24/05/2018, 23:29

Nhạc tiền chiến

Bối cảnh ra đời của nhạc tiền chiến cũng chính là bối cảnh ra đời của tân nhạc Việt Nam. Đó là Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, xuất hiện sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn vài năm. Sau Thế chiến thứ nhất, ở Việt Nam ...

Bối cảnh ra đời của nhạc tiền chiến cũng chính là bối cảnh ra đời của tân nhạc Việt Nam. Đó là Việt Nam những năm đầu thế kỷ 20, xuất hiện sau phong trào thơ mới và dòng văn học lãng mạn vài năm.

Sau Thế chiến thứ nhất, ở Việt Nam xuất hiện một giai cấp mới, đó là giai cấp tư sản. Chủ nghĩa tư bản của người Pháp cùng với nền văn hóa phương Tây vào Việt Nam gây nên những xáo trộn lớn. Nhiều giá trị tư tưởng bền vững mấy ngàn năm trước đó lại bị giới trẻ có tây học xem thường, thậm chí trở thành đối tượng để mỉa mai của nhiều người. Một tầng lớp tiểu tư sản ở thành thị hình thành.

Giai cấp tư sản và một bộ phận tiểu tư sản lớp trên (trí thức, viên chức cao cấp) đã có một lối sinh hoạt thành thị mới với nhiều tiện nghị theo văn minh Tây phương . Họ ở nhà lầu, đi ô tô, dùng quạt điện, đi nghe hòa nhạc. Sinh hoạt của tư sản và tiểu tư sản thành thị cũng thể hiện ngay cả trong cách ăn mặc của thanh niên, mốt quần áo thay đổi mỗi năm. Những đổi thay về sinh hoạt cũng đồng thời với sự thay đổi về ý nghĩ và cảm xúc. Những thay đổi đó cũng do sự tiếp xúc với văn hóa lãng mạn Pháp.

Nếu như những nhà văn lãng mạn, thi sĩ của phong trào thơ mới chịu ảnh hưởng bởi văn học lãng mạn Pháp thì những nhạc sĩ tiền chiến cũng chịu ảnh hưởng bởi âm nhạc phương Tây.

Đầu thế kỷ 20, những bài hát Âu Mỹ được phổ biến mạnh mẽ tại Việt Nam dưới hình thức đĩa hát loại 78 tours (vòng), hoặc trên màn ảnh những phim nói. Các thanh niên thời đó không còn thích đàn tranh, đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt nữa mà thay vào đó là mandoline, guitare hơn nữa là violon, piano để có thể làm quen với những bài hát nước ngòai mà họ ưa thích. Rồi họ bắt đầu soạn lời Việt cho những ca khúc nước ngoài, chủ yếu để hát trong bạn bè cho nhau nghe.

Nhưng người thành công nhất trong việc sử dụng nhạc điệu Âu Mỹ để đưa ra những bài hát mới, chính là nghệ sĩ Huỳnh Thủ Trung tức Tư Chơi. Ông vừa là diễn viên, vừa là soạn giả và còn muốn là người soạn nhạc nữa cho nên ông đã sáng tác những ca khúc ngắn mà ông gọi là "bài ta theo điệu tây" và soạn ra những tiểu ca kịch (opérette) mà ông đặt tên là "hoạt kê hài hước" (opérette comique) trình diễn trên sân khấu các đoàn hát xuất xứ từ miền Nam là Trần Đắt và Phước Cương (gánh hát của Bạch Công Tử) vào khoảng 1933-1934.

Trên sân khấu các đoàn Trần Đắt và Phước Cương, ngoài việc soạn ra những tích tuồng mới phản ảnh xã hội Việt Nam vào lúc đó, nghệ sĩ Tư Chơi còn muốn cải cách cả phần âm nhạc. Ông không muốn dùng các bài bản có tính chất cổ truyền như Lưu Thủy, Hành Vân trong opérette của mình. Với sự phổ biến của máy hát chạy bằng lò xo, những "bài hát theo thời" (chansons à la mode) Âu Mỹ đã bắt đầu thịnh hành trong xã hội đô thị Việt Nam. Những bài Pháp như J'ai Deux Amours, Quand On Est Matelot... đã được nhiều người biết đến.

Có thể nói việc làm của nghệ sĩ Tư Chơi đã thành công. Một số bài dù khởi đầu phóng tác từ một điệu Tây, về sau được coi là điệu Việt Nam hoàn toàn. Ví dụ bài Hoà duyên nằm trong nhạc mục của ngành ca kịch cải lương, ít người biết nó khởi sự là một bài ta theo điệu Tây của Tư Chơi, Huỳnh Thủ Trung.

