Bùi Hiển (22 tháng 11 năm 1919 - 11 tháng 3 năm 2009) là một nhà văn Việt Nam, từng tham gia cộng tác với nhóm Tự Lực văn đoàn. Ông nổi tiếng trên văn đàn Việt Nam với tác phẩm Nằm vạ (1941) khi mới 22 tuổi.
Bùi Hiển sinh tại làng Phú Nghĩa Hạ, nay là xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Vốn sinh trưởng trong một gia đình khá giả, ông sớm được tiếp xúc với văn hóa Pháp, chịu ảnh hưởng nhiều của nhóm Tự Lực văn đoàn.
Thời trẻ, Bùi Hiển theo học trường quốc học Vinh (nay là trường Huỳnh Thúc Kháng). Ông ở trọ cùng nhà với một người bạn mê đọc văn học Pháp, tên là Hồ Phi Thức. Ông Hồ Phi Thức thường thức rất khuya đọc sách. Dần dần Bùi Hiển cũng mê lây thói quen đọc sách văn học của Hồ Phi Thức. Trong thời gian này, văn học Việt Nam đang cách tân mạnh mẽ và nở rộ với nhiều sắc thái mới mẻ. Bùi Hiển hăm hở tìm đọc Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam, Thế Lữ, Khái Hưng, Vũ Trọng Phụng...
Tốt nghiệp trung học, Bùi Hiển đi làm công chức và lúc rảnh rỗi vào buổi tối bắt đầu viết văn. Khởi đầu sự nghiệp văn chương, ông đăng các truyện ngắn trên tạp chí Hà Nội tân văncủa Vũ Ngọc Phan như Nằm vạ (1940), Mạ đậu (1940), Chiều sương (1 tháng 3 năm 1941), Thuốc độc (24 tháng 4 năm 1941)... Truyện Nằm vạ đăng trên báo Ngày nay tháng 9 năm 1940 là truyện đầu tiên được in của Bùi Hiển, có lời giới thiệu của Thạch Lam. Trong cuốn hồi ký Những năm tháng ấy, Vũ Ngọc Phan viết: "Những cộng tác viên đầu tiên của tờ báo (Hà Nội tân văn) là Lưu Trọng Lư, Ngô Tất Tố, Trọng Lang (tức Trần Tán Cửu), Đỗ Đức Thu, Nguyễn Tuân, Hằng Phương, Thiết Can và về sau có thêm Thanh Tịnh, Bùi Hiển, Mạnh Phú Tư, Tô Hoài... Bùi Hiển được bạn đọc chú ý từ những truyện về phong tục, về mê tín dị đoan của người dân quê xứ Nghệ". Năm 1941, Bùi Hiển xuất bản tập truyện ngắn Nằm vạ qua nhà xuất bản Đời nay của Khái Hưng ở Hà Nội. Tập truyện ngắn nhanh chóng nổi tiếng, đặc biệt với truyện ngắn cùng tên.
Năm 1944, ông tham gia cách mạng. Theo lời ông kể thì "khoảng cuối năm 1944, qua sự giới thiệu của một anh bạn công chức, tôi gia nhập Thanh niên cứu quốc bí mật (Tô Hoàitrong bài nào đó nhớ nhầm là tôi vào Ðảng Dân chủ). Một trong những "công tác cách mạng" đầu tiên là sắm một con dao găm. Nhưng cũng chẳng được luyện tập võ nghệ gì. Và cũng không thấy ai đến tuyên truyền huấn luyện về chính trị. Chỉ thỉnh thoảng một cuộc họp ngắn và bí mật, truyền đạt tin tức về khí thế Việt Minh ở các nơi và nhắc nhở việc sẵn sàng "chiến đấu hi sinh cứu nước".
Trong suốt giai đoạn 1945 đến 1960, ông tham gia công tác văn nghệ, giữ chức chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh Nghệ An, nhưng ít sáng tác, một phần thời gian dành cho công tác dịch thuật.
Năm 1956, ông giới thiệu tuyển tập truyện ngắn, dịch của Anton Antonov. Năm 1957, ông gia nhập Hội nhà văn và giữ cương vị Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam liên tục các khóa I (1958-1961), II (1962-1972), III (1973-1982).
Năm 1975, ông là trưởng đoàn Hội nhà văn theo chân quân đội miền Bắc Việt Nam vào Huế và Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi vào Huế, ông đã chấp thuận giải tán đoàn để các văn nghệ sĩ có thể tự vào sâu hơn [3].
Sau 1975, ông tiếp tục công tác trong Hội nhà văn Việt Nam và giữ chức chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa IV.
Năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm Bạn bè một thuở, Tuyển tập Bùi Hiển, Ánh mắt, Ngơ ngẩn mùa xuân.
Ông qua đời lúc 7 giờ ngày 11 tháng 3 năm 2009, thọ 91 tuổi.
Các tác phẩm
- Nằm vạ (truyện ngắn, 1940)
- Mạ đậu (truyện ngắn, 1940)
- Chiều sương (truyện ngắn, 1941)
- Thuốc độc (truyện ngắn,1941)
- Nằm vạ (tập truyện ngắn, 1941)
- Tuyển tập truyện ngắn, Antonov (dịch, 1956)
- Ánh mắt (truyện, 1961)
- Trong gió cát (truyện ký, 1965)
- Đường lớn (truyện, 1966)
- Những tiếng hát hậu phương (truyện, 1970)
- Hoa và thép (truyện, 1972)
- Một cuộc đời (truyện, 1976)
- Ý nghĩ ban mai (truyện, 1980)
- Tâm tưởng (truyện, 1985)
- Ngơ ngẩn mùa xuân (truyện, nhà xuất bản Đồng Nai, 1995)
- Hai mươi lăm truyện ngắn 1940 - 1995 (1996)
- Tuyển tập Bùi Hiển (tập I, 1987; Tập II, 1997)
- Hướng về đâu văn học (tiểu luận, 1996)
- Những người yêu nữ thần biển, nhiều tác giả (dịch, 1993)
- Những truyện ngắn phương Đông, Marguerite Yourcenar (dịch, 1996)
- Bản di chúc Pháp, Andrei Makine (dịch, 1998)
- Bạn bè một thuở (chân dung văn học, 1999)
Nguồn: http://vi.wikipedia.org/