Nùng Trí Cao nổi dậy (960-1279)
Được vẽ lại theo tài liệu và bản đồ trong bài viết “Decisive Battles: Parallels Between the Battles of the Kunlun Pass (China, 1054) and Hastings (England, 1066)” Presented at ASPAC ’98. Whitman College, June, 1998. JeffreyBarlow (Ph.D.) (23) Trần Việt Bắc Những biến ...
Trần Việt Bắc
Những biến cố liên quan đến sử Việt Nam
Sau khi nhà Tống thống nhất Trung Quốc, đối với các sắc tộc mà Hán tộc coi họ là man di, nhà Tống đặt ra một hệ thống hành chánh mới cho các sắc tộc này, đó là hệ thống “ki mi” gọi là “ki mi chế” (jimi zhi 羁縻制), có nghĩa là các sắc tộc hay các bộ lạc tự quản trị địa phương của mình, tuy nhiên thuế khoá hay nhân lực vẫn được kiểm soát bởi chính quyền trung ương. Các vùng đất của các bộ tộc này sinh sống được gọi là các “châu ki mi”. Các bộ tộc người Tráng có được một quy chế bớt bị đàn áp hơn so với thời nhà Đường, nên một số lớn đã hợp tác với chính quyền nhà Tống, cho đến khi có sự nổi dậy của Nùng Trí Cao (Nong Zhigao 儂智高 1025-1055?), với hy vọng là tộc Tráng sẽ dành được sự độc lập như tộc Lạc Việt đã làm. Đó là việc dành độc lập do Ngô Quyền lãnh đạo. Với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, Ngô Vương Quyền đã dựng nên một vương quốc tự chủ. Ông xưng vương năm 939, khởi đầu cho một nước Việt độc lập, sau một thiên niên kỷ bị Bắc thuộc.
Năm 1039 (thời nhà Lý của Đại Việt 1010 – 1225, Lý Thái Tông Phật Mã 1028 – 1054), Nùng Tồn Phúc (17) (儂存福) là thủ lãnh châu Thảng Do (儻猶) chiếm châu Vạn Nhai (18) (万涯) của em là Nùng Tồn Lộc (儂存禄), châu Vũ Lặc (19) (武勒) của em vợ là (Nùng) Đương Đạo (侬当道). Đặt vùng chiếm được là nước Trường Sinh, một phần lớn vùng này nằm trong lãnh thổ Đại Việt. Đương nhiên là nhà Lý không chấp nhận sự việc này. Vua Lý Thái Tông thân chinh đánh dẹp, bắt toàn gia của Nùng Tồn Phúc xử tử, ngoại trừ vợ ông là A Nùng (A Nong 阿侬) và người con 14 tuổi là Nùng Trí Cao chạy thoát.
Năm 1041, Nùng Trí Cao (20) nổi lên, chiếm châu Thảng Do, đổi làm nước Đại Lịch (大暦 – Dali). Nhà Lý sai quân đi đánh dẹp, bắt được Trí Cao nhưng không sát hại vì thương hại là cha và anh (Nùng Trí Thông, theo VNSL) đã bị giết nên tha, lại phong làm Quảng Nguyên mục (theo VNSL) và cho thêm 4 động và một châu và để Trí Cao và mẹ là A Nùng tiếp tục cai quản.
Năm 1048, Nùng Trí Cao không thần phục nhà Lý, chiếm đất của Đại Việt là động Vật Ác (21) (勿惡), và đổi vùng đất dưới sự quản trị của mình thành nước Đại Nam (大南) , xưng là Nhân Huệ (仁惠) hoàng đế (22) . Nhà Lý không bằng lòng với việc này, sai tướng Quách Thịnh Dật đi đánh, Trí Cao lại thua và xin đầu hàng. Nhà Lý tha về việc phản loạn, để Nùng Trí Cao quản trị những vùng đất cũ. Nùng Trí Cao vẫn muốn thành lập một vương quốc độc lập theo mô hình Đại Việt. Tuy nhiên, họ Nùng quá hãi sợ nhà Lý sau ba lần cha con nổi lên đều bị đánh bại, Nùng Trí Cao muốn tìm nơi ngoài lãnh thổ Đại Việt để dựng nước. Vì thế ông ta di chuyển đến châu An Đức (An-de Zhou 安德州), vùng đất xa hơn về phía bắc Cao Bằng, thuộc lãnh thổ nhà Tống để dựng Nam Thiên quốc (Nan Tien guo 南天国). Châu Quảng Nguyên rất phong phú về khoáng chất như vàng, bạc, và chu sa (cinnabar- nguyên liệu làm thủy ngân), vì thế mà các thương nhân người Hán từ Quảng Đông hay đến để giao thương. Quản trị vùng này Nùng Trí Cao đã có đủ tài lực và nhân lực để gầy dựng nên một đội quân hùng mạnh.
