Giới trí thức tinh hoa trong lịch sử Việt Nam
Trần Ngọc Vương Sĩ phu, trí thức Việt Nam xưa Để xây dựng kinh tế tri thức trở thành chủ đạo của nền kinh tế quốc dân, chúng ta cần có một lực lượng lao động tương ứng là lao động có kiến thức cao, nói khác đi đòi hỏi mọi thành viên tham gia nền kinh tế này phải là người ...
Trần Ngọc Vương |
Sĩ phu, trí thức Việt Nam xưa
Chỉ từ những điều sở tri sở kiến của mình, chúng tôi muốn góp bàn về việc nhận diện thực trạng của giới tinh hoa trong lịch sử Việt Nam và những đặc điểm của giới đó có thể trở thành chướng ngại mà chúng ta cần khắc phục trong việc hướng tới hình thành giới tinh hoa mới trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Trước khi có nền học vấn Âu hóa của thời hiện đại, và cả khi nền học vấn đó đã, đang trở thành xu thế chủ đạo thì quán tính của nền học vấn truyền thống vẫn chi phối từng bước đi của lịch sử một cách mạnh mẽ, khá vô hình nhưng vẫn khá quyết liệt. La mort saisit le vif, - cái chết đang túm lấy cái sống. Sự “túm lấy” này, tuy không hoàn toàn chỉ mang nghĩa tiêu cực, nhưng những tác động tiêu cực của nó là điều không thể xem thường.
Trong vòng bảy, tám thế kỷ, đội ngũ trí thức - nhà Nho ở Việt Nam đã dần thay thế và cuối cùng là thay thế hẳn đội ngũ trí thức Phật giáo, tạo ra một nền học vấn kiểu nhà Nho, và vì thế, ngả theo mô hình của nền học vấn Trung Hoa. Nhưng khác với các trí thức Trung Hoa nói chung, tầng lớp nhà Nho Trung Hoa nói riêng, chưa bao giờ tầng lớp nhà Nho Việt Nam thực sự có được sự độc lập tương đối về chính trị, nhất là trong quan hệ với chế độ chuyên chế, để có thể có được những thành tựu độc lập trong sáng tạo tri thức và những giá trị tinh thần đủ để vinh danh chỉ riêng tầng lớp của mình.
Vào đầu thế kỷ XX, khi tự tỉnh và lay tỉnh quốc dân, nhằm “khai dân
trí, chấn dân khí”, các nhà Nho duy tân đã đọc to lên tình trạng nghiệp
dư quá quắt của tầng lớp mình: |
Nhìn vào những sản phẩm đỉnh cao cuối cùng theo cách nhìn cấu trúc đồng đại hóa, sẽ thấy trong đội ngũ trí thức nhà Nho Việt Nam thiếu một cách nghiêm trọng những trí tuệ lý thuyết, những xung năng sáng tạo lớn. Các tác giả Trần Văn Giàu, Trần Đình Hượu, Hà Văn Tấn đã nhiều lần lưu ý đến sự thiếu hụt ấy. Nói thiếu vắng hoàn toàn thì không phải, nhưng chắc chắn đội ngũ những người như vậy trong lịch sử Việt Nam khá thưa thớt, có những thế kỷ hầu như không tìm thấy được(2). Điều đáng cảm thán không chỉ là “ôi thương sao những thế kỷ vắng anh hùng” như Chế Lan Viên từng thốt lên, mà cũng cả “Ôi thương sao những thế kỷ vắng thiên tài”! Nhận xét tỷ mỷ hơn cả về điều này là ý kiến của cố học giả Trần Đình Hượu:
a) Không có ai có hứng thú đi vào những tư tưởng triết học. Chưa có tác phẩm, tác giả chuyên về tư tưởng triết học. Những người mà ta phải tính là các nhà tư tưởng như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Ngô Thời Nhậm, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều là như vậy.
Loại hình chính là những nhà hoạt động yêu nước, những người làm văn học, học thuật (chủ yếu là sử học), và thông qua hoạt động chính trị, học thuật hay nghệ thuật của mình mà đề cập đến những vấn đề tư tưởng. Những ông thầy khi giảng kinh, sử cũng bàn những vấn đề tư tưởng, mà nhiều khi chính những ông thầy đó lại nói tư tưởng nhiều hơn, nói nhiều nhưng là nói lại, có hay không sửa chữa chút ít.
