18/06/2018, 16:56

Tấm lòng cụ Trần Trọng Kim với đất nước

Đào Ngọc Phong 17 tháng 4 năm 1945 đến nay 17 tháng 4 năm 2016 là 71 năm kỷ niệm ngày Thủ Tướng Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân một hội đồng nội các do chính Cụ chọn lựa mà chính Hoàng Đế Bảo Đại và Viên Tối Cao Cố Vấn Nhật Yokohama đều không can thiệp vào. Kể từ năm Nhâm Tuất ...

images.jpg

Đào Ngọc Phong

17 tháng 4 năm 1945 đến nay 17 tháng 4 năm 2016 là 71 năm kỷ niệm ngày Thủ Tướng Trần Trọng Kim ra mắt quốc dân một hội đồng nội các do chính Cụ chọn lựa mà chính Hoàng Đế Bảo Đại và Viên Tối Cao Cố Vấn Nhật Yokohama đều không can thiệp vào.

Kể từ năm Nhâm Tuất 1862 khi triều đình nhà Nguyễn dưới thời vua Tự Đức (1847-1883) ký hòa uớc nhượng cho nước Pháp ba tỉnh miền đông Nam Việt: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường thì dân tộc Việt Nam cho đến 1945 đã mất quyền độc lập tự chủ mà Ngô Vương Quyền đã đặt nền móng vững vàng từ năm 938 khi đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi. Nền độc lập tự chủ của dân tộc được củng cố suốt trong 924 năm qua những triều đại Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê,Trịnh Nguyễn, Tây Sơn. Hòa ước 1862 mở đầu cho một loạt những hòa ước làm mất nước vào tay thực dân Pháp. Đó là những hòa ước Quí Mùi 1883 nhận quyền bảo hộ của Pháp, và hòa ước Giáp Thân 1884 chia nước ta ra làm ba kỳ, coi như toàn bộ đất nước dưới quyền cai trị của Pháp.

Mặc dầu nước Pháp thất trận nhục nhã trong chiến tranh Pháp Phổ 1870-1871 với nhà lãnh đạo tài ba Bismarck của Phổ, chính Hoàng Đế Pháp, Napoleon Đê Tam, bị bắt làm tù binh, nước Pháp bị cắt mất hai tỉnh biên giới Alsace Lorraine có nhiều mỏ than mỏ sắt, lại phải trả chiến phí cho Phổ 5 tỉ phật-lăng, thế mà nước Việt Nam vẫn để cho kẻ thất trận kiệt quệ dày xéo. Hơn nữa, triều đình nhà Nguyễn vẫn còn muốn bám vào nhà Thanh để mong giúp chống lại Pháp mà không nhận thức được rằng chính nhà Thanh cũng đang mục rữa suy tàn,tự mình chưa cứu nổi mình còn mong cứu ai, nhất là sau cuộc chiến tranh nha phiến (1840-1842), và cuộc nổi dậy của Thái Bình Thiên Quốc từ năm 1849 đến năm 1863.

Những kiến thức của chúng tôi về lịch sử Việt Nam vào thời trung học hoàn toàn là học từ tác phẩm của cụ Trần Trọng Kim (TTK), “Việt Nam Sử Lược” (VNSL)xuất bản năm 1919,năm mà thân phụ chúng tôi mới chỉ được 5 tuổi. Cụ TTK sinh năm 1883 tức là ở vào hàng ông nội của chúng tôi, nên kẻ hậu sinh xin kính cẩn gọi bằng Cụ với tất cả lòng ngưỡng mộ một nhân tài của Việt Nam trí đức song toàn mà trong lịch sử hiện đại của dân Việt ít ai sánh được. Ngay cả hàng lãnh đạo của ba nước xâm lăng Việt Nam–Tàu, Nhật, Pháp– cũng nể vì Cụ về đạo đức và trí thức.

Là kẻ hậu sinh, chúng tôi muốn tìm hiểu tấm lòng của Cụ đối với đất nước qua hai tác phẩm về Sử của Cụ: “Viêt Nam Sử Lược” (VNSL,1919,tái bản tại Hoa Kỳ, Nhà Xuất Bản Miền Nam) và “Một Cơn Gió Bụi” (MCGB, 1949, tái bản tại Hoa Kỳ, Nhà Xuất Bản Sống 2015). Khi tác phẩm MCGB xuất bản thì chúng tôi còn là một đứa bé nhà quê thất học, cả tuổi thơ chạy loạn trôi giạt từ làng này qua làng nọ, mà Cụ thì đã làm ra được bao nhiêu tác phẩm to lớn, lại là một nhân chứng sống cho cả một giai đoạn lịch sử nhiễu nhương khiến cho lớp hậu sinh có tài liệu quí giá học hỏi.

Tấm lòng của Cụ đối với đất nước được dàn trải, biểu tỏ trong những nhận định, phê phán về những dữ kiện lịch sử, về những cá nhân, những tập thể đoàn nhóm, hay về cả một dân tộc. Chúng tôi xin đề cập đến 8 đối tượng của những nhận định phê phán như sau:

1/ Mục Đích và Phương pháp viết sử

2/ Về người Việt

3/ Về người Pháp

4/ Về người Nhật

5/ Về người Tàu

6/ Về phong trào Cộng Sản

7/ Về tôn giáo

8/ Về bản thân tác giả

***

1/ MỤC ĐÍCH và PHƯƠNG PHÁP VIẾT SỬ

Trong lời tựa sách VNSL, Cụ đã minh định mục đích và phương pháp của việc viết sử:

“Sử là sách không những chỉ để ghi chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc-ngọn, tìm tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này”.

“Người trong nước có thông hiểu những sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà để lại cho mình.”

Cụ muốn nói Sử hay Quốc Sử chẳng phải là của riêng một cá nhân, một đoàn nhóm, một đảng phái, một tôn giáo nào, mà là của chung cả dân tộc như “cái gương chung cổ” cho mỗi mỗi cá nhân soi vào để nuôi dưỡng lòng yêu nước yêu nhà. Cụ khơi dậy lòng biết ơn của những thế hệ sau đối với công lao của tiên tổ.

Vậy phương pháp viết sử như thế nào để đạt mục đích ấy?

Nhà viết sử có đạt được tính khách quan trong tác phẩm của mình không?

