Những bài văn thuyết minh hay nhất
Tổng hợp những bài văn thuyết minh hay nhất! Thuyết minh: HỘI THỔI CƠM THI Ở ĐỒNG VÂN. Ở xã Đồng Tháp huyện Đan Phượng có làng Đồng Vân bên dòng sông Đáy. Nhân dân sinh sống bằng cấy lúa, trồng màu và có nghề đan lát rổ rá. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng, làng ...
Tổng hợp những bài văn thuyết minh hay nhất!
Thuyết minh: HỘI THỔI CƠM THI Ở ĐỒNG VÂN.
Ở xã Đồng Tháp huyện Đan Phượng có làng Đồng Vân bên dòng sông Đáy. Nhân dân sinh sống bằng cấy lúa, trồng màu và có nghề đan lát rổ rá. Hằng năm, cứ đến ngày rằm tháng giêng, làng Đồng Vân thường mở hội rước nước, hát chèo và thổi cơm thi. Hội thổi cơm thi ở đây có nhiều nét độc đáo về quy trình lấy lửa cũng như cách nấu, đậm màu sắc hài hước dân gian.
Người dự thi được tuyển chọn từ các xóm trong làng. Bắt đầu vào hội thi, trống chiêng điểm ba hồi, các đội hình dự thì xếp hàng trang nghiêm làm lễ dâng hương trước cửa đình đề tưởng nhớ vị thành hoàng làng có công cứu dân, độ quốc. Hội thi bắt đầu bằng việc lấy lửa trên ngọn cây chuối cao. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh thoăn thoắt leo lên thân cây chuối rất trơn vì đã bôi mỡ. Có người leo lên, tụt xuống, lại leo lên,... Có người phải bỏ cuộc, người khác lại leo lên, quang cảnh hết sức vui nhộn. Khi lấy được nén hương mang xuống, ban tổ chức phát cho ba que diêm châm vào hương cháy thành ngọn lửa. Người trong đội vót mảnh tre già thành những đũa bông châm lửa và đốt vào những ngọn đuốc. Trong khi đó, người trong nhóm dự thi nhanh tay giã thóc, giần sàng thành gạo, lấy nước và bắt đầu thổi cơm. Những nồi cơm nho nhỏ treo dưới những cành cong hình cánh cung được cắm rất khéo léo từ dây lưng uốn về trước mặt. Tay cầm cần, tay cầmđuốc đung đưa cho ánh lửa bập bùng. Các đội thổi cơm đan xen nhau uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ nồng nhiệt của người xem hội.
Khoảng sau một giờ rưỡi, những nồi cơm lần lượt được đem trình trước cửa đình. Ban giám khảo mở nồi cơm chấm theo ba tiêu chuẩn: gạo trắng, cơm dẻo và không có cơm cháy. Các nồi cơm được đánh số ứng với người dự thi để giữ bí mật với ban giám khảo. Cuộc thi nào cũng hồi hộp và việc giật giải đã trở thành niềm tự hào khó có gì sánh nổi đối với dân làng.
Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân là sinh hoạt văn hóa cổ truyền được bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên dòng sông Đáy xưa. Hội thi là dịp trai tráng trong làng đua tài khỏe mạnh, thông minh khi lấy lửa, là dịp gái làng thể hiện bàn tay khéo léo để có cơm dẻo tiếp binh lương. Hội còn vang lên những trận cười hồn nhiên, sảng khoái của người nông dân sau những ngày lao động mệt nhọc. Với những nét đặc sắc của mình, hội thổi cơm thi Đồng Vân đã góp phần giữ gìn và phát huy những nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hóa hiện đại hôm nay.
Thuyết minh: BƯỞI PHÚC TRẠCH.
Trên các miền hoa trái nước ta, có bốn loại bưởi nổi tiếng: bưởi Đoan Hùng ở Phú Thọ, bưởi đỏ Mê Linh ở Vĩnh Phúc, bưởi Long Thành ở Đồng Nai và bưởi Phúc Trạch ở Hà Tĩnh. Người sành nhìn hình dáng quả đã có thể biết được bưởi vùng nào. Nếu đúng là bưởi Phúc Trạch thì quả không tròn, đỉnh quả không dô ra, dáng hơi dẹt đầu cuống và đầu núm,vỏ anh ánh màu vàng mịn, không bị rỗ. Nâng trên lòng bàn tay, vở thấm vào da một cảm giác mát mẻ và thoang thoảng hương thơm. Chỉ dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ vào vỏ, xung quanh nơi ấn màu vỏ sáng lên và li ti hiện ra một lớp tinh dầu mơ hồ thoảng mùi hương dìu dịu,...