b) Ở đây chưa hình thành mối quan hệ tương hỗ giữa khoa học kỹ thuật và triết học, tức là triết học làm cơ sở lý luận cho khoa học và phát triển theo sự phát triển của khoa học… Có thay đổi thì cũng chỉ là lấy, bỏ, thêm, bớt từ những cái có sẵn trong và ngoài từng hệ thống…
Nhìn chung, tư duy lý luận không phát triển. Những vấn đề nhận thức, logic, phương pháp không được bàn bạc. Ở đây phát triển một cách tư duy thực tiễn nhằm không phải vào sự chính xác mà sự hợp lý (phải khoảng). Cái ngự trị ở trong nhiều phạm vi là một cái lí - lẽ phải thông thường. Triết học không tách khỏi tôn giáo, học thuật. “Về căn bản, trong lịch sử chưa xảy ra một sự thay đổi nền móng sản xuất, tổ chức xã hội, văn hóa, học thuật. Tôi nói cả văn hóa, học thuật vì khi còn học theo, bắt chước, nói lại thì chưa gây ra tác động sâu từ khoa học sang triết học, không tạo ra cách mạng trong tư tưởng” (3).
Nền học vấn truyền thống theo Nho giáo ấy rốt cuộc ở lớp trên cùng chỉ đẻ ra được nhà Nho – ông quan (đường quan hay học quan, võ quan có học hay văn quan, kể cả loại “văn võ kiêm bị” đi nữa thì nói gọn lại, cũng chỉ là quan). Các loại hình trí thức then chốt của một xã hội trí thức, một kết cấu của tầng lớp trí thức thực thụ như nhà kỹ thuật, nhà khoa học (hay học giả), nhà nghệ sĩ, tiếp đến là nhà tư tưởng – nhà triết học loại thì xuất hiện thưa thớt, mở nhạt, loại thì hoàn toàn vắng bóng.
Học giả lừng danh nhất trong lịch sử Việt Nam trước thế kỷ XX là Lê Quý Đôn, người mà với tất cả sự ngưỡng mộ và lòng kính trọng cũng không thể gán cho là tác giả của bất cứ định lý, định luật hay nguyên lý, quy tắc nào, ý tưởng nào thực thụ mang tính đột phá tri thức, nên có lẽ danh xưng xứng đáng nhất trong việc phân loại chuyên gia khoa học thời hiện đại thì đúng nhất là xếp vào dạng nhà sưu tầm, nhà biên khảo hay nhà thư tịch học. Thật đau lòng khi phải nói lên điều này.
Nhà Nho thuộc loại hình trí thức nguyên hợp. Đó là loại trí thức điển hình cho một hình thái kinh tế-xã hội khi mà lao động trí óc chỉ mới là đặc quyền của một thiểu số rất nhỏ. Tuy so với loại quý tộc, loại người có được những đặc quyền chỉ nhờ quan hệ huyết thống với người hay dòng họ cầm quyền thì sự xuất hiện và phát huy tác động trong xã hội của trí thức nhà Nho là một bước tiến bộ, nhưng đến lượt họ, khi đã tự khẳng định và được khẳng định địa vị trong xã hội, trong cơ chế thì nhà Nho cũng từng bước một kiến tạo đặc quyền theo lối huyết thống hóa, tạo ra không phải những cá nhân người trí thức sáng tạo, mà những “thế gia, vọng tộc, cự môn”, vừa theo mô hình quý tộc hóa, vừa theo lối đẳng cấp giữ những chức năng đặc thù. Họ không ngần ngại gì mà không khẳng định “vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, tự coi là người bề trên tự nhiên (và cũng thường được thừa nhận) là người đỡ đầu trực tiếp của các tầng lớp cư dân khác.
Với tôn chỉ “Nhất nghệ bất tri nho giả sở sỉ” (một nghề nào đó mà không biết thì kẻ làm nhà Nho tự thấy xấu hổ), họ thường kiêm luôn công việc của nhiều loại “chuyên gia” trong nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí khá xa lạ đối với nhau. Người dân gọi họ là “thầy”, và ở nông thôn xưa thì nhà Nho làm tất tật công việc của các thứ thầy như vậy: thầy đồ dạy học (nho), thầy thuốc chữa bệnh (y), thầy địa lý lo chuyện phong thủy (lý), thầy bói xem tướng số (số), cả chuyện làm…thầy dùi, “tư vấn” cho các bên tham gia vào các vụ kiện tụng.
Bộ phận hiển nho - các nhà Nho hữu danh và thành đạt – cũng hầu như không có ai đủ căn đảm để chỉ “đi đến cùng một con đường đã chọn” có lẽ trừ Hải Thượng Lãn Ông. Ngay Hải Thượng Lãn Ông cũng chọn con đường trở thành một danh y vào lúc tuổi đời không còn trẻ và tình huống cơ hồ không thể khác. Nói tổng quát, mẫu trí thức nhà Nho ở ta chuyên môn hóa khá muộn màng và không trở nên là đội ngũ chuyên gia thực thụ, ở hầu như bất cứ bình diện nào của lao động sáng tạo tinh thần. Trong các hoạt động nghệ thuật, chỉ thơ là có thành tựu nổi bật, nhưng không có ai, kể cả nhà thơ vĩ đại nhất trong lịch sử văn học dân tộc là Nguyễn Du, cũng không trở thành nhà thơ “chuyên nghiêp”.
