Tài dùng binh của Nguyễn Huệ
Nguyễn Nhã I. NGUYỄN HUỆ MỘT THIÊN TÀI QUÂN SỰ CHƯA HỀ NẾM MÙI THẤT BẠI Chiến thắng bất hủ Xuân Kỷ Dậu đã đưa Nguyễn Huệ lên tột đỉnh đài vinh quang của dân tộc. Người đời sau có thể vì quá thần thánh hóa con người hùng của Nguyễn Huệ, nên người ta đã coi Nguyễn Huệ như ...
Nguyễn Nhã
I. NGUYỄN HUỆ MỘT THIÊN TÀI QUÂN SỰ CHƯA HỀ NẾM MÙI THẤT BẠI
Chiến thắng bất hủ Xuân Kỷ Dậu đã đưa Nguyễn Huệ lên tột đỉnh đài vinh quang của dân tộc. Người đời sau có thể vì quá thần thánh hóa con người hùng của Nguyễn Huệ, nên người ta đã coi Nguyễn Huệ như một thiên tài quân sự siêu việt. Thực ra thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ cũng đã được người cùng thời với Nguyễn Huệ xác nhận như là một sự thực không thể chối cãi.
Các giáo sĩ thường ví Nguyễn Huệ như là “Alexandre” hay “Tân Attila” (2). Đại đế Hy Lạp Alexandre Le Grand và vua hung nô Attila đều là những nhà quân sự nổi danh “bách chiến bách thắng” ở Châu Âu.
Người Việt cùng thời với Nguyễn Huệ như một cung nữ cũ của vua Lê, khi nghe tin vua Lê Chiêu Thống đã đưa Tôn Sĩ Nghị về Thăng Long, đã từ Trường An (4) ra Thăng Long nói với Thái Hậu:
“Cứ xem những lời trong bài hịch thì, thấy Ngài (Tôn Sĩ Nghị) buộc cho ta nhiều lắm, mà Ngài thì cứ lượn lờ trên sông, chỉ dùng thanh thế dọa nạt, không biết Nguyễn Huệ là bậc anh hùng lão hung thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam, thật là thần xuất quỷ nhập không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào còn dám trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh của y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn sấm sét. E rằng bất nhật y sẽ lại ra, quân Tôn Tổng Đốc còn có cái lo bên trong, địch sao cho nổi!” (5).
Các sử quan nhà Nguyễn cũng phải xác nhận:
… “Nguyễn văn Huệ là em của Nguyễn văn Nhạc, tiếng nói như tiếng chuông to, mắt lập lòe như ánh điện, là người giảo hoạt đánh giặc rất giỏi; người người đều sợ Huệ” (6).
Cái giỏi và độc đáo của Nguyễn Huệ ở điểm xuất thân là kẻ ít học, chỉ là kẻ “áo vải”, người trong “hang núi” như Nguyễn Huệ đã tự nhận, không xuất thân từ một trường dạy võ nào, hay một chức, quan võ nào của triều đình mà từ một kẻ bạch đinh trở thành một tướng lãnh tài ba.
Phàm kẻ làm tướng tài, thì như Tôn Tử nói: “Tướng ấy là trí, là nhân, là kính, là tín, là dũng, là nghiêm. Trí là để bẻ gãy kẻ địch, nhân để làm cho người ham theo, kính là để chiêu người hiền, tín là để đúng lệ thường, dũng là để thêm khí, nghiêm là để nhất lệnh.”
Nguyễn Huệ thật là một người lắm mưu nhiều trí.
Không có trận đại thắng nào mà Nguyễn Huệ không dùng tới mưu từ trận đầu tiên đi vào sử sách là trận đánh úp quân Tống Phước Hiệp ở Phú Yên với kế “dụ địch”, khiến địch không đề phòng xuất kỳ bất ý đánh úp, giúp quân Tây Sơn lật ngược được thế cờ. Trận đánh chiếm Phú Xuân (1786) với kế “ly gián” phối hợp với kế “dụ địch” khiến hai tướng Phạm Ngô Cầu và Hoàng Đình Thể nghi kỵ nhau và Phạm Ngô Cầu mắc mưu bắt quân lính phục dịch mọi việc không còn hơi sức chiến đấu. Trận phá 20.000 quân và 300 chiến thuyền của Xiêm (1784) cũng dùng tới kế “phục kích”. Đến khi ra Bắc Hà diệt họ Trịnh, Nguyễn Huệ dùng đường thủy ngược theo sông Hồng tới địa phận Lỗ Giang (7) gặp thủy quân của Đinh Tích Nhưỡng, Nguyễn Huệ lại dùng kế “dụ địch” khiến quân Nhưỡng mắc lừa, bắn vào thuyền không lúc đêm tối, đến khi sáng ra thì bắn hết đạn, quân Nguyễn Huệ đã ập tới, phá tan quân Đinh Tích Nhưỡng làm phòng tuyến trấn giữ kinh thành bị chọc thủng, khiến quân của Nguyễn Huệ tiến tới kinh thành không mấy khó khăn.
Đến khi đại phá quân Thanh thì sự vận dụng mưu trí của Nguyễn Huệ đã đi đến mức tuyệt diệu.
Tôn Sĩ Nghị vốn tính hay kiêu khi sang nước ta chưa gặp được sức kháng cự nào, từ biên giới cho tới núi Tam Tầng (8), đường đi rất dễ dàng, Nghị dương dương tự đắc, gặp Tham tri Vũ Chinh nói về tình hình Tây Sơn có nói: “Nguyễn Huệ là tay lão luyện về việc hành trận, tay cầm một đội quân rất mạnh.” (9) Tôn Sĩ Nghị đã cười mà rằng: “Nước người vì bị tàn ngược đã lâu, mất hết nhuệ khí nên động một tí thì đem hùm sói ra mà dọa, tự ta coi ra nó chỉ như hạng chó dê, chỉ sai một người dùng thừng buộc cổ lôi về chẳng khó khăn gì. Đợi khi ra đến La Thành, chỉ nhổ nước bọt xoa tay là xong việc. Ngươi hãy thử ngẫm mà xem” (10).
Nghị lại tỏ ra chủ quan hơn nữa khi Lê Quýnh đến dinh Nghị yêu cầu động binh, Nghị nói: “Việc gì mà phải lật đật như thế? Chẳng qua cũng như lấy của trong túi, lấy sớm được sớm, lấy muộn được muộn. Bây giờ đã sắp hết năm, đại quân đi xa cần phải nghỉ ngơi, không nên đánh vội. Giặc gầy thì ta béo, để nó tự đến nộp thịt. Nhưng “nước ấy” đã xin như thế thì nên tính từ Đô Thành về Nam, chừng 60 dặm, chia quân đóng 3 đồn, đó cũng là cách phòng xa, chờ đến sang năm tiến quân mà bắt chưa muộn” (11).
Chưa rõ tình hình ra sao, chưa có kinh nghiệm gì về địch mà Nghị dương dương tự đắc kiêu căng, như vậy làm sao có thể tránh khỏi kế kiêu địch của Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ đã gởi thơ tới Tôn Sĩ Nghị xin hàng (12). Trước ngày tấn công, Nguyễn Huệ lại cho quân đến khiêu chiến và giả thua nhiều trận. Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám cương mục chép: “Ngày 04 tháng giêng năm ấy, quân lưu động của giặc, đến trước, hễ đánh trận nào thì thua luôn trận ấy, Sĩ Nghĩ rất coi khinh” (33). Nhờ vậy, Quang Trung có được yếu tố bất ngờ, và với lối hành binh thần tốc, quân Thanh đã trở tay không kịp, nên đại bại.