Năm 1052, để đạt mộng ước dựng một vương quốc tự trị cho Tráng tộc, Nùng Trí Cao mang quân đánh Ung châu (Yong zhou 邕州, là thủ phủ Nam Ninh -Nanning 南宁), tỉnh Quảng Tây, Ung châu thất thủ. Sau đó với sự chuyển quân cực kỳ nhanh chóng, Hoành châu (Heng zhou 横州) và các châu nằm dọc theo sông Uất giang (Yu jiang 郁 江), rồi đến Ngô châu (Wu zhou 梧州) là một trị trấn quan trọng về hành chánh của nhà Tống và kế tiếp là các châu bên bờ Tây giang đều thất thủ trong vòng 20 ngày sau Ung châu.
Nùng Trí Cao đã đánh chiếm tổng cộng là 9 châu: Hoành (Heng 横), Quý (Gui 贵), Tầm (Xun 浔), Củng (Gong 龚 ) Đằng (Teng 藤), Ngô (Wu 梧), Phong ( Feng 封), Khang ( Kang 康), Đoan (Duan 端) (24)
Quân của Nùng Trí Cao tiến đến Quảng Châu (Guangzhou 廣州), bao vây và tấn công thành này. Tuy nhiên sau 57 ngày tấn kích không thành công, Trí Cao triệt thoái, mang quân tiến về phía bắc, ngược dòng Bắc giang (Beijiang北江), đánh và hạ các thành Thanh Viễn (Qingyuan 清远), Anh châu (Yingzhou 英州) (25) , Thiều châu (Shaozhou 韶州) (26) . Sau đó Trí Cao tiến quân về phía tây đánh chiếm Liên châu (Lianzhou 連州), Hạ châu (Hezhou 賀州), Thiệu châu (Zhaozhou 昭州). Rồi đổi hướng, tiến quân lên phía bắc đánh Cung châu (Gongzhou 恭州) và Toàn châu (Quanzhou 全州) là thị trấn phía nam Việt Thành lĩnh, một trong năm rặng núi của Ngũ Lĩnh (rặng núi Nam Lĩnh ngày nay). Không vượt núi, Trí Cao đổi hướng tiến về phía tây nam đánh Hưng An (Xingan 兴安), Quế châu (Guizhou 桂州) (27) , Liễu châu (Liuzhou 柳州), Tấn châu (Binzhou宾州) (28) , và chiếm lại Ung châu (đã bị nhà Tống chiếm lại tháng 10, năm 1052) (29) . Tại đây, Trí Cao chuẩn bị thuyền bè với ý định đánh chiếm Quảng Châu một lần nữa, để dựng kinh đô nước Nam Việt của người Tráng.
Nhà Tống sai quân đến tấn công, nhưng đều bị Trí Cao đánh bại. Cuối cùng, vua Tống phải cử Địch Thanh (Di Qing 狄青) là một đại tướng có tài, nhiều kinh nghiệm hành quân với 25 lần lâm trận – đã từng chiến thắng quân Tây Hạ (Xi-Xia 西夏).
Địch Thanh mang 31 ngàn quân và 32 tướng từ Hồ Nam kéo quân đến đóng tại Quế châu (Guizhou 贵州, là Quế Lâm ngày nay). Để có thể chống với cách hành binh thần tốc của Nùng Trí Cao, Địch Thanh mang theo đội kỵ binh Phiên Lạc (Fanluo 蕃落 (30) ) của Tây Hạ nổi tiếng với tài “di chuyển trên đồi núi như trên đất bằng” (31) .
Địch Thanh nhân đêm tối, cho quân chiếm đèo Côn Luân (Kunlun 崑崙, khoảng 60 km phía đông bắc của Nam Ninh ngày nay). Đây là một cửa ải sống còn của Nùng Trí Cao. Mất ải này, Trí Cao đã bị ép vào một trong hai thế, một là giữ thành Ung, hai là mở trận địa chiến trực tiếp giao tranh để chống lại quân Tống. Trí Cao đã chọn thế thứ hai. Cuộc giao tranh đã xảy ra tại phía bắc thành Ung, tháng giêng năm 1054.Trong trận này, Địch Thanh có khoảng 20 ngàn quân, Nùng Trí Cao có khoảng 10 ngàn quân (32) .
