''Nói đi đôi với làm'' là căn cốt minh triết mọi thời
Hoàng Ngọc Hiến Có một giá trị căn cốt của minh triết mọi nơi và mọi thời: nói đi đôi với làm". Đây là giá trị của những giá trị: không có nó, tất cả những giá trị khác khó mà bền vững và dù cao siêu, tốt đẹp đến đâu, dễ trở thành "nói suông", tức là số không. "Nói đi đôi ...
Hoàng Ngọc Hiến
Có một giá trị căn cốt của minh triết mọi nơi và mọi thời: nói đi đôi với làm". Đây là giá trị của những giá trị: không có nó, tất cả những giá trị khác khó mà bền vững và dù cao siêu, tốt đẹp đến đâu, dễ trở thành "nói suông", tức là số không. "Nói đi đôi với làm" là một giá trị hằng hữu của minh triết Hồ Chí Minh.
Sự "hẳn hoi" của một chính khách lớn
Minh triết là "trí tuệ được nhào nặn bởi kinh nghiệm"
Minh triết Việt và minh triết Hồ Chí Minh
Minh triết trong vốn trí tuệ và tâm linh của chúng ta không tách rời minh triết nhân loại bao gồm minh triết của nhiều nền văn minh, nhiều khu vực văn hóa, tôn giáo.... Ngay trong bản thân minh triết lưu hành ở Việt Nam có thể tìm thấy nhiều vết tích vang vọng của minh triết những nền ván hoá, văn minh khác. Người Việt không thể không tìm hiểu minh triết của những nền văn hoá khác. Công việc này giúp chúng ta thấy được rõ hơn, tinh tế hơn bản sắc riêng của mình. Đồng thời thấy được tính phổ quát của minh triết, thấy dược cái chung giữa ta và người, Cũng có thể xem đây là một sự chuẩn bị tinh thần đi vào con đường hội nhập.
Nghiên cứu minh triết ở Việt Nam bắt đầu bằng sự tổng kiểm kê và sưu tầm bổ sung những viên ngọc quý của Minh triết hiện đương rải rác khắp nơi. Chỉ có những viên ngọc quý trong ca dao tục ngữ là được sưu tầm tương đối đầy đủ, tuy vậy chưa được nghiên cứu sâu sắc ở "mặt cắt" minh triết, vả chăng vẫn còn sót ca dao tục ngữ của những dân tộc anh em.
Minh triết của Đạo giáo đã được những học giả nghiên cứu khá sâu nhưng chưa được phổ cập. Có một vốn minh triết nữa rất quan trọng: đó là những suy nghĩ, những bài học minh triết được rút ra từ hoạt động của những người hoạt động chính trị và xã hội, những người làm công tác lãnh đạo, quản lý, những doanh nhân, những người hoạt động tôn giáo- họ là những người trực tiếp và thường xuyên vật lộn với thực tiễn Việt Nam.
Minh triết văn hóa Việt trước hết là 3 nguồn Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo trong "tam giáo đồng nguyên" thời cổ.
Minh triết trong vốn trí tuệ và tâm linh của chúng ta không tách rời minh triết nhân loại
bao gồm minh triết của nhiều nền văn minh, nhiều khu vực văn hóa, tôn giáo.
Ảnh: phoquang.org
Trong thời đại Hồ Chí Minh, minh triết Hồ chí Minh với sức thấm sâu, lan tỏa rộng trong lòng dân là một nguồn trung tâm trong đa nguồn minh triết Việt.
Có lần kể 'lục giáo'của Nguyễn Khắc Viện cho họa sĩ Lê Bá Đảng, tôi hỏi 'giáo' nào là quan trọng hơn cả. Ông cười và trả lời: 'Việt giáo là quan trọng nhất'. Không khỏi liên tưởng đến một câu nói của Hồ Chí Minh: 'Đảng của tôi là Đảng Việt Nam'. Câu nói này góp phần làm sáng tỏ gốc nguồn của minh triết Hồ Chí Minh.
Minh triết bao giờ cũng gắn với những giá trị. Có một giá trị căn cốt của minh triết mọi nơi và mọi thời: nói đi đôi với làm". Đây là giá trị của những giá trị: không có nó, tất cả những giá trị khác khó mà bền vững và dù cao siêu, tốt đẹp đến đâu, dễ trở thành "nói suông", tức là số không. "Nói đi đôi với làm" là một giá trị hằng hữu của minh triết Hồ Chí Minh.