Nguyễn Huệ lại tỏ ra là người có tài tiên liệu thần tình, chẳng khác nào Khổng Minh sắp đặt công việc.
Từ khi chiến thắng Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã tỏ ra là một người có mưu trí về cả chính trị. Những lời đối đáp với Nguyễn Hữu Chỉnh khi Chỉnh đưa ra đề nghị chiếm đất Bắc Hà đã chứng minh điều đó. Huệ đã quan tâm đến yếu tố nhân tâm trong cuộc chiến, nào e sợ nhân tài Bắc Kỳ, nào lấy danh nghĩa tiến quân cho hợp lòng người; đến khi được Chỉnh nói trúng ý mình thì ông quyết định liền (14).
Nguyễn Huệ đã tiên tri được sự “trung thành” của Nguyễn Hữu Chỉnh.
Sau khi diệt được họ Trịnh, Nguyễn Huệ trở về Phú Xuân, bỏ Nguyễn Hữu Chỉnh ở ngoài Bắc, nhưng Chỉnh đã vội đuổi theo gặp Nguyễn Huệ ở Nghệ An. Nguyễn Huệ cho Chỉnh cùng Nguyễn văn Duệ ở Nghệ An và dặn riêng bọn Duệ: “Chỉnh vốn là đứa vong mạng đến đầu ta, hắn phản phúc không thể tin được, ta lúc đầu muốn mượn tay người Bắc Hà giết hắn, chẳng ngờ hắn chạy thoát theo đây. Theo nghĩa, ta cũng không nhẫn bỏ hắn, Nghệ An là quê quán hắn. Ngươi hãy xem xét binh tế động tĩnh của hắn mà phòng bị. Nếu có biến thì đưa thơ cấp báo” (15).
Quả nhiên, Chỉnh mưu chống lại Nguyễn Huệ khi nắm quyền hành ở Bắc Hà. Sau khi được vua Chiêu Thống vời ra thanh toán bọn Trịnh Bồng. Nguyễn Huệ đã sai Vũ văn Nhậm ra bắt Nguyễn Hữu Chỉnh, nhưng Huệ đã tiên tri được những hành động của Nhậm nên đã cho bọn Ngô văn Sở và Phan văn Lân đi theo. Trước khi đi, Nguyễn Huệ nói kín với Ngô văn Sở và Phan văn Lân: “Nhậm trong chiến dịch này cầm trọng binh, chuyên việc nước lớn lao thì cái biến không thể nào liệu trước được. Điều ta lo không ở Bắc Hà mà chỉ ở Nhậm thôi. Bọn ngươi phải xem xét hắn tỷ như lửa vậy, dập lúc lửa mới nhen nhúm thì sức rất dễ” (16).
Đến khi được tin cấp báo của Ngô văn Sở về hành vi của Nhậm, Huệ bèn bảo: “Vũ văn Nhậm, ta vốn biết hắn ắt làm phản, thì quả nhiên” (17).
Nguyễn Huệ như đã đoán trước những biến cố sẽ xảy ra cho Bắc Hà, và đã có con mắt tinh đời, biết tài Ngô thì Nhậm, là người có thể đương đầu với thời thế khi có biến, đã dặn dò bọn Ngô văn Sở và Phan văn Lân nên tin cẩn và nghe lời Nhậm. Ông nói với bọn tướng tá rằng: “Phải hội đồng thương nghị với nhau, chớ vì mới cũ mà xa cách nhau, ấy là điều mong ước của ta.”
Quả nhiên nhờ có Ngô thì Nhậm bàn kế rút lui để bảo toàn lực lượng thủy bộ và kế “dụ địch”, “kiêu địch”.
Khi gặp bọn Sở, Nhậm ở núi Tâm Điệp (đèo Ba Dội), Nguyễn Huệ đã tiên đoán là do Nhậm bày kế ấy. Khi hỏi Nguyễn văn Tuyết quả nhiên đúng như thế (18).
Trước khi phát binh ra Thăng Long, Nguyễn Huệ lại nói với Ngô thì Nhậm:
“Nay ta tự coi đốc tướng sĩ, phương lược tiến đánh đã tính sẵn rồi. Chẳng quá 10 ngày có thể đuổi được người Thanh. Nhưng nghĩ nó là nước lớn, gấp 10 lần nước mình, sau khi bị thua 1 trận ắt lấy làm thẹn mà cố báo thù. Như thế thì việc binh đao không bao giờ dứt, thật không phải phúc cho dân, lòng ta không nỡ làm vậy. Tới lúc đó, chỉ có một cách thật khéo, thì mới ngăn được cái ngòi chiến tranh, việc ấy phi Ngô thì Nhậm không ai làm nổi. Đợi 10 năm nữa ta đủ thời giờ gầy nuôi, nước giầu quân mạnh thì ta có sợ gì nó” (19).
Đến khi phá quân Thanh xong, lúc đầu để Hôn Hổ hầu viết biểu cho Càn Long xin phong làm An Nam quốc vương. Biểu ấy khi chuyển tới Thanh Hùng Nghiệp, thì viên này cả khinh nói với sứ giả Hôn Hổ hầu: “Nay không phải là hai nước đang đánh nhau, sao lại viết toàn một giọng giận dữ. Viết như thế là muốn cầu phong tước chăng hay muốn khơi hấn chiến tranh chăng?” (20).
Sau Quang Trung phải giao hắn cho Ngô thì Nhậm: Lo việc ngoại giao với nhà Thanh thì y như rằng việc giao hảo với nhà Thanh thật rất tốt đẹp, khiến vua tôi nhà Lê trở nên khổ nhục.
Những sắp đặt mưu kế, tiên liệu tính toán như vậy chứng tỏ mưu trí của Quang Trung cao đến mức nào!
Nói về cái dũng Nguyễn Huệ, chánh sử triều Nguyễn ghi:
“Nguyễn Huệ đã bốn lần đánh phá Gia Định, lâm trận đi đầu các quân sĩ, hiệu lệnh rất nghiêm minh, quân sĩ đều kính phục” (21). Làm tướng mà luôn luôn đi đầu khi lâm trận thì sao quân sĩ chẳng kính phục?
Khi chỉ huy trận đánh quân Thanh, Nguyễn Huệ cỡi voi đốc xuất quân sĩ xông pha vào lửa đạn đến nỗi khi tiến vào thành Thăng Long, chiến bào của vua Quang Trung biến thành đen xám vì thuốc súng (22).
Trong một bản ký nhật của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà gởi về cho Giáo Hội Truyền Giáo Trung Ương ở Ba Lê có kể: “Ngày 30 tháng 01 (1789) Quang Trung rời Kẻ Vôi (Hà Hồi) trên lưng voi và đến chung sức, khuyến khích đội ngũ ông, nhưng khi thấy họ chiến đấu không được hăng hái lắm, ông liền bỏ voi và dùng ngựa. Theo lời đồn, ông đeo hai cái đoản đao (gươm) và chạy ngang dọc chém rơi đầu nhiều võ quan và binh lính, làm rất nhiều người chết về tay ông, ông luôn mồm hò xung phong và lúc nào cũng ở trận tuyến đầu” (23).
Điều này chứng tỏ sự vô cùng xông xáo của Nguyễn Huệ làm tướng coi cái chết nhẹ như lông hồng.
