25/05/2018, 17:42

Nhân kỷ niệm 92 năm ngày sinh Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo

Phạm Thành Hưng Đại học Quốc gia Hà Nội Năm 1987, khi tôi còn đang lúi húi với luận án phó tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp Charles - Praha, một hôm có một sinh viên ta mới sang nhập học hớt hải chạy vào phòng tôi, hỏi: “Anh có biết Việt Nam mình có ông Trân nào làm Triết học không? Trong ...

Phạm Thành Hưng
Đại học Quốc gia Hà Nội

Năm 1987, khi tôi còn đang lúi húi với luận án phó tiến sĩ ở Đại học Tổng hợp Charles - Praha, một hôm có một sinh viên ta mới sang nhập học hớt hải chạy vào phòng tôi, hỏi: “Anh có biết Việt Nam mình có ông Trân nào làm Triết học không? Trong nước em học Toán, sang đây lại được phân công học Triết, chẳng có chút vốn liếng nào cả. Ông Trân là ai?” Tôi lắc đầu xin chịu.

Mấy ngày sau chàng trai lại đến với mẩu giấy nhỏ trong tay, nói rõ: “GS. Vôratrếch, thầy dạy môn Lịch sử triết học bảo em: Mày sang chúng tao học triết làm gì? Sao không ở nhà học ông Tran. Tại Mỹ, tại Italia, tại Nga, tại Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản... đều có có sách dịch của ông ấy cả. Cần đọc tiếng nước nào, tao cho mượn. Họ tên đầy đủ của ông ấy là thế này đây”.

Triết gia Trần Đức Thảo (26/9/1917- 24/ 4/1993)

Thì ra vậy. Người Việt Nam nổi tiếng một cách âm thầm đó chính là GS. Trần Đức Thảo. Tôi bảo chàng sinh viên: “Đây là một trí thức quá say nghề nên bị tai nạn nghề nghiệp ấy mà. Làm triết, làm sử, làm văn, làm...ở mình một thời tội lắm. Như chơi với dao hai lưỡi. Làm khoa học xã hội là cần có gan chịu đòn. Cậu cần chuẩn bị tinh thần trước đi. Có một dạo, cái tên cụ Thảo ở trong nước nhiều người yếu bóng vía mỗi lần nhắc đến là cứ phải hạ giọng thì thào. Càng thì thào, sợ nhau, cụ ấy càng khổ. Nhưng bây giờ đất mình mọi người theo Đảng đang đổi mới, chắc chẳng phải thì thào nữa. Ta biết tự tin và tự hào về nhau rồi”.

Chàng sinh viên nghe tôi nói xong, bậm môi hạ quyết tâm: “Em sẽ tranh thủ học thêm tiếng Pháp buổi tối để đọc được cụ Trần”.

Mẩu giấy ghi tên người Việt Nam nọ đã đem đến cho tôi nguồn động viên không nhỏ. Sự bế tắc và trì trệ trong nền kinh tế nước ta sau chiến tranh đã khiến nhiều cán bộ khoa học và công nhân Việt Nam coi việc đi nước ngoài khi đó như một lối thoát, một phương sách hữu hiệu, duy nhất cải thiện đời sống cho gia đình. Tôi cũng nằm trong số đó. Nhưng khi bắt đầu yên vị ăn học, lao động trên đất bạn rồi, những người Việt Nam có chút lòng tự trọng không khỏi ngậm ngùi, mặc cảm. Sống trên đất khách quê người, đi đâu cũng nghe người ta ca ngợi Việt Nam đánh Mỹ giỏi. Nhưng nghe ca ngợi nhiều ta cũng sinh nghi. Biết đâu sau lời ca ấy là nụ cười thầm. Phải chăng thế giới cho rằng dân tộc mình không biết làm gì giỏi hơn cầm súng?… Vậy thì hãy nhìn đây! (ấm ức quá, lần đó tôi đã cầm mẩu giấy kêu lên một mình như vậy)… hãy nhìn cái tên người Việt Nam này, người ngay từ Chiến tranh thế giới thứ II đã từng cả cười tranh luận với nhà triết học lừng danh J.P. Xactơrơ (Jean Paul Sartre, 1905-1980). “Kẻ thù buộc chúng ta cầm súng”. Người Việt Nam chúng ta phải chịu thiệt thòi do những biến thiên đỏng đảnh của lịch sử mà thôi. Còn nếu được sống yên hàn, chúng ta vẫn dư sức để làm Triết học.