Thông thường người ta phân biệt nhà khoa học với giáo sư khoa học, nhà văn với giáo sư văn chương, nhà sử học với giáo sư sử. Nhưng xét cho cùng thì “nhà” nào cũng là một con người cụ thể sống trong một chế độ chính trị, một khung cảnh văn hóa, một thực thể xã hội.

Ngay trong lãnh vực khoa học tự nhiên, tưởng là chỉ viết, nói lên những định luật vật lý, thiên văn khách quan mà nhà khoa học tránh được cái họa tù đày, giết tróc hay sao? Trường hợp các nhà khoa học Tây phương như Copernicus (1473-1543), Galileo (1564-1642) dám công bố “Quả đất không là trung tâm của vũ trụ” chống lại niềm tin 2000 năm của Giáo Hội Công Giáo và hệ phái Cải Cách của Luther “Quả đất là trung tâm của vũ trụ” khiến cho Galileo phải ra tòa án giáo hội xin rút lại lời tuyên bố của mình và bị quản thúc tại gia cho đến khi chết. Huống hồ các nhà triết học có tư tưởng trái với dòng chính, như trong thời cổ đại Hy Lạp triết gia Socrates (469-399 BC) bị nhà cầm quyền Athenes kết án tử hình phải uống thuốc độc chết vì gieo rắc “tư tưởng làm thanh niên hư hỏng”; triết gia Ý Giordano Bruno (1548-1600) bị tòa án Giáo Hội kết án có tư tưởng tà đạo bị thiêu sống. Trong thời hiện đại, các văn nghệ sĩ trí thức trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm ở Việt Nam năm 1956 bị kết án chống đảng khiến bị tù đầy, trù dập. Bên Trung Hoa Cộng Sản nhiều văn nghệ sĩ trí thức tên tuổi bị kết án chống đảng trong hai biến cố Trăm Hoa đua nở (1956-1957) vá Cách Mạng Văn Hóa 1966, người bị tù, người bị giết, người tự tử, nhẹ nhất cũng phải tự phủ nhận những điều mình đã viết để giữ mạng.

Nhà viết sử lại càng dễ bị “bề trên” hạch tội như sử gia Tư Mã Thiên bị Vua Hán Vũ Đế “thiến”. Theo lời tựa VNSL, các nhà viết sử ngày xưa là một ông quan trong triều, chỉ chép những chuyện liên quan đến các vua mà thôi, không quan tâm đến đời sống ngoài dân gian.Tất nhiên Sử Quan phải viết thiên vị về vua, làm sao dám khách quan ghi chép những việc xấu của vua. Sử Quan trong chế độ quân chủ chuyên chế hay trong độc đảng chuyên chế cũng chỉ là một ông quan, dù có trí thức cách mấy mà vào chầu một ông vua ngu dốt vẫn quì rạp.

“Vả, xưa nay,ta vẫn chịu quyền chuyên chế,vẫn cho việc nhà vua là việc nước”(VNSL-Lời Tựa)

Tấm lòng biết ơn của Cụ TTK với tổ tiên, lòng ưu tư về những thế hệ tương lai đã là lý do thúc đẩy Cụ dùng chữ quốc ngữ để viết bộ VNSL. Vì Cụ vừa thông Nho học, vừa giỏi chữ Pháp,lại vừa viết văn Việt hay nên Cụ sử dụng cả hai loại tài liệu băng chữ Hán và chữ Pháp.

Cụ là một học giả tân tiến, theo Tây học nên sự nghiên cứu tài liệu có sắp xếp một cách khoa học. Nhưng bộ VNSL chỉ là một tác phẩm dựa theo tài liệu của ngưới khác, soạn viết đến đầu thế kỷ 20 (1902) là chấm dứt. Còn tác phẩm MCGB mới là một cuốn sử “sống” trong đó Cụ là tác giả chứ không phải soạn giả. Trong đoạn kết của tác phẩm MCGB, Cụ viết:

“Cũng bởi tấm lòng vì dân vì nước ấy và thấy khi quốc gia gian nan, không lẽ ngồi nhìn, nên tôi tự biết mình đã già yếu kém cỏi không làm gì được, nhưng ít ra cũng theo cái lương tâm mà đem những sự tôi đã biết và đã thấy mà phô bày ra, để mọi người suy xét cho đúng sự thực. Dù ai có bảo đó là lời nói của một anh hủ nho, tôi cũng cam tâm mà tự cho mình đối với cái tâm của mình đã làm hết bổn phận làm người vậy” (MCGB, Chương 12, trang 171)

Phương pháp viết sử của Cụ vừa tôn trọng tính khách quan của sự kiện lịch sử, vừa ghi nhận tính chủ quan của nhân vật lịch sử và của người viết sử. Tôn trọng tính khách quan của sự kiện lịch sử nghĩa là không bỏ qua, tảng lờ như không có nó vì thiên kiến cá nhân hay đoàn nhóm. Ghi nhận tính chủ quan của nhân vật lịch sừ vì tình cảm vui buồn, tính khí dễ nổi giận, hay ghen ghét, tham lam, kiêu ngạo của một lãnh tụ rất thường đưa đến những hành động chính trị quân sự tai hại cho cả một dân tộc hay cả nhân loại. Còn tính chủ quan của người viết sử cũng không thể tránh khỏi, bởi vì ông cũng chỉ là một con người, thành viên của một dân tộc, một nền văn hóa,một khung cảnh xã hội. Nếu người viết sử là một ông quan thì dĩ nhiên ông ta phải giấu giếm những tinh cảm cá nhân của ông mặc dù những tình cảm đó là đặc điểm của nhân tính phổ quát.

Về chiến công của Ngô Vương Quyền đánh đuổi quân Nam Hán, giết thái tử Hoàng Thao, Cụ TTK viết:

“Hán chủ được tin ấy, khóc òa lên,rồi đem quân về Phiên Ngung, không dám sang quấy nhiễu nữa” (VNSL, Quyển I,Chương V, Bắc Thuộc Thời Đại)

Người cha được tin con chết trận, khóc òa lên là phản ứng tình cảm tự nhiên biểu lộ nhân tính phổ quát, bởi vì cả trăm ngàn chiến binh của Hán chủ chết trận thì có trăm ngàn người cha người mẹ khóc òa lên khi có tin báo tử. Nhưng cái khóc của trăm ngàn dân đen không bằng cái khóc của lãnh tụ vì lãnh tụ có quyền lực ngưng chiến, không động viên làm khổ dân nữa. Thay vì ghi nhận tình cảm chủ quan như trên, người viết sử có thể chỉ lạnh lùng viết;” Hán chủ được tin ấy không dám sang quấy nhiễu nữa”.