Một khi họat động sáng tạo tinh thần, lao động trí óc chưa được chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, thì mọi hoạt động lao động khác gắn liền với các hệ thống tri thức chuyên nghiệp sẽ chỉ trở thành các loại lao động thủ công, nghiệp dư. Tình trạng đó là phổ biến từ các loại làng nghề gắn bó xa gần với hoạt động nghệ thuật cho chí các loại làng nghề sản xuất ra các sản phẩm thuần túy mang tính thương mại. “
Công tượng”, gọi nôm na là thợ, xếp loại ba, sau nông dân, còn được an ủi là xếp trên loại người tiêu thụ sản phẩm cho họ, tức thương nhân, tầng lớp “dưới đáy”, bị gọi miệt thị là loại “con buôn”. Giữ gìn phương tiện mưu sinh: theo ý tôi trong cách hành xử ấy còn tiềm ẩn cả tâm trạng ẩn ức, cả sự chống đối theo kiểu tiêu cực, cả niềm kiêu hãnh về những phẩm tính và kỹ năng ưu việt không được thừa nhận.
***
Gia nhập xã hội hiện đại theo con đường bị cưỡng bức, không hề được chuẩn bị đầy đủ về mọi phương diện để thích nghi, thiếu nghiêm trọng những kinh nghiệm và thực tế tương ứng được với xã hội hiện đại từ truyền thống, tóm lại, với tính nhược tiểu thể hiện khá “hoàn hảo”, giới trí thức Việt Nam khi trở thành “tầng lớp trí thức bản xứ” thêm một lần nữa bị chủ nghĩa thực dân vày vò, ép ướp hoàn toàn có chủ đích chỉ nhằm biến đổi họ thành đám vong quốc nô có chữ nghĩa. Lịch sử còn lưu lại vô số bằng chứng cả trực tiếp cả gián tiếp chứng minh cho đường lối chính trị, chính sách trí thức thuộc địa này của thực dân Pháp(6).
Hệ quả cuối cùng của chính sách thực dân, dù những chính sách cụ thể trong từng thời kỳ nhất định có đổi thay theo hướng xoa dịu sự phản ứng của một cư dân bản địa dù sao cũng có hàng nghìn năm lịch sử đồng thời trên từng bình diện nhất định phải đáp ứng những đòi hỏi của tình hình khó khăn mà “mẫu quốc” lâm vào, vẫn cứ là một tầng lớp trí thức bản xứ với rất ít cá nhân thực sự đạt tới trình độ tinh hoa, đội ngũ chuyên gia tuy có số lượng khá hơn nhưng không toàn diện, gắn bó quá trực tiếp với sự điều tiết từ chính quốc chứ không phải gắn bó với xã hội và nền kinh tế tại chỗ, và một lượng đông đảo nhất những trí thức cấp thấp. Chất lượng của một tầng lớp trí thức như vậy, xét trên tương quan của một sự so sánh lịch đại, nghĩa là so sánh về khả năng đáp ứng những nhu cầu phát triển từng thời điểm lịch sử khác nhau, chắn chắn là còn kém hơn thời kỳ tiền thực dân.
Từ sau Cách mạng tháng Tám, thân phận con người, thân phận công dân của người trí thức được đổi thay về chất. Đại đa số những trí thức trong xã hội cũ vì thế hăng hái tham gia bằng sở học của mình vào các công việc của xã hội mới. Thời gian kháng chiến chống Pháp, tuy có quá nhiều khó khăn khách quan, một thế hệ trí thức mới đã xuất hiện, trưởng thành. Đội ngũ này, tuy về số lượng không thật đông đảo, nhưng lại đặc biệt có chất lượng. Đa số những tên tuổi lớn trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật và nghệ thuật thời gian qua ở ta là thuộc về hoặc cơ bản là thuộc về thế hệ này. Phần lớn họ là những người ra đời trong khoảng từ 1920-1932.
Không phải ngẫu nhiên tôi chọn những mốc này: cho đến khi Cách mạng tháng Tám nổ ra, hầu hết họ đều đã có một thời kỳ học phổ thông và có được một “lưng vốn” tri thức nói chung, tiếng Pháp hay một ngoại ngữ nói riêng đủ để tự đọc sách và tự học tiếp tục. Những người sinh trước năm 1920 nếu thành danh thì đã thành danh trước Cách mạng, mà những người sinh sau năm 1932 thì “không kịp” có điều kiện như vừa tính tới.