Cùng một lúc với việc Tư Chơi tung ra trên sân khấu những "bài ta theo điệu tây", thì trong giới yêu nhạc cũng có phong trào chuyển ngữ các bài hát Tây do các ca sĩ thời thượng như Tino Rossi, Rina Ketty, Albert Préjean, Georges Milton... hát vào đĩa hát 78 tours (vòng). Các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam như Ái Liên, Kim Thoa, lại được các hãng đĩa của người Pháp Odéon, Béka mời thu thanh các bài ta theo điệu tây.

Trong năm từ 1935 cho tới 1938, rất nhiều các bài hát của Pháp như Marinella, C'est à capri, Tant qu'il y aura des étoiles, Un jour loin de toi, Celle que j'aime éperdument, Les gars de la marine, L'Oncle de Pékin, Guitare d'amour, Créola, Signorina, Sous les ponts de Paris, Le plus beau tango du monde, Colombella... (phần lớn là sáng tác của nhạc sĩ người Pháp Vincent Scotto) và của Mỹ như Good bye Hawaii, South of the border... đã được phổ biến mạnh mẽ với lời ca tiếng Việt, soạn bởi một nhà báo trẻ tên là Mai Lâm và bởi những tác giả vô danh khác.

Đã có những hội "Ái Tino" được thành lập ở Hà Nội, ở Hải Phòng... Một thanh niên có giọng hát tốt, sau này là một nhạc sĩ được nhiều người biết tới, nhạc sĩ Canh Thân, bắt đầu cuộc đời ca hát của anh bằng cái tên Tino Thân.

Phạm Duy gọi giai đoạn từ 1935 cho tới 1938 là Thời kỳ chuẩn bị của Tân nhạc Việt Nam

Năm 1938 được coi là điểm mốc đánh dấu sự hình thành của tân nhạc Việt Nam với những buổi biểu diễn và thuyết trình của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên tại Hà Nội.

Bài hát được công nhận ca khúc đầu tiên của tân nhạc là Cùng nhau đi Hồng binh của Đinh Nhu sáng tác 1930. Sau Cùng nhau đi Hồng binh, cũng có nhiều nhạc sĩ khác bắt đầu sáng tác ca khúc như Bẽ bàng (1935), Nghệ sĩ hành khúc (1936) của Lê Yên, Tiếng sáo chăn trâu (1935), Bên hồ liễu (1936), Bóng ai qua thềm (1937) của Văn Chung, Xuân năm xưa (1936) của Lê Thương. Nhưng các nhạc sĩ đó sáng tác và trình bày những ca khúc của mình chỉ trong phạm vi bạn bè. Nguyễn Văn Tuyên là người đầu tiên trình bày ca khúc nhạc cải cách trước công chúng và sau đó những bài hát này được phổ biến rộng rãi trên báo chí.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên khi đó ở Sài Gòn, là người Việt duy nhất tham gia hội Ái Nhạc (Philharmonique). Ông bắt đầu hát nhạc Tây và đạt được cảm tình của báo chí và radio. Năm 1937 Nguyễn Văn Tuyên phổ một bài thơ của một người bạn và viết thành ca khúc đầu tiên của ông. Nhà thơ Nguyễn Văn Cổn, khi đó làm việc cho đài Radio Indochine, có đưa thơ cho Nguyễn Văn Tuyên và giúp ông soạn lời ca. Nguyễn Văn Cổn còn giới thiệu ông với thống đốc của Nam Kỳ (Cochinechina) khi đó là Pagès (có tài liệu ghi Rivoal). Thống đốc Nam Kỳ nghe Nguyễn Văn Tuyên hát và đã mời ông du lịch tới Pháp để tiếp tục học nhạc, nhưng Nguyễn Văn Tuyên từ chối vì lý do gia đình. Thay vì vậy ông lại đề nghị và được thống đốc Pagès tài trợ đi một vòng Việt Nam tới các thành phố Huế, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định để quảng bá những bài nhạc mới này. Chính Nguyễn Văn Cổn là người đặt tên cho loại nhạc mới là "âm nhạc cải cách" (musique renovée).

Tới Hà Nội vào tháng 3 năm 1938, Nguyễn Văn Tuyên có nói chuyện tại hội Trí Tri. Nhưng trong cuộc vận động cải cách, ông đã gặp một cử tọa đông đảo, ồn ào không trật tự. Một phần thất bại buổi đó do giọng nói địa phương của ông được ít người hiểu. Hơn nữa, có thể nhiều thanh niên Hà Nội lúc đó cho rằng việc hô hào của ông là thừa, vì bài hát cải cách đã có sẵn tại đó.