Cụ TTK còn nói lên quan điểm riêng của mình:

“Ngô Quyền trong thì giết được nghịch thần, báo thù cho chủ,ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn được nước, thật là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền,nước Nam ta mới cởi được cái ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê, Lý, Trần về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy”.(cùng Chương V,VNSL)

Sự đánh giá của Cụ TTK về Ngô Quyền rõ ràng chỉ dựa trên nhân tính phổ quát, mà không dựa theo những tiêu chuẩn của một chủ nghĩa chính trị nhất thời:

– lòng trung nghĩa với chủ là Dương Diên Nghệ, mưu giết được Kiều Công Tiện,kẻ phản thầy và phản quốc–vì bất cứ một nền văn hóa nào cũng kết án sự phản bội

– lòng yêu nước chân chính, bởi vì chiến thắng của Ngô Vương Quyền chỉ hoàn toàn do sức toàn dân mình mà không có viện trợ từ ngoại bang.

2/ VỀ NGƯỜI VIỆT

a/ Người Việt nói chung: Mặc dù từ đời Trần đã có Sử Quan nhưng theo lối biên niên của Tàu, không có suy xét gốc ngọn, không tỉm cách giải thích sự liên quan giữa các sự việc. Cụ TTK viết:” Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người, chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có cái gì là đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: Việc nhà thì nhác, việc chú bác thì siêng”(VNSL/ Tựa)

Trong Chương 6 bàn về “Kết quả của thời Bắc thuộc”, Cụ nhận định dân mình thích nhàn lạc, không chịu sáng tạo cái mới, coi mọi cái của Tàu là nhất. “Hễ ai bắt chước được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở”.

b/ Vua quan triều đình: Tinh thần nô lệ ấy ăn sâu bám rễ lan đến tận thời vua Tự Đức. Trong Chương XI Quyển Hai, nói về việc quân Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai vào ngày 8 tháng 3 năm 1882, Tổng Đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử, triều đình Huế còn tưởng nhờ Tàu giúp đánh Pháp. ” Chẳng qua là người mình hay có tính ỷ lại, cho nên mới đi kêu cầu người ta chớ không biết rằng người Tàu giữ nước Tàu không xong còn đi cứu ai được” VNSL,Quyển 2, Chương XI, Quân Nước Pháp Lấy Bắc Kỳ Lần Thứ Hai)

Ngày 17 tháng 4 năm 1945, khi vừa lập xong Chính Phủ thi Cụ nghĩ ngay đến việc tiên quyết là thay thế guồng máy cai trị cũ của ngưới Pháp đã đặt ra gần trăm năm nay. Cụ nhận định về các quan cai trị các tỉnh như sau: “Quan lại ở các tỉnh, phần nhiều là những tham quan ô lại chỉ quen sự thi hành mệnh lệnh của người Pháp, chứ không mấy người có đủ tư cách làm người công chức một nước tự chủ” (MCGB, Chương 4, trang 56).

“Những người mà Pháp đem ra làm việc phần nhiều là những người xu nịnh,chỉ muốn thừa thời cơ mà làm sang làm giàu chớ không nghĩ gì đến liêm sỉ tiết nghĩa” (MCGB Chương 11:Về Sài Gòn, trang 155).

Trong bước đầu tìm người làm việc, chính là lúc gay go nhất vì có phe này phái nọ mè nheo muốn cho người của mình vào. Cụ viết “Người làm việc nước lúc ấy cần phải là những người ngay chính và có học thức, chớ không cần những người xảo trá, xưng danh trục lợi, gió chiều nào theo chiều nấy ” (MCGB Chương 4, trang 63).

Khi Khâm Sai Bắc Bộ Phan Kế Toại xin từ chức, Cụ không tìm ra người nào để thay thế. Cụ viết “Trước tôi thấy cách làm việc của ông Toại rất lộn xộn, tôi đã muốn tìm người thay, nhưng tìm ai? Người nói giỏi thì nhiều mà người làm được việc thì ít” (MCGB,Ch IV, trang 79)

3/ VỀ NGƯỜI PHÁP

Trong MCGB, Cụ phê phán rất gay gắt chánh sách thuộc địa của ngưới Pháp đối với dân tộc Việt Nam:

a/ Chương 4, trang 55: “Dù có hiệp ước của triều đình Việt Nam đã ký với Pháp,chẳng qua cũng chỉ là tờ hiệp ước cưỡng bách mà thôi. Và chính người Pháp về sau cũng đã không giữ đúng những điều ký trong hiệp ước ấy”

b/ Chương 4, trang 61:“Nước Việt Nam từ Bắc chí Nam vốn là một nước duy nhất về lịch sử, về phong tục và về ngôn ngữ…Sau vì có sự lấy thuộc địa và sự bảo hộ của người Pháp đem chia nước ra làm ba đoạn là Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc kỳ…Sự chia ngắt ra như thế là một lối chính trị dùng phương pháp chia ra để thống trị… Song sự chia ngắt ấy lấy áp bức mà đặt ra…”

Cụ cho sứ mạng thiêng liêng của Chính Phủ là phải lập lại sự thống nhất lãnh thổ y như trong những triều đại Viết Nam trước khi người Pháp vào. Vì thế chính Cụ đã đi thương thuyết với nhà cầm quyền Nhật hồi đó mà đại diện là Viên Tối Cao Cố Vấn Yokohama, và Trung Tướng Tsuchihashi Yuitsu, Tổng Tư Lệnh quân đội Nhật tại Đông Dương, người đã quyết định trao trả cho Chính Phủ Việt Nam đất Nam kỳ. Tiếc thay, việc chưa ngã ngũ thì nước Nhật đã phải đầu hàng Đồng Minh vào ngày 13 tháng 8 năm 1945. Quân Pháp trở lại Đông Dương tiếp tục duy trì tham vọng thuộc địa, không tôn trọng quyền tự quyêt dân tộc mà Tổng Thống Mỹ Woodrow Wilson đa đề ra sau Thế Chiến thứ Nhất.

