03/06/2017, 23:37

Nhà văn Nga Lê-ô-nit Lê-ô-nốp có nói: "Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung". Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên. (Bài 2)

Pauxtôpxki đã từng nói, đại ý: Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Vâng, đã và mãi là như thế. Nhà văn là những sứ giả của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật, tâm hồn người đọc như thanh cao hơn, trong sáng và phong phú hơn bởi những cảm nhận tinh tế và sâu lắng về tình ...

Pauxtôpxki đã từng nói, đại ý: Nhà văn là người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp. Vâng, đã và mãi là như thế. Nhà văn là những sứ giả của cái đẹp. Bước vào thế giới văn chương nghệ thuật, tâm hồn người đọc như thanh cao hơn, trong sáng và phong phú hơn bởi những cảm nhận tinh tế và sâu lắng về tình đời, tình người. Tất cả được thể hiện qua ngôn ngữ, qua những hình tượng nghệ thuật sinh động, đặc sắc. Ta cứ đi mãi, đi mãi, lòng không thôi hứng thú, ngỡ ngàng bởi mỗi nhà văn dẫn ta theo ...

Câu nói trên đây của nhà văn Nga Lêônit Lêônôp là một quan điểm nghệ thuật, là một yêu cầu lớn đối với mỗi nhà văn - yêu cầu về sáng tạo trong nội dung và sáng tạo trong hình thức. Nghệ thuật, bản thân hai chữ ấy đã bao hàm cái đẹp, bao hàm sự sáng tạo. Bởi thẩm mĩ là thuộc tính của nghệ thuật và sáng tạo là phẩm chất cao nhất của người làm nghệ thuật. “Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”. Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa sự đúc kết lớn lao từ thực tiễn sáng tác của nhiều cây bút và của chính bản thân người phát biểu. Đấy là chân lí của sáng tạo nghệ thuật. “Phát minh về hình thức” và “khám phá về nội dung”, đó là hai yêu cầu sóng đôi, gắn bó với nhau như hình với bóng. Hình thức chẳng phải là cái gì khác mà chỉ là sự thể hiện của nội dung, đem tất cả cái bên trong tạo thành hình thức bên ngoài. Một nội dung nhân văn phải được thể hiện bằng một hình thức nhân văn; cũng như có “khám phá về nội dung” mới có được “phát minh về hình thức”. Và nhà văn chỉ có thể có được phong cách, diện mạo riêng khi có được cách nhìn riêng độc đáo và biết cách lạ hóa cái nhìn của mình bằng một hệ thống các phương tiện biểu hiện riêng. Tất nhiên, nét độc đáo đó phải mang vẻ đẹp thẩm mĩ, phải hướng tới cái đẹp. Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, nó khác với các lĩnh vực khác. Nếu nhiều sản phẩm vật chất có thể sản xuất hàng loạt, theo những công thức, sơ đồ có sẵn, thì sản phẩm của nghệ thuật, của văn chương chỉ có thể là đơn nhất, là cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình. Nhà văn không thể “làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho” như một người thợ thủ công, mà “phải biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi, và sáng tạo những cái gì chưa có” (Nam Cao). Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Tuân từng tâm sự, khi ngồi trước trang giấy để sáng tác như đứng trước pháp trường trắng. Nhà văn phải tìm lấy hướng đi riêng của mình. Nói như thế để thấy được yêu cầu nghiêm khắc của nghệ thuật đối với mỗi nghệ sĩ. Nghệ thuật chỉ “kết duyên” với những người biết tạo nên và nuôi lớn những nét riêng độc đáo của chính mình. Tất nhiên, như vậy nhà văn đó phải có tài năng và tâm huyết.
 
