Ngược dòng thời gian tìm hiểu cách sắp đặt các Thần Chủ trong Bảo Khám ở gian giữa Hưng Miếu và Thế Miếu
Bố trí các Bài Vị Nguyễn Văn Nghệ Hiện nay trong bảo khám ở gian giữa Hưng miếu có hai thần chủ của Hiếu Khang hoàng đế và Hiếu Khang hoàng hậu (song thân của vua Gia Long). Cả hai thần chủ đều nhìn về hướng nam. Bảo khám ở gian giữa Thế miếu có ba thần chủ: thần chủ chính ...
Nguyễn Văn Nghệ
Hiện nay trong bảo khám ở gian giữa Hưng miếu có hai thần chủ của Hiếu Khang hoàng đế và Hiếu Khang hoàng hậu (song thân của vua Gia Long). Cả hai thần chủ đều nhìn về hướng nam. Bảo khám ở gian giữa Thế miếu có ba thần chủ: thần chủ chính giữa bảo khám là của vua Gia Long và hai thần chủ đứng hai bên là của Thừa Thiên Cao hoàng hậu và Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Cả ba thần chủ đều nhìn về hướng nam. Chúng ta cùng đi ngược dòng thời gian để tìm hiểu cách sắp đặt các thần chủ trong bảo khám ở gian giữa Hưng miếu và Thế miếu có giống như cách sắp đặt hiện nay không?
Bảo khám gian giữa Hưng miếu vào tháng 9 năm Quý Dậu (1813)
Tháng 9 năm Giáp Tý (1804) miếu Hoàng Khảo làm xong và cho rước thần chủ Hiếu Khang hoàng đế (húy Nguyễn Phúc Luân- thân sinh vua Gia Long- mất ngày Quý Mùi, tháng 9 năm Ất Dậu[1765]. Thọ 33 tuổi) lên miếu Hoàng Khảo để yên vị(1).Vị trí miếu Hoàng Khảo vào thời điểm ấy nằm ngay tại vị trí Thế miếu hiện nay. Tháng 2 năm Tân Tỵ (1821) vua Minh Mạng cho di dời miếu Hoàng Khảo lui về phía bắc khoảng 50 mét để dành vị trí dựng Thế Tổ miếu thờ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu (mẹ Đông cung Cảnh) và đổi tên Hoàng Khảo miếu thành Hưng Tổ miếu(gọi tắt là Hưng miếu)(2).
Ngày Kỷ Sửu, tháng 9 năm Tân Mùi (1811) hoàng thái hậu mất (thân mẫu vua Gia Long, húy Nguyễn Thị Hoàn).Thọ 74 tuổi.Tháng 9 năm Quý Dậu, sau khi cử hành lễ đại tường cho hoàng thái hậu, vua cho rước thần chủ hoàng thái hậu thăng phụ thờ lên miếu Hoàng Khảo.Ngày rước, vua Gia Long thân đến làm lễ. Khi rước thần chủ của hoàng thái hậu “do bên hữu đi lên đặt yên bên hữu bảo tọa của Hiếu Khang hoàng đế, ngoảnh về hướng đông”(3)
Như vậy trong bảo khám chỉ có thần chủ Hiếu Khang hoàng đế ngoảnh về hướng nam và thần chủ của Hiếu Khang hoàng hậu ngoảnh về hướng đông. Cách sắp đặt giống như ở Thái miếu: “liệt thánh hoàng hậu phối hưởng vào gian thờ các hàng mục đều ở bên hữu trông về hướng đông”
Bảo khám thờ vua Gia Long vào năm Nhâm Ngọ (1822)
Tháng giêng năm Nhâm Ngọ (1822) Thế miếu làm xong( nhà chính và nhà trước đều chín gian hai chái; hai bên tả hữu hai nhà vuông; chính giữa sân là gác Hiển Lâm ba tầng; bên tả là cửa Tuấn Liệt trên có lầu chuông; bên hữu là cửa Phong Công trên có lầu trống; phía trước có tả vu hữu vu thờ các vị tòng tự; tường vây có năm cửa: phía trước là cửa Miếu, phía tả là cửa Khải Địch, phía hữu là cửa Sùng Thành, phía trước bên tả là cửa Hiển Hựu, bên hữu là cửa Đốc Hựu. Cửa Phong Công sau đổi làm Sùng Công)
Ngày Ất Mão, tháng giêng năm Nhâm Ngọ(1822), vua Minh Mạng đem bầy tôi rước thần chủ Thế tổ Cao hoàng đế( vua Gia Long) và Thừa Thiên Cao hoàng hậu( mẹ Đông cung Cảnh)từ điện Hoàng Nhân lên Thế miếu(4).
(Vua Gia long mất ngày Đinh Mùi tháng chạp năm Kỷ Mùi (1820).Thọ 58 tuổi.Thuận Thiên Cao hoàng hậu (húy Tống Thị Lan) đã mất trước đó vào ngày Ất Mùi tháng 2 năm Giáp Tuất (1814). Thọ 54 tuổi
Trước đó thần chủ của Thừa Thiên Cao hoàng hậu được thờ ở điện Hoàng Nhân. Điện Hoàng Nhân được dựng vào tháng 3 năm Giáp Tuất (1814) ở phía bắc bên ngoài tường Thái miếu(5). Sau khi lễ ninh lăng vua Gia Long xong, đã cho rước thần chủ vua Gia Long đến điện Hoàng Nhân hợp tự(6). Năm Minh Mạng thứ 10(1829) đổi tên điện Hoàng Nhân thành điện Phụng Tiên(7) và năm Minh Mạng thứ 18 (1837) cho dời dựng điện Phụng Tiên đến địa điểm ở phía bắc bên ngoài tường Thế miếu)(8).