Vì là người làm công việc nghiên cứu và giảng dạy văn chương, sau khi về nước tôi không theo dõi sát những đóng góp của GS. Trần Đức Thảo thời kỳ đổi mới. Tôi chỉ loáng thoáng nghe rằng câu chuyện lâm nạn của ông thời được gọi là “chống nhân văn - giai phẩm” cũng đã được dẹp sang bên. Bản thân ông cũng không coi đó làm trọng. Chuyện cũ cứ cho thành chuyện cổ đi. Niềm say mê nghề nghiệp cùng bản tính trung thực - cái tố chất tự nhiên của một nhà khoa học chân chính, đã cuốn ông về phía trước. Thành ủy Hà Nội và Thành ủy TP. HCM cùng nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho ông yên tâm theo đuổi những công trình triết học lâu nay dang dở. Ông đã đi nhiều nước dự hội nghị quốc tế, trao đổi học thuật và năm 1992 sang Pháp nghiên cứu, kết hợp chữa bệnh.

Thế rồi một ngày nọ, vào cuối tháng tư năm 1993 tôi nghe tin ông mất. Lo toan sinh kế, tôi cũng không bỏ thời gian tìm hiểu những phút cuối cùng của ông. Nghe tin buồn đó, tôi chỉ biết thở dài, chợt nhớ tới câu thơ của Thu Bồn viết về Hồ Chủ tịch năm nào: “…thế là dừng một cánh chim đại bàng”. Gần đây, khi nhận công việc Tổng biên tập tại Nhà xuất bản ĐHQGHN, phải trực tiếp “xử lý” bản thảo hai công trình triết học mới được tổ chức dịch ra tiếng Việt của ông, tôi mới có dịp tìm và hiểu nhiều hơn về thân thế, cuộc đời ông. Để cuốn sách “Sự hình thành con người” của ông ra mắt dày dặn hơn, hấp dẫn độc giả hơn, tôi quyết định kiểm tra và cho in thêm phần phụ trương - Tiểu sử tự thuật Trần Đức Thảo. Vì có một số câu dịch không thoát ý, đáng nghi, tôi tìm gặp người vợ cũ của Giáo sư, bà Nguyễn Thị Nhất. Thật không ngờ, đọc xong bản dịch, bà nổi giận. Bà đã từng học Đại học Sorbone, là Việt kiều từ Pháp về nước tham gia kháng chiến và là một nhà tâm lý học. Từ thời chiến tranh tôi đã tập trấn tĩnh, kiềm chế phản xạ, không giật mình khi nghe tiếng nổ, vậy mà lần này tôi đã giật mình hoảng hốt trước cơn giận dữ của người đàn bà 80 tuổi. Vì sao? Vì đó là cơn giận dữ của học thuật, là sự thịnh nộ của người phụ nữ Bình Định sau 40 năm chia tay vẫn trân trọng, ấp ủ tình yêu đầu với nhà triết học Bắc Hà. Bà quát: “Bậy! Dịch bậy! Ông ấy không sang lánh nạn ở Bỉ, mà là bà Hut-sơ (Husserl). Dịch thế tai hại lắm, nhất là khi đó người Pháp nghi ông ấy làm gián điệp cho Đức”. Tôi cố tìm cách trấn tĩnh bà. Tôi biết mình không phải là người chịu lỗi, mà ngược lại, đang có cơ hội khám phá những bí ẩn về một người đàn ông Việt Nam hiếm hoi. Còn ai hơn bà - nhân chứng tin cậy duy nhất còn lại và gần như giữ bản quyền về sự thật cuộc sống Giáo sư Thảo? Sự nhẫn nại và cố gắng thuyết phục của tôi đã được bù đắp. Bà nguôi giận. Bằng giọng Nam Bộ pha âm Bắc và âm Pháp ngữ, bà thong thả kể cho chúng tôi nghe chuyện một thời tuổi trẻ bên người chồng kính yêu đầu tiên của mình. Theo lời bà, những trang tiểu sử mà tôi được đọc tự nhiên cứ sáng lên, sống động như tôi đang xem một cuốn phim quay chậm.