“Mỗi tác phẩm phải là một phát minh về hình thức” có nghĩa là mỗi nghệ sĩ phải tìm ra cho mình một bút pháp, một hướng thể hiện mới mẻ trong nghệ thuật. Nếu bắt chước người khác, nhà văn chẳng khác nào người đeo mặt nạ. Và dĩ nhiên, mặt nạ đó chỉ có thể đánh lừa được người khác trong giây phút, chẳng hề có giá trị gì. Điểm gặp của các nhà văn lớn là lòng nhân ái, là những tác phẩm có giá trị gì, hướng con người tới điều cao cả, tốt đẹp bằng những thể hiện riêng trong hình thức biểu hiện, từ cấu tứ đến ngôn ngữ, giọng điệu, cách xây dựng nhân vật. Điều hấp dẫn đến kì diệu là có thể cùng viết về một đề tài, nhưng tác giả không thể lặp lại chính mình. Vì thế nó tạo nên một phong cách đa dạng mà nhất quán. Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trước sau chỉ có một đề tài chống đế quốc, chống thực dân, chống phong kiến, hướng tới tự do, độc lập và chủ nghĩa xã hội, nhưng chất thép ở mỗi tác phẩm lại có những biểu hiện khác nhau, khi là vần thơ Đường đậm cốt cách Á Đông, khi là những truyện kí với bút pháp sắc sảo rất Pháp. Cùng mục đích đả kích Khải Định nhân chuyện hắn sang Pháp dự đấu xảo thuộc địa với dụng tâm xấu xa, đê tiện, nhưng ngòi bút của Người biến hóa linh hoạt, tài tình: Khi dùng văn chính luận, khi là những bài báo vạch mặt kẻ thù, khi là kịch (Con rồng tre); khi để Khải Định xuất hiện trực tiếp trong lời mắng của bà Trưng Trắc, khi lại vẽ chân dung hắn qua một tình huống nhầm lẫn (Vi hành). Muốn tranh thủ sự ủng hộ của công chúng Pháp, Người đã tìm được nhiều cách thể hiện tài tình. Những truyện kí gọn, ngắn mà linh hoạt, biến hóa không chỉ mang tính chất thời sự, không chỉ có ý nghĩa trên mỗi trang báo Pháp từ những năm 1922, mà còn có ý nghĩa với ngày nay. Đó là dấu ấn của một nghị lực phi thường, nghị lực của một chiến sĩ cách mạng kiên cường.
 
Nguyễn Tuân có lần đã từng nói đại ý: Khi viết văn, nhà văn phải làm việc bằng ngũ giác quan bưng đến cho người đọc những món ăn ngon nhất. Làm được điều đó không phải là dễ dàng. Nhà văn phải không ngừng khổ luyện để tạo nên những “món ăn” độc đáo. Ở đó không phải là câu chữ nữa mà là sự sống ngát hương. Chẳng hạn sau khi cùng Nguyễn Tuân nhìn sóng, nhìn gió, nhìn thủy quái Đà giang, ta thả hồn cùng ông chiêm ngưỡng hình ảnh con sông Đà “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong vùng trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Câu văn trải dài như con sông Đà tuôn dài... Đó là thơ hay là nhạc, là họa, ta cũng không biết nữa, chỉ biết lòng ta như bay lên lâng lâng trong niềm hứng thú kì diệu. Phải chăng con sông Đà duyên dáng đã tạo nên câu văn duyên dáng ấy? Niềm say mê với vẻ đẹp thơ mộng trữ tình của Đà giang đã khiến Nguyễn Tuân tạo cho mình một nghệ thuật thể hiện tài tình. Nương ngô mươn mướt xanh, cỏ xanh mơn mởn biếc, đẫm nát sương đêm. Tất cả sự sống Đà giang như bừng nở trong những dòng văn Nguyễn Tuân. Là nhà văn mà cũng là họa sĩ, nhà nhiếp ảnh. Nguyễn Tuân đã vẽ nên bức tránh sông Đà, đồng thời đóng dấu nghệ sĩ mình vào đó. Ông xứng đáng với cái định nghĩa về người nghệ sĩ bằng những gì đã tìm tòi, sáng tạo.
 