Tôn Vũ Tử xưa kia khi ra mắt vua Ngô Hạp Hư đã chứng tỏ sự áp dụng hiệu lệnh nghiêm minh của mình đã cho chém đầu 02 người thiếp yêu quý nhất của nhà vua khi 2 người này làm đội trưởng cho một toán 180 cung nữ để Tôn Vũ Tử áp dụng thử hiệu lệnh. Tôn Vũ Tử đã ba lần ra lệnh, năm lần nhắc lại và lại phải một lần thứ hai làm như vậy, mà bọn cung nữ cứ cười cợt không tuân theo, ông mới ra lệnh chém 2 người thiếp yêu của vua dù vua can xin tha tội. Người đời về sau khen hiệu lệnh Tôn Tử thật là nghiêm. Hiệu lệnh của Nguyễn Huệ cũng nghiêm khắc không kém. Trong bức thư đề ngày 11 tháng 06 năm 1788, giáo sĩ La Bartette gởi cho giáo sĩ Letondal có viết: “quân giặc (quân Tây Sơn) đôi khi điều động được tới 200, 300.000 quân, sự thực thì đa số bị cưỡng bách, nhưng tất cả đều quyết tử – kẻ nào nhìn về sau trận địa, lập tức bị chém đầu.” (24)
Ngày lễ thành phục vua Lê Hiển Tôn, Huệ mặc đồ tang đứng bên trái trên điện, có một người chấp – sự cười lén – Huệ ra lệnh bắt đem ra chém. (25)
Khi Nguyễn Huệ ra Bắc diệt họ Trịnh, bọn côn đồ thừa cơ hỗn loạn nổi lên cướp bóc khắp nơi, Nguyễn Huệ đã áp dụng sự trừng phạt gắt gao, giáo sĩ Le Roy (ở Nam Định) đã viết cho ông Blandin ở Ba Lê ngày 11 tháng 07 năm 1786:
… “Những người Nam Hà này (quân Nguyễn Huệ) đã áp dụng sự xử án khắc nghiệt – mới thấy tố cáo chẳng cần đợi xét xử lôi thôi, họ đã chém đầu những bọn trộm cướp hay tất cả những kẻ nào bị người ta tố cáo là trộm cướp. Người ta rất lấy làm thích sự xử phạt như vậy và sự liêm khiết của quân Tây Sơn. Vì họ không cướp bóc ai, họ chỉ biết chặt đầu mà thôi. Điều đó đã khiến cho yên lành một vài nơi trong một thời gian.” (26)
Nguyễn Huệ nghiêm khắc việc quân sự như vây, không hẳn con người sắt thép ấy không còn tình cảm mà sự thực Nguyễn Huệ lại là người nhiều tình cảm hơn hết. Bằng chứng như khi người vợ cả của ông mất, ông đã thương tiếc gần như điên khùng (27).
Ngày 16 tháng 06 năm 1792, giáo sĩ Le Lalousse lại viết thơ cho người bạn của ông:
“Cuối cùng tôi được biết rằng một trong những bạn của chúng ta (Girard) ở Nam Hà hiện nay đương ở trong triều đình phiến loạn, ông ta bị bắt phải đến để chữa bệnh cho người vợ của “bạo chúa” vì ông đã đòi 01 người y sĩ người Âu. Tại triều đình, ông này được đón tiếp rất trọng hậu và hạnh phúc lớn lao nhất có lẽ chính là vợ của Tiếm Vương đã chết trước khi ông có thể khám bệnh. Ông “bạo chúa” đã đau khổ đến cùng cực về việc ông Girard không được gọi đến kịp thời (28).
Nguyễn Huệ dù sắt đá đến đâu cũng phải mềm lòng trước nước mắt của giai nhân. Khi Lê Hiển Tông chết, Huệ giận Tự Tôn đã không mời trước đến bàn việc tang ông bố vợ mà lại để khi nhập liệm xong mới đến mời. Nguyễn Huệ cho đó là có ý coi mình như những người ngoài, lập tức sai người vào triều bắt phải hoãn lễ đăng quang, muốn lập người khác. Nhưng khi công việc đăng cực đã xong, triều đình đã cho người ra báo tin thành lễ với ông, Nguyễn Huệ giận dữ bèn truyền lệnh các quân thủy bộ sắm sửa hành trang cho kịp ngày rút quân về nước (20). Nhưng đến khi Ngọc Hân công chúa khóc xin Huệ ở lại, thì Huệ không thể đành lòng.
Người anh hùng ấy cũng hơn một lần chiều theo ý giai nhân. Ngọc Hân đã “thỏ thẻ” đễn nỗi Huệ có ý không chịu lập Tự Tôn lên ngôi. Đến khi công chúa nghe nói triều đình giận mình, kết tội mình làm hại đến việc lớn của xã tắc thì Ngọc Hân công chúa lại về phủ để xin với Huệ lập Tự Tôn trở lại. Công Chúa đã nói thế nào để Nguyễn Huệ cũng lại mềm lòng, nể “người đẹp” mà bằng lòng.
Không phải là con người không có tình cảm nên Nguyễn Huệ thật cũng có thừa lòng nhân. Xem việc Nguyễn Huệ xử sự trước cái chết của Trịnh Khải thì biết. Khi bọn Nguyễn Trang đến nộp đầu Trịnh Khải. Nguyễn Huệ nói: “Đáng tiếc cho một hảo nam tử, lúc đầu nếu sớm đầu hàng thì hẳn không mất phú quý, sao lại khổ tử, hủy mạng”. Rồi Huệ cho lấy lễ bực vương tống táng Trịnh Khải (31). Thật khác hẳn với kẻ hẹp lượng, chỉ muốn băm vẳm kẻ địch, đến nỗi kẻ thù chết rồi vẫn không tha, cho quật mồ quật mả. Thái độ đối với Trịnh Khải thật là độ lượng của người anh hùng.
Còn lòng kính hiền đãi sĩ của một võ tướng như Nguyễn Huệ thì thật khó ai bì kịp. Điển hình như sự đối xử của Nguyễn Huệ với La Sơn phu tử. Bao lần “mời cụ không ra, lễ cụ không nhận, lộc dưỡng lão cụ cũng từ. Thế mà Quang Trung chỉ ôn tồn kính cẩn, trách nhẹ mà thôi, rồi lại cố mời cụ ra. Lòng mến kẻ hiền lớn mạnh biết chừng nào!” (32)
Với tư cách ấy, Nguyễn Huệ đã tỏ ra một vị tướng tài ba vẹn toàn. Vị Tài ba này đã hơn một lần được chứng tỏ bằng những chiến tích anh dũng của ông. Từ trận đánh úp tại Phú Yên quân Tống Phúc Hiệp (năm 1773) đến trận Đống Đa (năm 1789), gần 20 năm trời vị tướng trẻ tài ba ấy đánh nam dẹp bắc, không hề nếm mùi thất bại. Trong bài hịch gửi đến quan quân và dân hai tỉnh Quảng Ngãi, Qui Nhơn, ông đã nói: “Nơi nào có ta mang quân đến, nơi đó quân thù bị đánh tan tành” (33).
Trong sử sách không thấy đoạn nào ghi chép sự thất bại của Nguyễn Huệ. Trong 04 lần vào đánh Gia Định, nơi nào Nguyễn Huệ tới, nơi đó đối phương phải chịu thảm bại. Đại Nam thực lục chính biên của triều Nguyễn, vốn ác cảm với Nguyễn Huệ cũng chỉ có thể viết: “Tháng 12 (năm Giáp Thìn 1784) giặc Tây Sơn Nguyễn văn Nhạc nghe tin quân giặc cấp báo, tức thì sai Nguyễn văn Huệ đem binh thuyền vào cứu Sai-gon. Huệ đến, đánh vài trận không được,muốn đem quân về. Có tên phản thần là Lê Xuân Giác bày kế cho Huệ đem hết quân mạnh mai phục ở rạch Gầm và ở Xoài Mút (Định Tường) rồi dụ quân Xiêm lại đánh (34). Đó là lần duy nhất sách Thực lục nói Nguyễn Huệ không thắng, nhưng cũng không nói là thua.