GS. Trần Đức Thảo sinh ngày 26/9/1917, tại huyện Từ Sơn, Bắc Ninh. Chưa học hết năm thứ nhất trường ĐH Luật Hà Nội, năm 1936 ông đã được nhận học bổng sang Paris để thi vào trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm - cái nôi của các danh nhân và các nhà khoa học nổi tiếng châu Âu khi đó. Trong những năm Chiến tranh thế giới thứ II, vượt qua mọi gian nan, thiếu thốn, ông vẫn xuất sắc giành tấm bằng cử nhân triết học, rồi thạc sĩ triết học với đề tài về hiện tượng học của Hut-sơ. Năm 1943 đến 1944 ông tiếp tục theo đuổi các ý đồ khoa học của mình và viết luận án tiến sĩ. Trong quá trình nghiên cứu ông đã đến với hiện tượng học tinh thần của Hêghen và tiếp cận với lập trường triết học mácxít. Nhưng bầu không khí cách mạng nóng hổi trong nước đã kéo ông khỏi những suy tư trừu tượng để trở về với mảnh đất thực tại. Ông sớm trở thành Uỷ viên của Tổng liên đoàn người Việt tại Pháp, chuyên trách các vấn đề chính trị. Ông thực sự là người phát ngôn cho khát vọng độc lập và tự do dân tộc của 25.000 kiều dân Việt Nam trên đất Pháp.Trong một cuộc họp báo, trước câu hỏi của một phóng viên: “Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?”, ông đã thản nhiên trả lời: “Phải nổ súng”. Mấy ngày sau, mẩu đối thoại ngắn ngủi này xuất hiện trên tờ Le Monde. Ông lập tức bị bắt rồi bị giam cầm trong nhà tù Prison de la Senté, với tội danh “xâm phạm an ninh nước Pháp”. Trong thời gian ông bị giam, nhiều tờ báo tiến bộ đã lên tiếng đòi trả tự do cho ông. Tổng biên tập tạp chí Les Temps Modernes đã viết một bản kiến nghị gửi tới tay mấy nghìn trí thức Pháp, tạo sức ép dư luận để bảo vệ tính mạng cho nhà triết học trẻ tuổi này. Tuy nhiên ba tháng trong tù không hoàn toàn là quãng thời gian bất hạnh. Mất tự do thể xác nhưng ông lại tìm được tự do cho tư duy: ông viết được mấy bài báo và một công trình nổi tiếng sau này của ông đã hình thành, đó là công trình “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng”.

Trước đó không lâu, ông đã làm không khí học thuật Pháp và châu Âu trở nên sôi động bởi cuộc tranh luận năm ngày với nhà triết học hiện sinh lừng danh J. P. Xactơrơ. Sau năm ngày tranh luận, Xactơrơ đã “rút lại các thắc mắc”, đồng ý với những quan điểm bảo vệ triết học Mác của Trần Đức Thảo và yêu cầu không công bố các bản tốc ký tường thuật quá trình tranh luận. Trần Đức Thảo đã kết thúc cuộc tranh luận trong tư thế của người thắng cuộc. Ngay sau đó, trong thời gian ông bị giam trong tù, môn đồ của Xactơrơ đã tuyên truyền xuyên tạc, khiến dư luận hiểu rằng Trần Đức Thảo đã phá hỏng cuộc tranh luận. Ông đệ đơn kiện, buộc các môn đồ của Xactơrơ phải từ bỏ ý đồ lừa lọc. Vụ kiện của ông có thể gây phiền hà lớn cho Xactơrơ trong những năm tiếp theo, nhưng nghe theo lời khuyên của chính phủ kháng chiến Việt Nam, ông bỏ kiện. Về phương diện học thuật, quan điểm của họ có thể trái ngược nhau. Trong thực tiễn chính trị, Xactơrơ là người phản đối chính sách thực dân ở Việt Nam, cống hiến tích cực cho phong trào hòa bình. Sau này ông đã lớn tiếng lên án Mỹ trong pháp đình của Bectơrăng Ruxen. Năm 1964 ông còn từ chối giải Nobel Văn học. Suy cho cùng, hai ông đã có tiếng nói chung.