Vỏ bưởi Phúc Trạch mỏng chứ không dày như nhiều loại bưởi khác. Cầm con dao sắc, gọt nhẹ, màu hồng đào trồi lên mịn màng như má cô gái dậy thì. Gọt sâu vào một chút nữa, cái màu hồng đào ấy càng đậm hơn, càng đằm thắm hơn. Cuối cùng, dí mũi dao lên đỉnh quả rạch dọc xuống múi chia thành nhiều phần đều đặn, rồi dùng tay bóc,... Những múi bưởi hiện ra một màu hồng quyến rũ. Tách ra từng múi, tép bưởi chen chúc nhau mọng lên đầy ắp hương vị hấp dẫn. Dĩ nhiên là vị của nó không cay the, không chua nhưng cũng không ngọt đậm, mà ngọt thanh. Càng ăn càng thích. Ăn nhiều không chán.
Chẳng mấy ai dùng bưởi cho người ốm ăn, mà thường dùng cam. Ấy thế mà ở Hà Tĩnh, người ta cố mua cho được bưởi Phúc Trạch khi trong nhà có người ốm đau... Già nua tuổi tác, người mệt mỏi, miệng khô, được ăn múi bưởi Phúc Trạch cảm thấy tỉnh táo, dễ chịu. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, thương binh được ưu tiên dành phần bưởi. Có côgái vượt núi hàng chục ki-lô-mét chỉ cốt mang cho được mấy quả bưởi đến một trạm quân y. Các anh bộ đội qua làng, nghỉ chân dưới gốc đa, mấy bà mẹ gánh nước chè xanh và mang bưởi ra tiếp. Vị ngọt thanh của bưởi làm tiêu tan nỗi mệt nhọc trên đường hành quân.
Trước cách mạng tháng Tám, loại quả này có đem bán ở Hồng Kông và theo Việt Kiều sang Paris được người Pháp ưa thích. Năm 1938 trong một cuộc thi “Hoa thơm quả ngọt”, bưởi Phúc Trạch được tặng đạo sắc và kèm theo một số tiền thưởng. Ban giám khảo xếp vào hàng “Quả ngon xứ Đông Dương”.
Bài học tuổi thơ
Thằng con tôi 11 tuổi, học lớp sáu. Qua mùa thi chuyển cấp, nhân một buổi chiều đi chơi mát, nó kể... Đang hỏi nó về chuyện thi cử, nó chợt hỏi lại:
- Ba! Có bao giờ ba thấy một bài luận văn nào không điểm không? Còn sốkhông cô cho bự bằng quả trứng gà. Không phải cho bên lề, mà một vòng tròn giữa trang giấy. Thiệt đó ba. Chuyện ngay trong lớp của con, chứ không phải con nghe kể đâu.
Tôi chưa kịp hỏi, nó tiếp:
- Còn thua ba nữa đó, ba ít nhất ba cũng được nửa điểm. Còn thằng bạn con, con số không bự như quả trứng.
Thằng con tôi ngửa mặt cười, có lẽ nó thấy thú vị thời học trò của ba nó ít nhất cũng hơn được một đứa.
Sốlà cách đây vài năm, có một nhà xuất bản gửi đến các nhà văn nhà thơ quen biết trong cả nước một câu hỏi, tôi còn nhớ đại ý, nhà văn nhà thơ thời thơ ấu học văn như thế nào, sau đó in thành sách Nhà văn. Tôi kể, hồi tôi học ở trường Trung học Nguyễn Văn Tố(1948 - 1950) tôi là một học sinh trung bình, và môn văn không đến nỗi liệt vào loại kém, nhưng không có gì tỏ ra là người có khiếu văn chương. Và có một lần, bài luận văn của tôi chỉ được có một điểm trên hai mươi (1/20). Đó là kỉ niệm không quên trong đời học sinh của tôi, môn văn:
Tôi hỏi con tôi:
- Luận văn cô cho khó lắm hay sao mà bạn con bị không điểm?