Tại hội Tri Tri Hải Phòng, Nguyễn Văn Tuyên đã may mắn hơn. Tuy số khán giả chỉ độ 20 người, nhưng ông đã có người thông cảm. Trong buổi nói chuyện này, một vài nhạc sĩ của Hải Phòng cũng trình một bản nhạc mới của miền Bắc. Sau đó nhân kỳ hội của trường Nữ Học Hoài Đức, Nguyễn Văn Tuyên còn trình bày tại rạp chiếu bóng Palace một lần nữa. Và lần này cử tọa rất tán thưởng giọng hát của ông trong bài Bông cúc vàng.

Tiếp đó tháng 9 1938, tờ Ngày Nay của Nhất Linh, một tờ báo uy tín bấy giờ, cho đăng những bản nhạc đầu tiên Bông cúc vàng, Kiếp hoa của Nguyễn Văn Tuyên, Bình minh của Nguyễn Xuân Khoát, Bản đàn xuân của Lê Thương, Khúc yêu đương của Thẩm Oánh, Đám mây hàng, Cám dỗ của Phạm Đăng Hinh, Đường trường của Trần Quang Ngọc...

Nhiều ca khúc sáng tác từ trước được các nhạc sĩ phát hành. Đầu 1939, nhiều bản nhạc của các nhóm, nhạc sĩ được bày bán tại các hiệu sách. Tân nhạc Việt Nam chính thức hình thành.

Nguyễn Xuân Khoát

Được xem như người anh cả trong tân nhạc Việt Nam. Nguyễn Xuân Khoát tuy sáng tác không nhiều vào thời kỳ tiền chiến nhưng những sáng tác của ông lại làm nên những mốc giá trị. Trước khi tác phẩm đầu tay là Bình minh ra đời, ông đã có nhiều bài khảo cứu hay thuyết trình cho sự cải cách nhạc Việt, được đăng nhiều kỳ trên báo Ngày nay của Tự Lực Văn Đoàn. Tác phẩm Mầu thời gian của ông phổ thơ Đoàn Phú Tứ, vừa ra đời đã được hoan nghênh lớn.

Lê Thương

Nhạc sĩ Lê Thương khi đó dạy học ở Hải Phòng. Ông là một trong những người có sáng tác sớm nhất. Lê Thương cùng Hoàng Quý, Hoàng Phú (tức nhạc sĩ Tô Vũ), Phạm Ngữ, Canh Thân tụ họp thành một nhóm ca nhạc sĩ trẻ để bắt đầu sáng tác và hát phụ diễn cho những buổi diễn kịch nói của nhóm kịch Thế Lữ. Ông đã để lại nhiều ca khúc, đặc biệt là những bài truyện ca bất hủ như Bản đàn xuân, Nàng Hà Tiên, Một ngày xanh, Thu trên đảo Kinh Châu và Hòn vọng phu.

Văn Cao

Văn Cao cũng ở Hải Phòng. Ban đầu ông thuộc nhóm Đồng Vọng của Hoàng Quý và có những sáng tác đầu tay như Buồn tàn thu, Vui lên đường. Năm 1941, Văn Cao lên Hà Nội, ông đã viết những nhạc phẩm giá trị vượt thời gian như Trương Chi, Thiên Thai, Suối mơ, Bến xuân... Sau đó Văn Cao tham gia Việt Minh và viết Tiến quân ca năm 1944 và Trường ca Sông Lô năm 1947.

Đặng Thế Phong

Đặng Thế Phong thuộc nhóm Nam Định, nhưng ông sớm rời bỏ thành phố để lên Hà Nội. Đầu 1941 Đặng Thế Phong vào Sài Gòn rồi sang Campuchia. Cuối 1941 ông trở lại Hà Nội và mất vào năm 1942 bởi bệnh lao. Đặng Thế Phong chỉ để lại ba nhạc phẩm Đêm thu, Con thuyền không bến và Giọt mưa thu. Các sáng tác của ông được xem là tiêu biểu cho dòng nhạc tiến chiến và có ảnh hưởng đến những nhạc sĩ sau đó.

