25/05/2018, 14:35

Nguyễn Văn Hiển

Hình Đức Hòa Thượng trên Bảo Tháp chùa Phi Lai - Châu Đốc , còn gọi là Tổ Phi Lai Hòa Thượng Thích Chí Thiền (1861 - 1933) là một nhân vật tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ...

Hình Đức Hòa Thượng trên Bảo Tháp chùa Phi Lai - Châu Đốc

, còn gọi là Tổ Phi Lai Hòa Thượng Thích Chí Thiền (1861 - 1933) là một nhân vật tiêu biểu cho thế hệ danh Tăng ở miền Tây Nam bộ nửa đầu thập kỉ hai mươi. Có thể nói rằng ông đã có những đóng góp công sức to lớn trong phong trào chấn hưng (1931-1950), góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển Phật giáo Việt Nam.

Thân thế

Ông sinh tháng hai năm Tân Dậu (1861) tại thôn Chiêm Sơn (trước đây là xã) sau dời nhà qua thôn Phú Bông, xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xuất thân và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nhiều đời làm quan, trong số đó ông nội ông là Đức Tiền Quân Nguyễn Văn Thành và thân phụ ông vốn là quan võ dưới triều Gia Long sau bị mất tước vị do vụ án của ông Tiền Quân Thành. Do lo buồn việc gia đình, tuổi cao nên cha ông qua đời khi ông còn nhỏ tuổi, ông thụ hưởng dòng máu danh tướng cùng với sự dạy dỗ rất nghiêm khắc của mẹ, vì thế ông là người văn võ song toàn. Đồng thời do gia đình ông đã đi theo đạo Phật từ lâu đời. Quê gốc của dòng họ ông ở làng Bác Vọng huyện Quảng Điền tỉnh Thừa Thiên Huế, vốn là phủ của chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà thờ tổ họ Nguyễn ở cạnh chùa mà Thích Đại Sán đã từng ở nên chịu tác dộng của tư tưởng Phật giáo. Dòng họ ông gắn bó lâu đời với đạo Phật nên từ thuở nhỏ ông chịu ảnh hưởng của đạo Phật. Ông còn vốn là người có bản tính hiền lành và hay giúp người.

Đôi nét về sự nghiệp

Vào năm Mậu Dần (1878), vua Tự Đức bổ nhiệm ông làm quan Hậu Bố tại tỉnh Khánh Hòa. Mặc dù làm quan, nhưng vì có nghĩa khí cộng với lòng yêu nước nồng nàn, nên ông bí mật cùng anh mình tham gia phong trào khởi nghĩa Văn Thân chống thực dân Pháp. Phong trào bị thực dân Pháp đàn áp rất dã man và sau đó thì tan rã. Anh ông và ông bị bắt trong một trận vây càn của Pháp ở gần Thánh địa Mỹ Sơn. Trong lúc xử chém những người bị bắt, tên cai đội người Việt đã thả ông vì tưởng bắt lầm, ông nhỏ người và có dáng vẻ yếu ớt, nhờ vậy mà ông may mắn thoát chết, chạy lánh nạn vào nam. Ông vào tới Gia Định, để tránh sự lùng bắt của mật thám Pháp và triều đình nhà Nguyễn, cũng như để tránh liên lụy đến gia đình.

Năm Tân Tỵ (1881), để ẩn mình ông vào tu chùa Giác Viên Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), được sư Phương Minh húy Minh Mai (sư Minh Khiêm là sư y chỉ) thu nhận làm đệ tử đời thứ 39 của dòng thiền Lâm Tế với pháp húy Như Hiển hiệu Chí Thành (do cử tên ông nội nên sau này đổi thành Chí Thiền). Than ôi! nhà có con hiếu cha mẹ chẳng cho ở không, Đạo thường có kẻ chân tu thì Phật thường giao cho gánh nặng. Trong thời gian này ông theo thầy tổ để học đạo, sống rất kham khổ và phát nguyện sửa cầu, bồi lộ, bửa củi, gánh nước, giả gạo... suốt ba năm. Sau đó phát nguyện đóng chuông ngày sáu thời ròng rã suốt ba tháng, tiếp theo ông đấp đất xây nền chùa Giác Viên ngày trăm xe cho đến khi hoàn tất, lại nguyện nhập thất tịnh khẩu thêm ba năm nữa, được thầy ban pháp ấn. Ông cùng thầy của mình lo xây dựng chùa Giác Sơn, khi chùa được khánh thành ông được cử làm thủ tọa coi sóc trong ngoài chùa Giác Sơn. Chẳng bao lâu sau hòa thượng Giác Sơn viên tịch vào năm Kỷ Hợi (1899), ông lại kiêm nhiệm trụ trì chùa Giác Sơn.