Ngay từ năm 1946, trong một chuyến Hồ Chủ tịch sang thăm Cộng hòa Pháp, nhà triết học trẻ tuổi đã xin gặp Người, bày tỏ nguyện vọng được về xây dựng đất nước. Nhưng mãi tới năm 1951, nguyện vọng của ông mới được đáp ứng. Ông từ bỏ các giảng đường, các thính phòng triết học đang hứa hẹn cả một sự nghiệp danh giá, dùng tiền nhuận bút cuốn sách “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” để mua vé máy bay, bí mật về nước theo một lộ trình khá vòng vèo: từ Paris sang Luân Đôn - Praha - Matxcơva - Bắc Kinh, về nước, lên Việt Bắc - thủ đô kháng chiến. Tại đó, ông nhận nhiệm vụ nghiên cứu giáo dục, dịch các tài liệu cho đồng chí Trường Chinh trong Văn phòng Tổng Bí thư, tham gia cải cách ruộng đất.

Hòa bình, ông trở thành giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử - Đại học Tổng hợp Hà Nội. Triết học của ông không còn nặng tính tư biện, mà “hạ cánh”, gắn liền với những vấn đề then chốt của thực tiễn cách mạng. Các bài báo nổi tiếng của ông như “Khuyến khích tinh thần tự do dân chủ”, “Nội dung xã hội và những hình thức của tự do” cùng một số bài khác, công bố trong hai năm 1955-1956, thực chất chỉ là những suy nghĩ tìm tòi rất tự nhiên, chân thành của một học giả quen viết bằng tiếng Pháp và quen khái quát, trừu tượng hóa những vấn đề vốn rất rối rắm trong thực tế. Bối cảnh chính trị phức tạp thời kỳ “chiến tranh lạnh”, sự ấu trĩ và lối nghĩ cơ hội của một số kẻ xấu bụng đã vô tình đẩy ông ra khỏi giảng đường. Nhưng, đúng với tư chất của một hiền nhân Đông phương, ông vẫn ung dung, tự tại, chấp nhận hình thức “cải tạo tư tưởng” một thời gian rồi lại say sưa với công việc mới - công việc biên dịch tại NXB Sự thật. Ông tiếp tục nghiên cứu, dịch và hiệu đính lại các tác phẩm kinh điển của Mác, Ănghen, viết bài, in sách ở nước ngoài và cộng tác thường xuyên với một số tạp chí Pháp. Năm 1973, NXB Xã hội của Pháp xuất bản cho ông công trình “Khảo về nguồn gốc của ngôn ngữ và ý thức”. Cuốn sách lập tức được dịch và xuất bản ở nhiều nước, kể cả ở Mỹ. Năm 1988 ông cho xuất bản cuốn “Vấn đề con người và chủ nghĩa lý luận không có con người”. Nói như GS. Phan Ngọc, “Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa duy vật sau khi trèo lên cái đỉnh cao nhất của chủ nghĩa duy tâm thời đại này là hiện tượng luận của Hut-sơ, rồi lật ngược nó lại. Từ duy tâm sang duy vật chính là sự phát triển biện chứng của chủ nghĩa duy tâm, ông chuyển sang chủ nghĩa Mác do tình cảm yêu nước”. Tên ông trở thành một mục từ quan trọng trong một số từ điển triết học ở châu Âu. Cuối những năm năm mươi, do quan hệ gia đình căng thẳng và điều kiện sống quá khó khăn, vợ chồng ông phải chia tay nhau. Ông trở thành người đàn ông độc thân, nổi tiếng thêm bởi sự đãng trí, hồn nhiên và sự thiếu thốn, cơ hàn trong sinh hoạt. Dãy nhà B khu tập thể Kim Liên vốn đã nổi tiếng vì là “xóm giáo sư”, nay lại nổi tiếng hơn vì có thêm GS. Trần Đức Thảo trụ trì. Trong dịp tang lễ Giáo sư, nhà văn Phùng Quán chứng kiến một chuyện thật bi - hài. Nhà văn kể:

