn từ đó có thái độ giữ gìn vệ sinh cho sông ngòi nói riêng và thủy vực nói chung.
II. Đồ dùng dạy học chủ yếu
Bản đồ Địa lí tự nhiên Việt Nam
Tranh ảnh về sông ngòi (nếu có)
III. Các hoạt động dạy học chủ yếu
Hoạt động 1: Tìm hiểu mạng lưới sông ngòi nước ta
Bước 1: Làm việc cá nhân
Học sinh dựa vào hình 1 và kênh chữ trong sách giáo khoa để trả lời các câu hỏi:
- Nước ta có nhiều sông hay ít sông?
- Kể tên và chỉ vào lược đồ một số con sông chính của nước ta.
- Ở miền Bắc, miền Nam có những con sông lớn nào?
- Em có nhận xét gì về sông ngòi miền Trung? (dài hay ngắn? dốc hay thoải... tại sao?)
Bước 2: Làm việc cả lớp
- Một số học sinh trả lời câu hỏi trước lớp (có thể theo cặp).
- Một số học sinh lên bảng chỉ trên bản đồ các sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Thái Bình, sông Mã, sông Cả, sông Đà Rằng, sông Tiền, sông Hậu, sông Đồng Nai.
- Giáo viên sửa chữa và giúp học sinh hoàn thiện phần trình bày.
Hoạt động 2: Tìm hiểu về lượng nước trong sông
Bước 1: Làm việc theo nhóm
Học sinh đọc kênh chữ trang 75 trong sgk và quan sát các hình 2 và 3 và tranh ảnh sông (nếu có) rồi từng nhóm hoàn thành bảng sau:
Thời gian | Lượng nước | Ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất |
Mùa mưa | .............................. | ........................................................................ |
Mùa khô | .............................. | ........................................................................ |
Bước 2: Làm việc chung cả lớp
- Đại diện các nhóm học sinh trình bày kết quả làm việc.
- Các nhóm khác nhận xét bổ sung.
- Giáo viên sửa chữa và hoàn thiện câu trả lời của học sinh.
- Giáo viên giải thích thêm và kết luận: Nước sông lên xuống theo mùa là do chế độ mưa, khô theo mùa. Điều đó có ảnh hưởng đến đời sống sản xuất như lũ lụt, hạn hán, giao thông trên sông...
Hoạt động 3: Tìm hiểu về phù sa trong sông ngòi
Bước 1: Làm việc theo cặp
- Học sinh quan sát hình 2 và 3 trong sgk và tranh ảnh về sông ngòi (nếu có) và đặt câu hỏi cho nhau:
- Bạn có nhận xét gì về mực nước và mầu nước sông trong 2 hình 2 và 3?
- Dòng sông được chụp trong tranh (nếu có) vào mùa nào? Tương ứng với hình nào trong sgk?
Bước 2: Làm việc chung cả lớp
- Giáo viên cho khoảng 2 cặp học sinh lên bảng hỏi và trả lời, yêu cầu các em học sinh khác nhận xét bổ sung.
- Giáo viên giải thích: sông ngòi nước ta có nhiều phù sa do: ¾ diện tích đất nước là đồi núi nên sông ngòi thường có độ dốc lớn. Nước ta lại mưa nhiều và tập trung thành mùa nên thường làm cho lớp đất trên mặt bị bào mòn rồi đưa xuống lòng sông. Điều đó làm cho sông có nhiều phù sa, nhưng cũng làm cho đất đai miền núi bị bào mòn và xấu đi, nếu rừng bị mất thì đất càng bị bào mòn mạnh.
Hoạt động 4: Tìm hiểu về vai trò của sông ngòi
Bước 1: Làm việc cá nhân
Học sinh đọc thông tin trong sgk trang 76 và thực hiện theo yêu cầu trong sách giáo khoa.
Bước 2: Làm việc cả lớp
- Giáo viên gọi học sinh nêu vai trò của sông ngòi
- Gọi một số học sinh lên chỉ bản đồ vị trí 2 đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ, vị trí của nhà máy thủy điện Hòa Bình, Trị An, Yaly.
- Giáo viên kết luận: Sông ngòi bồi đắp phù sa tạo nên nhiều đồng bằng. Ngoài ra còn là đường giao thông quan trọng, là nguồn thủy điện, cung cấp thủy sản...
Thực hành
Hãy lựa chọn một bài học nào đó trong phân môn Địa lí và lập kế hoạch dạy học.
Học tập qua băng hình
Hãy xem trích đoạn băng hình Bài học: “Châu Mĩ” và trả lời các câu hỏi sau:
1. Hãy chỉ ra những thành công của tiết dạy.
2. Hãy chỉ ra những hạn chế của tiết dạy.
3. Anh chị sẽ cải tiến như thế nào để tiết dạy có thể phù hợp với điều kiện giảng dạy của mình và làm cho nó có thể đạt hiệu quả cao hơn?