Đánh Gia Định lần thứ nhất vào mùa Xuân Đinh Dậu (1777), quân Nguyễn phải chạy dài, đến tháng 09 mùa thu năm ấy, chúa Nguyễn Duệ Tông bị giết, chỉ một mình Nguyễn Ánh thoát, lên thuyền đậu sông Khoa (Long Xuyên) rồi lẩn tránh.
Đánh Gia Định lần hai vào mùa Xuân (tháng 03) Nhâm Dần (1782). Quân Nguyễn không ngăn được sự tiến quân của Tây Sơn từ biển vào theo lối Cần Giờ, Nguyễn Ánh phải chạy đến Lữ Phụ (Giồng Lữ) thuộc tỉnh Định Tường, nhặt tàn quân còn khoảng hơn 300 người. Nguyễn Ánh cố gắng vùng lên, đánh bại được quân của tướng Tây Sơn là Đô đốc Nguyễn Học tới đánh; thừa thắng quân Nguyễn phản công Tây Sơn, khí thế lên mạnh. Nhưng khi quân Nguyễn tới đóng ở Ngã Tư (Tứ Kỳ Giang, thuộc tỉnh Gia Định), Nguyễn Huệ đem quân mạnh ập tới, bày trận bối thủy (quay lưng xuống nước như Hàn Tín) mà đánh, quân Nguyễn thảm bại. Nguyễn Ánh chạy về miền Hậu Giang, tới Hà Tiên rồi ra Phú Quốc, và phải sai Nguyễn Hữu Thụy, Trần Xuân Trạch cùng cai-cơ Cao Phúc Trí sang Xiêm cầu viện (35).
Lần thứ ba, cũng vào mùa Xuân (tháng 02) Quý Mão (1783), Nguyễn Huệ cùng Nguyễn Lữ lại vào đánh Gia Định cũng từ cửa Cần Giờ tiến vào… Quân Nguyễn lại bị bại, Nguyễn Ánh phải chạy về Ba Giồng (Tam Phụ, Định Tường), quân không còn đầy một trăm, bầy tôi còn 5, 6 người. Nguyễn Ánh phải chạy về Mỹ Tho rồi cùng mẹ và cung quyến chạy ra Phú Quốc. Lần này Nguyễn Huệ cho quân truy kích, cho phò mã Trương Văn Đa đem thủy quân vây ba vòng Nguyễn Ánh ở đảo Côn Lôn. Nhờ có bão, Nguyễn Ánh thoát vòng vây, qua đảo Phú Quốc, rồi sai người mời Bá-Đa-Lộc đến nhờ đi Pháp cầu viện (tháng 7 Quý Mão).
Và lần cuối cùng, vào tháng 12 năm Giáp Thìn (1784), Nguyễn Huệ đem quân đánh Gia Định và đại phá 2 vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền (35).
Rồi từ năm Bính Ngọ (1786) trở đi, thiên tài quân sự của Nguyễn Huệ được phát triển, nẩy nở toàn vẹn, khiến ông mạnh tiến trên đài danh vọng như diều gặp gió, thoát khỏi quyền kiểm tỏa của anh ông để rồi Nguyễn Nhạc đành phải chấp nhận sự thoái bộ của mình. Rút kinh nghiệm những trận chiến dai dẳng với Nguyễn Ánh, phải 3, 4 lần vào đánh Gia Định, mỗi lần phải ở tới 5, 6 tháng trời đánh dẹp, từ khi đánh Phú Xuân, ông đã phối hợp giữa mặt trận quân sự, chính trị, tâm lý và với lối đánh thần tốc, ông đã thắng những trận lớn một cách nhanh chóng.
Đối với kẻ nội thù, ông đã đánh trận nào thắng trận ấy, từ chiến trường miền Nam ra chiến trường miền Bắc, đánh tan quân Nguyễn và làm sụp đổ hoàn toàn cơ nghiệp họ Trịnh.
Đối với ngoại thù, ông cả thắng 2 vạn quân Xiêm và đại phá 20 vạn quân Thanh (37) dù rằng nhà Thanh đã mưu nhờ tới cả quân Xiêm tiếp viện (38) để 2 mặt cùng đánh.
Con người cái thế anh hùng như Nguyễn Huệ có thể làm nổi những chuyện kinh thiên động địa hơn nữa với mộng đánh Tàu của ông. Nhưng anh hùng mệnh đoản, vào mạnh thu năm Nhâm Tý (1792) ông đã từ trần (39).
Chú thích:
- Trong bức thư đề tháng 6-1789, gởi cho Blandin, giáo sĩ Le Roy ví Nguyễn Huệ như một Alexandre (Tonkin 692, tr. 112). Trong nhựt ký tường trình của Giáo Hội Truyền Giáo ở Bắc Kỳ gởi về cho Hội Truyền Giáo Trung Ương Ba Lê gọi Nguyễn Huệ là Tân Attila (một Attila mới) (Archieves Nationales Fc: A 22, tr. 217)
- Archieves des Missions Etrangere de Paris, Cochichine vol. 801, tr. 176. (Nguyên văn: …
- Trường An: Phủ Trường An thuộc trấn Sơn Nam, nay thuộc Ninh Bình.
- HLNTC, sđd, tr. 252.
- ĐNLTCB, sđd, tờ 17 b.
- Lỗ Giang: Khúc sông Hồng Hà thuộc huyện Nam Xương, phủ Lý Nhân, Sơn Nam Thương lộ (trấn) (Hà Nam hiện nay).
- Núi Tam Tằng: ở huyện Yên Dũng, Bắc Ninh (nay là Bắc Giang)
- HLNTC, sđd, tr. 245.
- HLNTC, sđd, tr. 245.
- HLNTC, sđd, tr. 248.
- Cương mục, sđd, tr. 61.
- Cương mục, sđd, tr. 61.
- HLNTC, sđd, tr. 64.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 24b.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 27b.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 28b.
- HLNTC, sđd, tr. 256.
- HLNTC, sđd, tr. 256.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 37a – Trong bài biểu này. Có đoạn viết: “… Ôi đường đường là triều đình thiên tử lại để so hơn thua với nước bé thì ắt là muốn chinh chiến mãi không thôi để cùng khốn binh sĩ lạm dụng vũ lực bầu sướng khoái cái lòng tham lam tàn bạo thì thật lòng đại hoàng đế không nhẫn? Vạn nhất can qua mãi không dứt, tình thế đến nỗi nào thật không do thần muốn cũng không dám biết đến…” (37a). Rõ ràng là giọng văn đầy khiêu khích, khôn khéo về ngoại giao.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 17b.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 34b.
- Archives Nationales de Paris, Fc, A 22, tr. 267 – Đặng Phương Nghi dịch, Sử Địa sô 9-10, tr. 224.
- Archives des Missions Etrangere, Cochichine vol. 801, tr. 177. (nguyên văn “Il (Tây Sơn) mettent quelquefois sur pied 200, 300.000 hommes, la plupart forces a la verite mais tous determines la mort. Qui regard en arriere dans le combat a aussitot la tete tranchec…”)
- ĐNCBLT, sđd, tờ 242.
- BEFEO, 1912, t. XII No. 7, p. 8.
- Archive des Missions Étrangeres. Tonkin vol.692, p.369.
Thư của Girand viết từ Macao gửi cho Boiret đề ngày 25-11-1792, Đặng Phương Nghi có trích dịch đăng trong Sử Địa số này.