- Luận văn cô giáo cho “Trò hãy tả một buổi làm việc ban đêm của bố”.
- Con được mấy điểm
- Con được sáu điểm.
- Con tả ba như thế nào?
- Thì ba làm việc làm sao con tả vậy.
- Mấy đứa khác, bạn của con?
Thằng con tôi chợt nhớ, nó liền liến thoắng:
- À! Có một thằng ba nó không hề làm việc ban đêm mà nó cũng được sáu điểm đó ba.
- Đêm ba nó làm gì?
- Nó nói đêm ba nó thường đi nhậu.
- Nói ba nó đi nhậu à?
- Dạ, không phải. Ba nólàm việc ban ngày nhưng khi nó tả thìnó tả ba nó làm việc ban đêm, ba hiểu chưa?
- Còn thằng bạn bị không điểm, nó tả như thế nào?
- Nó không tả không viết gì hết, nó nộp giấy trắng cho cô.
- Sao vậy?
- Hôm trả bài lại cho lớp, cô gọi nó lên, cô giận lắm, ba. Cô hét “Sao trò không làm bài”.Nó cúi đầu làm thinh. Cô lại hét to hơn: “Hả?”, nó cũng làm thinh. Tụi con ngồi dưới, đứa nào cũng run.
- Nó là học trò loại “cá biệt” à?
- Không phải đâu ba, học trò tiên tiến đó ba.
- Sao nữa? Nó trả lời cô giáo như thế nào?
- Nó cứ làm thinh. Tức quá, cô mới quất cây thước xuống bàn cái chát: “Sao trò không làm bài?” Tới lúc đó nó mới nói: “Thưa cô, con không có ba”. Nghe nói, hai con mắt cô mở tròn như hai cái tô. Cô đứng sững như trời trồng vậy ba!
Tôi bỗng nhập vai vào cô giáo. Tôi thấy mình ngã khụyu xuống trước đứa học trò không có ba.
Sau đó cô và cả lớp mới được biết, bạn ấy mồ côi cha khi vừa mới lọt lòng mẹ. Ba bạn ấy hi sinh trên chiến trường biên giới. Từ đó, má bạn ấy ở vậy, tần tảo nuôi con...
Có người bảo bạn: “Sao mày không tả ba của đứa khác?”, bạn không đáp, cúi đầu, hai giọt nước mắt chảy dài xuống đôi má.
Chuyện của đứa học trò bị bài văn không điểm đã đểlại trong tôi một nỗi đau. Em bị không điểm, nhưng với tôi - người viết văn, là một bài học, bài học trung thực. Sáng tạo không đồng nghĩa với bịa đặt.
Giữa những dòng bịa đặt và trang giấy trắng, tôi xin đề trang giấy trung thực trên bàn viết.
NGUYỄN QUANG SÁNG - (Lược trích)
Một lần và mãi mãi.
Cứ giữa trưa bọn trẻ chúng tôi lại rủ nhau tụ tập dưới tán câybàng ở giữa làng. Thằng Bá, một thằng mập ú, không ngoan và lanh lợi nhấttrong bọn, đứng ra cầm đầu chúng tôi. Nó phân chúng tôi ra thành hai nhóm. Xong đâu đấy, nó đưa hai ngón tay vào mồm huýt lên một hồi còi. Lập tức chúng tôi xông vào cuộc quần nhau chí tử với quả bóng được bện bằng giẻ rách. Một lúc sau, Bá lại đưa hai ngón tayvào mồm huýt lên một hồi còi nữa. Đó là hiệu lệnh bảo chúng tôi nghỉ, đến quán bà Bảy Nhiều mua kẹo, mua đường “bồi dưỡng”. Lập tức đứa nào đứa nấy đều thò tay vào túi áo lôi ra những tờ bạc nát nhàu mà chúng tôi cạy cục xin mẹ, rồi chạy ù đi...