Từ năm 1927, trong cuốn Đường cách mệnh của Nguyễn Ái Quốc, trong 23 điều phải có về tư cách của người cách mệnh thì điều thứ 10 là "Nói thì phải làm". Điều thứ 10 này đã được nhấn mạnh bằng mệnh lệnh thức. Trong cuốn "Sửa đổi lối làm việc" (1947) quan hệ phải có giữa "nói và làm" được khẳng định thông qua quan hệ phải có giữa " lý luận và thực hành".:
- "Lý luận phài đem ra thực hành..."
- "Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung thì cũng như không có tên"
- "Lý luận cốt áp dụng vào thực tế. Chỉ học thuộc lòng, để đem lòe thiên hạ thì lý luận ấy cũng vô ích."
Giữa nói và làm Hồ Chí Minh nhấn mạnh vào "làm":
- ..."miệng nói, tay làm"... "Phải thật thà nhúng tay vào việc"
- "Nói ít, làm nhiều"
- "Các việc đáng làm, thì có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được."
- "Nói miệng, ai cũng làm được. Ta cần phải thực hành..."
- "Trong Đảng ta, có một số người... chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực không làm được. Những người như thế cũng không thể dùng vào công việc thực tế..."
Bác đã nói thì làm. Và làm thực sự...
Ngay sau Cách mạng tháng tám 1945, nạn đói vẫn đe dọa. " Với cương vị Chủ tịch nước, Bác kêu gọi: "... Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hành trước: cứ mười ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo... "Chuyện kể rằng có một lần Tiêu Văn - trung tướng trong quân đội Tưởng Giới Thạch - mời chiêu đãi Bác đúng vào bữa cơ quan nhịn ăn để cứu đói. Khi Bác dự tiệc về , anh em báo cáo với Bác rằng phần gạo của Bác đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi. Vậy mà Bác vẫn quyết định "nhịn bù" một bữa vào ngày hôm sau"[1]
Hồ Chí Minh đăt cao yêu cầu làm gương mẫu cho mọi người noi theo: "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền" (Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, tr.253).
Chúng ta đều biết chỉ qua hành động, qua "nhúng tay vào việc", qua lăn lưng ra làm mới trở thành gương mẫu. Xưa nay chưa có ai chỉ bằng "lời nói" mà trở thành gương mẫu. Có một mối liên hệ sâu sắc giữa tư tưởng phát huy sức cảm hóa của những "tấm gương sống" và tư tưởng biểu dương "người tốt, việc tốt"của Hồ Chí Minh. Những "tấm gương sống", những "người tốt" có sức thuyết phục hồn nhiên và sâu sắc vì họ là hiện thân của công việc, của lao động, của thực hành, của "miệng nói tay làm", của " nói ít làm nhiều", họ là sự hiện thân của minh triết Hồ Chí Minh.
Mục "Chân dung Người đương thời" trên VTV1 có sức hấp dẫn mạnh mẽ vì qua đây, khán giả tiếp xúc với những con người sống động, mỗi người một vẻ, một cảnh ngộ nhưng tất cả đều bị cuốn hút bởi công việc mình làm, đều mải mê tìm tòi, sáng tạo, đều kiên trì chí hướng, "có khó mấy cũng cố chịu quyết làm cho kỳ được".
Minh triết Hồ Chí Minh được sáng tỏ trong mục Truyền hình này hơn đâu hết: "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Để học tập tư tưởng, đạo đức của Bác trước hết cần tìm hiểu con người, cuộc đời và những câu nói của Bác. Nhưng không thể quên minh triết Hồ Chí Minh đương biểu hiện ngời sáng ở ngàn vạn "tấm gương sống"và "người tốt, việc tốt" đương xuất hiện khắp nơi trên đất nước,không kể trước đây họ từng ở phía nào của chiến tuyến.
Số đông trưởng thành và được tôi luyện trong thực tiễn của cuộc Cách mạng mà Hồ Chí Minh là người thiết kế và người đôn đốc gây dựng, họ phải giải quyết những nhiệm vụ mà lịch sử Việt Nam bốn ngàn năm chưa từng đặt ra, những hậu quả của những tai họa mà Lịch sử (hay là Số phận?), những nhiệm vụ mà họ phải chèo chống giữa phong ba bão táp của lịch sử trong khi Người thuyền trưởng lão luyện không còn nữa... Họ giống như những Sisyphus phải vần lên đỉnh núi những tảng đá nặng gấp ngàn lần sức lực của họ. Hòn đá to. Hòn đá nặng. Một người không vần nổi thì 3 người..., 3 trăm người..., 3 vạn người..., 3 triệu người... Cuối cùng, khác với nhân vật huyền thoại, họ đã hoàn thành nhiệm vụ. Có khi chính họ là Hồ Chí Minh mà không tự biết.
[1] Dẫn từ bài của Phạm Minh Khải, Hậu Giang On Line, số ra ngày 17/03/08