28. Archive des Missions Étrangeres, Coch, vol.746, p.361.
29. HLNTC, sđd, tr.87
30. HLNTC, sđd, tr.87
31. HLNTC, sđd, tr.87
32. Hoàng Xuân Hãn, La Sơn Phu Tử, sđd, tr. 140.
33. Manifeste de Quang Trung, Roy de la Cour de Chochinchine et du Tonquin à tous les mandarins, soldats et peuples dé provinces de Quảng Ngãi et de Qui Nhơn – Archive des Missions Étrangeres de Paris, Choch.vol. 746 p. 457 – Đặng Phương Nghi đã dịch và đăng trong Sử Địa số này.
34. ĐNTLCB, sđd, tr. 57.
35. ĐNTLCB, sđd, tr. 40-41.
36. ĐNTLCB, sđd, tr. 46-49.
37. Theo chính sử triều Nguyễn ghi 20 vạn quân Thanh. Theo tài liệu các giáo sĩ nói con số ấy lớn hơn : bản nhật ký của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà gửi cho Giáo Hội truyền giáo trung ương Paris ghi là 300.000 quân cả thủy lẫn bộ.
38. Trong bức thư của giáo sĩ Le Labousse, tử Sài Gòn gửi cho Letondal đề ngày 15 thagns 6 năm 1789 viêt : « … Nhà vua ở đây (Nguyễn Ánh) đã bắt gặp một bức thư viết nhân danh Hoàng Đế Trung Hoa gửi cho vua nước Xiêm La yêu cầu đến đánh quân Tây Sơn ở mặt phía Nam Hà này. Thật nhục biết bao cho vị Đại Đế phải cầu cứu tới một ông vua nước Xiêm bé nhỏ để tới đánh một kẻ cướp ». [Le Roy d’ici a in’ercepté une lettre escrire au nom de l’Epercur de Chinois au Rouy de Siam pour lui dire de venir atiaque les T.S de côté-ci par la Cochinchine. Quele houte pour le Grand Empereur d’eetre obligé de demander du secours à un petit roy de Siam pour combatre un volur] Ar M.E., C801, p.256.
39. Về ngày giờ Quang Trung mất, ông Hoàng Xuân Hãn có viết trong báo « Dư luận Hà Nội, 1946, số 28 » [sau này trích đăng vào phụ lục cuốn La Sơn Phu Tử. Ong Hoàng Xuân Hãn đã dẫn chứng rất tường tận để bác ngày chết là ngày 29 tháng 9 Nhâm Tý (13-12-172) mà chính quyền Việt Nam hồi đó đã tổ chức kỉ niệm trọng thể vào ngày ấy. Theo ông, vua Quang Trung mất vào ngày 29 tháng 7 năm Nhâm Tý, tức ngày 15 tháng 9 năm 1792.
II. NGUYỄN HUỆ VỚI LỐI HÀNH QUÂN VŨ BÃO
Đánh nhanh đánh mạnh, đó là điểm đặc biệt về phép dụng binh của Quang Trung. Nếu như Hưng Đạo Vương sở trường về lối đánh “đoản binh” để chống lối “rường trận” hay Lê Lợi với phép “dĩ dật đãi lao”, chuyên đánh du kích thì Quang Trung trái hẳn, rất sở trường lối đánh “trường trận”. Đó là lối đánh “vận động chiến”, “trận địa chiến”. Đó là lối đánh của một kẻ mạnh đối với kẻ yếu. Quang Trung luôn tỏ ra thế mạnh.
Thế mạnh là nhờ ở quân số, hỏa lực, phương tiện và mưu kế (chiến thuật chiến lược).
Trước hết về quân số, Nguyễn Huệ thật có tài huấn luyện rất mau chóng các tân binh để biến thành các chiến binh có khả năng chiến đấu cao.
Khi ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã qua Nghệ An và Thanh Hóa lấy thêm quân lính đến tám vạn người (1).
Với hơn 10 ngày tuyển binh và kể từ ngày bắt đầu tuyển (ngày 29 tháng 11 Mậu Thân tới Nghệ An) cho tới ngày ra trận, trong vòng chỉ khoảng 01 tháng trời, đồng thời phải chuyển quân một khoảng đường dài hàng mấy trăm cây số mà lính ấy ra trận đánh giặc lại hay, như vậy thực là ngoài sức tưởng tượng. Giáo sĩ Le Roy đã tả đạo quân Quang Trung thì gồm cả người già lão, trẻ con trông giống một toán bệnh nhân ốm yếu hơn là một đoàn chiến binh. Ấy thế mà đạo quân khốn khổ ấy lại tàn sát được đạo quân Trung Hoa (2).
Hồi Lê Lợi khởi nghĩa, Ngài cũng tuyển lính tráng ở các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa. Nhà nào có ba người thì một người làm quân, thuế khóa giao dịch đều miễn trong ba năm” (3). Sang đời Lê Thánh Tông phép tuyển binh rất rõ ràng chu đáo:
Cứ ba năm thì làm hộ tịch một lần gọi là tiểu điển, 6 năm 1 lần gọi là đại điển. Sai quan đi các xứ, dùng nội thần và văn võ mỗi hạng một viên, dựng lập tuyển trưởng để duyệt dân binh, chia làm các bực tráng hạng, quân hạng, dân hạng, lão hạng, cố hạng, cùng hạng, nhà nào có 3 đinh thì 1 người bổ vào hạng lính tráng, 1 người bổ hạng quân và 1 người bổ hạng dân. Nhà có 4 đinh thù 2 người bổ vào hạng dân. Nhà có 5, 6 người trở lên thì 2 người bổ hạng lính, 1 người bổ hạng quân để ứng vụ. Hạng lính thì kể riêng, Hạng lão nhiều và tàn tật thì khai riêng. Những người phiêu lưu trốn biệt thì bỏ ra ngoài sổ. Trưởng thành đến 18 tuổi thì vào sổ. Trước hết tuyển những người cường tráng làm binh lính, rồi đến dân tráng sung vào hạng quân, ở nhà làm ruộng, khi nào có thải người yếu thì chiếu theo thứ tự lấy bổ sung vào. Cứ mở sổ mà lấy binh, không cần phải đòi bắt mà có đủ ngay (4).
Còn Nguyễn Huệ thì việc tuyển binh có phần gắt gao hơn. Trong bức thơ đề ngày 12-5-1787, giáo sĩ Longer gửi ông Blandin viết: “Người bạn đồng sự trẻ của chúng tôi bắt buộc phải chạy bởi người ta bắt tất cả mọi người phải đi đánh nhau từ 15 tuổi trở lên. Những người già, đàn bà góa, và con gái cũng bắt đi sửa cầu, đường xá” (5).
Một giáo sĩ khác viết: “Họ (quân Nguyễn Huệ) đã phá hủy ở đây tất cả những ngôi nhà thờ đẹp nhất của chúng ta cùng tất cả những ngôi chùa và bắt các sư tăng cầm khí giới ra trận (6).
Việc kiểm soát đi lại rất gắt gao và khoa học nên sự trốn lính rất khó khăn. Giáo sĩ Doussaint gửi thư cho ông Blandin ngày 16-6-1788 viết:
“Rất khó đi lại, kẻ nào không có “thẻ” sẽ bị bắt giữ và bị tù: mõ làng bắt buộc phải dựng lên 2 hay 3 căn nhà nhận dấu (tay) của người qua lại. Với phương tiện này, họ bắt được hết tận suất đinh (7).
Với cách tuyển binh như trên, nên quân của Nguyễn Huệ lúc nào cũng có quân số đông đảo, hàng trăm ngàn người, rất cần thiết để dùng lối đánh vũ bão.