Nhà văn phải luôn luôn độc đáo. Trước đây, xã hội phong kiến thù ghét cái tôi của cá nhân, cá thể của con người, khiến con người không dám thể hiện những gì thuộc về cá nhân mình, sáng tác văn chương cũng phải theo một công thức có sẵn. Mãi đến khoảng những năm 30, với sự ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, nhu cầu giải phóng cá nhân làm bừng nở những hình thức biểu hiện mới mẻ. Những câu thơ hai chữ, thơ hình tam giác, thơ bảy, tám chữ, thơ bậc thang... rất phong phú xuất hiện trong phong trào Thơ mới. Cho đến hôm nay, nhu cầu đổi mới vẫn luôn được đặt ra với thơ ca. Có người theo phương châm “câu chữ bầu lên nhà thơ”, có người theo xu hướng thơ phản thơ. Không thể phủ nhận đấy là những hướng tìm tòi bạo dạn, mới mẻ. Nhưng thiết nghĩ, nhà thơ nên đặt ra cho mình yêu cầu làm sao thơ giàu chất thẩm mĩ; thơ là thơ nhưng cũng là cuộc sống, “là tiếng nói đồng điệu đi tìm những tâm hồn đồng điệu” (Tố Hữu). Người làm thơ muốn có sự giao cảm với người đọc phải tìm những hướng thể hiện mới mẻ nhưng gần gũi, mới mẻ nhưng không quái dị. Người nghệ sĩ luôn tìm sự thể hiện độc đáo nhưng phải giản dị, không nên cầu kì. Hê-minh-uê với nguyên lí tảng băng trôi, rồi Nam Cao, Thạch Lam, những nhà văn lớn, có bút pháp nghệ thuật rất cao, nhưng cũng rất giản dị, giản dị đến tài tình.
 
Là “phát minh về hình thức” nhưng đồng thời cũng phải là sự “khám phá về nội dung”. Người đọc đến với văn học không chỉ để giải trí mà trước hết để tâm hồn phong phú, giàu có. Những “khám phá về nội dung” của mỗi tác giả khác nhau đem đến cho độc giả những cảm nhận khác nhau. Những “khám phá về nội dung” ấy không phải là những gì xa lạ, phù phiếm ở một thế giới xa vời nào mà ở ngay chính trong cuộc đời trần thế. Những đề tài trong cuộc sống là có hạn, nhưng lại trở thành vô hạn trong sự tìm tòi vô hạn của người nghệ sĩ. Nhà văn phải “khơi những nguồn chưa ai khơi” - nguồn ấy là nguồn đời, nguồn tình không bao giờ vơi cạn. Để có được những “khám phá về nội dung” ấy, nhà văn phải có cách nhìn riêng mới mẻ. “Cái đẹp không phải ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở đôi mắt của kẻ si tình”. Nếu các nhà thơ cùng thời chán đời trần thế, tìm đến cõi Thiên thai, hay đi về nước Chàm xa xưa, thì Xuân Diệu yêu đời, khát khao giao cảm với đời, với vẻ đẹp trần thế. Tất cả cuộc sống hiện lên thật đẹp qua ánh mắt “xanh non” của nhà thơ:
 
Của ong bướm này đầy tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì.
 
Nỗi đau của con người là bể khơi vô tận. Nếu V. Huygô khơi sâu vào nỗi đau của những người khốn khổ dưới đáy xã hội, thì L. Tônxtôi đi vào bi kịch tinh thần của người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc như Anna Karênina. Nếu Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan. thể hiện sự bần cùng hóa của người nông dân, thì Nam Cao không chỉ thể hiện điều đó, ông còn khơi sâu và thể hiện đau đớn hơn bao giờ hết bi kịch không được làm người lương thiện của những con người bị tha hóa (Chí Phèo). Nếu Nguyễn Trung Thành thể hiện chủ nghĩa anh hùng cách mạng qua câu chuyện bi hùng của dân làng Xô Man (Rừng xà nu), thì Nguyễn Minh Châu thể hiện không kém phần sâu sắc đáy sâu tâm hồn con người - nơi có “sợi chỉ xanh óng ánh” không bao giờ tắt, không bao giờ phai nhạt qua bom đạn chiến tranh. Tất cả những khám phá, tìm tòi đó đưa lại những cảm nhận mới mẻ cho tâm hồn người đọc. Có người nói trong thơ phải có hai con người: một đứa trẻ và một ông già. Đứa trẻ thơ để ngắm nhìn, lắng nghe, cảm nhận, còn ông già để viết, để thể hiện qua hình thức... Đứa trẻ thơ trong nhà thơ khiến nhà thơ nhìn sự vật bằng con mắt đầu tiên. Người đọc say mê, đắm hồn mình cùng tác giả, bỗng nhận thấy tâm hồn mình đẹp hơn, thơ hơn. Ta yêu hơn một chiều quê với mùi âm ẩm bốc lên của đất quê hương. Ta bỗng thấy lòng như dào dạt yêu thương hơn với những người xung quanh, với thế giới tạo vật. Ở đây, văn học thật sự là một người thầy, người bạn giúp ta sống đẹp hơn. Vinh quang thay sứ mệnh của người nghệ sĩ! Để có được những “khám phá về nội dung” không phải dễ dàng. Nhà văn phải sống sâu sắc với cuộc đời để cảm nhận cuộc đời. Nhà văn phải để tâm hồn mình dào dạt yêu thương, luôn nghĩ suy, trăn trở trước những câu hỏi nóng bỏng của cuộc đời. Và nhà văn chỉ có thể có được những hiểu biết đúng đắn về cuộc đời khi có lòng yêu thương con người. Trước khi làm người đọc rung động, nhà văn phải rung động; trước khi làm người đọc khóc, tác giả phải rơi nước mắt. Và thật kì diệu, qua dòng nước mắt, cuộc đời như đẹp hơn, lung linh hơn, sáng bừng lên những phẩm chất người. Nhà văn khám phá và thể hiện bằng ánh sáng tỏa ra từ đôi mắt, từ tấm lòng, từ trái tim. Chính cái tâm sáng tỏa ra một nghệ thuật sáng. Người ta thường nói đến cái phút “thần trợ” của thơ. Những câu thơ thiết tha của Hoàng Cầm:
 