c/ Chương 8, trang 116-117:

Hiệp ước Sơ Bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 giữa Pháp và Chính Phủ Hồ Chí Minh là một màn kịch mà hai bên đều có mưu mô thủ lợi. Về phía người Pháp, Cụ TTK nhận đinh như sau:”Lúc bấy giờ người Pháp gọi nước Việt Nam là kể từ Trung Bộ trở ra mà thôi, còn đất Nam Bộ thì phải đợi khi nào trưng cầu dân ý rồi mới định được” (tr.116)

“Bên người Pháp thì cái kế hoạch là muốn từ từ, trước hết cắt đứt Nam Bộ ra khỏi nước Việt Nam. Vậy nên vừa ký Hiệp Ước Sơ Bộ mùng 6 tháng Ba thì đến ngày 26 tháng Ba đã họp tư vấn hội nghị có độ mười người gồm cả Pháp và Việt để lập ra Nam Kỳ Cộng hòa Quốc và cử đại tá Nguyễn Văn Xuân làm chủ tịch”(tr.117)

“Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh làm được mấy tháng, thấy người Pháp không cho mình được quyền tự chủ và lại bị người trong nước thóa mạ, mới thất vọng tự tử”.

Dựa vào Hiệp Ước Sơ Bộ 6 tháng 3, 1946, Pháp chính thức đem quân váo đóng ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Địnhv..v… “Cái thái độ của quân Pháp lúc ấy, nhất là ở Hà Nôi và Hải Phòng tung hoành bạo ngược rõ rệt là có ý khiêu khích làm cho ai cũng uất ức tức giận” ” Ý người Pháp là muốn dần dần dùng vũ lực đàn áp Việt Minh để lập lại chủ nghĩa thuộc địa như trước” ( tr 118)

d/ Chương 10:

Cái thái độ cố chấp đó của Pháp làm tan vỡ hội nghị Fontainebleau ở thủ đô Paris từ tháng 5, 1946, vì Pháp coi như không có nước Việt Nam thống nhất-độc lập- tự chủ, mà chỉ Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, Cao Miên và Ai Lao trong Liên Hiệp Pháp. Trước ngày 19 tháng 12 năm 1946, Pháp gởi tối hậu thư cho chính Phủ Hồ Chí Minh hẹn phải giao sở công an trước ngày 20 tháng 12. “Xem như vậy thì người Pháp cũng có một phần khá lớn trong cái lỗi đã gây ra cuộc Pháp Việt chiến tranh kéo dài cho đến ngày nay”(tr 144) (tức là năm 1949 khi Cụ TTK xuất bản tác phẩm MCGB).

e/ Chương 11: Về Sài Gòn

Ngày 2 tháng 2, 1947, Cụ từ Hương Cảng về Sai Gòn hy vọng gặp nhà cầm quyền Pháp bàn thảo một giải pháp hòa bình, nhưng Cụ càng thất vọng. “Người Pháp thì không hiểu cái tâm lý của ngườ Việt Nam, lại ỷ thế có sức mạnh muốn làm cho người ta sợ, nào bắt bớ, nào cướp bóc,dâm hiếp,rồi nói chiến tranh là chiến tranh. Làm như thế, cái lòng phẫn uất của người ta càng ngày càng tăng thêm lên”. “Theo cái tư tưởng của người đời xưa bên Á Đông ta, có câu rằng: Công thành bất như công tâm” (đánh thành trì không bằng đánh lấy lòng người). người Pháp chỉ biết lấy võ lực mà đàn áp, chứ không biết cách làm cho người ta kính phục”.(tr 155).

Theo nhận đinh này của Cụ thì kẻ hậu sinh lạm bàn rằng đáng lẽ một dân tộc đã sản sinh ra bao nhiêu triết gia, văn thi sĩ, nhạc sĩ, khoa học gia lừng danh thế giới về mọi ngành từ toán học, vật lý học,cho đến tâm lý học, xã hội học, sử học thì hàng trí thức phải góp phần vào hành động chính trị nhân bản chứ ? Hay là trí thức Pháp đồng lõa với hành động “cướp bóc, dâm hiếp?”. Làm sao mà các triết gia, những nhà tâm lý xã hội học viết cả ngàn trang sách lại không biết cách làm cho người ta kính phục ?

“Việc làm của người Pháp thật là ngoắt ngoéo khó hiểu. Họ đánh nhau với Việt Minh mà lại dung túng người của Việt Minh. Họ nói muốn điều đình với những người trong phái quôc gia mà lại cản trở việc làm của phái quôc gia” (tr 158)

Nhưng ít lâu sau Cụ đã hiểu tại sao? Bởi vì từ đầu não chính phủ Pháp bên chính quốc vẫn chỉ muốn duy trì chế độ thuộc địa chứ không muốn cho Việt Nam được thống nhất, độc lập tự chủ. Tháng 4 năm 1947, ông Bollaert thay thế Hải Quân Trung Tướng d’ Argenlieu làm Cao Cấp Ủy Viên có toàn quyền hành động để mang lại hòa bình cho Đông Dương. Ông Bollaert cử nhà trí thức xã hội học Paul Mus. giám đốc trường hải ngoại đi gặp ông Hồ Chí Minh để thương thuyết “nhưng hình như muốn bắt Việt Minh đầu hàng”. (tr159). Thành ra sứ mệnh của nhà trí thức không xong. Ông Paul Mus là tác giả của một tác phẩm dày “Viet Nam, sociologie d’une guerre”( 1952) (Viet Nam: Sociology of a war )

Ông Bollaert phải trở về Pháp xin lệnh thượng cấp, khi trở sang Việt Nam đã đọc một bài diễn văn ở tỉnh Hà Đông “đại ý nói sẽ cho nước Việt Nam thống nhất và được độc lập trong liên hiệp Pháp theo mấy điều kiện, và cái điều kiện quan trọng nhất là bắt quân Việt Minh phải nộp khí giới mà đầu hàng. Thế là bao nhiêu hy vọng của mấy người còn tin tưởng ở cái chính sách mới của ông Bollert mất hết” (tr 159).