Về hỏa lực, Quang Trung có khí giới lợi hại nhất là ống phun lửa tục gọi là Hồ lửa và lực lượng xung kích lợi hại nhất là voi trận (8). Chính Tôn sĩ Nghị trước khi tiến quân sang đã ban 8 điều quân luật để dặn dò quân sĩ. Trong đó có nói: “Người Nam đánh trận hay dùng sức voi. Lối đó nội địa (Trung Hoa) không quen, nên hễ gặp phải, ắt phải chạy trước để tránh…”
Họ chỉ dùng các “ống phóng” làm lợi khí. Thứ lợi khí ấy cũng gọi là Hồ lửa. Trong khi 2 bên giáp nhau, trước hết họ dùng vật ấy đốt cháy quần áo người ta, để cho người ta phải lui…” (9).
Về loại ống phun lửa từ đời Lê Thái Tổ đã thấy nói đến. Mỗi về trang bị ống lửa hạng đại tướng quân 1 cái, hạng lớn 10 cái, hạng nhỏ 80 cái (10). Chắc loại ống phun lửa này còn sơ khai không tân tiến được như loại “Hổ lửa” sau này.
Ngoài ra các khí giới khác chắc cũng dùng như khí giới ở thời Lê Trung Hưng như kiếm, kích, giáo, mộc, đao, súng, thuốc đạn. Hoặc như nỏ bắn đá, súng báng gỗ, súng bọc da, tên lửa thuốc lửa, đạn lửa, thuốc mù (11).
Về súng, quân đội Quang Trung trang bị các loại súng tay như súng chim (12), súng đại bác.
Các súng đại bác dùng để phòng thủ, hay dùng để tấn công bằng cách cho voi chở như lời Ngụy Nguyên chép trong sách Thánh Vũ Ký: “Giặc (Tây Sơn) đều chở đại bác bằng voi mà xông vào trận.” (13)
Súng đại bác đã được chúa Nguyễn ở Nam Hà dùng từ lâu và đã nhờ người Bồ Đào Nha lập xưởng đúc súng ở Phú Xuân. Trong một tập du ký viết về Nam Hà vào năm 1749, ông Le Poivre có cho biết chung quanh phủ chúa Nguyễn có tới 1200 khẩu đại bác mà phần lớn là súng của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Súng thì (không bắn được tới 6 phát và phần lớn đạn không cùng một cỡ (14). Mỗi khẩu đội gồm 6 người (15)…
Voi có nhiều ở Cao Nguyên Trung Phần. Tây Sơn cũng như Nguyễn Huệ ở gần đất có voi, nên việc lập tượng binh rất dễ dàng. Các triều đại trước kia cũng phần lớn lấy voi ở miền đất giáp Chiêm Thành để làm voi chiến, “Hiến Tông, (Lê) năm Cảnh Thống thứ hai (1499), ra lệnh cho quân dân địa phương Quảng Nam, (16) ai bắt được voi công thì báo cho ba ty khám thực, cứ bắt được 1 con thì được kể 20 người công đầu và 20 người công phụ mà thưởng cho theo thứ bực” (17). Xem thế, việc bắt voi làm voi trận vào thời Lê này còn khó khắn lắm. Thời Trịnh Nguyễn phân ranh, Chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía nam, gồm các vùng Cao Nguyên, nên việc kiếm voi rất dễ dàng. Vì thế, Chúa Nguyễn lúc nào cũng có sẵn hàng trăm voi trận như giáo sĩ Delacourt có nói ít nhất là 400 voi trận (Ar-M. E, Coch 740, tlđd). Lực lượng tượng binh của Nguyễn Huệ không rõ cả thảy được bao nhiêu, nhưng cũng phải tới hằng trăm thớt voi trận. Sách Liệt Truyện chép: “Binh đắc thắng được hơn 10 vạn, voi trận mấy trăm thớt.” Vua Quang Trung duyệt binh sĩ ở trên doanh. Vua Quang Trung thân cỡi voi ra doanh trại ủy lạo quân sĩ rồi hạ lệnh tiến phát (18).
Dùng voi trận rất lợi nhưng cũng rất hại. Vì nếu không khéo, chính voi ấy lại giết quân mình dễ dàng, làm quân mình thua trận mau hơn. Như trận Tập kích Bích Kê, quân Tây Sơn la hét, gây tiếng động làm voi quân chúa Nguyễn có tới hơn 40 con sợ hãi, chạy tán loạn, đạp lên quân sĩ Chúa Nguyễn chết nhiều hơn là quân Tây Sơn giết. (19)
Thời đó, người ta thấy hầu như Nguyễn Huệ chỉ sử dụng voi trận ở chiến trương miền Trung và Bắc, còn miền Nam thì không. Sử sách không thấy nói tới việc mang voi vào đánh Gia Định. Có lẽ vì những lần mang quân vào đánh Gia Định, Nguyễn Huệ điều đi bằng đường biển, không tiện mang theo voi, một phần vì voi trận chỉ thích hợp với chiến trường miền nhiều rừng núi, chứ không hợp với miền nhiều đồng lầy như ở miền Nam.
Nguyễn Huệ ít khi dùng ngựa mà luôn luôn cỡi voi, lúc đưa đám ma vua Lê Hiển Tông cũng cỡi voi, lúc duyệt binh rồi đến khi ra trận cũng vậy.
Vì thích dùng voi, nên Nguyễn Huệ đã tạo ra tượng binh rất lợi hại. Sách Cương mục chép về Nguyễn Huệ dùng voi đánh quân Thanh: “Hồi trống canh năm sớm hôm sau, Văn Huệ xăn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, bỏ chạy, lồng lộn quay về, chà đạp lẫn nhau. Giặc lại lùa voi xong đến, quân Thanh, trong cơn gấp rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong đồn lũy để cố thủ. Bốn mặt đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc dùng những bó rơm to lớn để che đỡ mà lăn xả vào rồi quân tinh nhuệ tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều chạy. Giặc đến được đồn Nam Đồng, thừa thắng, ập lại giết chết quân Thanh bị chết bị thương đến quá nửa.” (20)
Voi trận của Nguyễn Huệ thật là một lực lượng xung kích rất lợi hại, chẳng khác nào như lực lượng “xe tăng thiết giáp” thời nay, khiến cho quân Nguyễn Huệ thêm dũng mãnh.
Chú thích:
- Cương mục, sđd, tr. 61.
- Thư Le Roy viết cho Blandin hồi tháng 6 năm 1789.
- Lịch triều… q XXXIX, sđd, tr. 16.
- Lịch triều… q. XXXIX, tr. 17.
- Thư của Longer gửi cho Blandin ngày 3.5. 1787.
- Thư của La Bartette gửi cho Blandin ngày 25.6.1786.
- Thư của Doussaint gửi cho Blandin ngày 16.6.1788.
- Voi trận phải huấn luyện rất công phu. Phải tập voi chiến đấu, phải cho voi quen đi không sợ lửa, không sợ tiếng súng lớn. Phải dùng tới 2 quản tượng. Khi voi gần địch quân, một trong những người điều khiển voi, lấy que chọc vào vòi khiên svoi dùng vòi quật ngã tất cả những gì gặp phải khi đi qua, những ngời cỡi trên voi đều mặc một loại áo giáp bắn không thủng.
- HLNTC, tr.236.
- Lịch triều, sđd, tr. 25.
- Lịch triều, sđd, tr. 25.
- Súng chim hay súng điểu thương được sử dụng vào thời kỳ này. Trong thời kỳ đáng nhau với Nguyễn Huệ, Thực Lục ghi : « vua ra trận giỏi dùng súng chim. Mỗi khi đánh nhau với giặc, hễ bắn là trúng… ». Năm Tân Hợi (1791), Nguyễn Ánh gửi mua ở Bồ Đào Nha một vạn súng chim, 2000 cỗ súng gang, mỗi cỗ nặng 100 cân. 2000 viên đạn tổ, đường kính 10 tấc (Thực Lục, sđd, tr. 137).