“Dễ có đến hai năm tôi không đến khu tập thể Kim Liên. Lần này trở lại tôi ngạc nhiên thấy cái quán của bà cụ móm dưới gốc cây xà cừ mà mười năm trước tôi thường ghé hút thuốc, uống nước, vẫn còn nguyên chỗ đó. Tôi vào quán uống chén rượu thay bữa ăn sáng. Bà cụ đang rôm rả nói chuyện với mấy anh xích lô:

- Con cháu nhà tôi nó mới sắm cái tivi màu nội địa. Tối hôm kia, bắt dây rợ xong, bật lên thấy đang chiếu cảnh tang lễ một ông tên là gì gì Thảo đó. Người ta giới thiệu ông Thảo là nhà triết học nổi tiếng thế giới, làm đến sáu bảy chức, chức nào cũng dài dài là, chắc là toàn chức to. Ông ta sang tận bên Tây mà chết. Cả Tây cả Ta đều làm lễ truy điệu, toàn cán bộ to đến dự… Trong khu nhà B6 đàng kia cũng có một ông tên Thảo, nhưng lôi thôi lếch thếch quá mấy anh công nhân móc cống. Mùa rét thì áo bông sù sụ, mùa nực thì bà ba nâu bạc phếch, quần ống cao ống thấp, chân dép cao su đứt quai, đầu mũ lá sùm sụp, cưỡi cái xe đạp “pôdô con vịt” mà mấy bà đồng nát cũng chê. Thật đúng như anh hề làm xiếc. Mặt cứ vác lên trời, đạp xe thỉnh thoảng lại tủm tỉm cười một mình, như anh dở người… Một buổi trưa trời nắng chang chang, ông ghé vào quán tôi uống cốc chè xanh, tôi hỏi: “Ông đi đâu về mà nom vất vả thế?”. Ông nói: “Tôi lên chợ Hàng Bè mua củi đun”. Tôi hỏi: Thế củi đâu cả rồi? Ông quay lại nhìn cái poocbaga, mặt cứ ngẩn tò te. Chỉ còn sợi dây buộc. Củi nả rơi đâu hết dọc đường, chẳng còn lấy một que… Nghĩ cũng tội, già ngần nấy tuổi đầu mà phải nấu lấy ăn, không vợ, không con… Đấy, cũng Thảo cả đấy, mà Thảo một đằng thì chết danh chết giá, còn Thảo này thì sống cơ cực trần ai…

Bà cụ chép miệng thương cảm:

- Một vài năm nay không thấy ông ấy đạp xe qua đây, dễ chết rồi cũng nên…

Tôi uống cạn chén nước, cười góp chuyện:

- Cái ông Thảo mà bà kể đó chính là cái ông Thảo người ta chiếu đám ma trên ti vi.

Bà cụ bĩu môi:

- Ông đừng tưởng tôi già cả mà nói lỡm tôi!”

Nếu bà cụ quán nước tin lời nhà văn Phùng Quán, hẳn cụ sẽ thương cảm hơn cái ông Thảo láng giềng sống thế nào, chết thế nào ở bên Tây.

