“Một cậu bé lang bạt và tài hoa, rất lạng mạn và cũng rất sớm quyết liệt trong cuộc sống.”
“Một con người vừa rất giản dị, bình thường, không chút tham vọng danh lợi trong cuộc đời, vừa không thể chịu được cái trung bình, dường như luôn bị giằng xé, tự giằng xé giữa cái bình dị và cao cả, cao siêu.”
Có những con người mà cuộc đời và sự nghiệp của họ mỗi lần có dịp nhìn lại, ta vẫn luôn tìm được những điều mới lạ. Và trong số ít những con người như thế có Nguyễn Thi, nhà văn mặc áo lính, người lính viết văn. Nhắc đến Nguyễn Thi, người ta không quên nhắc đến một nhà văn đã sống, chiến đấu và sáng tác như một người chiến sĩ – nghệ sĩ.
Cuộc đời nhà văn được biết đến như một cuốn tiểu thuyết hiện đại mà không ai khác chính ông vào vai nhân vật chính. Cậu bé quê Nam Định với một cuộc đời bất hạnh, đa đoan, trải nhiều thăng trầm mà vẫn lập được sự nghiệp hiển hách. Hơn thế, ở Nguyễn Ngọc Tấn - Nguyễn Thi, những tình tiết đó xuất hiện với màu sắc đậm nhất, trong cấp độ cực đoan nhất. Hiếm, hậu thế chắc sẽ hiếm, mà cả đương thời cũng rất hiếm nhà văn có một tiểu sử hội tụ nhiều đến thế những tình huống được coi là điển hình của một kiếp người trong thời kỳ đất nước có những chuyển động vĩ đại. Nguyễn Thi tên thật là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày 15-5-1928 tại xã Quần Phương Thượng, Hải Hậu, Nam Ðịnh. Cha ông là hương sư Nguyễn Bội Quỳnh, sau bị thải hồi vì những hoạt động yêu nước và Cách mạng. Mẹ là bà Thành Thị Du (vợ hai). Khi cảnh gia đình sa sút, phải sống trong hoàn cảnh thật éo le, nơm nớp lo sợ những trận đòn ghen từ người vợ cả. Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Hoàng Ca là những ngày tháng bất hạnh, đau khổ, có lúc phải tự kiếm sống như một đứa trẻ lang thang. Tháng 10-1930, sau cao trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, lúc đó mới bập bẹ, không biết cậy nhờ ai, ông đã phải theo mẹ vào tù cả nửa năm. Lên 9 tuổi mồ côi cha, mẹ phải đi bước nữa. Hận mẹ , ông thực sự bước vào chặng đời phiêu bạt: Ăn nhờ ở đậu nhiều gia đình bà con xa gần hết Nam Định lại Hà Nội. Tham gia một gánh hát đồng ấu đi lang thang nhiều tỉnh phía Bắc. Mười lăm tuổi, di trú vào Sài Gòn, ở nhờ anh trai con bà cả, ông có dịp học vẽ, đàn, ca, đọc sách. Và hình thành nên tính cách mạnh mẽ quyết liệt trong tâm hồn của cậu bé chịu quá nhiều tổn thương trong cuộc sống.
Giữa hỗn loạn một thành phố lớn thời trước và sau tháng Tám năm 1945, nhờ bản năng yêu nước, ông đã sớm chọn được con đường theo Cách mạng, để tìm cho mình một chân trời mới. Từ một thiếu niên không nghề nghiệp, lang bạt kiếm sống khắp nơi, bắt gặp và được Cách mạng thức tỉnh, đưa vào đội ngũ, trở thành người chiến sĩ cầm súng rồi thành nhà văn là cả một chặng đường có lúc như là huyền thoại. Nguyễn Hoàng Ca vào Nam Bộ kháng chiến, thất lạc gia đình, ông tham gia du kích rồi vào bộ đội, làm trinh sát trong đơn vị quân cảm tử. Những năm tháng trong chiến đấu gian khổ ác liệt mà năng khiếu cầm kỳ thi họa của ông được sử dụng và phát triển triệt để. Những năm chống Pháp ở Nam Bộ, ông lần lượt được đề bạt từ cán bộ chính trị tiểu đội đến chính trị viên đại đội, được kết nạp Đảng và tham gia nhiều trận đánh.