Một đàng tuyên bố trả độc lập thống nhất, một đàng vẫn duy trì Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, thật là mâu thuẫn trong lý luận và trong hành động. Lòng dân Việt đã quyết giành độc lập rồi thì làm sao quân Pháp đánh thắng được nên sau hai năm thất bại trong việc dùng võ lực người Pháp lại phải dùng giải pháp Bảo Đại vào tháng 3 năm 1949. “Việc ông Bảo Đại điều đình đã được kết quả, như thế cũng đã lợi cho nước Việt Nam rồi, nhưng đó mới là phần giao kết, cần phải chờ đợi sự thực hành xem có đúng lời giao kết không?” (Chương 12:Lên Nam Vang/ tr 166). ” Việc thành bại sau này, là một bên ở cái lòng thành thực của người Pháp, một bên là cái chính sách ngay thẳng của ông Bảo Đại” ( tr 167)

Ý Cụ TTK muốn nói là ông Bảo Đại có dùng người ngay chính ra làm việc, hay lại chỉ dùng “những người muốn thừa cơ hội mà làm giàu làm sang thì khó lòng mà đem lại lòng tín nhiệm của dân chúng”(tr 167).

4/ VỀ NGƯỜI NHẬT

10 giờ sáng ngày 17 tháng 4 năm 1945 Cụ TTK đem danh sách hội đồng nội các vào trình vua Bảo Đại đã thấy viên Tối Cao Cố Vấn Nhật Yokohama ngồi đó rồi.

“Tôi đệ trình vua Bảo Đại, ngài xem xong phán rằng:Được. Khi ấy ông Yokohama nói: Xin cho tôi xem là những ai. Ông xem rồi, trả lại tôi và nói: Tôi chúc mừng Cụ đã chọn được người rất đứng đắn. Sự thực là như thế, chứ không như người ta đã tưởng tượng là người Nhật Bản bắt tôi phải dùng những người của họ đã định trước” ( Chương 4, tr 54).

Vua Bảo Đai và ông Yokohama chỉ xem qua danh sách là ưng ý liền, chứng tỏ 11 vị trong nội các đều là những người trí thức khoa bảng có tài năng và đạo đức nổi tiếng từ lâu trong nước và ngoại quốc.

Còn về việc chủ yếu nhất là hợp thức hóa chủ quyền của quốc gia trên ba thành thị lớn Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và đất Nam Bộ, thì viên Toàn Quyền Trung Tướng Tschihashi Yuitsu cũng đồng ý. Ngày 8 tháng 8 ông ta vào Sài Gòn chờ Cụ TTK vào để làm thủ tục. Nhưng lúc ấy Mỹ đã thả bom nguyên tử trên thành phố Hiroshima rồi và hôm sau thì trên thành phố Nagasaki. Nhật đã đầu hàng vô điều kiện. Về việc thu hồi lãnh thổ từ người Nhật, Cụ viết “Chúng tôi lấy lại toàn lãnh thổ của tổ quốc và làm mọi việc không có điều gì nhục đến quốc thể”(Chương IV, tr 87).

Nói về quan hệ giưa chính phủ Việt Nam và nhà cầm quyền Nhật lúc ấy, Cụ TTK dẫn lời Cựu Hoàng Bảo Đại ở Hương Cảng trả lời một phóng viên một tờ báo bên Pháp “Người Nhật thấy chúng tôi ương ngạnh quá, tỏ ý tiếc đã để chúng tôi làm việc” (Chương 4, tr 87).

“Lúc đầu người Nhật có ý muốn đòi khi chính phủ Việt Nam có việc gì làm quan hệ, phải hỏi trước viên cố vấn, có thuận mới được làm. Tôi bác đi, viện lẽ việc nội trị là việc chúng tôi lẽ nào phải xin phép rồi mới được làm”(tr 87)

Như vậy chính phủ TTK đâu phải là chính phủ bù nhìn của Nhật như những lời tuyên truyền xuyên tạc sự thực. Chính Cụ đã nhìn rõ cái bề trái tối tăm của người Nhật “dùng khẩu hiệu “đồng minh cộng nhục” và lấy danh nghĩa “giải phóng các dân tộc bị hà hiếp”, nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình” (Chương 1, tr 19).

Hơn nữa, nếu xét tình hình phe Trục bên mặt trận Âu Châu vào thời điểm 1944-1945 thì Nhật bên mặt trận Thái Bình Dương đã lẻ loi rồi. Hitler đã tự vẫn ngày 30 tháng 4,1945, và những tướng lãnh Đức sống sót đã chính thức xin đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện ngày 7 tháng 5,1945. Còn Mussolini đã bị dân Ý truất phế từ năm 1943 và bị ám sát ngày 28 tháng 4 năm 1945.

Trên mặt trận Thái Bình Dương, vào tháng 2-1945 quân Mỹ đã chiếm đảo Iwo Jima, cách Tokyo chỉ có 750 hải lý. Đến tháng 4-1945 quân Mỹ chiếm đảo Okinawa sẵn sàng đổ bộ vào đất Nhật. Ngày 16 -7 -1945 Mỹ đã bí mật thử nghiệm thành công bom nguyên tử, thì ngày 26-7 từ Hội Nghị Potsdam ở Đức của phe Đồng Minh, Tổng Thống Mỹ Truman gởi tối hậu thư cho Nhật yêu cầu đầu hàng vô điều kiện nếu không sẽ chịu một sự tàn phá ghê ghớm.

Đó cũng là lý do giải thích tại sao nhà cầm quyền Nhật lại tỏ ra mềm mỏng nhượng bộ như vậy, chứ lúc khởi đầu chiến tranh họ rất hung bạo, tàn nhẫn, kiêu ngạo. Ngay từ cuối năm 1940, họ đã phản bội phe quốc gia của Cụ Phan Bội Châu là người khởi xướng phong trào Đông Du qua Nhật học tập. Nạn đói năm Ất Dậu cũng do người Nhật gây ra.

Sau khi Đức chiếm Paris vào tháng 6,1940, thì thực dân Pháp dưới chính phủ Vichy của thống chế Petain vẫn duy trì hệ thống cai trị ở Đông Dương nhưng ở dưới quyền của phe Trục. Vào tháng 9 năm 1940, quân Nhật từ Quảng Châu bên Tàu đánh vào thành Lạng Sơn, có quân của Việt Nam Phục Quốc Hội của cụ Phan Bội Châu dưới quyền chỉ huy của ông Trần Trung Lập di theo với mục đích nương theo quân Nhật để đánh Pháp. Nhưng người Nhật đã ngầm ký hiệp ước với Pháp, trả lại thành Lạng Sơn cho Pháp khiến cho ông Trần Trung Lập bị Pháp bắt đem xử tử. “Toán quân phục quốc vỡ tan, có một số độ 700 người, trong đó có 40 nữ đảng viên theo ông Hoàng Lương chạy sang Tàu”. (Chương 4, tr 66).