Phạm Duy

Ban đầu là ca sĩ của gánh hát Đức Huy, nên Phạm Duy còn được xem như một trong những người đầu tiên đem thể loại nhạc này đi phổ biến khắp mọi miền đất nước. Phạm Duy gia nhập làng nhạc sĩ năm 1942 với bài Cô hái mơ, phổ thơ Nguyễn Bính, tiếp đó là những bản nhạc lãng mạn như Cây đàn bỏ quên, Tình kỹ nữ, Tiếng bước trên đường khuya hay đậm chất dân ca như Em bé quê, Tình ca, Bà mẹ quê, Gánh lúa...Phạm Duy và Văn Cao là hai người bạn thân nên thường giúp đỡ nhau trong nghề, họ từng sáng tác chung các ca khúc Bến xuân, Suối mơ.

Phạm Duy là người có công đầu trong việc đem chất dân ca vào tân nhạc, điều này khiến nhạc cải cách xích lại gần với tầng lớp nông dân, dân nghèo.

Nhóm Myosotis

Myosotis có nghĩa là hoa lưu ly, nhóm nhạc này gồm các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Dương Thiệu Tước, Phạm Văn Nhượng, Trần Dư, Vũ Khánh... trong đó hai thành viên quan trọng nhất là Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước. Hai xu hướng chính của nhóm là:

* Sáng tác nhạc mới nhưng có âm hưởng nhạc dân tộc do Thẩm Oánh chủ trương.

* Sáng tác hoàn toàn theo nhạc ngữ Tây phương do Dương Thiệu Tước chủ trương.

Từ 1938 cho tới 1942, nhóm Myosotis với hai nhạc sĩ chính Thẩm Oánh và Dương Thiệu Tước đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, phần lớn theo phong cách trữ tình lãng mạn.

Nhóm Tricéa

Nhóm Tricéa gồm ba thành viên Văn Chung, Lê Yên và Doãn Mẫn. Tên nhóm Tricéa có nghĩa: 3 chữ C và 3 chữ A được viết tắt từ tiếng Pháp: Collection Des Chants Composés Par Des Artistes Annamites Associés: "Tuyển chọn các tác phẩm âm nhạc của nhóm người viết nhạc Annam".

Những năm khoảng 1939, nhiều ca khúc của nhóm được quần chúng yêu thích như: Ca khúc ban chiều, Trên thuyền hoa, Bóng ai qua thềm của Văn Chung; Biệt ly, Sao hoa chóng tàn, Tiếng hát đêm thu của Doãn Mẫn; Bẽ bàng, Xuân nghệ sĩ hành khúc, Ngựa phi đường xa, Vườn xuân của Lê Yên. Cả ba nhạc sĩ của Tricéa đều thành công, trong đó hơn cả là Doãn Mẫn. Họ đã để lại nhiều nhạc phẩm giá trị, một số trong đó được đánh giá vượt thời gian

Nhóm Đồng Vọng

Nhóm Đồng Vọng được thành lập năm 1939 bởi nhạc sĩ Hoàng Quý, xuất phát từ những tráng sinh biết âm nhạc của phong trào Hướng đạo. Xuất hiện ngay từ những năm đầu, gồm nhiều nhạc sĩ tên tuổi Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, Canh Thân và Hoàng Phú (tức Tô Vũ), Đồng Vọng mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam.

Ngoài những bản hùng ca viết cho thanh niên, phong trào khỏe và hướng đạo, nhóm Đồng Vọng còn để lại nhiều bản tình ca khác. Cùng với nhóm Nhóm Tổng Hội Sinh Viên của Lưu Hữu Phước, Đồng Vọng đã có những ảnh hướng lớn tới tân nhạc Việt Nam.

Nhóm Tổng Hội Sinh Viên

Tổng Hội Sinh Viên được thành lập bởi nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Cùng với nhóm Đồng Vọng, Tổng Hội Sinh Viên mở ra dòng nhạc hùng trong tân nhạc Việt Nam, nhưng so với Đồng Vọng thì Tổng Hội Sinh Viên manh tính chính trị nhiều hơn.

Tổng Hội Sinh Viên được khởi đầu trong nhóm sinh viên ở Hà Nội trong đó nhiều sinh viên miền Nam tỏ ra có khả năng văn nghệ. Tổng Hội Sinh Viên chú trọng đặc biệt đến việc dùng Tân nhạc trong việc đấu tranh chính trị chống Pháp và Nhật. Lưu Hữu Phước cùng với nhóm sinh viên trong Tổng Hội đã tung ra nhiều ca khúc giá trị khơi dậy lòng yêu nước trong dân chúng, đặc biệt là những học sinh, sinh viên. Những ca khúc như Tiếng gọi sinh viên, Hồn tử sĩ, Bạch Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Hờn Sông Gianh... đã để lại dấu ấn trong lịch sử tân nhạc Việt Nam.