Khoảng năm Nhâm Ngọ (1900), sau khi sắp đặt mọi chuyện trong chùa xong, ông cùng một đệ tử từ giã hết tất cả huynh đệ đi thẳng vào vùng núi Thất Sơn (thuộc tỉnh An Giang ngày nay) một mặt là để ẩn dật tu hành, mặt khác là để quyết chí làm việc lớn. Ban đầu ông ở tại núi Cấm (ở vị trí đặt Phật Di Lặc hiện nay) một thời gian sau ông được thỉnh về trụ trì tại chùa Phi Lai (hay còn gọi là Phi Lai cổ tự) tại Châu Đốc, nguyên là ngôi chùa vách đất, vắng vẻ hoang vu. Ông đã mộ dân phu, Phật tử, cùng hương chức địa phương khẩn hoang thành lập các nông trại làm ruộng. Ngoài ra ông còn tổ chức mua bán khoai, muối... để có kinh phí xây dựng chùa, giúp đỡ mọi người trong cơn khốn khó. Đây vốn là vùng biên giới Việt Miên nhiều khó khăn nhưng nhờ uy đức và hạnh nguyện, ông đã biến nơi đây thành chốn già lam đông đúc các Tăng ni tín đồ đến thọ pháp, cuộc sống người dân quanh vùng có nhiều biến đổi mới mẻ, góp phần chan hòa được đời sống vật chất lẫn tinh thần của hai dân tộc Việt Miên.

Đất nước Việt Nam từ triều vua Tự Đức, phải gánh chịu rất nhiều thiên tai lũ lụt. Nhất là trận bão lụt lớn năm Giáp Thìn (1904) đã cuốn trôi hàng ngàn nhà cửa, ruộng vườn, súc vật, tài sản và ngay cả mạng sống con người thị xã Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay). Trước tình cảnh vô cùng nguy khốn và cấp bách đó ông đích thân quy nạp ghe thuyền và cùng với sự trợ giúp đắc lực nhân dân địa phương và các Tăng ni tín đồ thị xã Gò Công, trực tiếp cứu sống được rất nhiều người đang bị nước cuốn trôi. Suốt một tháng sau đó có khoảng gần năm mươi xác người chết trôi được đem về mai táng và được ông làm lễ cầu siêu trong vòng bốn mươi chín ngày liền.

Uy tín và tên tuổi của ông ngày càng lan xa và chùa Phi Lai trở thành nơi gặp gỡ bí mật của các nhà cách mạng yêu nước thời bấy giờ. Trong số đó có cuộc hội ngộ giữa Phan Bội Châu và ông vào năm Quý Mão (1903). Ông từng căn dặn Phan Bội Châu rằng: ...Phàm muốn làm việc gì bí mật, có bàn bạc với nhau, chỉ nên ở giữa trời xanh, ngày trắng, hoặc ở đồng trống đường to, không nên ở chỗ đêm khuya, nhà kín, tai mắt mình không thể phòng được xa, chỉ làm thêm cơ hội những ai muốn rình xét...

Vào tháng hai năm 1904, có cuộc gặp gỡ giữa ông và Cường Để tại Quảng Nam. Trong lần gặp gỡ này, ông đảm nhận nhiệm vụ về Nam hoạt động hỗ trợ cho phong trào yêu nước chống thực dân Pháp. Ông quả thật là một bần tăng một lòng vì nước vì dân.

Một đêm ông nằm mơ thấy ông lão đến dâng đồ tang phục, ông biết là điềm cốt nhục chia ly, vội vã về quê thăm thân mẫu, thì bà cụ đã qua đời nhằm ngày 15 tháng 12 năm 1904 âm lịch. Ông đã ở lại đến chung thất rồi từ giã hương thân phụ lão trở lại chùa Phi Lai.