5/ VỀ NGƯỜI TÀU

a/ Các quan tướng của chính phủ Tưởng Giới Thạch:

Khi Nhật đầu hàng chính thức kể từ mùng 2 tháng 9 1945, thì dân Việt Nam bị 3 cái gông cùm đeo vào cổ: quân Pháp trở lại tiếp tục chế độ cai trị thực dân, quân Tàu Tưởng vào đóng các thành thị miền Bắc cho đến Quảng Nam ( vĩ tuyến 16), và Việt Minh Cộng Sản không chế các vùng thôn quê.

Cụ TTK viết:”Mấy ngày trước kỳ họp quốc hội, Việt Minh và Quốc Dân Đảng công kích nhau kịch liệt. Những tướng Tàu như Lư Hán và Tiêu Văn muốn làm tiền, tỏ ra có ý bênh vực Việt Nam Quốc Dân Đảng, sau hình như bọn tướng Tàu ấy được số vàng lớn mới đứng ra dàn xếp….” (Chương 6, tr 97).

Còn một bí ẩn lịch sử liên quan đến bọn tướng Tàu về việc ông Hồ Chí Minh đề nghị ông Bảo Đại đứng ra lập chính phủ lâm thời rồi sau im luôn, thì Cụ TTK chỉ đưa ra một giả đoán không chắc là đúng sự thực. “Theo ý tôi hiểu thì mưu mô của bọn tướng Tàu muốn làm tiền, một mặt làm ra bộ có ý ép ông Hồ Chí Minh phải lui đi để ông Bảo Đại ra lập chính phủ, một mặt xui bọn Quốc Dân Đảng không chịu nhượng bộ, để Việt Minh muốn im chuyện thì phải bỏ tiền ra. Đến khi bọn tướng Tàu được tiền đút lót mới đứng ra dàn xếp cho xuôi chuyện”(Chương 6, tr 99).

b/ Người Tàu nói chung:

Vào tháng 6 -1946 Cụ TTK qua Tàu tìm gặp ông Bảo Đại xem có thể làm gì để tránh chiến tranh với Pháp gây khổ cho đất nước. Cụ đã đi qua Quảng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, Hương Cảng có nhiều nhận định phê phán về con người và văn hóa Tàu trong thời hiện đại.

Khi ở Nam Kinh, trời nóng, tìm buồng tắm công cộng. “Đến lúc vào buồng tắm, trời ơi, thấy một cái bể tắm nước đục như nước rửa bát mà có đến năm sáu người đầy những mụn nhọt, ghẻ lở, đang hì hụp trong cái bể ấy. Trông thấy mà rùng mình rồi, còn ai dám tắm nữa.Song người Tàu quen như thế rồi, không cho là ghê tởm dơ bẩn nữa” (Chương 9, tr 138)

“Tính người Tàu rất cẩu thả, không có làm điều gì cho đúng hẹn……..( giờ giấc chạy xe, gởi thư, điện tín…). “Trước ta thường nghe người Pháp gọi sự hàm hồ cẩu thả của người Tàu là “Chinoiserie”, thật có sang bên Tàu mới hiểu rõ cái tiếng chế nhạo ấy”

“Xưa ta học đạo Nho, ta tưởng nước Tàu là nước đạo gốc ấy, tất người Tàu dù sao cũng còn giữ được cái căn bản nhân nghĩa lễ trí, ngờ đâu cái nền học cũ đã tiêu diệt mất hết cả, chỉ thấy rặt những sự đa trí xảo, lừa dối”.

“Các công chức thì bất cứ việc gì cũng có mánh khóe để ăn hối lộ và những thanh niên phần nhiều xem ra rất xa hoa phù phiếm” (tr 139)

Cụ kết luận: “Dù sao cái cảm tưởng của một người ở phương xa đã từng học theo đạo Nho và chỉ biết nước Tàu nói trong sách cổ, thì thật là một cảm tưởng rất ngao ngán cho giống người học một đàng làm một nẻo”(tr 140).

6/ VỀ PHONG TRÀO CỘNG SẢN

Sau khi chính phủ Hồ Chí Minh nắm quyền kể từ 2 tháng 9 -1945 thì tình thế nhiễu nhương của đất nước càng trở nên bi đát. Ngoại xâm đã tạm bị gạt ra ngoài nhưng cảnh nồi da xáo thịt đau lòng diễn ra giữa phe Cộng Sản và phe Quốc Dân Đảng, chẳng khác gì giữa phe Mao Trạch Đông và Tưởng Giới Thạch bên Tàu.

Cụ TTK viết “Quân Việt Minh chỉ rình cơ hội là đánh quân Quốc Dân Đảng hay bao vây để tiêu diệt lực lượng của đối phương, thành ra hai bên cứ kình địch nhau mãi.” (Chương 6, tr 101)

“Sở công an Việt Minh bắt những người Việt Nam Quốc Dân Đảng hay những người bị tình nghi vào tra tấn cực hình, có khi họ dùng những cách tàn nhẫn ghê ghớm hơn thời Pháp và Nhật cai trị. Ai trông thấy cũng bùi ngùi tủi giận vì gà một nhà mà lại đá nhau dữ bằng mấy gà lạ” (Chương 6, tr 102)

Theo nhận định của Cụ, thì đảng Cộng Sản là một thứ tôn giáo mà niềm tin thần thánh được thay thế bằng sự sùng bái những người như Các Mác, Lê Nin, Sư Ta Lin ( Chương 7: Tôn chỉ và sự hành động của Cộng Sản Đảng, tr105).

“Về đường thực tế, cái đặc sắc của cộng sản là không nhận có luân thường đạo lý, không biết có nhân nghĩa đạo đức như người ta vẫn tin tưởng”

“Dù có nói tranh đấu cho quốc gia hay dân tộc đi nữa, cũng chỉ là cái phương pháp dùng tạm thời trong một cơ hội nào để cho được việc mà thôi, chứ mục đích cốt yếu là tranh đấu cho giai cấp vô sản” (tr 107).