Bảo khám của Thế tổ Cao hoàng đế được đặt ở gian chính giữa Thế miếu.Thần chủ của Thế tổ Cao hoàng đế đặt chính giữa bảo khám và phía hữu của thần chủ Thế tổ Cao hoàng đế là thần chủ Thừa Thiên Cao hoàng hậu.Cả hai thần chủ đều ngoảnh về hướng nam.
Bảo khám thờ vua Gia Long ở Thế Miếu vào tháng 11 năm Mậu Thân (1848)
Vào ngày Canh Tý, tháng 9 năm Bính Ngọ (1846) Thuận Thiên Cao hoàng hậu mất (mẹ vua Minh Mạng, húy Trần Thị Đang). Thọ 79 tuổi.
Đến tháng 11 năm Mậu Thân(1848) vua Tự Đức cho rước thần chủ Thuận Thiên Cao hoàng hậu lên phụ thờ ở án chính Thế miếu. Trước đó bộ Lễ cũng đã bàn việc phụ thờ Thuận Thiên Cao hoàng hậu sao cho hợp với điển lễ: “ Xét trong sách các lễ chế đều lấy mẹ đích thờ chung vào. Duy người chủ tự nào là con mẹ thứ, thì đem mẹ thứ thờ ở bên mẹ đích, một là lấy chính thể làm tôn; một là lấy tôn thống làm trọng. Quốc triều ta gian giữa ở Thái miếu, về bên tả thờ Thái tổ Gia Dụ hoàng đế, về bên hữu thờ Gia Dụ hoàng hậu đều trông hướng nam. Các gian tả hữu thờ liệt thánh hoàng đế,đều trông hướng nam.Thờ liệt thánh hoàng hậu phối hưởng vào gian thờ các hàng chiêu đều ở bên tả trông hướng tây, phối hưởng vào gian thờ các hàng mục đều ở bên hữu trông về hướng đông.Duy có gian thứ hai bên tả, thì thờ Thái tôn Hiếu Triết hoàng đế và Từ Mẫn Hiếu Triết hoàng hậu đều trông hướng nam. Từ Tiên Hiếu Triết hoàng hậu thờ ở dưới Từ Mẫn Hiếu Triết hoàng hậu trông về hướng tây” và “ Lại xét nhà giữa Thế miếu, thờ thần chủ của Thế tổ Cao hoàng đế và Thừa Thiên Cao hoàng hậu đều trông hướng nam. Nay xin tuân theo thể chế tôn thờ ở gian thứ hai bên tả nhà Thái miếu, phụ thờ thần chủ của Thuận Thiên Cao hoàng hậu ở gian giữa Thế miếu , thờ ở dưới Thừa Thiên Cao hoàng hậu, hơi lui về mạn đông, trông về hướng tây…Lời bàn đã được chuẩn y, đến đây mới đem thi hành”(9)
Ngày rước thần chủ của Thuận Thiên Cao hoàng hậu lên phụ thờ ở gian giữa Thế miếu, vua Tự Đức sai Diên Khánh công thay mặt làm lễ: “ kiệu phượng thần chủ đến cửa giữa nhà miếu đi vào, đến trước cửa gác Hiển Lâm, Diên Khánh công ôm thần chủ Cao hoàng hậu, do bên tả đường dũng đạo đến bên tả thềm giữa, lên đến gian chính giữa cột trụ đằng trước đứng đấy, quan bộ Lễ vào đọc lời khấn, xong, Diên Khánh công ôm thần chủ do bên tả lên đặt trong bảo khám nhà giữa bên dưới chỗ thần ngự bên tả, hướng về tây, rồi mới làm lễ đại hưởng; hoàng thân, các quanđứng bồi tế như nghi tiết, duy có nhã nhạc đặt ra mà không cử nhạc”(10)
Nếu sắp đặt đúng vị trí các thần chủ trong bảo khám ở gian giữa Thế miếu theo đúng điển lễ xưa thì chỉ có thần chủ vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu nhìn về hướng nam và thần chủ của Thuận Thiên Cao hoàng hậu đứng bên tả thần chủ vua Gia Long nhưng lưng thần chủ Thuận Thiên Cao hoàng hậu xoay vào vách đông bảo khám và mặt thần chủ nhìn về hướng tây.
Hiện nay, khi nhìn vào bảo khám ở gian giữa Thế miếu, khó mà nhận biết đâu là thần chủ của Thừa Thiên Cao hoàng hậu, đâu là thần chủ của Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Bởi vì ba thần chủ đều nhìn về hướng nam!
Vậy Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nên điều chỉnh lại vị trí thần chủ của Hiếu Khang hoàng hậu ở Hưng miếu và của Thuận Thiên Cao hoàng hậu ở Thế miếu cho đúng với điển lễ mà triều đình đã bàn định.
Chú thích:
1-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 616
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr.374, 402
2 -Quốc sử quán triều Nguyễn,Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 117
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa,tr. 375
3-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 866
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr. 403
4-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr.180
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr.181
5 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 1, Nxb Giáo dục, tr. 822; 899
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa,tr. 388
6 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 56
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr. 388
7 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 2, Nxb Giáo dục, tr. 920
-Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr.391
8- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 5, Nxb Giáo dục,tr. 16; 109
9 -Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tập 7, Nxb Giáo dục, tr. 106
-Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tập 1-2, Nxb Thuận Hóa, tr.190
10- Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ tập 6, Nxb Thuận Hóa, tr. 406