Trận thiên tai lũ lụt tại vùng đồng bằng sông Cửu long vào mùa mưa năm 1907, trong đó có tỉnh Châu Đốc đã làm tổn thất thiệt hại mùa màng nặng nề, nạn đói kém lan tràn khắp nơi. Vì lòng từ bi và xả thân vì chúng sinh ông đã đứng ra hô hào kêu gọi sự giúp đỡ khắp nơi và đem cả lương thực của chùa ra phân phát cho các người gặp nạn. Thêm vào đó, ông còn đốc thúc ghe xuồng cứu vớt và nuôi dưỡng khoảng 500 nhân mạng của làng Tú Tề tị nạn lên núi và ở ngay trong chùa, chờ cho đến khi nạn lụt lội qua khỏi. Ông còn lập đàn Dược Sư 49 ngày cầu cho mưa thuận gió hòa, phát nguyện tịch cốc, chỉ ăn rau trái, suốt 12 năm liền để chịu khổ thay cho dân. Sau sự kiện này, tên tuổi và đức độ của ông càng được nhiều người biết đến.

Năm Đinh Tỵ (1917), sau vụ ông Bảy Do - chưởng giáo Nam Cực Đường bị bắt, vì ở gần núi Cấm nên Pháp nghi ngờ ông có liên lạc với Bảy Do cùng với việc ông ngày càng được lòng tin của quần chúng, nên bị mật thám Pháp theo dõi và vu cho là làm quốc sự. Chúng trở nên điên cuồng và bắt giam ông tại khám lớn Sài gòn hơn mười tháng trời. Chúng tìm đủ mọi cách để bắt buộc ông chỉ điểm các tổ chức kháng chiến chống Pháp trong vùng và hứa sẽ tha ngay. Nhưng ông một mực từ chối và đã trả lời rằng: "Nếu người Pháp không thả thì ở trong khám tôi vẫn tu", nhưng sau thấy không đủ chứng cớ nên đành phải thả ông ra. Chính quyền Thực dân còn bắt ông đắp con lộ từ chợ Doi ra tới ngã ba, cho lính canh gác hằng ngày, thậm chí còn cho người giả vờ đi tu để theo dõi ông ... , nhưng với tài trí khôn khéo và lòng kiên trì ông đã vượt qua được mọi cạm bẫy của quân thù.

Có cốt tượng Phật cổ bằng vàng ở chùa Tà Lạp, báo mộng cho ông Lục cả đòi về chùa Phi Lai, các ông Lục bèn tìm cách thử ông bằng cách bỏ thuốc độc vào một trái dừa và mời xem ông có dám uống hay không, ông hiểu ý các ông Lục nên âm thầm uống thuốc giải độc rồi ngang nhiên uống nước dừa. Vì nể phục ông nên các đức Sãi cả chùa Tà lạp Cao Miên hội đồng lại tổ chức một cuộc lễ rất long trọng, đông đảo như sau: mấy ông Lục cả cỡi voi, Lục nhỏ đi bộ, có giàn nhạc theo nghi lễ của Cao Miên, cả hai sốc dân Cao Miên đều đưa theo đến chùa Phi lai, đến trước sân làm lễ đi quanh chùa ba vòng rồi mới đem dâng tượng Phật vào chính điện. Điều này càng chứng tỏ sự khôn ngoan và đức hạnh to lớn của ông.

Bằng những hành động cụ thể ông đã dốc lòng tích cực tham gia vào thời kỳ đầu phong trào chấn hưng Phật giáo thời bấy giờ. Vào năm Đinh Mão (1927) ông tham dự buổi lễ khai giảng lớp học cho các Ni tại chùa Giác Hoa ở tỉnh Sóc Trăng- đây là trường Ni đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ. Năm Kỷ Tỵ (1929) ông tham gia lễ Đại giới đàn chùa Trùng Khánh tại Phan Rang.

Năm Nhâm Thân (1932), sư Khánh Hòa cổ xúy phong trào chấn hưng Phật giáo thành lập hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học, ông tham gia ủng hộ 300 đồng bạc và vận động khuyến khích Phật tử khắp nơi tích cực ủng hộ hội.