Nùng Trí Cao đã bị Địch Thanh đánh bại, ông đã mang thân quyến là mẹ- A Nùng- cùng các con và các em chạy đến Đặc Ma (Temo 特磨) (33) với hy vọng có thể gầy dựng lại quân đội. Tại đây, năm 1055, mẹ của Nùng Trí Cao là A Nùng và các con đã bị Dư Tĩnh (34) là một tướng dưới quyền của Địch Thanh bắt và xử tử. Số phận của Nùng Trí Cao ra sao? Sử sách Trung Quốc không ghi lại rõ ràng! Tống sử viết: “không biết rõ về cái chết của Nùng Trí Cao” (35) .
Tuy nhiên sử Việt đã ghi lại sự việc này như sau:
ĐVSKTT: “Mùa đông, tháng 10, Trí Cao sai Lương Châu đến xin quân [cứu viện]. Vua xuống chiếu cho chỉ huy sứ là Vũ Nhị đem quân cứu viện. Địch Thanh lại đánh phá được Trí Cao. Trí Cao chạy sang nước Đại Lý . Người nước Đại Lý chém đầu Cao bỏ vào hòm dâng vua Tống. Từ đây họ Nùng bị diệt”.
Việt Sử Tiêu Án của Ngô Thời Sỹ cũng viết: “Trí Cao cự chiến bị thua, mới đốt thành, đương đêm trốn chạy sang phủ Đại Lý, quan ở phủ Đại Lý chém đầu Trí Cao đóng hòm dâng lên vua Tống. Họ Nùng tuyệt diệt” .
Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim,Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn cũng viết là Trí Cao đã bị người Đại Lý giết. Tuy nhiên, người viết lạm nghĩ là nếu đầu của Nùng Trí Cao đã nộp cho nhà Tống thì Tống sử đã không viết như trên. Sự việc này nên được tìm hiểu hơn nữa để biết thêm về sự thật của lịch sử!
Còn sự việc “từ đây họ Nùng bị diệt” cần phải được kiểm lại vì Việt Sử Toàn Thư-trang 191- viết là “thân nhân của Trí Cao sau cũng bị giết hết” , nhưng – trang 205- lại viết là “Tống triều không chịu và về phần Tống còn chiêu dụ cảTrí Hội là con Nùng Trí Cao ở châu Quy Hóa và hạ lệnh cho Ty kinh lược Quảng Tây mộ các dân đinh các khê động làm thanh viện cho Trí Hội” (36) . Đây là sự mâu thuẫn trong những tài liệu dẫn chứng!
Mặc dù sự quật khởi của Nùng Trí Cao – dựng một vương quốc độc lập cho dân tộc Tráng – đã không thành công, nhưng người Tráng đã tôn ông như một nhân vật cực kỳ anh hùng, gọi ông là “Vua Nùng” , và dựng miếu thờ. Ngày 3 tháng 3 hàng năm – kỷ niệm về Nùng Trí Cao – là ngày hội chính của dân tộc Tráng.
Ghi chú:
(17) Theo ĐVSKTT, tập 1 trang 260. Sử Trung Quốc gọi là Nông Toàn Phúc (Nong Quanfu)
(18) Theo ghi chú số 2, ĐVSKTT, tập 1 trang 260 : “Vạn Nhai: tên châu thời Lý, nay là phần đất huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn và một phần huyện Võ Nhai, tỉnh Bắc Thái”. (Nv: Bắc Thái là tên của hai tỉnh Bắc Cạn và Thái Nguyên hợp lại)
(19) Theo ghi chú số 3, ĐVSKTT, tập 1 trang 260 : ” Vũ Lặc: tên châu, chưa rõ ở đâu. Cương mục dẫn Đường thư, Địa lý chí: “Nhà Đường đặt Lung Châu quản lĩnh huyện Vũ Lặc” và cho rằng hai châu Thảng Do, Vũ Lặc có lẽ ở vào địa hạt tỉnh Cao Bằng và tỉnh Lạng Sơn ngày nay”.
(20) Theo ĐVSKTT, tập 1 trang 262
(21) Theo ghi chú số 2 ĐVSKTT, tập 1 trang 268 : “Động Vật Ác: ở phía tây tỉnh Cao Bằng” . Nv (người viết): Hán tự được sao lại từ ĐVSKTT, tập 4, trang 126 (sách để số trang từ sau tới trước theo cổ bản) , tờ 36 a-b, chính giữa dòng áp chót của trang này.