Vốn là người chỉ coi kết quả của những suy tư triết học là niềm vui duy nhất trong cuộc sống, ông gần như mất cảm giác trước các nhu cầu vật chất. Tại Paris những năm tháng cuối đời, ông lảng tránh mọi sự giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, đồng hương. Ông sống và viết trong một căn phòng nhỏ tầng năm, do Sứ quán Việt Nam bố trí. Vốn bị bệnh gan mãn tính, ăn uống đạm bạc, thất thường, cộng với mùa đông băng giá, sức khỏe ông như ngọn đèn leo lét dần. Ông trút hơi thở cuối cùng khi bản thảo công trình “Logic của cái hiện tại sống động” (La logique du présent vivant) còn ngổn ngang, dang dở. Lọ tro di hài ông được Đại sứ quán ta cử người đưa về nước cùng va li chứa tư trang, bản thảo, tài liệu. Vì không còn người ruột thịt lo đỡ, lọ tro phải gửi “trọ”, trả tiền 5 nghìn đồng một ngày, trong gầm cầu thang Nhà tang lễ Phùng Hưng. Ông phải “nghỉ ngơi” ở đó chờ các thủ tục quyết định về tiêu chuẩn “nằm Mai Dịch” hay “nằm Văn Điển”.

Năm 2000, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học. Trường ĐHKHXH&NV đã nhận số tiền thưởng đó từ người thân của ông, cộng với số tiền quyên góp để lập Quỹ học bổng Triết học Trần Đức Thảo. Nhờ công dịch thuật của dịch giả Đinh Chân và bà Nguyễn Thị Nhất, năm 2004, hai công trình “Hiện tượng học và CNDVBC”“Sự hình thành con người” từ Nhà xuất bản ĐHQGHN đã ra mắt độc giả tiếng Việt. Nhằm vào một ngày rằm, chúng tôi mời cựu phu nhân của Giáo sư ra viếng mộ và kính trình hai cuốn sách.

Hôm đó là một ngày nắng hè oi ả. Tôi cùng mấy biên tập viên đặt hương hoa và hai cuốn sách còn thơm mùi mực in lên mộ rồi đọc một bài văn tế ngắn. Tôi cố tình không thắp nhiều hương vì nghĩa trang khu A - Văn Điển hôm ấy sực mùi bê tông bị mặt trời hun nóng. Vậy thì khói lửa mà làm gì, nhất là khi dưới ấy là lọ tro. Ngày hỏa táng, ông đã chịu nóng lắm rồi. Có thể dành hương lửa ấy cho ông vào mùa đông, được chăng!

Tôi đọc văn tế nhưng không có ý nghĩ hỗn xược là lời mình có thể vọng tới hương hồn người dưới mộ. Thật ra là tôi đọc cho những người đang đứng bên tôi nghe, và cho chính bản thân mình. Còn ông, ông mất ở phía trời Tây. Xa xăm lắm! GS. Trần Văn Giàu cho rằng, ở Việt Nam bản thân mình và các đồng nghiệp khác cũng chỉ là những người nghiên cứu và giảng dạy triết học, người duy nhất được coi là nhà triết học, chỉ có Trần Đức Thảo mà thôi. Nhà văn Nguyễn Đình Thi thì gọi ông là “người lữ hành vất vả”. Quả vậy, ông sống rất lận đận như một khách lữ hành. Sống cũng rất xa mà chết cũng rất xa. Điều đáng nói nhất, theo tôi, ông là nhà triết học mácxít kiên trinh và chân chất nhất. Từ khi rời Pháp về nước lên Việt Bắc, ông đã sống và làm việc bằng khối óc và trái tim của một người cộng sản không thẻ đảng. Có điều, ông là người hay đi trước và đi xa trong tư tưởng. Đi gần thì yên hàn, còn một mình đi xa thì dễ lạc. Nhưng, dường như các danh nhân đều mỗi người một phận. Trời sinh ra ông để mà đi xa, để mà làm khách lữ hành, những người mà thiếu họ, tương lai của một cộng đồng thường được dự báo và định liệu rất muộn
khoá học thiết kế web tphcm giá rẻ thiet bi bếp nhà hàng tai tphcm cong ty thiet ke web tphcm cong ty may đồng phục tai tphcm mua mua container cũ gia re mua bán đàn guitar gia re ban mat ong rung nguyen chat gia re dai ly ống nước tien phong cuoc vũ đạo vu dao ban bình nóng lạnh tai tphcm Chóng mặt chong mat quan Cafe Phố Sữa Đá MacCoffee ống nhôm tien dat
0