Một năm sau, vào năm Quí Dậu (1933), ông đột ngột lâm bệnh và qua đời vào ngày rằm tháng hai năm ấy, hưởng thọ 73 tuổi, để lại bao nhiêu thương tiếc cho người đời.

Có thể nói rằng cuộc đời ông là cuộc đời của một bậc đại ẩn, bởi sau cái chết đầy oan khuất của ông nội, tướng quân Nguyễn Văn Thành, gia đình ly tán không dám khai tên thật để tránh sự truy đuổi của kẻ thù. Vua Tự Đức vừa minh oan cho Tiền quân Thành nên trọng dụng con cháu của Đức Tiền Quân ra làm quan. Hưởng lộc vua không được bao lâu, nhưng với trách nhiệm của người con khi vận nước lâm nguy, ông từ bỏ chức tước, tham gia khởi nghĩa và gia đình ông lại một lần nữa ly tán. Ông vào Nam mà trong lòng ngổn ngang trăm bề. Là một đấng trượng phu trông rộng nhìn xa, vừa là dòng dõi nhà quan và do nhận rõ được thực trạng lúc bấy giờ, nên ông đã vạch ra cho mình một lối đi rất riêng. Ẩn mình dưới bóng một vị chân tu, ông xông pha giữa cuộc đời nào kém thua ai, lý luận không nhiều mà ông làm thì thật nhiều điều hữu ích.

Đức pháp sư Phổ Huệ ở chùa Tịnh Lâm, Bình Định, đến ở chùa Phi Lai hơn tháng, để thụ trì kinh Hoa Nghiêm được biết tung tích ông rồi nói: "Hòa thượng Phi Lai thật là người hay chữ, nhưng vì hoàn cảnh mà phải dấu thân, nên có đưa ra bài thơ, câu đối gì Hòa thượng nói dối rằng "nằm chiêm bao...hoặc tiên xuống cho"".

Xin chép vài bài thơ mà người ta tặng cho:

"Đương thế Phi Lai chấn đạo tôn,

Chí Thành khí sắc cổ phong tồn,

Phong lưu bất tấy tâm thường tịnh

Diệu nghĩa năng tham tự tánh dung

Vân khứ vân lai vô trú trước

Hoa khai hoa tạ tổng thành không

Phong quan hảo cực tư thời tặng

Sa nhược linh san lạc bất dung!"

Chùa Tịnh Lâm,tỉnh Bình Định

Pháp Sư Phổ Huệ tặng.

Phi kinh trượng cước xả phàm thân

Y bát tương truyền bổn tánh chân

Đại đức quảng khai thanh tịnh lộ

Chí Thành phồ hóa hải sơn nhân

Kim thân tố hội liên hoa tọa

Ngọc điện huy hoàng động vũ tân

Công đức khả gia xưng Bồ tát

Thanh san bất lão biến từ vân

Ngự Khuê, tỉnh Vĩnh Long

Tống tịnh trai tặng.

Vứt áo bao xanh đến cửa không

Tu trì một niệm mấy thu đông

Sáu mươi tuổi trời cho thọ

Bốn chục năm dư Phật biết lòng

Đỉnh đức cao xây non Bà Khét

Nguồn ân xa chảy nước nước Gò Công

Chấp tay chúc chữ vô cương thọ

Khua tỉnh hồn mê khách bụi hồng

Tác giả cuốn "ngọn đuốc cửa thiền"

Bằng những hoạt động bí mật trong việc giúp đỡ các phong trào yêu nước chống Pháp, bằng đức độ, bằng sức học bác uyên thâm cùng với tinh thần xả thân vì chúng sinh, Tổ Phi Lai đã cảm hóa và thu phục được rất nhiều lòng người xuất gia học đạo, góp phần phát triển nền Phật giáo Việt Nam. Sau cùng cũng là để đạt đến mục đích chung là chống lại ách đô hộ của thực dân Pháp trên lãnh thổ Việt Nam.

Chùa Phi Lai - Châu Đốc

Bảo tháp chùa Phi Lai

Bia đá có khắc tên và trạm hình Đức Hòa Thượng trên Bảo tháp chùa Phi Lai, tỉnh Châu Đốc

Chánh điện
0