- Hoàng Xuân Hãn, Việt Thanh chiến sử, SĐ, số 9 và 10, tr. 6.
- Ar. N C1, fol. 173/2.
- Ar. N C1, fol. 40.
- Quảng Nam từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 18 là đất từ Hải Vân trở vào gồm có đất Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định, Phú Yên.
- Lịch triều, q. XXXIX, sđd, tr. 25.
- ĐNCBLT, sđd, tờ 32b.
- Giáo sĩ Diego de Jumilla kể trong bức thư gửi cho giáo sĩ Jean Salguero về trận tập kích của quân Chúa Nguyễn đóng trên sườn núi, trùng hợp với trận Bích Kê mà Liệt Truyện nói tới.
- Cương mục, sđd, tr. 62.
Nguyễn Huệ rất giỏi về lối dụng binh thần tốc. Binh pháp xưa cũng dạy kẻ làm tướng phải lấy yếu tố nhanh làm quý. Tôn Tử nói: “… Việc dụng binh nên rằng thà vụng mà chóng, chứ không nên khéo mà lâu. Việc binh kéo dài mà nước lợi, chưa từng có vậy.”
Trước hết, Nguyễn Huệ có lối chuyển quân rất nhanh chóng. Trong bức thư của giáo sỹ Labatette đề ngày 23-07-1788, không rõ gửi cho ai, có kể Nguyễn Huệ chuyển quân từ xứ Nam về Phú Xuân chỉ mất 10 ngày trong khi bình thường phải mất tới 20 ngày[1]. Trong bức thư của giáo sỹ Le Breton, đề ngày 02-08-1788, gửi từ xứ Nghệ đã viết:
“Như thế Nguyễn Huệ đã trở về Phú Xuân vào đầu tháng 7. Ông đã bắt quân phải về gấp rút đến nỗi có nhiều binh sĩ chết vì mệt mỏi và nắng nực. Ngay cả voi ngựa cũng chết”[2].
Lúc ra Thăng Long bắt giết Vũ Văn Nhậm, từ Phú Xuân, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã tự đốc thức bộ, kỵ binh ngày đêm gấp đường trẩy đi. Chừng hơn 10 ngày đến Thăng Long[3].
Trang Nhật ký của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà[4] gửi về cho Giáo Hội Trung Ương có thuật lại sức tiến quân vũ bão của Quang Trung như sau:
“Ông (Nguyễn Huệ) tiến như vũ bão ra Bắc và chỉ mất có 10 ngày, không quản đường xa khó nhọc đã giết chết nhiều ngựa voi của ông, trong khi người khác phải mất 3 hay 4 ngày”.
Với quãng đường dài hơn 600 trăm cây số, thời gian di chuyển chỉ mất 10 ngày; đường xá lại bị núi sông cách trở, việc di chuyển cả một đoàn quân lớn như vậy thật là phi thường. Sức ngựa voi mà còn chịu không nổi phải chết dọc đường huống hồ sức người. Về kỹ thuật di hành cho bộ binh, Nguyễn Huệ đã áp dụng nguyên tắc “tập thể di chuyển liên tục ngày đêm, cá nhân luân phiên nghỉ dưỡng sức”.
Nguyễn Huệ đã từng cho quân cứ 02 người một tốp, luân phiên võng lẫn cho nhau, suốt dọc đường, anh nào cũng phải võng người và được người võng. Như thế hết lượt anh này phải đi, lại đến lượt anh khác được nghỉ. Nghỉ đi, đi nghỉ, cứ võng lẫn mãi cho ra đến mục đích. Vì thế, vừa trẩy được nhay, vừa khỏi kiệt quân lực. Quân lính đi trước, vài trăm voi trận đi sau[5]. Việc chuyển quân nhanh khiến địch quân không ngờ và trở tay không kịp khi bị tấn công.
Theo như nhận xét của một cung nữ vua Lê, sự xuất hiện của Nguyễn Huệ như thần xuất quỷ nhập[6]. Chính bởi chiến thuật của Nguyễn Huệ luôn khai thác yếu tố bất ngờ. Từ việc khai thác sự sơ ý của Tống Phúc Hiệp ở Phú Yên, sự không đề phòng và mệt mỏi của quân Phạm Ngô Cầu ở Phú Xuân đến sự lợi dụng ngày tết Nguyên Đán, quân Thanh đang mãi mê ăn Tết, Nguyễn Huệ đều xuất kỳ bất ý đánh địch không kịp trở tay. Ngay đến việc ra Bắc bắt Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ cũng lợi dụng sự xuất kỳ bất ý, đến Thăng Long còn đêm vào lúc canh tư, đến nơi Nhậm còn đang ngủ, bắt giết Nhậm[7]. Trước đó, Nguyễn Huệ đã bỏ Chỉnh ở lại Bắc Hà, sau khi diệt họ Trịnh, cũng thật đột ngột, bất ngờ, xuống thuyền về Nam lúc nào Chỉnh cũng không hay.
Trong cuộc tiến quân ra Bắc đại phá quân Thanh, Nguyễn Huệ đã áp dụng chiến thuật bốn tập. Xuất phát từ nơi xa cách mục tiêu khoảng hai trăm cây số, Nguyễn Huệ đã cho quân tiến rất nhanh. Trong những trang nhật ký của Giáo Hội Truyền Giáo Bắc Hà[8] có thuật rõ: Quân Tây Sơn tới xứ Nam vào ngày 24-01 tức ngày 29 Tết[9]. Tới ngày 28-01-1789 tức ngay mùng 3 Tết, quân Nguyễn Huệ đã tới Hà Hồi, chỉ cách Thăng Long một ngày rưỡi đường. Ngay sau đó quân của Nguyễn Huệ tấn công liền mấy tiền đồn của Trung Hoa. Quân Trung Hoa bị đánh bất ngờ và không kịp điều động binh lính đi cứu viện vì họ không đề phòng trước.
Tài liệu còn nói rõ: Vào ngày 29-01-1789 tức ngày mùng 4 Tết, quân Trung Hoa đã phản công lại, chống cự kịch liệt, gây thiệt hại nhiều cho binh sĩ Tây Sơn và khá nhiều voi trận. Nguyễn Huệ đã phải lo ngại. Nhưng Nguyễn Huệ đã đốc thúc, chính nhà vua dẫn đầu, miệng hô xung phong, lúc cỡi voi đến cỡi ngựa, dùng hai thanh gươm, chạy ngang dọc, chém giết nhiều quân Trung Hoa. Sáng ngày 30-01, quân Trung Hoa bị dồn đánh cả 4 mặt, phải chạy về Thăng Long. Lập tức Nguyễn Huệ cho đuổi theo chém bén gót, phá được một cửa thành Thăng Long và làm chủ tình hình vào cùng ngày, sau khi rong ruỗi đánh đuổi quân địch, chạy dài hàng chục cây số. Thật là một cuộc rượt đuổi đầy hào hứng với sức tiến công như nước vỡ bờ. Tới ngày 30-01, Điền Châu Thái Thú phải tự vẫn cùng khoảng 1.000 người binh lính bị thảm sát.
Vào tới Thăng Long, Quang Trung liền gấp rút tổ chức ngay cuộc bố phòng đề phòng cuộc phản công của Trung Hoa, bằng cách cho xây trong 3 ngày 3 đêm liền một thành lũy bằng đất quanh điện vua Lê, dày 20 (piê) (tấc xưa hay bộ) cao 12 (piê) (mỗi piê dài 0,324m). Chính giáo sĩ La Mothe phải thốt lên rằng: “Thật là hiếm những người đáng sợ và quỷ quyệt như ông ta”.