(22) Việt Nam Sử Lược, trang 104
(23) Ghi chú trong bản đồ tham khảo: “ROUTE OF NONG ZHI-GAO’S MILITARY EXPEDITIONS” [Adapted from Huang Xianfan, Nong Zhigao (Namning, GuangxiRenmin Chubanshe, 1983), p. 29.] (nv: Huang Xianfan 黃現璠Hoàng Hiện Phan, giáo sư sử học về lịch sử dân tộc Tráng)
(24) Tống sử, quyển 495 “Man Di truyện”
(25) Nay là Anh Đức (Yingde 英德), Quảng Đông
(26) Nay là Thiều Quan (Shaoguan 韶关 ), Quảng Đông
(27) Nay là Quế Lâm (Guilin 桂林)
(28) Nay là Tấn Dương (Binyang宾阳)
(29) [mcel.pacificu.edu…rces] “THE TANG-SONG INTERREGNUM”, ” THE REBELLION OF NONG ZHIGAO”, by Jeffrey Barlow
(30) Tống sử, quyển 495 “Man Di truyện”: Nguyên văn: “青起麾蕃落骑兵“, phiên âm Hán Việt:” (Địch) Thanh khởi huy Phiên Lạc kỵ binh”.
(31) Như ghi chú số 30
(32) Độc giả có thể đọc thêm chi tiết về trận chiến đèo Côn Luân: “Decisive Battles: Parallels Between the Battles of the Kunlun Pass (China, 1054) and Hastings (England, 1066)” , Presented at ASPAC ’98, Whitman College, June, 1998, Jeffrey Barlow (Ph.D.) tại : [www.chinahistoryf…index.php]
(33) Nay là thị trấn Quảng Nam (Guangnan 廣南), gần ranh giới Quảng Tây và Vân Nam ngày nay, cách phía bắc thị xã Đồng Văn, Hà Giang, Việt Nam khoảng 100 km . Ghi chú trong sách ĐVSKT, quyển 1, trang 270: “ Đạo Đặc Ma: tức phủ Quảng Nam, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc”.
(34) Tống sử, quyển 495 “Man Di truyện”.
(35) Tống sử, quyển 495 “Man Di truyện”: Nguyên văn: “然智高卒不出,其存亡莫可知也。”, Phiên âm Hán Việt: “Nhiên Trí Cao tốt bất xuất , kỳ tồn vong mạc khả tri dã “.
(36) Việt Sử Toàn thư của Phạm Văn Sơn, trang 191: ” Theo Ðại Nam dật sự, Nguyễn Văn Tố nói: hai năm sau Dư Tĩnh được phong làm Kinh Chế Quảng Tây có nhiệm vụ đi bắt Trí Cao. Dư Tĩnh phái.Tiêu Chú là Ðô Giám qua đường Ðặc Ma đi tìm họ Nùng và dư đảng chỉ có bắt được mẹ Trí Cao, em là Trí Quang, con là Kê Tông và Kê Phụng; lại cử người sang Ðại Lý theo dõi Trí Cao đem về kinh sư. Thân nhân của Trí Cao sau cũng bị giết hết. Từ đó tại biên giới Hoa Việt không có sự quấy nhiễu của người Nùng nữa”.
Trang 205: “Việc thứ ba của Thẩm Khởi là dụ dỗ các tù trưởng lệ thuộc về Lý triều theo Tống được Lưu Kỷ ở Quảng Nguyên, Nùng Thiện Mỹ ở Ân Tình thuộc BắcCạn, giáp Thất Khê hưởng ứng. Theo Nguyễn Văn Tố, họ Thẩm chứa chấp Nùng Thiện Mỹ và việc này đã đến tai người Việt. ….
Lý triều lên tiếng đòi Nùng Thiện Mỹ, thủ lĩnh châu Ân Tình và 700 thuộc hạ để sửa trị. Tống triều không chịu và về phần Tống còn chiêu dụ cả Trí Hội là con Nùng Trí Cao ở châu Quy Hóa và hạ lệnh cho Ty kinh lược Quảng Tây mộ các dân đinh các khê động làm thanh viện cho Trí Hội”.
Tác giả Jeffrey Barlow viết trong: The Zhuang: “A Longitudinal Study of Their History and Their Culture”, chương: “VIETNAM IN THE LATER SONG ERA” cũng viết là một người em và một người con của Trí Cao chạy về “cố quận” là vùng Cao Bằng, Việt Nam
Nguồn bài đăng