Nhưng cũng từ sau Cách mạng tháng Tám xã hội Việt Nam trải qua hơn 30 năm là xã hội thời chiến hoặc bị chi phối mạnh mẽ bởi một hoàn cảnh thời chiến. Trừ một vài lĩnh vực đặc biệt, chiến tranh không phải là điều kiện dương tính cho sự phát triển của lĩnh vực lao động tri thức. Không quá khó khăn để chỉ ra các lĩnh vực đặc biệt ấy. Dù muốn dù không, tính phục vụ trực tiếp, tính ứng dụng là những yêu cầu được đặt lên hành đầu đối với lao động của người trí thức trong hoàn cảnh ấy. Cũng khó mà tạo ra những diện mạo trí thức, những tên tuổi lớn theo lối hàng loạt trong điều kiện như vậy. Xét cho cùng, sức sản xuất các giá trị tinh thần – cả trong khoa học xã hội lẫn khoa học nhân văn, cả trong nghệ thuật, trong văn hóa đều tùy thuộc vào nền sản xuất vật chất của xã hội. Ngay cả việc phản ứng lại một thực tiễn lớn cũng đòi hỏi tiền đề là sự tồn tại của cái thực tiễn ấy đã.
Mặt khác, kể từ sau Cách mạng tháng Tám, nền khoa học non trẻ của Việt Nam nhận được sự bổ sung về nguồn tri thức từ các nước xã hội chủ nghĩa có nền khoa học tiên tiến, chủ yếu là từ Liên Xô, và mức độ khác, từ Trung Quốc. Nhưng chỉ chưa hết một khóa học (đại học) từ sau năm 1954 thì giữa Liên Xô và Trung Quốc đã nổ ra những bất đồng. Vừa bối rối vì vấn đề phân liệt giữa các đảng cộng sản lớn cầm quyền, hết chống tệ sùng bái cá nhân lại rơi vào tình trạng phải đối phó với chủ nghĩa xét lại, người trí thức mới trẻ tuổi vừa còn phải “tuân thủ mọi yêu cầu của tổ chức, mọi nhiệm vụ được phân công” mà không phải lúc nào những yêu cầu ấy, những sự phân công ấy cũng được kế hoạch hóa, duy lý hóa. Tiếp theo đó là Đại Cách mạng văn hóa, mà một trong những đặc điểm nổi bật của cái gọi là cuộc Đại Cách mạng văn hóa này lại chính là ở tính chất phản văn hóa, phản tri thức của nó, tuy diễn ra và tác động tai hại trước hết và chủ yếu là ở Trung Quốc, nhưng không thể nói Việt Nam nằm ngoài vòng ảnh hưởng của biến cố kinh hoàng này.
Giới trí thức tinh hoa ở mọi dân tộc đều là báu vật, nói như ngôn từ được làm sống lại gần đây đối với những ý tưởng truyền thống, thì họ là “hiền tài”, là “nguyên khí quốc gia”. Vậy những nạn “chảy máu chất xám” đã là điều nguy hại, mà nạn “lãng phí chất xám”, thậm chí còn khó nhận dạng hơn và khó khắc phục hơn, theo thiển ý, cũng cần nêu lên thành vấn đề lớn hiện nay.
Có thể nói, ở ta mới có những người trí thức lớn,- không đông lắm mà nói thực thì cũng chưa được “lớn” lắm - nhưng chưa thể nói rằng đã có giới trí thức tinh hoa. Mà chừng nào trí thức tinh hoa chưa thành một giới, nôm na là núi không có đỉnh, thì khó lòng bàn đến “tầm” trí tuệ Việt Nam, tuy đó là điều không hiếm người thành tâm khao khát khẳng định.
---
(1) Tham khảo, chẳng hạn:
- Trần Đình Hượu Đến hiện đại từ truyền thống. Nxb Văn hóa và Thông tin 1996.
- Le contact colonial franco – vietnamien le premier demi – siècle (1858 – 1911) Nxb Universitè de Provence (PUP), 1999.
- Trịnh Văn Thảo Vietnam du confucianisme au communisme. Nxb Presse Universitaire Francaise (PUF) 1992.
(2) Tham khảo những tài liệu liên quan đến cuộc thảo luận về việc viết lịch sử tư tưởng Việt Nam. Viện Triết học, 1984.
(3) Trần Đình Hượu, Sđd
(4) Thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ XX (1900 -1930) Nxb Văn học Hà Nội 1976.
(5) Các bộ lịch sử, lịch sử tư tưởng Việt Nam của cả các tác giả người Việt lẫn người Pháp đều cung cấp nhiều tài liệu liên quan đến điều này.
Theo TiaSang