Xem như vậy, sở trường của Nguyễn Huệ là hành động thật mau lẹ và bất ngờ, khó ai sánh kịp. Chính yếu tố này giúp Nguyễn Huệ có lối hành binh vũ bão.
III. NGUYỄN HUỆ VỚI “CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG”: DÂN ĐÓI KHỔ LÀ NGUYÊN NHÂN THÚC ĐẨY CAO TRÀO CÁCH MẠNG TÂY SƠN.
Nguyên nhân nổi dậy có nhiều, nhưng người ta phải chú ý đến tình trạng đói khổ đến cùng cực của dân hai miền Bắc Hà, Nam Hà.
Trước ngày Nguyễn Huệ chiếm Phú Xuân, nạn đói đã hoành hành thường xuyên tại các tỉnh Bắc Hà và các tỉnh Nam Hà Thượng.
Tại Vùng Định Cát, Quảng Trị, giáo sĩ Labartette đã viết: “Nạn đói ngày càng gia tăng ở đây. Những nhu yếu phẩm cho đời sống đều quá giá… Từ một năm nay tất cả mọi người chết vì đói khổ và chúng tôi không còn có sự cứu giúp nào ngoài triều đình hay từ Bắc Hà, lại nữa làm chúng tôi phải trả một giá rất đắt. Ngoài đường và trong nhà đâu đâu cũng đầy dẫy những xác chết và không còn ai nghĩ đến việc chôn cất”[10].
Giáo sĩ Labartette[11] cũng cho biết:
“Ở đây có ít nhất một nữa dân vương quốc đã chết bởi chiến tranh chưa chấm dứt cũng bằng do nạn đói đang hoành hành đến cực độ. Người ta đã bán thịt người lâu rồi ở ngoài chợ. Tôi nhớ rằng ở năm đầu tiên, tôi đã hân hạnh lưu ý với ông như một sự kiện lạ lùng về cái đong gạo mà người ta gọi là “cái Lương”[12] được bán tới 10 quan trong khi trước kia người ta bán 4 hay 5 tiền. Tuy nhiên, ở năm nay, người ta mua tới 70 quan. Điều đó có vẻ như hơi khó tin. Tuy vậy, đó là hoàn toàn sự thực.”
Trong khoảng từ năm 1774 đến năm 1786 tức năm Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân và Bắc Hà, diệt họ Trịnh, không năm nào, các giáo sĩ không nói đến nạn đói kinh khủng đang hoành hành tại các tỉnh miền châu thổ Sông Hồng.
Thư của Đức Giám Mục Raydellet gởi cho các vị Giám đốc Chủng Viện (Directeurs du Séminaire) đề năm 1774 viết[13]:
“Sự khốn khổ trở nên trầm trọng ở khắp xứ, đầu tiên vụ hạn năm vừa qua làm mất cả cấy lúa, không có cá, không có gặt hái. Tiếp đến là những trận mưa dữ dội, nước lan tràn khắp đồng bằng, những nhà tranh vách đất và bằng tre nứa đe dọa làm sạt nghiệp người ta và những gia súc thì leo lên trên nơi cao, trên những loại róng bắc sàn. Chẳng bao lâu người cùng gia súc đều thiếu ăn, người ta không biết xê dịch gì hơn bằng tàu thuyện. Nan lụt đầu tiên này đã kéo dài 1 tháng vừa mới bắt đầu sút giảm thì lại vụ lụt thứ hai xảy đến, đáng kể hơn, kinh khủng hơn, vụ lụt này kéo dài 3 tháng…”
Theo giáo sĩ Le Breton trong vụ đói tháng 8,9,10 năm 1778, có làng chết đến quá nữa[14].
Tới cuối tháng 08 năm 1770, đê vỡ đã gây lụt lội nhiều vùng trong 3 tỉnh trung châu Bắc Việt[15].
Trong một nhật ký[16] đề ngày 05-1785 đến 06-1786 cho biết: vào cuối năm 1785, có lụt lạ thường, lại hạn hán kéo dài, sâu bọ đã tàn phá nhiều nơi ngay cả gốc lúa mới cấy. Các nhu yếu phẩm tới cần thiết mỗi ngày một tăng giá. Cướp của đốt nhà hoành hành trên bộ cũng như ngoài biển, chính quyền không dám động tới chính những lý do trên đã gây ra nạn đói dữ tợn kéo dài gần 3 tháng.
Dân chúng một khi chịu đói khổ triền miên như vậy, làm gì chẳng dễ nổi loạn.
Với tình trạng dễ gây bất mãn ấy, ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy quân đội Tây Sơn có nhiều dân Bắc Hà theo sau khi Nguyễn Huệ mới diệt được họ Trịnh. Trong một cơ đội của Vũ Văn Nhậm ra đánh Nguyễn Hữu Chỉnh cứ có một lính gốc Nam Hà, trung bình lại có khoảng 30 hay 100 lình Bắc Hà[17]. Mặc dù theo các giáo sĩ nói rằng việc đi lính này có tính cách bắt buộc. Nhưng nếu xét đến tinh thần chiến đấu quân Tây Sơn lúc nào cũng dũng mãnh, ta phải công nhận có sự đồng tình, hưởng ứng của những người lính gốc Bắc Hà này với Tây Sơn hay với Nguyễn Huệ.
Hồi phong trào Tây Sơn mới phát khởi, bản chất cách mạng thấy hiện rơ ở các hoạt động của quân đội Tây Sơn, mà dĩ nhiên Nguyễn Huệ là một trong những người đã đóng góp và thừa hưởng truyền thống cách mạng ấy. Quân Tây Sơn chia thành toán, mỗi toán chừng 300 đến 600 người. Mỗi toán lại có cờ đào (étandard de soie rouge), biểu hiện cho cách mạng. Họ ngang nhiên xuống chợ ban ngày. Họ không gây thiệt hại đến ai, đến tính mạng, tài sản của ai. Trái lại họ muốn có bình đẳng cho nhân dân Nam Hà. Rồi họ vào các nhà giầu, nếu người ta biết tặng cho họ món gì, họ không gây sự thiệt hại. Nhưng nếu gặp sự chống đối, họ sẽ chiếm những vật quý giá để đem phân phát cho dân nghèo. Họ tuyên bố họ chiến đấu là vâng theo mệnh Trời[18]…
Một đoàn quân có những hành động táo bạo và theo một lý tưởng như vậy rõ ràng là một quân đội vì đại nghĩa, chống cường quyền, chống bất công. Chính là một quân đội cách mạng mà Nguyễn Huệ cùng anh em Tây Sơn người biết khai thác và lãnh đạo lực lượng cách mạng ấy.
Chú thích :
[1] Achives M. E, Cochinchine vol. 801 p. 180 – cf. Sử Địa số 9 và 10 tr. 234.
[2] Arch. M. E. Coch. Vol 801, p.185 – 187.
[3] HLNTC, sđd tr. 206.
- 1 Alexandre Đại đế và Phật giáo
- 2 Đô đốc Yi Sun-shin của Triều Tiên
- 3 Lịch sử hình thành của miền nam Việt Nam
- 4 Sự thật về phong trào dân chủ Euromaidan
- 5 Tôn giáo bị khoa học quật đổ
- 6 Vai trò của các hùng phiên Tây Nam trong việc lật đổ chính quyền Mạc phủ Tokugawa (nửa sau Tk XIX)
- 7 Vài nét về quan hệ Nhật Bản- Nga
- 8 Lịch sử thành cổ Babylon
- 9 Vài điều về những bức tranh trong sách Đại Lễ Phục Việt Nam thời Nguyễn
- 10 Nhìn Lại Mối Quan Hệ Việt Nam – Thái Lan Trong Nửa Đầu Thế Kỷ XIX