Năm 1954 Nguyễn Hoàng Ca, trong buổi liên hoan văn nghệ trước khi vào một trận đánh lớn, ông đã gặp một cô gái Sài Gòn đệm đàn phong cầm cho ông ca. Mối tình giữa người lính chiến với cô gái Sài Gòn được vun đắp qua nhiều đợt gặp sau những trận chiến đấu khốc liệt trên đất Nam Bộ và cả Campuchia. Tết 1954, họ chính thức thành vợ chồng. Mối thù đất nước nặng nề luôn thôi thúc ý chí cứu nước của người anh hùng Nguyễn Hoàng Ca. Đầu năm 1962, ông quyết tâm đòi trở lại chiến trường miền Nam bằng được. Nhưng số phận bất hạnh khiến nhà văn phải nằm lại nơi chiến trường trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ngày 10-5-1968. Đến nay hài cốt của ông vẫn chưa được tìm thấy.
Nhắc đến Nguyễn Thi, người ta không quên nhắc đến một nhà văn đã sống, chiến đấu và sáng tác như một người chiến sĩ – nghệ sĩ. Nhà văn Nguyễn Thi đã từng viết: “Trước khi trở thành nhà văn, tôi đã là người lính, nếu gặp lúc gay go tôi có thể cho cây bút vào túi áo, tay cầm súng và bóp cò. Tôi cần cái không khí của chiến dịch, những cái mà mắt tôi nhìn được, tai tôi nghe được. Trước sự kiện lịch sử trọng đại như thế này, nhà văn không thể đứng ngoài mà ngó…”
Suốt những chặng đầu sáng tác, Nguyễn Thi với bút danh là Nguyễn Ngọc Tấn sáng tác nhiều thể loại truyện như bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Đặc điểm sáng tác chủ yếu của NGuyễn thi là lấy nguồn cảm hứng từ hiện thực nóng bỏng, ác liệt ở mặt trận miền Đông – Nam Bộ.Nhân vật chủ yếu viết thành công nhất về người nông dân Nam Bộ. Trong mỗi tác phẩm của mình mỗi nhân vật đều thể hiện bản chất hồn nhiên, yêu đời lạc quan, bộc trực, căm thù giặc sâu sắc và tín nghĩa.
Nguyễn Thi là một con người trầm lặng và có cá tính mạnh liệt, là thế hệ nghệ sĩ dấn thân trong chiến trường cách mạng. Tư tưởng của anh bị hấp dẫn bởi lý tưởng cao cả, đuổi theo những giá trị sống chân chính (thế hệ) cộng với ý thức cá nhân. Đó là lòng tự trọng của một con người sống trong thời đại bão táp của chiến trường lịch sử của đất nước. Bởi thế, quan điểm nghệ thuật chung trong các sáng tác của Nguyễn Thi cũng khá nổi bật. Theo ông, đó phải là sự chuẩn bị về tư liệu, về vốn sống. Ông luôn quan niệm rằng một nhà văn chuyên nghiệp phải trải nghiệm đời sống hiện thực của xã hội hiện tại. Đó là ý thức của một nhà viết văn chuyên nghiệp, coi trọng sự trải nghiệm và coi trọng chi tiết. Đối với ông, truyện mà không có chi tiết đặc sắc thì nhợt nhạt ngay cả tác giả cũng không muốn đọc. Những năm sống của Nguyễn Thi không chỉ là những tháng ngày trên chiến trường như một người chiến sĩ anh dũng, kiên cường mà còn là một nhà văn, một người cha của những tác phẩm văn học cách mạng.Có thể nói, hành trình sáng tác văn học của Nguyễn Thi là những chuỗi ngày gắn liền với đời người lính. Từ năm 1946 – 1954: ông hoạt động chủ yếu ở Nam Bộ, chủ yếu hoạt động xã hội, tuyên truyền văn nghệ và sáng tác thơ ca. Tác phẩm tiêu biểu trong giai đoạn này là Hương đồng nội. Đến năm 1955 Nguyễn Thi hoạt động ở Tạp chí văn nghệ quân đội, nơi góp phần không nhỏ tới sự phát triển tài năng của ông. Thời kì này ông tập trung viết văn xuôi, những tác phẩm văn xuôi giải phóng mà nói như Nguyễn Mình Châu là các tác phẩm “thường ra đời cùng với các bản tin chiến sự”. Trong giai đoạn này ông đặc biệt thích đi vào phân tích tâm lý nhân vật với cái nhìn sắc sảo, tinh tế; ngôn ngữ đa dạng, phong phú, tự nhiên mà sức mạnh biểu đạt lớn. Những năm 1962- 1968, khi hoạt động chủ yếu ở miền Nam bút danh là Nguyễn Thi, ông chủ yếu tập trung sáng tác truyện ngắn. Những truyện ngắn của ông hấp dẫn ở cốt truyện (có xu hướng mở hóa, ít sự kiện, tăng cường chi tiết, cốt truyện vận động và theo mạch phát triển tâm lý), những nhân vật trong câu chuyện của ông có tính cách độc đáo cá tính và có sự phi điển hình hóa.