Ôn tập về dấu câu (Dấu phẩy)
Hướng dẫn I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG 1. Trong bài này, các em cần nắm vững công dụng của dấy phẩy. Cụ thể, dấu phẩy được dùng để phân cách một số bộ phận trong câu: – Phân cách thành phần phụ (chủ yếu là trạng ngữ) với thành phần chính của câu (chủ ngữ – vị ngữ). Ví dụ: Bên ...
Hướng dẫn
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Trong bài này, các em cần nắm vững công dụng của dấy phẩy. Cụ thể, dấu phẩy được dùng để phân cách một số bộ phận trong câu:
– Phân cách thành phần phụ (chủ yếu là trạng ngữ) với thành phần chính của câu (chủ ngữ – vị ngữ). Ví dụ: Bên gốc tre, mấy chú trâu béo tròn đang nằm nhai rơm mới.
– Phân cách các từ ngữ có cùng chức vụ trong câu. Ví dụ: Căn phòng này sạch sẽ, mát mẻ.
– Phân cách từ ngữ với bộ phận chú thích của từ ngữ ấy. Ví dụ: Vẻ đẹp của biển, vẻ đẹp kì diệu muôn màu, muôn sắc ấy phần lớn là do mây, trời và ánh sáng tạo nên. (Vũ Tú Nam)
– Phân cách các vế của một câụ ghép. Ví dụ: Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. (Vũ Tú Nam)
2. Nếu như dấu chấm, dấu hỏi chấm, dấu chấm than (đã được học ở Bài 31) là các loại dấu kết thúc câu, được đặt ở cuối câu thì dấu phẩy được dùng trong nội bộ câu. Dấu phẩy có vai trò rất quan trọng trong việc phân cách các ý nhỏ trong câu, giúp người đọc dễ theo dõi, lĩnh hội nội dung thông báo của câu.
Dấu phẩy là loại dấu được sử dụng khá linh hoạt và khó sử dụng. Vì vậy, các em cần luyện tập thật nhiều về dấu phẩy.
II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
1. – Muốn đặt được dấu phẩy vào vị trí thích hợp trong các câu ờ bài tập này, em đọc chậm rãi từng câu, chú ý ranh giới giữa thành phần trạng ngữ chỉ thời gian, nơi chốn với chủ ngữ, vị ngữ trong câu; chú ý ranh giới giữa các từ ngữ có cùng chức vụ trong câu (là phụ ngữ, vị ngữ…).
Cụ thể, ở câu a, dấu phẩy được đặt sau các từ ngữ: Từ xưa đến nay; lòng yêu nước. Ở đoạn b, dấu phẩy được đặt sau các từ ngữ: Buổi sáng; cành cây (câu 1); Núi đồi; thung lũng (câu 3); trên mặt đất; vào trong nhà (câu 4).
2. – Với mỗi dấu ba chấm, em điền một từ ngữ có cùng chức vụ (cùng làm chủ ngữ) trong câu. Các từ ngữ này có quan hệ liệt kê, bình đẳng với nhau và được phân cách nhau bằng dấu phẩy.
– Ví dụ, ở câu a, có thể điền thêm một trong các từ sau: xe máy, xe đạp, xích lô…
Các trường hợp còn lại, em tự làm.
3. – Với mỗi dấu ba chấm, em cần viết thêm bộ phận vị ngữ của câu. Bộ phận vị ngữ này gồm một số từ ngữ có quan hệ liệt kê, bình đẳng với nhau và được phân cách với nhau bằng dấu phẩy.
– Ví dụ, ở câu a, có thể viết thêm vị ngữ: thu mình trên cành cây, rụt cổ lại (hoặc: bay đi, bay lại trên mặt ao).
– Các trường hợp còn lại, em tự làm.
4. Em đọc chậm rãi câu của nhà văn Thép Mới, xét xem nhịp điệu của câu văn có gì đặc biệt? Nhịp điệu ấy gợi ra điều gì? Em có liên tưởng tới nhịp quay đều đặn, chậm rãi, nhẫn nại, mệt mỏi… của chiếc cối xay không? Có liên tưởng gì tới đời sống của người nông dân Việt Nam xưa kia hay không?
Sở dĩ người đọc có cảm giác, có sự liên tưởng như vậy, một phần quan trọng do tác giả đã đặt hai dấu phẩy khá đúng chỗ.
Dựa vào gợi ý nói trên, em tự làm bài tập này.
Mai Thu