Em ơi buồn làm chi
Anh đưa em về sông Đuống...
 
Mà tác giả tưởng như có người đọc cho mình viết thực ra là tiếng nói bật ra từ trái tim ấp ủ lâu ngày. Có lần, Tố Hữu đã nói rất đúng: “Thơ chỉ bật ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Nhà văn chỉ có thể có những sáng tạo tới độ chín nghệ thuật khi đã sống hết mình với cuộc đời, với chính mình. Một nhà văn Nga cũng đã có lần cho rằng, nhà văn phải biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình và biết làm cho ấn tượng ấy có sự biểu hiện riêng biệt. Có lẽ đó cũng là cách nhấn mạnh đến yêu cầu trải nghiệm của người cầm bút. Tất nhiên cùng với cách nhìn, với cái tâm chân chính, nhà văn còn cần có tài năng và sự khổ luyện. Cũng là hư cấu nghệ thuật, nhưng mỗi nhà văn lại có cách hư cấu riêng, thể hiện những hình tượng nghệ thuật, nhưng mỗi nhà văn lại có cách hư cấu riêng, thể hiện những hình tượng nghệ thuật đặc sắc, bộc lộ một cách tập trung nhất tâm hồn, tình cảm của nhà văn. Nhà văn là người cho máu, máu cho tâm hồn, máu của trí tuệ. Nguyễn Tuân viết văn với ngũ giác quan, có nhà thơ trăn trở đêm ngày có khi chỉ vì một từ, một chữ. Hiểu được điều đó ta càng trân trọng lao động nghệ thuật của nhà văn.
 
Tóm lại câu nói của Lêônit Lêônôp thực sự là một chân lí nghệ thuật, chân lí của sự sáng tạo. “Một tác phẩm phải là một phát minh về hình thức và một khám phá về nội dung”, đó là hai yêu cầu song hành, gắn bó chặt chẽ với nhau. Sự “phát minh”, “khám phá’ đó đều phải đạt đến độ chân thật, giản dị. Bởi hơn bao giờ hết, chân thật là một phẩm chất của nghệ thuật.
 
Nhà văn phải chân thật với cuộc đời, chân thật với chính bản thân mình. Chỉ có như thế mới đưa lại sự chân thực trong thể hiện, khám phá. Đó là cái gốc tạo nên giá trị văn học.
 
Xuân Quỳnh từng nói đại ý: Thơ như người phụ nữ, cái để ta làm quen là vẻ đẹp trang sức. Cái để ta sống lâu dài với nó là đức hạnh. Điều đó không chỉ đúng với thơ mà đúng với văn chương nghệ thuật nói chung. “Phát minh về hình thức” đưa đến cho ta những hứng thú trước sự thể hiện mới mẻ; nhưng “khám phá về nội dung” của nghệ sĩ lại đưa đến cho ta niềm cảm phục, yêu mến nhà văn. Cái tâm bao giờ cũng là gốc để cái tài nở hoa kết trái.

WeagmaZoorm

0 chủ đề

23911 bài viết

Có thể bạn quan tâm
0