Về ý nghĩa hai chữ “giải phóng” mà người cộng sản thưởng dùng, Cụ nhận định đó chỉ là thay cái cũi này bằng cái cũi khác.

“Cứ như ý tôi thì giải phóng phải theo đúng cái lẽ công bằng, làm cho người ta được ung dung thư thái, được hành động trong một khuôn khổ rộng rãi, ai nấy biết trọng quyền lợi của mọi người theo pháp luật đã định, không bị đàn áp, lừa dối, không bị bắt bớ và giết hại một cách oan ức” (tr 109)

7/ VỀ TÔN GIÁO

Ngược dòng lịch sử về thời Vua Thánh Tổ Minh Mạng (1820-1840), Hiến Tổ Thiệu Trị (1841-1847), Dực Tông Tự Đức (1847-1883), theo Cụ TTK, một trong những nguyên nhân sâu xa của việc nước Pháp đem quân xâm lăng Việt Nam rồi lập nền thuộc địa, đó là chính sách cấm đạo Thiên Chúa, bắt bớ, giết hại giáo sĩ và giáo dân dưới ba triều vua.

Cụ viết trong VNSL, Nhà Nguyễn, Chương III-Thánh Tổ: “Việc giao thiệp của nước Nam ta với các nước ngoại dương mà ngăn trở là bởi có hai lẽ: một là vì sự cấm giảng đạo Thiên Chúa; hai là vì người mình lúc bấy giờ không hiểu thời thế, cứ tự đắc mình là văn minh hơn người, không chịu học tập như ngưới ta mà theo đường tiến bộ”

“Nhà vua một mặt thì cấm đạo, một mặt thì ban những huấn điều ra để khuyên dân giữ lấy đạo chính. Nhưng nhà vua mà dùng uy quyền để giết hại bao nhiêu, thì dân sự lại khổ sở bấy nhiêu, chứ lòng tin tưởng của người ta không sao ngăn cấm được. Vả lại đạo Thiên Chúa cũng là một đạo tôn nghiêm, dạy người ta lấy lòng nhân ái, việc gì mà làm khổ dân như thế ?”

Khi vua Tự Đức lên ngôi lại ra đạo dụ cấm đạo rất nghiêm khắc, giáo sĩ phải tội chết, còn giáo dân không bỏ đạo thì bị khắc chữ váo mặt.

Cụ TTK viết trong VNSL, Nhà Nguyễn, Chương V- Dực Tông “Sức đã không đủ giữ nước mà lại cứ làm điều tàn ác. Đã không cho người ngoại quốc vào buôn bán, lại đem làm tội những người đi giảng đạo, bởi thế cho nên nước Pháp và I -Pha-Nho mới nhân cớ ấy mà đánh nước ta vậy”.

8/ VỀ BẢN THÂN

Cụ TTK sinh năm 1883, là năm vua Tự Đức băng hà và triều đình Huế ký hòa ước Quí Mùi với Pháp nhận quyền bảo hộ. Bắt đầu sự nghiệp giáo dục và văn hóa từ năm 1911, khi đến tuổi về hưu năm 1942, Cụ đã trải qua 31 năm tương đối êm ả của đời dậy học, viết sách.Tưởng đâu được hưu trí dưỡng già ai ngờ vào 10 năm cuối đời Cụ lại vướng vào cơn phong ba bão táp khiến cho phải long đong qua Singapore (Chiêu Nam đảo), Băng Cốc, Quảng Châu, Nam Kinh, Thượng Hải, Hương Cảng, Nam Vang rồi tạ thế năm 1953 ở Đà Lạt.

Trong Chương 1 tr 17 (MCGB), Cụ viết “Tưởng thế là được nghỉ ngơi cho trọn tuổi già. Bởi vì trong một đời có nhiều nỗi uất ức sầu khổ về tình thế nước nhà, về lòng hèn hạ đê mạt của người đời, thành ra không có gì là vui thú”

“Dân Việt Nam bị đói kém đau khổ đủ mọi đường, lại căm tức về nỗi nước nhà suy nhược phải bị đè nén dưới cuộc bảo hộ trong sáu bảy mươi năm, cho nên ai cũng muốn nhân cơ hội ấy mà gây lại nền độc lập đã mong mỏi từ lâu. Tôi là người Việt Nam lẽ nào lòng tôi lại không rung động theo với dịp rung động của người ái quốc trong nước ?” (tr 18).

Khi được vua Bảo Đại ủy nhiệm lập chính phủ, Cụ bàn với giáo sư Hòang Xuân Hãn là việc chọn người phải dựa trên nguyên tắc có học thức, có tư tưởng chính trị, có đạo đức.

“Cách lựa chọn như thế cũng khó, vì từ lâu nay chỉ có những người mềm lưng khéo thù phụng mới được ngôi cao quyền cả, còn những người ngay chính ẩn nấp ở đâu đâu ít ai biết được. Người xu danh trục lợi thì rất nhiều nhưng không phài là người đương nổi những việc trong thời kỳ khó khăn như ngày hôm nay” ( Chương 4,tr 53 )

Đầu năm 1947, khi Cụ đang ở Quảng Châu thì ông Bảo Đại mời Cụ qua Hương Cảng gặp một người Pháp tên Cousseau để bàn về việc tìm một giải pháp cho Việt Nam. Cụ đưa ra bản đề nghị 7 điểm mà quan trọng nhất là người Pháp phải bỏ hẳn chế độ thuộc địa, hủy bỏ Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc, trả lại sự thống nhất ba kỳ cho Việt Nam. Ông Cousseau cũng hứa hẹn Cụ cứ về Sài Gòn ông sẽ lo việc ăn ở trong khi chờ đợi thương thuyết. Nhưng khi về tới Sài gòn vào tháng 2 -1947 thì ông Cousseau cũng chẳng tìm được chỗ ăn chỗ ở như đã hứa. Ít lâu sau có ông Pignon,ủy viên chính trị đến gặp Cụ nhưng cũng chỉ hứa hẹn suông. Hóa ra là người Pháp không muốn trả độc lập hoàn toàn cho Việt Nam theo như đề nghị 7 điểm của Cụ. Họ mưu mô tách Cụ ra khỏi ông Bảo Đại để tìm những người làm việc theo kế hoạch của họ, tức là lập một chính phủ bù nhìn làm bình phong che giấu dân chúng.