Quán bà Bảy Nhiều là một cái chòi tranh rách nát được dựng lên trước mặt một ngôi nhà tranh vách đất cũng rách nát như vậy. Bà Bảy Nhiều sống có một mình. Trước đây mắt còn tinh, nhưng độ hai năm nay bà bị lòa. Người ta bảo nhà bà ở gần động cát quá, gió thổi cát vào mắt nhiều lần, lâu ngày mà nó như vậy.
Chúng tôi nhao nhao:
- Bán cho con một tán đường, bà.
- Bán cho con hai viên kẹo bi, bà.
Bà Bảy run run đưa bàn tay trái lên cầm tiền của chúng tôi, bỏ ngay vào cơi trầu bà đặt dưới bàn, tay phải quờ quờ lục vào các lọ lấy kẹo, đường cho từng đứa. Hầu như không bao giờ bà đếm tiền. Bà tin chúng tôi.
Trưa hôm đó, sau hiệu lệnh của thằng Bá, tôi cho tay vào túi. Những tờ bạc lẻ mà mẹ tôi cho đã biến đâu mất. Tôi ngần ngừ một lúc, nhưng nỗi thèm ngọt đã khiến cho tôi lủi thủi theo sau các bạn mong được “ăn ghẹ” của một đứa nào đó. Giữa đường, nghĩ xấu hổ, tôi quay lại...
- Sao mày không đi mua đường, mua kẹo? - Thằng Bá đi phía sau hỏi tôi.
- Tao không có tiền.
Thằng Bá cười sằng sặc:
- Chớ hồi giờ tao đâu có tiền mà vẫn mua được kẹo.
Tôi ngạc nhiên:
- Chớ lâu nay mày mua bằng thứ gì?
Bá không trả lời ngay. Nó kéo tôi sát lại gần, rút ra trong túi mấy tờ giấy đã viết, được cắt gọn ghẽ như những tờ giấy bạc, nó nói thầm:
- Tao chuyên đưa cho bà Bảy những tờ giấy này. Bà mù, bả đâu có thấy - Nó ngừng một lát rồi nói tiếp - Tao có ba tờ, tao cho mày một tờ. Mày đợi tụi nó mua xong, cuối cùng mình mới mua.
Tôi ngần ngại một lát nhưng cuối cùng cũng cầm tờ giấy lộn. Tôi có cảm giác khi cầm tờ “bạc giả” của tôi, mắt bà Bảy như có tia sáng lóe lên. Nhưng bà không nói gì, vẫn bỏ nó vào cơi trầu và đưa tán đường đen cho tôi...
Ngày hôm sau, sự việc vẫn lặp lại như hôm trước. Có điều, khi tôi và Bá đến quán thì không thấy có chuyện mua bán xảy ra. Các bạn đếntrước đều đứng túm lại giữa quán nhìn sững vào trong nhà bà Bảy. Trong nhà có tiếng người lao xao. Một bác nông dân quen biết trong làng đang ngồi trước cửa vừa giở cơi trầu của bà Bảy ra đếm tiền, vừa nói vọng ra:
- Tụi bây về đi. Bà Bảy trúng gió chết hồi hôm rồi.
Chúng tôi sững sờ, đứng im không nhúc nhích - Bác nông dân lẩm bẩm điều gì rồi quay vô nhà nói với ai đó:
- Sốtiền này vừa đủ mua một chiếc chiếu gói bả đây - Im lặng một lúc rồi bác tiếp - bả mù mà tinh thật. Bọn xỏ lá mà đưa giấy lộn cho bả, bả cũng nhận rồi gói riêng ra...
Tôi và Bá đứng như chôn chân dưới đất. Sống lưng lạnh buốt...
Từ đó đến nay đã bốn mươi năm trôi qua, bạn bè của tôi không còn đủ như trước. Thằng Bá bây giờ trở thành một nông dân, ngày ngày đánh trâu cày trên rộc cát khô khốc mong tìm từng củ khoai lang để nuôi bầy con cháu đông đúc. Riêng tôi may mắn, được đi tập kết, được học hành để trở thành một nhà văn. Cứ mỗi lần về quê, tôi lại rủ Bá ra thăm mộ bà Bảy Nhiều. Cả hai đều đứng lặng, miệng lầm rầm mong bà tha thứ...
Trong đời, có những điều ta lầm lỡ, không bao giờ có dịp để sửa chữa được nữa.