Từ năm 1946, nhiều nhạc sĩ lên chiến khu và viết ca khúc kháng chiến của Việt Minh chống Pháp. Nhưng nhiều người trong số họ vẫn có những sáng tác lãng mạn như Nguyễn Văn Tý với Dư âm, Trần Hoàn với Sơn nữ ca, Lê Mộng Nguyên với "Trăng Mờ Bên Suối", Tô Hải với Nụ cười sơn cước, Việt Lang với Tình quê hương...

Trong vùng đô thị Pháp tạm chiếm, cả hai dòng nhạc yêu nước và lãng mạn tiếp tục được trình diễn trên đài phát thanh, trong vũ trường và các quán rượu. Năm 1950, tạp chí Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội đã xuất bản một danh mục hơn 300 ca khúc Việt Nam họ đã phát thanh gồm cả những bài hát lãng mạn và những bài hát mới được sáng tác dành cho những người lính kháng chiến trong rừng núi. Cho tới lúc chấm dứt hoạt động vào năm 1954, họ đã phát thanh được hơn 2000 bài của hơn 300 tác giả.

Sau năm 1954, Việt Nam chia làm hai miền với chế độ khác nhau. Những nhạc sĩ tiền chiến ở lại miền Bắc không còn sáng tác, hoặc không phổ biến những ca khúc trữ tình lãng mạn. Những nhạc phẩm tiền chiến cũng giống như các tác phẩm văn học lãng mạn (ví dụ tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn) không được phép lưu hành. Những bài hát ở miền Bắc khi đó thường để cổ vũ chiến đấu, xây dựng đất nước, đấu tranh cách mạng... và được xếp vào dòng nhạc đỏ.

Một số nhạc sĩ khác di cư vào miền Nam năm 1954 như Hoàng Trọng, Văn Phụng... hoặc từ trước đó như Lê Thương, Phạm Duy... và những nhạc sĩ trẻ hơn như Phạm Đình Chương, Cung Tiến... đã tiếp tục dòng nhạc tiền chiến tại miền Nam.

Những nhạc sĩ này trong khoảng 1954 đến 1975 có những sáng tác đa dạng, trong đó nhiều ca khúc của họ vẫn được xếp chung vào dòng nhạc tiền chiến, có thể kể đến là Mộng dưới hoa, Trường ca Hội trùng dương, Đôi mắt người Sơn Tây của Phạm Đình Chương, Hương xưa, Thu vàng của Cung Tiến. Những nhạc phẩm tiền chiến thường xuyên được trình diễn và thu âm bởi những tiếng hát hàng đầu như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Duy Trác, Sĩ Phú, Hà Thanh, Hoàng Oanh (Bài Thơ Huế, Nhớ Huế... của Lê Mộng Nguyên)

Tại Việt Nam

Tại Việt Nam sau 1975, phần lớn những ca khúc tiền chiến vẫn không được lưu hành. Cho tới năm 1987, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đưa ra quyết định "cởi trói văn nghệ", một số bản nhạc tiền chiến mới được trình diễn trở lại. Từ đó, những nhạc phẩm của Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Đặng Thế Phong,Lê Mộng Nguyên... được các ca sĩ trình diễn nhiều nơi, trong đó phải kể đến những nỗ lực của ca sĩ Ánh Tuyết.

Những năm đầu thế kỷ 21, những ca khúc đầu tiên của dòng tân nhạc ấy vẫn thường xuyên được các ca sĩ trẻ trình diễn và thu âm. Và một vài người trong số đó đã thanh danh nhờ dòng nhạc này.

Ở hải ngoại

Sau sự kiện 30 tháng 4 1975, nhiều ca sĩ và nhạc sĩ của miền Nam rời Việt Nam định cư tại nhiều nước trên thế giới, tập trung nhất ở Hoa Kỳ. Tại hải ngoại, các nhạc sĩ như Phạm Đình Chương, Văn Phụng, Hoàng Trọng, Cung Tiến... ít sáng tác. Có thể nói không nhạc phẩm nào ra đời ở hải ngoại được xếp vào dòng nhạc tiền chiến.

Nhưng dòng nhạc đó vẫn được yêu thích, những ca sĩ đã thành danh trước 1975 như Khánh Ly, Lệ Thu, Thái Thanh, Hà Thanh, Mai Hương, Quỳnh Giao, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Hoàng Oanh... hay những ca sĩ trẻ như Trần Thái Hòa, Ngọc Hạ... thường xuyên trình diễn những nhạc phẩm này.

0