Bài 16 – Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng
Bài 16 – Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng Hướng dẫn I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN Xem kĩ phần Chú thích trong SGK 1. Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm: – Ông là một vị "quan thầy thuốc" ở trong triều nhưng rất quan tâm giúp đỡ chữa trị cho những bệnh nhân nghèo khổ, cứu ...
Bài 16 – Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng
Hướng dẫn
I. ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN
Xem kĩ phần Chú thích trong SGK
1. Những chi tiết nói về nhân vật Thái y lệnh họ Phạm:
– Ông là một vị "quan thầy thuốc" ở trong triều nhưng rất quan tâm giúp đỡ chữa trị cho những bệnh nhân nghèo khổ, cứu sống hàng ngàn người, không cầu lợi.
– Dù trong cung có lệnh mời vào để chữa bệnh sốt cho một bậc quý nhân, ông vẫn đi cứu một người dân đang nguy kịch trước rồi sau đó mới vào cung.
– Khi vào cung, ông đến yết kiến Trần Anh Vương và xin nhận tội vì đã không vào triều ngay khi có lệnh vua nhưng Trần Anh Vương đã không bắt lỗi mà còn khen ông là một lương y chân chính.
Qua đó ta thấy:
a) – Vị Thái lệnh y là một thầy thuốc không chỉ giỏi về nghiệp vụ mà còn rất giàu lòng thương người, hết lòng cứu chữa cho mọi bệnh nhân. Nói một cách khác: ông là người có y đức cao quý.
– Trong hành động của ông, điều làm ta thấy cảm phục nhất là ông đã dùng nhà mình làm "bệnh xá" rồi nuôi cơm, cấp thuốc cho mọi căn bệnh không nề hà bẩn thỉu. Trước bệnh nhân, ai nguy kịch hơn thì ông chữa trước, ai nhẹ bệnh hơn thì ông chữa sau.
b) Phân tích, bình luận lời đối thoại của ông với viên quan Trung sứ:
"Tôi có mắc tội, cũng không biết làm thế nào. Nếu người kia không được cứu, sẽ chết trong khoảnh khắc, chẳng biết trông vào đâu. Tính mệnh của tiểu thần còn trông vào chúa thượng, may ra thoát. Tội tôi xin chịu”.
Lời đốì đáp này chứng tỏ ông đã coi tính mạng con người là quan trọng nhất. Đó là một yêu cầu hàng đầu đối với người thầy thuốc. Vì sự sống còn của bệnh nhân, ông quên cả những nguy hiểm có thể xảy ra cho mình. Có thể nói vì bệnh nhân ông đã hi sinh mọi quyền lợi của bản thân, ông sẵn sàng chịu tội để cứu người. Lời đối thoại này còn chứng tỏ khi chữa bệnh, ông không phân biệt sang hèn, cũng không run sự trước quyền lực. Mọi bệnh nhân đều bình đẳng trước vị lương y có phẩm chất cao đẹp này.
2. Trước cách xử sự của vị Thái y lệnh, thái độ của Trần Anh Vương lúc đầu là quở trách nhưng sau khi hiểu rõ lòng thành của ông, Vương đã ngợi khen.
3. Qua câu chuyện này có thể rút ra cho mọi người làm nghề y ở mọi thời đại bài học sau đây: Người thầy thuốc phải thực sự yêu thương con người, lấy việc cứu người làm tiêu chí cao nhất, không vụ lợi, không sợ quyền uy.
4. Y đức của vị Thái y trong truyện này so với y đức của lương y Tuệ Tĩnh cũng tương tự như nhau: cả hai người đều không vụ lợi, không phân biệt kẻ giàu người nghèo, luôn lấy việc cứu người làm trọng.
II. LUYỆN TẬP
1. Một bậc lương y chân chính theo mong mỏi của Trần Anh Vương phải thế nào?
– Trần Anh Vương mong mỏi một lương y chân chính phải giỏi về nghề nghiệp, đồng thời phải có lòng nhân đức, thương dân.
2. Cách dịch nhan đề Thầy thuốc giỏi cốt ở tấm lòng là cách dịch thể hiện rõ được ý nghĩa súc tích của bốn chữ Y thiện dụng tâm. Chữ cốt đã nhấn mạnh được tầm quan trọng của lương tâm, đức độ và lòng nhân hậu, yêu thương con người của một thầy thuôc.
Mai Thu