Có người kể lại cho Cụ một câu nói của ông Cousseau về Cụ: “Ông Kim đừng mơ tưởng”

“Tôi mơ tưởng cái gì ? Tôi về, nếu mà người Pháp thành thực thì là việc giúp nước trong lúc nguy nan, ngược bằng có ý lừa dối thì thôi, chứ tôi có mưu cầu danh lợi gì mà bảo đừng mơ tưởng?” (Chương 11, tr 153).

Nhưng đến tháng 3-1949 thì người Pháp đã ký một thỏa ước với ông Bảo Đại theo như đề nghị 7 điểm của Cụ đã đưa cho ông Cousseau hai năm trước. Vấn đề là sự thi hành có đúng hay không. Ít ra trên lý thuyết, Cụ cũng thấy thỏa nguyện, còn ai làm thì làm chứ Cụ già yếu rồi không thể ra cáng đáng được nữa. “Và trong quãng đường tôi vừa đi qua, trải bao những cảnh huống đau buồn khổ sở, may nhờ Trời Phật cứu giúp, tôi duy trì được đến bây giờ mà không trụy lạc vào đâu cả, thật là cái phúc lớn vậy” (Chương 12:Lên Nam Vang, tr 167)

Nhớ lại hồi 1945 sau khi Cụ giải tán chính phủ của Cụ vào ngày 25 tháng 8 nhường chỗ cho chính phủ Hồ Chí Minh, Cụ ở lại Huế 3 tháng chờ ra Hà Nội với gia đình, như một thường dân, Cụ viết:”Ấy thế là xong một giấc mộng Nam Kha, bận rộn hơn bốn tháng trời, nghĩ lại thấy nực cười. Khi ở Băng Cốc về, tôi vẫn định bụng không làm gì cả, mà thành ra phải làm việc này đến dự định làm việc nọ, rút cục tay không lại hoàn tay không” (Chương 4, tr88).

Chắc Cụ “nực cười” nhưng cười nghẹn hay là cười ra nước mắt.

Ngày mùng 6 tháng 3-1948 Cụ đi Nam Vang. Ở đây yên tĩnh thảnh thơi, Cụ đọc sách về đạo Phật và đạo Ấn Độ. “Tôi xem cũng nguôi được nhiều điều phiền não. Mỗi khi trời mát mẻ, chiều đến tôi chống cái gậy ra đứng bên bờ sông trông nước chảy mà nghĩ cuộc đời cũng xoay vần trôi nổi có khác gì dòng nước chảy xuôi” (Chương 12, tr 165)

Ngẫm về trò đời chẳng khác gì đóng tuồng trên sân khấu–Cụ đã đóng tuồng suốt 4 tháng với vai trung tín lễ nghĩa liêm sỉ đối chọi với những vai lừa đảo, bịp bợm, mưu mô hèn hạ tráo trở.

“Tôi nhớ lại câu cổ nhân đã nói “Hiếu danh bất như đào danh, đào danh bất như vô danh”(muốn có danh, không bằng trốn danh, trốn danh không bằng không có danh). Người có trí tuệ mà biết giữ mình ở chỗ vô danh là bậc cao sĩ tột bậc, nhưng mình đã trót đeo lấy cai danh vào mình thì phải tìm cách trốn danh vậy” (Chương 12, tr1675-166).

***

Kết luận: Tác phẩm VNSL xuất bản năm 1919 gồm hai quyển:

– Quyến I: Từ Thượng Cổ Thời Đại đến nhà Lê

– Quyển II: Từ thời kỳ Nam Bắc Phân Tranh Trịnh Nguyễn đến 1902

Trong phần Tổng Kết, Cụ viết:”Trước tôi đã dự bị viết một quyển sử nối theo sách này. Tôi đã thu nhặt được rất nhiều tài liệu. Chẳng may đến cuối năm Bính Tuất (1946)có cuộc chiến tranh ở Hà Nội, nhà tôi bị đốt cháy, sách vở mất sạch, thành ra phải bỏ quyển sử ấy không làm được nữa”.(VNSL, Quyển 2, Tổng Kết)

Về cái nhà bị đốt năm 1946 ở phố Hàng Rượu, Cụ viết: “Tôi vẫn chưa hiểu vì lẽ gì họ đốt nhà tôi, hoặc là vì đốt nhà bên cạnh mà cháy lây sang, hoặc là Việt Minh thấy tôi bỏ đi, họ giữ không được, họ cho lệnh đốt nhà cho bõ tức”. (MCGB, Chương 10:Cuộc Pháp Việt Chiến Tranh, tr 145)

Nếu nhà Cụ còn thì hẳn kẻ hậu sinh sẽ được học về giai đoạn lịch sử nước nhà từ 1900 đến 1945 coi như VNSL Quyển III mà tác giả là nhân chứng sống. Giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20 này có biết bao biến động trên thế giới ảnh hưởng đến vận mệnh Việt Nam, như nước Nhật đánh thắng nước Nga năm 1905, cuộc Cách Mạng Tân Hợi lật đổ nhà Thanh năm 1911, cuộc Thế Chiến thứ nhất 1914-1918, cuộc Cách Mạng Cộng Sản ở Nga năm 1917, Đề Án 14 điểm của Tổng Thống Mỹ Wilson năm 1918 cổ võ Quyền Dân Tộc Tự Quyết cho phép các dân tộc tự quyết định về chính quyền của họ. Ở trong nước thì cuộc khởi nghĩa Yên Báy năm 1930 là đỉnh cao của phong trào chống thực dân làm tiền đề cho cuộc kháng chiến sau này.

Khi viết sử, Cụ TTK có những nhận định phê phán rất bổ ích cho người học sử vì Cụ chỉ dựa trên dân tộc tính và nhân tính phổ quát mà không dựa trên một chủ thuyết độc đoán.

Kẻ hậu sinh xin kết thúc bài viết bằng một lời tri ân sâu xa đối với công trình văn hóa và chính trị của Cụ và thành kính thắp một nén hương lòng tưởng niệm 71 năm Cụ ra chấp chánh dù chỉ bốn tháng mà đã xây được nền móng đạo đức dân tộc vững chắc cho cả ngàn năm.

Westminster, CA ngày 11 tháng 4 năm 2016

Nguồn bài đăng

0